Zorba đã bán được khu rừng và có tiền trả lại ông chủ đồng thời tiếp tục công trình xây dựng hệ thống cáp treo để chuyển than bùn xuống cảng biển. Họ tổ chức một lễ khởi công rất chu đáo.
Trích:
Ông chủ nói:
“- Ngày hôm nay như thế là quá đủ rồi. Ngày mai chúng ta sẽ phải tổ chức một cuộc lễ quan trọng: Trồng cây trụ đầu tiên. Tôi đã cho mời giáo trưởng Stephanos tới.
– Ông làm vậy phải lắm, ông chủ, không đến nỗi tệ. Ðể lão tới, để lão tư tế râu dê đó tới, để cả đám hương mục trong làng tới đây nữa; chúng ta sẽ phân phát cho họ những ngọn đèn cầy nhỏ và họ sẽ thắp lên. Những việc như thế này rất dễ kích động và có lợi cho công việc của chúng ta. Ðừng để ý tới những việc tôi làm; tôi có một Thượng Ðế riêng và một con quỉ riêng. Nhưng những kẻ khác…
Hắn cất tiếng cười. Hắn không ngủ được. Ðầu óc hắn sôi nổi. Lát sau hắn nói:
– A, Nội ơi, chúc nội an giấc ngàn thu! Ông tôi cũng là một lão dâm đãng, hệt như tôi vậy. Tuy nhiên, lão du côn đó đã tới Thánh Mộ và đã trở thành một hadji. Có Chúa biết tại sao!
Khi lão trở về làng, một ông bạn nối khố của lão, một gã chuyên ăn trộm dê, một kẻ chưa từng làm một việc gì đứng đắn trong đời, bảo lão: “Sao, bạn già, anh không mang về cho tôi một mẩu Thánh Giá ở Thánh Mộ sao? – Sao anh biết là tôi không mang gì về cho anh? Ông nội quỉ quái của tôi nói. Anh tưởng tôi quên anh sao? Tối nay tới nhà tôi và dẫn lão tư tế lại để lão ban phước lành cho và tôi sẽ trao lại cho anh. Mang thêm một con lợn sữa quay nữa, và rượu, tối nay chúng ta tổ chức tiệc mừng”.
“Tối hôm đó ông trở về và cắt ở cánh cửa đã hoàn toàn mục nát ra một miếng gỗ, không lớn hơn một hạt gạo, bọc trong một nắm bông, giỏ lên hai ba giọt dầu và chờ đợi. Lát sau, người bạn đó tới cùng lão tư tế, con lợn sữa và rượu. Lão tư tế lấy khăn choàng cổ ra và ban phước lành. Cuộc lễ trao gỗ quí chấm dứt, sau đó cả ba ngấu nghiến con lợn sữa. Ông muốn tin tôi hay không tùy ý ông chủ! Gã du côn quì xuống trước miếng gỗ cửa sau đó gã đeo ở cổ, từ hôm đó, gã trở thành một người khác. Gã thay đổi hoàn toàn. Gã lên núi nhập bọn với tụi Armatoles và Klephts, gã đốt những làng mạc Thổ Nhĩ Kỳ. Gã xông xáo một cách gan dạ giữa những trận mưa đạn. Tại sao gã phải sợ hãi nhỉ? Gã đã có một miếng Thánh Giá lấy từ Thánh Mộ trên mình, không súng đạn nào đụng tới gã được.”
Zorba phá cười lên. Hắn nói:
– Tư tưởng là tất cả. Ông có đức tin? Lúc đó một miếng cửa mục trở thành thánh tích. Ông không có đức tin. Toàn thể Thánh Giá trở thành một cánh cửa mục.
Tôi thán phục người đàn ông này mà đầu óc vận động xiết bao quả quyết và liều lĩnh, và tâm hồn, bất cứ chỗ nào người ta đụng tới, đều tóe lửa.”
*
Nhưng không phải Zorba chỉ chế nhạo tôn giáo. Hắn châm biếm cà những thứ tình cảm mà con người thường cho là thiêng liêng kể cả lòng ái quốc. Hắn đã từng là một chiến binh Hy Lạp chống lại quân Bảo Gia Lợi (Bulgary), hắn chiến đấu say sưa, hắn bắn giết và ám sát. Nhưng khi đã đi đến tận cùng những thứ đó thì hắn xả bỏ tất cả.
Đức Phật phải suy niệm nhiều năm trên bồ đoàn mới tìm ra chân lý của sự xả bỏ và đi đến giải thoát. Đó là diệt dục và vô ngã. Đó là sự rỗng không.
Nhưng Zorba có cách của lão. Lão không diệt dục. Lão không tìm cách đè bẹp dục vọng.
Thời điểm lão sống chưa có Osho nhưng cách nghĩ của lão nhà quê thất học này lại giống hệt vị giáo sư đại học Ấn Độ tên là Osho, một nhà thuyết giảng lừng lẫy và mê mẩn Zorba như điếu đổ.
Osho nói: “Không thể lấy đá đè cỏ, vì chỉ cần nhấc đá ra, cỏ sẽ mọc mạnh mẽ hơn”.
Zorba không lấy đá để đè cỏ. Lão để cho cỏ mọc tràn lan, chán chê rồi tàn lụi. Zorba từng kể câu chuyện thời bé cậu ta thèm ăn trái anh đào nhưng bị mẹ ngăn cấm vì không có tiền mua. Bữa nọ thằng bé ăn cắp tiền mẹ, mua nguyên một rổ anh đào, trốn ra bờ suối và ăn cho đến khi chán chê, ói thốc tháo. Từ đó thằng bé không còn nghĩ đến trái anh đào nữa. Đó là cách “diệt dục” của hắn.
Về mặt tư tưởng cũng vậy. Thời trai trẻ hắn bị mắc kẹt trong những thứ đạo đức khuôn mẫu mà mọi người – kể cả hắn – đều cho là tốt đẹp, là thiêng liêng. Hắn đã sống và chiến đấu hết mình cho những thứ thiêng liêng ấy. Giống hệt như cậu bé ăn trái anh đào. Hắn ngụp lặn trong tình yêu tổ quốc. Cho đến một ngày kia, hắn kể:
Trích:
“Tôi, người đang nói với ông đây, thường lang thang trong những rặng núi đá ở Maccedonia với Pavlos Melas – lúc đó tôi là một gã khổng lồ, cao hơn cả lều này, với váy ngắn, mũ fez đỏ, đồ trang sức bằng bạc, bùa hộ mệnh, Yataghan, bao đạn và súng lục. Tôi trang bị đầy sắt, bạc và đinh. Khi tôi đi, nó phát ra tiếng kêu xoang xoảng như cả một đạo quân xuống phố! Này, nhìn đây! Nhìn đây!
Hắn cởi áo chemise và tụt quần xuống.
– Ðem đèn lại đây! Hắn ra lệnh.
Tôi mang đèn lại gần tấm thân gầy gò và rám nắng: với những vết sẹo sâu hoắm, vết đạn và những lát kiếm, thân thể hắn đúng là một cái rá lọc.
Trích tiếp:
“Ðoạn tôi vác súng lên đường! Tôi đi vào chiến khu như một giải phóng quân comitadji. Một hôm, vào lúc nhọ mặt người, tôi vào một làng Bảo-Gia-Lợi và nấp vào một chuồng bò. Ðó chính là nhà của một tên tư tế, một tên biệt động quân comitadji khát máu, dã man. Ban đêm, hắn cởi bỏ áo thầy tu, mặc quần áo kẻ chăn chiên, đeo khí giới và xâm nhập những làng Hy Lạp lân cận. Hắn trở về trước khi trời sáng, gọt sạch bùn và máu và vội vã đến nhà thờ đọc lễ Mi-sa cho tín đồ. Trước đó mấy hôm hắn đã giết một giáo viên Hy Lạp đang ngủ trong giường. Bởi vậy tôi vào chuồng bò tên tư tế, nằm trên đống phân, sau hai con bò và chờ đợi. Vào lúc sẩm tối, tên thầy tư tế vào chuồng bò cho mấy con vật của hắn ăn. Tôi chồm lên hắn và chọc tiết hắn như chọc tiết một con cừu, cắt tai hắn bỏ vào túi. Tôi sưu tầm tai Bảo-Gia-Lợi, ông rõ chưa; bởi vậy tôi lấy tai tên thầy tư tế và tẩu thoát.
“Mấy hôm sau tôi trở lại chính làng đó, giữa trưa, giả dạng làm một người bán hàng rong. Tôi giấu vũ khí trong núi và tôi xuống làng mua bánh, muối và giầy cho các đồng chí của tôi. Trước một căn nhà, tôi trông thấy năm đứa con nít mặc quần áo đen, đi chân đất nắm tay nhau đi ăn xin. Ba đứa con trai. Ðứa lớn nhất không quá mười tuổi, đứa nhỏ nhất, hãy còn ẵm. Ðứa con gái lớn ôm nó trong tay, hôn nó và nựng nó để nó khỏi khóc. Tôi không hiểu tại sao và có lẽ do thiên khải, tôi lại gần chúng: “Các cháu là con cái nhà ai? Tôi hỏi chúng bằng tiếng Bảo-Gia-Lợi.
“Ðứa con trai lớn nhất ngẩng cái đầu nhỏ bé lên: “Con thầy tư tế mà người ta cắt cổ hôm nọ trong chuồng bò,” nó trả lời.
“Nước mắt tôi giàn giụa. Trái đất quay cuồng như cái chong chóng. Tôi dựa lưng vào tường và nó ngừng lại. ‘Lại đây, các cháu, tôi nói, lại gần đây.’”
“Tôi lần thắt lưng móc túi tiền ra; nó đầy tiền Thổ Nhĩ Kỳ, medjidie. Tôi quì xuống và đổ hết tiền trên mặt đất. ‘Này, lấy đi! Tôi la, lấy đi! Lấy đi!’”
“Những đứa trẻ ngồi thụp xuống đất và lượm những đồng tiền Thổ và medjidie. ‘Cho các cháu đó, cho các cháu đó! Tôi la, lấy hết đi!’”
“Ðoạn tôi để lại cho chúng cái giỏ với tất cả những thứ tôi đã mua: ‘Tất cả những cái này nữa, cho các cháu đó! Lấy tất cả đi!’”
“Và tôi chuồn thẳng. Tôi chạy ra khỏi làng, cởi áo chemise ra, nắm lấy nhà thờ Saint-Sophia tôi đã thêu, xé ra từng mảnh, tung lên trời và vắt giò lên cổ chạy.
… Zorba tựa vào vách và quay lại nhìn tôi, hắn nói:
– Tôi được giải thoát như vậy đó.
– Giải thoát khỏi tổ quốc?
– Vâng, khỏi tổ quốc, hắn nói bằng một giọng quả quyết và trầm tĩnh.
Rồi một lát sau:
– Giải thoát khỏi tổ quốc, giải thoát khỏi thầy tu, giải thoát khỏi tiền bạc. Tôi gạn lọc. Càng ngày tôi càng gạn lọc kỹ. Tôi làm nhẹ gánh nặng của tôi bằng cách đó. Tôi ghê tởm tôi. Làm sao nói cho ông hiểu? Tôi tìm thấy sự giải thoát của chính tôi, tôi trở thành một người đàn ông.
Cặp mắt Zorba long lanh, cái miệng rộng của hắn cười một cách mãn nguyện.
Sau khi im lặng một lát, hắn lại tiếp tục nói. Tâm hồn hắn tràn trề, hắn không thể chỉ huy được nó nữa.
– Có một thời tôi thường nói: người này là một tên Thổ Nhĩ Kỳ, một tên Bảo-Gia-Lợi, người kia là một người Hy Lạp. Vì tổ quốc, tôi đã làm những điều khiến ông phải dựng tóc gáy lên, ông chủ. Tôi đã cắt cổ người ta, trộm cướp, đốt phá làng mạc, hãm hiếp đàn bà con gái, giết trọn nhiều gia đình. Tại sao? Vì họ là dân Bảo Gia Lợi hay Thổ Nhĩ Kỳ. “Ghê! Cút xéo đi! Quân thô bỉ!” Ðôi khi tôi rủa thầm tôi như vậy: “Cút xéo đi, quân đê tiện!” Ngày nay tôi nói: người nầy là một người chính trực, kẻ kia là một tên chó đẻ. Hắn có thể Bảo Gia Lợi, Thổ Nhĩ Kỳ hay Hy Lạp điều đó không quan trọng. Hắn tử tế hay xấu xa? Ðó là điều duy nhất tôi thắc mắc ngày hôm nay. Và bây giờ già cả, tôi xin thề có miếng bánh cuối cùng mà tôi ăn, tôi cảm thấy dường như tôi sẽ không thắc mắc về điều đó nữa. Dẫu hắn tử tế hay xấu xa, tôi cũng thương hại hắn, thương hại tất cả mọi người. Khi tôi trông thấy một người, dầu tôi làm bộ tỉnh bơ như kẻ coi trời bằng vung, tôi vẫn dứt từng khúc ruột. Kìa, gã đáng thương kia, tôi nghĩ thầm, gã cũng ăn uống và làm ái tình, gã cũng sợ hãi, dù gã là ai: gã cũng có Thượng Ðế và ma quỉ của gã, và gã cũng sẽ ngoẻo củ tỏi và nằm cứng đơ dưới ba tấc đất và làm mồi cho dòi bọ. Thật khốn khổ! Anh em bốn bể một nhà; anh em bốn bể làm quà cho sâu!”
“Và nếu đó là một người đàn bà, thì tôi muốn khóc lòi con mắt ra. Các hạ không ngừng chế nhạo tôi sao quá yêu thương đàn bà. Tại sao ông lại muốn tôi không yêu thương họ khi họ chỉ là những sinh vật yếu đuối chẳng hiểu điều mình làm và chịu trận tức thì khi ta vừa túm được một bên vú nàng?”
“Một lần khác tôi vào một làng Bảo Gia Lợi. Một tên Hy Lạp, một hương mục trong làng, thấy tôi. Tên khốn kiếp đó tố giác tôi và chúng vây căn nhà tôi ở trọ. Tôi leo qua sân thượng và truyền từ nóc nhà nọ qua nóc nhà kia như con mèo. Nhưng trăng lên, chúng nhìn thấy bóng tôi. Chúng leo lên nóc nhà và bắt đầu bắn như mưa bấc. Phải làm sao bây giờ? Tôi nhẩy xuống một cái sân và thấy một người đàn bà Bảo Gia Lợi đang ngủ. Nàng nhỏm dậy, phong phanh trong tấm áo ngủ, thấy tôi định mở miệng la lên, nhưng tôi giơ tay ra nói khẽ: ‘Làm ơn! Làm phúc! Ðừng kêu!’ Và tôi chụp lấy ngực nàng. Nàng tái xanh và muốn ngất đi: ‘Vào trong nhà,’ nàng thì thầm. ‘Vào trong kẻo họ nhìn thấy chúng ta… ’ ’”
“Tôi vào nhà, nàng siết chặt tay tôi: ‘Ông là người Hy Lạp?’ Nàng hỏi ‘Vâng. Hy Lạp. Ðừng tố cáo tôi.’ Tôi ôm lấy eo nàng, nàng không nói gì cả. Tôi ngủ với nàng và tim tôi run lên vì khoái cảm dịu dàng. Tôi thầm nhủ: Ðó thấy chưa thằng chó Zorba, đó là một người đàn bà, đó là ý nghĩa của nhân tình! Nàng là người gì? Bảo Gia Lợi? Hy Lạp? Papu! Hay gì nữa cũng thế thôi! Nàng là một con người, một con người có miệng, có vú, và biết yêu thương. Mi không biết xấu hổ vì đã giết tróc sao? Ðồ đê tiện bẩn thỉu?”
“Tôi nghĩ thầm như vậy trong khi tôi ở bên nàng, trong hơi ấm của nàng. Nhưng tổ quốc, con đĩ dại, nó đâu chịu để tôi yên. Sáng hôm sau tôi ra đi trong bộ quần áo mà góa phụ Bảo Gia Lợi đã cho tôi. Nàng mở rương lấy quần áo cũ của chồng cho tôi, và nàng ôm lấy đầu gối tôi, năn nỉ tôi trở lại.”
“Vâng, tối hôm sau tôi trở lại. Tôi là một người ái quốc, nghĩa là một con dã thú, ông hiểu chưa, tôi trở lại với một thùng dầu hôi và tôi phóng hỏa đốt làng. Tội nghiệp, chắc nàng cũng chết cháy cùng với những kẻ khác. Tên nàng là Ludmilla.”
Zorba thở dài. Hắn châm một điếu thuốc, hít hai ba hơi rồi quẳng đi.
– Ông nói tổ quốc à?… Ông tin những chuyện vớ vẩn mà những cuốn sách nhảm nhí của ông kể với ông! Ông phải tin vào tôi đây này. Khi nào còn có những tổ quốc, con người còn là một con thú, một con thú dữ… Nhưng đội ơn Thượng Ðế! Tôi đã giải thoát khỏi tất cả những thứ đó. Ðối với tôi thế là hết, không còn gì nữa! Còn ông?”
Tôi không trả lời. Tôi ghen ghét người đàn ông trước mặt tôi. Hắn đã sống bằng xương máu – bằng cách tranh đấu, giết tróc, ôm ghì – tất cả những điều mà tôi gia công học hỏi bằng giấy và mực.
Tất cả những vấn đề tôi cố gắng giải quyết lần lần trong cô đơn và dính chặt trên ghế, người đàn ông này đã giải quyết dứt khoát giữa núi non lồng lộng và với một lưỡi gươm.
Tôi nhắm mắt, tuyệt vọng.
– Ông ngủ sao, ông chủ? Zorba phật lòng hỏi. Khốn nạn, thế mà tôi cứ ngồi đó mà nói với ông như một tên điên.
Hắn càu nhàu nằm xuống và chỉ một lát sau tôi nghe thấy hắn ngáy.
*
Đó là câu chuyện của quá khứ, của thời Zorba còn trai trẻ.
Nhưng ở vào thời điểm câu chuyện xảy ra, Zorba, đã ngoài sáu mươi, lại trải nghiệm một sự buông xả nhãn tiền tàn nhẫn nhất. Đó là sự sụp đổ của công trình cáp treo của hắn. Thất bại ấy đã đẩy Zorba và ông chủ của hắn ra khỏi những ảo tưởng, ra khỏi những tham vọng trần thế và giũ bỏ khỏi tâm thức hai người đàn ông này mọi dây trói của trần gian, mọi thứ “phược” của nghiệp chướng và tham sân si để họ nhẹ gánh bước vào con đường thênh thang của tự do.
Trích:
“Zorba lấm lét nhìn tôi. Tu sĩ và dân làng rút lui một cách thận trọng. Những con la bị cột bắt đầu hí lên. Lão Demetrios to lớn quị xuống, hổn hển.
– Lạy Chúa, xin Chúa thương xót chúng con! Lão sợ hãi cầu nguyện.
Zorba giơ tay lên, quả quyết:
– Không sao hết. Cây đầu tiên bao giờ cũng vậy. Bây giờ máy đã trơn rồi… Nhìn đây!
Hắn phất cờ, ra hiệu lần nữa và bỏ chạy.
– Và Ðức Chúa Con! Tu viện trưởng run run kêu lên.
Thân cây thứ hai đã thả xuống. Cột trụ lung lay, thân cây phóng nhanh, nhẩy nhót như một con cá heo và lao về phía chúng tôi. Nhưng nó không đi xa, nó tan tành ở lưng chừng núi.
– Ma quỉ bắt nó! Zorba vừa lẩm bẩm vừa ngậm ria. Ðộ dốc trời đánh này chưa đúng!
Hắn nhẩy tới cột trụ và điên cuồng phất cờ ra hiệu lần thứ ba. Những tu sĩ lúc bấy giờ đứng sau những con la của họ, làm dấu. Những hương mục thấp thỏm đứng chờ, sẵn sàng chạy.
– Và Ðức Chúa Thánh Thần! Tu viện trưởng ấp úng cầu nguyện vừa vén áo lên chuẩn bị.
– Nằm xuống! Zorba hét lên trong khi chuồn thật mau.
Những tu sĩ nằm sấp xuống đất, dân làng chạy vắt giò lên cổ.
Thân cây nhẩy lên một cái, rồi lại rơi xuống đường dây cáp, xẹt ra những chùm tia lửa và trước khi chúng tôi kịp trông thấy cái gì xảy ra, nó lướt qua sườn núi, bãi biển, cắm sâu xuống biển, tung bọt lên mãi tận ngoài xa.
Cột trụ lung lay một cách đáng sợ. Nhiều cột ngả xuống. Những con la dứt đứt dây cương chạy trốn.
Zorba nổi xung la lên:
– Không sao hết! Không sao hết! Bây giờ máy đã trơn tru, có thể bắt đầu thực sự được rồi!
Hắn phất cờ một lần nữa. Người ta cảm thấy hắn tuyệt vọng và vội vã muốn thấy tất cả những cái đó kết liễu ngay.
– Và Ðức Mẹ Trừng Phạt! Cha tu viện trưởng lắp bắp trong khi ba chân bốn cẳng chạy tới tảng đá.
Thân cây thứ tư lao xuống. Một tiếng “rắc!” khủng khiếp vang lên, rồi một tiếng “rắc!” thứ hai và tất cả cột trụ, tiếp theo nhau sụm xuống như một cỗ bài tây.
– Kyrie eleison! Kyrie eleison! dân làng, thợ thuyền vừa la hét vừa bỏ chạy tán loạn.
*
Trích tiếp:
Sáng sớm, tôi thức dậy và rảo bước đi dọc theo bờ biển về phía làng. Tim tôi đập rộn ràng. Trong đời tôi, ít khi tôi cảm thấy vui như vậy. Ðó không phải là một nỗi vui thông thường, đó là một sự khoan khoái phi phàm, phi lý và không thể chứng minh được. Lần này tôi mất hết tất cả tiền bạc, thợ thuyền, đường dây sắt treo, xe chở quặng! Chúng tôi đã thiết lập một hải cảng nhỏ để xuất cảng than và bây giờ chúng tôi không có gì để xuất cảng. Mất hết tất cả.
Vậy mà chính vào giây phút đó, tôi có một cảm thức bất ngờ về giải thoát. Như thể trong mê lộ tối tăm và buồn thảm của tất yếu, tôi đã khám phá ra tự do đang nô giỡn một mình trong góc. Và tôi nô giỡn với nó.
*
Nếu như đạo Phật giải quyết vấn đề xả bỏ bằng tâm pháp, thì Zorba lại biết cách tự giải thoát mình ngay giữa cuộc đời ô trọc. Đó cũng là cách của nhân vật Siddhartha trong tác phẩm Câu Chuyện Dòng Sông.
Siddhartha, con trai của một quý tộc, không tin tưởng vào lối sống cứng nhắc của Ấn Độ Giáo, đã bỏ nhà ra đi cùng với Govinda, người bạn thân.
Họ tham dự vào nhóm của các sa môn, là những nhà sư sống khổ hạnh trong rừng. Sau ba năm, hai người bạn trẻ quyết định từ bỏ lối sống khổ hạnh để đến nghe lời giảng của Phật.
Nhưng cuối cùng Siddhartha tin rằng chỉ có kinh nghiệm bản thân chứ không có lời dạy bên ngoài nào có thể dẫn tới trí tuệ và sự khai sáng. Chàng quyết định “tự đi tìm chính mình” và tái nhập vào thế giới trần tục.
Siddhartha lấy một kỹ nữ xinh đẹp tên là Kamala và trở thành một người giàu có.
Siddhartha đã phạm vào đủ mọi tật xấu như rượu chè cờ bạc, tham lam, trác táng… và kết thúc bằng sự ê chề cuộc sống. Chàng đã đến một bờ sông với ý định tự tử. Nhưng ngay lúc ý định buông xả ấy đến, Siddhartha chợt thức tỉnh.
Đó chẳng phải là điều mà cậu bé Zorba đã làm với những quả anh đào chín mọng sao?
Đó chẳng phải là sự thức tỉnh của Zorba, sau khi đã chiến đấu điên cuồng nhân danh lòng ái quốc, sau khi đã đốt ngôi làng mà trong đó có người đàn bà Bảo Gia Lợi vừa ân ái với mình đêm qua sao?
Cả Zorba lẫn Siddhartha đều đã đi đến tận cùng của khoái lạc và đau khổ, vinh quang và nhục nhã, cay đắng và ngọt ngào… thì mới có thể xả bỏ tất cả để giải thoát.
Nhưng sự xả bỏ của Zorba mạnh mẽ hơn, lẫm liệt hơn. Zorba nếm trải và xả bỏ. Cứ như thế: nếm trải và xả bỏ, nếm trải và xả bỏ… hắn lập lại suốt cuộc đời và cuối cùng là trống rỗng. Hắn đã buông bỏ hết và kiêu hãnh đi vào cõi chết.
Trích:
“Tôi là giáo viên trong làng và tôi viết để báo cho ông tin buồn rằng Alexis Zorba, chủ nhân hầm đá trắng ở đây, mất vào hồi 6 giờ chiều Chủ Nhựt tuần trước. Trong lúc hấp hối, ông ta mời tôi tới. Ông ta nói:
“Lại đây, ông thầy giáo. Tôi có một người bạn ở Hy Lạp. Khi tôi chết rồi, viết cho ông ấy rằng cho đến phút cuối cùng, tôi rất tỉnh táo và nghĩ đến ông ấy và tôi không hề hối hận mảy may về bất cứ việc gì tôi làm. Nói với ông ấy tôi mong ông ấy được khỏe mạnh và đã đến lúc ông ấy phải tỏ ra thông minh.
“Nghe thêm đã. Nếu một gã tư tế đến để tôi xưng tội và làm phép bí tích cho tôi, bảo lão hãy xéo cho mau và ban cho tôi sự nguyền rủa của lão! Tôi đã làm vô khối chuyện trong đời tôi, nhưng tôi thấy như thế vẫn chưa đủ. Những người như tôi phải sống hàng ngàn năm.
“Ðó là những lời cuối cùng của ông ta. Ngay sau đó ông ta ngồi nhỏm dậy trên giường, xô khăn trải giường và muốn đứng dậy. Chúng tôi chạy lại ngăn ông ta – Lyuba, vợ ông ta, tôi cùng với vài người hàng xóm khỏe mạnh khác. Nhưng ông ta gạt phắt chúng tôi ra, nhẩy xuống giường và đi tới cửa sổ. Ở đó, ông ta bám lấy khuôn cửa, nhìn về dẫy núi xa xa, mở to mắt và bắt đầu cười, đoạn hí lên như một con ngựa. Ông ta đứng như vậy, móng tay cắm sâu vào khuôn cửa sổ mà chết.”
Niềm tin từ Mê tín chuyển hóa…Gỗ làm Thánh giá lấy từ Mộ Thánh!?Tất cả từ tư tưởng hình thành mà ra!Niềm tin trấn áp sự yếu đuối để có lòng gan dạ Tin là ”Lá bùa hộ mệnh” Quả thật không ngoa!? Con người bé nhỏ trước vũ trụ bao la Thì cái gì vô hình -Không thấy không biết là tin cả!Bởi không có gì để bám ,để tựa vào thì..Ta tựa vào bản thân Ta ,Bám vào bóng Ta đang nhân ra trong bóng tối?Tất cả không ngoài mục đích Tự huyễn hoặc mình Đó chính là Zorba trong Ý nghĩ cũa ;Một kẽ ngạo mạn,miệt thị cả chính mình!Hắn không từ chối nguồn gốc-Dòng máu tà tâm ,dâm dục ,chảy trong con người hắn!Hắn cười khẩy về cái dục Mà con người Thánh thiện nghe nói đã ghê sợ chạy trốn Cái dục sinh tình hay cái tình sinh dục?Hắn cứ lẫn lộn mãi nghĩ không ra?Chỉ biết là với hắn-Hắn mạnh mẽ -đam mê -thích là làm!Bất cứ trong mọi việc và bất cứ trong trường hợp nào Một khi hắn quyết tâm là làm cho kỳ được! Ngoại trừ những việc hắn không muốn!Những những việc hắn làm..Có quả cảm hay không?Hắn không biết chỉ biết là rất liều! Nói về chuyện tình dục Trong suy nghĩ thiển cận của hắn.Trong cái tính ngang ngược bất chấp đó Hắn không cượng đoạt -Thuận là không từ chối- Nếu như hắn thích! Dục với hắn chẵng cần phải lên tới đỉnh Dục cũng có thể từ cái nắm tay ,vuốt ve ,âu yếm hôn hít cũng đã thỏa mãn thấy thích rồi! Hắn -Zorba”Chẵng tin gì cả!”đó!Cuối cũng cũng phải chết như bao nhiêu người đã chết Nghĩa là được chôn dưới lòng đất Thân làm bạn với sâu bọ!Cũng thú đó chứ !?Hắn không hề hối hận với nhựng gì mình làm! Nếu có cũng chỉ là đôi khi Những ý nghĩ thoáng qua và biến mất!Trong lòng hắn chỉ có Trời và Đất-Chẵng có Thượng Đế gì cả!Nhưng điều đó hắn không nói thẳng ra Bởi một điều tối kỵ Hắn thề với lòng”Mình không tin hãy để chỉ có mỗi một Zorba!”Chẵng lôi kéo ai theo mình!Cuộc sống vốn vậy!?
Pingback: NHẬT BÁO BA SÀM : TIN THỨ SÁU 5-12-2014 | Ngoclinhvugia's Blog