TRUYỆN NGẮN ĐÀO HIẾU (Tuyển tập)
Click vào đây để đọc:
http://daohieuvn.wordpress.com/2012/06/01/truyen-ngan/
*
TRUYỆN NGẮN YÊN THẢO (Tuyển tập)
Sinh nhật vui vẻ
27-11-2009
Bốn tháng trước Mẹ đã làm sinh nhật cho con.
Mẹ đã chuẩn bị sinh nhật cho con từ rất lâu. Mẹ nghĩ ra nhiều trò hay và tìm kiếm thông tin trên mạng. Mẹ đã liên lạc đến từng nơi để hỏi cách thức tổ chức tiệc và vui chơi, mẹ còn chở con đến nơi xem phòng, thực đơn, và cách bài trí v.v… chẳng khác nào ngày xưa mẹ và ba đi xem nhà hàng để chuẩn bị cưới!
Ở tuổi thứ 5, con vụt trưởng thành và bỗng chốc biết thành cô gái trong mắt mẹ. Mẹ cảm nhận con có thể bắt đầu biết thưởng thức và có nhu cầu giao lưu, trò chuyện với các bạn, nên mẹ muốn tổ chức tiệc bên ngoài, tại một nới thật lý tưởng cho con và các bạn của con, cùng gia đình mình. Mẹ đã tưởng tượng ra nhiều thứ lắm, và bắt đầu lên kế hoạch. Mẹ còn gọi điện cho cô giáo Lan để biết cách thức gởi thiệp cho các bạn như thế nào. Hai mẹ con quyết định: “Lâu Đài Hapbi”!
Vậy mà gần đến ngày sinh nhật, Ba bảo địa điểm xa, phụ huynh ở lớp bé sẽ không đưa đón được. Ông bà Nội thì ngại phải đi ra ngoài sau một thời gian dài thường xuyên ở trong nhà. Mẹ cụt hứng!
Không lẽ để con thất vọng! Mẹ nghĩ ra cách khác: hai mẹ con sẽ về Ngoại! Buổi chiều sẽ cùng nhau đi Kentucky và làm đình đám ở đó! Mẹ lại gọi cho cửa hàng, đến nơi lấy tờ rơi quảng cáo và hỏi thăm tổ chức tiệc, thực đơn v.v… Trong đầu mẹ lại có một chương trình mới.
Mẹ bắt tay vào gởi mail cho ông bà Ngoại, cậu mợ Thạch và Nhí, mời mọi người tham dự tiệc sinh nhật của con, và cùng mẹ chuẩn bị cho con những món quà mà con yêu thích. Đó là sữa, là phô-mai đầu bò, là bánh gấu nhân kem, là sách tô màu, là kẹp tóc… Ôi thôi là quà! Ông Ngoại phụ trách phần gói quà, với bao nhiêu là màu sắc cùng với nơ hoa đủ loại! Con đã mừng như thế nào trước một núi quà như vậy!
Sinh Nhật diễn ra thật bài bản, với bảng hiệu trước cửa hàng ghi mừng sinh nhật con và bong bóng. Bàn tiệc của mình cũng nổi trội hẳn với những bàn khách khác bằng cách trang trí bong bóng và nón chóp cho nhân vật chính là con, nón chú gấu nâu cho con trai và cá heo xanh cho con gái. Ông bà Ngoại cũng nhiệt tình đội nón với con làm mẹ thật cảm động, thấy mọi người nhỏ lại, hồn nhiên như trẻ con!
Được giữa tiệc thì chú gà xuất hiện! Mẹ những tưởng con sẽ rất ngạc nhiên thú vị, nhưng con lại sợ, thu mình lại co ro. Chú gà xách theo một chiếc máy CD mini và bắt đầu mở nhạc nhảy múa. Mọi người trở nên hào hứng và cùng đứng dậy nhảy với chú gà, duy chỉ có con vẫn còn nhút nhát. Có mấy trẻ em ở bàn bên thấy chú gà, mừng quá, xúm xích đến bên, và cùng nắm tay nhảy múa. Nhí có bài nhảy thật ấn tượng, và cuồng nhiệt! Mẹ cũng nhớ lại quãng thời gian trẻ trung nhảy múa cùng bạn bè…
Giờ chia tay, gia đình mình khệ nệ chở về biết bao là quà và cả một ổ bánh kem to tướng là quà của bà Ngoại! Về đến nhà chưa kịp nghỉ mệt đã ăn bánh kem, mở quà. Mẹ đoán là con đã vui trọn vẹn trong ngày sinh nhật thứ 5 của mình.
*
Hai tháng sau, đến sinh nhật bà Ngoại.
Ngày này làm mẹ nhớ đến một sinh nhật thật đặc biệt được tổ chức hai năm trước, trên giường bệnh, khi bà Ngoại vừa mổ tim được mấy ngày. Chắc hẳn hôm đó bà Ngoại cũng đã rất hạnh phúc, với bánh, hoa, quà, và lời chúc tụng của mọi người!
Giờ này, con cũng như mẹ đã từng chăm chút sinh nhật cho con, đang cặm cụi chuẩn bị những món quà sinh nhật cho bà Ngoại. Không phải một mà nhiều hơn. Con muốn mẹ chở con đi mua quà cho bà Ngoại, nhưng con lại không biết phải mua gì! Thế là con tìm xung quanh nhà xem có món nào bà Ngoại có thể dùng được, và con xin mẹ cho gói giấy nơ!
Mẹ cho con một cục xà-bông sát khuẩn trong mùa dịch cúm để con tặng bà Ngoại rửa tay, vừa nhỏ gọn dễ cho con gói lại. Con chăm chút làm dưới sự hướng dẫn và trợ giúp của mẹ, và nâng niu mang nó lên xe buýt.
Về nhà Ngoại, con lại chạy lên phòng ông Ngoại xem có gì có thể xin được để con gói làm quà cho bà Ngoại. Ông Ngoại cho mấy tờ giấy trắng A4 để con vẽ. Sau này nghe bà Ngoại kể lại trong mấy gói quà Minh Anh giành tặng bà Ngoại, có một gói được đựng trong phong bì dán kín, bên trong là một bức tranh vẽ mặt người “đầu tóc tua tủa” “chắc là vẽ bà Ngoại” !?, bên dưới ghi “VĂN MẸ”, rồi “VĂN EM”, chắc là chữ “mẹ” viết ngược! Mẹ không biết bà Nội hay chị Vy đã chỉ cho con những chữ này? Và tại sao không phải là “ba” mà là “Văn”? Hồi nhỏ, khi nghe Mẹ hát ru “con đi trường học, Mẹ đi trường đời…”, con lại sửa thành “Mẹ đi trường… Văn!”. Hỏi con “trường Văn” là gì, thì con bảo là “trường bác sĩ” của Ba Văn! Gần đây, khi Ba về trể, con cũng thường hay mượn máy di động của Mẹ để nhắn gọi Ba về bằng một chữ duy nhất: “Văn”!. Hôm nào kẹt xe, Mẹ về trể, con ở nhà chơi với Ba cũng lấy máy của Ba nhắn tin cho Mẹ: “Văn”!, ý nói là con và Ba Văn nhớ Mẹ! – nghe Ba giải thích như vậy! Bà Ngoại nói chắc là Minh Anh thương ba mẹ nhiều lắm, nên tặng quà cho bà Ngoại mà vẫn nhớ đến ba mẹ. Mẹ bảo rằng không phải thế đâu, mà ý con là con cùng ba mẹ tặng chung món quà đó cho bà Ngoại! Khi thấy con cứ cặm cúi gói gói, dán dán mà không ngủ trưa, mẹ sốt ruột bảo con tặng bà Ngoại một món quà là bà Ngoại vui lắm rồi, con không cần làm nhiều như vậy đâu, thì con giận dỗi: “Sinh nhật của con có quá trời quà luôn, nên con cũng phải làm cho bà Ngoại nhiều quà như vậy chứ!”. Mẹ sững người. Không ngờ con gái của mẹ sâu sắc đến như vậy.
Buổi chiều hai mẹ con thay đồ đẹp cùng cả nhà ra nhà hàng để chờ Ba đến cùng dự tiệc. Con lúc nào cũng mân mê gói quà nhỏ bên người như sợ để quên trên xe, hay ai đó lấy mất, bởi vì con đã để quên bức tranh vẽ tặng Ngoại ở nhà rồi! Con dự định vào tiệc sẽ hát và tặng quà cho bà Ngoại. Món quà xinh xắn được bà Ngoại đón nhận nhiệt tình nhưng bà Ngoại không mở, vì mẹ đã dặn trước. Con có vẻ buồn vì muốn bà Ngoại mở ngay, để xem bà Ngoại có thích không. Bà Ngoại bảo tối về bà Ngoại sẽ mở gói quà này cùng với gói quà ở nhà, thế là con vui trở lại!
…
Đến hôm nay là sinh nhật Ba.
Dường như ngày này rất quan trọng đối với con, nên con đã suy nghĩ để chuẩn bị quà cho Ba từ nhiều ngày trước! Và kế hoạch mà con đưa ra thật hóc búa: hoàn thành 50 gói quà cho kịp ngày 29-11 trong vòng một tuần lễ này! Ngày nào con cũng loay hoay lấy giấy bút vẽ, rồi cuộn lại, cột thun, rồi quấn bên ngoài giấy bông và nhờ Mẹ gắn nơ vào. Con còn cẩn thận chọn giấy gói ca-rô cho phù hợp với Ba vì Ba là “con trai” chứ không phải “con gái” như hai mẹ con mình. Con vẽ thiệp, ghi chữ “BA VĂN” trên lẳng hoa, và đề ngày “29-11” bên dưới thật đẹp như con đã được học chữ rồi vậy! Có một điểm đặc biệt là con còn ghi thêm “20-11” vào trong lẵng hoa nữa! Mẹ phì cười, hiểu rằng các băng-rôn, hoa trang trí ở trường, và những tấm thiệp tự làm của con ngày 20-11 đã in vào đầu con, nên con nghĩ nó giống như một kiểu trang trí. Và chính cách ghi ngày kỷ niệm Hiến chương Nhà giáo lên thiệp mà con đã được học ở trường, được con đem vào tấm thiệp Sinh Nhật của Ba thật ý nghĩa!
Con đã tự học viết các con số từ 0 đến 9, có khi ghi lộn ngược đầu, nhưng ngày 29-11 con viết thật dễ dàng và chính xác. Con biết vận dùng ngày 20-11 để chuyển sang 29-11, trong khi con không biết ý nghĩa của dấu ngạch ngang là gì! cách ghi ngày tháng ra sao… Rồi con gói mấy món đồ chơi mà con nghĩ có ý nghĩa với Ba, là một chú heo bỏ ống bằng nhựa, vì con nói đó là tuổi của Ba! Đêm nào con cũng thức khuya, làm Ba Mẹ phải gọi í ới đến mệt mỏi. Mẹ nằn nì: “thôi hôm nay làm vậy đủ rồi con, nghỉ ngơi, ngày mai làm tiếp!”, nhưng con chau mày: “làm sao kịp, Mẹ! còn có mấy ngày nữa thôi!”. Trời, con quyết tâm đạt được ý định của mình thật sao? Mẹ hoãn binh cho Mẹ ngày thứ Bảy nữa để mẹ cùng con hoàn tất.
Mấy ngày trước đó mẹ nghỉ phép, nên “xí” phần đưa đón con đi học. Trên đường đến trường, con rỉ tai mẹ’: “Mẹ, Chủ Nhật này mình làm sinh nhật cho Ba lớn thật lớn luôn nhà Mẹ!” “Ừ!” “Lớn hơn sinh nhật của em bé luôn nha mẹ!”. Mẹ chần chừ, không hiểu lý do nào khiến con so sánh sinh nhật của Ba với một sinh nhật của em bé, nhưng cũng “ừ!” cho qua chuyện. Nhưng ngay sau đó, Mẹ đã nghĩ ra rằng con đang so sánh với buổi tiệc đầy tháng của em bé Nguyên Minh của cậu Thạch! Ồ, “sinh nhật” của bé lớn như vậy mà con còn đòi làm cho Ba lớn hơn nữa, thì mẹ biết làm như thế nào đây? J
Ngày thứ Bày mẹ đi làm. Hôm trước đã đặt bánh cho Ba rồi, nên hôm nay mẹ dự định sẽ mua hoa về chưng trong ngày sinh nhật. Bà Nội gọi điện hỏi vài món ăn, và kể cho mẹ nghe cả ngày hôm nay con lại cặm cụi cắt dán để chuẩn bị sinh nhật cho Ba!
Buổi chiều đi làm về, Mẹ không còn nhận ra nhà của mình nữa, vì nó được trang hoàng thật lỗng lẫy! Khắp cửa nhà được trang trí bằng những dây hoa đầy màu sắc! Đó là tác phẩm của con, với sự cộng tác của chị Vy cả ngày hôm đó! Những chiếc quạt xếp nhỏ xíu được tô nhiều màu, kết vào dây đan xen với những chiếc lồng đèn đơn giản được kết từ 2-3 vòng tròn giấy, cũng được tô nhiều màu vui mắt! Ở phía cửa sổ là những dây mắc xích như những chiếc đuôi diều ngày xưa Ba Mẹ vẫn thường xé giấy tập học cũ để làm thả chơi! Hôm trước khi thấy con làm những dây mắc xích này, Mẹ đã nói con làm Mẹ nhớ lại ngày đám cưới với Ba, và Mẹ đã diễn tả cho con biết những dây mắc xích nhiều màu đã được treo từ chùm đèn giữa trần nhà phòng khách, xòe ra bốn góc nhà như thế nào… Vậy mà con đã lấy ngay ý tưởng đó để trang hoàng căn nhà của mình để tổ chức sinh nhật cho Ba! Mẹ thấy tràn ngập niềm vui. Mẹ bảo con cứ để yên vậy, để hôm sau Ba Mẹ lại kỷ niệm 7 năm ngày cưới của mình. Những vòng dây trang trí của con bỗng trở nên lỗng lẫy còn hơn nhiều lần ngày đám cưới Ba Mẹ. Hôm nay giống như một lễ hội! Căn nhà của mình tràn ngập tình thương yêu gia đình bằng sự nổ lực của con gái nhỏ của Mẹ.
Cám ơn con!
Thèm
Ngày 09-03-2011
1.
Mấy ngày nay con cứ vùi đầu vào ngực mẹ táp táp ti của mẹ qua lớp áo. Mẹ nói con gái lớn rồi mà giỡn như em bé vậy! Con nói tại hồi nhỏ mẹ không cho con bú chi, để bây giờ con thèm sữa mẹ. Mẹ kể cho con nghe rằng ngày trước con háo ăn, chê sữa mẹ lạt, mà chỉ bú bình, bây giờ mẹ hết sữa rồi làm sao cho con bú được nữa. Con nói tại hồi nhỏ con không biết, bây giờ cho con ngậm ti không sữa cho đỡ thèm cũng được!
Vậy là cứ lâu lâu lại sà vào lòng mẹ mà bú ti qua lớp áo. Con làm mẹ nhột, nên cứ đẩy ra bảo đừng giỡn kiểu đó nữa! Khi nào có em bé, ti mẹ lại có sữa, em bú no nê rồi mẹ sẽ cho bú ké! Con nghe thích lắm, nhưng hơi nụng nịu, bảo mẹ cho con bú sữa thừa của em! Rồi con lại bảo chờ đến khi đó lâu lắm, nên mẹ cứ cho con bú ti không vậy!
Mấy ngày nay trời chuyển sang nóng hừng hực, buổi chiều mẹ chạy xe từ chổ làm về nhà mà mồ hôi rin rít cả người! Con lại sà vào lòng bú ti. Mẹ đẩy ra, bảo người mẹ mồ hôi không, chua lè à! Con nhe răng cười, nói “không sao, con cũng thích sữa cam mà mẹ!“.
2.
Buổi chiều đi học về tự dưng con bảo thèm ăn hamburger. Mẹ nói món ngày ăn sẽ béo phì, nhưng con nói con thèm dữ lắm! Mẹ biết tính con nhõng nhẽo, muốn xin cho bằng được nên nói phóng lên như vậy.
Nhưng bổng dưng con khóc nức nở, nói “con thèm dữ quá mẹ ơi!“. Mẹ hỏi sao tự dưng con lại như vậy? Có phải trên trường thấy bạn nào ăn rồi cũng muốn hay không? Con không trả lời. Mẹ giải thích cho con hiểu, muốn đi ăn ngoài thì phải cuối tuần mới có nhiều thời gian, chứ hôm sau ba mẹ phải đi làm, con phải đi học, thì đi ăn đâu vui gì! Hơn nữa, bà nội đã chuẩn bị cơm cho cả nhà rồi, nếu đi sẽ thừa cơm và thức ăn rất phí!
Thế mà con vẫn không chịu hiểu, nằm vật vã ra giường, dúi đầu vào gối khóc đau khổ. Mẹ bỏ đi mặc cho con khóc, đến chán cũng phải ngưng thôi. Nhưng kỳ lạ là con khóc dai dẳng, càng ngày càng thảm thiết ra vẻ sắp hết chịu nổi! Nhận thấy vẻ thờ ơ của mẹ, con thay đổi chiến lược, bảo “mẹ không cho con ăn, con liếm bàn tay con cho đỡ thèm!“. Rồi con nắm bàn tay lại (trông cũng giống chiếc hamburger thật!), liếm láp thật thòm thèm. Rồi sao đó mạnh bạo hơn, con đưa vào miệng cạp cạp ngấu nghiến! Thật khó mà cầm lòng khi thấy hành động này, và cũng thật tức cười khi chứng kiến sự sáng tạo độc đáo của con! Mẹ bảo con làm vậy rất mất vệ sinh và sẽ làm đau con, nhưng con tiếp tục bảo vì mẹ không cho con ăn, nên con tưởng tượng nó là chiếc hamburger để thưởng thức!
Sinh Nhật
Ngày 04-03-2011
Con mang về nhà một tờ giấy tập học trò ghi chi chít tên cùng với một con số bên cạnh mỗi cái tên, bảo với Mẹ đó là danh sách mời sinh nhật 7 tuổi của con. Mẹ thấy con thật đặc biệt khi quan tâm và thuộc hết số thứ tự (mà cô giáo gọi là mã số học sinh) của từng bạn trong lớp của mình. Thường tình thì các bạn sẽ nhớ và gọi tên con là Minh Anh, thay vì Minh Anh-02, nhưng khi ba mẹ xem hình lớp con, hay khi đến trường đón con gặp các bạn cùng lớp, hỏi bạn đó tên gì thì con nói ngay tên kèm với một con số!
Con hào hứng nói bạn A yêu cầu món gà rán, bạn B thích món chả giò, bạn C thì đòi ăn “đặc sản“ mà không biết đặc sản vùng nào! Bạn D béo ị nên thích tổ chức nơi có máy lạnh! Có bạn kêu thích tổ chức ở nhà để tự do “phá phách“, có bạn lại muốn ra nhà hàng cho sang trọng. Con nói con đang rối bời vì không biết phải xử trí ra sao! Chìu bạn này thì sợ bạn kia giận.
Con nôn nao đòi mẹ mua cho thiếp mời để ghi sẵn và hỏi mẹ cho phép làm bao nhiêu bàn? Con nói con muốn làm sinh nhật lớn hơn cả em Nguyên Minh vì con lớn hơn em, và hỏi “4 bàn được không mẹ?“! Bốn bàn là 40 bạn đó con gái à, nhiều lắm! Nhưng con bảo con cũng dự định mời khoảng đó! Con bắt đầu đếm tên trên danh sách: Vy-46, Thư-36, Lộc-21, Huy-10, Huy-11 (2 anh em sinh đôi), Thoại-32, v.v… và nhờ mẹ làm phép chia xem được bao nhiêu bàn rồi. “Mới“ hai bàn rưỡi. Con bảo thôi vậy cũng được rồi, con sẽ mời thêm cô chủ nhiệm và cô bảo mẫu!
Sao khi làm bài nhà xong, con cặm cụi ngồi ghi từng chiếc thiệp mời, lâu lâu chạy sang phòng mẹ hỏi “tại“ là ghi ở đâu hở mẹ? Mẹ nói còn xa lắm, nên chưa biết được là tổ chức ở nhà hay ở đâu, nên thôi con cứ chừa trống. Con ghi tên bạn ngoài phong bì, và nhờ mẹ cắt dán nơ lên góc phải của từng chiếc: con gái thì nơ hồng, con trai nơ xanh. Rồi con chạy sang thông báo con đã ghi thiếp hết cho hai cô và các bạn ở trường, vẫn còn dư một chiếc, mẹ có muốn mời cô nào ở công ty mẹ không? Mẹ nói “cho mẹ mời bạn trai của mẹ được không?“. Con nhướng mày, chỉ tay sau lưng ba ý hỏi lại. Mẹ gật gật đầu, con mới chạy òa đến trước mặt ba, chỉ tay vô ngực ba hỏi lại “ba là bạn trai của mẹ hả?“, rồi ôm cổ hôn lên má ba hai cái, bảo “mẹ này kỳ ghê, ba là người trong nhà mà đâu cần mời!“
Đám giỗ
Ngày 22-02-2011
Từ sáng hôm qua bà Nội đã đi chợ mua thức ăn, bánh trái, chuẩn bị cho hôm nay giỗ bà Cố. Bà Sáu ở quê lên phụ, xách theo lỉnh khỉnh đủ loại bánh ít mặn ngọt mà bà đã nấu từ sáng sớm. Từ trưa hôm qua đến mãi khuya, bà Nội và bà Sáu vẫn cặm cụi nấu nấu nướng nướng không biết đâu ra mà quá trời món, mùi thơm nức lên tận trên lầu!
Minh Anh thấy không khí chuẩn bị cỗ nhộn nhịp mà cảm thấy nôn nao và muốn tham gia làm một việc gì đó… Minh Anh nhờ Mẹ lấy mấy dây kim tuyến trang trí hồi Giáng Sinh mà Mẹ đã cất vào nhà kho, để con trang trí chuẩn bị đón khách. Mẹ giải thích cho con đám giỗ là ngày tưởng niệm người thân đã mất, là dịp để con cháu, họ tộc trong gia đình gặp nhau, sum vầy và trò chuyện với nhau, có thể là về những chuyện khi người mất còn sống… Ngày giỗ không phải là một ngày vui để cần phải trang hoàng cho thật đẹp.
Buổi tối con cặm cụi xé nhiều trang giấy tập trắng, là phần trang vở còn dư của các chị họ học năm trước để lại, vẽ lên đó những khuôn mặt cười thật tươi và mang xuống nhà dán đầy lên hai bên tường phòng khách. Ba la con “vẽ bậy“ và dán làm bẩn tường, nhưng con giải thích vì ngày mai giỗ là một ngày buồn, nên con vẽ khuôn mặt cười cho mọi người đều vui!
Mơ
Ngày 13-02-2011
Minh Anh tính rất hay suy nghĩ hoài một việc, liên tưởng đến những việc có liên quan, thắc mắc đến những việc đã xảy ra trước đó hay những việc có thể xảy ra sau này v.v… nên dễ bị ảnh hưởng đi vào giấc mơ, cũng như khó tập trung làm được việc gì một khi việc đó chưa được hoàn thành, hoặc thường hay nhớ mà nhắc lại.
Ngày cuối tuần về Ngoại chơi, Mẹ và bà Ngoại hay trò chuyện với nhau. Hôm nay bà Ngoại hỏi thăm gia đình nhỏ của mình chuyến đi về miền Tây vừa rồi thế nào, Mẹ bảo đi thì vui lắm, nhưng lái xe sợ quá! Đường miền Tây nguy hiểm, nhất là đường làng, cứ vài trăm mét lại thấy nét phấn vẽ xảy ra tai nạn, hay chứng kiến những cảnh xe tan nát nằm chỏng chơ mà không thấy người… Mẹ không để ý Minh Anh ngồi cạnh đó đang lắng nghe.
Buổi chiều Ba sang đón hai mẹ con, con ngủ mê trên xe vì trưa này lại ham chơi không ngủ. Ba mẹ đang nói chuyện với nhau thì con bỗng mở mắt ra và la lớn: “Mẹ kéo dây ra! Mẹ kéo dây ra!“, vừa lấy tay quàng ra sau lưng tìm dây an toàn. Mẹ cũng hoảng hốt không biết chuyện gì, nên vội kéo dây ra cho con, vừa lay bé dậy. Con tiếp tục nói lớn: “Coi chừng tai nạn! Mẹ thắt vô đi!“. Sau đó Mẹ dỗ con ngủ lại.
Có lẽ con nhớ lại câu chuyện Mẹ đã nói với Ngoại. Tội nghiệp con gái! Con có nhiều điểm giống Ba và nhiều điểm giống Mẹ, nhưng sao con lại giống Mẹ tính hay suy nghĩ và lo lắng! Mẹ nhớ lần đó nuôi bà Ngoại mổ tim trong bệnh viện, bà nằm cùng phòng Ngoại đã nói số Mẹ “sướng nhưng lại khổ“, Mẹ ngạc nhiên không hiểu ý nghĩa câu nói này. Bà đã giải thích rằng Mẹ sướng vì có cuộc sống sung túc, nhưng lại khổ vì lo lắng quá nhiều cho bản thân, gia đình, và những người xung quanh. Điều đó rất đúng, và Mẹ không muốn con gái của Mẹ lại phải “khổ“ như Mẹ đã từng. Mẹ mong con luôn hạnh phúc!
Gõ cửa trái tim
Ngày 07-02-2011 (Mùng 5 Tết Tân Mão)
Mấy ngày du Xuân con không ngoan. Mẹ rất giận. Nhưng vì đi chung với bạn bè của Ba nên Mẹ cũng la dạy con chừng mực mà không thể mạnh tay, sẽ mất vui.
Mùng 4 gia đình mình về lại nhà, bắt đầu trở lại nếp sinh hoạt thường ngày. Sau cơm tối, Mẹ lấy một chiếc bánh ít nhân dừa bà Nội cúng Phật mùng 3, để vào dĩa, cắt đôi và mang lên lầu dự định hai mẹ con cùng ăn, nhưng khi vào phòng mới biết là con còn trong phòng ông Nội dưới nhà xem TV. Mẹ ăn một phần và để phần còn lại lên kệ cho con.
Lát sau con lên lầu, chơi một hồi, lại bàn uống nước mới phát hiện nửa chiếc bánh Mẹ để trên kệ mà quên bẵng. Khi biết là phần Mẹ để cho con, con mừng rỡ, cám ơn Mẹ rằng con rất thích món này! Mẹ nói: “Mẹ làm gì cũng nhớ để phần cho bé mà! Còn bé thì hôm trước bác cho bịch xí muội, mà Mẹ muốn ăn thử một viên cũng không cho!“. Con có vẻ xấu hổ về chuyện này, nhưng rồi nhanh nhẩu nói: “Mẹ ơi, lúc đó chắc trái tim con đang ngủ!“. “Đâu phải chỉ chuyện đó, con cũng thường không nghe lời Mẹ làm Mẹ xấu hổ với các bác bạn của Ba quá!“. “Con xin lỗi Mẹ! Không phải con làm như vậy đâu! Tại trái tim con nó buồn ngủ đó! Mặc dù Mẹ thấy con thức, nói chuyện với Mẹ, nhưng vì đi xa mệt, nên trái tim con ngủ quên, nên con không biết! Nó làm con “đóng kịch“ với Mẹ, chứ không phải sự thật!“. “Vậy thì Mẹ phải làm sao để trái tim con thức giấc?“. “Mẹ đặt tay lên ngực con, gõ cửa trái tim con sẽ thức dậy!“
Tình mẫu tử
Ngày 28-01-2011
Mới 24 Tết con đã được nghỉ học. Buổi tối như thường lệ, mẹ tắt máy di động và để cạnh gối đầu giường để báo thức, nhưng vừa tắt máy xong thì Mẹ chợt nhớ ra, reo lên mừng rỡ: “A, phải rồi! Ngày mai Mẹ đâu cần dậy sớm, vì không phải đưa Minh Anh đi học!“, và Mẹ mở máy lên lại và chỉnh giờ báo thức trể hơn, để có thể ngủ thêm một tí.
Tắt đèn chui vào mùng, con gái thủ thỉ: “Ngày mai mẹ kêu con dậy sớm nha Mẹ!“. “Mai con đâu có đi học, dậy sớm làm gì?“. “Con muốn đi công viên thể dục, đánh cầu lông!“. “Vậy à, được rồi, Mẹ sẽ kêu con!“. “Mẹ dậy rửa mặt đánh răng xong rồi kêu con, trong khi con đánh răng thì mẹ chuẩn bị vợt, thay đồ, rồi con thay đồ xong hai mẹ con mình đi nha Mẹ!“. “Ủa! Ngày mai Mẹ đi làm mà?“. “Sao kỳ vậy! Sao Mẹ nói là sướng quá ngày mai không phải dậy sớm mà?“. „“Không phải dậy sớm để đưa con đi học thôi, nhưng Mẹ vẫn phải đi làm, con gái à! Mẹ đã nghĩ là con sẽ đánh cầu lông với chị Vy chứ?“. “Sao kỳ vậy! Con cứ tưởng là Mẹ mẹ nói sướng là được nghỉ ở nhà với con!“. “Hèn chi Mẹ thấy Minh Anh dặn dò Mẹ chuẩn bị đủ thứ hết! Thì ra là tưởng Mẹ nghỉ làm!“. “Hahaha… mắc cười quá!“. Hai mẹ con cùng cười nắc nẻ!
“Ủa, cười một trận đã đời xong, Mẹ thấy bớt nhức đầu rồi bé ơi! Hay quá!“. Con tự dưng bụm miệng cười hắc hắc, mắt nhắm tít lại, người run run… như điệu bộ của chú chuột Jerry trong phim hoạt hình. Mẹ ngạc nhiên hỏi con cười chuyện gì vậy? Con nói con ráng cười thêm nữa cho Mẹ hết nhức đầu luôn!
Uyên bác
Ngày 20-01-2011
Con rất thích tìm hiểu cặn kẽ mọi việc, đặt biệt là cơ thể người. Mẹ tìm những tài liệu, hình ảnh về cấu tạo từng cơ quan, bộ máy hoạt động trong cơ thể người để giải thích cho con. Dạo nọ đi đến phòng khám nha khoa của bác sĩ quen, Mẹ cũng hỏi xin một bức vẽ màu cấu tạo răng và quá trình răng sâu thế nào để giải thích cho con dễ hiểu. Bác sĩ nha cười, bảo con chắc sau này sẽ học thành bác sĩ giống Ba.
Mấy hôm nay Mẹ dắt sếp người Nhật đi khám sức khỏe để làm hồ sơ xin giấy phép lao động cho người nước ngoài. Sếp của mẹ còn rất trẻ, nhỏ tuổi hơn cả Mẹ, và có khuôn mặt trẻ con, dù suy nghĩ và phong cách làm việc rất “người lớn“. Có lần, sếp về nước tham dự trận chung kết bóng bầu dục, được huy chương vàng, chụp ảnh lưu niệm với đồng đội, gởi cho Mẹ xem. Nhìn sếp trong bộ đồ thể thao càng trông trẻ và trở nên… nhỏ xíu như học sinh trung học! Mẹ gởi vào máy iphone cho Ba để tối về đố hai cha con xem ai là sếp. Con tỏ ra sửng sốt ngoài mức tưởng tượng khi Mẹ nói với Ba “đúng rồi!“ khi Ba chỉ tay vào “cậu bé“ trong hình, nên Mẹ đâm ra lo lắng, và phải nhanh trí nói rằng đó là hình con của sếp! (!!??). Và từ đó, con yên tâm nghĩ rằng sếp của Mẹ là một vị sếp già nhân từ, có cậu con trai học trung học, chơi bóng bầu dục!
Kết quả khám sức khỏe gởi về với những ngôn từ và thông số chuyên môn mà người thường khó có thể hiểu được. Sếp nhờ Mẹ mang về nhà cho Ba xem. Con tò mò cầm tấm phim phổi lên xem: “Đây là phổi của ông sếp Mẹ, hả Mẹ?“, và nhíu mày đâm chiêu như vị bác sĩ đang xem phim của một ca bệnh khó… Con chỉ tay vào vùng tối bên trên phổi và phán xét: “đúng là sếp của Mẹ lớn tuổi rồi, con thấy chổ phổi này hơi già già một chút!“. Ba Mẹ nhìn nhau, chỉ biết gật gù “vậy à“.
Sáng hôm sau, Mẹ đem câu chuyện vui vào kể cho sếp trẻ nghe. Ban đầu sếp cười nắc nẻ vì sự uyên bác dể thương của con, nhưng đến khi nghe lời “bác sĩ tương lai“ nhận xét là “phổi hơi già già“ thì rụng rời, bật khóc nức nở! Hihihi…
Con bao nhiêu tuổi?
19-01-2010
“Sang Tết Tây là con thêm một tuổi thành 6, rồi qua Tết Ta là con thêm một tuổi nữa thành 7, phải không Mẹ?”. Con gái trông cho mau lớn từng ngày. Mẹ giải thích cho con hiểu khi nào thì con được thêm một tuổi, nhưng con không chịu, bảo cô giáo nói là đến Tết thì ai cũng được thêm một tuổi! Thôi thì chiều con vậy, nhưng cả Tết Tây mà con cũng tính thêm một tuổi nữa thì đúng là “ăn gian” quá!
Như mọi lần, Ba Mẹ dắt con đi bơi hồ CLB Lao Động, trong khi chờ Ba gởi xe thì Mẹ mua vé vào cửa. “Chị cho 2 vé người lớn, 1 trẻ em!”. “Trẻ em là đây đó hả?”. “Dạ!”. “Bé này lớn quá rồi, mua vé người lớn đi chị ơi!”. “Bé chỉ mới 5 tuổi thôi mà chị?”. “Nhưng mà ở đây không tính tuổi, mà chỉ tính chiều cao thôi! Bé này cao 1m2 rồi!”. “Con cao hơn 1m2 luôn đó Mẹ!”. Con nhanh nhẩu trả lời và chạy đến chổ có vạch sơn trên tường làm mốc, và nhón chân lên đo! “Con cao hơn 1m2 luôn nè, Mẹ!”. Thế là mua 3 vé người lớn! Con gái làm hao tài của Mẹ nhé!
Con có 2 chiếc răng bị sâu. Mấy ngày trước Mẹ phát hiện ra lỗ sâu đó dù nó còn nhỏ xíu và vẫn trắng như men răng, nhưng Ba bảo răng con nít nó vậy. Thế nhưng nha sĩ học đường khám cũng bảo sâu và yêu cầu phụ huynh chữa răng cho bé. Con về nhà khóc mếu máo: “Răng con nít như vậy mà bác sĩ bảo sâu!”. Rồi một hôm khi đang đùa chơi với con, lúc bé cười toác miệng, Mẹ phát hiện lỗ lõm hôm trước giờ đen thui! Lấy tăm chọt vào thì đúng là răng sâu rồi, không phải do chất gì dính vào! Con hoang mang, lo lắng hiện rõ trên nét mặt. Mẹ đi lấy hình vẽ cấu tạo răng, và bắt đầu giải thích rất cặn kẽ và chậm rãi cho con hiểu cấu tạo răng như thế nào, tại sao răng bị sâu, và khi sâu thì nó sẽ diễn tiến ra sao, và làm thế nào để chữa trị và phòng ngừa… Con có vẻ yên tâm phẩn nào, nhưng cũng hơi hồi hộp chờ đến ngày cuối tuần được Ba dắt đi chữa răng.
Mẹ đi làm về, thấy bé vui mừng há miệng ra khoe. Bác sĩ khám ra đến 3 cái, chứ không phải 1! Hai cái phải trám, và 1 cái sẽ tự tái tạo lại men răng nếu được chăm sóc tốt. Thế là bé có động cơ để siêng đánh răng hơn rồi đấy nhé! Ba bảo con đem khoe tờ khám răng của bác sĩ với Mẹ. Mẹ ngạc nhiên hỏi sao ghi 6 tuổi?. Ba cũng ngạc nhiên, rồi à lên một tiếng: “Hỏi sanh năm nào, anh bảo 2004, nên chắc là trừ ra như vậy!”. Bé có vẻ vui mừng vì sự nhầm lẫn này, nhưng còn có vẻ chưa hài lòng, bảo con đã 7 tuổi rồi!
Ba khoe với hai mẹ con là đã đóng tiền mua tour đi du lịch Tết này: Hà Tiên – Rạch Giá – Phú Quốc. Ba nói “Hà Tiên với Rạch Giá thì Ba chưa biết, còn Phú Quốc thì 8 năm sau quay lại xem nó thế nào!”. Thật ra Ba Mẹ cưới nhau và đi Trăng Mật ở Phú Quốc chỉ mới hơn 7 năm, đến cuối tháng 11 năm nay mới tròn 8, nhưng Ba cũng làm phép tính trừ gọn như cô bác sĩ nha. Con nôn nao lằm: “Còn bao lâu nữa đến Tết hả, Mẹ?”. “Cũng sắp rồi con! khoảng 1 tháng nữa.” “Yeah! Một tháng nữa là con được đi Hà Tiên!”.
Ngày hôm sau con hỏi: “Tám năm có lâu không, Ba?”. “Lâu chứ con!” – rồi Ba ngập ngừng – “nhưng cũng mau lắm!” Thấy con buồn buồn… Mẹ chợt nhận ra, hỏi: “Có phải con nghĩ là 8 năm nữa mới được đi Phú Quốc không?”. “Dạ!”. Ba Mẹ phì cười: “Tết này mình đi Hà Tiên và Phú Quốc luôn, chứ không phải chờ đến 8 năm sau đâu, con gái!” và Mẹ giải thích cho con hiểu “8 năm sau” mà Ba nói là như thế nào.
Ba bảo bé nhà mình chưa tròn 6 tuổi nhưng bị bắt đóng 60% vé dù trẻ em từ 6 tuổi trở lên mới phải đóng! Mẹ bảo sao Ba không đưa khai sanh con cho họ xem, thì Ba nói thôi kệ, chắc người ta tính sang năm mới là thêm tuổi.
Hôm sau, Mẹ gọi lên công ty du lịch hỏi thăm và được mời lên công ty nhận lại phần đã đóng cho bé. Vui quá, Mẹ về nhà kể cho hai cha con nghe, bé 5 tuổi nên được miễn vé! Ba cười tít mắt. Nhưng bé chẳng thấy vui tí nào! “Con 7 tuổi rồi mà Mẹ!”. Mẹ kéo con gái lại gần: “Khi con học, con giúp đỡ việc nhà, con tiếp xúc với mọi người… thì con là 7 tuổi, nhưng khi con đi du lịch thì con chỉ mới 5 tuổi thôi, nha bé!”. “Tại sao vậy Mẹ?”. “Tại vì, đi đi khắp nơi mà không tốn tiền!”. Ba nghe Mẹ hát mà cười ngất! Bé vẫn chưa hiểu. “Nào mời anh em lên tàu lửa chúng mình đi! Đi đi khắp nơi mà không thích sao? Nào mời anh em lên tàu lửa chúng mình đi! Đi đi khắp nơi mà không tốn tiền!”. Là tại vì 5 tuổi thì không tốn tiền đó bé!
Giáng sinh cho con
31-12-2009
Mấy hôm nay trời bắt đầu chuyển sang đông. Con nôn nao mong đến Giáng Sinh lắm!
Mẹ hỏi con gái đã suy nghĩ ra món quà gì để xin ông già Noel chưa, nhưng con nũng nịu “con không biết!”. Con muốn Mẹ nghĩ giúp cho con, nhưng Mẹ bảo mẹ lớn rồi nên sở thích của mẹ không thể phù hợp với tuổi của con được, mà con nên suy nghĩ xem mình thích gì, rồi Mẹ sẽ viết thư giúp con để vào chiếc ủng đỏ treo ngay cửa sổ trước đêm 23 để ông già Noel đến lấy đi.
Có vẻ như con rất lúng túng không biết phải chọn món quà gì. Có thể là con đã có đầy đủ hết tất cả những gì con muốn, hoặc cũng có thể là con có quá nhiều mong ước mà không biết phải chọn thứ nào.
Dạo nọ con cùng Mẹ đi nhà sách, con xin mua một cuốn sách đến cả năm mươi nghỉn, Mẹ không đổng ý. Vậy mà buồn hết mấy hôm! Mẹ gợi ý: “ Sao con không xin ông già Noel cuốn Junie B. Jones phần 2?”. Mắt con sáng lên. Hay quá! Con đã tìm được món quà để xin ông già Noel. Rồi lát sau con hỏi: “con xin thêm một món nữa, được không Mẹ?”. Mẹ bảo “gần đây Mẹ thấy con ngoan, nên chắc ông già Noel sẽ cho thôi, con cứ thử xem sao?”. Nét mặt con lo lắng: “còn nếu không được thì ông già Noel cũng cho con cuốn sách hở, Mẹ?”. Con ước có một hộp sô-cô-la thật to để cả nhà cùng ăn trong đêm Giáng Sinh. Rồi con lại xin thêm một món nữa, nhưng Mẹ không cho, bảo rằng trẻ em nào cũng xin nhiều quà như vậy thì ông già Noel không thể nào mang nổi, mà sẽ phải bỏ lại nhiều quà, làm một số trẻ em sẽ không có quà, còn những trẻ em khác thì lại quá nhiều, là không tốt.
Mấy ngày nay hai mẹ con đi tìm khắp mà chưa mua được chiếc ủng to màu đỏ để đựng quà nên Mẹ quyết định lấy chiếc túi nhung đỏ thay thế. Con biết chiếc ủng phải được đặt bên lò sưởi, bên dưới ống khói, nên con bảo Ba xây gấp cho con một cái ống khói thông vào phòng của con. Mẹ nói bây giờ xây sẽ không kịp, nên Mẹ sẽ treo chiếc túi ở cửa sổ. Con tưởng tượng ông già Noel hô biến trở thành nhỏ xíu như ông thần đèn trong phim hoạt hình Aladin, chui vào trong nhà để quà vào chiếc túi và lại bay ra, to trở lại với cái bụng ‘béo phì”!
Mẹ mua cho con bộ phim Bắt cóc ông già Noel, con chú ý đến chi tiết mỗi lần chui qua ống khói vào nhà thả quà xuống là ông già Noel lại lấy đi mấy chiếc bánh quy để cạnh lò sưởi. Con nhíu mày bảo sao ông già Noel “ăn trộm” bánh nhà người ta? Mẹ không theo dõi kỹ vì vừa xem với con vừa đọc báo, nên nói chắc là bánh của ông già Noel mang theo. Con nhất quyết không phải như vậy và đòi Mẹ xem chung. Quả thật, đến ngôi nhà kế tiếp cũng có một dĩa bánh quy nho nhỏ và ông già Noel gom hết đi sau khi để lại quà. Mẹ thấy lạ quá, nhưng cũng tìm cách giải thích với con rằng các bạn sợ ông già Noel đi cho quà nhiều sẽ đói, nên để bánh cho.
Hôm sau Mẹ gởi email cho dì Hai, hỏi nguyên nhân vì sao, thì nghe nói truyền thuyết truyền lại rằng ông già Noel rất thích ăn bánh quy! Thảo nào mà ông già Noel lại béo như vậy, bé nhỉ! Các bạn nhỏ thường để một dĩa bánh quy nho nhỏ cạnh lò sưởi để biếu ông già Noel như một cách lại quả. Con cũng đòi Mẹ phải để một dĩa bánh quy cho ông già. Ồ, không sao! Nhà mình luôn có bánh quy cho Ba ăn sáng uống café mà!
Đêm 23, con chạy tìm mảnh giấy trắng nhỏ và bắt đầu đọc cho Mẹ ghi lại: “Ông già Noel ơi, cho con xin cuốn sách Junie B. Jones phần 2, và một hộp sô-cô-la cho cả gia đình con nhé! Cám ơn ông già Noel! – Minh Anh”, rồi con cẩn thận gấp tư lá thư nhỏ bỏ vào trong chiếc túi nhung, đem đến treo bên cửa sổ. Mẹ dặn sáng hôm sau con thức dậy nhớ đến xem ông già đã lấy thư đi chưa nhé!
Buổi chiều Mẹ đi làm về, con chạy ra mừng, mặt hớn hở: “ông già Noel đã đến lấy thư của con đi rồi, Mẹ!”, và thì thầm vào tai Mẹ: “bây giờ con đã tin Mẹ rồi! Con thấy mất lá thư là con tin Mẹ rồi!”. Ồ, hóa ra mấy ngày trước con gái nghi ngờ Mẹ? Chắc hẳn là các bạn ở lớp đã nói gì đó! Quả thật, con méc rằng con bảo bạn muốn được ông già Noel tặng quà thì nhờ Mẹ viết thư gởi cho ông, để vào trong chiếc ủng màu đỏ, nhưng bạn không tin con!
Con thắc mắc quà của con có được ghi tên con trên đó để không bị nhầm với những bạn nhỏ khác không? Mẹ bảo không cần như vậy, vì khi đọc thư và chuẩn bị quà, ông già Noel đã chuẩn bị một danh sách dài, và ghi chú trên đó quà gói giấy bông gì, nơ màu gì là của bạn nào, ở đâu. Con lại muốn biết làm sao mà một mình ông già Noel lại có thể gói đến nhiều quà đến như thế? Mẹ cho con xem Chuyến tàu tốc hành đến Bắc cực, và con hiểu ông già Noel có “nhà máy” sản xuất quà với dây chuyền hiện đại và sự trợ giúp của những chú lính chì như thế nào. Mẹ cũng phát hiện ra, tất cả các gói quà đều được ông già Noel ghi tên! May mà con không để ý thấy và thắc mắc với Mẹ.
Tối 24, sau khi cho con ngủ, Mẹ mở tủ, cẩn thận đặt hai gói quà mà Mẹ đã cất công đi chọn và tự tay gói cho con lên chiếc bàn nhỏ đặt cạnh cửa sổ, bên chiếc túi nhung, cùng một chiếc dĩa mà trước khi ngủ con đã chọn sẵn. Mẹ định để lên đó hai chiếc bánh quy theo ý con (con muốn cho nhiều hơn, nhưng Mẹ bảo như vậy sẽ làm ông già Noel béo phì) nhưng nghĩ qua cả đêm bánh sẽ bị mềm và có con gì trèo lên ăn mất! Thế là chỉ để mỗi cái dĩa không. Mẹ đứng gắm nghía mấy gói quà mà thấy vui quá khi hình dung ra khuôn mặt mừng rỡ của con vào sáng hôm sau.
Mẹ rón rén chui vào mùng, nằm cạnh con. Con chợt trở mình, quay sang ôm, kêu “Mẹ!”. Mẹ giật mình, bảo “ngủ đi con!”, lo lắng nghĩ lúc đó con mà tỉnh ngủ, đòi Mẹ dắt đi xem dĩa bánh đã được chuẩn bị thế nào, mà thấy dĩa không có bánh mà lại có sẵn hai gói quà, thì không biết con sẽ thất vọng thế nào! May mắn, con ngủ thiếp đi…
Sáng sớm Mẹ dậy chuẩn bị đi làm, nghe tiếng con gọi: “con muốn dậy với Mẹ!”. Chắc là con gái nôn nóng được nhận quà nên không ngủ tròn giấc. Mẹ đồng ý vì hôm nay ngoại lệ, là Giáng Sinh. Mẹ vệ sinh cá nhân cho con xong, hôn chúc con Giáng Sinh Vui Vẻ và chuẩn bị đưa bé xuống nhà gởi bà Nội, thì nghe tiếng con reo lên: “Mẹ ơi, ông già Noel đã đến cho quà con!”. Mẹ vội vã đến bên, chia sẻ với con. Con cầm gói quà vuông vức được gói trong giấy hình ông già Noel và cây thông màu đỏ xanh với chiếc nơ to nhủ vàng: “cái này là cuốn sách nè Mẹ! Còn cái này là hộp sô-cô-la!”. “Sao con biết hay vậy? con thử mở ra xem!”. “Không, con chờ tối nay Mẹ đi làm về rồi cùng mở với con!”. Rồi con sực nhớ ra, chạy đến xem chiếc dĩa: “ông già Noel ăn hết hai cái bánh luôn rồi Mẹ!”. Con vui quá đỗi!
Chiều Mẹ đi làm về, con ôm hai gói quà ra khoe, sợ sáng nay trời còn tối quá Mẹ không thấy rõ. Rồi con bảo “ông già Noel gói quà khéo hơn Mẹ!”. Mẹ phì cười, hỏi tại sao con thấy như vậy? Con nói con cũng không biết nữa, nhưng con thấy đẹp hơn! Mẹ biết vì sao. Chiếc nơ nhủ vàng là loại nơ mà Mẹ chưa từng mua để gắn lên quà Sinh Nhật cho các bạn của con. Có lẽ sự đặc biệt này làm con ấn tượng. Nhưng rồi con sợ Mẹ buồn, nên an ủi Mẹ rằng hộp sô-cô-la thì ông già Noel gói không đẹp bằng Mẹ! Bởi lẽ nó là hộp tròn, nên gói cho tròn trịa thật khó!
Ăn cơm xong, hai mẹ con cùng mở quà, và con mừng biết bao khi thấy đúng là cuốn sách Junie B. Jones mà con hằng mong ước. Con nói “giấc mơ đã trở thành sự thật!”.
*
Nhiều ngày sau, M.A nhắc lại câu chuyện lần trước:
– Mẹ, con muốn sống với mẹ suốt đời!
– Con nói vậy thôi, nhưng khi con lớn sẽ khác. Mẹ chưa lên trời là con đã không ở với mẹ rồi!
– Tại sao?
– Lớn lên, khi lấy chồng, sẽ đi theo chồng, giống như mẹ vậy, làm đám cưới với Ba rồi thì về sống với Ba, đâu có sống chung với bà Ngoại nữa!
– Con không đi theo chồng đâu! Chồng đến gần kéo con đi là con đẩy ra!
hahahah… :o)
Ngày 30-11-2010
Điều ước
Kỷ niệm 8 năm ngày cưới của Ba Mẹ, con gái đưa cho Mẹ một cái chai thủy tinh nhỏ xíu bằng ngón tay cái, được đậy bằng một nút điên điển quấn giấy màu, cổ chai cột nơ, bên trong là vài cuộn giấy màu nhỏ xíu, mấy ngôi sao xếp giấy, vài hạt mút trắng tròn tròn li ti như tuyết, nói với Mẹ: “Hôm nay Mẹ có thể ước để sinh em bé cho con! Mẹ chỉ cần lấy tờ giấy trong này ra, ghi điều ước rồi bỏ vào, và đập bể cái chai, giấc mơ sẽ trở thành sự thật!”
Cái chai đó trước đây Minh Anh xin Mẹ mua cho trong nhà sách, để giành để khi biết viết, sẽ ghi giấc mơ có một căn nhà có hồ bơi, vì rất thích bơi, và có lò sưởi, ống khói, để hàng năm ông già Noel có thể chui vào bỏ quà! Nhưng giờ thì Minh Anh tạm gác giấc mơ của mình lại, để tặng Mẹ thực hiện giấc mơ của Mẹ!
Bà tiên răng
Mấy hôm nay hai chiếc răng cửa dưới cứ lung lay dữ dội, xẹo bên này xọ bên kia làm con cảm thấy khó chịu. Mặc dù không đụng tay hay lưỡi vào, nhưng khi nhai, những chiếc răng cứ ngã bên này sang bên kia làm con cảm thấy vướn víu và bất an. Con khóc ư ử: “sao thay răng khổ quá vậy mẹ?”.
Hôm nay về quê ông Hai đám giỗ là lúc khổ sở nhất, vì có lẽ nó sắp rớt ra thật rồi. Con rên khóc gọi mẹ suốt, trong khi mẹ bận rộn phụ các bà, các cô dì mợ làm bếp, làm mẹ phát cáu! Buổi tối về nhà, đang chơi banh với chị Vy, con chạy lên lầu xòe tay khoe mẹ chiếc răng rơi ra khi con nhảy lên đón bóng! Trông con thật vui mừng, vì một lẽ con đã thật sự bắt đầu bước vào một giai đoạn mới là chuẩn bị mọc chiếc răng vĩnh viễn đầu tiên, và một lẽ khác là con thoát khỏi được “nỗi khổ thay răng”.
Mẹ giật mình vì chưa kịp chuẩn bị các đồng xu cho con. May thay Ba có một đồng xu 5.000đ. Mẹ đem chà rửa xà bông cho thật sạch và chùi cho nó sáng bóng lên.
Chiếc răng vàng khè vì từ lúc lung lay đến nay không dám đánh răng vào, sợ bị đau. Thế là con nói nhỏ bảo Mẹ đem chiếc răng chà cho sạch trước khi con để dưới gối cho Bà Tiên Răng mang đi. Buổi tối con đi ngủ thật sớm, và hớn hở để chiếc răng dưới gối, sau khi được mẹ cho vào một chiếc túi nylon nhỏ xíu xiu có khóa.
Nửa đêm con giật mình thức giấc, quơ tay xuống dưới gối nằm, và mừng rỡ lay mẹ dậy: “Mẹ ơi, Bà Tiên Răng đến lấy chiếc răng của con đi rồi! Và cho con một đồng xu!”. Mẹ còn chưa tỉnh ngủ, mơ màng nhận đồng xu từ tay con xem, rồi dúi lại vào tay con. Sáng ra, mẹ thấy đồng xu vẫn còn nằm nguyên trên tay con.
Mẹ cấp tốc đi ngân hàng, đổi một chồng đồng xu mới “giùm” cho Bà Tiên Răng, nhưng chẳng có đồng xu mới nào vì xu đã được phát hành từ lâu và được sử dụng qua tay nhiều người. Thế là mẹ lại tiếp tục chà rửa và đánh bóng.
Chiếc răng còn lại không có chổ dựa, bị xẹo hẳn sang một bên như tòa tháp nghiêng Pisa ở Ý, trông thật tức cười.
Sang thứ Ba, buổi chiều đi học về, con gái tu một hơi ực ực hết hơn nửa chai nước bưởi, rồi nhăn mặt lè xác bưởi còn sót làm vướn miệng con. Mẹ xòe tay bảo con nhả vào, nhưng hóa ra nó là chiếc răng sữa thứ hai! J Con lại được thêm một đồng xu nữa.
Hai chiếc răng vĩnh viễn đã nhú lên thành hai lằn ngang màu trắng mờ, như ngày nào hai chiếc răng sữa đã nhú lên.
T2 06-08-2010
Chiều hôm qua con bảo “con thấy cái răng đang lung lay cộm cộm giống như cái ngày trước lúc rụng cái răng dưới vậy, Mẹ!”. Mẹ nhớ lại ngày hôm đó, là ngày về quê ông Hai, con cứ kêu khó chịu suốt và khóc ư ử… Có lẽ lúc đó con quá sợ hãi và lo lắng. Giờ thì con đã quen với cảm giác này, và đã trưởng thành hơn với hai chiếc răng vĩnh viễn đã nhú lên được hơn nửa, nên con thông báo với Mẹ một cách hào hứng, mong chờ sự kiện tiếp theo sẽ xảy ra.
Về nhà, Mẹ chuẩn bị ngay cho con một chiếc túi nylon nhỏ xíu mà Mẹ đã để giành trước. Lần này túi không có khóa, nên Mẹ dán sẵn một miếng băng keo trong ngay miệng túi để con đựng răng không bị rơi ra ngoài. Hai mẹ con cùng nhau đánh răng thật sạch để sẵn sàng chào đón chiếc răng thứ ba rụng xuống.
Chiều con đi học về, vòng tay thưa Mẹ, cười thật tươi, để lộ một lỗ hở to tướng ở hàm trên! Trời, hai mẹ con dự tính hay quá! Mẹ reo lên: “con đã thay răng rồi hả bé?”. Bé gật gật đầu, cười toe toét: “Dạ! con để trong cặp của con! Tối nay con được Bà Tiên cho thêm một đồng xu nữa phải không, Mẹ?”.
Chiếc răng cửa trên đang lung lay còn lại nằm một mình không chổ tựa, nên lệch hẳn sang chổ trống vừa có và tạo ra một khoảng trống khác phía bên kia, nên nhìn vào giống như con vừa thay hai chiếc răng hai bên ở hàm trên, để lại một chiếc trơ trọi ở giữa thật tức cười! Ba cứ lâu lâu lại len lén nhìn và cười tủm tỉm… Bé thấy vậy, rên hừ hừ: “Ba, thay răng xấu quá hà…”. Ba bảo không sao đâu con, từ từ nó sẽ mọc cái khác ra thôi! Nhưng bé sửa Ba ngay: “Không phải như vậy đâu Ba, sún răng là có duyên, chứ không xấu!”. À, hóa ra bé thuộc bài của Mẹ, làm bộ chê xấu để được nghe Ba khen có duyên, ai dè Ba không hiểu ý!
Mẹ nôn nao không biết lần này, con gái của Mẹ thay răng vào thời khắc nào? Đang uống nước? hay ăn trưa? hay nằm ngủ? hoặc khi đang chạy chơi trong sân? Con bảo “con đang ngồi học thì nó rụng xuống tập của con!”. Mẹ thấy thú vị quá, hỏi xem có phải lúc đó con đang đọc bài Tiếng Việt không? Bé nói “dạ không, con đang tập viết, nó rớt xuống tập, làm con tưởng cục gôm, con cầm lên gôm hoài mà không được, nhìn kỹ lại mới biết là chiếc răng!” ha ha ha… con gái tưởng tượng hay quá!
Hình như bạn nhỏ nào ở độ tuổi của con cũng đều có trí tưởng tượng như vậy! Hồi đó, cậu Thạch đi học bị thầy giáo phạt, về kể bị thầy “xách lỗ tai, sứt một miếng”!!!. Nhí thì có lần, sau khi được cô Ba đón đi học về từ trường Mầm Non, dắt đi chơi Hồ Con Rùa, thấy hồ hôm đó cạn hết nước, thì kể cho cô Ba nghe lúc trước cũng được ông Nội dắt đến đó, nhưng nước trong hồ nhiều lắm, Nhí trợt chân té xuống hồ kêu cứu quá chừng nhưng ông Nội không nghe thấy vì đang ở cách xa Nhí. Sau đó Nhí được mọi người ở xung quanh đó “vớt” lên, quần áo ướt hết trơn! Cô Ba lúc đó sửng sốt, sao ông Ngoại lại bất cẩn để cháu rơi xuống hồ như vậy, mà sau đó cũng không nghe kể gì! Đến khi về nhà, hỏi ông Ngoại, thì mới hiểu ra đó là một câu chuyện tưởng tượng!
Nếu một mai mẹ qua đời
Bàn học của con có cái ổ điện trên đó thật bất tiện. Mặc dù biết là an toàn vì có công tắc, nhưng Mẹ vẫn cứ suy nghĩ hoài, muốn tìm cách gỡ bỏ đi. Tình cờ tìm thấy ở tiệm điện có sợi dây nối tiếp, một đầu là phích cắm vào ổ điện cố định, đầu kia là ổ điện nối tiếp. Mẹ nghĩ vậy là giải quyết được vấn đề. Nhưng sợi dây điện dài đến 3m, mà Mẹ chỉ cần chừng hơn 1m thôi. Để dài thòng xuống đất lại không hay, mà cuộn lại thì vướn víu sau lưng bàn. Vậy là quyết định cắt, nối đầu ổ điện cho ngắn lại.
Mẹ cắm phích vào ổ trên tường, kéo dây điện đến chổ cần sử dụng, trừ hao một đoạn, và đưa kéo vào, bấm. Lửa xẹt ra và một tiếng nổ. Mẹ điếng người thả sợi dây điện và chiếc kéo xuống bàn. Phản xạ nhìn sang ổ điện trên tường: dây đang có điện! Mẹ run tay rút vội sợi dây ra khỏi ổ, thấy lạnh người, mắt hoa lên, mọi vật trong phòng trở nên mờ nhạt… Mẹ rời khỏi bàn con, lấy tay ôm lấy mặt, thất thần, ngồi bất động. Rồi nhẹ nhàng mở đôi bàn tay ra, nhìn lại quanh phòng xem mình có còn nhìn thấy gì không? Lấy tay che một bên mắt, rồi sang bên kia, để chắc chắn là cả hai con đều vẫn thấy. Có lẽ chỉ là ảo giác, hay khói làm mọi vật trở nên mờ… Sao Mẹ có thể đãng trí đến nỗi cắt dây điện khi nó đang được cắm vào ổ điện! Mẹ run rẩy lại gần bàn, cầm chiếc kéo cháy đen ở vị trí cắt lên nhìn, lưỡi kéo bị khuyết một lỗ lõm hình bán nguyệt theo vòng dây điện. Sắt thép mà còn như vậy thì da thịt người sẽ ra sao? Nếu như cây kéo không có nhựa bảo vệ phần cán, nếu như khi cắt, tay Mẹ chạm vào phần lưỡi kéo, nếu như Mẹ cầm đầu dây điện gần mình… Giờ này chắc Mẹ đã nằm sóng soài dưới đất.
Con nghe tiếng nổ, chạy sang, hỏi Mẹ có chuyện gì. Mẹ nói mà giọng khàn hẳn đi, không thành tiếng: không sao đâu bé! Lúc đó mà con nhìn thấy Mẹ nằm im dưới đất, chắc con cũng sẽ chạy đến lay Mẹ dậy, rồi con cũng sẽ đi theo Mẹ! Nghĩ đến đó thôi mà không hết run rẩy. Trời còn thương mà phù hộ cho Mẹ.
Rồi chợt thấy trán nóng rang, đau như kim châm. Chạy vội vào phòng tắm, rửa nước liên tục để hạ nhiệt.
Trở lại “hiện trường“, ổ điện đã cháy, không còn điện vào nữa, chắc là cháy cầu chì, do thay đổi dòng điện đột ngột. Mẹ không còn can đảm để có thể mở nắp cầu chì ra kiểm tra. Thậm chí, Mẹ không dám ôm chầm lấy con, dù Mẹ cần ôm con biết dường nào! Mẹ ngớ ngẩn sợ truyền dòng điện quái ác nếu có vào người con.
Buổi tối, đứng chải răng cho con mà Mẹ cứ nhìn con cười giỡn, thổi bọt bong bóng từ kem đánh răng, nghĩ miên man… nếu Trời không thương, chắc giờ này con đã không đánh răng mà lo khóc Mẹ. Mẹ nghĩ đến đám tang của mình, thấy lạnh người. Đến lúc ngủ Mẹ vẫn không tin rằng mình lại may mắn đến như vậy mà có thể thoát chết trong gang tất.
Trước đây, cũng đã có lần Mẹ nghĩ, sau khi Mẹ chết con sẽ sống ra sao, là lúc Mẹ bị tắt tiếng lâu ngày, bác sĩ cho làm sinh thiết để phát hiện ung thư, trong thời gian chờ kết quả.
Mẹ nghĩ đến cô giáo bị ung thư dạo nào đọc thấy trên báo, nhìn cảnh cách ly mẹ-con mà đã thấy thắt ruột gan, vậy mà giờ là chính mình đối mặt với những điều mà dường như đang rất gần và rất có thể xảy ra. Cứ mỗi khi ở bên con là Mẹ lại khóc, khóc mà nuốt nước mắt vào trong để con không phải hỏi vì sao trong nhà mà bụi lại bay vào mắt Mẹ? Dạy con học Mẹ cũng khóc, tắm cho con Mẹ cũng khóc, nằm bên con ngủ Mẹ cũng khóc, nghĩ đến lúc những điều này sẽ không bao giờ có thể xảy ra nữa…
Không hiểu sao con lại thường nói với Mẹ rằng con muốn Mẹ sống suốt đời với con, mà không được bỏ con lên thiên đàng như bà Cố đã làm với bà Ngoại. Con “nhường“ chiếc chuỗi hạt đeo tay bà Nội thỉnh ở chùa về cho con đeo để Phật phù hộ cho Mẹ để Mẹ sống lâu, con ước gì bà Tiên trên trời nghe lời con thỉnh cầu. Có một lần con nói: “Mẹ ơi, con muốn trở lại thành nhỏ xíu để cho Mẹ trẻ lại, không bao giờ già mà chết“. Mẹ không hiểu điều gì khiến con lo lắng đến như vậy mà luôn nghĩ đủ mọi cách để được luôn ở bên Mẹ. Chính vì điều đó làm Mẹ cảm thấy sợ chết hơn bao giờ, bởi vì con.
Con muốn sống với mẹ suốt đời
Nhiều ngày sau, M.A nhắc lại câu chuyện lần trước:
– Mẹ, con muốn sống với mẹ suốt đời!
– Con nói vậy thôi, nhưng khi con lớn sẽ khác. Mẹ chưa lên trời là con đã không ở với mẹ rồi!
– Tại sao?
– Lớn lên, khi lấy chồng, sẽ đi theo chồng, giống như mẹ vậy, làm đám cưới với Ba rồi thì về sống với Ba, đâu có sống chung với bà Ngoại nữa!
– Con không đi theo chồng đâu! Chồng đến gần kéo con đi là con đẩy ra!
M O N G E M
07-02-2009
Ba mẹ Minh Anh chờ hoài mà không thấy Minh Anh ngủ dù đã lên giường nằm hồi lâu. Mẹ sốt ruột, đánh tiếng:
-Con thích có em không?
-Dạ thích!
-Vậy thì con phải đi ngủ sớm nhé!
-Tại sao, mẹ?
-Vì ba mẹ phải bàn bạc với nhau mới có em bé được!
-Bàn bạc là gì hả mẹ?
-Là ba mẹ nói chuyện với nhau về việc sanh em, vì sanh em bé phải chuẩn bị nhiều thứ lắm!
-Vậy mẹ khỏi bàn bạc với ba đi! Mẹ ăn nhiều vô cho cái bụng to lên là có em bé rồi!
-Ăn nhiều chỉ bị béo phì thôi con gái à, không có em bé được!
-Thì bây giờ mẹ bàn với ba đi!
-Không được, con phải ngủ ba mẹ mới bàn được! Chỉ có người lớn nói chuyện với nhau thôi!
-Vậy bây giờ mẹ ngủ với con, rồi sáng ngủ dậy trước khi đi làm mẹ bàn bạc với ba!
-Mẹ dậy sớm lắm, ba còn ngủ.
-Thì mẹ vừa trang điểm vừa bàn bạc với ba, ba nằm nghe thôi!
-!!!
Đêm hôm sau Minh Anh lại thủ thỉ:
-Nếu mẹ sanh em bé ra thì con gọi là “em út”, phải không mẹ?
-Ừ, nếu mẹ không sanh thêm em nữa thì là em út.
-Tại mẹ lâu sanh em cho con quá chi, nên con gọi là em út luôn!
-!!!… Mẹ lâu sanh em là tại con đó!
-Tại mẹ với ba không chịu bàn bạc đó!
…
Một hôm Minh Anh hỏi mẹ:
-Bây giờ đang là mùa Xuân hả mẹ?
-Ừ.
-Tại sao mùa Xuân rồi mà vẫn lạnh giống mùa Đông vậy mẹ?
-À, tại vì mùa Đông ở lại đón Xuân, rồi ngủ quên!
-Hahaha… mắc cười quá!
Rồi Minh Anh rỉ tai mẹ:
-Mùa Hè con sẽ tự ngủ một mình!
-Thiệt hôn?
-Dạ thiệt!
-Móc quéo nhé! Bé của mẹ giỏi quá! Mùa Hè này là con được 5 tuổi rồi, con đã “trưởng thành” lắm rồi đó bé!
(Cười tít mắt)
-Chừng nào mới đến mùa Hè hả mẹ?
-À, cũng còn hơi lâu đó bé!
-Yeah! Vậy là con còn được ngủ với mẹ “hơi lâu” nữa!
-!!!
-Nhưng mà đến mùa Thu là con ngủ lại với mẹ, nha mẹ!
-Trời! bé đã ngủ riêng rồi thì phải ngủ luôn chứ! Đâu có ai lớn rồi trở thành nhỏ trở lại đâu!
-Nhưng mà con thích ngủ với mẹ!
-Vậy thì sao bé lại muốn mùa Hè ngủ một mình?
-Để cho ba mẹ “bàn bạc”!
-Tại sao phải chờ đến mùa Hè?
-Tại vì nghỉ ở nhà ba mẹ có nhiều thời gian.
-Mùa Hè chỉ có bé được nghỉ thôi, ba mẹ vẫn phải đi làm mà!
-Vậy thì mùa Hè con ngủ với mẹ luôn, nha mẹ!
-!!!
05-04-2009
Sau khi đi chơi ở nhà Ngoại về, buổi tối Minh Anh thắc mắc:
-Tại sao mợ Thư lại có em bé trước Mẹ?
-Vì Nhí ngoan, Nhí ngủ một mình cho cậu mợ bàn bạc với nhau! Ngày mai con ngủ một mình nhé?
-Con sợ lắm! Con muốn ngủ với mẹ!
-Đâu có gì phải sợ, Mẹ để cửa phòng cho con!
-Hay là mẹ sang phòng con ngủ, con tự ngủ một mình không có mẹ trên giường này, còn mẹ ngủ dưới đất!
-Vậy thì ba mẹ ở xa nhau làm sao bàn bạc được?
-Vậy con ngủ với mẹ một ngày, ngủ một mình một ngày, được không mẹ?
-Ừ, vậy cũng được! Bắt đầu từ mai nhé?
-Hay là ngủ một tuần, nghỉ một tuần đi mẹ?
-Ừ!
-Nhưng mà đến mùa Hè con mới làm như vậy!
-Vậy thì rất lâu có em cho con nhé!
Nửa đêm Minh Anh gọi “Mẹ!”. Mẹ dỗ con ngủ lại. Lát sau con lại gọi “Mẹ!”… Tội nghiệp, chắc con lo sợ bị mẹ bỏ cho ngủ một mình nên gọi trong tiềm thức như vậy.
21-02-2011
Con đi ngang qua căn phòng để trống, mấy tháng trước mẹ con cô Tư còn ở đó, giờ đã dọn ra riêng rồi. Con bảo mẹ:
-Khi nào mẹ có em bé, có sẽ dọn sang ở phòng này, và nhường phòng của con cho em.
-Sao con không ở phòng của con và để phòng này cho em?
-Cái phòng này gần chổ để máy giặt, con sợ em còn nhỏ không biết, ra nghịch thì nguy hiểm lắm!
-Nhưng em cũng có thể từ phòng của con đi ra đây được vậy?
-Lúc đó con ở trong phòng sẽ thấy và chạy ra ngăn em lại!
-Minh Anh giỏi quá!
Và thế là con gái đứng thật lâu, nhìn vào căn phòng, tự tưởng tượng ra nó sẽ trở thành thế nào khi là phòng của con… Chiếc giường sẽ được đặt ở đâu, tủ áo, bàn học, v.v… Con tự thiết kế cho căn phòng tương lai của mình, và hỏi ý kiến mẹ thêm về việc sắp đặt thêm vài món khác.
Mẹ cười bảo, không biết khi lớn con sẽ mở nhà hàng làm bếp trưởng, hay trở thành một kiến trúc sư đây? Con gái nói con sẽ làm nhiều nghề lắm mẹ! Buổi sáng con làm bác sĩ giống ba, trưa con đi làm công ty như mẹ, chiều về con mở nhà hàng, tự thiết kế cửa hàng cho mình, và kiêm luôn công việc trồng và chăm sóc cây kiểng xung quanh nhà hàng, với ý tưởng được nhen vào hồi trước Tết, khi con cùng Mẹ đi mua hoa về trồng vào chậu, trang trí sân vườn chuẩn bị Tết. Lúc đó con đã buột miệng thốt lên “sao con thích công việc này quá, mẹ ơi!”
…
Buổi tối con thủ thỉ vào tai Mẹ:
-Hôm này con sẽ bắt đầu ngủ một mình nha mẹ!
-Sao đột nhiên con lại muốn như vậy?
-Con muốn mẹ sanh em cho con! Con muốn mẹ sanh ra đứa em gái giống con, để con chăm sóc em và chơi với em!
-Minh Anh có chắc là tối nay ngủ một mình không, để mẹ chuẩn bị giường cho con?
-Dạ chắc!
-Nhưng mà mẹ ngủ ôm Minh Anh quen rồi, giờ không có Minh Anh để ôm nữa, cũng thấy nhớ lắm đó!
-Mẹ ôm ba đi! Còn con ôm gối ôm được rồi! Mẹ, nhưng mà con không hiểu tại sao con ngủ riêng thì cái bụng mẹ tự dưng phồng lên, rồi có em con trong đó?
-Mẹ khó giải thích cho con lắm, lớn tí nữa con mới hiểu được…
-Nhưng con muốn hiểu bây giờ! Con thấy kỳ lắm, mẹ! Phải có cái gì nó mới phồng lên được chứ!
Mẹ bối rối quá. Con gái của Mẹ đã đến tuổi được giáo dục giới tính hay chưa?
24-02-2011
Vậy là con gái đã ngủ riêng được một tuần rồi.
Chiều hôm qua đi làm về ba thông báo kể từ mai sẽ dậy sớm cùng hai mẹ con, và chở con đến trường để cho mẹ có thời gian đi bộ tập thể dục.
Buổi tối khi cho con đánh răng đi ngủ, mẹ dặn bé ngủ ngoan, sáng mẹ sẽ gọi hai cha con dậy cùng lúc.
Con chợt phản ứng mạnh mẽ:
-Không được đâu, mẹ! Mẹ ở kế bên gọi, ba giật mình dậy đạp chân trúng bụng mẹ, nguy hiểm cho em bé lắm!
Mẹ ngạc nhiên vì sự tưởng tượng của con, phá lên cười. Con nghiêm mặt lại:
– Mẹ không được cười! Mẹ có em bé phải “nghiêm túc”! Mẹ cười rung rinh cái bụng sẽ làm cho em bé đau!
Ồ, thì ra con đã nghĩ rằng một tuần qua dài đủ để “cái bụng mẹ phồng lên” và có một em bé của con trong đó!
BÀ TIÊN CỦA CON
Khi con còn bé xíu, mẹ rất sợ cắt móng tay cho con vì sợ làm con đau. Đôi bàn tay của con bé tí xíu và thật mềm mại. Mẹ chỉ có thể cắt cho con khi con đã đi vào giấc ngủ. Có một lần mệt vì thiếu ngủ, mẹ cắt phạm vào da làm chảy máu tay con. Mẹ cảm thấy thót tim và hoảng hốt vô cùng. Phải can đảm lắm mẹ mới dám thú nhận với ba con và hỏi phải làm sao. Ba chỉ cười hiền từ bảo không sao cả, tự con sẽ lành thôi. Mẹ thấy yên tâm phần nào…
Sau này con khôn lớn, mẹ cũng vẫn cắt móng tay cho con vào khi con ngủ, vì con ít khi nào chịu ngồi yên một chổ cho mẹ cắt. Mẹ đang cắt được giữa chừng thì con lại đổi ý, không thích cắt ngón đó nữa mà đổi sang ngón khác, hoặc đang dở dang bàn tay này thì chuyển sang tay khác. Mẹ sợ móng tay cắt dở sẽ làm xước đau con nên nghĩ cắt khi con ngủ là tốt nhất.
Thế là một buổi sáng thức dậy con thấy những ngón tay của mình đã được cắt gọn gàng, ngạc nhiên hỏi Mẹ, Mẹ bảo đó là do bà tiên. Con hỏi tại sao bà tiên lại cắt cho con? Mẹ nói vì bà tiên biết mẹ đi làm về mệt, nên khi hai mẹ con ngủ, bà tiên xuống giúp mẹ chăm sóc cho con. Mặt con rạng rỡ, hạnh phúc lắm!
Có đôi khi bận rộn, bà tiên quên kiểm tra tay cho bé, nên ba nhắc: “Tối nay bà tiên nhớ cắt móng tay cho bé nhé!”. Có một lần con làm bộ hỏi mẹ: “Sao móng tay con sạch rồi hở mẹ?”, mẹ lại bảo “vì bà tiên cắt cho con!”, nhưng con nhoẻn miệng cười, lấy ngón tay trỏ chỉ vào ngực mẹ: “Bà Tiên Mẹ!”. Mẹ nghĩ vậy là ngay từ đầu con đã không tin có bà tiên và biết đó là mẹ, nhưng mẹ vẫn luôn dùng hình ảnh bà tiên để trò chuyện với con.
Có một lần mẹ đi làm về trễ đến nỗi con đã ngủ say. Mẹ mang về cho con một chiếc bong bóng. Vậy là bé của mẹ đi ngủ mà chưa nhận được quà. Sáng hôm sau mẹ dậy sớm, lấy chiếc bong bóng đặt lên trên nóc mùng của con, khi con mở mắt nhìn thấy chiếc bóng đỏ nằm đung đưa lăn qua lăn lại trên nóc mùng, con ngạc nhiên lắm! Mẹ bảo đó là quà của bà tiên tặng bé đã ngoan, đi ngủ mà không cần mẹ bên cạnh! Mắt con lại long lanh hạnh phúc.
Nhưng đôi khi bà tiên cũng không xuất hiện như mong muốn. Bà tiên cũng có hôm mệt, ngủ quên không cắt móng tay được cho con, nên hôm sau con chạy chơi bị xước một đường khóc hu hu. Con chạy đi méc ba. Ba bảo mẹ sẽ là y tá chăm sóc con! Nhưng con gái của mẹ nhát lắm, nhắm nghiền mắt, nhíu mày, thu người lại. Mẹ lấy đồ cắt móng tay, dỗ dành và… làm một cái cụp, hết đau! Con mở mắt ra, toét miệng cười: “Cám ơn y tá mẹ!”. Có lần mẹ đi làm về mệt, nằm dài ra giường không chơi với con, con chạy ra phòng ngoài nơi ba đang làm vi tính, kêu í ới: “Bác sĩ ơi, bác sĩ! Vô khám bệnh cho mẹ!”.
Mấy hôm nay con không còn uống sữa bột nữa, mà mẹ mua sữa tươi hộp giấy cho con uống mỗi sáng trước khi đến trường. Mẹ biết con hay ăn quà vặt, nên mẹ phải giấu mấy lốc sữa trong khạp gạo, mỗi tối sau khi rửa dọn dưới bếp xong, chuẩn bị lên lầu mới để vào một hộp cho sáng hôm sau. Thay phiên nhau hôm sữa trắng, lúc sữa dâu, bữa là sô-cô-la. Mẹ bảo bà tiên để sữa vào trong tủ lạnh cho con khi con đang ngủ. Con mừng lắm! Mỗi sáng thức dậy là con chạy băng xuống bếp, mở tủ lạnh ra xem hôm nay bà tiên để hộp sữa gì. Con thích nhất là sô-cô-la, nên luôn mong cho mau đến ngày bà tiên để hộp sô-cô-la vào, hay có khi buổi tối trước khi đi ngủ con lại ước gì sáng mai được bà Tiên cho hộp sô-cô-la!
Có một lần khi đang nắm tay mẹ lên cầu thang, con ngước mắt hỏi: “Bà tiên ở đâu đến, mẹ?”. Mẹ trả lời: “Bà tiên ở trên trời đó con!”. Bé hỏi sao bà tiên không xuống đây chơi với con. Mẹ nói bà tiên rất bận vì phải chăm sóc nhiều em bé khác! Đêm hôm đó con thủ thỉ bảo mẹ kể chuyện về bà tiên ở trên trời cho con nghe. Hẳn con đã có một giấc mơ thật đẹp!
Người lớn thì mỗi sáng thức dậy, có thể đứng trước gương mĩm cười, hít một hơi thở sâu để bắt đầu một ngày làm việc mới, còn con gái của mẹ có thú vui háo hức chờ đón món quà của bà tiên. Có đôi khi bà tiên nghe thấy ước nguyện của con mà để theo ý con muốn, nhưng cũng có lúc bà tiên không làm vậy, làm con buổi sáng hôm đó thật buồn, trách bà tiên: “Sao bà tiên kỳ quá mẹ, không cho con sữa sô-cô-la?”. Mẹ phải giải thích cho con hiểu là bà tiên muốn bé uống được đủ loại sữa cho ngon miệng, con cũng nũng nịu chấp nhận. Một hôm, bé xuống dưới nhà, mở tủ lạnh ra, trống trơn! Mặt thảng thốt, gọi mẹ: “Mẹ ơi, bà tiên không để sữa cho con!”. Chết rồi! Đêm qua bà tiên quên mất! Thế là mẹ dắt con lên nhà trước trò chuyện giải thích để “bà tiên Nội” ở dưới bếp lén lấy sữa để vào tủ lạnh cho con. Con vui mừng vì lời cầu xin của mẹ với bà tiên thật hiệu nghiệm!
Thế rồi mấy hôm liền mưa bão và triều cường, sữa của con đã hết nhưng mẹ không thể đi mua được vì đường ngập nước lai láng. Hai hôm rồi con phải uống chung hộp sữa to của ba mẹ rót ra ly. Con giận bà tiên lắm, bảo bà tiên không còn thương bé nữa! Rồi hôm sau con thấy mẹ khệ nệ xách về nhà hai bọc to đầy sữa! Con mừng quá, xin mẹ uống liền một hộp sô-cô-la cho “đỡ nhớ”! Sáng hôm sau xuống nhà dưới, mở tủ lạnh, con cũng chỉ thấy một hộp duy nhất, còn mấy lốc sữa mẹ mua đêm qua không biết đâu mất rồi? Tối hôm đó con hỏi nhỏ mẹ: “Có phải mẹ mua sữa để gởi cho bà tiên không, mẹ?”
MINH ANH
CÂY VIẾT BỊ MẤT
Khi cô giáo bảo cả lớp lấy tập ra viết chính tả thì bé Tâm mới hay mình đã quên cây viết ở nhà.
– Chuẩn bị xong chưa? Cô hỏi.
– Thưa cô xong rồi. Các bạn đều trả lời như thế, chỉ riêng Tâm là ngồi ngậm miệng lo lắng, sợ sệt.
– Loan ơi, bạn có viết không? Có dư cây nào không, cho mượn với.
Tâm biết bé Loan thường có nhiều viết nên hỏi đại. Loan lặng lẽ mở hộp bút của mình ra lấy viết đưa cho Tâm, mắt cứ lấm lét nhìn cô giáo. Nhưng cô giáo không để ý đến hai bạn nhỏ, cô lật sách ra và bắt đầu đọc bài chính tả.
Tâm cắm cúi viết. Cây bút máy của Loan bơm mực tím, cùng một kiểu với cây viết của Tâm ở nhà nên em viết chữ vẫn đẹp. Em cố nắn nót từng chữ vì không phải cô chỉ chấm lỗi chính tả mà còn chấm điểm vở sạch chữ đẹp nữa. Tâm viết cẩn thận vậy mà cuối bài vẫn phải bôi xóa mất một chữ.
Nhưng cuối cùng, sửa bài, Tâm vẫn bị một lỗi. Đó là chữ mào gà mà em lại viết là mùa gà. Kết quả Tâm được chín điểm, còn Loan được mười.
Chuông reng một hồi dài. Cả trường reo lên theo tiếng chuông và học sinh túa ra khắp nơi, đông đảo, vui nhộn, rộn ràng, ồn ào giống hệt một cái sân gà vịt trong giờ ăn buổi sáng.
Loan chơi năm mười, còn Tâm theo cánh con trai chơi trò chọi thú với Tuấn, Huy, người có một lúc ba con lạc đà bằng nhựa mùa đen rất đẹp.
Đang chơi rất hào hứng bỗng Tâm chợt nhớ đến cây viết của Loan. Không biết lúc nãy viết chính tả xong mình để đâu. Em sợ mất quá, muốn chạy vào lớp để xem nhưng biết chắc đội trực không cho nên em không dám.
Hết giờ chơi Tâm vào lớp, tìm trong hộc bàn. Không có. Tìm trong cặp. Cũng không thấy. Tâm lấy hết sách vở ra, tìm trong các ngăn. Vẫn không có. Mất cây viết rồi! Cây viết Hồng Hà rất đắt tiền làm sao đền. Tâm sợ cuống cuồng, mặt tái xanh:
– Tâm trả cây viết cho Loan chưa?
– Đâu có. Loan tròn mắt ngạc nhiên và lo lắng: Mất rồi hả?
– Mất rồi.
– Lúc nãy viết chính tả xong bạn để đâu?
Để đâu? Tâm nghĩ mãi mà không nhớ. Để đâu nhỉ? Nhưng mà sao lại mất được Tâm đưa tay xin nói:
– Thưa cô, con mất cây viết
Cô giáo đi xuống chỗ Tâm ngồi
– Con để đâu mà mất?
– Hình như con để trên bàn.
– Hay là con cất trong cặp, tìm trong cặp xem.
– Con đã tìm rồi nhưng con không thấy
– Tìm kỹ chưa?
– Thưa cô, kỹ.
Cô giáo có vẻ suy nghĩ, xong cô hỏi cả lớp:
– Có bạn nào thấy cây viết của bạn Tâm rớt ở đâu không?
Có tiếng hỏi:
– Viết gì?
Tâm nói:
– Viết Hồng Hà màu đen, Tâm mượn của bạn Loan.
– Không thấy.
– Không thấy. Nhiều tiếng trả lời
Cô giáo lại bảo:
-Tìm ngay dưới chân xem.
Tâm cúi xuống tìm nhưng vẫn không thấy, ngồi xịu mặt, nhưng lúc ấy thì Loan đã khóc rồi. Cô bé còn hoảng hốt về chuyện mất viết hơn cả Tâm. Đó là cây viết của ba tặng cho Loan hôm sinh nhật nhưng Loan đang xài cây viết của má cho hôm khai trường nên em chưa xài cây của ba, tuy vậy em vẫn thường đem theo dự phòng.
Còn Tâm thì sợ vì cây viết đó quá tốt, em vẫn đinh ninh rằng làm mất một cây viết mắc tiền như thế là một tội lớn vô cùng. Nhưng biết làm sao bây giờ. Cô giáo hỏi đội trực nhựt:
– Lúc nãy các em có thấy trò nào vô lớp không?
Đội trực nhựt đáp:
– Thưa cô, không có ai vô cả.
Cô quay sang Tâm:
– Vậy thì chắc là em đánh rơi đâu ngoài sân rồi.
– Con không có đem ra sân mà, Tâm cãi, con không có túi, chỗ đâu mà giắt viết được.
– Dù sao thì con cũng về thưa với ba má mua cây viết đền cho bạn Loan vì chính con đã mượn của bạn ấy.
– Nhưng đội trực nhựt phải chịu trách nhiệm. Tâm nói mà giọng đã lạc đi, muốn khóc.
Các bạn trực nhựt cãi ngay:
– Tụi con có cho ai vô lớp đâu, cô. Sao chịu trách nhiệm được.
Tâm vẫn cứ cãi:
– Đội trực nhựt phải chịu trách nhiệm.
– Các em im lặng hết coi. Không được cãi nhau trong lớp. Cô đã bảo như thế bạn Tâm rõ chưa. Bây giờ mở sách toán ra.
Thế là Tâm gục đầu xuống. Hai dòng nước mắt chảy dài trên má. Nhưng em vội lấy khăn tay lau đi và cố ngửng lên, mở sách toán ra. Tâm ngồi im cho tới cuối buổi học.
Mãi tới khi về nhà cậu bé mới chịu nói. Cậu thuật lại cho má nghe chuyện mất cây viết. Má nghe rất chăm chú, xong, má hỏi:
– Thế rồi cô xử sao?
– Cô bảo con phải đền cho bạn Loan. Nhưng viết đắt tiền lắm con không đền đâu. Đội trực nhựt phải chịu trách nhiệm mới được.
Má nói, rất dịu dàng:
– Cô giáo nói như thế là đúng đó con à, cho dù đội trực nhựt có chịu trach nhiệm đi nữa thì con vẫn phải đền cây viết cho bạn Loan vì chính con đã mượn của bạn ấy. Đáng lẽ mượn xong là con phải trả ngay nhưng con lại để bừa bãi đâu đó. Ba má đã dặn con hoài về chuỵện đó.
Tâm im lặng, cúi đầu, nhìn các ngón chân của mình. Má cũng im lặng một lúc, rồi má nói:
– Nhưng sao lại mất được. Con không đem viết ra ngoài chớ?
– Không. Áo con có túi đâu. Con đem viết ra ngoài làm gì.
Má có vẻ rất băn khoăn:
– Để trong lớp, không có ai vào lớp cả. Sao mất được? Con đưa cái cặp cho má coi thử.
Tâm đưa cặp cho má. Má lấy hết sách vở, hộp bút ra. Má tìm trong các ngăn, kéo phẹc-mơ-tuya, dốc ngược cặp xuống. Vẫn khôn thấy gì. Má để cặp qua một bên, mở hộp bút ra. Vẫn không thấy. Má xem xét từng cuốn tập, không thấy gì, má cầm cuốn tập đọc lớp Hai lên. Có cái gì nổi cộm lên giữa các trang sách dày. Má lật nhanh tới. Đúng là cây viết Hồng Hà màu đen.
– Có phải cây viết này không?
Bé Tâm đỏ mặt. Rồi em cười, cười một cách bẽn lẽn. Nhưng má thì không cười, mà nghiêm nghị nói:
– Con lại gần đây. Và hãy nói cho má nghe xem sau chuyện cây viết bị mất con đã rút ra được những bài học gì?
Con Cù Lần
Mỗi tối tôi có nhiệm vụ kiểm tra bài vở của thằng em út và dạy nó học. Đồng hồ điểm bảy tiếng. Tôi mở sách ra và đọc to, một cách chậm rãi đề toán:
– Tùng có 18 viên bi. Toàn có 13 viên bi. Nam có ít bi hơn Tùng và nhiều bi hơn Toàn. Hỏi Nam có bao nhiêu viên bi?
Tôi quay sang hỏi nó:
– Em đã đọc kỹ đề toán chưa?
Nó gật đầu.
– Vẫn không hiểu?
Tôi giảng:
– Tùng có 18 viên bi. Nam có ít bi hơn Tùng. Vậy nếu em đặt x là số bi của Nam, thì x phải như thế nào?
– X phải nhỏ hơn 18.
– Giỏi lắm! Tiếp tục nhé, Toàn có 13 viên bi. Nam có nhiều hơn Toàn. X là số viên bi của Nam thì x phải như thế nào?
– X lớn hơn 13.
– Tốt ! Vậy thì Nam có bao nhiêu viên bi?
-…..
Tôi nhìn nó. Chờ đợi… Nó cũng nhìn tôi. Lấm lét. Có lẽ nó sợ tôi hơn là sợ bài toán kia, nên đầu óc nó chẳng sáng sủa hơn được tí nào.
Thế là, vì sức chịu đựng có hạn, tôi la lên:
– Sao em cù lần quá vậy? Đơn giản như vậy mà cũng không biết !
Nó nhìn tôi ngơ ngác:
– “Cù lần” là gì hả chị? Em chưa học tới….
Tôi nhìn sững nó. Rồi chán chường buông viết xuống bàn…. “Cù lần” là gì, nó “chưa học”. Thế cái bài toán kia, nó đã học chưa, sao nó cũng không biết?
Thế đấy, cứ mổi đêm, đúng bảy giờ, là tôi phải “đương đầu” với nó. Nhưng dần dần tôi mới hiểu ra là “dường như” không phải nó dốt mà là tôi không có cách sư phạm! Tôi kiên nhẫn hơn, tự tìm tòi và từ từ thuyết phục được nó….
Thế nhưng chưa phải hết, nó hành hạ tôi bằng những câu hỏi “Trời đánh, Thánh đâm”.
Một lần đi học về, nó cầm trên tay một lẵng hoa thật đẹp làm bằng phim, tôi chọc nó:
– Ồ, con trai cũng chơi hoa nữa sao?
Nó ngoẻn miệng cười, để lộ cáu răng sún vừa mới nhổ.
– Em mua tặng Má để trang trí nội thất đó!
Tôi bật cười, đi cất cặp cho nó và hỏi:
– Thế em biết trang trí nội thất là gì không?
Nó lắc đầu.
-Vậy mà cũng nói. Để chị giảng cho em nha. Nội là bên trong, thất là nhà. Nội Thất là trong nhà. Vậy đồ trang trí trong nội thất là để trang trí ở trong nhà cho đẹp đó. Bây giờ em đã hiểu chưa?
Nó không trả lời mà hỏi lại:
– “Nội” cũng giống như Ông nội, Bà nội đó hả chị?
Tôi phì cười:
– Không phải. Nội ở đây có nghĩa là bên trong… Tôi đang cố lục tìm những ví dụ cụ thể để “minh họa” cho nó hiểu. À, em có nghe người ta nói hàng nội, hàng ngoại không? Nghĩa là hàng trong nước và hàng nước ngoài đó.
Nó gật gù có vẻ hiểu:
– Đúng rồi. Nhưng mà em nghe người ta nói “nước ngoài”, chứ người ta đâu có nói “nước ngoại”, chị?
Tôi tưởng có thể điên lên vì nó. Thật may quá, có tờ báo Sài Gòn Giải Phóng ai để trên bàn. Tôi vớ lấy, như một gã đắm tàu vớ được khúc củi giữa đại dương mênh mông. Tôi chăm chú đọc, để cho nó đừng hỏi thêm gì…. Đến mục biếm họa vẽ một ông khách ngồi uống bia, chỉ tay vào cái ly có con lăng quăng bên trong, với dấu hỏi. Cạnh ông khách là người sản xuất bia “dỏm” đang mỉm cười giải thích: “Dạ thưa, nó là con men bia đấy ạ.”. Tôi phá lên cười, quên mất cơn giận, quay sang nó bảo:
– Hưng, chị cho em coi cái này.. Chị đố em cái con gì trong ly đó!
Nó tròn xoe mắt, nhìn chăm chăm vào cái con gì gì trong ly, rồi kêu lớn:
– Con nòng nọc!
Tôi không thể nhịn được cười. Tôi định nói không phải. Nhưng nghĩ lại biết đâu nó đúng, vì có khi tên làm bia “dỏm” này không múc nước lu mà múc nước ao thì sao? Thế nhưng tôi không tha nó:
– Tại sao con nòng nọc lại nằm trong cái ly chứ?
Nó chau mày nhìn tôi, rồi nhìn hình vẽ. Rồi như khám phá ra điều gì, mắt nó sáng lên, nói:
– Khoan, chị để em đọc cái này đã… Và nó lẩm bẩm đọc: “Dạ thưa, nó là con men bia đấy ạ !”. Thình lình nó la lên: “Em biết rồi nó là con men bia!”
Tôi giật mình vì tiếng la của nó. Khi hoàn hồn, tôi chỉ còn biết buông một tiếng: “Cù lần”
Nó lại tròn xoe mắt nhìn tôi.
Thời gian trôi, “Con cù lần” trở nên thân thuộc với nó. Nó không còn nhìn tôi kinh ngạc khi nghe hai chữ “Cù lần”, có lẽ vì nó đã chuẩn bị sẵn “tư tưởng” để đón nhận mỗi khi hỏi tôi điều gì….
Tôi cứ nghĩ thật đơn giản rằng nó có thể chịu đựng cái tiếng “cù lần” của tôi như tôi đã chịu đựng những câu hỏi của nó, mà không thể ngờ được rằng hai tiếng đó đã hằn sâu vào trái tim thơ ngây, bé nhỏ của nó, đã làm nó thổn thức….
Buồi trưa hôm đó, như thưừng lệ, ăn cơm xong, nghỉ lưng được 15 phút là Má phải dậy đi làm. Hưng vẫn chưa ngủ. Má nhìn nó cười:
– Hưng là học trò sướng quá hả, được ở nhà ngủ mà không chịu ngủ đi. Còn Hiệu Trưởng không được ngủ trưa…. (má lấy tay che miệng ngáp) Mệt quá! Thôi Hưng đổi chổ cho Má đi, Hưng làm Hiệu Trưởng, còn Má ở nhà ngủ nghen!
Nó cười, nhưng đôi mắt buồn hiu:
– Không được đâu. Con còn nhỏ lắm. Con mới học lớp Hai. Con còn chưa biết “cù lần” là gì….
Má tôi bật cười. Nhưng tôi thì không. Tôi thấy thương nó….
Tại sao lại để cho tuổi thơ phải ưu tư, phải suy nghĩ? Tôi muốn làm một điều gì đó để chuộc lỗi.
Buổi tối, tôi mon men đến gần nó, hỏi:
– Hưng à, lúc trước em hay hỏi chị đủ thứ. Bây giờ, em có điều gì không hiểu em hỏi chị đi! Chị sẵn sàng trả lời cho em.
Mắt nó sáng lên, nhìn tôi. Nhưng vừa ngay sau đó nó cúi xuống, rụt rè hỏi:
– Chị ơi, thế “cù lần” là gì hả chị?
ÔI “SƯ TỬ”
Hồi đó, mái tóc tôi thật dài và… “bụi “. Những cọng tóc chẳng lúc nào chịu nằm im, không nghịch đùa với gió, nhưng đôi khi, chúng lại buồn tình rớt xuống, và tôi lại có dịp đưa tay vuốt ngược ra sau. Đó là một cách làm duyên của bọn con gái! Chúng đỏ hoe. Nhưng bọn con trai lại thích thế, cả bọn con gái cũng vậy. Chúng nó gọi tôi là “TiTi”.
Nhóm bọn tôi có năm đứa. Chẳng phải là ngũ long công chúa, vì đứa nào cũng phá còn hơn ma quỷ. Nhưng trong đám chỉ có mình tôi là tóc dài, tất cả tóc đều ngắn. Chúng ao ước có được mái tóc như tôi. Và tất nhiên đó là một niềm “kiêu hãnh “!!!
Tuy nhiên, cái gì rồi cũng sẽ qua đi. Tất cả những gì còn lại chỉ là kỷ niệm… Ba năm trung học thấm thoát trôi qua và chúng tôi rời ghế nhà trường. Mỗi đứa đi một con đường riêng: đứa đi làm, đứa học nghề, mở tiệm, còn những đứa khác thì thi đại học, và tôi là một trong những “đứa khác” đó. Nhưng số phận không mĩm cười với tôi. “trượt “- Đó là cái chữ mà tôi căm thù nhất. Tôi chán nản. Tất cả những gì trước mặt tôi đều như những cái gai chướng mắt. Tôi muốn đá tung, đạp đổ tất cả… Nhưng chúng không thuộc về tôi, tôi không có quyền! Thế là cách duy nhất để thỏa mãn cơn “điên” là phá hoại những gì mình có… Cắt tóc! Tôi đã quyết định như vậy.
Mái tóc “TiTi” của tôi chẳng mấy chốc đã trở thành cái… “bờm sư tử” – một mốt đang thịnh hành! Tôi nhìn vào gương, không thể nhận ra mình. Và về nhà tôi đã òa khóc! Tôi làm ngập lụt cả khu tập thể. Những căn hộ phía dưới chúng tôi phải lấy xô, chậu, hoặc đủ các thứ lỉnh kỉnh khác để hứng “dột”!
Như một đứa trẻ, tôi khóc cho đến khi thấm mệt và cảm thấy chán! Không biết làm gì tôi ngồi suy nghĩ vẫn vơ, nhớ về một thời “vàng son” của mình, tự dưng tay tôi chạm phải ngăn bàn, và bao nhiêu hình ảnh của thời còn đi học được bày ra… Năm đứa con gái “cúp” học, ra Hồ Con Rùa chụp hình với lung tung những tập vở, xe cộ… Trông đứa nào cũng thật dễ thương, thật hồn nhiên. Ánh mắt tôi chợt dừng lại ở “mái tóc dài”… Chịu không nổi, tôi lại khóc. Tôi nhớ nó, nhớ kinh khủng…
Mỗi khi ra đường, thấy một bóng tóc dài nào là tôi dán mắt vào, thèm thuồng và tiếc nuối. Tôi quan sát chúng từ đằng sau và mường tượng đến mái tóc “xưa” của mình… Chúng đâu đẹp bằng. Ờ nhỉ… Nhưng bây giờ sao mình chỉ mong được có thế.
Vậy mà, thật kỳ lạ, dường như người ta chỉ “mê” tôi vì mái tóc, ngay cả khi nó đã trở thành một cái “bờm sư tử”!
Lần đầu tiên là khi tôi đi học về và tình cờ gặp một đứa bạn học cũ. Nó nhìn tôi, khen mái tóc rối rít. Tôi không tin, chỉ cười trừ. Có thể lâu ngày không gặp nhau, chẳng biết chuyện gì nói nên nó nói càn vậy. Nhưng sau đó, như một điều kỳ diệu, lịch sử được lập lại: Một lần tôi đang ngồi “luyện thi” trong thư viện của Nhà Văn Hóa Khoa Học Liên Xô thì một chị rất lạ đến, ngồi vào bàn tôi và dè dặt nói: “Xin lỗi… Em có mái toc đẹp quá. Em cắt ở đâu vậy? Chị cũng muốn…” Tôi hiểu ý và chỉ chỗ cho chị ấy.
Tôi bắt đầu cảm thấy ngờ ngợ… ” Mái tóc mình đẹp lắm ư? Sao hồi giờ mình cứ nỡ ghét nó? “. Và thế là vừa về đến nhà, không kịp thay quần áo, tôi đã chạy ngay đến gương soi. Tôi nhìn chằm chằm. Con sư tử nhìn lại tôi, cũng chằm chằm. Tôi nhắm mắt lại, rồi mở ra. Vẫn là nó. không hơn không kém! Tôi thất vọng…
Nhưng “cái gì rồi cũng sẽ qua đi “… Tôi đã quên bẵng nó khi vùi đầu vào sách vở cho kỳ thi Đại học sắp tới. Cho đến hôm nay, có lẽ tôi cũng sẽ chẳng còn nhớ đến “cái bờm” đang ngự trị trên đầu mình nếu như…
Hôm đó, tôi và nhỏ Nga đến nhà một số bạn để rủ chơi Noel. Sau khi đã vòng một ” tour ” hết đám bạn học, bọn tôi còn rủ thêm một bạn làm chung với nhỏ Nga nữa. Thy là một trong số bạn của Nga mà tôi thích nhất. Nó có mái tóc thật dài và quyến rũ… Nhưng không biết Nhỏ đó đã đi đâu mất. Bọn tôi gặp anh của Thy, nhắn lại vài câu rồi về.
Không hiểu anh của Thy quên nhắn lại hay vì lý do gì mà đêm Noel nó không có mặt. Tối nay, đi học về, tôi ghé qua Nga chơi một tí vì hôm chủ nhật rồi, nó phải đi giao hàng, hai đứa không gặp nhau. Như thường lệ, bọn tôi ra quán cóc ăn yaourt, tán dóc. Chợt nhỏ Nga nói: “Ê Hồng, nhỏ Thy cắt tóc rồi mày. Cắt sư tử ! “Bộ nó khùng hả?”. ” Khùng con khỉ! Tại mầy đó! “. Đang ngạc nhiên, tôi càng ngạc nhiên hơn: “Sao tại tao?” Nó nhìn tôi, chậm rãi nói: ” Như vầy, mày còn nhớ hôm tao với mày đi kiếm nó mà không gặp không? Đó! Ông anh nó chấm mái tóc mày. Khen với nó hoài. Vậy là nó khoái quá, đi cắt giống mày luôn. Còn bày đặt uốn uốn nữa chứ. Thấy ghê! “. Tôi nhìn Nga sửng sốt, chẳng nói gì thêm, vì tôi đang bận nghĩ, tôi nghĩ đến Thy… Không biết nó có khóc một trận đã đời? Và tiếc…
SINH NHẬT CON KHỈ
Dĩ nhiên ai chẳng có sinh nhật. Ví dụ như con mèo nhà Phương. Hoặc như con bươm bướm sáng sáng thường chập chờn trên cụm hoa cúc trắng ngoài vườn. Tất nhiên chúng cũng phải mở mắt chào đời vào một ngày nào đó chứ. Ví dụ như Phương sinh ngày 13 tháng 01, Bích Nga sinh ngày 14 tháng 07 và Quang sinh ngày 27 tháng 12, tức là ngày hôm nay. Nhưng giờ nào? Chẳng ai biết. Quang tổ chức sinh nhật vào buổi chiều. Quà sinh nhật mọi người đã chuẳn bị sẵn. Phương muốn có một món gì đó độc đáo. 27 tháng 12 như vậy là anh chàng Quang này chỉ nhỏ hơn Chúa Giêsu có hai ngày. Dẫu sao không khí Noel vẫn còn. Phương nghĩ ngay đến một cái bánh Buche de Noel mini do Phương tự chế tạo. Hy vọng đó là món quà bất ngờ độc đáo.
Nhưng sự bất ngờ bao giờ cũng được giấu kín đến giờ phút chót. Nguy hiểm, một cái bánh kem mà bỏ vô hộp, gói hai lớp giấy, đi đường nội chuyện xóc xe cũng đủ tiêu đời lớp kem trên mặt. Lớp kem sẽ có dòng chữ MỪNG SINH NHẬT THỨ 20 CỦA QUANG, cạnh đó là một đóa hồng rực rỡ.
Mới 3 giờ chiều, Bích Nga phóng xe cub tới.
– Xong chưa?
Phương thoa một chút môi son, nheo mắt trong gương, cầm hộp bánh bước ra. Bích Nga hỏi:
– Quà gì đấy?
– Bí mật. Có thể là một khúc củi.
– Bộ mi muốn phá hắn?
– Đôi khi.
Chiếc cub phóng đi. Hai cô gái mười chín tuổi. Rất mô-đen. Quần áo thùng thình. Bích Nga lạng qua ngã tư. Phương la lên:
– Chạy chậm.
– Sợ văng xuống đường hả?
– Sợ bể quà. Quà của tao thuộc loại fragile.
– Chứ sao mày nói “khúc củi”?
Phương bật cười, đưa món quà ra trước mặt bạn. Hộp giấy màu trắng có vân tím rất nhạt, rất chìm. Trên nắp hộp có vẽ các dấu hiệu dễ vỡ: cái dù, cái ly thủy tinh và chữ fragile. Bích Nga lè lưỡi:
– Gì ghê vậy? Bộ bình trà hả?
– Đã nói là bí mật. Chạy từ từ, tránh ổ gà. Tránh những chỗ mấp mô. Nói chung là mày cứ tưởng tượng đang chở má mày đi Từ Dũ.
Lát sau hai cô gái đến nhà Quang. Một ngôi nhà xinh xắn ở trong cái hẻm rộng, sạch sẽ, trước nhà có khoảng sân nhỏ trồng bông giấy. Bạn bè túa ra. Hồng Vân nhảy tới chụp gói quà của Phương.
– To quá. Đưa tao coi.
– Phương nhảy nai, tránh đòn, hai tay đưa hộp quà lên khỏi đầu.
– Ối. Ối. Đừng sờ bậy.
Các bạn reo lên:
– Ê, Hồng Vân pêđê tụi bay.
– Ơ kìa, tớ chỉ sờ gói quà.
Các bạn vây lấy Phương, cố giành giật gói quà bí mật. Phương sợ kem bên trong trây hết vào thành hộp nên hoảng quá, ngồi thụp xuống. Kết quả Phương đã bảo vệ an toàn cho món quà của mình.
Mọi người ngồi vào bàn tiệc cùng hát bài Happy Birthday và sau đó là bài Silent Night quanh cái bánh sinh nhật lớn có cắm 20 ngọn nến nhỏ xíu. Chiếc bánh Buche De Noel bí mật của Phương chỉ bằng một góc cái bánh này nhưng Phương tin rằng Quang và bạn bè sẽ thích vì do chính tay Phương làm ra.
Quang bắt đầu mở các gói quà. Một thế giới xanh xanh, đỏ đỏ cho trẻ nhỏ nó mừng hiện ra. Agenda, bút bi, máy tính, album….
Quang xoay xoay một gói giấy dẹp dẹp trên mặt bàn.
– Ái chà, đây có thể là một cuốn sách.
Một người khác đoán:
– Chắc chắn là một hộp sô-cô-la.
Quang mở gói giấy. Mọi người reo lên:
– Khô mực.
– Tặng cà vạt để cưới vợ chắc. Ai vậy?
Quang cầm chiếc cà vạt giơ lên cao, ngắm nghía rồi ướm thử lên cổ áo.
Theo yêu cầu, hộp quà của Phương được mở sau cùng. Quang có vẻ rất hào hứng, nhưng anh chàng không khui vội. Mọi người lại thi nhau đoán:
– Một cuốn từ điển.
– Một chai rượu.
Quang săm soi hộp quà. Vẫn chưa đoán ra được cái gì bên trong. Một bạn khác nói:
– Chắc là bàn cờ tướng.
Quang cầm gói quà đưa lên mũi ngửi. Phương nhói tim. Quang lại áp tai vô nắp hộp giấy, nghe ngóng một lúc lâu làm mọi người hồi hộp quá cỡ. Bất ngờ hai tay Quang cầm chắc cái hộp. lắc mạnh như người ta lắc bầu cua cá cọp.
Phương ôm ngực kêu lên:
– Chết tôi rồi!
Và cô gái gục mặt xuống bàn khóc.
Biến cố ấy làm mọi người ngạc nhiên. Bích Nga vuốt tóc bạn, hỏi:
– Sao vậy?
Nhưng Phương không trả lời. Một lúc, cô gái ngẩng đầu lên và nói cộc lốc:
– Khui ra đi.
Quang bóc gói giấy ra, mở nắp hộp. Cái nắp dính bê bết kem trắng, đỏ xanh lẫn lộn. “Khúc củi” vẫn còn hình dạng những đóa hoa hồng và hàng chữ MỪNG SINH NHẬT THỨ 20 CỦA QUANG đã tan nát vì cái lắc bầu cua bất ngờ của chính người trong cuộc.
Quang ân cần đến bên Phương.
– Xin lỗi Phương. Mình có ngờ đâu.
Phương ngồi im. Các bạn xúm lại quan sát chiếc bánh. Hồng Vân chu mỏ, sửa gọng kính cận, reo lên:
– Ê, tụi bay coi. Chỗ kem hư này có hình con gì?
Ba cái mặt con gái và bốn cái mặt con trai xúm lại nhìn chiếc bánh. Riêng Quang thì nhỏ nhẹ hỏi Phương:
– Phương làm con gì tặng mình vậy?
– Con khỉ.
– Ủa, con khỉ hả? – Quang reo lên mừng rỡ. – Khỉ là con giáp của mình. Trời ơi, phải chi đừng lắc cái hộp thì hay biết mấy. Tiếc chết đi được.
Anh chàng dậm chân, bứt tóc y hệt Tôn Ngộ Không.
Đông con
Con xin mẹ xem lại phim “Barbie và vũ điệu 12 công chúa“ (Barbie And The 12 Dancing Princess), và trầm trồ sao hoàng hậu lại có thể sanh ra được nhiều công chúa như vậy! Mẹ nói mẹ cũng muốn sinh nhiều, ra một đàn con như vậy cho con tha hồ chơi với nhau.
Con trầm ngâm, bảo: “nhưng mà cũng khó có ai mà sanh được như vậy lắm, mẹ!“. Mẹ nói khó thật, nhưng mà cũng không phải là không có! như bà cố là mẹ của ông ngoại sanh ra đến 16 người con, mà ông ngoại là con út, thứ 16 đó!
Con trợn mắt, bất động, rồi ngã đùng ra giường, như trong phim hoạt hình! Rồi con lồm cồm ngồi dậy: “Mẹ nói thiệt với con đi, đừng có xí gạt con! Có phải bà cố sinh ra 16 người con không, mẹ? Làm sao có thể sanh được, hở mẹ? Có phải sanh em bé ra rồi đang cho bú, lại sanh em bé nữa, rồi đang cho ăn lại sanh nữa, sanh hoài, sanh hoài, không mẹ?“
Ngày 07-08-2011
Hiếu thảo
Con từ trong phòng mình, cầm cuốn sách đi sang phòng ba mẹ, mếu máo: “truyện buồn quá, mẹ!“. “Truyện gì mà buồn dữ vậy, con gái?“. “Gương Hiếu Thảo đó, mẹ! Ba câu chuyện đều là con phải chết để cứu mẹ, tội nghiệp quá! hu hu!“. “Vậy à? Tội nghiệp quá! Mà con khóc thiệt đó à?“. “Con khóc thiệt mà mẹ, mẹ coi nước mắt chảy ra nè! Mà tại sao con phải chết mới là hiếu thảo hả mẹ? Tại sao người ta không viết con phụ mẹ làm việc nhà, cũng là hiếu thảo vậy! Buồn quá, hu hu hu!“
A hay B?
Vừa ăn cơm chiều xong, con sờ bụng mẹ: “A – béo phì, B – Có em bé!“. Mẹ cười: “đáp án là A!“
Tháng 07-2011
Da gà
Con nhìn thật lâu bức ảnh cưới của ba mẹ treo trên tường trong phòng ngủ, trầm trồ khen mẹ đẹp quá! Rồi ngạc nhiên hỏi mẹ tại sao da mặt mẹ lúc cưới trắng mịn như vậy mà bây giờ lại giống như… da gà! Hahaha!
Nhí nhảnh
Mẹ ngồi trầm ngâm trước tủ đồ, con gái hỏi sao mẹ cứ ngồi nhìn chồng quần áo như vậy? Mẹ nói mẹ đang suy nghĩ xem nên lấy đồ gì đi tắm mặc đây vì trời nóng quá! Con bảo “mẹ mặc chiếc áo dây màu vàng có mấy trái dâu tây đỏ này đi, mẹ! lâu lâu mẹ mặc đồ nhí nhảnh một chút cũng được mà!“ J
Đường Tăng
Hai mẹ con đi bộ ở công viên về, ngang qua tiệm bán tượng Phật, có chưng bức tượng Địa Tạng Bồ Tát (vị Bồ Tát chuyên cứu độ sinh linh trong địa ngục), có khuôn mặt và trang phục giống y Đường Tăng trong phim Tây Du Ký mà con đang xem.
Con bảo “con thích ông Đường Tăng này quá, mẹ! Mẹ mua về cho con đi!“. “Mua để làm gì hở bé? và để ở đâu?“. “Để trong phòng ngủ của con đó, mẹ! Để mỗi sáng thức dậy, con sẽ hun ổng một cái!“. “Tại sao con lại hun ổng?“. “Vì con thích ổng! ổng là người tốt lắm đó, mẹ!“. “Sao con không hun mẹ, mà lại hun ổng?“. “Vậy con hun mẹ một cái, hun ổng một cái, được không mẹ?… Thôi, con hun mẹ hai cái, ổng một cái thôi, nha mẹ!“
Listen
Con đi học về, hớn hở khoe hôm nay con học tiếng Anh được nhiều động từ.
– Sleep là ngủ, walk là đi bộ, listen là nói chuyện…
– “Lắng nghe“!
– Dạ đúng rồi, mẹ! Lắng nghe nói chuyện!
Reply
|
Reply to all
|
Forward
|
|
show details 1:15 am (2 days ago)
|
Ngày 01-08-2011
Hậu Sinh Nhật
Sau tiệc là chương trình mở quà, nhưng hấp dẫn nhất và được chờ đợi hơn hết là tiết mục lên lầu vào phòng con chơi! Cả đám bạn ùn ùn kéo lên lầu, vừa chạy vừa la hét phấn khích!
Nào là đồ chơi, sách truyện được bày ra la liệt trên bàn, trên giường, dưới sàn nhà. Bạn đứng, bạn ngồi, bạn nằm… rất hưởng thụ! Ba dặn mẹ lâu lâu lên thăm chừng con chứ để các bạn nhỏ “xâm lấn“ sang cả phòng ba mẹ, vì vốn dĩ con rất hiếu khách!
Mẹ bước lên cầu thang, căn phòng con chợt yên lặng một cách bất thường. Mẹ rón rén, thấy một bạn nhỏ đang đứng ngoài hành lang viết gì đó vào một mẩu giấy nhỏ. Mẹ hỏi bạn viết gì mà lại ở ngoài hành lang này tối vậy, bạn bảo con đang viết điều ước… Mẹ lách mình vào cánh cửa hé mở, thấy hai bạn nhỏ khác cũng đang viết trên một mẩu giấy nhỏ như vậy, nhiều màu khác nhau.
Thì ra con đã phóng khoáng mở chai-thủy-tinh-điều-ước và lấy những mảnh giấy màu trong đó cho các bạn viết nên điều ước của riêng mình (mà không cần chờ đến khi con đủ lớn để viết vào điều ước có một ngôi nhà to có hồ bơi và có ống khói cho ông già Noel đỡ phải vất vả mỗi khi chui vào nhà vào đêm Giáng Sinh). Những bạn nhỏ khác thấy mẹ, bắt đầu nhao nhao: “cô ơi, con cũng muốn viết điều ước!“. “Nhưng mà hết giấy rồi, mẹ ơi!“, con nhanh nhẩu. “Không sao! Minh Anh lấy giấy vẽ, cắt nhỏ ra cho mỗi bạn một tờ đi con!“.
Thế là bạn nào cũng có một tờ giấy để ghi ước mơ cháy bỏng của mình! Giờ về, một bạn nhỏ còn ghé tai mẹ thì thầm: “hôm nay con đã ghi điều ước của mình rồi, mẹ!“
Tháng 07-2011
Highlight
Mẹ vào internet in ra sơ đồ đường đi của nhà mình và địa chỉ nhà để kèm vào thiệp mời sinh nhật gởi cho bạn. Mẹ dùng viết highlight vàng tô lên đường đi hướng từ trường con đến nhà mình, và vẽ một ngôi sao đỏ ở điểm đến.
Ba kêu sao thiệp mời sinh nhật của bé hiện đại quá! Mẹ nói không làm vậy, phụ huynh ngại không biết đường và nghĩ là xa sẽ không cho bé đi thì tội nghiệp con.
Con gái quan sát sơ đồ chỉ đường, hỏi tại sao mẹ lại tô màu lên những chổ này. Mẹ giải thích đó là mẹ dùng viết highlight để làm nổi rõ đường đến nhà mình và địa chỉ nhà. Con à lên một tiếng, hỏi “có phải hightlight là giống mấy đường sọc sọc trên áo mấy cô chú quét đường không, mẹ?“
Dễ thương quá cô bé Minh Anh tự Nhí…Ngây thơ nhí nhảnh hồn nhiên-Yêu bạn bè…Tuổi Thơ sống sung sướng hưởng thụ từ- ”Tình yêu của Ba Mẹ”dành cho cô bé…
……Nhất vẫn là Mẹ!Mẹ làm tất cả để bé được vui…Mẹ quan tâm, chuyện trò với bé luôn…Mẹ kiên nhẫn lắng nghe bé nói…Mẹ giải thích -hợp với tuổi nhỏ của bé…Mẹ quả đúng ”Người Mẹ tuyệt vời!”Nghe mà Thích mà Yêu”Phải chi ai cũng có Mẹ như thế?”Một Người Mẹ ”Yêu con gái nhỏ”Dù bận bịu cách mấy,vẫn dành thời gian…Để Ý đến”Tâm tư tình cảm”cô con gái nhỏ”-Bé bỏng nhưng Tính-cứ luôn thắc mắc hỏi….”Mẹ siêng trả lời -cũng thầm công nhận”Cô công chúa láu lĩnh ĐỂ Ý DỮ…”Để ý thôi!Bé chã biết gì!?Cứ thích hỏi ,để cho Mẹ trả lời…Nghe Mẹ nói ,mẹ đáp lời là bé thấy vui rồi?
Ảnh hưởng ở Tính Mẹ..Bé cũng biết quan tâm đến người Thân?Ông Bà Nội Ngoại nè…?Mẹ bỏ công làm sinh nhật cho bé…Bé cũng bắt chước làm cho Ngoại…Cũng cho QUÀ- Nhiều như những gì bé đã NHẬN…
……Trẻ con thường là như thế!Tính bắt chước số một!?Bởi vậy-Người Lớn phải luôn là Tấm GƯƠNG TỐT…Để từ đó ,bé nhìn vào SOI MÌNH…Sẽ làm-có những điệu bộ kiểu cách ….Nghĩa là ,hành động thể hiện Ngoài….Sẽ vào Trong Tâm hồn…”GIỐNG NHƯ IN”?