Đào Hiếu – SỐ PHẬN CỦA NHỮNG CUỐN SÁCH

Tôi có nhiều bạn bè là nhà văn, nhà thơ, nhà báo…

Và tất nhiên tôi thường được các đồng nghiệp tặng sách mỗi khi có tác phẩm mới.

Tôi sẽ đón nhận những món quà đầy tâm huyết ấy như thế nào?

*

Câu hỏi ấy lát nữa tôi sẽ trả lời.

Bây giờ tôi xin kể quý vị nghe những điều tôi biết về số phận của những cuốn sách mà tôi và các đồng nghiệp tôi đã tặng cho bạn bè với rất nhiều trân trọng và kỳ vọng một chút chia sẻ, cảm thông…

*

Một cú điện thoại. Một quán cà phê. Vài ba người bạn. Chào hỏi. Chúc mừng anh mới xuất bản sách. Ký tặng. Săm soi. Ô! Bìa đẹp quá. Cái tên nghe hấp dẫn…

Tàn cuộc, mọi người giành nhau trả tiền. Tôi ngồi hút thuốc, thưởng thức “tình bạn vỹ đại và cảm động”.

Tôi muốn là người rời quán sau cùng, để tận hưởng chút hạnh phúc của một người sáng tác.

Và khi tôi dụi tắt điếu thuốc, đứng lên, thì phát hiện trên một chiếc ghế ngồi, cuốn sách của tôi bị bỏ quên.

*

Lại một quán cà phê.

Một đồng hương muốn gặp tôi để xin “cuốn sách với chữ ký của tác giả”. Tôi lấy sách ra, ký tặng.

Anh bạn cầm sách lên săm soi, lật vài trang. Rồi nói:

-Ông cho tôi địa chỉ nhà, hôm nào đến rủ đi nhậu.

Tôi đọc địa chỉ. Anh bạn rút cây bút, nhưng vì không có tờ giấy hay cuốn sổ nên liền mở cuốn sách của tôi ra.

Sách mới, nên không thể mở rộng cái bìa ra để viết địa chỉ. Anh ta liền đè cái bìa nằm bẹp xuống, còn lấy ngón tay miết miết cho nó gãy gập thành nếp, để anh có thể thoải mái viết địa chỉ nhà tôi lên đó. Tôi đọc một đàng, anh viết một nẻo, nên phải bôi xóa viết lại cho đúng.

Cuốn sách của tôi trở thành tờ giấy nháp.

Tôi xót ruột. Nhưng vì anh ta xuất chiêu quá lẹ, quá phũ phàng nên tôi không kịp phản ứng. Trong đầu tôi nghĩ: “Một người coi thường cuốn sách như thế thì chắc là sẽ không đọc”.

Anh ta muốn có sách của tôi chẳng qua là để sưu tập những tác phẩm nổi tiếng, hoặc là để chưng trên kệ cho vui mắt.

Một tháng sau, tình cờ gặp lại anh ta trong một quán cà phê khác. Anh đang ngồi với vài người bạn cũng quen với tôi. Họ đều nói:

-Nghe nói mới in sách, sao không thấy tặng.

Rất may trong túi xách của tôi còn hai cuốn. Tôi tặng cho hai người khá thân, rồi cáo từ vì có việc gấp.

Khi vừa quay lưng, thì người bạn hôm trước tôi đã tặng sách bèn nói lớn:

-Còn tôi nữa! Bộ tôi không phải là bạn của ông sao?

Tôi xoay người lại. Nhìn sững vào mặt anh bạn quý mến. Ối trời ơi! Ngay cả việc tôi đã trực tiếp ký tặng sách cho anh hôm đó mà anh ta còn không nhớ thì nói gì tới chuyện đọc sách!

*

Hôm rồi tôi mới xuất bản một tác phẩm mới tinh. Và tôi rất đắc ý. Tôi nghĩ ngay tới một cô bạn thân.

Cô mời tôi đến nhà chơi vì đó là nhà cô mới mua. Mới dọn về có mười ngày. Ý của cô là muốn khoe nhà mới. Tôi biết thế nên giấu chuyện tặng sách.

Tôi muốn dành cho cô một bất ngờ.

Nhà mới mua 10 tỷ, tất phải có kệ sách mới. Sách mới chưng vào kệ mới thì quá tuyệt!

Tôi vừa uống trà vừa ngắm phòng khách sang trọng.

-Kệ sách rất đẹp, tôi nói, nhưng sao không có cuốn sách nào vậy? Mấy tác phẩm của anh tặng em mấy năm trước, cũng không thấy.

Cô bạn cười khanh khách. Vui đáo để!

-Anh biết không! Em có thể tự hào rằng mình từng có một tủ sách đẹp nhất thành phố này! Hàng ngày em ngồi uống cà phê, ngồi tiếp khách… và ngắm cái tủ sách. Rất thú vị. Rất tao nhã!… Cho đến khi em mua cái nhà này. Em dọn nhà. Em dọn tủ sách. Và anh biết sao không? Lấy cuốn nào ra cũng chỉ còn cái gáy. Toàn bộ phía sau bị mối ăn sạch trơn! Bụi giấy bay mù mịt. Em ho sặc sụa! Muốn chết luôn!

Tôi làm dấu thánh. Cha và Con và Thánh Thần. Xin Chúa hãy thương xót linh hồn những tác phẩm của con, Amen!

Thế là cuốn sách tôi vừa mới in không bao giờ được lấy ra khỏi túi xách!

*

Những mẩu chuyện như vậy còn nhiều lắm. Bây giờ tôi xin trả lời câu hỏi: “Tôi đã đón nhận sách của đồng nghiệp tặng tôi như thế nào?” như đã hứa ở phần trên.

-Những sách “nổi đình nổi đám” thì tôi mua đọc. Những sách của đồng nghiệp tặng thì tôi không đọc ngay. Tôi xem qua. Trước hết thấy bút pháp mới lạ, ngôn ngữ độc đáo thì tôi đọc, còn nếu thấy không có gì đột phá thì tôi cất trong tủ, chờ khi nào thật rảnh sẽ xem lại.

-Những sách có kỹ thuật thể hiện độc đáo tôi đọc thử một chương. Nếu hay thì đọc hết luôn. Và thích thì viết bài giới thiệu.

-Những sách của bạn thân thì tôi thường viết bài giới thiệu, kể cả khi không được yêu cầu.

CÓ THỂ KỂ MỘT SỐ TÁC PHẨM NHƯ SAU:

*Những bầy cừu đi vào bãi nắng (Kiều Maily)

*Nguyễn Thuý Hằng, từ miền đất xa lạ (Nguyễn Thúy Hằng)

*Những mảnh vỡ đang tìm cách ráp nối (Đặng Phú Phong)

*Kẻ đi lạc vào thiên thu (Như Quỳnh de Prelle)

*Một phút tự do (Elena Pucillo Truong)

*Ma trận Sáu-Tám (Phạm Hiền Mây)

*Ru người hấp hối (“HÁT” của Trần Nhã Thụy)

*Sự trở lại của “vết xướt” (Trần Nhã Thụy)

*Mút mùa Lệ Thuỷ (Nguyễn Đình Bổn)

*Tìm lại Zorba (Nikos Kazantzakis)

.

Và. Khi viết “điểm sách” tôi không bao giờ viết qua loa cho “xong nợ” mà đem hết tâm trí, kiến thức, cảm xúc… ra viết, nên bài viết thường rất được hoan nghênh.

Tôi nhớ Như Quynh de Prelle khi đọc bài viết của tôi về tập thơ “Buổi Sáng Phủ Định” đã viết một câu trên trang FB của cô: “Đọc mà nhòa nước mắt”. Còn những bài điểm sách cỡ như “Nguyễn Thúy Hằng, từ miền đất xa lạ” thì xin lỗi giới giang hồ, chỉ có quỷ Sa-tăng mới viết được như thế.

Tôi nói vậy không phải để khoe khoang nhưng để chứng minh rằng tôi đối với tác phẩm của đồng nghiệp trân trọng nhường nào.

Lát nữa tôi sẽ post bài “Nguyễn Thúy Hằng, từ miền đất xa lạ” hầu quý vị.

Về phần tác phẩm của tôi, thì có bạn nọ nói: “Ông viết sắc sảo lắm, tôi sẽ viết một bài giới thiệu vì tôi thích.” Nhưng từ bấy đến nay chẳng thấy tăm hơi. Một người khác cũng nói: “Em sẽ viết bài giới thiệu cuốn Đốt Đời của anh vì em thích quá”. Nhưng hình như tôi đã nghe lầm.

Tuy vậy cũng có một một số cây bút tên tuổi viết về tôi: GS. Hoàng Thiệu Khang viết về cuốn Vua Mèo. Nhà văn Nhật Chiêu viết về tác phẩm Chia Tay. Nhã Nam viết về Mạt Lộ. Nguyễn Trần Sâm viết về Lạc Đường. Nhà thơ Lê Vũ (Đoàn Vĩnh Phúc) đã viết một bài tổng luận thật hay về các tác phẩm Đào Hiếu.

Lê Vũ đã chết quá trẻ. Tôi chưa kịp có lời nào đền đáp anh, vì anh là một người rất tài hoa: Thơ rất hiện đại, biết chơi nhiều nhạc cụ như guitar, piano, keyboard…

Bài tổng luận của anh cũng hiện đại như thơ anh vậy.

Ngày 17/6/2021

ĐÀO HIẾU

Bình luận về bài viết này