Nhân Cách Mạng Tháng Mười Nga (7/11/1917), đọc lại môt vài đoạn của Kazantzaki

Nikos Kazantzaki

Nikos Kazantzaki

LTS: Cách Mạng Tháng Mười Nga (7/11/1917) ai cũng biết là một thảm hoạ của nhân loại. Những hình ảnh khủng bố thời Stalin, chúng ta có thể tìm thấy trong tác phẩm “Quần Đảo Gulag” của Solzhenitsyn.

Tuy nhiên trong những ngày đầu của nó, người dân nông thôn Nga vẫn sống rất hồn nhiên và rất phóng túng, khi mà những móng vuốt của đám Bolshevik chưa thể vươn tới những vùng đất hoang sơ rộng lớn của nước Nga mênh mông. Trong tác phẩm Zorba The Greek của Kazantzaki chúng ta sẽ ngạc nhiên thích thú về cái không khí hoang sơ này.

*

Hắn với tay lấy cái ly, nốc cạn, bóc vỏ một trái lật. Hắn vừa nhai vừa nói:

– Có một nàng tên là Sophinka, và nàng nữa tên Noussa. Tôi quen với Sophinka tại một thôn lớn gần Novo Rossisk. Lúc ấy vào mùa Ðông, tuyết rơi, tôi đi tìm việc làm ở một hầm mỏ, và khi ngang qua làng đó, tôi dừng lại.

Hôm đó, là ngày phiên chợ, và từ khắp các làng vùng lân cận, đàn ông đàn bà đều đổ về mua bán. Một nạn đói kinh khủng, trời rét như cắt, dân làng đem bán tất cả những gì họ có, cho đến cả những thánh tượng, để mua bánh mì.

“Tôi len lỏi vào chợ khi tôi thấy một thôn nữ cao độ hai thước với đôi mắt mầu xanh nước biển, và đùi với mông đó… một con ngựa cái, thực thế!… Tôi chết đứng.

“Này, Zorba đáng thương ơi! Tôi tự nhủ, đời mày tàn rồi!”

“Tôi bắt đầu đi theo nàng. Và tôi nhìn nàng không chán… không thể nào dời mắt đi chỗ khác được! Ông phải thấy đôi mông nàng đong đưa qua lại như chuông nhà thờ ngày lễ Phục Sinh! “Tại sao lại đi tìm những hầm mỏ, hở ngốc tử? Tôi tự nhủ. Mi đã lầm đường rồi. Tại sao lại phí thì giờ quí báu ở đó, quân thay đổi ý kiến như chong chóng! Kia mới là hầm mỏ thực cho mi: Hãy chui mình vào đó và đào những đường hầm!”

“Cô gái dừng lại, mặc cả, mua một mớ củi, khuân lên – Jesus, hai cánh tay! Và ném hết lên xe ngựa. Cô mua một ít bánh mì và năm sáu con cá sấy. “Bao nhiêu tất cả?” Nàng hỏi “Dữ vậy…?” Nàng gỡ hoa tai bằng vàng để trả tiền. Vì nàng hoảng kinh. Ðể cho một người đàn bà thế hoa tai của mình, những món trang sức của họ, những miếng xà phòng thơm, những lọ nước hoa… Nếu nàng bỏ tất cả những thứ ấy thì đời không còn gì nữa! Cũng như thể ông nhổ lông một con công đi. Ông có tâm địa nào nhổ lông một con công không? Không bao giờ! Không, chừng nào Zorba còn sống, tôi tự bảo, việc ấy không thể xẩy ra. Tôi mở túi bạc và trả tiền. Ðó là vào thời kỳ mà đồng rouble đã trở thành mớ giấy lộn. Với một trăm drachma người ta có thể mua được một con la, và với mười drachma, được một người đàn bà.”

“Thế là tôi trả. Con đĩ rạc quay lại, liếc nhìn tôi. Ả cầm tay hôn. Nhưng tôi, tôi rút tay lại. Sao, nàng cho tôi là một cụ già à? ‘Spassibla! Spassibla!’ ả nói với tôi như thế; thế có nghĩa là: ‘Cám ơn! Cám ơn!’ Và ả nhảy lên xe ngựa; nàng cầm dây cương và dơ cao chiếc roi. ‘Zorba, lúc ấy tôi tự nhủ kìa, ông bạn, nàng sắp lọt khỏi tay mi rồi đó!’ Phóc một cái, tôi ở bên cạnh nàng trên xe ngựa. Nàng không nói gì. Nàng cũng không quay lại nhìn tôi. Một roi ngựa và thế là chúng tôi lên đường.”

“Trên đường nàng đã hiểu rằng tôi muốn lấy nàng. Tôi ấp úng dăm ba câu tiếng Nga, nhưng đối với những chuyện này, không cần phải nói nhiều. Người ta nói với nhau bằng mắt, bằng tay, bằng đầu gối. Sau cùng, chúng tôi về đến làng và dừng lại trước isba của nàng. Chúng tôi xuống xe. Lấy vai đẩy một cái, thiếu nữ mở cổng và chúng tôi bước vào. Chúng tôi quăng củi xuống sân, lấy cá và bánh mì rồi chúng tôi chui vào phòng. Có một bà lão nhỏ thó ngồi bên lò sưởi nguội lạnh. Bà lão run cầm cập. Bà ta quấn mình trong những cái bị, những tấm giẻ rách, những tấm da cừu, nhưng bà cũng vẫn run như thường. Trời lạnh như cắt, mẹ kiếp! Tôi khom mình, lấy một ôm củi bỏ vào lò sưởi và nhóm lửa. Bà lão mỉm cười nhìn tôi. Cô con gái bà đã nói với bà điều gì, nhưng tôi không hiểu. Tôi gầy lửa, bà lão đã được sưởi ấm và bà hồi sinh dần.”

“Trong lúc đó, thiếu nữ dọn bàn ăn. Nàng mang ra một ít rượu Vodka, và chúng tôi uống. Nàng châm lửa cái samovar và pha trà, chúng tôi ăn và chia phần ăn cho bà lão. Ðoạn nàng nhanh nhẹn dọn giường trải drap sạch, đốt ngọn đèn chong trước thánh tượng Ðức Mẹ Ðồng Trinh và làm dấu Thánh giá ba lần. Và nàng ra dấu gọi tôi; chúng tôi quì trước bà lão và hôn tay bà. Bà lão đặt đôi bàn tay xương xẩu lên đầu chúng tôi vừa thì thầm điều gì. Có lẽ bà ban phúc lành cho chúng tôi. ‘Spassibla! Spassibla!’ Tôi la, và, phóc một cái, tôi đã ở trên giường với con đĩ non.”

Zorba nín lặng. Hắn ngẩng đầu lên và nhìn về phía biển xa.

– Nàng tên Sophinka…, lát sau hắn nói, và lại rơi vào im lặng.

– Sao nữa? Tôi sốt ruột hỏi hắn. Sao nữa?

– Không có “sao nữa” gì hết! Ông có cái tật “sao nữa” với “tại sao” kỳ quá, ông chủ! Những điều đó không kể lại được mà! Ông thấy không! Người đàn bà là một dòng suối mát: người ta nghiêng xuống thấy bóng mình, và người ta uống; người ta uống cho đến khi xương kêu răng rắc. Rồi, kẻ khác lại đến và y cũng khát: y cúi xuống thấy bóng mình và y uống. Rồi một kẻ khác nữa…

*

Người đàn bà, quả thực là một dòng suối mát.

– Rồi sau đó, bác có bỏ ra đi không?

– Vậy ông muốn tôi phải làm gì chứ? Ðó là một dòng suối, tôi đã nói với ông như thế, và tôi một kẻ qua đường: tôi lại ra đi. Tôi lại ở lại với nàng ba tháng. Cầu Thượng Ðế phò trợ cho nàng, tôi không có gì ta thán nàng hết! Nhưng sau đó ba tháng, tôi nhớ ra là tôi đang đi tìm hầm mỏ. “Sophinka, tôi nói với nàng vào một buổi sáng, anh, anh có công việc, anh phải ra đi.” “Ðược rồi,” Sophinka bảo, “Anh đi đi. Em sẽ đợi anh trong một tháng, và nếu sau một tháng anh không trở lại, em tự do. Anh cũng thế. Cầu Thượng Ðế ban phước lành cho anh!” Tôi ra đi.

– Và sau một tháng bác có trở lại…?

– Ông ngốc quá, ông chủ, xin ông thứ lỗi cho! Zorba la lên. Làm sao mà trở lại được? Mấy con đĩ có bao giờ để mình yên đâu? Mười ngày sau, ở Kuban, tôi gặp Noussa.

– Kể đi! Kể đi!

– Ðể lần khác, ông chủ. Không nên trộn lẫn họ, những kẻ đáng thương! Chúc em khỏe mạnh, Sophinka.

Hắn nốc một hơi cạn ly. Rồi tựa lưng vào tường và nói:

– Ðược rồi, tôi sẽ kể ông nghe về Noussa. Tối nay đầu óc tôi đầy Nga. Hàng đi! Chúng ta sẽ làm cạn mấy cái hầm tầu!

Hắn chùi bộ ria mép và quạt than.

– Vâng như tôi đã nói với ông, tôi đã quen biết với cô ta ở làng Kuban. Lúc đó vào mùa Hạ. Hàng núi dưa hấu và dưa gang. Tôi cúi xuống lượm một trái và không ai nói gì cả. Tôi bổ nó ra làm đôi và úp mặt vào.

“Tất cả đều dồi dào ở Nga, ông chủ, tất cả đều đầy đống. Hãy lựa chọn và lấy! Và không chỉ có dưa hấu dưa gang mà cả cám bơ, và đàn bà. Qua đường, ông thấy một trái dưa hấu, ông lấy đi. Ông thấy một người đàn bà, ông cũng lấy đi. Không phải như ở đây, ở Hy Lạp, nơi ông nhón một miếng vỏ dưa gang nhỏ xíu họ sẽ lôi ông ra tòa, và khi ông chạm vào một người đàn bà, anh em nàng sẽ xô tới, rút dao ra băm vằm thịt ông nát như tương. Khiếp! Bọn đê tiện bủn xỉn… Hãy tự treo cổ lên đi! Hỡi bọn nhớp nhúa! Hãy đến Nga một chút nếu bay muốn thấy bay có thể sống như những đại lãnh chúa như thế nào!

“Tôi đi qua làng Kuban và tôi thấy một người đàn bà trong vườn rau. Tôi thích nàng. Ông nên biết rằng, ông chủ, người đàn bà Slave họ không giống những cô ả Hy Lạp ốm o, tham lam, bán xẻ ái tình bằng ống nhỏ giọt và tìm đủ mọi cách để bòn rút và cân thiếu lường gạt ông.”

“Người đàn bà Slave, ông chủ, họ cân già cho mình. Trong giấc ngủ, trong tình yêu, trong việc ăn uống; họ rất gần với thú vật với đồng ruộng và với đất đai. Họ cho, họ cho một cách rộng rãi, họ không như mấy cô ả Hy Lạp gùn ghè, keo kiệt ấy đâu! Tôi hỏi nàng: ‘Cô tên gì?’ Với đàn bà ông thấy không, tôi đã học được một ít chút tiếng Nga.’Noussa, còn anh?’ ‘Alexis. Tôi thích cô lắm, Noussas. Nàng chăm chú nhìn tôi như người ta ngắm nghía một con ngựa trước khi mua. ‘Anh cũng vậy, anh không có vẻ một thằng con trai khờ khạo,’ nàng bảo tôi thế. ‘Anh có hàm răng chắc chắn bộ ria mép rậm, lưng rộng, hai cánh tay khỏe mạnh. Tôi thích anh.’ Chúng tôi không nói gì nhiều hơn nữa, không cần thiết. Chúng tôi thỏa thuận với nhau trong nháy mắt. Tôi phải đi ngay đêm đó về nhà nàng trong bộ quần áo diện nhất. ‘Anh có áo khoác bằng lông thú không?’ Nàng hỏi tôi. ‘Có, nhưng với sức nóng này…’’ ‘Không sao. Mang nó theo, như thế trông có vẻ sang trọng.’”

“Thế rồi đêm hôm đó tôi ăn mặc như một chú rể, tôi cầm áo lông thú trên tay, tôi cũng mang theo một cây gậy đầu bịt bạc và tôi ra đi. Nhà nàng là một ngôi nhà kiểu quê rộng lớn, với những nhà phụ, bò cái, máy ép nho, hai đống lửa nhóm trong sân, những nồi niêu bắc trên bếp lửa. ‘Cái gì đang sôi đấy?’ Tôi hỏi. ‘Ðấy là nước dưa hấu.’ ‘Và đây?’ ‘Nước dưa gang.’ Xứ lạ quá! Tôi tự bảo mình, mi nghe chứ! Nước dưa hấu và nước dưa gang; đó là Ðất Hứa! Vĩnh biệt cái nghèo! Về phần mi đó, Zorba ơi, mi rơi trúng chỗ rồi, như chuột sa chĩnh gạo.”

“Tôi leo lên cầu thang, một cầu thang gỗ thật to kêu ken két. Trên bậc đầu cầu thang cha mẹ Noussa ngồi. Họ mặc loại quần cụt xanh lá cây và đeo thắt lưng đỏ có búp tua; họ đội mũ trùm đầu lớn. Họ thực giầu sang. Họ dang tay và ôm tôi hôn lấy, hôn để. Tôi bị thấm đầy nước bọt. Họ nói với tôi thực nhanh và tôi không hiểu gì cả, nhưng qua nét mặt họ, tôi thấy rằng họ không muốn điều xấu cho tôi.”

“Tôi bước vào phòng và tôi thấy gì? Các bàn ăn la liệt thức ăn và rượu nặng trĩu như những cái thuyền buồm. Mọi người đều đứng – họ hàng đàn ông, đàn bà và trước mặt là Noussa trang điểm, ăn mặc chỉnh tề với bộ ngực nhô ra như mỏm thuyền. Rực rỡ tuổi trẻ và sắc đẹp. Nàng thắt một cái khăn đỏ quanh đầu và ở giữa có thêu một cái lưỡi liềm và cái búa. ‘Hỡi tên Zorba số đỏ tội lỗi lút đầu, tôi thì thầm với mình, phần thịt đó của mi đó ư? Phải chăng đó là cái thân xác mi sắp ôm trong tay đêm nay? Thượng Ðế tha thứ cho cha mẹ mi, người đã mang mi vào thế gian này!’”

“Tất cả chúng ta nhào vào yến tiệc ăn uống ngon lành, đàn bà cũng như đàn ông. Chúng tôi ăn như lợn và uống như hũ chìm. ‘Còn mục sư đâu?’ Tôi hỏi cha Noussa đang ngồi bên cạnh tôi và dường như ông ta sắp nổ tung vì nhồi nhét quá nhiều. ‘Mục sư ban phúc lành cho chúng tôi đâu?’ ‘Không có mục sư, ông trả lời tôi, phun cả nước bọt ra, không có mục sư. Tôn giáo là thuốc phiện của quần chúng.’”

*

“Nói đoạn ông vừa đứng dậy vừa ưỡn ngực, nới cái thắt lưng đỏ và giơ tay lên ra hiệu im lặng. Ông cầm ly rượu đầy tràn, và ông nhìn thẳng vào mắt tôi. Rồi ông bắt đầu nói liên tu bất tận: Ông dành cho tôi một bài diễn thuyết. Ông ấy nói gì? Có Trời biết! Tôi đứng phát mệt. Hơn nữa, lúc đó tôi cũng hơi chếnh choáng. Tôi ngồi xuống và kề đầu gối tôi vào đầu gối Noussa đang ngồi bên phải tôi.

“Ông lão vẫn chưa chịu ngừng, mồ hôi tháo ra như tắm. Thế là tất cả nhào đến bao quanh ông ta, ôm ghì lấy lão để bắt lão ngừng nói. Lão không nói nữa. Noussa ra hiệu cho tôi: ‘Nào bây giờ, anh nói đi!’

“Ðến lượt tôi đứng dậy và tôi đọc một diễn từ nửa Nga nửa Hy Lạp. Tôi nói gì? Trời đánh nếu tôi biết tôi nói gì. Tôi chỉ nhớ là cuối cùng tôi nhào vào mấy bản hát thảo khấu Klepht (*).Tôi bắt đầu rống lên lộn xộn, vô ý nghĩa không ra chi tiết:

Bọn thảo khấu đã bò xuống núi để trộm ngựa.

Chúng không tìm thấy ngựa đâu

Chúng bèn bắt Noussa!

Ông thấy không, ông chủ, tôi cũng biết tùy cơ ứng biến đấy chứ.

Và chúng rút đi, chúng rút đi…

(Chúng đã rút đi, má ơi!)

Ôi ! Em Noussa của tôi!

Ôi! Em Noussa của tôi!

Vai!

“Và, vừa rống ‘Vai’ xong, tôi nhẩy bổ vào Noussa và hôn nàng.

“Tất cả chỉ muốn có thế! Như thế tôi ra dấu hiệu mà họ đã chờ đợi và họ, thực ra chỉ chờ đợi có điều đó, mấy gã to lớn râu đỏ nhào tới tắt đèn.

“Bọn đàn bà, mấy con đĩ, bắt đầu kêu ăng ẳng, làm như sợ hãi lắm. Nhưng liền đó trong bóng tối, họ bắt đầu kêu những tiếng nho nhỏ: ‘Hi! Hi! Hi!’ Họ thích bị cù nhột và cười cợt.

“Cái gì đã xảy ra, ông chủ, chỉ có Trời biết. Nhưng tôi tin là ngài cũng không biết nữa vì nếu không ngài đã cho sét quay chín chúng tôi rồi. Ðàn ông đàn bà lẫn lộn, lăn lóc dưới đất. Tôi bắt đầu đi tìm Noussa, nhưng làm sao có thể tìm thấy nàng? Tôi gặp một cô khác và tôi làm công việc với cô ta.

“Tờ mờ sáng, tôi thức dậy để ra đi với vợ tôi. Trời còn tối và tôi không thấy rõ. Tôi nắm lấy một cái chân, tôi lôi ra. Không phải chân của Noussa. Tôi nắm lấy một chân khác – không phải! Tôi kéo một chân khác – cũng không phải nữa! Tôi nắm lấy một chân khác, rồi một chân khác nữa, và sau cùng, sau biết bao lộn xộn, tôi tìm được chân của Noussa, tôi kéo ra, tôi gỡ nàng ra khỏi ba tên quỉ sứ to lớn đã đè bẹp nàng, tội nghiệp, và tôi đánh thức nàng dậy: ‘Noussa,’ tôi gọi nàng, ‘Chúng ta đi thôi!’

“Ðừng quên chiếc áo lông của anh nhé! Nàng đáp. ‘Ði!’ Và chúng tôi lên đường.”

NGUYỄN HỮU HIỆU dịch

(Nguồn: Người Việt Online)

3 comments on “Nhân Cách Mạng Tháng Mười Nga (7/11/1917), đọc lại môt vài đoạn của Kazantzaki

  1. Nhục cảm -Xác thịt-Tội lỗi!Hỗn loạn-Vô Đạo-Bầy người như thú?Đọc nghe chóng mặt thật sự!Vô tư -hoang dã-nguyên sơ vậy sao?Ôi ..Cần có Một Xã hội-Trật tự kỷ cương sẽ rất Tuyệt hảo?Văn minh -Văn hóa -Lịch sự -Nét đẹp dành cho Con Người-Cần phải Phân biệt Nam và Nữ Cộng những Đạo Đức ràng buộc cho họ Những điều đó, vẫn luôn luôn tốt phải không nào?

  2. Pingback: Tin thứ Ba, 11-11-2014 « BA SÀM

  3. Pingback: NHẬT BÁO BA SÀM : TIN THỨ BA 11-11-2014 | Ngoclinhvugia's Blog

Bình luận về bài viết này