Phải thế nào thì mới có thể hy vọng có một nền giáo dục tử tế?

GIAO DUC TU TELời tác giả: Bài này đã được đăng trên blog Quê Choa của nhà văn Nguyễn Quang Lập. Nhưng vì khi đó có quá nhiều bài về giàn khoan Tàu Cộng nên có vẻ nó ít được chú ý. Mặt khác, vì từ khi đó đến nay vẫn thấy nhiều người tiếp tục bàn bạc và góp ý về giáo dục, một việc mà theo tôi là vô vọng trong bối cảnh hiện nay, nên xin nhờ blog Lề Trái đăng lại để tôi được nhắn gửi vài lời tâm sự. NTS

Trong mấy chục năm qua, không biết bao nhiêu tiền của thấm đẫm mồ hôi nước mắt của các tầng lớp lao động đã đổ ra để tiến hành những cuộc cải cách rầm rộ trong giáo dục. Không biết bao nhiêu giấy mực đã tốn để bàn về việc nâng cao chất lượng giáo dục. Hàng chục quan chức cao cấp, hàng trăm nhà quản lý giáo dục và các giáo sư, tiến sỹ, nhà báo, nhà văn,… đã viết những bài rất hay ho về lĩnh vực cốt tử này. Có những người còn đề cập đến những vấn đề cao siêu như “triết lý giáo dục”, cao siêu đến mức hình như đa số những người nói đến cụm từ đó cũng chưa rõ nó là cái gì, nó có vai trò gì trong sự nghiệp giáo dục của chúng ta, và cần bao nhiêu thập niên với bao nhiêu ngàn tỉ để tìm ra nó.

Với hiểu biết của một người lao động bình thường, kẻ viết bài này xin mạo bàn về một “nền giáo dục tử tế”, một khái niệm không có trong khoa học nào. Và tôi xin nói rõ cái tôi gọi là “nền giáo dục tử tế” đó là gì.

Xin thưa, đó là nền giáo dục đáp ứng được những yêu cầu hết sức bình thường. Nói ngắn gọn là nó đào tạo được những con người tử tế, tức là có những phẩm chất cơ bản sau: có lòng tự trọng và biết tôn trọng người khác (riêng với cha mẹ, thầy cô và những người cao tuổi còn phải biết lễ phép, nhưng không tuân theo những đòi hỏi phi lý và phi pháp), có năng lực lao động để đem lại lợi ích vật chất hoặc tinh thần cho chính mình và xã hội (có kiến thức và kỹ năng tốt hoặc đạt yêu cầu về nghề nghiệp), có ý thức tôn trọng pháp luật (nhưng không tuân theo vô điều kiện những luật lệ phản động, lạc hậu). Trong lịch sử các dân tộc phương Đông như Việt Nam, Trung Hoa,… người ta đã diễn đạt những yêu cầu đó bằng những khái niệm “nhân, nghĩa, lễ, trí, tín”. Chỉ thế là đủ. Chỉ có điều ở thời đại ngày nay, đừng lồng vào những khái niệm đó những nội dung như trung thành tuyệt đối với một cá nhân hay nhóm người nào.

Người tử tế không thể xoen xoét nói những điều nhân nghĩa nhưng trong hành động thì chỉ làm và sẵn sàng làm mọi việc vì quyền lợi bản thân, kể cả chà đạp lên quyền lợi người khác, kể cả lợi dụng quyền lực để đàn áp dân lành. Người tử tế không thể là kẻ bợ đỡ, liếm gót những kẻ có quyền lực, đem tiền đi mua bằng cấp, chức tước, dùng chức tước bòn rút tiền bạc và thành quả lao động của người khác. Người tử tế không thể bắt hàng triệu người phải theo mình, phục vụ mình, tôn thờ mình như thánh. Người tử tế không tự nhận mình là người thông thái nhất, là đỉnh cao trí tuệ.

Muốn đào tạo được thế hệ trẻ thành những con người tử tế, trong gia đình và nhà trường, đại đa số người lớn (cha mẹ và thầy cô) phải là những con người tử tế. Đội ngũ quan chức trong ngành giáo dục phải là những con người tử tế. Những người định ra đường lối giáo dục phải là những con người tử tế. Cả xã hội phải là xã hội tử tế. Con cái không thể thành người yêu lao động, nếu cha mẹ trí trá, luôn tìm cách tránh trớ để đỡ phải làm việc thật sự tích cực. Học trò không thể kính thầy và ham học, nếu thầy cô thường xuyên làm những việc như soạn giáo án bằng cách cóp thứ có sẵn trên mạng, viết những bản thành tích điêu, cho điểm khống để lấy thành tích,… thậm chí tìm cách bòn rút tiền bạc của cha mẹ học trò. Nhưng chính thầy cô cũng không thể làm gương cho học trò về cách sống tốt, nếu thường xuyên bị cấp trên bắt phải làm những việc giả dối và ngu xuẩn hàng ngày, hoặc những việc không xấu nhưng bất khả thi. (Hãy về các trường học, hãy tìm cách tâm sự được với các thầy cô với tư cách bình đẳng chứ không phải với tư cách quan trên, quý vị sẽ thấy người giáo viên thời nay bị chính ngành giáo dục bắt phải làm những việc vô nghĩa và điêu toa như thế nào.)

Không thể có nền giáo dục tử tế, nếu những người có quyền định ra sách lược giáo dục là những người không hiểu về giáo dục và chưa từng thực sự làm người học trò phải vật lộn với từng môn học, là những người nói “xây dựng xã hội học tập” nhưng bản thân mình không bao giờ cầm đến quyển sách. Không thể có nền giáo dục tử tế, nếu bộ máy quản lý giáo dục gồm toàn “cánh hẩu”, không có những người dám đấu tranh quyết liệt vì cái đúng, và không có những quan chức hàng đầu dám chấp nhận và khuyến khích những ý kiến trái chiều. Không thể có nền giáo dục tử tế, nếu “dự án” này, “đề án” nọ chỉ là những trò chia chác. (Dù quý vị có đưa ra những bản thanh toán, hóa đơn chứng từ kín kẽ đến đâu, dù người dân có hoàn toàn bất lực trong việc đưa ra chứng cứ về sự gian lận, thì ai cũng vẫn hiểu quá rõ rằng tất cả chỉ là những trò ảo thuật ma mãnh.) Không thể có nền giáo dục tử tế, nếu vẫn còn những trò “thi đua” nhảm nhí, trong đó những kẻ mà ai cũng biết là dốt nát năm nào cũng được công nhận là “giáo viên giỏi”, “chiến sỹ thi đua”, trong khi những người có năng lực thực sự lại không bao giờ “đủ tiêu chuẩn” để được thừa nhận. Không thể có nền giáo dục tử tế, nếu đội ngũ thạc sỹ, tiến sỹ, phó giáo sư, giáo sư được đào tạo và trao bằng cấp không phải do năng lực, mà chỉ để đủ chỉ tiêu số lượng. Không thể có nền giáo dục tử tế, nếu trường học, đặc biệt là các cơ sở đào tạo từ đại học trở lên được mở ra tràn lan và tùy tiện…

Không thể có nền giáo dục tử tế, nếu đến một quý ông thứ trưởng giáo dục mà đi viết một “bài báo” như “link” dưới đây. Không thể có nền giáo dục tử tế, khi một quan chức hàng đầu của ngành này nói mà không ai hiểu ông ta nói gì (kiểu như: “Phương pháp đọc sách của tôi gồm ba bước: tập luyện, tu luyện và tinh luyện” – Ô trời ôi!).

Không thể có nền giáo dục tử tế khi tất cả những thứ gọi là cuộc vận động học theo cái này cái nọ gây lãng phí ngân sách hàng ngàn tỷ đồng, trong khi người ta thừa hiểu rằng nó chỉ có tác dụng ngược: nhân rộng sự giả dối, điêu toa, làm con người đổ đốn thêm. Không thể có nền giáo dục tử tế khi môn học được coi là quan trọng nhất để xây dựng “con người mới” lại là một thứ “học thuyết” cổ hủ, hão huyền. Không thể có nền giáo dục tử tế khi việc đánh giá con người không dựa trên hệ thống giá trị phổ quát mà nhân loại đã xây dựng nên, mà dựa vào những giá trị phù phiếm và thói bợ đỡ, xu thời.

Chừng nào những con người bất hảo còn chi phối ngành giáo dục và những trò nhiễu nhương kể trên còn được dán những cái nhãn mỹ miều, thì bất kỳ cuộc đổi mới hay cải cách nào cũng đều vô tác dụng. Thậm chí những cuộc cải cách đó chỉ làm giáo dục càng xuống cấp thêm. Và tất cả những góp ý, hiến kế của những người tâm huyết đều vô ích!

NGUYỄN TRẦN SÂM 

P.S. Xin tham khảo bài viết của/về quan chức cao cấp trong ngành giáo dục:

1- https://daohieu.wordpress.com/2011/03/18/dan-giau-dan-m%E1%BA%A1nh-dan-thong-thai/

2- http://vietnamnet.vn/vn/giao-duc/17660/bo-truong-giao-duc-cung-ham-doc-sach.html

 

 

24 comments on “Phải thế nào thì mới có thể hy vọng có một nền giáo dục tử tế?

  1. Pingback: Tin thứ Năm, 19-06-2014 « BA SÀM

  2. Một bình trà dơ bẩn với nhúm trà mốc meo cùng lượng nước…ô nhiễm…thì làm sao có một tách trà….thơm tho chứ..???..Và trước hết cần phải hiểu: như thế nào là người tử….tế và tử tế là…z…d…ì..ì…

  3. Không có một thể chế tử tế thì không có nền giáo dục tử tế. Không có nền giáo dục tử tế thì không thể có con người tử tế (nói về đa số chứ không phải là tất cả).

  4. Pingback: Anhbasam Điểm Tin thứ Năm, 19-06-2014 | doithoaionline

  5. Muốn xây dựng chủ nghĩa xã hội thì phải giáo dục đào tạo những con người không tử tế ,muốn xã hội tư tế thì thể chế phải không độc tài ,muốn không có chế độ độc tài thì phải xây nhà nước pháp quyền….

  6. Pingback: NHẬT BÁO BA SÀM : TIN THỨ NĂM 19-6-2014 | Ngoclinhvugia's Blog

  7. Pingback: PHẢI THẾ NÀO THÌ MỚI CÓ THỂ HY VỌNG CÓ MỘT NỀN GIÁO DỤC TỬ TẾ ? (Nguyễn Trần Sâm) | Ngoclinhvugia's Blog

  8. Pingback: Phải thế nào thì mới có thể hy vọng có một nền giáo dục tử tế? | CHÂU XUÂN NGUYỄN

  9. Thuở nhỏ, ở cái tuổi như chim chưa ra ràng, một hôm bảo với người bạn rằng Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm có nói “ Đạo lập thân phải giử lấy cương thường”. Hôm sau người bạn nói lại “ Năm cái nút áo của người quân tử tượng trưng cho ngũ thường”. Nghe nói thế bèn rờ lại hàng nút áo của mình thì thấy có đến sáu cái liền hỏi vậy là sao?. Bạn cũng không biết trả lời sao cả nên mới nói “Dũng”. Từ đó trở đi, mỗi sáng đi học lại thích nắn nắn cái nút áo “ Nhân, Trí, Dũng, Lễ, Nghĩa, Tín”. Về sau thu nhập thêm nhiều điều nữa nên đến lúc va chạm với đời thì chẳng biết cái nào ảnh hưởng cái nào. Hôm nay đọc bài của bác Sâm bỗng dưng thấy có vài điều suy gẫm :
    1. Nhớ có câu “Kiến nghĩa bất vi vô dũng giả”, thơ Lục Vân Tiên của cụ Đồ Chiểu cũng có trích. Vậy sao trong Ngũ Thường có “Nghĩa” mà không có “Dũng”. Người Việt Nam tiếp thu, có nên đẩy tiếp “Ngũ Thường” lên thành “Lục Thường” chăng?.
    2. Một đứa trẻ trước khi vào cấp một đã biết tự cài nút áo cho mình. Việc đó do cha mẹ đứa bé dạy cho. Cũng theo lẽ đó, việc giáo dục một đứa trẻ không hoàn toàn do nhà trường mà còn có gia đình và xã hội cùng tham gia dạy dỗ. Vậy trong thời điểm khó…hiểu và khó xử của giáo dục ngày nay, nên chăng gia đình và xã hội cùng xắn tay chủ động “giúp đỡ” cho nền giáo dục Việt Nam vượt qua những điều khó… hiểu và khó xử đó. Ở một độ tuổi nào đó, không ai cài nút áo giúp mình, tự mình phải cài lấy thôi. Đôi khi nút áo cài bị lệch thì người khác vì một chút…tình mà nhắc mình sửa lại.
    Vừa có thông tin rằng Bộ giáo dục cho phép cá nhân, đơn vị được phép biên soạn SGK theo chương trình khung. Có lẽ đó là nỗ lực của thầy Văn Như Cương và nhiều thầy cô khác. Chuyện “Ngũ Thường” hay “Lục Thường” cũng sẽ vậy chăng?. Trong lúc trông chờ Bộ giáo dục lắng nghe thì mỗi gia đình và xã hội nên xắn tay áo lên chỉ bảo con em mình tập “ tự cài nút áo”.
    3. Nếu đã mạnh dạn tập cho đám trẻ như chim sắp ra ràng “tự cài nút áo” thì người lớn phải ra tay trông chừng, nâng đỡ cho đám trẻ “khác người” đó. Phải nhân đám trẻ đó lên thành số đông, giúp chúng biết tự nâng đỡ nhau và lan tỏa trong an toàn. Nếu người lớn không trông chừng và nâng đỡ thì sẽ nhọc nhằn cho đám trẻ đó lắm.
    Vài suy nghĩ như vậy, rất mong được nghe tiếp ý kiến của Bác Sâm và mọi người.
    Kính.

    • “Le” nói đúng. Con người cần có cả chữ “dũng”. Ở đây tôi viện dẫn đến “nhân, nghĩa, lễ, trí, tín” nhưng không dám khẳng định rằng cái “ngũ thường” đó đã hoàn toàn đủ. Cũng có thể cái “dũng” đã được hàm chứa trong một “thường” của “ngũ thường”, ví dụ nằm trong “nhân”, vì có lẽ chữ “nhân” mang hàm nghĩa rộng lắm.
      Tuy nhiên, phải thừa nhận rằng tôi không có hiểu biết đáng kể về Nho Giáo, và tuy thấy ngũ thường đã khá đủ để giáo dục con người, tôi lại không ủng hộ cách hiểu của Nho Giáo về ngũ thường, vì nó gắn với chế độ quân chủ. Khi tôi viện dẫn đến ngũ thường, tôi chỉ muốn nói: mục đích của nền giáo dục chân chính chỉ nên hiểu một cách rất đơn giản, đừng lồng những thứ chủ nghĩa rối rắm vào.
      “Le” cũng nói rất đúng về vai trò của gia đình trong giáo dục và sự cần thiết phải “tự cứu mình”. Tôi cũng đã nhận thức được điều này. Thậm chí tôi coi rằng nếu trong gia đình cha mẹ có ý thức thì có thể “vô hiệu hóa” được 80-90% những tiêu cực ngoài xã hội, để chúng không ảnh hưởng xấu đến con cái mình, để con cái lớn lên trong một xã hội đầy những điều bất ổn nhưng vẫn thành “nhân”. (Và tôi đã làm được như vậy.)
      Cảm ơn “Le” quan tâm và nêu ý kiến tâm huyết.
      N.T.S.

  10. Pingback: Chệch Hướng & Ngược Hướng « sổ tay thường dân

  11. Pingback: Chệch Hướng & Ngược Hướng – Tưởng Năng Tiến | Quảng Ngãi Nghĩa Thục

  12. Pingback: CHỆCH HƯỚNG & NGƯỢC HƯỚNG (Tưởng Năng Tiến) | Ngoclinhvugia's Blog

  13. Pingback: Chệch Hướng & Ngược Hướng | SUỐI NGUỒN YÊU THƯƠNG

  14. Pingback: Sổ tay thường dân Tưởng Năng Tiến – Chệch hướng & ngược hướng | Sáng Tạo

  15. Pingback: Chệch Hướng & Ngược Hướng | doithoaionline

  16. Tôi cảm nhận một điều rằng “Le” có vốn cổ và hiểu biết về tôn giáo (nhất là Phật Giáo) rất phong phú. Tôi cũng thấy thú vị với ý tưởng một lúc nào đó được biết và làm quen “Le”. Viết về “Le”… Tôi không dám nói trước, nhưng cũng thấy đó là ý hay.

    • Thưa bác Sâm, tôi chỉ là một thường dân trong xã hội này. Ở cấp phổ thông tôi được học về nền văn học hiện thực phê phán thời Pháp thuộc. Ngày nay tôi cảm thấy như nền văn học đó đang lặp lại. Chuyện đó chẳng trách được vì tôi nghĩ một trong các nghĩa vụ của văn chương là phải phản ánh đúng hiện trạng xã hội. Nhưng nó làm tôi thấy băn khoăn, không đành lòng. Tôi muốn nhìn thấy một lối đi mới, tôi muốn thấy một nền văn chương dự phóng như là một dấu chỉ thật tự tin để mọi người cùng cảm nhận được thế nào là một nền giáo dục tử tế. Tôi muốn nói đến cái Think Tank cho người Việt, ở đó mọi người dân Việt dù ở bất kỳ vị trí nào đều chấp nhận và hành xử theo nó như một lẽ đương nhiên phải thế. Chắc còn lâu lắm mới có cái Think Tank đó vì người Việt ngày nay thích cái trò “hỏi xoáy,đáp xoay” hơn là tìm hiểu những câu lấp lững như kiểu nguyên lý tảng băng trôi mà người Nhật ưa dùng.
      Vì vậy xin Bác hãy nhân vật hóa tôi như Bác đã nhân vật hóa “những đứa em” của mình bằng bút pháp của văn chương dự phóng, như sáng tạo khai phóng của một nhà điêu khắc. Bằng cách nào đó, thật khách quan, an toàn, Bác sẽ hỏi và tôi xin trả lời tất cả các câu hỏi của Bác để cuối cùng sẽ có một nhân vật mà bất kỳ người Việt Nam nào cũng gật đầu chấp nhận. Đó là mong ước của tôi.

  17. Pingback: Chệch hướng & Ngược hướng | CHÂU XUÂN NGUYỄN

  18. Pingback: Chệch hướng & Ngược hướng | ÁO TRẮNG ƠI

  19. Pingback: Giáo Dục Chệch Hướng? – GÓC NHÌN ALAN

  20. Chắc tôi không thể đáp ứng được kỳ vọng của “Le” rồi. Tôi vốn không phải nhà văn, chỉ là thấy những sự bất thường trong xã hội mà ghi lại theo lối thuần túy hiện thực thôi.

  21. Pingback: Giáo Dục Chệch Hướng? « Bs. Hòa Minh Tân

Bình luận về bài viết này