Cuộc đời ngắn ngủi của nhà văn Pháp Alain-Fournier

220px-Alain_FournierNăm 2014 là năm kỷ niệm lần thứ 100 ngày mất của nhà văn Pháp Alain-Fournier, tác giả tiểu thuyết nổi tiếng “Le Grand Meaulnes”.

Alain-Fournier tên thật là Henri Alban Fournier. Tháng 12 năm 1907 khi xuất hiện trên báo La Grande Revue với bài viết “Le corps de la femme” (Cơ thể phụ nữ), ông chọn bút danh Alain-Fournier để khỏi bị lẫn với một người đua ô tô nổi tiếng.

Henri Fournier sinh ngày 3 tháng 10 năm 1886 ở Chapelle-d’Angillon, phía bắc quận Cher, trong ngôi nhà nhỏ bé của ông bà ngoại. Là con giáo viên, cậu bé theo cha mẹ đến sống ở Berry. Sau 5 năm ở Marçais, gần Saint-Amand-Monrond, cậu theo cha, lúc đó được phong hiệu trưởng trường Epineuil-le-Fleuriel, một làng ở phía nam của quận, không xa Montluçon.

Cậu bé học tại trường của cha cho đến 1898, trước khi vào lớp 6 và được cấp học bổng ở trường trung học Voltaire tại Paris. Cậu sống và học tập ở đó 3 năm.

Năm 1901, mơ thành lính thủy, chàng trai Henri lại đi học trung học lần hai tại Brest để chuẩn bị thi vào trường hàng hải. Nhưng sau một năm, cậu bỏ ý định. Tháng 1 năm 1903, cậu thi đỗ tú tài ở trường trung học Bourges.

Tháng 10 năm 1903, Henri Fournier chuẩn bị thi vào École Normale Supérieure tại trường trung học Lakanal ở Sceaux. Tại đó, cậu gặp Jacques Rivière, một chàng trai con nhà tư sản ở Bordeaux, và hai người nhanh chóng trở thành bạn thân.

Từ 1905 đến 1914, quan hệ giữa hai người bạn đã đem lại cho cả hai những điều tốt đẹp. Năm 1909, Jacques trở thành em rể của Henri khi cưới Isabelle Fournier, cô em gái kém Henri 3 tuổi.

Ngày 1 tháng 6 năm 1905, ngày lễ Thăng Thiên, Henri Fournier, khi đó đang học tại trường trung học Lakanal, đã đến Phòng Khánh Tiết ở Đại Điện. Khi đi xuống theo cầu thang lát đá, mắt chàng bắt gặp tia mắt của một cô gái trẻ tóc hoe thon thả và duyên dáng đang khoác tay một mệnh phụ luống tuổi. Chàng đi theo cô gái đến Cours-la-Reine, cho đến khi nàng lên thuyền ở bến sông. Chàng đi bộ theo thuyền đến nhà nàng ở đại lộ Saint-Germain. Những ngày tiếp theo, chàng nhiều lần đến đứng ngóng dưới cửa sổ nhà nàng.

Một buổi tối, chàng đã thấy gương mặt cô gái trẻ tươi cười dưới mái kính cửa sổ khi nhận ra chàng.

Sáng hôm sau, ngày lễ Thánh Thần, chàng đến trong bộ đồng phục sinh viên, và cô gái từ nhà đi ra, mặc chiếc manteau màu nâu. Trước khi nàng lên tàu điện, chàng đến gần và nói nhỏ: “Cô đẹp lắm”. Nàng bước chậm lại, và chàng đi bên cạnh nàng đến tận nhà thờ Saint-Germain-des-Prés. Khi nàng đi ra sau thánh lễ, chàng lại tiếp cận nàng, và “cuộc chuyện trò tuyệt vời, lạ lùng và bí ẩn” của đôi nam thanh nữ tú kéo dài đến tận khi họ tới Pont des Invalides (cầu của người khuyết tật) đã làm họ như sống trong mơ. Nàng hỏi tên chàng; chàng nói. Nàng lưỡng lự vài giây rồi, “nhìn mãi sang bên phải, vẻ mặt đầy sự thánh thiện và sự quả quyết, nàng nói: “Tên em? Em là Yvonne de Quiévrecourt.”

Rồi nàng nói tiếp: “Liệu như vậy có tốt không?”, và run rẩy như con chim én đang chuẩn bị cất cánh. Nàng bảo chàng đừng đi theo nàng nữa. Chàng nhìn nàng và vẫn không chịu bước đi. Nàng quay lại phía chàng khi chuẩn bị bước đi, và nhìn chàng rất lâu lần cuối.

Cuộc gặp gỡ mà chàng tả lại rất kỹ này đã quyết định toàn bộ cuộc đời của nhà văn tương lai. Chàng đã thuật lại gần như nguyên vẹn trong Le Grand Meaulnes. Suốt 8 năm, tác giả đã cố kể lại câu chuyện của mình như một kỷ niệm đẹp nhất của thời niên thiếu.

Tháng 5 năm 1906, trong ngày kỷ niệm cuộc gặp của mình với cô gái, Alain-Fournier đã mong gặp lại nàng một cách vô ích. Chàng chia sẻ với Jacques Rivière: “Cô ấy không đến. Mà nếu cô ấy có đến thì cũng có phải là cô ấy trước đây đâu.”

Trong năm đó, chàng dự thi vào École Normale, nhưng bị trượt.

Tháng 7 năm 1907, sau một năm nữa chuẩn bị tại trường trung học Louis-Le-Grand, chàng lại bị trượt lần nữa khi thi vào École Normale. Ngày hôm sau, chàng nhận được tin Yvonne de Quiévrecourt đã lấy chồng được gần một năm. Chàng đi nghỉ nửa tháng ở Cenon, trong nhà Jacques, người mà sau đó chàng cũng tiếp tại nhà cha mẹ ở giáo đường xứ Angillon.

Từ tháng 10 năm 1907 đến tháng 9 năm 1909, Henri phục vụ trong quân ngũ ở Vincennes và Paris. Sau thời gian là sỹ quan dự bị ở Laval, chàng được phong thiếu úy ở Mirande (Gers). Chìm trong những kỷ niệm về Yvonne, chàng đã viết một số bài thơ và truyện ngắn mà sau khi chàng qua đời được Jacques và Isabelle Rivière công bố dưới cái tên Miracles.

Sau thời gian ở quân ngũ, Alain-Fournier đi tìm việc làm, và đến tháng 4 năm 1910 thì tìm được vị trí biên tập viên của tạp chí Paris-Journal. Anh gặp Jeanne Bruneau, một nhà thời trang còn trẻ, người gốc Bourges. Anh tỏ ra rất tận tình với cô, nhưng cô không hiểu ý. Ngày 19 tháng 10 năm 1910, Henri viết cho Jacques và em gái: “Kết thúc rồi”. Tuy nhiên, sau đó hai người vẫn gặp nhau, và mãi đến tháng 4 năm 1912 mới chia tay hẳn. Alain-Fournier thổ lộ trong một bức thư: “Tôi làm mọi việc chỉ để chứng minh cho chính mình rằng tôi không bao giờ tìm được tình yêu.”

Từ năm 1910, Alain-Fournier, khi đó ở phố Cassini, bắt đầu viết “Le Grand Meaulnes”. Năm 1912, chàng rời bỏ ban biên tập Paris-Journal, trở thành thư ký của Claude Casimir-Perier, sau đó dính líu vào quan hệ tình cảm với vợ ông này, diễn viên nổi tiếng với biệt hiệu “Madame Simone”, tên thật là Pauline Benda.

Mùa hè 1913, tám tháng sau cuộc gặp gỡ ở Đại Điện, Alain-Fournier gặp Yvonne Brochet lần cuối ở Rochefort; bấy giờ nàng đã là mẹ của hai đứa trẻ. Sau khi trao cho nàng bức thư đã viết trước đó một năm, chàng chia tay với nàng vĩnh viễn, và đến với Simone.

Đầu 1914, Alain-Fournier phác thảo một vở kịch, “La Maison dans la forêt” (Ngôi nhà trong rừng) và bắt đầu viết một tiểu thuyết mới, “Colombe Blanchet”, nhưng đã không thể hoàn thành.

Khi thế chiến nổ ra, ngày 1 tháng 8 năm 1914, Alain Fournier, khi đó đang đi nghỉ ở Cambo-les-Bains cùng Simone, được gọi đến Mirande để nhập ngũ, sau đó ra mặt trận Lorraine với quân hàm trung úy. Ngày 23 tháng 8, anh tham gia trận đánh khốc liệt ở Verdun. Cuối tháng 9, người ta thông báo anh bị mất tích trong trận đánh ở vùng rừng Saint-Remy, trên đỉnh Hauts-de-Meuse. Sau đó người ta phát hiện ra anh đã bị giết cùng với viên chỉ huy và rất nhiều đồng đội trong đơn vị vào chiều ngày 22 tháng 9. Khi đó, anh chưa đầy 28 tuổi.

Mãi đến tháng 5 năm 1991 người ta mới phát hiện ra hài cốt của Alain-Fournier cùng với 20 đồng ngũ trong một hố chôn tập thể mà quân Đức đã đào. Được xác định chính xác 6 tháng sau đó, hài cốt của ông được mai táng tại nghĩa trang liệt sỹ Saint-Remy-la-Calonne (Meuse).

Thêm vài lời về Le Grand Meaulnes. Được viết xong vào đầu năm 1913, ban đầu nó được công bố trên báo La Nouvelle Revue Française (từ tháng 7 đến tháng 11 năm 1913), sau đó in thành sách ở nhà xuất bản Emile-Paul. Được đề cử giải Goncourt, cuốn tiểu thuyết nhận được 5 phiếu trong vòng bỏ phiếu thứ 10, nhưng đến vòng 11 thì “Le Peuple de la Mer” của Marc Elder đã giành chiến thắng. Tuy nhiên, dư luận đánh giá Le Grand Meaulnes rất cao. Đến năm 1999, báo Pháp Le Monde đã đưa Le Grand Maulnes vào danh sách 100 cuốn sách giá trị nhất của thế kỷ.

Le Grand Meaulnes đã được dịch ra nhiều thứ tiếng. Chỉ riêng tiếng Anh đã có hàng chục bản dịch. Tên của các bản dịch được các dịch giả đặt lại rất khác nhau. Lý do là vì từ “grand” trong tiếng Pháp có nhiều nghĩa, và nội dung cho thấy dịch từ này theo nghĩa nào cũng đều không đạt yêu cầu. 

NGUYỄN TRẦN SÂM

(Theo fr.wikipedia.org/wiki/Alain-Fournier và legrandmeaulnes.com/Alain-Fournier-Biographie.php)

2 comments on “Cuộc đời ngắn ngủi của nhà văn Pháp Alain-Fournier

  1. Pingback: Tin thứ Bảy, 23-08-2014 « BA SÀM

  2. Pingback: Anhbasam Điểm Tin thứ Bảy, 23-08-2014 | doithoaionline

Bình luận về bài viết này