Ký ức sơ sài 17

17

      Quê nhà Quảng Nam cách Sài Gòn chưa tới ngàn cây số đường chim bay vậy mà không hiểu sao mấy chục năm tôi mới có dịp về thăm giữa mùa mưa lụt. Đêm Hội An nằm nghe mưa đổ rào rạt từng cơn liên hồi trên mái ngói, bỗng sống dậy tuổi thơ cùng mùa gió mưa lụt lội nơi ngôi làng Non Tiên lẻ loi bên chân núi. Cô em tôi nói:

      – Mưa từng chặp kiểu này thì đúng là mưa lụt, có điều nghe như không dữ dội lắm, có lụt thì cũng nhỏ, TV báo động cấp hai tại sông Ái Nghĩa, cấp hai mà ngưng mưa thì tại Hội An chưa ngập nhà mình bao giờ. Ông chú họ trên quê hồi chiều có báo mưa nguồn đã ngớt, chắc không có chi đáng lo.

      Mọi sự diễn ra sau đó chứng tỏ cô em tôi hơi lạc quan hay ít ra, kinh nghiệm của cô chỉ có hại khi ngày nay, mấy tay chủ thủy điện chính là ác thần Thủy Tinh bằng xương bằng thịt gây tai ương trên số phận dân lành vùng hạ lưu mấy dòng sông ngắn đất Quảng chứ đâu phải chỉ trời xanh trên cao kia. Thủy điện ích quốc lợi dân đâu đâu, không thể không thông cảm nghe chuyện một lão nông làng tôi nói thà tau thắp đèn dầu chớ điện làm chi, ai đời năm nào cũng bị trôi heo trôi lúa không kịp trở tay, Tết giơ mỏ dợt, chịu hoài sao thấu. Bọn gian manh hùa gió bẻ măng, lợi dụng thủy điện để phá rừng lấy gỗ, lời gấp mấy lần phí tổn xây đập, chẳng lẽ thiệt vậy sao? Phá núi riết rồi lấy nước đâu cho đập? Điên hết rồi chăng?

      Rõ ràng mưa gió không phải đâu cũng mưa gió như nhau, nhất là chiều mưa Sài Gòn chẳng giống gì mưa lụt miền Trung. Thường thì cũng mây đen mù mịt một phía trời rồi gió giật từng hồi vật vã cây cối, thổi tung lá khô lăn chạy lào xào; cũng có khi đang nắng bỗng bất ngờ đổ mưa, tưởng chỉ mưa qua nhưng càng lúc càng nặng hạt xối xả ngập phố xá lóp ngóp xe cộ. Đi giữa mưa mịt mù ai cũng tưởng như bất tận nhưng chỉ nửa tiếng hoặc quá lắm một giờ là ngớt. Nắng lại dịu dàng trải một màu vàng nhạt thanh bình, chim sẻ lại tụ tập ríu rít vui đùa, hào hứng nhảy nhót kiếm ăn bên phố đông người qua lại.

      Thức khuya dõi theo những cơn mưa đầy đe dọa, mỏi mệt ngủ quên lúc nào, sáng ra bỗng giật mình nghe thằng bé hàng xóm reo hò, giống hệt thằng tôi thời bé dại:

      – Nước lớn rồi, nước lên rồi… “đõa” quá, “đõa” quá!

      Tôi phì cười nghe ông ngoại nó mắng, hiền lành:

      – “Đõa choa” mi chớ “đõa”!

       Cả xóm lục tục gọi nhau dọn đồ đạc lên gác, chuyện này thật nặng nề với ba người già chúng tôi nên mọi người xúm vào giúp cho kịp trước khi nước vào nhà. Đa tạ bà con lối xóm tốt bụng. Ai cũng ngạc nhiên thấy nước lên mau trong khi không có xe phóng thanh cảnh báo như thường lệ. Lần này chính quyền nín khe khác thường khiến thiên ha đồn đoán lung tung. Ông ngoại thằng bé có vẻ biết chuyện:

      – Chắc chắn họ xả đập thủy điện Sông Tranh nước mới ít đục mà lại lên quá mau chớ mưa đâu có lớn, hôm qua nghe đồn rứa mà không tin. Năm nào cũng chơi trò lén lút, làm thinh xả nước gieo họa, ác quá!

       Theo ông, từ nay sẽ không còn lụt nhỏ mang phù sa vào ruộng như xưa nữa mà mỗi năm chỉ một vài lần đại hồng thủy, nước nửa đục nửa trong, nửa của trời, nửa của thủy điện để dành, bởi lẽ mưa vừa thì chỉ đủ nước lấy vào đập, mưa lớn thì xả nước tùy tiện. Với nhẫn nại đã quen từ ngàn đời, nông dân im lặng cam chịu, gạt nước mắt nhìn lúa má heo gà bất ngờ trôi theo dòng nước, cùng lắm thì than thở đủ nghe: Trời ơi, ác chi ác dữ rứa trời.

      Chúng tôi ngồi co ro trên gác chăm chăm nhìn nước cao lên từng giờ, Thánh thần mới biết nó sẽ lên tới đâu. Thời tiết nghe nói nay hết sức bất thường lại thêm nỗi khùng điên của con người cộng với, làm sao lường được mức độ thảm họa. Buổi chiều hoàn toàn tĩnh lặng, có thể nghe được tiếng nước róc rách nho nhỏ thoát qua bờ tường. Trời đã chiều cùng mây mù u ám, nước lên gần lút khung cửa sổ và sắp bịt kín cửa cái thì dường như, may thay, có chậm lại. Rọi đèn pin xuống dưới nhà thấy được con cá nhỏ bằng nửa bàn tay bơi chầm chậm lửng lơ trong làn nước ngà ngà nhắc tôi nhớ chuyện lụt lội quê xưa…

      Tháng chín âm lịch, không gian như bắt đầu nhuốm hơi lạnh, mây chập chùng đầy trời giăng khắp núi non quanh thung lũng khiến nhớ câu thơ Xuân Diệu:

      Em đã xé lòng non cùng giấy mới

      Mây đầy trời hôm ấy phủ sơn khê.

Gió mang mưa từng cơn rào rào thổi bạt xác xơ vườn chuối, đổ xối xả thâu đêm trên mái ngói. Lũ ễnh ương huyềnh hoang… huyềnh hoang… bất tận như một dàn đồng ca dưới ao sau nhà. Sáng ra trẻ con…mừng rơn nhìn thấy nước bạc lênh láng dâng ngập thành giếng, mấp mé trước hiên nhà, hoan hỉ thấy nó… tiếp tục lên thêm. Tôi hào hứng chạy theo ông ngoại chèo ghe đi bũa lưới cá gáy mé Cầu Bồi. Năm nào lụt đầu mùa cá gáy cũng về nhiều men con suối này vào đồng, theo kinh nghiệm của ông. Bầy cá gáy mắt đo đỏ, vảy bạc óng ánh, to nặng chín mười ký, từ sông lớn chảy xiết, liều lĩnh chen nhau vẹt đám cỏ lùng  bơi vào vùng nước cạn, không hiểu để làm gì. Nghe nói hình như để đẻ trứng, nhưng khó hiểu: vài hôm nước rút, ruộng cạn, trứng cá sẽ nở ở đâu? Đàn cá con dắt nhau theo mấy mương nước nhỏ để trở ra sông hay xuống ao hồ? Sao phải phát triển nòi giống nhiêu khê đầy phiêu lưu và cạm bẫy vậy? Cá mẹ có khi chưa kịp sinh sản thì dính lưới dễ dàng, trả giá bằng mạng sống cho sự ham nước điên cuồng và ngờ nghệch của mình như một thứ định mệnh. Chúng dãy đành đạch, oằn thân uốn éo, miệng phát ra tiếng ụt…ụt…trong chiếc vợt rộng dài hơn lưới bóng rổ của ông tôi. Cái thời đó, nói rất khó tin, cá ở đâu ham nước rủ nhau tràn về nhởn nhơ bơi lội, nhiều nhất chỗ thế đất và nước quen thuộc, dường như chúng hẹn nhau mùa thu hằng năm về chốn cũ sinh nở vậy. Hà! Le rendez-vous de Septembre! Lạ nhất chuyện này chỉ diễn ra trong trận lụt đầu mùa thôi. Mấy cây lụt tiếp sau lớn hay nhỏ cũng chẳng chút bóng chim tăm cá nào. Ngạc nhiên là cái trũ, cái rớ, đồ dùng bắt cá vùng tôi, to lắm thì cũng hai ba mét vuông, thả ngập xuống chỗ bùng đình nước dâng lai láng, như cợt giỡn với thiên nhiên, vậy mà chốc chốc giở lên vẫn bắt được cá trôi cá gáy, mới diệu kỳ. Cá hẳn nhiều như bèo nối đuôi nhau dưới dòng nước đục mới bắt được dễ dàng theo cách cầu may đơn sơ đó. Riêng kiểu bủa lưới của ông tôi thì có vẻ hợp lý và chuyên nghiệp hơn. Vẫn nhớ bà ngoại và má tôi khứa cá ra từng khoanh dày, nướng trên lửa than rồi ướp củ hành đỏ và ớt, kho với nước mắm ngon ăn trong mấy ngày mưa lụt làng bị cô lập, không chợ búa, nay còn chưa quên hương vị.

Tôi lẩn quẩn với những hoài niệm, có người bảo thiếu công bằng, những chuyện xưa nào cũng đẹp, món xưa nào cũng ngon, người xưa nào cũng tử tế. Đã đành, nostalgia is an useless emotion, biết vậy nhưng đã thành tật mất rồi. Mà cũng không hẳn tôi hoàn toàn trật bậy đâu. Không cần dẫn chứng, nhà văn, nhà thơ đã có thời được tự do phần nào khi viết, tác phẩm không hay thì thôi chứ chẳng đến nỗi ai cũng một kiểu suy nghĩ như nhau chán ngắt, nịnh nọt bọn cầm quyền một chút, cả nước nhận ra ngay;  phần lớn họ đều coi trọng việc giữ tư cách. Một nhà thơ (thơ ngây) đất Quảng lỡ đạo văn một lần, chỉ nhại nhạc điệu và vài chữ bài thơ tình của một thi sĩ có tiếng, liền nhận bao ê chề xấu hổ từ dư luận, phải uổng phí bỏ hẳn thơ thẩn. Sinh viên học sinh sống lành hơn hẳn ngày nay. Quan lại cũng có kẻ ăn tiền nhưng phần lớn thanh liêm vì sợ pháp luật và nhất là còn coi trọng nhân phẩm, ngại mang tiếng này nọ; không ai có thể dùng bằng giả để “tác nghiệp”, đặc biệt lắm chỉ vài người lọt sổ, toàn thứ lưu manh hạ cấp ăn xổi ở thì.

Chuyện thực phẩm này nọ chẳng hạn, có người nói tại hồi nhỏ mình đói thành thử ăn cái gì cũng ngon, không đúng.  Tỉ như con heo ta, nay đã là huyền thoại, bà tôi nuôi chỉ cho ăn cháo cám trộn chuối cây xắt nhỏ, thỉnh thoảng thả rong cho nó tự mưu sinh để được săn chắc hơn. Tết đến, lớn lắm chỉ trên mươi ký, rã thịt nấu cháo lòng thả, thịt đùi luộc cuốn bánh tráng rau sống xà lách trộn hành ngò, bánh tráng nướng xong nhúng qua nước cho mềm, thơm bùi độc đáo. Cả nhà quây quần ấm cúng quanh bàn trong tiết xuân mát lạnh, nghe tiếng pháo nổ đì đẹt làng trên xóm dưới. Những bữa ăn cuối năm đó không biết tả sao cho đúng, là niềm hạnh phúc ám ảnh một đời. Người ta bảo miếng ngon nhớ lâu, lời đau ghi mãi, chẳng sai. Còn bây giờ, nói ngay cũng tại đông người, nhu cầu quá lớn, chúng ta ăn thứ thịt của những con heo mười tạ nuôi bằng thực phẩm công nghiệp pha hóa chất, nạc từng khối như gạch chưa nung, nhạt như bã mía. Quán cháo vịt nổi tiếng ở Thanh Đa ngày nọ, nay họ dọn lên những đĩa thịt giống như heo ba rọi mỡ dày, nạc thì nhũn ra, bở như khoai mì bột. Lại nhớ chuyện phở Hòa Sài Gòn đầu những năm sáu mươi. Xế trưa qua Cầu Kiệu, tôi thường gặp ông bà Hòa cùng cô con gái dáng cao cao ì ạch đẩy chiếc xe phở lỉnh kỉnh dụng cụ bán phở lên dốc cầu. Nhà họ ở Phú Nhuận, xế nào cũng phải đẩy xe từ nhà đến tận mãi đầu đường Pasteur cách mấy cây số, lịch kịch bày biện bàn ghế các thứ trên hè phố, chỗ ngó qua nhà thương chích chó, chữ của ông Hòa thường nói. Tại sao chọn địa điểm xa nhà vậy thì tôi không hỏi, chỉ nghe ông kể lúc mới di cư vào ông vẫn quen bán phở gánh như ngoài Bắc, thời gian lâu sau mới đỡ khổ nhờ bắt chước xe mì Tàu, xe đồ ngọt của dân Sài Gòn. Không biết tại tâm lý hoài cổ hay sao mà một hôm ngồi cùng bàn với ông cụ nọ, nghe ông nhận xét với chủ nhân rằng phở không ngon bằng hồi phở gánh, ông Hòa nói:

– Không phải đâu, cũng vậy thôi.

Sau 75, phở Hòa dọn hẳn về Phú Nhuận tiệm lớn khang trang, tôi nói với ông sao không ngon bằng lúc phở xe chỗ nhà thương chích chó, ông chủ lại bảo:

– Không phải đâu, cũng thế thôi. Nhằm bữa, hơn kém chút đỉnh đôi khi cũng tại con bò.

Vậy thì cái ngon cái dở còn tùy đủ thứ, tùy tuổi tùy thời nữa sao? Nói gì thì nói, phở Hòa là món tuyệt luân của người xứ Bắc. Tôi không nói phở, mà là phở Hòa. Vài năm trước 75 thấy một xe phở cũng trưng bảng hiệu phở Hòa trên hè cách phở Hòa xịn khoảng mươi mét. Tôi chắc có thỏa thuận gì chứ ai dám ngang nhiên chiếm đoạt thương hiệu kiểu đó ngay bên cạnh. Thế rồi phở Hòa xưa sửa thành Hòa Thuận. Thực khách đã quen mặt nên cũng ít ai để ý… chuyện nhỏ này. Xe phở Hòa ra nghề sau, nay là nhà hàng phở đồ sộ, vẫn địa điểm trước kia, khách thập phương chen lấn nườm nượp, giá  bảy tám chục ngàn tô, mỉa mai dân nghèo. Người cũ thì biết không phải phở Hòa gốc. Nghe nói gia đình Hòa xịn vượt biên, được tàu của Autriche vớt,  muốn tiếp tục nghề cao quí nấu phở đệ nhất thiên hạ chắc họ phải di cư lần nữa qua Mỹ. Tôi nghe ở Mỹ hiện có cả trăm hiệu phở Hòa, thật giả lẫn lộn, xứ đó văn minh, luật lệ chặt chẽ, chuyện làm ăn lem nhem vẫn cứ như mọi nơi? Cùng nổi tiếng với phở Hòa ngày đó có phở bà Dậu đường Công Lý, lắm người gọi phở không quân vì băng Nguyễn Cao Kỳ, Lưu Kim Cương… hay tấp xe jeep vào ăn trên đường lên phi trường. Phở dùng với hành tây, không rau mùi, không giá trụng, nước lèo gia vị nhẹ nhàng, nay đổi chủ mới, vẫn đông khách, đắt tiền mà vẫn đắt hàng. Phở Tàu Bay đường Lý Thái Tổ cũng có mùi vị đặc trưng, lắm khách, ngày trước hơi bình dân với tô muỗng sành lem nhem, thực khách khó tánh không chuộng, nay đã có vẻ sạch hơn. Theo tôi, chỉ phở Hòa là đệ nhất tinh hoa phở, là thực phẩm quý chốn trần gian, nourriture terrestre, đã biến mất khỏi Sài Gòn. Thật khó phân tích nó ngon và khác hẳn mọi phở khác chỗ nào, chỉ có thể nói ngon quá mà thôi. Không biết với gia vị bí truyền và cách nấu nào mà nó ngon tới vậy. Nước dùng tinh tế, ngọt, thanh, thơm dịu, không nồng đậm gia vị nhưng cũng không nhạt quá, củ hành đỏ và gừng nướng chỉ phảng phất; nước dùng, bánh và thịt thấm đẫm, hòa nhịp trong một tổng thể toàn bích. Đặc biệt mùi thơm độc đáo, không lẫn lộn, tới đầu phố đã nghe, vị giác bị kích thích…tới bến, ít ai đủ can đảm bỏ đi. Cụ Võ Phiến hết mực ca ngợi nhà văn Thế Giang tả mùi thơm của phở, không dùng một tính từ nào, là danh ngôn về phở, tôi quáng gà, không tìm thấy  nguyên văn, chỉ nhớ ý ông bảo rằng đi phía dưới gió, gặp lúc tên chủ phở khốn nạn giở nắp nồi của y ra mà trong túi không có tiền thì bỏ mẹ. Cũng đúng với Hòa lắm thay. Thịt cho phở chu đáo và công phu hầu như không thiếu loại gì: tái, chín, nạm, gầu, gân, sụn, sách, vú sữa, giò bó, tủy… gầu bao giờ cũng ra gầu, mỡ trong, giòn tan, ít béo. Ngon nhất tô tái sữa giòn giòn, thoảng béo, khiến ăn… tích cực đến cắn phải lưỡi! Sài Gòn nay không thấy đâu thứ này, chắc sợ nhiều cholesterol, nhưng thời đó, mấy ai để ý? Họ dùng loại tô trung bình, thường nhiều thực khách phải gọi ăn thêm, thời trai trẻ mới quen bạn gái là vợ tôi bây giờ, ghé phở Hòa, hai đứa phải gọi ba tô. Ngày nay, bắt chước phở Việt bên Mỹ hay sao, phở Sài Gòn tô to gần bằng cái nón sắt, ăn cuối bữa, nước dùng đã lạnh ngắt như cơm nguội nước lã, chẳng còn chút hương vị mô tê. Sau biến cố 75 vài năm, dân Sài Gòn quả mất mát lớn bị “giải phóng” khỏi phở Hòa.

Ngồi quán cafe với mấy ông bạn thất cơ lỡ vận bên sông Thu Bồn, ghế tre đơn sơ kê sát mé sông. Bên trên, bóng tre ngà che phủ, đung đưa sát mặt nước tĩnh lặng gợn sóng lăn tăn trong gió đầu mùa đông bắc hơi se da thịt. Sau 23 tháng mười âm lịch, dân ở đây mới yên lòng tin rằng đã dứt lụt lội. Dường như ai cũng biết câu tục ngữ “Ông tha mà bà không tha, năm năm thêm trận hăm ba tháng mười”. Sau mùa lụt, cứ ít ngày mưa dầm rả rích lại xen kẽ vài hôm nắng đẹp. Có bữa bình minh lên, trời rắc mưa bụi bay bay dịu dàng trên đám hoa bươm bướm trước nhà, lòng  bỗng dưng vui tươi nhẹ nhõm. Chẳng hiểu sao người già hay quan tâm tới gió mưa thời tiết (mặc dù chẳng làm gì được nó như Mark Twain châm biếm); vui phơi phới chỉ vì một cơn gió lành mà cũng dễ giận dỗi bởi một điều bất ý. Ai đó hỏi về ông bạn Nguyễn Thế Cường tôi hay nhắc tới, tôi nói năm rồi hắn ta có về, tôi kể chuyện cô giáo cùng trường ra thăm Hà Nội thuật lại chuyện người quen chạy xe máy bị một tay phóng ngược chiều đụng phải, tên này trợn mắt nạt rằng đã thấy bố mày đi ngược chiều rồi mà không chịu né, còn cố tình đâm vào phải không. Cường bảo:

– Đúng là lời của…thánh hiền nghe mày! Vừa ngang như Mác-Xit, dạy bảo như Khổng Mạnh lại phản kháng như Hiện sinh! Nghe nhiêu đó cũng đủ không còn tiếc tiền vé máy bay nữa.

Đi chơi ngang qua đường phố chộn rộn các cơ sở Anh ngữ “hoành tráng”, thấy tên trường Không Gian, chua tiếng Anh Outerspace, phương pháp dạy là phản xạ, Cường nói:

– Mày ghi tên học thử cái phương pháp đó ra sao, tao không rõ ông hiệu trưởng giỏi cỡ nào chứ tao thấy Outerspace đâu phải không gian, đó lả khoảng không vũ trụ mà. Nói năng qua loa thì sao cũng xong, đằng này là tên trường học thì phải gọi đúng chứ mày?

Hắn ta dòm mấy đĩa film tôi mới mua có ghi hàng chữ “Bản chính thức”, cười méo xẹo:

– Bố láo, người ta tốn bạc tỉ tỉ làm film, chưa kịp ra rạp bên Mỹ thì ở đây đã có bản video “chính thức”, mấy thằng Tàu gian lại thêm thằng VN đểu…thế thì thôi!

Nói chuyện cũ, có người bảo từ bờ bắc sang bờ nam Thu Bồn cách nhau mấy cây sào mà người xưa phải mất hai trăm năm mới qua tới để đi tiếp theo chúa Nguyễn trên con đường nam tiến, chẳng phải lúc nào cũng ngon ăn. Không biết ông bà mình có ác độc dữ dằn gì lắm với dân Chàm  mà nay con cháu vẫn nặng nghiệp, điêu đứng ròng rã, ngóc đầu không nổi trên mảnh đất thiêng của họ, viễn cảnh bi đát ngày càng  thấy rõ ràng và chắc chắn; bởi Hán tộc hung hăng đã đành mà còn ngay cả bởi “đồng bào”, họ tộc của chính mình mới kinh khiếp! Có thiệt bị ma Hời ám chướng thì mới tàn độc vậy chớ một giọt máu đào hơn ao nước lã, sao nỡ bóc cướp nhau tới tận cùng bần số điêu linh, mãi chẳng hứa hẹn gì chấm dứt.

NGUYỄN KHIÊM