Ấm áp cơm 2000 đồng

*

Khi nghe tôi kể có quán cơm chỉ bán với giá 2000 đồng, mọi người đều tròn mắt ngạc nhiên. Có mặt tại quán vào đúng giờ cao điểm của bữa trưa, mới thấy, đúng là trên đời này còn quá nhiều tấm lòng thơm thảo.
 
DĨA CƠM LÚC ĐÓI LÒNG
Sài Gòn có 2 quán cơm giá 2000 đồng. Quán cơm thứ nhất trước đây ở cư xá Lữ Gia, Q.11, nhưng bây giờ đã thay đổi địa chỉ vế 56/21 đường 281, P.15, Q.11. Quán cơm thứ hai thì vẫn tồn tại ở địa chỉ số 14/1 Ngô Quyền, Q.5. Quán cơm tại đường 281 bán cơm vào những ngày 2-4-6, còn quán cơm trên Ngô Quyền thì duy trì bán vào ngày 3-5-7. Cả hai quán đều do thành viên diễn đàn www.nguoitoicuumang.com tổ chức và quản lý.
 

*

Khi tôi tới, con hẻm 14 Ngô Quyền đã chật cứng xe đạp. Chiếc xe gắn máy của tôi ngày thường bình dị trên đường là thế, mà bây giờ bỗng trở nên cồng kềnh và lạc lõng, khiến tôi thấy quá đỗi mắc cỡ. Khách tới ăn đã xếp hàng dài từ cuối hẻm ra đầu hẻm. Những sinh viên tình nguyện hướng dẫn cho khách nhiệt tình chỉ dẫn: “Dì ơi, bác ơi, để xe chỗ này”. “Ông ơi, bà ơi, nơi này còn trống chỗ”.
       Cái nắng nóng gay gắt cuối mùa khô của Sài Gòn khiến chúng tôi đều nhễ nhãi mồ hôi. Tôi đứng cùng hàng với mọi người. Phía trước tôi là cậu bé bị thiểu năng, đi cùng mẹ. Phía sau tôi là một người đàn ông bán vé số đang ho sù sụ như xé phổi. Dù vậy, ai nấy đều rất trật tự xếp hàng đến lượt.
       Người đứng thu tiền và phát biểu là anh Nguyễn Hồng Ánh – người quản lý diễn đàn. Cầm trên tay một xấp tiền lẻ (đương nhiên rồi), anh thoan thoắt thu tiền, trả loại tiền dư và phát cho khách một tấm phiếu. Cầm tấm phiếu trên tay, ai nấy đều hớn hở đi vào phía nhà bếp nhận khay cơm và ăn xong thì tự mang khay ra phía bên hông nhà – nơi các em sinh viên tình nguyện đang hối hả rửa chén. Căn nhà chỉ rộng chừng 70m vuông, bàn ghế kê nhau san sát, khá chật, nhưng không ai kêu ca gì. Mọi người ăn uống khẩn trương để nhường cho người khác đang đứng chờ thành dãy dài trong con hẽm.
 
Dĩa cơm mà người đàn ông đứng phía sau tôi mang ra khá tươm tất: cơm nhiều (điều này quá 1dễ hiểu, vì cả cơm và canh đều được thêm miễn phí), 2 miếng thịt gà kho gừng cháy cạnh và chén canh luộc gà. Với số tiền 2 ngàn đồng, hẳn rằng, ai nấy đều hiểu, các mạnh thường quân đều phải chung tay góp sưc để duy trì những quán cơm này. Không chỉ ở Sài Gòn, mà Đà Lạt và Cần Thơ đều cũng duy trì hàng tuần. Có điều khác biệt, nếu ở Sài Gòn, đối tượng thực khách tới ăn là những người bán vé số, người nghèo lang thang, dân thu mua phế liệu, ve chai, những cậu bé đánh giầy, người già và người mất sức lao động, thì ở Đà lạt và Cần thơ, đa phần là các sinh viên nghèo. Cũng phải thôi, Sài Gòn là mảnh đất sinh nhai của dân tứ xứ. Sài Gòn hào phóng đã bao bọc những tỉ phú xài tiền như nước nhưng cũng không quên những mảnh đời nghèo chỉ đủ ăn những đĩa cơm giá 2 ngàn đồng.
 
HỌ KHÔNG XIN ĂN
 
Anh Ánh chia sẻ, 2 ngàn đồng là số tiền tượng trưng. Hoàn toàn không phải thu tiền để bù đắp cho khoản này hay khoản khác. Nhưng tại sao không là 500 hay 1000 đồng? Đơn giản vì không kiếm đâu ra tiền lẻ để thối lại cho khách. Tôi thắc mắc, vậy tại sao không mở quán cơm từ thiện không lấy tiền luôn, để khỏi mất công thu tiền, đổi tiền lẻ hằng ngày? Câu trả lời của người quản lý khiến tôi đỏ mặt: “Người nghèo cũng có lòng tự trọng lắm. Người ta không đi xin ăn, mà bỏ tiền lao động vất vả ra để mua cơm. Cũng có người hết sạch tiền, chả còn đồng nào trong túi, tới bữa vẫn tới ăn, nhưng thay vì nói: “Cho tôi một phần cơm thì lại ngượng nghịu rằng: “Bán thiếu cho tôi một phần cơm nhé!”. Tuần sau, tháng sau, người ta vẫn không quên quay lại trả 2 ngàn đồng để giữ một chữ tín danh dự của con người.”
 
Không chỉ có người nghèo xếp hàng ăn. Điều ngạc nhiên là có cả những người khá giả cũng tới. Anh Ánh bảo, họ có thể tới ăn một lần cho biết, để âm thầm đóng góp tiền của cho việc duy trì công tác thiện nguyện này nhưng cũng có thể vì thấy giá rẻ quá, đồ ăn ngon quá, nên cứ tới hoài. Không ai nhắc nhở, cũng không ai nói gì, nhưng chỉ một thời gian sau, họ tự động rút lui sau khi được chứng kiến nhiều mảnh đời bất hạnh đang chờ đến lượt để ăn lót lòng dĩa cơm cho qua bữa.
 
THIỆN TÂM
 
Tôi gặp ở quán cơm đặc biệt này những con người quá đỗi dễ thương. Đó là anh Nguyễn Hồng Ánh từng học Trung cấp Y khoa tại bệnh viện Việt Đức, Hà Nội, từ khi vào Sải Gòn sinh sống đã toàn tâm toàn ý đi theo những công việc thiện nguyện. Đó là Trần Tư Hùng, sinh viên năm 3 khoa luật, ĐH Mở Sài Gòn, cùng với Hậu, Nam, Thắng, đều quê ở các vùng đất nghèo Quảng Trị, Quảng Nam, đã ăn, ở ngay tại quán, cùng phục vụ bà con nghèo. Đó là hơn 30 sinh viên tình nguyện mà tôi không thể trò chuyện hết được, có rất nhiều bạn khi vào Sài Gòn để thi đã được tới ăn cơm tại đây và sau khi đậu đại học, cứ nửa buổi đến trường, nửa buổi tới rửa chén bát, nấu ăn, sắp xếp và coi  xe cho khách.
 
Tôi tạm biệt anh Ánh và mấy bạn sinh viên để ra về. Tới đầu hẻm, xe tôi vướng phải chiếc xe lăn của một ông cụ bán vé số bị tật nguyển. Ông không vào trong quán ăn được nên các em sinh viên mang dĩa cơm ra tận ngoài đường để ông ngồi trên xe lăn xúc cơm ăn. Khi nhìn thấy tôi giơ máy ảnh lên, ông cười móm mém với hàm răng đã rụng gần hết nhưng tươi tắn vô cùng dưới cái nắng gắt giữa trưa Sài Gòn.
ĐINH THU HIỀN
(Thế Giới Phụ Nữ 17/2012)

Phát lệnh truy nã cựu chủ tịch Vinalines

Cập nhật: 15:15 GMT – thứ ba, 22 tháng 5, 2012

Công an Việt Nam đã công bố kết quả điều tra các vụ án kinh tế tại Tổng công ty hàng hải Việt Nam, tức Vinalines, vào sáng hôm thứ Ba ngày 22/5.

Cũng tại buổi họp báo này, Bộ Công an cũng phát lệnh ‘truy nã đặc biệt’ trên toàn quốc đối với ông Dương Chí Dũng, nguyên chủ tịch Hội đồng quản trị của Vinalines – người mới bị cách chức cục trưởng Cục Hàng hải và đã bỏ trốn được 5 ngày.

Công an Việt Nam cho biết sẽ thông báo với Interpol để ra lệnh truy nã quốc tế trong trường hợp ông này đã trốn ra nước ngoài.

Các nguồn tin trong nước cho BBC biết ông Dương Chí Dũng có nhiều quan hệ với ngành công an.

Đây là chi tiết chưa được công bố chính thức trên báo chí Việt Nam, mặc dù công an Việt Nam xác nhận đang điều tra có hay không việc lộ thông tin dẫn đến việc ông Dũng bỏ trốn.

Được biết bố ông Dũng là ông Dương Khắc Thụ, cựu giám đốc công an Hải Phòng và em của ông là Dương Tự Trọng, hiện là phó giám đốc công an thành phố này.

‘Lãng phí, tham ô’

Theo kết quả điều tra thì ông Dũng bị cáo buộc tội ‘cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng’.

Trong khi đó, thuộc cấp của ông này tại Vinalines bị cáo buộc tội ‘tham ô tài sản’.

Số tiền bị chiếm đoạt, theo cơ quan điều tra, là gần 3 tỷ đồng, trong khi ngân sách Nhà nước bị lãng phí đến 480 tỷ đồng.

Báo chí trong nước dẫn lời Đại tá Trần Duy Thanh, cục trưởng C48, tức Cục cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng thuộc Bộ Công an, cho biết vụ án tại Vinalines bắt đầu khi xuất hiện các nghi vấn về việc việc sửa chữa ụ nổi 83M.

Sau khi thấy có dấu hiệu tham ô tài sản trong việc sửa chữa ụ nổi này, công an đã lập tức khởi tố điều tra, theo tường thuật của báo điện tử VnExpress.

Kết quả điều tra cho thấy các ông Trần Hải Sơn, tổng giám đốc Công ty sửa chữa tàu biển – một công ty con của Vinalines, và ông Trần Văn Quang, trưởng phòng kế hoạch công ty, đã thông đồng với đối tác làm giả hồ sơ hợp đồng cũng như chứng từ sửa chữa ụ nổi để tham ô 2,9 tỷ đồng.

Trong quá trình điều tra vụ tham ô trên, công an đã phát hiện ông Dương Chí Dũng cũng có những sai phạm trong việc ra quyết định mua ụ nổi này cũng trong việc phê duyệt dự án nhà máy sửa chữa tàu biển có liên quan.

Do đó công an đã quyết định mở rộng điều tra vụ án đối với ông Dũng.

‘Qua mặt chính phủ’

Theo cáo buộc của công an, ông Dũng đã qua mặt cơ quan chủ quản là Bộ giao thông – Vận tải và Chính phủ để phê duyệt dự án nhà máy sửa chữa tàu biển tại tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu với số vốn gần 6.500 tỷ đồng, theo Thông tấn xã Việt Nam.

Dự án nhà máy sửa chữa tàu biển này yêu cầu phải có một bộ phận bắt buộc là ụ nổi. Do đó, một năm trước khi phê duyệt dự án nhà máy, ông Dũng đã ký quyết định mua ụ nổi 83M theo đề xuất của các ông Trần Hữu Chiều và Mai Văn Phúc, nguyên phó tổng giám đốc và tổng giám đốc Vinalines với tổng số tiền hơn 14 triệu đôla.

VnExpress cho biết ụ nổi mà Vinalines quyết định mua do Nga sản xuất cách đây gần 50 năm, bị hư hỏng nặng và đã không còn hoạt động cũng như không đủ điều kiện nhập khẩu về Việt Nam.

Sau đó, ông Dũng điều chỉnh lại phương án là mua ụ nổi này rồi đem về Việt Nam sửa chữa. Do đó, chi phí dành cho ụ nổi này đội lên đến hơn 24 triệu đôla.

Bên cạnh đó, Vinalines phải chi trả tiền chỗ neo đậu hàng ngày cũng như tiền lãi ngân hàng cho khoản tiền đầu tư vào ụ nổi này trong khi ụ nổi bị để hoang phế không sử dụng do dự án nhà máy sửa chữa tàu đã bị tạm dừng.

Tội cố ý làm trái của ông Dũng được bổ sung vào vụ án tham ô mà cơ quan điều tra đang thụ lý cách nay chỉ 5 ngày – hôm 17/5.

Một ngày sau đó, công an đã tống đạt lệnh bắt tạm giam để điều tra với cả ba ông Dũng, ông Phúc và ông Chiều trong vụ việc mua ụ nổi 83M này. Tuy nhiên, ông Dũng đã biến mất khỏi nhà riêng cũng như cơ quan từ đó đến nay.

Riêng trong vụ án tham ô thì các ông Trần Hải Sơn và Trần Văn Quang đã bị bắt tạm giam cùng với hai đối tượng đã thông đồng làm giả hồ sơ. Bốn bị can này đã ‘tự giác nộp lại hơn 1 tỷ đồng’ tiền tham ô, theo tường thuật của truyền thông trong nước.

Ông Dũng bị khởi tố chỉ vhai tháng sau khi ông được Bộ trưởng Giao thông vận tải Đinh La Thăng bổ nhiệm là cục trưởng Cục hàng hải.

Khi ông Dũng được bổ nhiệm làm cục trưởng Cục hàng hải thì Vinalines của ông đang bị điều tra.

BBC

LUZIN VÀ VỤ ÁN CHỐNG LUZIN

Ở những quốc gia nơi có một người hoặc một nhóm người thao túng toàn bộ xã hội và độc quyền về chân lý, số phận dành cho những trí thức chân chính bao giờ cũng rất nghiệt ngã. Liên Bang Soviet, quốc gia mà hàng trăm triệu người trên Trái Đất đã từng coi như thiên đường, cũng không phải là ngoại lệ. Biết bao những người con ưu tú, những bộ óc lỗi lạc đã chịu số phận đầy cay đắng. Để khỏi phải chịu tai họa, người trí thức nhiều khi buộc phải sống trái với lòng mình. Cũng có những kẻ vì không thắng nổi sự đố kỵ mà đã lợi dụng sức mạnh của giới cầm quyền để hãm hại những người bạn, thậm chí thầy của mình, để ngoi lên những vị trí có ảnh hưởng trong giới khoa học.

Bài viết này nói về thân thế và sự nghiệp của Nikolay Nikolayevich LUZIN, người sáng lập trường phái Toán Học Hiện Đại ở Moskva mà có giai đoạn đã bị đấu tố bởi chính những học trò của mình vì những lý do không xứng đáng và mang màu sắc chính trị. Cũng vì những lý do tầm thường như vậy mà người đã từng là thầy của chính ông, giáo sư D. Yegorov, còn bị chết tại nơi lưu đày.

Nikolay Nikolayevich Luzin

Nikolay Nikolayevich Luzin sinh ngày 9 tháng 12 năm 1883 tạiIrkutsk(vùng Đông Sibir của nước Nga). Khoảng năm 1894, gia đình ông chuyển đếnTomsk(Tây Sibir) để cậu bé Kolya (tức N. N. Luzin) có điều kiện đi học. Ở trường, người ta phát hiện ra rằng Kolya là một cậu bé nhút nhát và học kém môn Toán. Tuy nhiên, khi gia đình nhờ đến một sinh viên kèm cặp Kolya thì cậu sinh viên này lại phát hiện ra rằng Kolya rất thông minh và thường tìm ra những cách giải toán độc đáo.

Khi N. N. Luzin tốt nghiệp phổ thông, gia đình lại chuyển chỗ ở, lần này là về Moskva để Kolya có thể học đại học. Trong thời gian học đại học, N. N. Luzin đã cưới Nadezhda Mikhaylovna Malygina, người chung sống với ông suốt cuộc đời, cho đến khi ông tạ thế vào năm 1950.

Ở trường đại học,N. Luzinlà sinh viên loại trung bình. Tuy nhiên, đối với những vấn đề mà ông quan tâm thì ông đọc rất nhiều tài liệu và tự tìm cách giải quyết. Năng lực củaN. Luzinđã làm cho giáo sư D. Yegorov chú ý, và ông đã tìm cách giữ được Luzin ở lại trường.

Từ năm 1911 đến 1914, N. Luzin được cử sang Göttingen (Đức), khi đó là trung tâm khoa học hàng đầu của toàn thế giới, để tu nghiệp. Trở về Moskva được chừng một năm thì ông hoàn thành bản luận văn bậc magister (có lẽ trung gian giữa bậc thạc sĩ và tiến sĩ hiện nay) với tên gọi “Tích phân và chuỗi lượng giác”. Bản luận văn là cả một cuốn sách dày, hầu như không có những kết quả được chứng minh chi tiết. Tuy nhiên, nó đầy những kết quả mới lạ mà hầu hết đượcN. Luzinchứng minh sơ sài hoặc chỉ được nêu kèm theo những nhận xét như “tôi cảm thấy” hoặc “tôi tin rằng”. Khi đọc một bản luận văn như vậy, hầu như bất kỳ chuyên gia nào cũng sẽ muốn quẳng nó đi. Người phản biện, V. Steklov, bấy giờ là viện trưởng Viện Toán Học của Nga (Sa hoàng) đã chê bản luận văn hết lời và gọi nó là “trò rác rưởi Göttingen”, đồng thời yêu cầu không cho tác giả bảo vệ nó. Mặc dù vậy, giáo sư D. Yegorov đã nhận ra rằng bản luận văn đó đã phác thảo cả một lĩnh vực nghiên cứu rất rộng lớn, và ông cũng dự cảm thấy rằng những định lý mà N. Luzin chưa chứng minh được là đúng, và đến lúc nào đó sẽ có người chứng minh chúng một cách chi tiết. Và tại Moskva, người ta chẳng những đã choN. Luzinbảo vệ, mà còn phong thẳng cho ông học vị tiến sĩ (ngang với tiến sĩ khoa học ngày nay).

Trong những năm sau đó, quả thật hầu hết những định lý màN. Luzinnêu ra trong bản luận văn đã được chính ông hoặc các học trò chứng minh.

Vào những năm cuối thập niên 1910 bắt đầu hình thành “Luzitania” –  trường phái toán học do N. Luzin chỉ đạo. Những học trò đầu tiên tạo thành “hạt nhân” của Luzitania gồm có những người mà hầu hết sau này trở thành những nhà toán học nổi tiếng thế giới, những viện sĩ hoặc viện sĩ thông tấn của Viện Hàn Lâm Khoa Học Liên Xô: P. Aleksandrov, M. Suslin, D. Menshov, A. Khinchin, P. Urysson, A. Kolmogorov, L. Lyusternik, L. Shnirelman,… Luzitania nhanh chóng trở thành một trung tâm có phát minh liên tục, cạnh tranh được với những trung tâm toán học hàng đầu thế giới như Göttingen,Paris,…

Giai đoạn 1922 – 1926 là giai đoạn phát triển rực rỡ của Luzitania. Nhiều hướng nghiên cứu của trường phái này xoay quanh các bài giảng của N. Luzin. Cần nói rằngN. Luzinchuẩn bị bài giảng rất sơ sài, và nội dung cũng như phương pháp truyền đạt chúng thì không theo một chuẩn mực nào. Ngoài ra, ông thường xuyên đến lớp học muộn giờ, bắt học trò phải chờ. Tuy vậy, các học trò của ông luôn đến đúng giờ, và trong khi chờ thầy, họ đứng ngoài hành lang chuyện trò, chủ yếu về các vấn đề toán học.

Trong bài “Nikolay Nikolayevich Luzin” viết cho tạp chí “Uspekhi matematicheskikh nauk” nhân kỷ niệm 90 năm ngày sinh N. Luzin, M. Lavrentyev kể:

Có lần, trong ba buổi liền, N. Luzin cố chứng minh một định lý mà ông vừa phát biểu. Trong khi ông chưa chứng được thì mọi học trò đều tự thử sức để chứng minh. Sang đầu buổi thứ tư thì chính Luzin xây dựng một ví dụ chứng tỏ rằng định lý đó sai. Với cách dạy như vậy, ông có thể bị nhiều người quy kết là tùy tiện, làm phí thời gian của học viên. Tuy nhiên, chính cách dạy đó đã huy động tối đa khả năng sáng tạo của tất cả những người trong cuộc, nhanh chóng biến họ thành những nhà nghiên cứu thực thụ. Cố nhiên, muốn dạy được theo cách đó thì chính người thầy phải đứng ở ngọn nguồn của những phát minh mới và học trò cũng phải là những người khát khao sáng tạo.

Những thành viên của Luzitania tôn thờ hai vị đứng đầu: “Chúa Cha” Yegorov và “Chúa Con” Luzin. Những ai mới đến cũng đều nhanh chóng nhận ra rằng vai trò chính thuộc về N. Luzin. Tuy nhiên, họ vẫn giữ lệ mỗi năm đến thăm nhà D. Yegorov ba lần vào các ngày lễ. Thái độ của họ tại nhà Yegorov thường là tỏ ra tôn kính. Với N. Luzin thì hoàn toàn thoải mái: bản thân Nikolay Nikolayevich liên tục pha trò, đùa cợt với các học viên theo cách hoàn toàn bình đẳng. Các trợ thủ đắc lực củaN. Luzingồm có V. V. Stepanov và hai người có tên viết tắt P. S. là Pavel Sergeyevich Aleksandrov và Pavel Samuilovich Urysohn, những người được gọi đùa là “PSy” (chó đực!). 

Có lần, 20 học viên đến ngheN. Luzingiảng bài. Họ chờ một giờ liền, sau đó bảo nhau đến tìmN. Luzintại nhà. Đến nơi thì vợ ông nói ông vừa bị một cô gái bắt cóc đến Maly Teatr (Nhà hát nhỏ). Cả nhóm nổi điên, đặc biệt là các nữ học viên – họ đều thực sự mê thầy. Họ kéo nhau đến nhà hát, mua 2 chiếc vé rồi dùng chiến thuật hai vào, một ra với cả hai vé, cuối cùng cả 20 người đều vào được nhà hát. Đợi lúc giải lao, họ lôi Luzin ra và “trừng phạt” ông bằng cách đồng thanh hát bài “Luzitania ca”, sau đó kéo nhau đến quảng trường Arbat nhảy múa.

Không thể kể hết những trò vui nhộn, cách sống và xử sự thực sự tự do cùng với phong cách làm việc hết mình và vô cùng hiệu quả ở Luzitania. Chỉ cần điểm qua hàng chục tên tuổi những người đã từng qua Luzitania và trở nên nổi tiếng thế giới thì cũng đã thấy vai trò củaN. Luzinđối với Toán Học Nga và Soviet to lớn đến mức nào. Ngay cả một số người sau này trở mặt với Luzin vì những lý do này nọ cũng không phủ nhận được điều này. Bản thân N. Luzin thì năm 1927 được bầu làm viện sĩ thông tấn, và năm 1929 trở thành viện sĩ chính thức kiêm trưởng ban Toán của Viện Hàn Lâm Khoa Học Toàn Nga.

Nikolay Nikolayevich Luzin mất ngày 28 tháng Giêng 1950 tại Moskva.

Vụ án chống Luzin

Vụ việc này diễn ra từ năm 1936, và nó đã làm cho 14 năm cuối của cuộc đời nhà khoa học lỗi lạc, đã cống hiến toàn bộ khả năng sáng tạo của mình cho dân tộc và cho nhân loại, trở nên u ám. Thế mà nó chỉ được phanh phui sau 63 năm kể từ ngày xảy ra.

S. Kutateladze, tác giả bài “The Tragedy of Mathematics inRussia” (Bi kịch của nền Toán Học Nga) đăng trong Preprint số 188 của Viện Toán Học tạiNovosibirsk, viết:

“Năm 1999, nước Nga bị chấn động vì sự xuất hiện của cuốn sách “Vụ án viện sĩ Nikolay Nikolayevich Luzin”. Lần đầu tiên toàn bộ văn bản lưu về các cuộc họp của Ủy Ban của Viện Hàn Lâm Khoa Học Liên Xô về vụ việc này đã được công bố…

Ủy Ban đã được thành lập sau khi xuất hiện bài viết “Về những kẻ thù khoác mặt nạ soviet” trên báo “Pravda” ngày 3 tháng Bảy năm 1936. Trong bài viết này, Luzin bị buộc đủ mọi thứ tội trạng mà người ta có thể nghĩ ra về một nhà khoa học. Ông được mô tả như một kẻ vừa dơ bẩn về đạo đức và không trung thực trong khoa học, vừa giấu kín sự thù địch đối với toàn bộ xã hội Soviet. “Ông ta cho in ấn những thứ giả khoa học, lấy phát minh của học trò làm thành tựu của mình, có những ý đồ đen tối, háo danh và cao ngạo, và có lẽ còn mang cả tư tưởng phát-xít nữa.”

… Về bài báo này và về việc đập tan “bọn Luzin”, tất cả các nhà khoa học thế hệ trước đều biết rõ. Không ai nghi ngờ rằng việc khởi động chiến dịch thóa mạ Luzin được thực hiện bởi bộ máy đàn áp của đảngCSLX. Tại hậu trường của chiến dịch thấp thoáng bóng dáng của L. Mekhlis và E. Kolman, những đại diện tiêu biểu của bộ máy đàn áp thời Soviet. Người thứ nhất thời đó là tổng biên tập báo đảng “Pravda”, còn người thứ hai là trưởng phòng khoa học của đảng bộ Đảng Cộng Sản Toàn Nga (Bolshevik) tại Moskva.

Vụ Luzin trong nhiều năm được coi là nằm trong bối cảnh chung của những tội trạng thời toàn trị Stalinist. Việc công bố hồ sơ lưu đã làm lộ ra một tình trạng đã bị che giấu: trong số những kẻ hăng hái trong việc khủng bố tư tưởng đối với Luzin có những học trò của ông. Thủ vai chính trong số họ là P. Aleksandrov, thủ lĩnh của trường phái Topologia Moskva.

S. Novikov từng viết:

“Việc điều tra được thực hiện bởi đức cha (có lẽ cùng với cả Lyusternik và Lavrentyev, người biết rõ những nhóm người trong đảng). Họ đã phát hiện ra rằng P. Aleksandrov từng viết một bức thư cho một nhân vật có thế lực là Khvorostin để nói xấu Luzin. Khvorostin làm việc ởSaratovvà có nhiều mối quan hệ với trung ương đảng. Ông ta ghét Luzin – đây là điều rõ ràng. Ông ta, như những người điều tra cho biết, đã đưa hồ sơ cho ban chấp hang trung ương và chủ trương viết bài báo. Pavel Sergeyevich (Aleksandrov) thực sự là một tay kích có hạng!”

Luzin rất bất bình về việc P. Aleksandrov phủ nhận công lao của ông trong lý thuyết các tập hợp giải tích. (…) Những tập hợp này thường được gắn với tên tuổi Aleksandrov và Suslin và được gọi là A-tập-hợp hay tập hợp Suslin.

Tham gia tích cực vào các phiên họp của Ủy Ban luận tội Luzin có A. Kolmogorov, L. Lyusternik, A. Khinchin, L. Shnirelman. Các thành viên Ủy Ban là S. Sobolev, O. Schmidt cũng rất nhiệt thành ủng hộ việc tấn công Luzin. Lên tiếng bảo vệ Luzin có A. Krylov và S. Bernstein.

Mục cuối cùng trong kết luận của Ủy Ban viết:

“Tất cả những điều trình bày ở trên đã thâu tóm rất nhiều tư liệu có trong Viện Hàn Lâm và hoàn toàn khẳng định tính cách của Luzin như trong bài viết trên báo “Pravda”.”

Tất cả những người tham gia vào các biến cố năm 1936 đã rời bỏ thế giới này. Rõ ràng họ không biết rằng các văn bản về những phiên họp này vẫn được lưu giữ. Ngày nay, chúng ta biết chính xác về các chi tiết đã diễn ra trong Ủy Ban cũng như chung quanh nó. Giới Toán Học hiện đang phải chịu đựng sự việc này một cách đau lòng và đang xem xét lại vai trò của những người học trò của Luzin trong việc tổ chức hành hạ ông về chính trị.”

Tuy nhiên, cũng có nhiều người phản đối việc trù dập N. Luzin. Trong số đó có P. Novikov, M. Lavrentyev, V. Vernadsky, A. Krylov, S. Bernstein, nhà vật lý P. Kapitsa, nhà toán học Ba Lan V. Sierpinski, các nhà toán học Pháp H. Lebesque và A. Denjoy,…

S. Kutateladze viết tiếp:

“Nếu Luzin có lỗi thì lỗi đó thuộc về mối quan hệ thầy-trò. Không có bằng chứng nào về việc ăn cắp công trình. Việc buộc tội ông đã gán công trình của mình cho H. Lebesque hay của Suslin cho chính mình chỉ là sự thêu dệt thô thiển.

… Dù sao thì cũng không thể không nói đến xung đột thế hệ giữa Luzin và những học trò thành công nhất của ông. Có thể đoán rằng Luzin đã không công bằng khi trích dẫn các công trình của học trò và có thể ông cũng không giỏi trong việc khắc phục những khó khăn khi giải quyết một số vấn đề toán học. Cũng có thể đoán rằng ông đã có thái độ hai mặt trong việc bầu P. Aleksandrov vào Viện Hàn Lâm, mặc dù đã có thư của A. Kolmogorov gửi cho ông đề nghị ủng hộ P. Aleksandrov. Nhưng chẳng lẽ việc này lại gây ra thảm kịch hay sao? Và chẳng lẽ đây là bản chất của vụ án Luzin?”

Để khép tội N. Luzin, một số người luôn xoáy vào việc N. Luzin có thái độ khó chịu đối với người học trò sắc sảo nhất là M. Suslin, để đến mức anh này phải bỏ đi, rồi sống trong túng thiếu, bệnh tật và cuối cùng thì chết sớm. Một việc khác cũng được họ tận dụng làN. Luzinthích công bố công trình ở một vài nước phương Tây. Họ dựa vào đó để quy kết làN. Luzincó lập trường tư sản, thậm chí phát-xít. Còn trong biên bản ghi chép chi tiết các ý kiến trong những cuộc họp của Ủy Ban Viện Hàn Lâm về vụ việcN. Luzinthì chỉ thấy rõ rằng người ta đã cố ép N. Luzin phải nhận những tội mà không hề có bằng chứng, còn khi ông không chịu nhận thì người ta cứ kết luận theo một ý đồ đã sắp sẵn từ trước.

Nhưng dù sao cũng phải thừa nhận rằng N. Luzin, vì một lý do gì đó, đã gặp may: ông không phải chịu trách nhiệm hình sự, thậm chí không bị loại khỏi Viện Hàn Lâm, mà chỉ mất chức trưởng ban Toán của Viện. Trong khi đó, chỉ vì lý do không phải người vô thần mà người thầy cũ của ông, giáo sư D. Yegorov, đã bị bắt và bị lưu đày đến chết. Tuy vậy, N. Luzin cũng phải rời bỏ cương vị giáo sư tại Đại học tổng hợp Moskva, và gần như bị “vô hiệu hóa” trong những sinh hoạt toán học của Viện Hàn Lâm.

NGUYỄN TRẦN SÂM

Tại sao VN “không tam quyền phân lập?”

Cập nhật: 16:47 GMT – thứ ba, 8 tháng 5, 2012

Luật sư Trần Quốc Thuận, nguyên Phó Chủ nhiệm Thường trực Văn phòng Quốc Hội bình luận với BBC Việt ngữ về quan điểm “Nhà nước ta không tam quyền phân lập” của Tổng Bí thư Đảng CSVN, ông Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Trung ương 5, khóa XI, Ban Chấp hành TW Đảng nhóm ở Hà Nội.

Luật sư Thuận cũng giải thích dự đoán của mình về hiệu quả của lần tu chính Hiến pháp này mà theo ông là sẽ vẫn còn nhiều hạn chế và “không đáp ứng” được những kỳ vọng và nhu cầu cơ bản về cải tổ, đổi mới Hiến pháp thực sự của nhân dân và nhiều tầng lớp trong xã hội.

BBC

By daohieu Posted in Chưa phân loại

TỪ TIÊN LÃNG ĐẾN VỤ BẢN – LỰC LƯỢNG CƯỠNG CHẾ THỪA THẮNG XỐC TỚI!

Nhìn lại những vụ cưỡng chế giải tỏa đất đai trong mấy tháng qua, càng thấy sự lãnh đạo của cấp trên thật tài tình.

Nhớ những ngày trước và sau Tết Nhâm Thìn 2012, trời thì giá rét căm căm mà không khí xã hội nóng hầm hập. Cứ tưởng đâu tiếng bom Đoàn Văn Vươn sẽ là ngòi nổ để cái bọn dân đen vùng lên khắp nơi nơi theo sự xúi giục của các lực lượng thù địch.

Ai dè…

Chỉ bằng một vài thao tác, một số câu nói trấn an dư luận, một cái nghị quyết vừa chỉnh vừa đốn, thế là ngòi nổ đã bị vô hiệu hóa hoàn toàn. Báo chí lề trái cùng bọn tay sai của các thế lực thù địch đang la lối ầm ĩ bỗng im re. Các đồng chí Hiền, Liêm, Ca, Thoại vẫn bình an. Cách mạng vẫn được bảo vệ tuyệt đối an toàn. Chỉ gia đình tên Vươn là lãnh đủ. Đáng đời!

Rút kinh nghiệm cưỡng chế ở Tiên Lãng, hai vụ cưỡng chế tiếp theo ở Văn Giang và Vụ Bản được các đồng chí cấp trên chỉ đạo sát sao, lại có sự tham gia của những lực lượng tinh nhuệ bậc nhất trong ngành công an, đã thành công mỹ mãn.

Hàng ngàn cảnh sát cơ động trang bị đầy đủ những phương tiện hiện đại chống bạo loạn đã được tung ra để chống lại vài trăm tên dân đen tay không tấc sắt. Lại còn có cả những con chó nghiệp vụ dữ dằn có thể xé toang cổ họng hoặc ổ bụng của những thằng dân nào dại dột nghe theo sự xúi bẩy của các thế lực thù địch.

Chỉ tiếc là không có cả những quân chủng, binh chủng hải lục không quân của quân đội nhân dân tham gia, để những vị chỉ huy như đồng chí Đỗ Hữu Ca của Hải Phòng có thể trổ tài chỉ đạo hiệp đồng tác chiến đẹp như viết trong sách!

Cũng hơi tiếc là bọn chó nghiệp vụ đã không chịu cắn xé bọn người chống cưỡng chế, làm khuyết đi một nét đẹp của cuộc tấn công. (Chắc bọn chó này ăn phải bả của các thế lực thù địch?)

Nhưng dù sao thì cưỡng chế cũng đã thắng lợi trọn vẹn. Cả ở Văn Giang và Vụ Bản. Đọc báo, xem băng video mà thấy nức lòng. Những toán dân đen (gồm những kẻ xấu) bị bao vây, bị xé nát rồi bị quây lại thành từng khóm nhỏ bởi lực lượng cảnh sát cơ động đầy uy lực, cuối cùng đã không làm được gì. Không những thế, có những đứa còn bị các đồng chí công an ta dùng dùi cui quật túi bụi, chắc không vỡ sọ thì cũng gãy xương sườn! Hay nhất là cảnh hai thằng mà có người nói là hai nhà báo bị các đồng chí ấy đánh như đánh chó, đến nay hình như vẫn chưa dám lên tiếng. (Cũng có tin đồn đó là băng giả, do các lực lượng thù địch dựng ra để vu cáo các đồng chí công an ta, nhưng đến hôm nay thì ông giám đốc công an Hưng Yên đã xác nhận đây là chuyện “đáng tiếc đã xảy ra”, còn mình thì cho rằng bọn báo biếc mà bị nện cũng là đáng đời lắm! Bao nhiêu những chuyện rắc rối đã bắt đầu từ mồm bọn nhà báo.)

Vậy là đã có hai vụ hậu Tiên Lãng để thử phản ứng của dân đen và của cả bọn chính phủ mấy nước phương Tây hay thọc ngoáy cái gọi là vấn đề nhân quyền. Cũng là thử cả những phương pháp tác chiến mới, thử sức mạnh của chuyên chính vô sản.

Hóa ra trị cái bọn dân đen cũng chẳng có gì khó khăn. Cứ mạnh tay là được. Bọn nước ngoài có la lối thì kệ xác chúng, nói chán rồi thôi mà.

Và từ nay, chắc chắn còn nhiều những vụ như Văn Giang, Vụ Bản nữa. Các lực lượng cưỡng chế cứ thế thừa thắng xông lên! Nếu có thằng nào liều lĩnh như Đoàn Văn Vươn thì bắt nhốt phỉnh bọn còn lại vài câu là xong hết. Nếu cần thì vừa phỉnh vừa dọa.

Cưỡng chế muôn năm!

MICHAEL LANG

RÕ RÀNG RẤT RẮC RỐI ! (GÕ GÀNG GẤT GẮC GỐI)

GẶP NÓ SAO KHÔNG HỎI

GẶP NÓ HỎI SAO KHÔNG

GẶP NÓ KHÔNG HỎI SAO

GẶP NÓ HỎI KHÔNG SAO

GẶP SAO KHÔNG HỎI NÓ

GẶP SAO NÓ KHÔNG HỎI

GẶP KHÔNG HỎI NÓ SAO

GẶP HỎI NÓ KHÔNG SAO

HỎI NÓ SAO KHÔNG GẶP

HỎI NÓ SAO GẶP KHÔNG

HỎI NÓ KHÔNG GẶP SAO

HỎI SAO NÓ KHÔNG GẶP

HỎI SAO NÓ GẶP KHÔNG

HỎI SAO KHÔNG GẶP NÓ

HỎI KHÔNG GẶP NÓ SAO

HỎI GẶP NÓ SAO KHÔNG

HỎI GẶP NÓ KHÔNG SAO
NÓ KHÔNG HỎI SAO GẶP

NÓ KHÔNG GẶP SAO HỎI

NÓ HỎI SAO KHÔNG GẶP

NÓ HỎI KHÔNG GẶP SAO

NÓ GẶP SAO KHÔNG HỎI

SAO GẶP NÓ KHÔNG HỎI

SAO GẶP NÓ HỎI KHÔNG
SAO GẶP KHÔNG HỎI NÓ

SAO KHÔNG GẶP NÓ HỎI

SAO NÓ GẶP KHÔNG HỎI

SAO HỎI NÓ GẶP KHÔNG

KHÔNG GẶP NÓ SAO HỎI

KHÔNG GẶP HỎI NÓ SAO

KHÔNG GẶP SAO HỎI NÓ

KHÔNG GẶP SAO NÓ HỎI

KHÔNG HỎI NÓ SAO GẶP
Bài thơ đặc biệt .
Thơ kiểu ngược xuôi,xuôi ngược,
cắt đầu cắt đuôi,lấy khúc giữa… vẫn đủ ý thơ

Bài thơ rất thú vị (có 8 cách đọc!)

1. Bài thơ gốc, bài 1:

Ta mến cảnh xuân ánh sáng ngời
Thú vui thơ rượu chén đầy vơi
Hoa cài giậu trúc cành xanh biếc
Lá quyện hương xuân sắc thắm tươi
Qua lại khách chờ sông lặng sóng
Ngược xuôi thuyền đợi bến đông người
Xa ngân tiếng hát đàn trầm bổng
Tha thướt bóng ai mắt mỉm cười.

2. Đọc ngược bài gốc từ dưới lên, ta được bài 2:

Cười mỉm mắt ai bóng thướt tha
Bổng trầm đàn hát tiếng ngân xa
Người đông bến đợi thuyền xuôi ngược
Sóng lặng sông chờ khách lại qua
Tươi thắm sắc xuân hương quyện lá
Biếc xanh cành trúc giậu cài hoa
Vơi đầy chén rượu thơ vui thú
Ngời sáng ánh xuân cảnh mến ta.

3. Bỏ hai chữ đầu mỗi câu trong bài gốc, ta được bài 3 (ngũ ngôn bát cú, luật bằng vần bằng):

Cảnh xuân ánh sáng ngời
Thơ rượu chén đầy vơi
Giậu trúc cành xanh biếc
Hương xuân sắc thắm tươi
Khách chờ sông lặng sóng
Thuyền đợi bến đông người
Tiếng hát đàn trầm bổng
Bóng ai mắt mỉm cười.

4. Bỏ hai chữ cuối mỗi câu trong bài gốc.
Đọc ngược từ dưới lên, ta được bài 4
(ngũ ngôn bát cú, luật bằng vần bằng):

Mắt ai bóng thướt tha
Đàn hát tiếng ngân xa
Bến đợi thuyền xuôi ngược
Sông chờ khách lại qua
Sắc xuân hương quyện lá
Cành trúc giậu cài hoa
Chén rượu thơ vui thú
Ánh xuân cảnh mến ta.

5. Bỏ ba chữ cuối mỗi câu trong bài gốc, ta được bài 5 (tám câu bốn chữ):

Ta mến cảnh xuân
Thú vui thơ rượu
Hoa cài giậu trúc
Lá quyện hương xuân
Qua lại khách chờ
Ngược xuôi thuyền đợi
Xa ngân tiếng hát
Tha thướt bóng ai

6. Bỏ ba chữ đầu mỗi câu trong bài gốc.
Đọc ngược từ dưới lên, ta được bài 6 (tám câu bốn chữ):

Cười mỉm mắt ai
Bổng trầm đàn hát
Người đông bến đợi
Sóng lặng sông chờ
Tươi thắm sắc xuân
Biếc xanh cành trúc
Vơi đầy chén rượu
Ngời sáng ánh xuân.

7. Bỏ bốn chữ đầu mỗi câu trong bài gốc, ta được bài 7 (tám câu ba chữ):

Ánh sáng ngời
Chén đầy vơi
Cành xanh biếc
Sắc thắm tươi
Sông lặng sóng
Bến đông người
Đàn trầm bổng
Mắt mỉm cười.

8. Bỏ bốn chữ cuối mỗi, câu trong bài gốc.
Đọc ngược từ dưới lên, ta được bài 8 (tám câu ba chữ):

Bóng thướt tha
Tiếng ngân xa
Thuyền xuôi ngược
Khách lại qua
Hương quyện lá
Giậu cài hoa
Thơ vui thú
Cảnh mến ta

Chân dung Tổng thống Francois Hollande

Cập nhật: 04:45 GMT – thứ hai, 7 tháng 5, 2012

Francois Hollande, tổng thống vừa đắc cử của Pháp, là một nhà tổ chức chính trị dày dạn kinh nghiệm nhưng ông chưa bao giờ nắm giữ một vị trí nào trong chính phủ, theo các đánh giá ban đầu.

Nhiều người đánh giá ông là một chính khách ôn hòa dễ mến. Phong cách trầm lắng của ông mà một số người cho là tẻ nhạt đối chọi gay gắt với sự nhiệt thành và sôi động của Tổng thống bảo thủ Nicolas Sarkozy, đối thủ của ông trong vòng hai cuộc bầu cử hôm 6/5.

Tuy nhiên, các ủng hộ viên của ông cho rằng đằng sau hình ảnh khiêm tốn của một người đàn ông mà mãi cho đến gần đây vẫn lái chiếc scooter đi làm là một quyết tâm sắt đá để lãnh đạo đất nước.

Cuộc chiến trong đảng

Để giành được đề cử của đảng cho cuộc bầu cử trong năm 2012, ông phải vượt qua một cuộc bỏ phiếu hết sức cam go trong nội bộ Đảng Xã hội – một cuộc chiến mà ông phải đánh cược bằng cả sinh mạng chính trị và cuộc sống riêng tư.

Một trong những khoảnh khắc kịch tích của cuộc bỏ phiếu đó là khi một trong các đối thủ của ông, bà Ségolène Royal, người bạn đời của ông trong gần ba thập niên và là mẹ của bốn người con của ông, tuyên bố ủng hộ ông trở thành ứng viên của đảng mặc dù hai người đã ly thân từ lâu.

Ông Hollande là con của một bác sỹ. Ông sinh ngày 12/8 năm 1954 ở thành phố tây bắcRouen.

Ông vào học trường ENA, tức trường hành chính quốc gia, một ngôi trường danh giá vốn là nơi xuất thân của nhiều nhà lãnh đạo Pháp. Tại đây ông đã gặp gỡ bà Royal.

Sau đó, ông cũng vào học ở trường Sciences Po, tức Học viện khoa học chính trị, một ngôi trường lừng danh khác của Pháp.

Từng hoạt động tích cực trong các phong trào chính trị của sinh viên, ông gia nhập Đảng Xã hội vào năm 1979 và có một vai trò nhỏ với tư cách cố vấn kinh tế trong nhiệm kỳ tổng thống của Francois Mitterrand.

Là nghị sỹ Quốc hội từ năm 1988, ông đại diện cho vùng Correze ở vùng trung nam nước Pháp.

Ông kế nhiệm cựu Thủ tướng Lionel Jospin trong vai trò lãnh đạo đảng từ năm 1997, một vị trí mà ông nắm giữ trong hơn một thập niên.

Năm 2008, ông từ chức giữa sự ê chề của đảng sau thất bại của ứng viên Ségolène Royal trước ông Sarkozy trong cuộc bầu cử tổng thống một năm trước đó.

Sau này mọi người mới biết lúc đó ông có quan hệ tình cảm với Valerie Trierweiler, phóng viên chính trị của tạp chí Paris Match. Kể từ đó, ông và Trierweiler không rời nhau.

Va chạm giữa ông Hollande và bà Royal đã gây rắc rối cho Đảng Xã hội trong một thời gian dài. Tuy nhiên vào tháng 5 năm 2011 một vụ tai tiếng còn đình đám hơn đe dọa bủa vây đảng này khi người được đảng kỳ vọng sẽ trở thành ứng viên tổng thống của họ là Dominique Strauss-Kahn bị bắt ở New York với cáo buộc tấn công tình dục.

Chirac khen ngợi

Hollande có lộ trình khác với ông Sarkozy để đưa nước Pháp ra khỏi tình trạng khó khăn kinh tế

Trong những tháng sau này, nhiều thành viên trong đảng bắt đầu nghĩ đến Hollande như là lựa chọn tốt nhất cho cuộc bầu cử năm 2012.

Một bằng chứng về sức hút rộng rãi của ông là ông nhận được vinh dự hiếm có khi được cựu Tổng thống Jacques Chirac thuộc cánh hữu khen ngợi.

Trong hồi ký của mình, Chirac đã khen ngợi Hollande là ‘một chính khách lãnh đạo thật sự’ và là người có khả năng vượt qua các ranh giới đảng phái.

Nhiều người nhìn nhận lời nhận xét của ông Chirac là sự xem thường ông Sarkozy, người mà Chirac công khai giễu cợt trong hồi ký.

Tuy nhiên, Hollande được nhìn nhận rộng rãi là một chính trị gia cánh tả trung dung.

“Tôi không muốn một cánh tả cứng rắn,” ông phát biểu trong một cuộc tranh luận với bà Martine Aubry, đối thủ chính của ông trong cuộc đua giành đề cử của Đảng Xã hội.

“Chúng ta chỉ vừa hết 5 năm khốn khổ dưới thời của một tổng thống. Liệu chúng ta có nên có một ứng viên gây chia rẽ? Tôi không muốn điều đó. Cái chúng ta cần là một cánh tả vững chắc,” ông nói.

Bà Aubry được dự đoán sẽ được Hollande chỉ định vào vị trí thủ tướng.

Có thể Hollande thể hiện hình ảnh của mình như một người ôn hòa nhưng ông lại lựa chọn một chiến dịch tranh cử dựa trên các chính sách kinh tế cực đoan với đề xuất đánh thuế lên đến 75% những người giàu có và tuyển dụng thêm 60.000 giáo viên.

Ông cũng cam kết sẽ đàm phán lại một hiệp định về tăng trưởng và kỷ luật tài chính của Liên minh châu Âu mà Tổng thống mãn nhiệm Nicolas Sarkozy đã ký kết.

Ý tưởng đánh thuế thu nhập lên đến 75% những người có thu nhập trên 1 triệu euro thu nhập làm cho nhiều thành viên trong đảng của ông ngạc nhiên và bị rất nhiều đối thủ của ông lên án.

Jean-Francois Cope, lãnh đạo Đảng UMP của Tổng thống Sarkozy, đã gọi đề xuất tuyển dụng thêm hàng ngàn giáo viên của Hollande là ‘điên khùng’.

Trong một cuốn tiểu sử mới xuất bản gần đây của nhà báo chính trị Marie-Eve Malouines với tựa đề ‘Hollande – Sức mạnh của một Quý ông dễ mến’, tác giả đã khắc họa hình ảnh một người đàn ông có tham vọng chính trị lớn lao nhưng đồng thời cũng không muốn dính vào các cuộc xung đột.

BBC 7/5/2012

Ôn cố tri tân: nạn kiêu binh

Nạn kiêu binh hay loạn kiêu binh là tên dùng để chỉ sự việc loạn lạc thời Lê Trung Hưng trong lịch sử Việt Nam, do những quân lính gốc ở Thanh – Nghệ, cậy mình có công, đã sinh thói kiêu căng, coi thường luật lệ, gây ra và làm trong và ngoài triều chính thời đó hết sức điêu đứng, khổ sở. Theo sách Việt sử tân biên, thì nạn kiêu binh này là một trong những nguyên nhân khiến cơ nghiệp  – Trịnh ở Việt Nam mau đổ nát.

Lịch sử thời Lê – Trịnh, có một sự kiện rất đáng chú ý, đó là sự hiện diện của lính tam phủ. Sách Việt sử tân biên quyển 3, giải thích như sau:

Buổi ấy, nhà Lê dấy lên từ Thanh Hóa, trong lúc này nhà Mạc hãy còn làm chủ miền Bắc, kể từ trấn Sơn Nam trở ra. Nhà Lê muốn khôi phục, tất nhiên phải tuyển lính ở ba phủ là Hà Trung, Thiệu Hóa và Tĩnh Gia thuộc hai tỉnh Thanh Hóa và Nghệ An.

Sau này, nhà Lê đuổi được nhà Mạc ra khỏi Thăng Long, thì quân ở ba phủ trên (tục gọi là lính tam phủ) được coi làthân binh hay ưu binh, nhất binh; và được vua chúa tin dùng làm quân túc vệ bởi họ đã đóng góp nhiều công lao trong chiến đấu. Chính vì có công lớn, lại được vua chúa nuông chiều, nên họ sinh ra thói kiêu căng, xem thường luật vua phép nước. Cho nên dân chúng thời bấy giờ gọi họ là kiêu binh.

Nạn kiêu binh

Đề cập vấn đề này, sách Việt Nam sử lược có đoạn:

Nguyên từ khi họ Trịnh giúp nhà Lê Trung Hưng về sau, đất kinh kỳ chỉ dùng lính Thanh, lính Nghệ gọi là ưu binh để làm quân túc vệ. Những lính ấy thường hay cậy công làm nhiều điều trái phép.

Năm Giáp Dần (1674) đời Trịnh Tạc, lính tam phủ tức là lính Thanh, lính Nghệ đã giết quan Tham Tụng Nguyễn Quốc Trinh và phá nhà Phạm Công Trứ.

Năm Tân Dậu (1741) quân ưu binh lại phá nhà và chực giết quan Tham Tụng Nguyễn Quý Cảnh.

Những lúc quân ưu binh làm loạn như vậy, tuy nhà chúa có bắt những đứa thủ xướng làm tội nhưng chúng đã quen thói, về sau hễ hơi có điều gì bất bình, thì lại nổi lên làm loạn.

Tuy nhiên kiêu binh thật sự trở thành quốc nạn, kể từ tháng 10 năm Nhâm Dần (1782), tức lúc lính tam phủ tôn Trịnh Khải lên ngôi chúa và kết thúc vào khoảng tháng 6 năm Bính Ngọ (1786), là lúc Nguyễn Huệ dẫn quân ra bình Bắc Hà. Trong khoảng thời gian dài này, có hai lần lính tam phủ hoành hành rất dữ, vì cậy công.

Cậy công tôn phò chúa

Sách ViệtNamsử lược chép:

Năm Nhâm Dần (1782) Trịnh Sâm mất, Đặng Thị Huệ và Hoàng Đình Bảo (Quận Huy) lập Trịnh Cán lên làm chúa. Con trưởng Trịnh Sâm là Trịnh Khải mưu với quân tam phủ để tranh ngôi chúa. Bấy giờ có tên biện lại thuộc đội Tiệp bảo tên là Nguyễn Bằng, người Nghệ An, đứng lên làm đầu, vào phủ chúa đánh ba hồi trống làm hiệu, quân ưu binh kéo đến vây phủ, vào giết Hoàng Đình Bảo, bỏ Trịnh Cán và Đặng Thị Huệ, lập Trịnh Khải lên làm chúa.

Trịnh Khải phong quan tước cho Nguyễn Bằng và trọng thưởng cho quân tam phủ. Từ đó quân ấy một ngày một kiêu, cứ đi cướp phá các nhà, không ai kiềm chế được…

Hoàng giáp Bùi Dương Lịch, là người đương thời, kể:

(Sau khi tôn Trịnh Khải) quân lính cậy có công…đòi hỏi những mối lợi nơi điếm tuần, bến đò, đầm hồ, gò bãi, cửa ải, chợ búa…Dân chúng khổ sở vì sự quấy nhiễu hà khắc của chúng, mối hận thấm cốt cốt tủy. Từ đấy, lính với dân coi nhau như kẻ thù. Triều đình phải đặt ra đội Phong vân để tuần phòng trong kinh kỳ, dò xét quân lính, hễ ai còn có thói cũ, rủ nhau tập hợp phá nhà lấy của thì lập tức bắt giải về triều xét xử.

Cậy công tôn phò thái tử

Trước đây (1782), sau khi giết chết Quận Huy, quân tam phủ đã mở ngục rước ba con của Lê Duy Vĩ là Lê Duy Khiêm (sau này là vua Lê Chiêu Thống), Lê Duy Trù và Lê Duy Chi về cung.

Nghe tin Duy Khiêm được thả, Trịnh thái phi Nguyễn Thị (mẹ Trịnh Sâm) vốn ủng hộ Lê Duy Cận (chú ruột của Khiêm), sợ Duy Khiêm về sẽ tranh ngôi thái tử, nên sai hoạn quan là Liêm Tăng (không rõ họ) đến bắt ép Duy Khiêm sang chầu, để toan bí mật giết chết. Duy Khiêm từ chối không được, phải khóc mà đi. Dọc đường, quân tuần sát ngăn lại. Rõ chuyện, họ la hét ầm ĩ, yêu cầu tra cứu người lập mưu làm hại Duy Khiêm. Họ truy lùng tìm Liêm Tăng không được, ngờ là Duy Cận chủ mưu. Lúc ấy, Duy Cận đang chầu Trịnh thái phi, nghi trượng để ngoài cửa phủ đường, quân sĩ kéo đến đập phá tan nát. Duy Cận sợ quá, phải thay đổi quần áo lẻn về cung.

Chúa Trịnh Khải biết việc này là do bà nội mình gây ra, bèn dụ quân sĩ thôi làm huyên náo, rồi xin nhà vua Lê Hiển Tônglập Duy Khiêm làm hoàng thái tôn, và bắt Duy Cận làm tờ biểu nhường ngôi thái tử. Tháng Giêng năm 1783, Lê Duy Khiêm, lúc ấy 18 tuổi, với cương vị là cháu trưởng, được ông nội lập làm hoàng thái tôn, còn chú là Duy Cận bị truất làm Sùng Nhượng Công.

Một hôm, quân lính họp nhau, đem việc đón rước hoàng tôn (Duy Kỳ) ở nhà giam ra tâu lên hoàng thượng, để xin được ban ơn. Nhà vua (Lê Hiển Tông) liền sai người làm tiệc thết đãi, rồi từ từ bàn đến cách thưởng công cho họ. Lúc đó, có kẻ chạy đi báo tin với chúa (Trịnh Khải). Chúa cho đòi ngay Nguyễn Khản, Dương Khuông vào phủ. Sau khi nghe ý kiến của hai cận thần, Chúa bèn sai viên đầu hiệu đội Nhưng Nhất là Triêm vũ hầu (Nguyễn Triêm) đem đội quân Phong vân đến vây bắt được bảy người.

Sau đó, theo sách Lê quý dật sử, thì:

Triều đình bàn xét nếu đem giết hết e sẽ gây ra biến loạn. Nếu không giết thì không lấy gì răn đe được. (Dự tính) trước tiên đem chém một hai tên đầu sỏ gian ác để dần dần ức chế tính kiêu ngạo của chúng. Bấy giờ trong triều có Tham tụng Nguyễn Khản, Quản trung cơ Nguyễn Khuông (cậu chúa Trịnh Khải) mới được cất nhắc, vốn ghét quân sĩ không phục mình, đã chiếu theo luật: “lẻn vào hoàng thành” xử tội chém hết để răn quân lính.

Được sáu ngày, quân sĩ lại gây bạo loạn. Họ gào thét xông thẳng vào phủ chúa, tìm giết Khản và Khuông. Khản trốn về trấn Sơn Tây, Khuông nấp mình trong phủ chúa. Mẹ chúa là Dương Thị bước ra phủ đường khóc kêu xin tha cho Khuông. Chúa lại cho nhiều tiền bạc để chuộc cho cậu, quân sĩ mới chịu kéo trở về đập phá nhà riêng của Khản, Khuông. Hôm sau, quân lính lại đòi đem Nguyễn Triêm giết đi để hả giận riêng. Chúa không có cách nào nữa, vời Triêm đến lấy lời lẽ yên nước, yên nhà ra bảo; lại cho dân một xã thờ cúng, ruộng thế nghiệp 30 mẫu, rồi sai Triêm ra chịu chết.

Tan rã

Ở Sơn Tây, Nguyễn Khản cùng với em mình là Nguyễn Điền đang làm quan ở đó, bí mật dâng tờ khải lên chúa, xin mộ nghĩa sĩ tứ trấn để giết kiêu binh. Nghe kế ấy, chúa ban chiếu cho phép.

Theo sách Hoàng Lê nhất thống chí, thì:

Trong đám kiêu binh có kẻ biết mưu của chúa, liền mắng chúa và cử lính canh giữ phủ chúa rất ngặt. Chúa sai người ra báo lại với các trấn hoãn ngày khởi sự, nhưng chưa đến kịp thì các đạo theo đúng hẹn cũ đã rầm rộ kéo quân lên đường. Thiên hạ cực kỳ náo động. Hào kiệt các nơi đồng thời nổi dậy, ai ai cũng nói phải tiêu diệt hết kiêu binh.

Ngày hôm đó, hết thảy kiêu binh hai xứ Thanh Nghệ đóng ở các trấn đều phải bỏ trốn, lúc đi qua làng mạc chúng không dám lên tiếng. Hễ kẻ nào buột miệng lòi ra thổ âm Thanh Nghệ, tức thì bị dân chúng bắt giết ngay. Bọn chúng phải luôn luôn giả cách làm người câm, ăn xin ở dọc đường, rồi lần mò về kinh, báo cho đám kiêu binh ở đây biết cái tin nay mai quân các trấn sẽ về họp ở dưới thành.

Được tin này, bọn kiêu binh ở kinh tức thì họp nhau bàn cách chống cự. Rồi họ chia nhau thành các đạo kéo đi. Nhưng đạo phía Tây mới kéo ra đến Đại Phùng, đạo phía Bắc mới kéo đến cầu Vịnh thì đã bị ngay các tay thổ hào địa phương đánh thua. Họ phải bỏ cả khí giới, cố mang vết thương mà chạy về kinh.

Bấy giờ kinh thành chấn động, dân hàng phố kẻ chợ đều dắt díu bồng bế nhau ra ngoài thành chạy trốn. Đám kiêu binh vừa sợ vừa tức, gọi chúa là giặc. Rồi họ kéo vào trong phủ, lấy hết binh khí, chia cho cơ đội các dinh nắm giữ. Phủ chúa lúc ấy không còn một tấc sắt nào để tự vệ…

Sau có quan tham tụng là Bùi Huy Bích dỗ dành mãi mới dần dần hơi yên. Tháng 5 năm Cảnh Hưng 47 (1786), quân Tây Sơn tiến nhanh ra Bắc. Đình thần nhà Lê – Trịnh bàn việc sai tướng đem quân vào chống ngăn. Nhưng ưu binh lúc này đã quen thói kiêu căng, rất sợ chinh chiến, nên lấy cớ đòi tiền lương, để chần chừ không chịu tiến quân, khiến trong kinh thành càng xôn xao dữ, ai nấy đều tính kế tháo chạy. Ngày mồng 6 tháng 6 năm Bính Ngọ (1 tháng 7 năm 1786) quân củaNguyễn Hữu Chỉnh đến Vị Hoàng (Nam Định). Nguyễn Huệ đến hợp quân với Chỉnh rồi cùng tiến ra Thăng Long. Quân Tây Sơn đi đến đâu, quân Trịnh tan tác đến đó, nạn kiêu binh kể như chấm dứt cùng sự sụp đổ của họ Trịnh.

Trong văn học

Trong sách Hoàng Lê nhất thống chí ở hồi hai và ba, có nhiều đoạn kể khá tỉ mỉ nạn kiêu binh. Nhờ tác giả là người đã sống trong thời đại hỗn loạn ấy, nên chúng có giá trị lịch sử & hiện thực cao. Trong bài giới thiệu tác phẩm này, Kiều Thu Hoạch có đoạn nói đến nạn kiêu binh như sau:

Trịnh Sâm thì hoang dâm, xa xỉ. Vua Lê Cảnh Hưng thì bù nhìn, bạc nhược. Trịnh Tông chỉ là con rối của đám kiêu binh. Còn quan lại đa phần là một phường dung tục, bất tài, chỉ rình rập cơ hội để tranh gianh giành quyền lực, danh lợi…Dưới những vua quan như vậy, thì binh lính đương nhiên cũng không thể có kỷ cương, phép tắc gì. Những “ưu binh” đã biến thành “kiêu binh” ngang ngược, quay lại uy hiếp triều đình, quấy nhiễu dân chúng, tùy ý phá nhà, giết người, khiến mọi người đã phải gọi chúng là “quân bất trị”. Và ba chữ ấy đã trở thành nỗi khủng khiếp của một thời.

Bấy giờ, theo Việt sử tân biên, quyển 3, thì kẻ dưới thì lăng loàn, người trên thì suy đốn, giềng mối triều đình ngày một hư hỏng. Trước tình thế hỗn loạn ấy, chúa Trịnh Khải cũng muốn diệt kiêu binh, để bình ổn lại việc nước, nhưng không diệt nổi. Chúa bèn nhờ Phạm Quý Thích làm bài Trách cung văn để đọc trước miếu đường, nhận lỗi của mình.

Giai đoạn thời Lê mạt, trong đó có nạn kiêu binh, cũng là đề tài yêu thích của nhà văn Nguyễn Triệu Luật. Ông đã viết ba tác phẩm cùng chủ đề này, đó là: Bà chúa Chè (Tân Dân – Hà Nội, 1938), Loạn Kiêu binh (Tân Dân – Hà Nội, 1939) và Chúa Trịnh Khải (Tân Dân – Hà Nội, 1940).

Luận bàn

Bàn về nạn kiêu binh, sách Việt sử tân biên, quyển 3, có đoạn như sau:

Riêng nạn kiêu binh lộng hành; ngai vàng,sự nghiệp của vua Lê chúa Trịnh cũng đủ đổ, huống hồ vua chúa và quan lại cũng hư hèn. Buổi đầu, kiêu binh có chút công lao phò tá, nhưng sau này vì vua chúa không biết điều khiển họ, để họ lợi dụng lạm dụng quyền thế để làm bậy bạ khiến họ Lê, họ Trịnh đều phải đổ vỡ. Tới khi binh Tây Sơn ra Thăng Long, thì đội quân này như một cơn lốc làm ngã ngay cái cây đã bị sâu mọt đục nát…

Gia chính cũng như quốc chính, một khi có lũ con cưng đó, tất nhiên phải đưa thiên hạ đến chỗ đại loạn. Lịch sử không chỉ trách kiêu binh, mà còn phải qui trách nhiệm cho những người cầm đầu dân tộc đã vụng suy dại nghĩ.

Ngoài ra, việc kiêu binh giết chết Quận Huy còn gây thêm một hậu quả nữa. Theo sử Việt thì ngay khi tin Quận Huy bị giết lan truyền tới Nghệ An, đã làm Nguyễn Hữu Chỉnh hết sức lo sợ, vì ông là tay chân thân tín của Quận Huy. Cho nên ông vội đến gặp Trấn thủ Vũ Tá Dao, cũng là em rể Quận Huy, bàn việc chiếm lấy Nghệ An và viết mật thư xui Hoàng Đình Thể giết chủ tướng là Phạm Ngô Cầu để chiếm luôn Thuận Hóa. Thấy Vũ Tá Dao còn ngần ngừ, chưa thể dứt khoát, Nguyễn Hữu Chỉnh cùng với Hoàng Viết Tuyển, dắt díu cợ con chạy vào Quy Nhơn đầu hàng Nguyễn Nhạc. Để rồi năm 1786, Hữu Chỉnh dẫn quân Tây Sơn ra Bắc Hà diệt nhà Trịnh.

(Bách khoa toàn thư mở Wikipedia)