Tranh luận về “dân chủ trong Đảng”

Cập nhật: 10:12 GMT – thứ năm, 16 tháng 12, 2010

Cựu Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Văn An nay nói cần có luật để điều chỉnh vai trò của Đảng

Bài phỏng vấn của Cựu Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Văn An nói đến dân chủ trong Đảng và nhu cầu ra luật về hoạt động của Đảng hiện đang thu hút nhiều ý kiến tranh luận.

Dù có những ý kiến nói không hiểu vì sao ông Nguyễn Văn An chỉ phát biểu mạnh khi đã nghỉ hưu và không còn nắm chức vụ gì, cũng có các quan điểm ủng hộ ông trong tinh thần mọi thay đổi dù tiệm tiến cũng vẫn tốt hơn là không có.

Cũng có ý kiến cho rằng ông Nguyễn Văn An chỉ dám dừng lại ở chỗ kêu gọi dân chủ trong Đảng mà không ủng hộ hẳn cho thể chế dân chủ đại nghị.

Hưởng ứng các đề xuất của ông Nguyễn Văn An, một cựu chiến binh tại Hà Nội, Đại tá Phạm Xuân Phương, năm nay 81 tuổi viết bài đăng trên một trang blog rằng:

“Với những nhận xét đánh giá thẳng thắn, đáng tin cậy của ‘người trong cuộc’ và những để xuất táo bạo, khá quyết liệt, lần này ông Nguyễn Văn An tập trung vào “hai vấn đề cốt tử trong những vấn đề cốt yếu, sống còn hiện nay của Đảng”.

“Đó là chủ đề phát huy dân chủ trong Đảng và vấn đề Đoàn kết trong Đảng và trong xã hội”.

Ông Phạm Xuân Phương nói ông “hoàn toàn nhất trí với sự nhìn nhận và cách đặt vấn đề rằng “phải sửa lỗi hệ thống”, mà ông Nguyễn Văn An cho là sai từ gốc.

Từ lâu nay, lý lẽ thường được đưa ra để bào chữa cho các sai lầm của Đảng là “đường lối luôn đúng”, chỉ có việc thực hiện chưa đạt hoặc có sai trái.

Trong bài trả lời phỏng vấn với VietnamNet đăng hôm 6/12 nhưng hiện đường link đã mất, vị Cựu Chủ tịch Quốc hội, Ủy viên Bộ Chính trị cho rằng điều sai lầm cơ bản là nhận thức về cuộc cách mạng tại Việt Nam.

Theo ông, cuộc cách mạng dân tộc dân chủ ở Việt Nam chỉ mới hoàn thành phần “dân tộc”, còn phần “dân chủ” chưa thực hiện được.

Việc nêu ra mục tiêu xây dựng xã hội xã hội chủ nghĩa vì thế không phù hợp.

Ông đề nghị đổi luận đề cơ bản của thuyết Leninist về nhà nước xã hội chủ nghĩa là ‘tập trung dân chủ’ (democratic centralism), thành ‘dân chủ tập trung’, hàm ý chuyển trọng tâm quyền lực về cho người dân.

Ông cũng nêu ra ý cần đổi cả quốc hiệu từ Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam thành ‘Việt Nam Dân chủ’.

Ông Nguyễn Văn An, người từng có lúc là ứng viên sáng giá cho chức Tổng bí thư, nhắc lại bài học sự tan rã của đảng Cộng sản Liên Xô, không phải vì các thế lực bên ngoài chống phá, mà vì các đảng viên không muốn bảo vệ Đảng nữa:

Nếu Đảng coi mình đương nhiên là lực lượng lãnh đạo nhà nước và xã hội thì Đảng sẽ trở thành ông Vua tập thể, ông Vua cộng sản mất rồi. Như vậy là Đảng chủ, Đảng toàn trị chứ không phải dân chủ nữa

“Hãy thử quan sát và phân tích sự giải tán của một Đảng tại quê hương của Cách mạng tháng Mười thì rõ. Tại sao một người đứng đầu Đảng và Nhà nước tuyên bố giải tán Đảng là Đảng đó bị giải tán ngay?”

Luật cho Đảng

Đề xuất đưa Đảng CSVN vào hoạt động trong khuôn khổ pháp luật của ông được Đại tá Phạm Xuân Phương hoàn toàn ủng hộ:

“Để khắc phục ‘sự tồn tại phi lý của hai hệ thống quyền lực song song mà thực chất là chỉ có quyền lực của Đảng là tối thượng’ như ông Nguyễn Văn An đã nêu, tôi hoàn toàn nhất trí và đồng tình với kiến nghị của nhiều người khác đã phát biểu,”

Nhưng trong cuộc đấu tranh tư tưởng trước Đại hội Đảng XI, có vẻ như những nhân vật lãnh đạo theo phái bảo thủ không chấp nhận những đề nghị “dân chủ trong Đảng”.

Trong một bài viết gần đây trên Tạp chí Cộng sản, ông Thường Trực Ban Bí thư lên án “âm mưu thù địch” mà ông cho là đang tìm cách, “Xóa bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng, thay đổi mục tiêu, định hướng xã hội chủ nghĩa trong đường lối chính trị của Đảng và Nhà nước ta”.

Gọi xu hướng đa nguyên chính trị là có mục tiêu “gây dựng các thế lực chống đối chính trị ngay trong lòng Việt Nam”, ông Sang hoàn toàn bác bỏ các ý kiến nhằm cải tổ ngay nội bộ Đảng cầm quyền.

Ông Trương Tấn Sang phê phán không thương tiếc “các thế lực thù địch, phản kích, phủ định nhằm xóa bỏ chủ nghĩa Mác – Lê-nin”

Theo ông Trương Tấn Sang, “Trên lĩnh vực tư tưởng, các thế lực thù địch, phản động tập trung phản kích, phủ định nhằm xóa bỏ chủ nghĩa Mác – Lê-nin và tư tưởng Hồ Chí Minh,”

“Đây là hoạt động mũi nhọn, đột phá để thực hiện ý đồ chiến lược làm chuyển hóa từ bên trong và bên trên của Đảng và Nhà nước xã hội chủ nghĩa của chúng ta.”

Dù Việt Nam đang cố gắng được công nhận khắp nơi là có nền kinh tế thị trường, ông Trương Tấn Sang cho rằng các âm mưu mà ông không nêu tên đang “nhằm phá vỡ nền tảng tư tưởng của Đảng ta và của xã hội ta, tạo ra một ‘khoảng trống tư tưởng’ trong cán bộ, đảng viên và nhân dân”.

Theo ông, mục tiêu cuối cùng của họ là “từ đó tạo điều kiện thuận lợi du nhập hệ tư tưởng tư sản vào quần chúng, vào nội bộ ta”.

Trái lại, quan điểm của ông Nguyễn Văn An lại đặt Đảng cầm quyền vào một vị thế khác:

“Nếu Đảng coi mình đương nhiên là lực lượng lãnh đạo nhà nước và xã hội thì Đảng sẽ trở thành ông Vua tập thể, ông Vua cộng sản mất rồi. Như vậy là Đảng chủ, Đảng toàn trị chứ không phải dân chủ nữa.”

Theo ông Phương, “đã đến lúc không thể né tránh được việc phải luật hóa các hoạt động của Đảng và đây chính là lúc Đảng phải hạ quyết tâm; tự mình kiến nghị với Quốc hội sớm nghiên cứu ban hành một Bộ Luật về Đảng”.

Tuy nhiên, lập luận của ông Nguyễn Văn An, dù được khen là “táo bạo”, cũng bị phê phán.

Một cựu chiến binh Quân đội Nhân dân Việt Nam khác, ông Bùi Tín, hiện đã tỵ nạn chính trị tại Pháp, trong blog trên đài VOA bình luận về bài phỏng vấn của ông An là “phần đầu mới mẻ, mạnh dạn, trẻ trung” nhưng “hai trang cuối cổ hủ, giáo điều, già nua”.

Theo ông Bùi Tín, cựu phó Tổng biên tập báo Nhân Dân, thì ông Nguyễn Văn An “như một vận động viên chạy về gần đến đích bỗng…hết hơi, bỏ cuộc”:

“Đó là khi ông nói đến chế độ một đảng, chế độ độc đảng ở nước ta, và hiến kế làm thế nào để thực hiện dân chủ rộng rãi trong chế độ một đảng. Lập luận của ông không có gì mới. Đó là “ không phải cứ độc đảng là mất dân chủ, không phải cứ đa đảng là có dân chủ.”

Có vẻ như quan điểm của ông Nguyễn Văn An, cựu Trưởng ban Tổ chức Trung ương Đảng chỉ dừng lại ở chỗ cần luật hóa vị trí của Đảng.

Theo ông, “Đảng ta là Đảng cầm quyền đã được ghi trong Hiến pháp, song chưa được cụ thể hóa thành luật.”

Trước đó, trong một bài trả lời phỏng vấn khác, ông An kêu gọi rằng cần sửa đổi Hiến pháp.

Nguồn BBC