“HOA DẠI LANG THANG” là một truyện dài của Đào Hiếu xuất bản năm 1990. Nhân vật chính là một thằng Hề và một cô gái tên Phượng con nhà giàu, ngỗ ngáo. Đó là một cặp Bonnie và Clyde thời đại mới, biểu lộ tính cách nổi loạn của những người chối bỏ xã hội hiện nay. Sau đây là vài trích đoạn mà có lẽ bạn đọc rồi nhưng đã quên.
mười
Chiếc Toyota 800 vừa rẽ sang đường Trần Hưng Ðạo thì Phượng phát hiện bị theo dõi. Kẻ đang bám theo là bốn công an hình sự mặc thường phục đi xe CD 90 màu đen. Mã Long cho xe tăng tốc hướng thẳng về phía Sài Gòn.
Ðồng hồ trên nóc chợ Bến Thành chỉ hai mươi giờ mười phút. Chiếc Toyota 800 dừng gấp trước cửa Nam. Hùng và Phượng phóng xuống xe. Phượng xách chiếc vali còn Hùng chạy theo yểm trợ. Giờ ấy chợ đã đóng cửa nhưng hai người cũng luồn lách được trong đám người đi bộ, lẩn vào bóng tối đường Phan Bội Châu. Hai chiếc CD 90 băng qua đường nhưng vì ở góc đó xe từ dưới đường Lê Lợi đổ lên quá nhiều nên bị mắc kẹt giữa lộ. Hai người trinh sát ngồi sau xe phải chạy bộ đuổi theo Phượng và Hùng lúc ấy đã lên một chiếc Cub chờ sẵn và phóng đi về hướng Tạ Thu Thâu.
Hai chiếc CD 90 cũng vừa trờ tới. Cuộc rượt đuổi diễn ra ngay trước mắt những người đi đường. Các cửa tiệm bán quần áo đang chuẩn bị đóng cửa cũng trở nên huyên náo. Người ta túa ra đường đông nghẹt.
Hùng cho xe ngoặt qua đường Nguyễn Trung Trực. Hai chiếc CD rẽ theo, bắn súng chỉ thiên mấy phát liền. Tới đường Nguyễn Du thì Hùng quẹo trái, xả hết ga.
Phượng nói:
– Ráng cho tới Cách Mạng Tháng Tám ở đó có nhiều tụ điểm ca nhạc mình bỏ xe lẩn vô đám đông.
Hùng bấm còi inh ỏi, vừa lạng vừa phóng như bay. Nhưng đến gần ngã ba Cách Mạng Tháng Tám thì xe của Hùng gặp một chiếc Cub đi ngược chiều mà không có đèn. Hùng đạp thắng, xe day đít leo lề, ngã nhào xuống đường.
Hai chiếc CD trờ tới. Hùng bị thương ở chân không chạy kịp nên bị bắt. Phượng phóng tới đám đông với chiếc vali nhỏ trên tay. Cảnh sát rượt theo, thổi còi inh ỏi. Lúc ấy xuất hát vừa tan, khán giả ra đường đông nghẹt. Phượng mất hút trong dó. Nhưng cô không dám trổ ra đường lớn, cô leo qua một hàng rào sắt, lọt vô sân tấu hài, từ đó Phượng đi bộ qua một đám đông nữa, leo qua hai cái hàng rào.
Còi cảnh sát rúc liên hồi sau lưng. Phượng quay lại, thấy đám đông trước sân tấu hài đã hỗn loạn, cô quyết định chạy thẳng vô nhà Văn Hóa Lao Ðộng. Cô nhận ra trước mặt mình là một vùng sáng rực rỡ. Ðó là rạp xiếc. Phượng chạy vội đến đó. Nhưng vì trong lều dù đoàn đang diễn nên ngoài sân vắng người. Phượng chạy ra phía sau lều vải trốn vào một bụi cây cạnh cái ghế đá ngày trước thằng hề ngồi uống nước.
Lúc ấy bốn viên cảnh sát đã vào đến sân quần vợt, ánh đèn pin quét lên các lối đi cạnh hồ bơi.
Phượng vừa định di chuyển sang chỗ khác thì trong rạp xiếc một bóng đen lù lù bước ra. Ðó là thằng Hề. Cô bước ra khỏi lùm cây một cách đột ngột làm thằng hề giật mình.
– Ai đấy? Hề hỏi.
– Phượng đây. Anh còn nhớ em không?
Hề cười làm cho cái miệng hóa trang trở nên quái đản.
– Lại mất đồng hồ à?
Phượng nắm lấy cổ tay thằng hề, nói nhanh:
– Em đang bị công an săn đuổi. Anh cứu em với.
Hề trố mắt nhìn cô gái, tưởng cô nói đùa. Ngay lúc đó súng nổ liền ba phát, ánh đèn pin lấp lóa và bốn viên cảnh sát lúc nãy chạy bọc quanh nhà dù…
– Họ tìm bắt em đấy. Phượng nói. Hãy đưa em đi.
Hề nghe ngóng một lát rồi bảo:
– Ðợi tôi một chút.
Và hắn đi lấy xe.
Chỉ ba mươi giây sau hai người đã vụt ra khỏi khuôn viên nhà văn hóa Lao Ðộng, tới đường Huyền Trân Công Chúa.
Chiếc Suzuki già nua của thằng hề chạy khục khặc mãi mới leo qua khỏi cầu Sài Gòn, lúc ấy đã gần mười giờ đêm, nhưng chiếc xe chỉ chạy thêm một đoạn nữa thì chết máy. Hề liền mở bugi ra cạo nhưng xe vẫn không nổ.
– Xe gì dỏm quá vậy. Phượng kêu lên. Ðốt đi cho rồi.
– Ðốt đi. Hề nói và đưa quẹt ga cho Phượng.
Lúc này cô mới để ý đến bộ mặt hóa trang còn y nguyên của thằng hề. Mồ hôi làm cho son phấn bột màu trên mặt hắn nhão ra trông nham nhở khủng khiếp.
– Lau mặt đi. Phượng nói.
– Không cần, hề nói, tôi phải sửa cái xe đã.
Nhưng Phượng đã lôi trong bụng ra một khẩu súng ngắn. Cô đứng ngay giữa đường chờ đợi.
Lúc ấy có một người đàn ông đứng tuổi cưỡi một chiếc Honda sáu bảy từ phía Sài Gòn chạy ra. Phượng giăng hai tay chận lại.
– Xuống xe! Phượng chĩa súng vô ngực người đàn ông, ra lệnh. Ông la tôi bắn liền.
Người đàn ông định phản ứng nhưng chợt thấy thằng hề lù lù xuất hiện với bộ mặt gớm ghiếc ông ta sợ quá bỏ chạy.
Dường như điều đó làm hề thích thú, hắn cười ha hả rồi bật quẹt ga, giựt ống dẫn xăng chiếc Suzuki cổ lỗ sĩ của mình ra, châm lửa đốt.
Họ lại lên chiếc xe vừa cướp được. Nhưng Phượng bỗng nói:
– Ðuổi theo người đàn ông.
– Em định giết ông ta à?
– Ðừng hỏi.
Hề cho xe quay lại, ép người đàn ông vô lề.
Thấy con quỷ có cái mũi cà chua đuổi theo, ông ta sợ quá chắp tay lạy.
– Xin tha cho tôi.
Phượng nói:
– Bác đừng sợ. Hãy giữ lấy cái vali này. Bán đi, bác cũng đủ tiền mua một chiếc xe mới.
Phượng thảy chiếc va li trước mặt người đàn ông run rẩy rồi lên xe.
Họ lại phóng đi về hướng Biên Hòa.
Hề chạy xe rất nhanh và cười ha hả. Hắn nói:
– Tôi thích mẫu người như em lắm.
Phượng thở phào. Gió mát làm cô thấy dễ chịu
– Anh cũng thuộc loại liều đấy. Thế bây giờ đi đâu đây?
– Tôi cũng đang định hỏi em câu đó.
– Em không biết.
– Tôi cũng không biết. Nhưng mà cứ đi, khi nào hết xăng thì dừng lại.
Phượng nói:
– Anh có người quen nào làm rẫy không?
– Có. Nhưng mà xa lắm. Ở Long Khánh lận.
– Mở nắp bình xăng coi.
Hề thọc ngón tay vô bình xăng, thấy xăng còn đầy, hắn nói:
– Nếu em thích mình có đủ xăng đến đó.
– Em rất thích.
– Thế em bỏ nhà đi luôn à?
– Bỏ.
– Nhưng em làm gì mà bị săn đuổi vậy?
– Ăn cướp.
– Em cần tiền đến vậy à?
– Không.
– Sao lại ăn cướp?
Phượng cười:
– Anh có biết cái va li đựng gì không?
– Ðôla chứ gì?
– Thuốc phiện. Em buôn lậu mà. Băng tụi em có ba người, một người bị bắt lúc chạy với em. Trong vali có năm ký thuốc phiện.
– Sao em bỏ lại?
– Vì em không cần tiền. Em chỉ ham vui. Nhưng mấy người bạn em họ rất ham làm giàu. Thế còn anh, anh có ham làm giàu không?
Thằng hề:
– Rất tiếc là nghề của anh không thể làm giàu được. Anh làm thẳng hề cũng để cho vui vậy thôi.
– Thế bây giờ anh cũng bỏ đoàn để đi với em à?
– Nếu không gặp em đêm nay thì một ngày nào đó anh cũng bỏ đoàn mà đi. Anh đã thay đổi cuộc sống cả chục lần rồi.
– Người ta nói trước đây anh có đi kháng chiến phải không?
– Ai nói?
– Ông chủ tịch quận. Ông ta là bạn của ba em. Ông ta nói có lần ông ta và anh qua sông bị phục kích chìm xuồng.
– Có lẽ vậy.
– Thế còn nhà văn và nhà sư? Họ kể rằng có gặp anh trong một chuyến đi biên giới Tây Nam gì đó. Ðúng không?
Hề bật cười, xe đi chậm lại một chút:
– Té ra em quen hết mấy tay đó à. Ba em làm gì vậy?
– Ðại khái ba em là một người làm kinh tế. Nhưng không phải cán bộ. Ông chơi với những người ấy vì cùng ở trong hội đánh quần vợt. Hình như những người ấy họ không ưa anh?
– Họ sống giả. Sống giả trong một xã hội giả. Em chơi với họ em có thấy như vậy không?
– Có những lúc em cảm thấy gần như tất cả quanh em mọi người đều sống giả anh ạ. Vậy mà cả đời họ cứ cam chịu. Họ còn hãnh diện nữa là đàng khác. Như cái tay giám đốc phát hành sách, cũng là bạn của ba em. Ông ta liên kết với ông nhà văn gợi ý cho ông này viết đủ thứ chuyện: Chuyện chống tiêu cực, chuyện đổi mới, chuyện kiếm hiệp… rồi ông ta bỏ vốn ra in làm giàu. Có nhiều tiền không biết làm gì, tối nào cũng đi đánh bạc, chơi gái hoặc nhậu nhẹt. Mới đây ông xin từ chức Giám đốc và tuyên bố: Tớ sẽ ra đảng, sẽ gia nhập đảng mới. Sẽ làm lãnh tụ. Anh có tin rằng ông ta sẽ thành công không?
– Tại sao không? Trước nay những người như thế thường thành công.
Xe vượt qua một rừng cao su âm u dày đặc và đến một thôn xóm còn leo lét ánh đèn. Phượng coi đồng hồ:
– Gần mười hai giờ rồi. Có lẽ phải kiếm một chỗ nào đó nghỉ chân mai đi tiếp. Ði thế này em sợ.
Hề nói:
– Không sao. Sắp tới nơi rồi. Còn chừng bảy cây số nữa thôi.
– Nhưng anh đừng chạy nhanh quá, em thấy lạnh.
Hề giữ tốc độ ở mức ba mươi cây số giờ, vượt qua hai khu rừng cao su nữa và rẽ vào một lối mòn bên trái. Cũng may mà đèn xe rất sáng nên hề vượt qua được những vùng cây cối âm u không mấy khó khăn. Lát sau đã nghe có tiếng chó sủa và một điểm sáng leo lét xuất hiện sau những chòm lá thấp.
Hề cho xe dừng lại trước một túp lều tranh. Chó sủa dữ dội. Hề đứng thủ sau chiếc xe còn Phượng thì núp sau lưng anh. Một lát có tiếng lục đục trong nhà và cánh cửa nhỏ mở ra.
– Ai đó?
Lúc này con chó đã nhận ra hơi người quen nên chạy lại mừng. Hề hỏi:
– Anh Hai đó hả?
– Tôi đây. Ai vậy?
– Thằng hề đây, anh Hai.
– Ủa, sao chú mày đến khua khoắc vầy nè. Bộ bị lính rượt hả.
Hề cười ha hả:
– Có khi đúng vậy đó anh. Ðây là cô bạn của em.
Phượng bước ra ngoài sáng, chào người đàn ông, hỏi:
– Chắc anh ngạc nhiên lắm.
Người đàn ông cười, tiếng cười khô, rời rạc, bình thản:
– Không đâu cô. Lâu nay nó vẫn ẩn hiện như ma quỷ vậy đó.
Ông nói xong đặt cái đèn dầu lên bàn. Cánh tay ông to khỏe, đen và đầy lông lá như tay của một con vượn. Ông chỉ cái võng gai bảo:
– Cô nằm đây nghỉ. Sáng mai nói chuyện.
Rồi ông kéo tay thằng hề ra phía sau.
mười một
Ðó là lần đầu tiên trong đời, Phượng thức dậy trong sự im lặng lạ lùng của một buổi sáng rực rỡ, cô mở mắt và thấy ngay sự im lặng ấy, nó mênh mông, xa tắp, nó mơn man đâu đây, lúc xa lúc gần, được nhắc nhở bởi tiếng xào xạc nhẹ nhàng của gió, tiếng cái lá khô rơi xuống mái tranh, tiếng con chim nhỏ kêu lẻ loi góc vườn.
Nắng mới mẻ như vừa bay qua một cơn mưa để đến đây. Sự im lặng làm Phượng thức mà vẫn mơ màng như đang ở trong một giấc chiêm bao huyền hoặc.
Khi có con nhện từ trên xà nhà buông mình xuống ngay trước mặt, Phượng mới giật mình ngồi dậy. Ðôi dép vẫn để nguyên dưới đất. Phượng xuống bếp không thấy ai, dường như ngoài vườn cũng không có tiếng người.
Phượng ra sân trước ngồi dưới một gốc mít. Ðó là một cây mít còn trẻ trung cành lá um tùm, trái bám đầy trên những cành thấp. Phượng ngửa cổ nhìn tán lá, nó xòe rộng trên đầu như cái nhà dù. Trái mít tròn to ngay trước mặt, trong tầm tay. Ðột nhiên có tiếng chim hót rồi im bặt. Cô ngồi xuống chiếc giường tre kê bên cạnh một bếp lửa đã tàn.
Con chó đốm ngoài vườn đi vào ngoe nguẩy đuôi lấy lệ. Phượng vuốt đầu nó, nó nghểnh mỏ lên rồi nằm xuống cạnh đôi dép da. Vườn cây um tùm trước mặt Phượng là cả một thế giới mới lạ. Những cây lớn, tàn rộng rợp bóng cả mặt đất. Lối đi giữa những hàng cây râm mát lấm chấm bóng nắng tạo cho khu vườn cái vẻ hút sâu, bí ẩn và quyến rũ.
Phượng ngồi quan sát khu vườn, không biết nó sẽ dẫn đi đến đâu. Cô thấy nó mênh mông như rừng và túp lều mà cô đang ngồi chỉ là cái tổ chim bé nhỏ hoàn toàn cô độc. Phượng nhìn quanh cố xác định lối mòn tối qua thằng Hề đã chở mình tới đây nhưng mù tịt. Cô có cảm tưởng rằng chỉ còn mình ở lại trong xó vườn này. Thằng Hề và người anh của hắn đã để cô ở lại đây với ma quỷ, thú dữ và rắn rít.
Nhưng cái cảm giác sợ hãi ấy thoáng qua rất nhanh và Phượng nghe thoảng mùi hương ngọt ngào của trái cây chín. Ðó là một mùi pha trộn khác thường, lúc ẩn, lúc hiện.
Phượng đứng dậy, vừa đi vừa nhìn quanh, rón rén như cô bé lạc trong rừng. Hương thơm lúc nãy lại đến dẫn dụ cô. Càng lúc mùi thơm càng đậm đà hơn và khi cô nghe tiếng nước chảy róc rách thì nó trở nên ngào ngạt. Phượng bị vây quanh bởi một rừng mít tố nữ trĩu quả. Cô sờ tay vào một quả ngay trước mặt và nó rơi trên tay cô làm cô ngơ ngẩn.
Lúc ấy có tiếng chân xào xạc trên lá.
Một người đàn ông hiện ra trên lối đi, tay xách một chùm quả chín đỏ.
Lúc đầu cô tưởng là thằng hề nhưng khi đến gần thì đó là một người đàn ông trạc ngoài ba mươi có đôi lông mày rậm, cái nhìn trầm, phảng phất nét u hoài. Cái nhìn ấy gợi lên điều gì đó trong Phượng.
Cô nhìn sững người đàn ông nhưng thái độ của cô không làm ông ta ngạc nhiên. Ông đưa cho cô chùm quả chín đỏ. Phượng cầm lấy một cách máy móc, không rời mắt khỏi khuôn mặt ông ta. Tóc cắt ngắn, mày rậm, cái nhìn thẳng, vui tươi, hàng ria mép thưa nhưng đều, nụ cười tự tin và có chút gì chế diễu. Ðây là bộ mặt thật của thằng hề sao? Phượng nghĩ như vậy và lập tức đánh tan ý nghĩ đó. Vì cô nhớ là mình đã gặp anh ta, đã gặp cái khuôn mặt này ở đâu đó, có lẽ lâu lắm rồi.
– Em có thích chùm quả này không?
– Quả gì vậy? Phượng hỏi nhỏ.
– Tôi cũng không biết. Ðó là loại quả dại trong rừng không ăn được nhưng tôi thấy đẹp nên hái chơi.
Hai người bước trên lối mòn đầy bóng nắng lấm tấm. Phượng hỏi:
– Khu vườn này của anh?
– Không. Của bạn tôi.
– Anh không ngạc nhiên về sự có mặt của tôi ở đây sao?
– Không. Vì tôi đã biết em từ lâu lắm.
– Từ lúc nào?
Hai người lại nhìn nhau.
– Từ lâu.
Phượng ngẫm nghĩ. Rồi đột nhiên cô chụp lấy tay người đàn ông.
– Nhớ rồi! Ðã mấy lần em định đi Duyên Hải tìm anh.
– Ðể làm gì?
– Ðể cho anh ít tiền. Sau cái lần gặp anh ở đó về, em cứ nghĩ tại sao một người như anh lại phải làm một tay bí thư xã. Em thấy anh tội nghiệp.
– Em nghĩ vậy à?
– Ừ. Anh có vẻ là một chàng hippy nghèo hơn là một bí thư xã. Cái cách anh đối đáp với ông lớn nọ rất là lừng khừng. Em rất thích. Gần như suốt thời gian ấy em chỉ nhìn thấy có anh giữa đám đông quan chức nhốn nháo.
– Tôi cũng định nói với em như vậy. Tôi biết em ngồi trong góc nhỏ hẹp của Ủy ban, đầu tựa vô tấm phên tre.
Phượng buông tay người đàn ông ra, không hề ngượng nghịu, cô đưa chùm quả lên mũi ngửi nhưng nó không có mùi gì cả. Họ cứ đi lang thang như thế một lúc lâu mà vẫn chưa tới tận cùng của khu vườn trái cây, hay có thể là họ đang đi vòng vòng các lối mòn.
– Anh hết làm bí thư rồi sao?
– Hết. Người ta đuổi tôi.
– Ai? Có phải ông lớn ấy không?
– Cũng có thể.
– Anh đến lập nghiệp ở đây hồi nào vậy?
– Ðêm qua.
Phượng lại chụp lấy cổ tay người đàn ông, lần này cô nắm chặt như đang vặn hỏi, tra tấn.
– Ðêm qua?
– Ừ. Hồi khuya. Tôi đến đây với một cô gái trên chiếc xe ăn cướp.
– Khỉ ơi là khỉ! Phượng cười rũ. Anh đúng là thằng hề. Nhưng như thế là lên chức hay xuống chức?
– Không lên không xuống mà là chuyển ngành.
– Xạo. Nhưng không sao. Ít ra khi nhìn anh làm hề trên sân khấu em vẫn thấy đỡ tội nghiệp hơn cái hôm anh tiếp ông lớn nọ.
– Hôm đó có gì mà tội nghiệp?
– Chính ra hôm đó anh cư xử rất hay. Nhưng vì nó hay quá nên em mới thấy tội nghiệp cho một người như anh mà phải chịu dưới quyền người khác.
Hề cười:
– Nên em định cho tiền?
– Ừ. Nhưng thôi em hỏi cái này: Tại sao anh chọn làm thằng hề?
– Vì nó dễ. Chỉ cần vẽ mặt hề, mặc một cái váy là người ta cười.
– Thế bây giờ bỏ nghề đi bụi đời với em anh có tiếc không?
– Tiếc.
– Tiếc gì? Phượng hỏi.
– Tiếc số tiền em định cho tôi.
Phượng cười quá trời, họ trở lại túp lều tranh. Hề nói:
– Tôi rất mừng khi thấy em vui.
– Nhưng nếu ở đây hoài thì em cũng chán.
Hề hỏi:
– Vậy nếu bị quẳng ra đời em sẽ làm gì để sống?
– Lâu nay em không hề bận tâm đến chuyện tiền bạc. Rất nhiều lần em muốn bỏ nhà đi bụi đời nhưng trong túi phải có tiền. Vậy làm cách nào để có tiền?
Hề đáp:
– Ví dụ như làm những trò ảo thuật.
– Anh học ở đâu vậy?
– Hồi ở trong rừng bạn bè dạy.
– Thế còn nghề ăn cắp đồng hồ?
– Tôi tự nghĩ ra.
– Anh dạy cho em đi.
Hề nói một cách chân thành:
– Nếu vậy thì phải từ từ. Bây giờ mình kiếm cái gì ăn.
Hai người xuống bếp. Chiếc Honda 67 dựng ở đó.
– Cái xe tốt quá. Phượng nói. Nhưng mình phải thay bảng số.
– Chừng nào mình đi thì thay.
Họ lục cơm nguội ăn. Trong cũi còn một mớ xoài chín cây nhưng hãy còn cứng. Hề chọn một trái đưa cho Phượng và hỏi:
– Khẩu súng của em đâu rồi?
Lúc ấy Phượng mới nhớ ra. Cô đến cái hốc cây đầu võng lôi khẩu Colt 45 ra đưa cho hề. Hề nói:
– Ðể tôi cất. Có lúc mình sẽ dùng đến.
*
Chợ xổm được nhóm ngay lối đi trong làng, hề dựng xe đầu chợ. Phượng nói:
– Anh đứng đây đợi em.
Chợ thưa thớt. Những rổ trái cây, những thúng đậu phộng, đậu xanh, những sạp bán thịt rừng bày hai bên đường. Dân cư ở đây ăn mặc lôi thôi lếch thếch theo lối những người làm rẫy. Ða số mặc áo lính, áo bảo hộ lao động cũ sờn bạc màu. Phượng đến cuối chợ vẫn không tìm thấy thứ mình muốn mua. Lúc quay lại đã thấy thằng hề ôm một con khỉ nhỏ.
– Nó có cắn không? Phượng hỏi.
– Làm thân với nó đi.
Phượng bế con khỉ nhỏ lên và nhớ tới con gấu nhà mình.
Hề hỏi:
– Có mua được không?
Phượng lắc đầu. Hề chở cô gái đi sâu vào trong thị trấn. Những hàng quán mọc lên lô nhô không hàng lối. Mái tranh và mái tôn xen lẫn nhau, những cây rừng thấp được chừa lại, lá cây bám đầy đất đỏ, những tiệm phở mở nhạc xập xình. Dân làm rẫy ngồi trong quán đều quay ra nhìn hai người. Ðàn dê đi qua, ngáng trước đầu xe, hề phải dừng lại đợi. Phượng nói:
– Em thích những thị trấn đơn độc như thế này. Nó hoang dã và man rợ. Em thích tiếp xúc với những cư dân tạp chủng từ các nơi hội tụ lại. Anh nhìn họ uống cà phê kìa.
Họ phì phèo thuốc lá, quần jean rách te tua, vá nhiều miếng. Râu cá chốt, tóc bồng bềnh và cháy nắng.
– Trông như dân Digan. Phượng nói.
– Họ cũng giống như mình. Những người chạy loạn. Những tội phạm hình sự. Bọn buôn lậu ma túy như em vậy.
– Rất tiếc, Phượng nói, em chỉ là kẻ buôn lậu tài tử.
Hề nói:
– Em là một trái bom, muốn nổ để thể hiện mình.
Phượng đập vào vai hề, bảo dừng lại, cô chạy vô một tiệm tạp hóa mua một bộ đồ ngủ và mấy món đồ lót rẻ tiền.
– Em chưa muốn về. Phượng nói. Ðến vùng đồi phía đằng kia xem nó là cái gì?
Chiếc xe chạy đi. Trời sáng nhưng nhiều mây. Con dốc đất đỏ đổ thoai thoải xuống một vùng hoa màu xanh. Phượng hỏi:
– Hồi nhỏ anh sống ở thôn quê hay thành thị?
– Anh sống ở làng này.
– Ủa, vậy à? Thế ở đây có những thắng cảnh gì?
– Anh sẽ đưa em đến một ngôi chùa cổ. Ở đó phong cảnh rất u tịch.
Hề rẽ vào con đường đất đỏ chạy giữa nương rẫy. Ngôi chùa cách thị trấn không xa lắm, nó nằm lọt thỏm giữa một vùng cây cối rậm rạp. Ngôi chùa nằm ẩn trong một hang đá lớn, cả cái mái cong cong của nó dường như cũng do trời đất tạo nên bằng sự sắp xếp ngẫu nhiên của đá. Tuy nhiên nó không tối tăm ẩm thấp. Sự xuất hiện của các lỗ hổng trên vách núi đem lại cho ngôi chùa sự chan hòa ánh sáng và những luồng gió mát.
Hai người vừa bước vào chùa đã nghe tiếng gõ mõ đều đặn buồn buồn. Nhà sư ngồi quay lưng ra cửa, cái đầu trọc hơi cúi xuống.
Hề huýt sáo miệng, tiếng vang trong vách đá. Phượng nói:
– Sao anh làm ồn vậy?
Hề cười:
– Ðừng lo. Ông ta điếc.
Và hắn móc trong túi ra một cái pháo, châm lửa, thảy ngay sau lưng nhà sư. Pháo phát nổ. Lúc này nhà sư mới quay lại. Ðó là Lỗ Trí Thâm trong truyện Thủy Hử. Nhưng sư phụ lại vuốt hàm râu lởm chởm, nhướng mày lên rồi chắp tay vái thằng hề.
– Sư thúc! Lỗ Trí Thâm nói. Ðã chán cảnh hồng trần sao tới đây?
– Sao lại chán, hề nói, đời rất vui.
– Ðời có gì mà vui?
– Ðời bát nháo cả. Thế cậu không nghe đài à?
– Không. Báo cũng không đọc.
– Thế cậu không nghe người ta nói về tình hình Ðông Âu à?
– Tình hình Ðông Âu ra làm sao?
– Người ta xử bắn tay Ceaucescu rồi.
Lỗ Trí Thâm xoa xoa bàn tay hộ pháp lên cái đầu trọc:
– Ðó là tay nào vậy? Buôn lậu ma túy hả?
Hề lại móc một cái pháo chuột và đốt nó bằng lửa trên điếu thuốc. Sau tiếng nổ hề nói:
– Cậu không biết thì ta đếch nói. Thế cậu có biết tay nào tên là Nguyễn Văn Mười Ba không?
Lỗ Trí Thâm cười ha hả:
– Tay đó thì bần tăng biết.
Câu nói ấy làm Phượng bất ngờ thú vị. Cô hỏi:
– Thầy bị kẹt bao nhiêu?
– Bần tăng là người tu, không biết đến tiền bạc.
– Sao thầy biết tay đó?
Lỗ Trí Thâm chỉ cười, sờ râu mà không đáp. Lúc ấy từ phía sau chùa, năm sáu bà vãi già có trẻ có, sồn sồn có vừa chạy ra.
– Cái gì nổ vậy, bạch thầy?
– Khách quý của ta. Lỗ Trí Thâm nói. Ðốt pháo mừng. Các bà hãy dọn cơm chay đãi khách.
Các ni sư vâng dạ rồi lui ra, mắt lấm lét nhìn Phượng.
Thằng hề ngăn các bà vãi lại:
– Thôi, chúng tôi đi ngay bây giờ.
Nhà sư hỏi:
– Sao lại vội vàng vậy?
– Bạch thầy, chúng con còn nhiều việc lắm.
Và hắn kéo Phượng đi ra khỏi chùa. Có tiếng cười khúc khích trong số những ni cô đứng lấp ló sau vách đá.
Ra tới ngoài, Phượng hỏi:
– Họ ở đâu tới vậy?
– Trong thị trấn. Ðó là những bà vợ của thầy.
– Tại sao lạ vậy?
– Anh cho rằng điều đó bình thường. Chính anh là người phát hiện ra thiên tài ấy.
– Thiên tài nào?
– Nhà sư Lỗ Trí Thâm chứ còn ai nữa. Hồi mới giải phóng, trước khi về Duyên Hải anh làm chủ tịch ở đây. Một đêm kia anh đi họp về ngang qua rẫy mì, nghe có tiếng người rên rỉ liền rút súng ngắn cầm tay, len lỏi trong những lùm mì tối đen để tới gần tiếng rên ấy. Thì ra đó là hai người đang làm tình với nhau.
Phượng hỏi:
– Tại sao anh lại phá ngang cuộc vui của người ta như vậy?
– Anh có phá đâu. Lúc ấy anh tưởng có người bị thương vì tình hình an ninh hồi mới giải phóng ở đây phức tạp lắm. Khi biết ra đó là một cặp đang làm tình thì anh cười, hỏi: Có cần tôi giúp đỡ gì không? Anh cũng hỏi chơi vậy thôi. Ai dè gã đàn ông bật cười, nói: Không, tụi này xong rồi. Có phải chủ tịch xã đấy không? Lâu nay nghe đồn chủ tịch xã chịu chơi, quả không sai. Lúc ấy anh lấy làm lạ là tại sao lại có kẻ ăn vụng mà còn dám đối đáp một cách ngon lành như vậy. Anh bèn hỏi: Ôâng bạn ở đâu đến đây đấy? Gã đàn ông và người đàn bà chắc đã mặc quần áo xong nên đứng dậy, gã bật quẹt đốt thuốc lá. Ánh diêm lóe lên soi rõ một khuôn mặt đầy râu và một cái đầu nhẵn bóng. Cái miệng cười của nhà sư làm anh khoái quá, nó tự tin và hồn nhiên một cách dễ thương vô cùng. Anh nói, gần như kêu lên: Ồ, sư phụ! Không ngờ sư phụ lại khá như thế, hồi ở trong rừng tôi đã nghe tiếng sư phụ rồi. Quả là danh bất hư truyền. Thế là tụi anh trở thành bạn thân với nhau. Về sau trong những buổi nhậu nhẹt trong chùa, sư phụ khai với anh là có tất cả mười hai bà vợ toàn là các ni cô, các bà vãi sồn sồn phục dịch trong chùa.
Phượng nói:
– Sao ổng khôn quá vậy?
Hề nói:
– Không phải khôn đâu. Chẳng qua ông ta làm phúc cho đời mà thôi. Anh lại rất yêu những con người như thế. Còn hơn là những người miệng nói đạo đức mà lòng dạ đen tối, chẳng hạn như những ông bạn của ba em, trong đó cũng có nhà sư. Em không thể ngờ rằng trong quá khứ anh đã từng tiếp xúc, từng chọc phá những con người ấy.
Hề dẫn chiếc Honda 67 xuống lối mòn và đạp máy nổ.
Phượng lên ngồi phía sau xe. Cô hỏi:
– Tại sao anh thích chọc phá thiên hạ?
– Vì anh là một thằng hề.
– Nhưng anh chỉ là thằng hề trên sân khấu thôi.
Hề cười ha hả:
– Trời sinh anh ra để làm thằng hề cũng như người ta làm nhà sư, bác sĩ, nhà văn, nhà chính trị.
Phượng hỏi:
– Thế lúc còn ở trong bụng mẹ anh đã là thằng hề rồi à?
– Có thể. Mẹ anh bảo lúc sanh anh, hai chân ra trước. Ðó là trò hề còn gì.
– Chưa chắc, Phượng nói, có thể do nhát gan, sợ ló đầu ra trước bị chuột cắn nên hai chân ra trước để thăm dò.
Hề cười, bóp mạnh đầu gối của Phượng:
– Thôi, đúng là vậy rồi. Ðúng là vì sợ chuột cắn. Cho đến bây giờ anh ba mươi bốn tuổi vẫn còn sợ chuột.
– Nhưng thời đi học chắc anh phải ngoan lắm?
– Không ngoan vì học rất tồi, ít khi thuộc bài.
– Ham đá gà phải không?
– Không. Mười tuổi mới học A.B.C. Mười hai tuổi bắt đầu một cơn khủng hoảng đáng sợ.
– Mê gái chớ gì?
– Không phải. Cơn khủng hoảng ấy bắt đầu từ cái chết của một ông hàng xóm. Ông ta già lắm rồi. Thường ngày ông ta đi lấy đất sét ngoài đồng về nặn thành những con chim nhỏ, cắt giấy làm cánh làm đuôi, lấy hạt cườm làm hai mắt. Những con két của ông thì làm toàn bằng đất và rỗng ruột, dưới bụng khoét một cái lỗ để đặt cái còi bằng ống trúc. Ông ta treo những món đồ chơi ấy trên cây rơm nhỏ cầm tay, đi lang thang trong xóm, vừa đi vừa thổi vào cái bụng con két như thổi tù và. Năm mười hai tuổi anh mê những món đồ chơi ấy. Anh với ông già rất thân nhau. Bỗng nhiên một hôm ông ta lăn ra chết. Trời ơi, cái gương mặt người chết khủng khiếp lắm em ạ. Hai hố mắt, hai má hóp lại, trũng xuống, da vàng như nghệ, hai chân thì cứng đờ. Cái chết ấy gieo vào lòng anh không chỉ là nỗi sợ hãi mà còn là một sự ngỡ ngàng tuyệt vọng. Mới ngày hôm qua ông còn nói cười với mình, còn phùng má thổi vào cái bụng con két, rồi bỗng nhiên trở thành vô tri vô giác như đất đá, như cát bụi, như củi khô. Anh khóc, hỏi ba:
“Ba ơi, ông già chết rồi đi về đâu? ”
Ba đáp một cách dửng dưng:
“Chết là hết. còn đi về đâu nữa”.
“Thế con có chết không? ”
Ba ấp úng, nhìn thằng bé mười hai tuổi bằng con mắt ngạc nhiên. Lát sau ông nói:
“Ðã là người ai cũng phải chết con ạ”.
Thế là anh òa lên khóc. Anh còn nhớ rất rõ cảm giác cô đơn khủng khiếp khi nghe câu trả lời ấy. Và nỗi tuyệt vọng quặn thắt trong lòng anh như vết dao cắt lìa anh ra khỏi sự hồn nhiên, khỏi những niềm vui thơ ấu. Ðó là đòn đau nhất và bất ngờ nhất mà cái chêt đánh vào mặt anh. Cái tát phũ phàng ấy đến quá sớm, nó đã tạo ra một vết thương không thể phai mờ, một nỗi ám ảnh vĩnh cửu lẩn quẩn trong đời anh suốt từ đó đến nay, ngay cả trong những lúc vui, những lúc hạnh phúc nhất.
Phượng hỏi:
– Nhưng anh đã vượt qua tâm trạng u ám ấy từ lúc nào?
– Từ tuổi dậy thì. Có lẽ là như vậy. (Hề cười, day ra sau và nhìn thấy đôi môi đỏ của Phượng). Lúc bắt đầu mê gái thì mọi thứ đều bị xô dạt đi.
– Mê cô nào mà dữ vậy?
– Không phải cô mà là một bà sồn sồn đáng tuổi chị hai của mình. Năm đó anh mười tám tuổi, học lớp đệ nhị tức là lớp mười một bây giờ. Hàng ngày anh tới học chung với một thằng bạn cùng lớp. Nó là con út trong nhà nên bà chị hai của nó đã sồn sồn rồi. Bà ta có chồng con hẳn hoi và anh lúc đó chỉ là thằng nhóc còm nhom chẳng có gì hấp dẫn, nhưng hễ cứ anh ngồi đâu, đứng đâu là bà ta sấn tới tìm cách kề cận. Ban đầu anh không để ý đâu nhưng những cử chỉ ấy cứ lập lại nhiều lần làm anh nghi hoặc. Càng về sau bà ta càng táo bạo hơn, lúc nói chuyện bà thường để tay lên đùi anh, có khi tát nhẹ lên má anh, có khi vuốt tóc. Bà ta cứ nhử lần, dụ khị, ve vãn, hứa hẹn âm thầm. Người đàn bà đồ sộ ấy trở thành cõi thiên đường, thành niềm khao khát, mong nhớ. Nhưng tất cả đều âm thầm. Ðó là cuộc chiến tranh âm thầm. Chiến tranh nóng nhưng rất âm thầm. Tới một bữa kia anh đến thì thấy chỉ có một mình bà ta ở nhà. Bà ta đưa cho anh xem một tấm ảnh bà mới chụp. Một tấm ảnh bình thường thôi. Anh nghĩ: già mà điệu. Anh không thích tấm ảnh ấy. Ở ngoài bà cũng không đẹp hơn gì nhưng nó bằng xương bằng thịt, có hơi nóng, có sự mềm mại, có hơi thở dồn dập. Ở ngoài khác hơn nhiều. Giữa lúc anh ngắm tấm ảnh thì bà bước đến, đứng sát sau lưng anh, đưa hai cánh tay tròn ra phía trước làm bộ chỉ chỏ trên tấm ảnh nhưng lưỡi bà như líu lại, anh cũng bủn rủn tay chân. Bỗng nhiên người đàn bà dán sát vào anh. Bộ ngực to và mềm của bà ép mạnh, nghiến vào lưng anh, anh cảm thấy sữa xịt ra ướt đẫm áo. Còn phần dưới của bà thì làm cho hai mông anh nóng rực lên. Lúc ấy anh muốn nổ tung như một quả bóng cao su đang căng cứng. Tấm ảnh trên tay anh rớt xuống nền nhà.Cái miệng nóng hổi của bà đã chạm vào vành tai anh. Bà bảo bằng một giọng thầm thì chết người: Quay lại đi! Anh xoay người lại. Ở trên ở dưới đều vừa khít. Bà ghì chặt lấy anh. Bốc cháy. Hối hả. Anh bị đè bẹp, bị dày xéo, bị dìm chết mất xác trên nền gạch bông. Và tất cả những điều ấy, của lần ấy, đều đã xảy ra trong thiên đường.
Phượng đột ngột rời khỏi xe, lảo đảo ngã xuống một vạt cỏ bên đường. Hề dừng xe lại, chạy đến:
– Chuyện gì vậy?
– Anh kể chuyện ghê quá. Em bủn rủn tay chân.
Hề đỡ Phượng dậy, và nhận ra một vệt máu đỏ tươi vừa ứa trên trán cô gái. Dòng máu như con giun bò xuống sống mũi. Hề rút khăn tay ra lau nhưng Phượng gạt đi.
– Mặc kệ nó.
– Em có đau không? Hề hỏi.
– Không. Nó làm em bình tĩnh trở lại. Thôi, anh kể tiếp đi, dường như chuyện này có liên quan tới nhà sư bạn của ba em phải không?
Hề nói:
– Ðúng vậy. Ðể anh kể tiếp về mối tình đầu quái đản của anh đã. Khoảng một tuần sau bà ta hẹn anh đến. Anh bảo là anh sợ lắm vì chồng của bà ta là một đại úy cảnh sát dã chiến nhưng bà ta báo cho anh biết là hôm đó không có ai ở nhà cả. Anh trốn học lẻn đến. Bà ta kéo anh vô phòng tắm mở vòi hoa sen cho nước phun xuống thật mạnh rồi bà vờn anh như mèo vờn chuột. Lần này thì anh rất táo bạo nhưng bà còn táo bạo hơn anh gấp mười lần. Bà cắn xé, cào cấu, ăn tươi nuốt sống anh như chó sói. Nước phun như mưa rào. Anh quỳ xuống mặt ngửa lên. Bộ ngực dài và nhão nhẹt của bà ta vung vẩy trước mặt anh, tán vô má anh, đè lên mặt anh. Nước chảy ròng ròng xuống hai cái núm rót vô miệng anh. Ngay lúc ấy có tiếng đập cửa phòng tắm. Chưa ai kịp phản ứng gì thì cánh cửa đã bị đá tung ra và viên đại úy cảnh sát dã chiến, người chồng, đứng sừng sững trước mặt hai kẻ trần truồng. Nếu em là bà ta thì em phản ứng như thế nào?
Phượng nói:
– Nếu em thực sự thích anh và chán người chồng thì em sẽ nói điều đó cho viên đại úy biết.
– Hoặc giả em sẽ quỳ xuống xin ông chồng tha tội?
– Cũng có thể người ta sẽ làm như thế nếu họ chỉ coi anh như một trò giải trí.
Hề cười một cách thoải mái, hắn ném hòn sỏi vô bụi cây và nói:
– Tất cả những giả thuyết nãy giờ chúng ta nêu ra đều hoàn toàn sai đối với người đàn bà ấy. Bà ta đã hành động hoàn toàn khác.
Phượng hỏi:
– Bà ta đã hành động như thế nào?
– Bà ta quỵ xuống, gục đầu trên bồn tắm và kêu khóc: “Anh ơi, thằng khốn nạn nó cưỡng hiếp em! ” Viên đại úy rất bình tĩnh, anh ta hỏi: “Nhưng sao nó vào phòng tắm được? ” Bà ta kể lể: “Vì hôm nay nhà không có ai cả nên em tắm mà không cài chốt cửa, không ngờ nó đã lẻn vào nhà lúc nào. Nó ập vô, cài cửa phòng lại rồi xô em vào bồn nước”. Những lời kể của bà ta làm anh sững sờ. Cảm giác giống hệt lúc anh nhìn thấy khuôn mặt vàng ệch của lão già bán chim nằm chết trên chiếc giường tre. Kinh ngạc và sợ hãi. Vừa mới nói cười ấy, vừa mới thân mật ấy bỗng biến thành một cái gì hoàn toàn khác. Sao cái chết nó lại giống sự tráo trở đến như vậy?
Anh nổi tiếng khắp thành phố vì cái màn “hiếp dâm” kỳ quái ấy. Anh bị đuổi học kèm với hai năm tù giam. Ðó là quà tặng của mối tình đầu. Có lẽ đó là mối tình đầu đểu cáng nhất trên hành tinh này, nó làm cho anh hoàn toàn thất vọng về con người.
Sau hai năm, anh ra tù thì được biết bà ta đã bỏ viên đại úy để lấy một thằng Mỹ lai đen. Người ta đồn rằng anh chàng đại úy nọ bị bệnh bất lực. Mà hình như đó là sự thực. Anh thấy thương hại cho hắn, bữa kia anh quyết định đến thăm hắn để nói cho hắn biết rõ sự thực về vụ hiếp dâm ngày nọ đồng thời để an ủi hắn, khuyên hắn hãy quên người đàn bà ấy đi. Nhưng hắn lại tự ái. Hắn không tin anh và cũng không thừa nhận sự bất lực của mình. Hắn rút súng ra bắn anh một phát, đạn xuyên qua hông nhưng rất may chỉ làm gãy có một cái xương sườn. Ở bệnh viện ra, anh chán nản bỏ về quê. Ở đó không ai biết những vụ xì căng đan của anh. Anh đi làm rẫy và gặp gỡ những người du kích.
ĐÀO HIẾU
Thích bài này:
Thích Đang tải...