Đề thi văn về thói dối trá – làm bài như thế nào là tốt?

Khi “thói dối trá” được đưa vào đề thi môn Văn cho học sinh cả nước, có vẻ như xã hội, hay ít ra là một nhóm người nào đó có trách nhiệm với xã hội, đã nhìn ra thực trạng hiện nay? Và như vậy, có thể hy vọng rằng, một khi đã nhận diện được “kẻ thù giấu mặt”, xã hội sẽ từng bước loại trừ được nó?

Nhưng than ôi, sự Dối Trá ngày nay đã tinh vi đến mức nó có thể chỉ vào mặt kẻ thực thà mà nói: “Chính ngươi là đồ dối trá!”

Nó biến ảo khôn lường, đến mức khó mà nhận diện. Nó phình to, thu nhỏ, thoắt ẩn thoắt hiện. Nó có thể thôi miên người ta đến mức khi có hai con người đứng đó, một kẻ gian trá đến tột cùng, và kẻ kia chân thật đến ngây ngô, nhưng mọi người sẽ nhìn kẻ thứ hai với vẻ kinh tởm, coi hắn ta như loài rắn độc, và tỏ lòng biết ơn kẻ thứ nhất đã vạch mặt kẻ dối trá.

Dối Trá nói, rất to và dõng dạc: “Hãy coi chừng sự dối trá! Nó đang làm băng hoại đạo đức xã hội! Nó đang làm tha hóa một bộ phận không nhỏ những đầy tớ nhân dân.”

Và đến một ngày, nó khiến hàng triệu người nói và viết về nó. Đúng là nói và viết về nó nhưng mà phải giống như về kẻ nào đó không phải nó. “Hãy vạch mặt chỉ tên thói dối trá và những kẻ dối trá. Nó đang làm xã hội suy đồi, làm mọi người lầm đường lạc lối, làm nhân dân khốn khổ.”

Nó thừa biết cái trò đó chẳng thay đổi được gì. Nó vẫn độc quyền chân lý. Nó vẫn nghiễm nhiên được coi là người chống lại thói dối trá.

*

Ở Tiên Lãng, ai là người thực sự có tội, và có tội đến mức nào? Dối Trá làm cho không minh định được, mọi việc cứ rối tinh, cứ mung lung như giữa chốn mây mù. Ở Văn Giang, Vụ Bản, những kẻ ác vẫn không bị phơi mặt ra trước công lý. Băng video quay cảnh đánh người như đánh két, ba bốn kẻ, không hiểu là những người đang “thi hành công vụ” hay những gã côn đồ, bẻ quặt tay một phụ nữ bé nhỏ gầy gò để cho một kẻ khác tung chân đá thẳng vào bụng cô, trong khi hàng chục tên khác nhâu nhâu chung quanh cũng sẵn sàng làm như vậy. Trong khi đó, người ta vẫn nói về công lý, rằng phải xử cho nghiêm, rằng phải quan tâm đến quyền lợi của dân. Nói, và để đó. Ai mất đất cứ mất đất. Ai bị đánh đập hành hạ cứ thế mà chịu đau một cách âm thầm. Thậm chí, người ta còn lớn tiếng đòi cung cấp “băng gốc” mới cho rằng đó là sự thực, nếu không thì chỉ là băng do các thế lực thù địch dàn dựng. Cảnh quay mà ta xem bị cho là dối trá!

Ở Cần Thơ, một người đàn ông bị mất đất phải uống thuốc sâu tự tử, còn vợ con trong cơn cùng quẫn phải lột hết áo quần để tỏ thái độ phẫn uất, vẫn bị những người “thi hành công vụ” đè lên người rồi lôi đi xềnh xệch.

Tại một cái sở gì đó ngay giữa thủ đô ngàn năm văn hiến, một cụ bà 80 đã từng có công trong những ngày chuẩn bị cho cái nhà nước này được dựng nên, đã từng dũng cảm đứng lên chống tham nhũng vì sự trường tồn của nó, tại đó, cụ đã bị trật khớp và chảy máu chân, mà còn bị người ta quy cho cái tội gây rối và hành hung.

Và người bị khép tội oan vừa hé răng định cãi đã bị kẻ ác dùng dùi cui đập gãy cổ. Chết vẫn mang tiếng “chống người thi hành công vụ”.

Và người lên tiếng vì chủ quyền đối với biển đảo quê hương bị đạp vào mặt, bị nhốt cùng đủ loại tội phạm…

Dối Trá đang chụp cái mũ mang tên nó lên đầu những con người lương thiện yếu đuối, những người đã lỡ một lần trao quyền lực vào tay nó. Và ngày nay, nó độc quyền về chân lý. Chỉ những điều nó nói mới được phép xem là sự thật.

Dối Trá bao trùm ngay cả những nơi lẽ ra nó không thể tới: những trường phổ thông, cao đẳng, đại học và cả những viện nghiên cứu. Dối Trá ngự trị trong bệnh viện. Thậm chí cả ở chốn cửa Thiền…

*

Vậy thì bài văn kia, phải viết thế nào mới là đúng, là hay? Phải làm thế nào mới được điểm cao và không bị quy kết, chụp mũ?

Liệu người ra đề có dám làm cái đáp án động đến những vấn đề gọi là “nhạy cảm” kia? Và liệu người chấm có dám cho điểm tốt đối với những bài thi nói đúng nhưng không giống như đáp án?

Và những cô chiêu, cậu ấm biết viết chi đây? Họ đã đủ từng trải để nhận diện Dối Trá chưa? Với ba tiếng đồng hồ trong phòng thi, ở tuổi 18, liệu có thể viết gì về nó?

*

Còn tôi, khi nghe nói đến cái đề thi Văn này, tôi nghĩ thầm: Dối trá!

NGUYỄN TRẦN SÂM

5 comments on “Đề thi văn về thói dối trá – làm bài như thế nào là tốt?

  1. Thói dối trá hoành hành trong xã hội vì bộ chính trị ban bí thư chưa ép mọi người học đạo đức HCM thật nhiều. Ngày nào cũng học 1 buổi, buổi còn lại thảo luận thì hết dối trá ngay.

  2. Lanh dao nuoc minh “trung thuc” hon cai dam lanh dao o Bac trieu Tien ! Minh noi the vi khong con quoc gia nao de minh co the so sanh ve ….. thoi doi tra . Het thuoc !

  3. Chiện nhõ. Có một bộ phận 0 nhỏ, tay sai các thế lực thù địch là dối trá, phát động học TT-ĐĐ HCM là hết ngay mà.

Bình luận về bài viết này