Tấn thảm kịch tình yêu trong bối cảnh toàn cầu hóa

Untitled-1(Nhân đọc tiểu thuyết  Bàn tay nhỏ dưới mưa của TVD, cty vh Phuong Nam-Nxb Hội Nhà văn, 2011)  

Nguyễn Văn Thành

Trong thế giới sách xô bồ, đa tạp hiện nay, để tìm ra một cái gì đọc được thật khó biết bao! Nhất là với quan tâm của người làm sân khấu điện ảnh đi tìm những cốt truyện và nhân vật của văn xuôi để có thể chuyển thể sang lĩnh vực nghe nhìn đang rất khát kịch bản… Vậy mà, lâu lắm rồi tôi mới có cơ hội thả mình đọc một mạch tiểu thuyết Bàn tay nhỏ dưới mưa của Trương Văn Dân. Một cái tên ít được dư luận biết đến. Đọc xong, thấy tâm trí mình bị xáo trộn bởi nhiều câu hỏi đặt ra đan xen những với những gì từng trải nghiệm. Rồi nảy sinh nhu cầu đọc lại cuốn sách ngẫm lại những đoạn làm mình băn khoăn… Phải chăng đấy là dấu hiệu của những tác phẩm văn học không tầm thường?

Niềm băn khoăn đầu tiên là tiểu thuyết này dường như không gì khác hơn là tấn thảm kịch tình yêu đẫm lệ vốn quá quen trong nghệ thuật xưa nay. Như mọi câu chuyện tình của đời thực và nghệ thuật, nhân vật chính bao giờ cũng là hình ảnh chàng và nàng với những liên quan giữa họ cùng hoàn cảnh … Vậy mà tại sao Bàn tay nhỏ dưới mưa lại làm tôi xao xuyến đến bất yên? Mà đâu phải riêng tôi, không ít bạn đọc khác cũng bày tỏ những ấn tượng tương tự! Điều này thúc dục tôi tìm cách lý giải nguyên nhân. Ngoài lý do, bất kỳ câu chuyện tình bất hạnh nào cũng dễ làm ta xúc động, mủi lòng. Bàn tay nhỏ dưới mưa còn đáng chú ý ở cách kể lại, cách trình bày lại một cốt truyện quá quen thuộc bằng cung cách tương hợp mang tính nghệ thuật, tạo sức truyền cảm vừa da diết vừa gợi suy nghĩ, vốn là yếu tính của một tác phẩm nghệ thuật đích thực. Tiếp tục đọc