Những đứa em tôi (kỳ 2)

2. Thằng Giáo Sư

Thằng này tên gì không quan trọng. Mọi người gọi nó là “giáo sư”. Thật ra thì nó là phó giáo sư thôi, phó giáo sư – tiến sĩ. Nhưng người ta cứ gọi nó là giáo sư, và nó cũng có vẻ thích thế, lâu dần coi như đó là tên nó. Vì thế mà tôi mới viết hoa. Nó là chồng của Loan, cô em họ tôi.

Buổi đầu nó cùng vợ đến nhà tôi, cả hai vợ chồng tôi ra cổng đón. Nó như không nhìn thấy bọn tôi. Tôi thì nó không để ý đã đành, vì nó đã biết tôi từ trước, nhưng còn vợ tôi thì đây là lần đầu nó gặp, nhưng nó cũng chẳng hỏi, chẳng nhìn. Vợ tôi há mồm định chào, nhưng thấy nó không để ý nên lại thôi. Nhìn thấy cái dáng vẻ nó giống như con gấu hay hà mã, vợ tôi có ý sợ. May mà Loan tươi cười nói “Anh chị” và cầm tay vợ tôi nên cô ấy thấy yên tâm hơn.

Khi nó đi ngang qua, tôi thấy người nó bốc mùi hoi hoi xin xỉn. Chắc nó làm khoa học bận quá, không có thời gian tắm giặt, tôi thoáng nghĩ.

Vào bữa, nó càng thể hiện mình là nhà khoa học. Nó ăn rất hăng, không nhìn ai, nhưng vẫn vừa nhai nuốt vừa nói. Nó nói cũng hăng như ăn, lắm lúc bắn cả thức ăn ra. Vợ tôi càng có vẻ sợ, thỉnh thoảng cứ liếc mắt nhìn chừng. Nó nói chủ yếu về sự giỏi giang của nó, về việc nó viết sách, viết báo. Nó nói mấy lần “Ở cái tỉnh này chẳng có ai làm việc bằng tôi”.

Ăn xong, nó tiếp tục xả tri thức ra khoảng 10 phút nữa. Rồi đột nhiên, tôi thấy mắt nó đờ ra, hai mép trễ xuống. Tôi hơi hoảng. Rồi từ họng nó phát ra tiếng khục khục, ọc ọc, còn mũi thì đẩy hơi ra phì phì, kèm theo tiếng rít như còi hơi. Nét mặt vợ tôi lúc đó có vẻ kinh hãi. Loan hơi đỏ mặt.

“Đúng là nhân vô thập toàn.” Loan nói. “Được cái làm khoa học thì giỏi, yêu vợ thương con, nhưng có những cái tật hơi khác thường. Anh ấy ngủ dễ thế đấy, ăn trưa xong chưa kịp súc miệng là đi nằm ngay, không thì ngủ ngồi.”

Bây giờ thì đã rõ là Giáo Sư đang ngủ, lưng dựa thành ghế, đầu ngoẹo sang bên. Nhưng hai mí mắt nó chỉ hơi chùng xuống chứ không khép lại, để lộ lòng trắng nhờ nhờ đục đục. Tiếng ngáy vang như sấm. Lại thấy dãi xều ra một bên mép. Vợ tôi thấy vậy bất giác mỉm cười và vội quay mặt đi. Loan đi lại lấy khăn tay lau mép cho Giáo Sư.

Khoảng nửa giờ sau, Giáo Sư ngừng ngáy. Cái bộ dạng của nó bắt đầu biến đổi, dần trở về trạng thái bình thường. Năm phút sau, nó mở mắt. Vài phút tiếp theo nữa, nó mở miệng:

“Tôi ngủ trưa chỉ cần thế thôi đớ. Thế là buổi chiều lại có thể ngồi làm khoa học cả buổi.”

Rồi một lần Loan mời bọn tôi đến nhà chơi. Vào đến cửa nhà Giáo Sư, bọn tôi thấy nó ở trong đi ra. Nó nói:

“Anh chị ở đây chơi với mẹ con nó. Tôi bận phải đi.”

Tôi đoán chắc nó đi làm một việc gì đó liên quan đến khoa học. Lúc về, đi qua nhà hàng xóm của Giáo Sư, tôi thấy một hội phỏm. Và nhác thấy cái dáng hà mã của nó trong đó.

Cứ thế, mỗi lần vợ chồng nó hoặc cả nhà nó đến nhà tôi, vợ chồng tôi lại khoản đãi. Nó có hai đứa con, một trai một gái, đều giống nó như lột, đều dáng hà mã và đều ăn rất khỏe. Vợ tôi nói chỉ nấu cho bố con nhà này ăn là thích, theo nghĩa chúng nó ăn rất hăng, không sợ ế thức ăn.

Và mỗi lần bọn tôi đến nhà nó, nó đều phải đi làm khoa học.

Nói vậy nhưng cũng có một lần nó ở nhà tiếp bọn tôi. Đó là lần nó bị tai nạn giao thông. Nhẹ thôi, nhưng vợ tôi bảo mang phong bì đến thăm nó. Vì vợ nó đi vắng mà lý do bọn tôi đến vì thăm tai nạn nên nó không thể bỏ bọn tôi ở đó mà đi làm khoa học được. Nhưng vừa ngồi chưa nóng đít thì một đồng nghiệp của nó đến. Tay này cũng tiến sĩ. Thế là hai nhà khoa học trao đổi rất say sưa, và Giáo Sư hoàn toàn quên sự có mặt của vợ chồng tôi. Ngồi khoảng mươi phút, bọn tôi cáo từ ra về. Ông đồng nghiệp của nó thì nói hai bác về nhá, còn nó thì chẳng nói gì.

Lần đó, vợ tôi bắt đầu có biểu hiện hơi ngán ngẩm vị Giáo Sư. Tuy vậy, mỗi lần Giáo Sư cùng vợ con đến nhà tôi, vợ tôi vẫn nấu nướng khoản đãi, chỉ có điều không khí bữa ăn không còn vui vẻ như trước.

Sự chịu đựng của vợ tôi bị “tràn ly” trong lần Giáo Sư đi mời đám cưới con gái. Nó vào phòng làm việc của vợ tôi để đưa thiệp mời. Lúc đó có vài người khác cũng đang ở đó. Một người hỏi nó: “Chú rể cũng phải tiến sĩ chứ?” Nó nói: “Chưa, nhưng sắp. Mà dù không tiến sĩ thì cũng phải thạc sĩ. Chưa thạc sĩ thì không bước chân vào nhà tôi được. Khách cũng vậy chứ chưa nói những đứa về làm dâu rể.” Vợ tôi chạnh lòng: cô ấy chỉ là nhân viên hành chính, thậm chí không có bằng cử nhân. Chưa hết. Vợ tôi kể là lúc đó có một cô giáo xinh đẹp bước vào. Giáo Sư quay ra ôm ngang lưng cô này rồi buông lời tán tỉnh rất thô tục. Vợ tôi nói là thô tục đến mức không thể nói lại được.

Tôi bảo:

“Thằng này từ nay đến không phải nấu cho ăn nữa. Lấy lý do phải đi đâu đó, cho nó biến mẹ nó đi.”

Một lần gặp Loan, sau mấy phút ngập ngừng, tôi quyết định nói với Loan về cách đối xử của Giáo Sư đối với vợ chồng tôi. Nghe xong, Loan im lặng một hồi, rồi rơm rớm nước mắt nói:

“Em cũng biết anh ấy có rất nhiều cái dở. Nhưng biết làm sao được anh? Nói mãi cũng chẳng được. Thôi thì cũng đành chịu. Dù sao cũng chưa đến mức phải bỏ. Được cái chưa bao giờ đánh vợ con.”

Hơn một năm sau, vợ chồng Giáo Sư lại cưới vợ cho thằng con trai. Cũng như lần trước, vợ chồng nó mời vợ chồng tôi dự tiệc cưới ở khách sạn. Nhưng lần này bọn tôi không đi nhậu. Tôi lấy cớ đã nhận lời với vợ chồng cô em gái vợ đi đưa con cháu gái bên đó về nhà chồng ở tỉnh ngoài, nói chỉ đến dự tiệc trà vào ngày hôm trước tiệc cưới con trai Giáo Sư được thôi. Vợ chồng nó bảo thế thì bọn em không dám trách hai bác.

Hôm tôi một mình đến dự tiệc trà, trên đường tôi thoáng nghĩ: Biết đâu “nhà khoa học” này lại chẳng giống Edison, làm khoa học quên cả việc cưới xin. (Chỉ khác đây là cưới con.) Khi đến nơi thì thấy Giáo Sư đang ở nhà, không biến mất như Edison. Nhưng đúng là nó vẫn đang làm khoa học. Hội khoa học của nó gồm 4 người ngồi trên giường với một bộ bài tây. Giáo Sư quay ra chào vội tôi một câu rồi chìm vào công việc.

Và quý vị biết không? Một trong 3 nhà khoa học đang làm việc với giáo sư Edison Việt Nam ấy là Edison Con, tức là con trai nó! Vâng, chính cái thằng chú rể, trong buổi tiếp khách trước ngày cưới! Đúng là cha hổ không đẻ ra con chó bao giờ! Cái hội khoa học đó, chúng nó đang đánh phỏm ăn tiền! Hai cha con nó ngồi lì ở đó, còn đứa con gái thì mới sinh con. Mọi việc, kể cả ngồi tiếp khách uống rượu, dồn hết lên đầu Loan. May mà có vài người thân hỗ trợ cô ấy.

Trên đường về, tôi thầm nghĩ: Nếu không vì Loan thì chẳng có chó nào đến nhà Giáo Sư. 

Tôi cứ thầm thắc mắc, Giáo Sư suốt ngày đánh phỏm thì lấy đâu ra thời gian viết lách? Đành rằng trong cái thứ khoa học nhai lại của nó thì chẳng cần lao động miệt mài, nhưng ít ra cũng không được ham phỏm như nó.

Cách đây vài tháng, tôi chợt hiểu khi đọc một bài trên báo Dân Trí về một vụ đạo văn. Nhân vật đạo văn bị lột mặt trong bài chính là Giáo Sư chồng Loan! Người ta chụp ảnh 4 bài báo, 2 bài công bố trước của ai đó và 2 bài công bố sau là của nó. Câu chữ trong mỗi cặp bài, thậm chí cả dấu chấm phảy, gần giống hệt nhau! Khi có người hỏi vặn nó, nó gọi điện cho một người mà nó bảo là “con học trò cao học”, rồi nó quát vào điện thoại:

“Con đĩ này, tao bảo mày viết mấy cái bài này, sao mày lại cóp lại của người ta, hả?”

NGUYỄN TRẦN SÂM

Lòng tự trọng

Tôi muốn kể cho Thủ tướng, cho Tổng Bí thư, cho Chủ tịch nước, cho quốc hội và tất cả 175 trung ương ủy viên nghe 3 câu chuyện về “lòng tự trọng” của một cô giáo và hai học trò nhỏ.

 – Từ một sự cố giảng dạy, do sai sót trong việc chấm bài văn có câu “canh gà Thọ Xương”, cô giáo Hà Thị Thu Thủy (giáo viên văn trường THPT Lômônôxôp, Từ Liêm, Hà Nội) đã phải viết đơn xin nghỉ việc.

Sức ép từ dư luận quá lớn khiến cô phải nhập viện. Kết luận của ban giám hiệu và tổ chuyên môn nhà trường khẳng định cô Thủy không mắc lỗi nhận thức như dư luận qui chụp, mà đó chỉ là lỗi nghiệp vụ do cô còn trẻ, thiếu kinh nghiệm giảng dạy cho lứa tuổi học sinh cấp THCS.

 Không ai bắt cô kiểm điểm, chẳng có kỷ luật gì và nhà trường cũng chẳng bắt cô phải nghỉ. Thậm chí ban giám hiệu nhà trường còn đánh giá cao năng lực của cô. Đồng nghiệp đồng thời là tổ trưởng tổ văn quản lý trực tiếp cô còn nhận xét “Thủy là một giáo viên trẻ thông minh, sắc sảo, tâm huyết với việc dạy học sáng tạo. Nhiều năm trong nghề, tôi hiếm gặp một giáo viên trẻ xuất sắc như thế”. Học sinh thì khóc lóc mong cô trở lại trường. Nhưng cô Thủy vẫn quyết định viết đơn xin nghỉ dạy.

 Vì sao? Không gì khác vì lòng tự trọng. Chỉ một giáo viên giàu lòng tự trọng mới hành động được như thế.

  – Chỉ vì sơ ý làm mất hơn 600.000 đồng, sợ không có tiền trả, sợ bạn bè cười chê và bố mẹ rầy la, một nữ học sinh lớp 9 trường THCS Trung Lập (xã Trung Lập Thượng, huyện Củ Chi, TPHCM) đã uống thuốc diệt cỏ tự tử.

Hành động của cô bé có dại dột không? Có, đúng là dại dột. Nhưng trong thẳm sâu của hành vi dại dột tự kết liễu cuộc đời mình, tôi tin đó là một cô bé biết tự trọng.

 – Một học sinh  tự viết đơn xin nghỉ học vì cho rằng mình học dốt. Đọc lá đơn của  cậu học sinh lớp 10 với đầy rẫy lỗi chính tả không thể chấp nhận được chứng tỏ em ngồi nhầm lớp thật.

Nhưng biết nhìn ra mình dốt, biết dốt như thế là không xứng đáng thì có lẽ khó tìm được học sinh thứ hai nào như em. Không chỉ là sự thật thà hiếm thấy, mà còn là lòng tự trọng đáng quí ở một cậu học trò nhỏ tuổi. Hãy đọc những dòng em viết : “Hôm nay, em viết đơn này mong cô và nhà trường cho em nghỉ học vì trong lúc học em quá đùa nghịch và học hành còn yếu, làm cho lớp 10H sa sút và không thể vươn lên được, làm cho nhiều thầy cô giáo phải nhắc nhở nên em nghĩ em không xứng đáng làm học sinh của trường…” (đã sửa lại những lỗi chính tả)

Một cô giáo từ nhiệm vì lỗi nghiệp vụ. Một học trò tự tử vì sơ ý làm mất 600.000 đồng quỹ lớp. Một học trò tự xin nghỉ học vì nhận thấy mình dốt kém.

          3 câu chuyện trên dạy cho người lớn, thậm chí (xin lỗi) giúp Thủ tướng, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, chính phủ, quốc hội và 175 trung ương ủy viên ý thức được ít nhiều về lòng tự trọng ?

Cái lỗi « canh gà Thọ Xương » của cô giáo Thủy, cái “tội” làm mất 600.000 đồng của cháu học sinh nọ, sự dốt kém của cậu học trò lớp 10 kia có đáng để đem ra cân so với những Vinashin, Vinalines, những đổ vỡ của hệ thống ngân hàng, những tham ô đục khoét làm lụn bại cả nền kinh tế ?

Lòng tự trọng ư ? Xin đừng nhân danh này nọ đi dạy dỗ nhân dân. Đã có ai dám từ chức vì « không hoàn thành nhiệm vụ được giao » ? Đã có ai biết xấu hổ khi làm thất thoát hàng trăm nghìn tỷ đồng của nhà nước (hàng trăm nghìn tỷ chứ không phải 600.000 đồng như cháu học trò nọ) ? Đã có ai biết từ nhiệm vì nhận thấy mình dốt kém như cậu học trò kia ?

 Thưa Thủ tướng, thưa Tổng Bí thư, thưa Chủ tịch nước, thưa chính phủ, thưa quốc hội và 175 trung ương ủy viên, có ai, liệu có được ai trong quí vị đọc bài này xong biết xấu hổ- thay vì tức giận ?

Blog Trương Duy Nhất

By daohieu Posted in Chưa phân loại