Những đứa em tôi

Hàng chục đứa em mà tôi kể về chúng ở đây tất nhiên không phải đều là em ruột tôi. Đó hầu hết là em họ, em nuôi, em rể hoặc đồng liêu, đồng nghiệp nhỏ tuổi hơn tôi.

1- Thằng Quýnh

Quýnh là em “cọc chèo” của tôi. Chẳng biết bố mẹ nó đặt cho nó cái tên là Quýnh với ngụ ý gì, nhưng tôi thì thấy cái tên đó hợp với cái kiểu nói cuống quýt của nó. Nhưng nó còn có những cái tính kỳ lạ khác.

Nó là vốn là giảng viên ở khoa luật của một trường đại học. Dạy luật, nhưng ai nhắc đến luật là nó quýnh lên, nói lắp bắp nhưng ấn át, không cho ai nói chen: “Luật quái gì mà luật. Dạy thì dạy. Nói cho hay. Thằng nào mạnh hơn, ác hơn thì cai trị thằng khác. Luật nào cũng không bằng luật tự nhiên, cá lớn nuốt cá bé…”

Đặc biệt, về cái luật bình đẳng giới thì nó càng không bao giờ cho là đúng. “Vớ vẩn. Làm gì có chuyện nam nữ bình đẳng. Phụ nữ không nên cho bình đẳng với đàn ông. Cho bình đẳng là hư. Phải trị. Đàn ông không được ủy mỵ. Phải dạy được vợ. Cần thì dùng vũ lực. Vẫn cãi thì đánh nữa. Đánh mãi cũng phải quy phục. Đừng gây thương tích nặng là được…” Nó hấp tấp nói một thôi một hồi.

Khi Nhàn em gái vợ tôi quyết định lấy nó, vợ tôi phản đối quyết liệt vì đã nghe quá nhiều người nói về những cái xấu của nó. Hơn nữa, nó còn già hơn Nhàn 20 tuổi, người ngợm nhăn nhúm, đã từng bỏ vợ ở quê, còn Nhàn thì trẻ đẹp. Tôi cũng can ngăn và nói rõ cho Nhàn rằng tôi đã từng nghe nó nói những câu như thế. Nhưng Nhàn vì quá si mê nên vẫn quyết theo nó.

Ở với nó được vài tháng thì Nhàn phát hiện ra những tính xấu tệ hại của nó. Một vài lần, Nhàn đã nói với nó khá gay gắt, hòng cải tạo con người nó. Nhưng nó đã cho cô ấy thấy thế nào là thằng Quýnh. Đang chửa, Nhàn đã bị nó đánh thâm tím mặt mày, thậm chí đá cả vào bụng. Nhàn đã nghĩ đến tự vẫn, nhưng rồi lại không dám, vì thương cái thai trong bụng.

Đẻ được ba bốn tháng gì đó, Nhàn bị nó chém lả cánh tay, phải ôm tay chạy trốn vì sợ nó chém chết. Cô ấy đến ở nhà một người bạn dạy cùng ở trường cấp hai. Mấy ngày sau lò dò về, vẫn còn sợ run bắn. Thằng Quýnh không nói gì.

Nhiều lần bị nó đánh ê chề, Nhàn đã muốn nói những chuyện ấy với vợ tôi, nhưng lại sợ vợ tôi chửi vì ngu nên lấy nó nên lại im lặng.

Nhưng đến khi thằng Hùng con của Nhàn được 6-7 tuổi thì cô ấy không thể im lặng tiếp. Cô ấy buộc phải gọi điện cho chị gái đến cứu.

Khi tôi và vợ tôi đến, thấy Nhàn đưa ra hai cái áo và một cái khăn dày thấm đầy máu. Nhàn vạch tóc ra cho chúng tôi xem chỗ đầu bị toác, máu vừa mới khô. “Nó lấy thanh sắt đánh em.” – Nhàn nói. Vợ tôi phẫn uất chửi rủa thằng Quýnh. Nó nói:

“Vợ tôi, tôi có quyền dạy. Không ai được can thiệp.”

Tôi nói:

“Rồi đời mày sẽ chẳng ra chó gì!”

Lần ấy, Nhàn báo cáo với chính quyền địa phương và trường thằng Quýnh, nhưng không nơi nào muốn can thiệp sâu, chủ yếu chỉ giải hòa. Nhàn đâm đơn xin ly hôn. Nhìn thân hình tiều tụy của cô ấy và ánh mắt hung hãn của thằng Quýnh, tòa án biết thằng Quýnh ác đã giải quyết khá nhanh, mặc dù nó liến thoắng nói nó chỉ không may đánh vợ vài cái nhẹ.

 

Một năm sau, thằng Quýnh đến nhà tôi. Nó quỳ xuống xin bọn tôi động viên Nhàn quay về với nó và hứa không bao giờ đánh chửi Nhàn nữa. Thấy nó gầy tọp đi, dáng điệu thảm hại, và tin rằng nó thành khẩn, bọn tôi đến chỗ Nhàn ở dò ý Nhàn. Cô ấy cũng tin là nó nói thật, lại nghĩ ái ngại cho đứa con không có bố, nên đồng ý tái hôn.

Chỉ một tháng sau khi tái hôn, chúng nó lại đánh nhau. Tôi đến bảo: “Thôi, chúng mày lại bỏ nhau đi.” Nhưng chúng nó vẫn sống với nhau hơn 10 năm nữa. Và thỉnh thoảng Nhàn lại gọi điện cho chúng tôi cầu cứu. Vợ tôi lại bảo Nhàn bỏ thằng chồng tồi tệ. Nhưng Nhàn bảo thương thằng con, sợ nó không có bố bị thiệt thòi. Còn tôi, có lần tôi phát chán bảo kệ cho chúng nó đánh nhau, chết thì mặc xác.

Cái thằng giảng viên trong ngành giáo dục ở bậc cao nhất này còn nhiều tính xấu hạ đẳng khác. Rất khó tin.

Thứ nhất là tính tham ăn. Ngồi vào mâm là đôi đũa của nó khua lên đến mức ai nhìn theo cũng phải chóng mặt. Đầu tiên là nó thọc đôi đũa xuống đáy tô canh, lôi những thứ từ dưới đó lên. Cái gì ngon thì nó bỏ vào bát nó, không thì để nguyên trong tô. Tô canh sau đó không ai dám đụng đến nữa. Ở nhà, lúc thằng Hùng đã biết, nó bảo Nhàn múc hai tô canh, tô to và nhiều cái thì để ở phía bố nó, tô nhỏ để ở phía hai mẹ con. Nhưng cũng nhiều khi thằng Quýnh vẫn thọc vào cả hai tô, và bữa đó thì hai mẹ con đành nhịn. Đĩa thịt thì nó thọc đũa vào, gắp từng miếng vứt ra bên, đến miếng nào ưng thì nó mới bỏ bát. Nó làm như thế cực nhanh, cứ tăm tắp đến mức có thể nói là thiện nghệ. Đi làm khách cũng vậy.

Vài năm gần đây, Nhàn còn kể là cứ mỗi bữa Nhàn nấu xong, dọn lên thì nó ngồi vào mâm ăn trước. Nếu có cái chân giò luộc chẳng hạn thì nó ăn gần hết, để lại vài miếng da. Có con cá to thì nó ăn để lại xương trong đĩa hoặc trong nồi… Tôi nghe vợ tôi nói lại mà cứ nghi nghi hoặc hoặc, biết là nó xấu tính mà mãi gần đây mới tin những chuyện đó là thật.

Thư hai là tính thực dụng. Cũng đến mức đỉnh cao. Nó sợ thiệt nên không quan hệ với ai, kể cả các em ruột nó và con nó với đời vợ trước. (Trừ nhà tôi, vì nó biết chắc không bị thiệt.) Nó không cho Nhàn đóng tiền giỗ bố mẹ. Gần đây, nó còn cấm Nhàn về quê dự giỗ. Nó nói lấy chồng thì phải theo chồng, không phải lúc nào cũng ngấp nghé muốn về đằng nhà bố mẹ đẻ. Chính bố mẹ nó cũng không được nó cúng giỗ bao giờ, và nó cũng chẳng thèm nhớ ngày giỗ. Nó thường phát biểu thẳng: “Quan trọng nhất là tiền.”

Thứ ba là tính điêu toa. Mỗi lần vợ chồng nó đánh chửi nhau, khi bọn tôi đến nó toàn liến thoắng nói “không đánh không đánh”. Nếu có thương tích hoặc vết bầm thì nó bảo lỡ tay. Vợ nó nói nó đi gái thì nó nói nó không hề đi gái, chính vợ nó đi với thằng này thằng nọ. Những lần đầu, tôi chẳng biết đứa nào đúng bao nhiêu phần trăm, nhưng dần dần mới thấy nó thực sự điêu toa. Nhưng nó luôn liến thoắng nói chính Nhàn nói điêu cho nó. Nó còn nói với mọi người (kể cả trước mặt tôi) rằng tôi đã từng bảo nó: “Nếu chú không đánh dì Nhàn thì để tôi đánh cho.” Khi nói thế, nó không hề tỏ ra ngượng tí nào.

Thật khó tưởng tượng một kẻ đã hung hãn mà lại còn điêu toa, thiên lộn.

Bây giờ thì nó đã về hưu. Sáu tư sáu lăm nhưng nó còn rất khỏe, cởi trần trông như con trâu. Nó rất chịu khó tập thể dục. Tập nặng. Chơi tạ. Nhảy. Nó còn có một bài tập rất kỳ: cứ dũi dũi vào tường, nhìn rất tô tục. Có lần thấy nó ở trần, vừa tập thể dục xong, mồ hôi nhẫy nhuộc, vợ tôi nói: “Trông như con trâu chương. Còn thô tục hơn con vật.”

Một hôm tôi đến nhà, Nhàn bảo nó đang “ngồi máy” trên tầng hai. Dạo này suốt ngày nó ngồi bấm máy tính, nói làm tiền trên mạng, rồi yêu cầu vợ phục vụ cho xứng đáng với lao động trí tuệ quần quật của chồng. Tôi lên tầng hai. Nó làm ra vẻ đang chăm chú làm việc, không nhìn thấy tôi. Mãi khi tôi đi sát đến nơi, nó mới làm như giật mình quay ra, rồi liến thoắng:

“Ô anh. Em đang làm cho mấy cái trang oép. Làm cái này ra tiền, ham lắm. Em ngồi ngày mười mấy tiếng không thấy mệt. Tiền thu được cũng khá. Giờ thì em đã có khá nhiều tiền. Sắp tới sẽ rất nhiều. May mà về hưu em lại tìm ra cái nghề này, nói thật với anh là cao quý. Còn hơn mấy thằng đi tây làm tiến sĩ. Tiến sĩ bên tây bên ta gì mà chỉ làm khoa học thì cũng chẳng qua là thằng làm thuê, không độc lập. Làm cái này hoàn toàn độc lập. Mà rất trí tuệ. Anh cũng nên học mà làm. Nhưng mà nói thật là học không dễ. Nhưng mà em bây giờ thì sành sỏi rồi. Em làm cùng lúc cho mấy chục trang oép…”

Tôi liếc qua tên một website đang hiện trên màn hình. Về nhà, tôi mở thử, thấy nó nói đại ý bạn có hai cách làm ra tiền trên website này. Một là thuần túy xem quảng cáo của “chúng tôi”, hai là quảng cáo hộ “chúng tôi” thông qua các quảng cáo của bạn. Như vậy, thằng Quýnh kiếm tiền bằng cách thuần túy xem quảng cáo. Theo số tiền mà website này công bố đã chi trong mấy năm và số người vào xem, tôi nhẩm tính mỗi ngày Quýnh nhặt nhạnh được từ 50 websites cùng lắm một hai chục ngàn. Tôi cười thầm. Nhưng thấy thắc mắc, không hiểu hắn khoe nhiều tiền để làm gì. Thằng này xưa nay vốn hay giấu thu nhập, sợ mọi người xin hoặc vay cơ mà.

Tôi nói điều thắc mắc với vợ tôi. Cô ấy bảo:

“Nó nói thế để nhử con Nhàn, thấy nó có nhiều tiền thì không dám bỏ, rồi cố mà hầu hạ nó.”

Tôi nghĩ vợ tôi nói có lý.

Mấy hôm sau gặp nó, tôi hỏi:

“Vậy mỗi ngày chú làm ra được khoảng bao nhiêu?”

Nó lảng sang chuyện khác.

Tôi không gạn hỏi nữa. Nghe nó huyên thuyên một lúc nữa, tôi bảo:

“Chú đúng là người hiếm có đấy. Làm kinh tế tri thức. Chỉ ngồi bấm máy mà ra bao nhiêu tiền. Như Bill Gates còn gì.”

Quýnh có vẻ đắc ý.

Sau đó, tôi hỏi riêng Nhàn:

“Thế hắn đã đưa cho dì đồng nào chưa?”

“Không một trinh anh ạ. Tiền lương còn không đưa cho em. Hàng ngày ăn như trâu, toàn đòi ăn ngon mà có đưa cho em đồng nào đâu.”

Thật quái đản, tôi nghĩ bụng.

Cách đây mấy hôm, Nhàn nhờ vợ tôi đến nhà nó “xin” nó cho Nhàn cùng về giỗ bố. Nó buộc phải chấp thuận. Nhưng khi Nhàn về nhà, nó gây sự đánh thâm tím cả người. Nhàn gọi điện cho vợ tôi, nói anh chị đến để nó khỏi đánh tiếp và để em đem đồ ra đi. Lần này đi hẳn. Để cho nó tìm người khác hầu hạ nó làm kinh tế tri thức.

NGUYỄN TRẦN SÂM