Tử huyệt của niềm tin

Cập nhật: 09:44 GMT – thứ sáu, 26 tháng 10, 2012

Hàng loạt khu căn hộ, chung cư ở Việt Nam đang xây dở phải bỏ trống

Bong bóng đầy hơi helium thì sẽ bay bổng trông rất ngoạn mục. Nó mang theo ước mơ tươi đẹp của bao đứa trẻ muốn bay cao qua bầu trời, nhẹ lướt gió như con diều trên ngọn cây mái ngói. Nhưng người lớn thì thực tế hơn.

Họ hiểu rằng helium trong quả bóng sẽ xì hơi hay nổ tung theo thời gian, tùy vào áp lực và sức nóng. Nhiều người lớn không chấp nhận định luật vật lý này. Họ muốn “trẻ mãi không già”.

Thế giới gọi đây là hội chứng Peter Pan.

Tuần qua, các người “rất lớn” tổ chức hội thảo để giải quyết cục nợ gọi là “bong bóng bất động sản”.

Họ cố tìm ra một lý giải chính đáng để kết luận là bong bóng sẽ tiếp tục bay nếu chúng ta (người dân) có chút niềm tin vào chánh phủ và các công ty bất động sản (xem bài của VN Express đăng lại nơi web site GNA này).

Tin vào chánh phủ và các công ty bất động sản? Nếu đây là “tử huyệt” như vài chuyên gia nhận định, thì “tử” là cái chắc.

Như một bà vợ bắt gặp chồng ngoại tình lừa gạt không biết bao lần trong quá khứ, nhưng lần này ông chồng xin bà vợ hãy “tin anh đi”, anh mới cởi quần áo nó ra, chưa làm gì cả.

Tử huyệt niềm tin

Bỏ qua chuyện niềm tin, đây là những lý do tôi cho rằng một melt-down (chảy tan) của bất động sản Việt trước tháng 6 năm 2013 là điều khó tránh (trong bài phỏng vấn với VTV, họ cắt phần lớn những biện giải này):

1. Chánh phủ đã hết tiền, ngân hàng đã hết tiền, các công ty bất động sản đã hết tiền.

“Tin vào chánh phủ và các công ty bất động sản? Nếu đây là “tử huyệt” như vài chuyên gia nhận định, thì “tử” là cái chắc. “

Alan Phan

Người dân còn khoảng 50 tỷ USD (vàng và ngoại tệ) và Việt kiều có thể rót thêm 15 tỷ mỗi năm, nhưng không ai có “niềm tin” để vất tiền tốt theo đống tiền xấu.

Giải pháp in tiền bừa bãi không khả thi vì sẽ gây lạm phát phi mã và kết cuộc sẽ đến nhanh hơn dự đoán.

2. Khi giá bất động sản xuống dưới 50%, nợ xấu ngân hàng sẽ tăng gấp 3 lần hiện nay vì 67% dư nợ của ngân hàng dựa trên thế chấp bất đống sản.

Các con nợ thường ngưng trả tiền vay khi tài sản họ mất có trị giá thấp hơn tổng số tiền vay.

3. Nếu bong bóng bất động sản không nổ vì bất cứ lý do gì, sự trì trệ cho nền kinh tế sẽ kéo dài ít nhất 8 năm nữa.

Số lượng căn hộ tồn kho và các căn hộ đang xây dở dang phải mất đến 10 năm mới thanh lý hết.

4. Ánh sáng le lói dưới đường hầm là gói cứu trợ của IMF (chánh phủ đã bác bỏ giải pháp này) hoặc tín dụng từ đàn anh “lạ”.

Không ai ngoài chánh phủ có thông tin để dự đoán chính xác hướng đi sắp tới của chúng ta.

5. Chúng ta vẫn đang cố gắng làm những gì chúng ta đã làm trong quá khứ (khó mà thay đổi thói quen xin-và-cho); nhưng chúng ta đang hy vọng là kết quả sẽ khả quan và tốt đẹp (như lời các ngài quan chức đã tuyên bố gần đây).

Các quan đang muốn chứng minh là Einstein không biết gì về toán hay vật lý? Chúng ta mới là bậc trí tuệ?

Bản chất tôi là một người lạc quan và có niềm tin cao độ vào tôi cũng như vào những người chung quanh. Tôi luôn nhìn tương lai với cặp kính mầu hồng.

Gần đây, khi về lại Việt Nam, các Peter Pan cũng không còn đeo kính nữa. Có lẽ vì chúng ta đang ở Never-Land?

Tiến sĩ Alan Phan (Viết từ Sài Gòn, nguồn BBC)

Nghĩ về bài thơ Trường Sa Hành của Tô Thùy Yên

Nguyễn Anh Khiêm

Quần đảo Hoàng Sa mất vào tay người Tàu trung tuần tháng giêng 1974 sau một trận thủy chiến không cân sức giữa quân lực VNCH và lực lượng hùng hậu của hải quân Trung Cộng. Tô Thùy Yên viết bài Trường Sa Hành trong một lần đi công cán ngay tháng ba 1974, tại quần đảo phía nam Hoàng Sa, đảo Trường Sa. Như vậy bài thơ được viết chỉ vài tháng sau tang lễ lớn của 74 sĩ quan và binh sĩ đồng đội. Bài hành đồ sộ dài 64 câu, bài thơ lớn không phải vì dài mà vì tư tưởng nhân bản, chủ đề sâu sắc, chữ nghĩa rực rỡ cùng nghệ thuật diễn đạt tuyệt luân, vượt xa mọi mặt một trời với mấy bài Tống Biệt Hành và Hành Phương Nam được nhiều nhà phê bình và độc giả luôn nhắc tới của Thâm Tâm và Nguyễn Bính.

Một nỗi buồn sầu và không khí tang tóc bàng bạc khắp các khổ thơ. Một lần tôi hỏi ông vì sao “Thăm thẳm sầu vây trắng bốn bề”, ông giải thích rằng đứng trên đài chỉ huy chiến hạm thấy sóng vây quanh đảo như vành khăn tang. Một người đi du lịch có khi thích thú thấy cảnh đó vô cùng ngoạn mục nhưng ở đây, thi sĩ nhìn đảo khơi theo tâm cảnh u sầu, chưa nguôi ngoai về cái chết oanh liệt nhưng không thể nói không bi thảm của bao thanh niên ưu tú con yêu dân tộc bỏ mình vì sự toàn vẹn lãnh thổ thiêng liêng.

Trường Sa! Trường Sa! đảo chuếnh choáng!
Thăm thẳm sầu vây trắng bốn bề.

Đảo nhỏ bé bập bềnh giữa trùng khơi sóng gió mà nói ‘đảo chuếnh choáng’thật chính xác và độc đáo. Đêm nằm còn tưởng đảo trôi đi, lời nói như bình thường nhưng là cảm giác của thiên tài. (Tựa như trước đây ông viết ‘Con đường sắt dài, xương sống quê hương’, ôi, mấy ai thấy được đó là cái xương sống của quê hương).
Khổ thơ sau, ông nhắc trực tiếp tới khóc thương, tang chế nhiều lần:

Sóng thiên cổ khóc biển tang chế
Hữu hạn nào không tủi nhỏ nhoi
Tiếc ta chẳng được bao nhiêu lệ
Nên tưởng trùng dương khóc trắng trời.

Ở đây thì trùng dương khóc trắng trời và biển cư tang nhưng  sau đó, ngay trong bài, ông oán trách ‘Im lặng Lớn’ làm ngơ trước nỗi đau tang tóc bất công và phi lý của bao người trai trẻ. Nhiều lần thơ ông cưu mang ý tưởng oán hận kiểu kêu trời không thấu này, chẳng hạn trong bài ‘Hề, Ta Trở Lại Gian Nhà Cỏ’:

Nghĩ tới bao điều thầm lặng lớn,
Mà trí ta không đủ lực đo lường.
Nên ta phó mặc cho trời đất,
Trời đất vô ngôn lại bất nhân.

Hình như sau vụ Hoàng Sa, Tô Thùy Yên càng thương yêu, thông cảm thân phận người lính trẩn thủ lưu đồn nơi hoang đảo bội phần hơn. Ông không tuyên truyền giả đò nhảm nhí của một sĩ quan “tâm lý chiến”, một hư danh của quân đội miền Nam, oan ức tựa như sĩ quan “biệt phái”, gây bao tàn hại cho cả một lớp người ngày đất nước thu về một mối; ở đây, ông gọi tên sự vật đúng nghĩa nó vốn có:

Lính thú mươi người lạ sông nước,
Đêm nằm còn tưởng đảo trôi đi.

Mấy khổ thơ sau, ông nhắc tới người lính thân tình hơn, rặt giọng phương Nam:

Chú em hãy hát, hát thật lớn,
Những điệu vui, bất kể điệu nào,
Cho ấm bữa cơm chiều viễn xứ,
Cho mái đầu ta chớ cúi sâu.

Rõ ràng mái đầu ông cúi sâu trên số phận hẩm hiu của người lính và dường như cũng vì tiên cảm nỗi đau  mất mát của quê hương đất nước. Ông nói tới thân thế và hoàn cảnh  mình, làm sao ta không nghĩ của cả đồng đội  ông ?

Bốn trăm hải lý nhớ không tới,
Ta khóc cười như tự bạo hành,
Dập giận vác khòm lưng nhẫn nhục,
Đường thân thế lỡ cố đi nhanh.

Quả thật một đời thơ Tô Thùy Yên hay trách phận mình :

Cát bụi đã đành thân tấm mẳn,
Thì danh với phận kể mà chi.
Cảm thương con cá thia lia bại,
Có sót huy hoàng cũng xếp vi.

(Vườn Hạ)

Và một lần khác, ông nói rõ hơn trong bài “Tưởng Tượng Ta Về Nơi Bản Trạch”:

Ta bằng lòng phận que diêm tắt,
Chỉ giận sao mồi lửa cháy suông

Đọc đoạn này ta còn thấy thi sĩ, vốn cũng là sĩ quan của chế độ cọng hòa mà thẳng thắn bảo ‘Dập giận vác khòm lưng nhẫn nhục’ thì cũng hình dung được mức độ tự do của một nền văn học không lý tới cái nhỏ nhặt mà luôn tôn trọng sáng tạo của văn nghệ sĩ biết chừng nào ! Thật khó quên lời ông tỏ bày với một chiến binh Bắc quân trong bài ‘Chiều trên phá Tam Giang’ :

Chúng ta khác nào cánh quạt phi cơ
Phải quạt, phải quạt
Chỉ vì nó phải quạt
Ta thương ta yếu hèn
Ta thương ngươi khờ khạo
Nên cả hai cùng cam phận quay cuồng
Nên cả hai cùng mắc đường lịch sử
Cùng mê sa một con đĩ thập thành.

Tuổi thanh xuân của ông, thứ ‘diêm quẹt không xài vứt xuống dòng sông’(Những Người Chết Vô Tình Cho Lịch Sử) cũng là tuổi xuân hư mất và vô vọng của bao chàng trai trẻ cùng thế hệ :

Ngày. Ngày trắng chói chang như giũa,
Ánh sáng vang lừng điệu múa điên.
Mái tóc sầu nung từng sợi đỏ,
Kêu giòn như tiếng nứt hoa niên.

Bài hành vĩ đại này, không chối cãi là một bài thơ hiện thực nhưng lại luôn luôn có những ảnh tượng đầy ẩn dụ. Đặc trưng nổi trội nhất thơ Tô Thùy Yên vẫn luôn luôn vậy. Những câu mô tả thiên nhiên không đơn giản chỉ tả thiên nhiên mà qua những dòng ghi nhận cảnh sắc đó, ta không khỏi liên tưởng tới phận người. Và đây là số phận của cây cỏ lạ tên, của rong rêu bập bềnh, của cây dừa ngất gió trùng điệp hay cũng là số phần của nhân thế, qua mấy mảnh đời hẩm hiu những « chú em » lính thú ?

Nghe cây dừa ngất gió trùng điệp
Suốt kiếp đau dài nỗi tả tơi.
Mùa đông bắc gió miên man thổi,
Khiến cả lòng ta cũng rách tưa.
Đám cây bật gốc chờ tan xác,
Có hối ra đời chẳng chọn nơi ?

Thi sĩ không những‘tủi’ vì thân thế lỡ làng, sự nghiệp dở dang, bị hất hủi, hối vì ra đời lạc loài, không nhằm nơi, nhằm lúc mà còn tủi cho phận người bé bỏng, hữu hạn trước sóng thiên cổ, trời đất vô ngôn…

Hữu hạn nào không tủi nhỏ nhoi.

Nỗi ám ảnh con người quá nhỏ nhoi trước thiên nhiên cuồng nộ thường trực bàng bạc trong thơ ông. Ông trích hai câu thơ của S.J Perse làm nền cho cảnh ý bài hành này thật đồng điệu quá. Thiên nhiên trong bài tận cùng dữ dội, âm thanh cuồng nộ, cảnh tượng hãi hùng . Ngoài khổ thơ duy nhất êm đềm

Trong làn nước biển xanh lơ mộng,
Những cụm rong óng ả bập bềnh,
Như những tầng buồn lay động mãi,
Dưới hồn ta tịch mịch long lanh.

Hầu hết các khổ thơ còn lại là về một thứ đất trời gió mây khắt nghiệt, thịnh nộ, chim muông hốt hoảng, cô đơn. Xin trích vài câu tiêu biểu :

Đêm nằm còn tưởng đảo trôi đi…
Mùa gió xoay chiều gió khốc liệt,
Bãi Đông lở mất, bãi Tây bồi,
Đám cây bật gốc chờ tan xác
Có hối ra đời chẳng chọn nơi…
Mặt trời chiều rã rưng rưng biển,
Vầng khói chim đen thảng thốt quần.
Kinh động đất trời như cháy đảo,
Ta nghe chừng phỏng khắp châu thân…
Nghe cây dừa ngất gió trùng điệp,
Suốt kiếp đau dài nỗi tả tơi…
Ai hét trong lòng ta mỗi lúc,
Như người bị bức tử canh khuya,
Xé toang từng mảng đời tê điếng,
Mà gửi cùng mây đỏ thảm thê…
Mở, mở giùm ta khoảng cách đặc,
Con chim động giấc gào cô đơn…
Ngày. Ngày trắng chói chang như giũa,
Ánh sáng vang lừng điệu múa điên…

Ta dễ dàng nhận ra đặc trưng ngữ nghĩa của nhóm động từ, tính từ tả một thứ thiên nhiên động, cuồng bạo, lạnh lùng và con người với tâm thức buồn thảm, cô đơn, hận tủi trong bài thơ :

– vây, trôi, thổi, rách, bạo hành, khóc, tủi, dập (giận), xoay, lở, tan (xác), rã, quần, kinh động, cháy, phỏng, ngất, xé, gào…

– Chuếnh choáng, thăm thẳm sầu, miên man, rờn lạnh, nhỏ nhoi, khốc liệt, man rợ, tả tơi…

Các loại từ này hiếm khi đứng một mình mà luôn nằm trong một kết hợp đoản ngữ, một phong cách gần như nguyên tắc bất di dịch trong ngôn ngữ thơ TTY. Ai cũng biết danh từ chỉ để gọi tên sự vật nhưng thi sĩ đã kỳ khu biến chúng thành từ diễn đạt đắc địa bằng cách kết hợp từ loại với tài năng thiên bẩm. Đảo giữa biển khơi mịt mùng phải là đảo chuếnh choáng, thảo mộc trên đảo hoang nên phải là thời nguyên thủy, sóng muôn kiếp sóng phải là sóng thiên cổ, biển vừa mới là mồ chôn của bao chiến sĩ nên biển tang chế, gió khốc liệt, rong óng ả bập bềnh, mặt trời chiều rã rưng rưng biển (ôi từ rã, rưng rưng bình thường sao đặt vào ngữ cảnh này khiến tứ thơ trở nên gợi hình tân kỳ, độc đáo không nói sao cho hết), đống lửa trên bãi hoang phải man rợ, cơm chiều viễn xứ, mảng đời tê điếng, mây đỏ thảm thê, bãi lân tinh thức…

Tôi không thể trích hết các ngữ động và ngữ tính từ, xin độc giả cứ xét ngữ nghĩa các nhóm đoản ngữ này gợi mở tới đâu ta mới càng thấy sự cảm nhận thiên nhiên vô cùng tinh tế, phi thường của ông và cách dụng ngữ tận cùng khổ công chọn lọc, tận cùng thích nghi với văn cảnh từng câu.

Xin viết đôi dòng về gió trong thơ TTY trước khi xét tới ba khổ thơ tả gió bài này. Trong 37 bài tập Thơ Tuyển thì có đến 19 bài có tả gió, tập Thắp Tạ cũng đến 14 bài có nói về gió. Đúng là gió thiên hình vạn trạng “miên man thổi” trong thơ ông. Không kể tác phẩm trước và sau năm 1975 chưa được in, thật diệu kỳ, làm sao tác giả có thể tả đươc gió trong vô vàn trạng huống ở hai tập thơ trong 33 bài với gần cả trăm câu thơ, không chỗ nào giống chỗ nào ? Tài quan sát của ông siêu việt đã đành, qua đó ta còn thấy tâm hồn ông phong phú, thi giới ông mênh mông, đề tài dường như bất tận. Nhà phê bình Đặng Tiến khen ngợi mấy câu thơ tả gió của Thanh Tâm Tuyền :

Thổi biệt mù tới
Thổi ta đi
Trong giông bão chan hòa như chẳng nín.

Sao ông chưa một lần nhận xét thiên vạn dạng gió trong thơ TTY? Tôi tin mình không quá đà khi một lần nói chuyện qua email với nhà văn Nguyễn Thị Thảo An rằng có thể lật trang hai tập thơ TTY để bói như người ta bói Kiều. Có đủ trạng huống đời trong đó, tuy vui vầy có ít, buồn tủi bội phần hơn nhưng cũng đâu khác chi Đoạn Trường Tân Thanh ngày trước! Cô nhà văn Thảo An uyên bác có vẻ đồng ý, thật hoan hỉ lắm thay!

Trở lại gió trong bài hành:

Mùa Đông Bắc, gió miên man thổi
Khiến cả lòng ta cũng rách tưa.

Câu 1 đảo ngữ khiến nhạc điệu câu trở nên rắn rỏi, bớt đi vẻ êm đềm của từ láy miên man, mặc dù không từ nào hay hơn miên man tả những cơn gió thâu đêm, ngày ngày bất tận. Thay vì nói lòng ông se buồn trong gió dữ thì lại bảo ‘lòng ta cũng rách tưa’, diễn đạt mạnh mẽ và mới mẻ nỗi buồn đau của tâm thức ông bội phần cụ thể. Khổ thơ thứ sáu ông ‘nâng cấp’ những đợt gió hung tàn đó cùng những tàn phá khốc liệt của nó trên đất cát, cây cối  bằng thứ từ ngữ dữ dội: xoay chiều, khốc liệt, lở, bồi, bật gốc, tan xác. Thanh trắc rắn và gai góc với số lượng lấn lướt thanh bằng trong cả 4 câu nhằm tả một thiên nhiên tàn khốc, lạnh lùng là một chọn lựa có chủ ý của tác giả. Rồi từ ‘ngất’và ‘đau dài’trong câu ‘Nghe cây dừa ngất gió trùng điệp, suốt kiếp đau dài nỗi tả tơi’. Đó là ‘từ khóa’ về nghệ thuật diễn đạt của câu thơ. Đó là từ bình thường của ngôn ngữ nói nhưng đặt vào đây, câu thơ bỗng sống động, gợi tả lạ thường bởi cái vẻ người của nó. Tôi nhớ tới cặp thất ngôn tả gió với ý nghĩa tương tự và dụng ngữ có nét khác chút ít nhưng không kém phần tuyệt vời trong bài Tưởng Tượng Ta Về Nơi Bản Trạch của tác giả:

Tàu chuối xác xơ reo ngất ngất,
Nỗi đời bi thiết xé lưa tưa.

Tôi đã liều lĩnh “phân tích” qua loa thơ TTY với khả năng hữu hạn, chỉ cốt bày tỏ cảm nhận hạnh phúc của kẻ đọc thơ bình thường. Cảm ơn thi nhân về những đóng góp lớn lao của ông bảo vệ vẻ đẹp của Việt ngữ và làm giàu cho một nền thi ca vốn bị dập vùi và tiếp tục bị xóa bôi trong những mưu đồ đen tối triền miên.

Xin nói thêm một ý này: Đọc đi đọc lại bài hành đồ sộ hoàn chỉnh này, trong hầu hết các khổ thơ, tôi bỗng thấy ra hình như tác giả tiên cảm sự sụp đổ, nát tan của đất nước, một thời kỳ tang thương của quốc gia: chết chóc, tang tóc, trôi giạt, một dân tộc “bị bức tử canh khuya” và mây trời cũng chỉ còn là thứ “mây đỏ thảm thê”!

NGUYỄN ANH KHIÊM
(Cựu SV ĐHSPSG, ban Việt Hán, khóa 1965-1969)

___________________________

 

TRƯỜNG SA HÀNH

Tô Thùy Yên

Toujours il y eut cette clameur,
Toujours il y eut cette fureur…
(Saint John Perse)

Trường Sa! Trường Sa! Đảo chuếnh choáng!
Thăm thẳm sầu vây trắng bốn bề
Lính thú mươi người lạ sóng nước
Đêm nằm còn tưởng đảo trôi đi

Mùa Đông Bắc, gió miên man thổi
Khiến cả lòng ta cũng rách tưa
Ta hỏi han, hề, Hiu Quạnh Lớn
Mà Hiu Quạnh Lớn vẫn làm ngơ

Đảo hoang, vắng cả hồn ma quỉ
Thảo mộc thời nguyên thủy lạ tên
Mỗi ngày mỗi đắp xanh rờn lạnh
Lên xác thân người mãi đứng yên

Bốn trăm hải lý nhớ không tới
Ta khóc cười như tự bạo hành
Dập giận, vác khòm lưng nhẫn nhục
Đường thân thế lỡ, cố đi nhanh

Sóng thiên cổ khóc, biển tang chế
Hữu hạn nào không tủi nhỏ nhoi?
Tiếc ta chẳng được bao nhiêu lệ
Nên tưởng trùng dương khóc trắng trời

Mùa gió xoay chiều, gió khốc liệt
Bãi Đông lở mất, bãi Tây bồi
Đám cây bật gốc chờ tan xác
Có hối ra đời chẳng chọn nơi?

Trong làn nước vịnh xanh lơ mộng
Những cụm rong óng ả bập bềnh
Như những tầng buồn lay động mãi
Dưới hồn ta tịch mịch long lanh

Mặt trời chiều rã rưng rưng biển
Vầng khói chim đen thảng thốt quần
Kinh động đất trời như cháy đảo…
Ta nghe chừng phỏng khắp châu thân

Ta ngồi bên đống lửa man rợ
Hong tóc râu, chờ chín miếng mồi
Nghe cây dừa ngất gió trùng điệp
Suốt kiếp đau dài nỗi tả tơi

Chú em hãy hát, hát thật lớn
Những điệu vui, bất kể điệu nào
Cho ấm bữa cơm chiều viễn xứ
Cho mái đầu ta chớ cúi sâu

Ai hét trong lòng ta mỗi lúc
Như người bị bức tử canh khuya
Xé toang từng mảng đời tê điếng
Mà gửi cùng mây, đỏ thảm thê

Ta nói với từng tinh tú một
Hằng đêm, tất cả chuyện trong lòng
Bãi lân tinh thức âm u sáng
Ta thấy đầu ta cũng sáng trưng

Đất liền, ta gọi, nghe ta không?
Đập hoảng Vô Biên, tín hiệu trùng
Mở, mở giùm ta khoảng cách đặc
Con chim động giấc gào cô đơn

Ngày. Ngày trắng chói chang như giũa
Ánh sáng vang lừng điệu múa điên
Mái tóc sầu nung từng sợi đỏ
Kêu dòn như tiếng nứt hoa niên

Ôi lũ cây gầy ven bãi sụp
Rễ bung còn gượng cuộc tồn sinh
Gắng tươi cho đến ngày trôi ngã
Hay đến ngày bờ tái tạo xanh

San hô mọc tủa thêm cành nhánh
Những nỗi niềm kia cũng mãn khai
Thời gian kết đá mốc u tịch
Ta lấy làm bia tưởng niệm Người.

T.T.Y.
(3-1974)

Những đứa em tôi (kỳ 2)

2. Thằng Giáo Sư

Thằng này tên gì không quan trọng. Mọi người gọi nó là “giáo sư”. Thật ra thì nó là phó giáo sư thôi, phó giáo sư – tiến sĩ. Nhưng người ta cứ gọi nó là giáo sư, và nó cũng có vẻ thích thế, lâu dần coi như đó là tên nó. Vì thế mà tôi mới viết hoa. Nó là chồng của Loan, cô em họ tôi.

Buổi đầu nó cùng vợ đến nhà tôi, cả hai vợ chồng tôi ra cổng đón. Nó như không nhìn thấy bọn tôi. Tôi thì nó không để ý đã đành, vì nó đã biết tôi từ trước, nhưng còn vợ tôi thì đây là lần đầu nó gặp, nhưng nó cũng chẳng hỏi, chẳng nhìn. Vợ tôi há mồm định chào, nhưng thấy nó không để ý nên lại thôi. Nhìn thấy cái dáng vẻ nó giống như con gấu hay hà mã, vợ tôi có ý sợ. May mà Loan tươi cười nói “Anh chị” và cầm tay vợ tôi nên cô ấy thấy yên tâm hơn.

Khi nó đi ngang qua, tôi thấy người nó bốc mùi hoi hoi xin xỉn. Chắc nó làm khoa học bận quá, không có thời gian tắm giặt, tôi thoáng nghĩ.

Vào bữa, nó càng thể hiện mình là nhà khoa học. Nó ăn rất hăng, không nhìn ai, nhưng vẫn vừa nhai nuốt vừa nói. Nó nói cũng hăng như ăn, lắm lúc bắn cả thức ăn ra. Vợ tôi càng có vẻ sợ, thỉnh thoảng cứ liếc mắt nhìn chừng. Nó nói chủ yếu về sự giỏi giang của nó, về việc nó viết sách, viết báo. Nó nói mấy lần “Ở cái tỉnh này chẳng có ai làm việc bằng tôi”.

Ăn xong, nó tiếp tục xả tri thức ra khoảng 10 phút nữa. Rồi đột nhiên, tôi thấy mắt nó đờ ra, hai mép trễ xuống. Tôi hơi hoảng. Rồi từ họng nó phát ra tiếng khục khục, ọc ọc, còn mũi thì đẩy hơi ra phì phì, kèm theo tiếng rít như còi hơi. Nét mặt vợ tôi lúc đó có vẻ kinh hãi. Loan hơi đỏ mặt.

“Đúng là nhân vô thập toàn.” Loan nói. “Được cái làm khoa học thì giỏi, yêu vợ thương con, nhưng có những cái tật hơi khác thường. Anh ấy ngủ dễ thế đấy, ăn trưa xong chưa kịp súc miệng là đi nằm ngay, không thì ngủ ngồi.”

Bây giờ thì đã rõ là Giáo Sư đang ngủ, lưng dựa thành ghế, đầu ngoẹo sang bên. Nhưng hai mí mắt nó chỉ hơi chùng xuống chứ không khép lại, để lộ lòng trắng nhờ nhờ đục đục. Tiếng ngáy vang như sấm. Lại thấy dãi xều ra một bên mép. Vợ tôi thấy vậy bất giác mỉm cười và vội quay mặt đi. Loan đi lại lấy khăn tay lau mép cho Giáo Sư.

Khoảng nửa giờ sau, Giáo Sư ngừng ngáy. Cái bộ dạng của nó bắt đầu biến đổi, dần trở về trạng thái bình thường. Năm phút sau, nó mở mắt. Vài phút tiếp theo nữa, nó mở miệng:

“Tôi ngủ trưa chỉ cần thế thôi đớ. Thế là buổi chiều lại có thể ngồi làm khoa học cả buổi.”

Rồi một lần Loan mời bọn tôi đến nhà chơi. Vào đến cửa nhà Giáo Sư, bọn tôi thấy nó ở trong đi ra. Nó nói:

“Anh chị ở đây chơi với mẹ con nó. Tôi bận phải đi.”

Tôi đoán chắc nó đi làm một việc gì đó liên quan đến khoa học. Lúc về, đi qua nhà hàng xóm của Giáo Sư, tôi thấy một hội phỏm. Và nhác thấy cái dáng hà mã của nó trong đó.

Cứ thế, mỗi lần vợ chồng nó hoặc cả nhà nó đến nhà tôi, vợ chồng tôi lại khoản đãi. Nó có hai đứa con, một trai một gái, đều giống nó như lột, đều dáng hà mã và đều ăn rất khỏe. Vợ tôi nói chỉ nấu cho bố con nhà này ăn là thích, theo nghĩa chúng nó ăn rất hăng, không sợ ế thức ăn.

Và mỗi lần bọn tôi đến nhà nó, nó đều phải đi làm khoa học.

Nói vậy nhưng cũng có một lần nó ở nhà tiếp bọn tôi. Đó là lần nó bị tai nạn giao thông. Nhẹ thôi, nhưng vợ tôi bảo mang phong bì đến thăm nó. Vì vợ nó đi vắng mà lý do bọn tôi đến vì thăm tai nạn nên nó không thể bỏ bọn tôi ở đó mà đi làm khoa học được. Nhưng vừa ngồi chưa nóng đít thì một đồng nghiệp của nó đến. Tay này cũng tiến sĩ. Thế là hai nhà khoa học trao đổi rất say sưa, và Giáo Sư hoàn toàn quên sự có mặt của vợ chồng tôi. Ngồi khoảng mươi phút, bọn tôi cáo từ ra về. Ông đồng nghiệp của nó thì nói hai bác về nhá, còn nó thì chẳng nói gì.

Lần đó, vợ tôi bắt đầu có biểu hiện hơi ngán ngẩm vị Giáo Sư. Tuy vậy, mỗi lần Giáo Sư cùng vợ con đến nhà tôi, vợ tôi vẫn nấu nướng khoản đãi, chỉ có điều không khí bữa ăn không còn vui vẻ như trước.

Sự chịu đựng của vợ tôi bị “tràn ly” trong lần Giáo Sư đi mời đám cưới con gái. Nó vào phòng làm việc của vợ tôi để đưa thiệp mời. Lúc đó có vài người khác cũng đang ở đó. Một người hỏi nó: “Chú rể cũng phải tiến sĩ chứ?” Nó nói: “Chưa, nhưng sắp. Mà dù không tiến sĩ thì cũng phải thạc sĩ. Chưa thạc sĩ thì không bước chân vào nhà tôi được. Khách cũng vậy chứ chưa nói những đứa về làm dâu rể.” Vợ tôi chạnh lòng: cô ấy chỉ là nhân viên hành chính, thậm chí không có bằng cử nhân. Chưa hết. Vợ tôi kể là lúc đó có một cô giáo xinh đẹp bước vào. Giáo Sư quay ra ôm ngang lưng cô này rồi buông lời tán tỉnh rất thô tục. Vợ tôi nói là thô tục đến mức không thể nói lại được.

Tôi bảo:

“Thằng này từ nay đến không phải nấu cho ăn nữa. Lấy lý do phải đi đâu đó, cho nó biến mẹ nó đi.”

Một lần gặp Loan, sau mấy phút ngập ngừng, tôi quyết định nói với Loan về cách đối xử của Giáo Sư đối với vợ chồng tôi. Nghe xong, Loan im lặng một hồi, rồi rơm rớm nước mắt nói:

“Em cũng biết anh ấy có rất nhiều cái dở. Nhưng biết làm sao được anh? Nói mãi cũng chẳng được. Thôi thì cũng đành chịu. Dù sao cũng chưa đến mức phải bỏ. Được cái chưa bao giờ đánh vợ con.”

Hơn một năm sau, vợ chồng Giáo Sư lại cưới vợ cho thằng con trai. Cũng như lần trước, vợ chồng nó mời vợ chồng tôi dự tiệc cưới ở khách sạn. Nhưng lần này bọn tôi không đi nhậu. Tôi lấy cớ đã nhận lời với vợ chồng cô em gái vợ đi đưa con cháu gái bên đó về nhà chồng ở tỉnh ngoài, nói chỉ đến dự tiệc trà vào ngày hôm trước tiệc cưới con trai Giáo Sư được thôi. Vợ chồng nó bảo thế thì bọn em không dám trách hai bác.

Hôm tôi một mình đến dự tiệc trà, trên đường tôi thoáng nghĩ: Biết đâu “nhà khoa học” này lại chẳng giống Edison, làm khoa học quên cả việc cưới xin. (Chỉ khác đây là cưới con.) Khi đến nơi thì thấy Giáo Sư đang ở nhà, không biến mất như Edison. Nhưng đúng là nó vẫn đang làm khoa học. Hội khoa học của nó gồm 4 người ngồi trên giường với một bộ bài tây. Giáo Sư quay ra chào vội tôi một câu rồi chìm vào công việc.

Và quý vị biết không? Một trong 3 nhà khoa học đang làm việc với giáo sư Edison Việt Nam ấy là Edison Con, tức là con trai nó! Vâng, chính cái thằng chú rể, trong buổi tiếp khách trước ngày cưới! Đúng là cha hổ không đẻ ra con chó bao giờ! Cái hội khoa học đó, chúng nó đang đánh phỏm ăn tiền! Hai cha con nó ngồi lì ở đó, còn đứa con gái thì mới sinh con. Mọi việc, kể cả ngồi tiếp khách uống rượu, dồn hết lên đầu Loan. May mà có vài người thân hỗ trợ cô ấy.

Trên đường về, tôi thầm nghĩ: Nếu không vì Loan thì chẳng có chó nào đến nhà Giáo Sư. 

Tôi cứ thầm thắc mắc, Giáo Sư suốt ngày đánh phỏm thì lấy đâu ra thời gian viết lách? Đành rằng trong cái thứ khoa học nhai lại của nó thì chẳng cần lao động miệt mài, nhưng ít ra cũng không được ham phỏm như nó.

Cách đây vài tháng, tôi chợt hiểu khi đọc một bài trên báo Dân Trí về một vụ đạo văn. Nhân vật đạo văn bị lột mặt trong bài chính là Giáo Sư chồng Loan! Người ta chụp ảnh 4 bài báo, 2 bài công bố trước của ai đó và 2 bài công bố sau là của nó. Câu chữ trong mỗi cặp bài, thậm chí cả dấu chấm phảy, gần giống hệt nhau! Khi có người hỏi vặn nó, nó gọi điện cho một người mà nó bảo là “con học trò cao học”, rồi nó quát vào điện thoại:

“Con đĩ này, tao bảo mày viết mấy cái bài này, sao mày lại cóp lại của người ta, hả?”

NGUYỄN TRẦN SÂM

Lòng tự trọng

Tôi muốn kể cho Thủ tướng, cho Tổng Bí thư, cho Chủ tịch nước, cho quốc hội và tất cả 175 trung ương ủy viên nghe 3 câu chuyện về “lòng tự trọng” của một cô giáo và hai học trò nhỏ.

 – Từ một sự cố giảng dạy, do sai sót trong việc chấm bài văn có câu “canh gà Thọ Xương”, cô giáo Hà Thị Thu Thủy (giáo viên văn trường THPT Lômônôxôp, Từ Liêm, Hà Nội) đã phải viết đơn xin nghỉ việc.

Sức ép từ dư luận quá lớn khiến cô phải nhập viện. Kết luận của ban giám hiệu và tổ chuyên môn nhà trường khẳng định cô Thủy không mắc lỗi nhận thức như dư luận qui chụp, mà đó chỉ là lỗi nghiệp vụ do cô còn trẻ, thiếu kinh nghiệm giảng dạy cho lứa tuổi học sinh cấp THCS.

 Không ai bắt cô kiểm điểm, chẳng có kỷ luật gì và nhà trường cũng chẳng bắt cô phải nghỉ. Thậm chí ban giám hiệu nhà trường còn đánh giá cao năng lực của cô. Đồng nghiệp đồng thời là tổ trưởng tổ văn quản lý trực tiếp cô còn nhận xét “Thủy là một giáo viên trẻ thông minh, sắc sảo, tâm huyết với việc dạy học sáng tạo. Nhiều năm trong nghề, tôi hiếm gặp một giáo viên trẻ xuất sắc như thế”. Học sinh thì khóc lóc mong cô trở lại trường. Nhưng cô Thủy vẫn quyết định viết đơn xin nghỉ dạy.

 Vì sao? Không gì khác vì lòng tự trọng. Chỉ một giáo viên giàu lòng tự trọng mới hành động được như thế.

  – Chỉ vì sơ ý làm mất hơn 600.000 đồng, sợ không có tiền trả, sợ bạn bè cười chê và bố mẹ rầy la, một nữ học sinh lớp 9 trường THCS Trung Lập (xã Trung Lập Thượng, huyện Củ Chi, TPHCM) đã uống thuốc diệt cỏ tự tử.

Hành động của cô bé có dại dột không? Có, đúng là dại dột. Nhưng trong thẳm sâu của hành vi dại dột tự kết liễu cuộc đời mình, tôi tin đó là một cô bé biết tự trọng.

 – Một học sinh  tự viết đơn xin nghỉ học vì cho rằng mình học dốt. Đọc lá đơn của  cậu học sinh lớp 10 với đầy rẫy lỗi chính tả không thể chấp nhận được chứng tỏ em ngồi nhầm lớp thật.

Nhưng biết nhìn ra mình dốt, biết dốt như thế là không xứng đáng thì có lẽ khó tìm được học sinh thứ hai nào như em. Không chỉ là sự thật thà hiếm thấy, mà còn là lòng tự trọng đáng quí ở một cậu học trò nhỏ tuổi. Hãy đọc những dòng em viết : “Hôm nay, em viết đơn này mong cô và nhà trường cho em nghỉ học vì trong lúc học em quá đùa nghịch và học hành còn yếu, làm cho lớp 10H sa sút và không thể vươn lên được, làm cho nhiều thầy cô giáo phải nhắc nhở nên em nghĩ em không xứng đáng làm học sinh của trường…” (đã sửa lại những lỗi chính tả)

Một cô giáo từ nhiệm vì lỗi nghiệp vụ. Một học trò tự tử vì sơ ý làm mất 600.000 đồng quỹ lớp. Một học trò tự xin nghỉ học vì nhận thấy mình dốt kém.

          3 câu chuyện trên dạy cho người lớn, thậm chí (xin lỗi) giúp Thủ tướng, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, chính phủ, quốc hội và 175 trung ương ủy viên ý thức được ít nhiều về lòng tự trọng ?

Cái lỗi « canh gà Thọ Xương » của cô giáo Thủy, cái “tội” làm mất 600.000 đồng của cháu học sinh nọ, sự dốt kém của cậu học trò lớp 10 kia có đáng để đem ra cân so với những Vinashin, Vinalines, những đổ vỡ của hệ thống ngân hàng, những tham ô đục khoét làm lụn bại cả nền kinh tế ?

Lòng tự trọng ư ? Xin đừng nhân danh này nọ đi dạy dỗ nhân dân. Đã có ai dám từ chức vì « không hoàn thành nhiệm vụ được giao » ? Đã có ai biết xấu hổ khi làm thất thoát hàng trăm nghìn tỷ đồng của nhà nước (hàng trăm nghìn tỷ chứ không phải 600.000 đồng như cháu học trò nọ) ? Đã có ai biết từ nhiệm vì nhận thấy mình dốt kém như cậu học trò kia ?

 Thưa Thủ tướng, thưa Tổng Bí thư, thưa Chủ tịch nước, thưa chính phủ, thưa quốc hội và 175 trung ương ủy viên, có ai, liệu có được ai trong quí vị đọc bài này xong biết xấu hổ- thay vì tức giận ?

Blog Trương Duy Nhất

By daohieu Posted in Chưa phân loại

Quán cơm Nụ Cười

11g, quán cơm xã hội Nụ Cười (6 Hồ Xuân Hương, quận 3, TP.HCM) mới bắt đầu bán phiếu. Nhưng mới hơn 10g, tôi thấy một người đàn ông trạc 60 tuổi, gầy gò, áo quần bạc thếch, đứng trước cửa quán.

Ông im lặng chăm chú đọc những tấm bảng treo trước quán: : “Cơm trưa 2.000 đồng – vào cửa tự do”; thực đơn: “Gà kho gừng – Xào chua ngọt – Canh cải thịt bằm – một miếng đu đủ – Cơm canh không hạn chế – Trà đá miễn phí – Giữ xe miễn phí”.
Thấy ông đứng ngoài nắng, một cô tình nguyện viên vội bước ra mời ông vào. Ông cứ chần chừ rồi rụt rè hỏi: “Thiệt không cháu, hai ngàn?…”. Cô tình nguyện viên cười: “Dạ, thiệt mà, bác chịu khó vào ngồi đợi tí. 11g bác đến quầy này mua cái phiếu rồi vào lấy cơm…”.

Nụ cười của khách hàng

Có lẽ không riêng gì người đàn ông ấy, nhiều người mới đến quán lần đầu đều hỏi như vậy. Rồi khi đã mua cái phiếu 2.000 đồng và bưng khay cơm có nhiều ngăn đựng đầy đủ những món ghi trong thực đơn cùng muỗng, nĩa bọc trong miếng giấy lau trắng toát, đến ngồi ở chiếc bàn sạch sẽ… thì không hỏi nữa mà ai cũng nói: “Đỡ lắm…”.
Như ông Nguyễn Văn Dương, 65 tuổi, đang bị bệnh gan cũng phải ráng đi làm bảo vệ ở Bệnh viện Da liễu, vừa ăn miếng đu đủ tráng miệng vừa nói: “Hôm khai trương, tôi qua thấy bữa cơm có hai ngàn mà ghi “sạch, no, ngon, thân thiện”, cứ ngờ ngờ, nhưng ăn rồi mới thấy y như vậy. Có cái quán này đỡ lắm…”. Đỡ làm sao? Ông chứng minh cụ thể: “Thường tôi ăn bữa hết 19.000 đồng, ăn ở đây dư ra được 17.000, tuần ba bữa, gom lại, bù vào tiền khám bệnh, khỏi ngửa tay xin thêm con cái…”.
“Đỡ lắm” là hai từ tôi nghe nhiều nhất ở quán. Tôi gặp nhiều người trong số 250 khách của quán hôm ấy (mỗi buổi quán bán 250 suất, vào các trưa thứ hai, tư, sáu), hầu hết ai cũng nói đi nói lại hai từ ấy. Mỗi người có một hoàn cảnh riêng, cái “đỡ lắm” của người này khác với cái “đỡ lắm” của người kia, nhưng tất cả đều giống nhau là bữa cơm ở quán đều giúp họ giảm nhẹ phần nào những khó khăn, nhọc nhằn, lo toan mà họ luôn phải mang vác trên đường đời.
Với cháu Hùng, 13 tuổi, ở Tuy Hòa, đi bán vé số, thì ngoài chuyện “ăn được miếng thịt gà kho sả ngon quá chú ơi”, cái “đỡ lắm” của cháu là “dư ra thêm được mấy chục ngàn gửi về phụ mẹ nuôi em”. Vì cha cháu mất rồi, mẹ ở quê nhà phải nuôi ba đứa em của cháu mà chỉ dựa vào gánh rau cải tròng trành…

“Tiền thiêng liêng”

Ông Nguyễn Minh Lộc (Nam Đồng, nguyên tổng biên tập báo Pháp Luật TP.HCM, chủ nhiệm quán Nụ Cười) cho biết sau mấy ngày hoạt động, có thể ước tính về thành phần khách như sau: 30% là sinh viên, học sinh; 30% là bà con bán vé số, xe đẩy, xe ôm, đạp xích lô, lượm ve chai, thợ hồ…; 25% là bệnh nhân, thân nhân nuôi bệnh ở Bệnh viện Da liễu và Bệnh viện Mắt; 15% không xác định được thành phần, ăn mặc sạch sẽ, lịch sự.
Quán cơm xã hội Nụ Cười thuộc quỹ từ thiện Tình Thương. Quỹ được sự đóng góp của nhiều nhà hảo tâm. Trong “10 nguyên tắc ứng xử cho các thành viên quỹ từ thiện Tình Thương” có ghi: “Những đóng góp dù ít hay nhiều đều xuất phát từ tấm lòng hướng thiện. Những đồng tiền đó rất dễ thương, rất đáng quý nên chúng ta gọi là tiền thiêng liêng…”. Tiền thiêng liêng nên chỉ dành toàn bộ để chi cho người nghèo, không chi bất cứ một đồng nào cho “bộ máy” quản lý, tất cả đều là tình nguyện viên.
Ngồi chung bàn với mấy em học sinh là một người đàn ông mặc chiếc áo kaki đầy những vết bẩn, tóc loe hoe khô cháy, đi lượm ve chai. Ông tên Hùng, ở Bình Dương. Khi tôi dò hỏi một ngày lượm bán được bao nhiêu, ông không trả lời, cứ từ từ bỏ chiếc muỗng xuống, đưa tay moi vào túi quần và móc ra một mảnh giấy nhàu nát: “Không giấu gì chú, đây, lượm cả chiều với đêm hôm qua đây…”. Thì ra đó là mảnh giấy của một vựa ve chai ghi: “Mủ 3.800 – bình 1ký 8 21.500 – lon 20c 7.600 – cộng 32.900”.
Với số tiền ít ỏi đó, hằng ngày ông phải tìm về tận khu Vườn Chuối để ăn đĩa cơm “nhiều cơm, ít đồ ăn” và trả 12.000 đồng. Giờ đây, với ông, ăn bữa cơm 2.000 đồng “no, ngon, sạch…” tất nhiên đỡ lắm. Biết vậy, nhưng điều tôi không ngờ là nhờ những bữa cơm của quán Nụ Cười mà trong tuần qua ông… tắm được vài lần. “Có dư đồng tiền mới tắm được, mỗi lần tắm mất 5.000 đồng chớ có ít đâu…”.
Tất nhiên, đến với quán cũng có những khách khá đặc biệt, như một anh nọ, ăn xong đứng dậy cứ gật gật đầu, hỏi quán bán đến mấy giờ rồi đi. Một đỗi sau, bất ngờ anh chở đến hai bao gạo, bỏ xuống rồi đi, không chịu nói tên nói tuổi. Một anh khác mặc quần lửng áo thun, ăn xong hỏi quán có bao nhiêu người phục vụ, không biết để làm gì, té ra anh đi mua 20 ly sữa đậu nành đem lại quán: “Cho mấy em phục vụ uống, thấy em nào cũng tận tình, thương quá…”.
Như bốn em học sinh lớp 6, lớp 7 ăn xong chưa chịu về, cứ ngồi xầm xì với nhau, rồi một em đến quầy mua một cái phiếu nữa. Một anh tình nguyện viên ân cần hỏi: “Em ăn chưa no à? Sao không lấy cơm thêm?”. Em rụt rè đáp: “Dạ không, no lắm rồi ạ. Cho cháu mua phiếu nhưng không lấy phần ăn nữa, cháu xin góp cho quán ấy mà”.

Nụ cười tình nguyện viên

Trong sổ tay tình nguyện viên của quán ghi rất rõ: “Quán cơm xã hội Nụ Cười luôn chào đón những tình nguyện viên mới. Các bạn sẽ được phân công theo nhóm, và dù có thực hiện nhiệm vụ gì thì tình nguyện viên chúng ta phải thật sự hòa nhã, vui vẻ…”. Tình nguyện viên được chia làm bảy nhóm: nhóm P (bán phiếu), nhóm R (rửa khay cơm), nhóm B (bếp)…
Mới hoạt động được năm ngày mà nhóm nào cũng thừa người. Nhiều bạn trẻ đến, quán đành phải hẹn hôm sau. Sáng sớm đến quán, xuống bếp tôi thấy ai cũng cặm cụi làm việc như trong một nhà hàng chuyên nghiệp: hai cô gái rửa rau, hai cô xắt thịt, một cô đang đun chiếc xoong to, hai cô khác tỉ mỉ lau những chiếc khay…
Hầu hết các cô đều là sinh viên, nhân viên ở các công ty, trừ cô đang đun chiếc xoong to làm món gà kho gừng. Đó là cô Thường, bán hột vịt lộn – cháo lòng ở lề đường Hồ Xuân Hương, đối diện với quán. 12g cô mới bắt đầu bán. Bán đến tối, dọn hàng xong là mẹ con cô lại tất tả chạy qua quán làm thịt, cá, ướp sẵn đâu vào đó rồi mới về, và sáng sớm cô lại đến nấu, kho…
9g, quán còn vắng, bỗng một chiếc ôtô màu đen bóng loáng dừng ngay trước quán. Một người ăn mặc tươm tất bước xuống, xăm xăm đi vào và không nói không rằng, anh kéo những chiếc bàn kê lại cho ngay ngắn rồi rút chiếc khăn lau bàn ghế. Hỏi ra mới biết anh là Hùng, tài xế của một công ty viễn thông. Sáng anh đưa giám đốc đến cơ quan và đánh xe về đây làm tình nguyện viên, trưa lại đến đón vị giám đốc. Anh thuộc nhóm T (trật tự), nhưng khi chưa có khách anh làm đủ việc: lau bàn ghế, chuẩn bị bình nước đá, xếp ly… Khách đến, anh đứng ngoài nắng đón khách, hướng dẫn để xe. Có khách đi xe lăn đến, anh nhanh nhẩu bế khách vào tận bàn, móc tiền mua chiếc vé và nhờ người vào lấy cơm cho khách…
Một nội dung ghi trong sổ tay tình nguyện viên đã toát lên rất rõ ở nơi này: “Hòa nhã, vui vẻ”. Tôi thấy thêm: sự trân trọng và lòng yêu thương. Chính điều đó đã làm an lòng những người khách bước vào quán, nhất là những người khách đang rơi vào cảnh khốn khó, đói nghèo nhất trong cuộc đời này, như anh Hùng lượm ve chai đã ứa nước mắt nói: “Từ trước tới giờ mình có được ai mời chào gì đâu…”.
HÀNG CHỨC NGUYÊN

Cựu quan chức kêu gọi họp Đảng giữa kỳ

Luật sư Trần Quốc Thuận, đảng viên 44 năm tuổi đảng và từng 14 năm làm Phó chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội nói với BBC Đảng nên triệu tập Đại hội giữa kỳ để xử lý việc kỷ luật Bộ chính trị và một ủy viên. 

Ông giải thích với BBC trong phỏng vấn hôm 19/10: “Đại biểu Đại hội Đảng toàn quốc là cơ quan quyền lực cao nhất của Đảng, rồi giữa hai kỳ Đại hội cơ quan quyền lực cao nhất của Đảng là Ban chấp hành trung ương. Giữa [các] kỳ họp của Ban chấp hành trung ương cơ quan quyền lực cao nhất là Bộ chính trị, điều hành là Ban bí thư…

Nhưng ông Thuận nói lãnh đạo Đảng Cộng sản cần công khai lý do tại sao Bộ chính trị thấy cần chịu kỷ luật và tại sao Bộ chính trị đề nghị kỷ luật một thành viên của mình để các đảng viên và người dân đều biết.

“Tôi cho rằng chuyện đó là Trung ương không thi hành đúng nghị quyết của mình là ‘công khai minh bạch’.

“Tôi là đảng viên, tôi cũng kiến nghị phải công khai minh bạch tên của người đó ra và công khai minh bạch những khuyết điểm của người đó ra để toàn đảng, toàn dân và quốc tế biết.

“Bây giờ người ta cũng nói rùm beng ra ngoài hết rồi.

“Tôi đang về quê ở Bình Định, ở một vùng nôn thôn rất xa nhưng mọi người dân ở đây đều biết hết rồi.

“Vậy không có gì phải giấu như thế.

“Người Việt Nam có câu tục ngữ là ‘giấu như mèo giấu cái gì đó mà cuối cùng cũng thối uynh.”

‘Chống giặc nội xâm’

Ông Thuận nói các nhà lãnh đạo Việt Nam chưa thể hiện quyết tâm chống tham nhũng như những gì họ nói.

Vị luật sư nói với BBC: “Tôi cho rằng nếu Bộ chính trị quyết liệt đấu tranh chống tham nhũng, thì trong Hội nghị trung ương 4 đã nói rằng nếu đấu tranh kỳ này không xong thì Đảng sẽ có nguy cơ này, nguy cơ kia… có thể chết, [liên quan tới] sự tồn vong của Đảng…, [nhưng] cái cuộc đấu tranh chống tham nhũng cho đến bây giờ người ta không thấy có gì cụ thể cả, chỉ thấy những câu hô khẩu hiệu thôi.

“Rồi là những tiếng ấm ức, rồi không biết có giọt nước mắt nào không, nhưng có tiếng nấc lên, thì đấu tranh chống tham nhũng đâu phải như vậy.

“Đấu tranh thống tham nhũng phải có kết quả và khi đã sai lầm nghiêm trọng thì phải xử lý.”

Ông Thuận nhắc lại chuyện Tổng bí thư Trường Chinh phải từ chức và nhiều quan chức bị kỷ luật sau Cải cách ruộng đất trong khi nhiều chính trị gia cũng phải trả giá sau cải cách giá-lương-tiền.

Ông nói thêm: “Nhưng mà cái Trung ương [6] này là sống còn của Đảng mà chẳng thấy ai nhằm nhà gì hết, thì đâu có phải.

“Đây là một màn kịch, đứng lên nấc nấc rồi nói giọng uất hận, đâu có phải [thế].

“Theo quan điểm chống tham nhũng chính là chống giặc. Hồ Chí Minh đã nói rồi, chống tham nhũng chính là chống giặc nội xâm, mà đã là chống giặc thì phải nhìn thấy tử thi của giặc chứ.”

Nhận xét về cuộc bỏ phiếu của 175 ủy viên trung ương trong đó quyết định kỷ luật Bộ chính trị và một ủy viên Bộ chính trị không được đưa ra, ông Thuận nói:

“Cuộc bỏ phiếu đó dẫn đến vấn đề là những người bỏ phiếu đó không biết ngày mai ai sẽ bỏ lá phiếu giống như vậy với mình.

“Cho nên họ rất dè dặt.”

Ông cũng nói cuộc bỏ phiếu cũng cho thấy sự chia rẽ trong Bộ chính trị khi tất cả đều đồng ý đề nghị trung ương kỷ luật nhưng sau đó lại “bẻ cò” và thuyết phục các ủy viên trung ương bỏ phiếu ngược lại.

Ông nói nếu Bộ chính trị đoàn kết thì “không ai dám bỏ phiếu ngược lại” vì cơ quan này có toàn quyền điều động các ủy viên trung ương.

Nguồn: BBC

Chuyện làm đường và những kẻ giết người

Một người nước ngoài đến Việt Nam cách đây khoảng 20 năm chắc thấy khá ngại vì hệ thống đường giao thông không đạt tiêu chuẩn. Nhưng nhìn cảnh một số nơi đang sửa đường hoặc làm đường mới, ông ta chắc sẽ cho là nếu mình quay lại sau 5 năm thì sẽ được đi trên những con đường khá đẹp, tuy chưa theo kịp các nước khác nhưng nhìn chung là ổn.

5 năm sau quay lại, ông ta rất ngạc nhiên nhận thấy đường bị đào bới nhiều hơn. Cứ đi được dăm bảy km đường bằng thì lại đến hàng chục km đường ổ gà và đầy bụi.

Còn nếu bây giờ, vào những năm đầu thập niên thứ hai của thế kỷ XXI này, mà ông ta quay lại Việt Nam thì chắc sẽ thấy kinh hoàng không lời nào tả nổi.

Khắp nơi là cảnh tan hoang. Đường sá bị đào bới, xới tung, cày nát. Khắp nơi là ổ gà, ổ lợn, ổ trâu, ổ voi. Đâu đâu cũng thấy những hầm, những hố. Những hầm hố không phải lúc nào cũng có thể thấy rõ. Nhiều cái được ngụy trang bằng rơm rạ, bằng nước mưa dồn tụ lại hoặc bằng bóng tối khi đêm xuống. Rồi những gờ, những rãnh. Rồi đất cát và đá mạt, đá sỏi phủ kín mặt đường. Và cả rơm rạ, rác rưởi đủ kiểu. Những làn đường vừa làm xong đã cho lưu thông vẫn khó mà đi được vì vướng những đống đất đá đổ gần kín để chuẩn bị làm làn bên cạnh. Tóm lại là đủ mọi loại bẫy chết người. Đi xe máy hoặc xe đạp mà gặp những thứ đó, nếu không “tự ngã” dập mặt thì cũng dễ lao đầu vào ô-tô, hoặc rơi xuống hố gãy xương, rách thịt.

Nhiều đoạn đường làm dở bị bỏ lại đó vô thời hạn, đội quân làm đường không biết biến đi đâu. Nhiều đoạn làm xong chưa đầy một năm đã phải cày lên làm lại. Đất đá đổ lổn nhổn rất tiện cho lũ chó làm nơi phóng uế. Người dân ở hai bên đường thấy cứt chó cũng đành để vậy mà ngửi, vì nó lẫn trong đá, không thể nào hốt đi được. Đường giao thông trở thành thứ hành hạ, tra tấn và giăng bẫy giết người.

Nhưng đường giao thông giết người không chỉ bằng cách gây tai nạn giao thông.

Gần đây, bà con ở quê tôi đã từng rất phấn khởi vì đường sá trong vùng được cấp trên để mắt đến. Mặc dù phải đóng góp thêm tiền để làm đường, nhưng ai cũng thấy như được đổi đời, chấm dứt cái cảnh đi trên những con đường hẹp trời nắng thì bụi, trời mưa thì lầy lội. Ai dè đường bốn chung quanh vừa làm xong thì mưa lụt. Nước ngập băng làm làng bị cô lập, đi đâu phải dùng thuyền; không có thuyền thì chịu đói ở nhà, trẻ con thì phải nghỉ học. Khi làm đường, người ta đã không đào bớt nền đất cũ đi, cứ thế đổ đất đá mới lên, lại không làm cống thoát nước, nên mưa một cái là ngập cả làng. Các làng bên cũng vậy. Mà trước đây chưa từng bị thế bao giờ.

Tôi chợt hiểu ra: những năm gần đây khắp nơi lụt lội chính là do ngành giao thông! Đường cứ mỗi ngày một cao lên, cống thoát nước thì ít, nên đường trở thành đập giữ nước. Nước từ phía tây cao hơn dồn tới, không thoát sang phía đông để ra biển được, nên nhấn chìm xóm thôn làng bản, thậm chí cả thành phố. Ngành giao thông cùng với thủy lợi, thủy điện trở thành những đội quân giết người!

Làm ít phá nhiều đã gây khốn đốn. Làm thành đường thật càng gây khốn đốn nhiều hơn, thậm chí gây bao cảnh đau thương, tang tóc.

Trong khi đó, các quan chức ngành giao thông cứ thế làm giàu. Mặc kệ cho hàng chục triệu người điêu đứng vì sự vô cảm và vô nhân tính của họ!

Thực ra thì khi đi trên những con đường do chính họ làm, hay đúng ra là do họ phá nát, những con người đó cũng chẳng sung sướng gì. Nhưng vốn chỉ quan tâm đến chuyện nhét tiền vào túi, chuyện xây nhà lầu, sắm xe hơi sang trọng và nhậu nhẹt, gái gú, họ không mấy quan tâm đến chuyện đi đường. Thậm chí họ không mấy quan tâm đến chuyện làm người.

Những ai đã đi ra nước ngoài sẽ thấy không nơi nào có một hệ thống đường sá tồi tệ và cảnh giao thông hỗn loạn như ở Việt Nam ta. Ngay cả ở đất nước Trung Quốc, với một chính quyền xấu chơi, hệ thống đường sá cũng rất quy củ và sạch sẽ, giao thông diễn ra trật tự và đúng luật.

Giao thông hành hạ và giết người – chỉ có ở nước ta.

Đó là nỗi khổ và nỗi nhục! Một trong rất nhiều nỗi nhục.

NGUYỄN TRẦN SÂM

Những đứa em tôi

Hàng chục đứa em mà tôi kể về chúng ở đây tất nhiên không phải đều là em ruột tôi. Đó hầu hết là em họ, em nuôi, em rể hoặc đồng liêu, đồng nghiệp nhỏ tuổi hơn tôi.

1- Thằng Quýnh

Quýnh là em “cọc chèo” của tôi. Chẳng biết bố mẹ nó đặt cho nó cái tên là Quýnh với ngụ ý gì, nhưng tôi thì thấy cái tên đó hợp với cái kiểu nói cuống quýt của nó. Nhưng nó còn có những cái tính kỳ lạ khác.

Nó là vốn là giảng viên ở khoa luật của một trường đại học. Dạy luật, nhưng ai nhắc đến luật là nó quýnh lên, nói lắp bắp nhưng ấn át, không cho ai nói chen: “Luật quái gì mà luật. Dạy thì dạy. Nói cho hay. Thằng nào mạnh hơn, ác hơn thì cai trị thằng khác. Luật nào cũng không bằng luật tự nhiên, cá lớn nuốt cá bé…”

Đặc biệt, về cái luật bình đẳng giới thì nó càng không bao giờ cho là đúng. “Vớ vẩn. Làm gì có chuyện nam nữ bình đẳng. Phụ nữ không nên cho bình đẳng với đàn ông. Cho bình đẳng là hư. Phải trị. Đàn ông không được ủy mỵ. Phải dạy được vợ. Cần thì dùng vũ lực. Vẫn cãi thì đánh nữa. Đánh mãi cũng phải quy phục. Đừng gây thương tích nặng là được…” Nó hấp tấp nói một thôi một hồi.

Khi Nhàn em gái vợ tôi quyết định lấy nó, vợ tôi phản đối quyết liệt vì đã nghe quá nhiều người nói về những cái xấu của nó. Hơn nữa, nó còn già hơn Nhàn 20 tuổi, người ngợm nhăn nhúm, đã từng bỏ vợ ở quê, còn Nhàn thì trẻ đẹp. Tôi cũng can ngăn và nói rõ cho Nhàn rằng tôi đã từng nghe nó nói những câu như thế. Nhưng Nhàn vì quá si mê nên vẫn quyết theo nó.

Ở với nó được vài tháng thì Nhàn phát hiện ra những tính xấu tệ hại của nó. Một vài lần, Nhàn đã nói với nó khá gay gắt, hòng cải tạo con người nó. Nhưng nó đã cho cô ấy thấy thế nào là thằng Quýnh. Đang chửa, Nhàn đã bị nó đánh thâm tím mặt mày, thậm chí đá cả vào bụng. Nhàn đã nghĩ đến tự vẫn, nhưng rồi lại không dám, vì thương cái thai trong bụng.

Đẻ được ba bốn tháng gì đó, Nhàn bị nó chém lả cánh tay, phải ôm tay chạy trốn vì sợ nó chém chết. Cô ấy đến ở nhà một người bạn dạy cùng ở trường cấp hai. Mấy ngày sau lò dò về, vẫn còn sợ run bắn. Thằng Quýnh không nói gì.

Nhiều lần bị nó đánh ê chề, Nhàn đã muốn nói những chuyện ấy với vợ tôi, nhưng lại sợ vợ tôi chửi vì ngu nên lấy nó nên lại im lặng.

Nhưng đến khi thằng Hùng con của Nhàn được 6-7 tuổi thì cô ấy không thể im lặng tiếp. Cô ấy buộc phải gọi điện cho chị gái đến cứu.

Khi tôi và vợ tôi đến, thấy Nhàn đưa ra hai cái áo và một cái khăn dày thấm đầy máu. Nhàn vạch tóc ra cho chúng tôi xem chỗ đầu bị toác, máu vừa mới khô. “Nó lấy thanh sắt đánh em.” – Nhàn nói. Vợ tôi phẫn uất chửi rủa thằng Quýnh. Nó nói:

“Vợ tôi, tôi có quyền dạy. Không ai được can thiệp.”

Tôi nói:

“Rồi đời mày sẽ chẳng ra chó gì!”

Lần ấy, Nhàn báo cáo với chính quyền địa phương và trường thằng Quýnh, nhưng không nơi nào muốn can thiệp sâu, chủ yếu chỉ giải hòa. Nhàn đâm đơn xin ly hôn. Nhìn thân hình tiều tụy của cô ấy và ánh mắt hung hãn của thằng Quýnh, tòa án biết thằng Quýnh ác đã giải quyết khá nhanh, mặc dù nó liến thoắng nói nó chỉ không may đánh vợ vài cái nhẹ.

 

Một năm sau, thằng Quýnh đến nhà tôi. Nó quỳ xuống xin bọn tôi động viên Nhàn quay về với nó và hứa không bao giờ đánh chửi Nhàn nữa. Thấy nó gầy tọp đi, dáng điệu thảm hại, và tin rằng nó thành khẩn, bọn tôi đến chỗ Nhàn ở dò ý Nhàn. Cô ấy cũng tin là nó nói thật, lại nghĩ ái ngại cho đứa con không có bố, nên đồng ý tái hôn.

Chỉ một tháng sau khi tái hôn, chúng nó lại đánh nhau. Tôi đến bảo: “Thôi, chúng mày lại bỏ nhau đi.” Nhưng chúng nó vẫn sống với nhau hơn 10 năm nữa. Và thỉnh thoảng Nhàn lại gọi điện cho chúng tôi cầu cứu. Vợ tôi lại bảo Nhàn bỏ thằng chồng tồi tệ. Nhưng Nhàn bảo thương thằng con, sợ nó không có bố bị thiệt thòi. Còn tôi, có lần tôi phát chán bảo kệ cho chúng nó đánh nhau, chết thì mặc xác.

Cái thằng giảng viên trong ngành giáo dục ở bậc cao nhất này còn nhiều tính xấu hạ đẳng khác. Rất khó tin.

Thứ nhất là tính tham ăn. Ngồi vào mâm là đôi đũa của nó khua lên đến mức ai nhìn theo cũng phải chóng mặt. Đầu tiên là nó thọc đôi đũa xuống đáy tô canh, lôi những thứ từ dưới đó lên. Cái gì ngon thì nó bỏ vào bát nó, không thì để nguyên trong tô. Tô canh sau đó không ai dám đụng đến nữa. Ở nhà, lúc thằng Hùng đã biết, nó bảo Nhàn múc hai tô canh, tô to và nhiều cái thì để ở phía bố nó, tô nhỏ để ở phía hai mẹ con. Nhưng cũng nhiều khi thằng Quýnh vẫn thọc vào cả hai tô, và bữa đó thì hai mẹ con đành nhịn. Đĩa thịt thì nó thọc đũa vào, gắp từng miếng vứt ra bên, đến miếng nào ưng thì nó mới bỏ bát. Nó làm như thế cực nhanh, cứ tăm tắp đến mức có thể nói là thiện nghệ. Đi làm khách cũng vậy.

Vài năm gần đây, Nhàn còn kể là cứ mỗi bữa Nhàn nấu xong, dọn lên thì nó ngồi vào mâm ăn trước. Nếu có cái chân giò luộc chẳng hạn thì nó ăn gần hết, để lại vài miếng da. Có con cá to thì nó ăn để lại xương trong đĩa hoặc trong nồi… Tôi nghe vợ tôi nói lại mà cứ nghi nghi hoặc hoặc, biết là nó xấu tính mà mãi gần đây mới tin những chuyện đó là thật.

Thư hai là tính thực dụng. Cũng đến mức đỉnh cao. Nó sợ thiệt nên không quan hệ với ai, kể cả các em ruột nó và con nó với đời vợ trước. (Trừ nhà tôi, vì nó biết chắc không bị thiệt.) Nó không cho Nhàn đóng tiền giỗ bố mẹ. Gần đây, nó còn cấm Nhàn về quê dự giỗ. Nó nói lấy chồng thì phải theo chồng, không phải lúc nào cũng ngấp nghé muốn về đằng nhà bố mẹ đẻ. Chính bố mẹ nó cũng không được nó cúng giỗ bao giờ, và nó cũng chẳng thèm nhớ ngày giỗ. Nó thường phát biểu thẳng: “Quan trọng nhất là tiền.”

Thứ ba là tính điêu toa. Mỗi lần vợ chồng nó đánh chửi nhau, khi bọn tôi đến nó toàn liến thoắng nói “không đánh không đánh”. Nếu có thương tích hoặc vết bầm thì nó bảo lỡ tay. Vợ nó nói nó đi gái thì nó nói nó không hề đi gái, chính vợ nó đi với thằng này thằng nọ. Những lần đầu, tôi chẳng biết đứa nào đúng bao nhiêu phần trăm, nhưng dần dần mới thấy nó thực sự điêu toa. Nhưng nó luôn liến thoắng nói chính Nhàn nói điêu cho nó. Nó còn nói với mọi người (kể cả trước mặt tôi) rằng tôi đã từng bảo nó: “Nếu chú không đánh dì Nhàn thì để tôi đánh cho.” Khi nói thế, nó không hề tỏ ra ngượng tí nào.

Thật khó tưởng tượng một kẻ đã hung hãn mà lại còn điêu toa, thiên lộn.

Bây giờ thì nó đã về hưu. Sáu tư sáu lăm nhưng nó còn rất khỏe, cởi trần trông như con trâu. Nó rất chịu khó tập thể dục. Tập nặng. Chơi tạ. Nhảy. Nó còn có một bài tập rất kỳ: cứ dũi dũi vào tường, nhìn rất tô tục. Có lần thấy nó ở trần, vừa tập thể dục xong, mồ hôi nhẫy nhuộc, vợ tôi nói: “Trông như con trâu chương. Còn thô tục hơn con vật.”

Một hôm tôi đến nhà, Nhàn bảo nó đang “ngồi máy” trên tầng hai. Dạo này suốt ngày nó ngồi bấm máy tính, nói làm tiền trên mạng, rồi yêu cầu vợ phục vụ cho xứng đáng với lao động trí tuệ quần quật của chồng. Tôi lên tầng hai. Nó làm ra vẻ đang chăm chú làm việc, không nhìn thấy tôi. Mãi khi tôi đi sát đến nơi, nó mới làm như giật mình quay ra, rồi liến thoắng:

“Ô anh. Em đang làm cho mấy cái trang oép. Làm cái này ra tiền, ham lắm. Em ngồi ngày mười mấy tiếng không thấy mệt. Tiền thu được cũng khá. Giờ thì em đã có khá nhiều tiền. Sắp tới sẽ rất nhiều. May mà về hưu em lại tìm ra cái nghề này, nói thật với anh là cao quý. Còn hơn mấy thằng đi tây làm tiến sĩ. Tiến sĩ bên tây bên ta gì mà chỉ làm khoa học thì cũng chẳng qua là thằng làm thuê, không độc lập. Làm cái này hoàn toàn độc lập. Mà rất trí tuệ. Anh cũng nên học mà làm. Nhưng mà nói thật là học không dễ. Nhưng mà em bây giờ thì sành sỏi rồi. Em làm cùng lúc cho mấy chục trang oép…”

Tôi liếc qua tên một website đang hiện trên màn hình. Về nhà, tôi mở thử, thấy nó nói đại ý bạn có hai cách làm ra tiền trên website này. Một là thuần túy xem quảng cáo của “chúng tôi”, hai là quảng cáo hộ “chúng tôi” thông qua các quảng cáo của bạn. Như vậy, thằng Quýnh kiếm tiền bằng cách thuần túy xem quảng cáo. Theo số tiền mà website này công bố đã chi trong mấy năm và số người vào xem, tôi nhẩm tính mỗi ngày Quýnh nhặt nhạnh được từ 50 websites cùng lắm một hai chục ngàn. Tôi cười thầm. Nhưng thấy thắc mắc, không hiểu hắn khoe nhiều tiền để làm gì. Thằng này xưa nay vốn hay giấu thu nhập, sợ mọi người xin hoặc vay cơ mà.

Tôi nói điều thắc mắc với vợ tôi. Cô ấy bảo:

“Nó nói thế để nhử con Nhàn, thấy nó có nhiều tiền thì không dám bỏ, rồi cố mà hầu hạ nó.”

Tôi nghĩ vợ tôi nói có lý.

Mấy hôm sau gặp nó, tôi hỏi:

“Vậy mỗi ngày chú làm ra được khoảng bao nhiêu?”

Nó lảng sang chuyện khác.

Tôi không gạn hỏi nữa. Nghe nó huyên thuyên một lúc nữa, tôi bảo:

“Chú đúng là người hiếm có đấy. Làm kinh tế tri thức. Chỉ ngồi bấm máy mà ra bao nhiêu tiền. Như Bill Gates còn gì.”

Quýnh có vẻ đắc ý.

Sau đó, tôi hỏi riêng Nhàn:

“Thế hắn đã đưa cho dì đồng nào chưa?”

“Không một trinh anh ạ. Tiền lương còn không đưa cho em. Hàng ngày ăn như trâu, toàn đòi ăn ngon mà có đưa cho em đồng nào đâu.”

Thật quái đản, tôi nghĩ bụng.

Cách đây mấy hôm, Nhàn nhờ vợ tôi đến nhà nó “xin” nó cho Nhàn cùng về giỗ bố. Nó buộc phải chấp thuận. Nhưng khi Nhàn về nhà, nó gây sự đánh thâm tím cả người. Nhàn gọi điện cho vợ tôi, nói anh chị đến để nó khỏi đánh tiếp và để em đem đồ ra đi. Lần này đi hẳn. Để cho nó tìm người khác hầu hạ nó làm kinh tế tri thức.

NGUYỄN TRẦN SÂM