Nhật sẽ rút khỏi dự án xây nhà máy điện hạch nhân tại Ninh Thuận

Khu vực dự tính xây nhà máy điện hạch nhân tại Ninh Thuận

Tân chủ tịch của Công ty Điện lực Tokyo (Tepco), Nhật Bản, tuyên bố công ty này sẽ rút ra khỏi dự án xây dựng nhà máy điện hạt nhân ở Việt Nam, báo Mainichi cho hay.

Tepco là cổ đông chính với 20% cổ phần trong Công ty Phát triển Năng lượng Hạt nhân Quốc tế của Nhật Bản (JINED) với sự tham gia của tám công ty điện khác nữa.

Báo Mainichi dẫn lời tân chủ tịch Naomi Hirose nói: “Các kỹ sư chuyên về lò phản ứng hạt nhân của Tepco cần tập trung vào việc ổn định và tháo dỡ các lò phải ứng tại nhà máy [bị sự cố ở Fukushima] trong thời gian dài.

“Chúng tôi không thể đặt trọng tâm vào xuất khẩu nhà máy điện hạt nhân vì nó ảnh hưởng tới cách ứng phó của chúng ta với cuộc khủng hoảng.”

Vụ rò rỉ hạt nhân tại các nhà máy ở Fukushima ảnh hưởng tới một vùng rộng lớn và khiến hàng chục người phải di tản.

Người ta ước tính Nhật Bản sẽ mất hàng chục năm để tẩy phóng xạ.

‘Quá tham vọng’

Tờ Mainichi nói quyết định rút khỏi JINED của Tepco có nhiều khả năng buộc chính phủ xem xét lại chính sách thúc đẩy xuất khẩu hạt nhân của họ.

Các đối tác còn lại của JINED cũng bao gồm các công ty Hitachi, Mitsubishi Heavy Industries và Innovation Network Corporation of Japan.

Việt Nam định đặt nhà máy điện hạt nhân ở Ninh Thuận

Dẫn lời một quan chức của Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp, bộ đưa ra sáng kiến thành lập JINED, nói họ đang xem xét chuyện mời Công ty Điện lực Kansai thay thế Tepco ở vai trò dẫn đầu.

Các nguồn tin chính phủ được báo Mainichi dẫn cũng nói Việt Nam có thể hủy hợp đồng với JINED nếu Nhật không bù đắp được cho việc Tepco rút đi.

Dự án điện hạt nhân ở Ninh Thuận của Việt Nam bị coi là “quá tham vọng” trong khi Hà Nội chưa có khả năng đảm bảo an toàn cao, tính minh bạch còn thấp và tệ tham nhũng tràn lan.

Nhiều nhân sỹ, trí thức của Việt Nam đã kêu gọi hủy bỏ dự án điện hạt nhân sau cuộc khủng hoảng rò rỉ phóng xạ tại Fukushima ở Nhật Bản

Một số chuyên gia cũng đặt câu hỏi đối với việc Nhật Bản xuất khẩu công nghệ điện hạt nhân trong khi chính họ lại đang dần từ bỏ công nghệ này.

Hôm qua cổ đông Tepco đã thông qua quyết định quốc hữu hóa công ty này.

Chính phủ Nhật sẽ đưa một ngàn tỷ yên (12,6 triệu đôla) vào công ty để tránh phá sản và đưa tổng số tiền chính phủ hỗ trợ cho Tepco lên ít nhất 3,5 ngàn tỉ yên kể từ trận động đất vào năm ngoái làm hư hại lò phản ứng.

 BBC

Về “KẺ TỬ ĐẠO CUỐI CÙNG” của Đào Hiếu

Trong số các tác phẩm của Đào Hiếu, Kẻ Tử Đạo Cuối Cùng có lẽ không phải là tác phẩm mà ông tâm đắc nhất. Ở mức độ nào đó, nó có vẻ như chuyện đùa. Viết cho vui, để giải trí. Và để tạo ra sự đa dạng của các mảng đề tài.

Vậy mà những vấn đề mà nó đặt ra, hoặc gợi ra, thì hoàn toàn nghiêm túc. Những câu hỏi không mới, chúng đã có từ hàng trăm năm, nhưng không hẳn là dễ trả lời. Đó là những câu hỏi về lẽ sống, về nghệ thuật. Và cả vấn đề về (tâm hồn) những cô gái đẹp.

Câu chuyện chủ yếu nói về bốn người đàn ông còn khá trẻ, thuộc hai “tuyến”. Tuyến thứ nhất có: Phạm Hưng – nhà soạn nhạc, Lê Đạo – nhà văn, Nguyễn Xuân Đắc – nhà điêu khắc; cả ba đều chưa mấy nổi tiếng. Tuyến thứ hai chỉ có một nhân vật: đó là một kẻ lang thang, không gia đình, không bạn bè, không tài sản, không nhà. Và sống gần như vô mục đích. Anh ta có một cái tên nhưng cũng chẳng mấy khi có người gọi đến. Có thể gọi anh ta là Kẻ Điên Khùng.

Hai tuyến nhân vật này vừa đối lập nhau, vừa có những đoạn trùng nhau. Và chính những đoạn trùng nhau này làm cho sự đối lập trở thành đối kháng đến cực độ. Đến mức họ không thể cùng tồn tại. Thậm chí phải cùng chết!

Hoạt động sống của bốn nhân vật này xoay quanh hình bóng một cô gái trẻ đẹp bán cà phê, tên Hồng. Nhưng cô ta chỉ đóng vai trò một sức hút vô hình. Sự tồn tại của cô thực sự rất mờ nhạt. Cô ta đẹp, có lẽ là rất đẹp. Nhưng chỉ có vậy. Ngoài một vài động tác (“khuấy cà phê cho nhà văn bằng những ngón tay thon thả của mình, chậm chạp, lặng lẽ và trìu mến”) và một hai câu nói khá nhỏ nhẹ, cô không thể hiện gì thêm. Gần như không có tính cách.

Vậy mà cả bốn người đàn ông khá trẻ kia đã phải sống và chết vì nàng. Trong cả tâm và trí của họ không có gì khác, ngoài Hồng.

Họ yêu Hồng, nhưng chưa ai từng được chạm vào người nàng, thậm chí chạm vào tay cũng không. Cả Nguyễn Xuân Đắc là người đã từng ngủ với hàng chục người đàn bà con gái, trong đó có người được anh yêu quý hẳn hoi, khi có mặt Hồng cũng thấy sợ. (“Khi nhìn xuống đất thấy mấy ngón chân trắng hồng của cô gái, tim anh hồi hộp và anh chỉ muốn bỏ đi. Lúc cái bàn chân xinh đẹp kia biến mất, Đắc mới choàng tỉnh, hấp tấp đứng dậy.”) Cả Kẻ Điên Khùng, mặc dù có gan giết người và không thể sống nếu không có Hồng, cũng chưa từng cả gan chạm vào người nàng. Chỉ dám nói “Không có em anh sẽ chết mất” và “cầm chiếc guốc của cô gái lên hôn hít như điên như dại”. Họ yêu Hồng để tôn thờ, như yêu một vị Chúa Trời.

Chính vì vậy mà Lê Đạo đã đề xướng ra một cái đạo, gọi là Hồng Đạo. Để tôn thờ Hồng, tôn thờ cái đẹp. Điều đó đối với bộ ba Hưng-Đắc-Đạo là hoàn toàn hợp lý. Vì họ đều là những nghệ sĩ thực thụ. Mà nghệ sĩ thì còn cần tôn thờ gì, ngoài Cái Đẹp? Và một khi có hàng triệu người tự nhận mình là tín đồ của một cái “đạo” gọi là Maradona-đạo, thờ một cựu danh thủ bóng đá tuy từng rất có tài nhưng cũng không ít những trò nhiễu nhương, thì Hồng Đạo tôn thờ một người con gái đẹp – tại sao không?

Và ba người đã cắt máu hòa rượu uống thề, như Lưu Quan Trương tại yến Vườn Đào. Đoạn này được Đào Hiếu kể lại bằng giọng văn “trang trọng”, vừa hơi giống Tam Quốc Diễn Nghĩa, vừa có hơi hướng tiểu thuyết võ lâm, chỉ khác là có một từ “Whisky” rất “tây” và rất “hiện đại”:

“Nói xong Lê Đạo cầm con dao cán ngà lên cứa vô cổ tay mình một nhát, nhểu mấy giọt máu vô chén rượu Whisky. Hưng và Đắc cũng bắt chước làm theo. Khi máu của ba người đã hòa lẫn vào trong rượu, Lê Đạo liền kính cẩn nâng chén rượu lên ngang mày, gọi tên HỒNG ba tiếng rồi đưa chén rượu lên môi uống một phần tư. Uống xong, anh trao chén rượu cho Hưng và nhắc:

– Các ngươi nhớ chừa lại một phần tư…”

Những sự việc tiếp theo là hai hành động cực đoan của Kẻ Điên Khùng (tự đốt ngón tay và cắt một tai) làm Hồng và quán cà phê phải trải qua những chấn động khủng khiếp. Nhưng rồi vài tháng sau mọi việc trở lại gần như bình thường.

Nửa năm sau thì ba “đạo tử” đã bắt đầu gặt hái những thành quả của việc theo Hồng Đạo. Từ những nghệ sĩ ít nhiều có năng khiếu và tâm huyết, họ đã trở thành những tài năng lỗi lạc, giống như quỷ thần đã nhập vào họ. Và không nghi ngờ gì, chính tình yêu với bản chất tôn thờ đã làm nên điều kỳ diệu.

Hưng đã biến căn phòng vốn sạch sẽ ngăn nắp thành một nơi bừa bộn, bởi sự sạch sẽ ngăn nắp giờ đây chẳng còn ý nghĩa gì trước niềm đam mê quên cả trời đất và cả bản thân. Anh đàn, và viết nhạc, với “khuôn nhạc của anh to như những luống cày, như những đường ray không thẳng hàng, nốt nhạc thì có khi chỉ là những nét vạch chéo, những vòng tròn lệch, và những dấu móc thì bay bướm như lá cờ phướn, như đuôi con chim trĩ”. Không có thời gian cho sự nắn nót, khi thác âm thanh mà chỉ mình anh nghe thấy ập đến, nếu không viết vội ra giấy thì chúng sẽ kéo nhau bay đi mất. Đó là lúc người nghệ sĩ chìm trong một sự quên lãng ngọt ngào, và cả thế giới chung quanh không còn tồn tại đối với chàng. Chàng đã viết 15 bản sonate, trong đó có Sonate Cánh Chim mà chàng đắc ý nhất. “Hưng sử dụng nhiều hợp âm rải để tạo ra sự mênh mang của nỗi nhớ, và khi giai điệu đi đến cuối con đường của nó, anh để cho tay trái lồng lên với những chùm hợp âm táo bạo chuyển sang Mi trưởng”. Rồi “chàng đàn đi đàn lại không biết bao nhiêu lần, quên cả mệt mỏi, quên cả thời gian, quên cả giấc ngủ…

Chưa hết.

Nhưng bỗng nhiên đang bước đi giữa phố thì dòng nhạc ở đâu bỗng lùa về như gió lộng trong thảo nguyên mênh mông giữa đêm lạnh buốt. Chàng nhìn thấy một ánh lửa du mục cháy lập lòe trong sương mù và chàng hoảng hốt, cuống cuồng sợ dòng nhạc trôi đi mất.

Đó là lúc chàng cho ra đời bảnSonateTheoGióBayvới số phận trôi nổi. Nó bị gió cuốn đi tan tác và chỉ quay trở lại với chủ nhân do một sự may mắn đặc biệt.

Nguyễn Xuân Đắc “tạc hai bức tượng bán thân, một bức Hồng mặc áo xẩm, kẹp tóc đuôi gà, bức kia Hồng khỏa thân, tóc bay tự nhiên”. Nhưng chàng vẫn chưa ưng ý. Chàng suy nghĩ rồi quyết định ra Bãi Dâu tạc một bức tượng mà nửa thân thể Hồng như lộ ra từ trong đá, trên một ngọn núi. Sau 15 ngày đêm gần như liên tục ăn ngủ tại chỗ, chàng đã hoàn tất bức tượng mà gần như ngay lập tức nó đã làm chàng trở nên nổi tiếng ở cả trong và ngoài nước.

Còn Lê Đạo, chàng quyết định viết một pho kinh cho Hồng Đạo. Để làm việc đó, chàng đã phải đọc kỹ cả Kinh Tân Ước của đạo Ki Tô, 160 bài phong của Kinh Thi, và Nam Hoa Kinh của Trang Tử. Rồi chàng quyết định tìm ra bút pháp riêng của mình. Trong Hồng Đạo Kinh, chàng đã chép lại mọi việc, từ lúc Hồng ra đời, lớn lên thành một tuyệt thế giai nhân, kể lại các mối tình của ba đạo tử chính thức và của Kẻ Điên Khùng chống lại họ nhưng thực chất cũng là tín đồ Hồng Đạo.

Một pho “kinh” như vậy đương nhiên là làm cho rất nhiều tầng lớp trong xã hội nổi điên. Đặc biệt là những tầng lớp đáng kính: các chính trị gia, các giáo sư, các nhà giáo dục, giới tăng lữ, và cả những lực lượng “bảo vệ chế độ”. Nhưng họ càng phê phán bao nhiêu thì càng làm cho giới tín đồ của Hồng Đạo đông đảo bấy nhiêu, nhất là trong giới trẻ.

Trong khi đó, Kẻ Điên Khùng, đóng vai một nhà sư khất thực, vốn không muốn chia sẻ tình yêu với bất cứ ai, đã không từ một hành động cực đoan và dã man nào để triệt hạ mọi nguy cơ phải chia sẻ. Y đã đập phá tan tành chiếc piano của Hưng, hai bức tượng bán thân tả Hồng và bức tượng Đắc tạc chính mình dưới chân Hồng trên núi ở Bãi Dâu. Rồi y lần lượt bắn chết Đắc và Hưng, bắn trọng thương Lê Đạo (mà y tưởng là cũng chết). Sau đó, y đánh thuốc mê Hồng, vác nàng ra bến sông, trói nàng lại, và khi Hồng tỉnh dậy, y đã tự thiêu trước mặt nàng.

Lê Đạo, linh hồn của Hồng Đạo, tuy không chết vì ba phát súng của Kẻ Điên Khùng, nhưng đã tự tìm đến với Thần Chết sau một cuộc gặp đầy bất ngờ. Nhưng trước khi nói đến cuộc gặp đó, ta hãy nói đến một nhân vật nữa. Đó là nhân vật thứ năm, một nhân vật phụ. Ông ta là Hoành Bá, một chủ tiệm chạp phô người Tàu, không biết cả chữ Việt lẫn chữ Tàu và bỗng nhiên trở nên giàu có vì bán được bộ chén cổ mà Lê Đạo phát hiện ra trên đó có ghi “Càn Long nội phủ”. Bán xong thì ông ta không còn sống ở Sài Gòn nữa.

Lê Đạo nằm viện gần một năm. Vào thời gian cuối, chàng nghe tin Hồng mất tích và có khả năng đã tự sát. Vừa ra viện, chàng đã lập tức tìm đến nhà Hồng. Không dò được gì, chàng quyết định đi Phan Thiết tìm Hoành Bá với hy vọng dò hỏi được điều gì đó về tung tích của Hồng. Có thể nói câu chuyện đã chấm dứt tại đó. Một kết thúc quá bất ngờ nhưng không phi lý: Lê Đạo nhận ra người đàn bà trẻ đẹp đang ngồi đấm lưng cho Hoành Bá chính là đối tượng tôn thờ của cái Đạo của chàng và các bạn chàng! Diễn biến tiếp theo dẫn đến cái chết logic của Lê Đạo chỉ còn là để hoàn tất câu chuyện.

Lê Đạo chết. Nhưng không phải chết cho Đạo, mà chết vì sự sụp đổ của Đạo. Vì đối tượng để tôn thờ tỏ ra quá tầm thường.

Việc Lê Đạo phát hiện ra sự tầm thường của Hồng đã đưa anh và chúng ta trở lại thế giới thực. Đó là một thế giới với không ít những cái đẹp, nhưng cũng đầy những cái không đẹp, và cả những cái rất xấu. Trong những cái không đẹp có thế giới nội tâm của những người đẹp, kể cả những người đẹp đến mê hồn, đẹp đến mức mà nhìn vào ta hầu như luôn có cảm giác chiều sâu tâm hồn họ là vô hạn. Ta không thể tin rằng họ có thể làm việc gì đó không xứng đáng. Nếu bạn là nhạc sĩ chẳng hạn, bạn sẽ tin rằng nàng có thể cảm thụ được đầy đủ các bản nhạc mà bạn soạn ra. Không loại trừ có những người đẹp như vậy, nhưng than ôi, đa số những người đẹp không thuộc loại đó!

Như vậy thì Đạo, Đắc và Hưng là những kẻ ngu xuẩn chăng? Họ đã tôn thờ cái không đáng tôn thờ? Bằng chứng là cuộc gặp cuối cùng giữa Lê Đạo và Hồng tại nhà Hoành Bá? Những đầu óc thực dụng hoàn toàn có thể dùng sự kiện này và cái kết cục bi thảm của câu chuyện để chứng minh rằng các “đạo tử” là những kẻ điên rồ, ngu ngốc, thậm chí kết tội họ vì đã đầu độc hàng ngàn thanh niên trong trắng.

Nhưng việc đánh giá họ lại là vấn đề khác. Ở đây, cần phân biệt đối tượng của sự tôn thờ với bản thân sự tôn thờ, phân biệt người được yêu với tình yêu. Tình yêu thực sự, dù là mù quáng, dù là hướng tới một người không đáng được yêu, vẫn có nét đẹp của nó. Sự tôn thờ, nhất là tôn thờ cái đẹp, bao giờ cũng có khía cạnh đáng trân trọng. Ngay cả sự tôn thờ của Kẻ Điên Khùng cũng không hoàn toàn đáng lên án.

Cho dù Hồng không đáng để những người đàn ông kia yêu say đắm và tôn thờ như vậy, nhưng rõ ràng chính sự say mê chứ không phải bất kỳ điều gì khác đã giúp họ làm nên những tác phẩm để đời, đóng góp vào kho tàng những giá trị tinh thần cao quý của nhân loại. Liệu có bao nhiêu người “tỉnh táo” làm nổi những việc như vậy?

Người ta vẫn có thể lấy cái kết cục bi thảm để chê bai ba chàng nghệ sĩ. Điều này thật khó có thể dùng lý luận mà minh định. Chỉ xin so sánh việc họ đàng hoàng chấp nhận cái chết với chi tiết cuối cùng trong truyện ngắn bất hủ “Đêm Ai Cập” của Pushkin: khi nữ hoàng Cleopatra ra giá là cái chết cho một đêm hoan lạc cùng nàng, vẫn có những kẻ hiên ngang chấp nhận. Họ đến với Thần Chết một cách bình thản, chấp nhận thà chết còn hơn kéo dài một cuộc đời vô vị. Có thể gọi họ là những tín đồ của Cleo-đạo.

Và nói về nghệ sĩ, xin trích những câu cuối trong một bài ca của người ca sĩ – thi sĩ ứng tác cũng trong “Đêm Ai Cập”:

  • Đó, thi sĩ, đội trời đạp đất
  • Bước chân đi và cất lời ca
  • Như cánh chim ưng mãi bay không mỏi
  • Như con tàu thường rời bến đi xa.
  • Không bận tâm ai chê, ai thích
  • Không hỏi vì sao cơn lốc xoáy tròn
  • Không bực bội vì sao người mỹ nữ
  • Yêu chàng da đen, người dũng tướng cô đơn.

Và Kẻ Tử Đạo Cuối Cùng của Đào Hiếu mãi là một bài ca đẹp.

NGUYỄN TRẦN SÂM

CHÚ THÍCH: Những câu thơ ở cuối bài trích từ bản dịch “Đêm Ai Cập” của Nguyễn Trần Sâm, đã đăng trên website Lề Bên Trái của Đào Hiếu. (Hiện còn lưu trên website của Nguyễn Xuân Khoa xuankhoa.violet.vn). “Người mỹ nữ” và “chàng da đen” nói về Desdemona và Othello của Shakespeare.

Những điều cần biết trước khi mang bầu

Nguyễn Viện

Không thể chịu đựng nổi cái tình trạng phẳng lì khô khốc, hắn muốn thoát ra bằng cách nhảy từ ban công tầng bảy xuống bãi cỏ bên dưới. Hắn không nghĩ rằng bãi cỏ mượt sẽ làm hắn thoải mái hơn hay bớt tẻ nhạt hơn, mà đơn giản chỉ vì hắn muốn thay đổi. Kiểu gì cũng được, miễn là khác đi. Hắn chán cái việc phải đi làm mỗi ngày. Chán những bữa cơm trưa. Chán những buổi cà phê sáng. Chán những chầu nhậu. Chán phải nói năng. Chán phải có thái độ. Chán những viên thuốc hạ huyết áp và tăng tuần hoàn não. Chán bọn trơ tráo. Chán bọn ồn ào. Chán bọn trình diễn. Chán màu mè. Chán hiện tại và chán cả tương lai. Chán muốn nôn mửa.

L nói với hắn: “Em muốn xuống nghĩa trang quân đội cũ.”

Hắn hỏi: “Em cũng muốn làm tử sĩ à?”

L nói: “Không. Có cái gì đó thôi thúc em phải xuống đó. Anh biết nghĩa trang quân đội cũ không?”

Hắn bảo: “Biết. Ngày xưa đi trên xa lộ Hà Nội có thể nhìn thấy nó. Gần ngã ba Tân Vạn.”

L hỏi: “Anh dẫn em xuống đó được không?”

Hắn nói: “Được.”

L bảo: “Vậy khoảng 7 giờ sáng mai. Anh đón em ở chùa Từ Phước nhé.”

Hắn hỏi: “Em làm gì ở chùa Từ Phước?”

L nói: “Tụng kinh.”

Hắn nghĩ, L đã đi xuyên qua thế giới.

Bây giờ, đi trên xa lộ Hà Nội chỉ nhìn thấy nghĩa trang liệt sĩ của chế độ đương thời.

Xa khuất về phía bên kia đường là nghĩa trang quân đội chế độ cũ, có lẽ đây là nghĩa trang quân đội duy nhất còn lại của một chế độ đã bị xóa sổ.

Không còn nhìn thấy tượng chiến sĩ vô danh ngồi an nghỉ bên đường, toàn bộ khuôn viên rộng lớn và hoàn chỉnh của nghĩa trang này đã bị chia cắt và lấn chiếm xây dựng các công trình quân sự lẫn dân sự khác. Phong thủy địa lý hình thế con ong của nghĩa trang bị phá vỡ.

Phần còn lại của nghĩa trang là những ngôi mộ hoang tàn được cư dân địa phương tự nguyện chăm sóc, ngoài một số ít được thân nhân thuê trông coi, nhang khói.

L mua một bó hoa, ít bánh và hai bó nhang lớn.

Hắn phải đoán chừng mới tìm được đường vào nghĩa trang vì những dấu vết oai hùng và tôn nghiêm cũ đã bị hủy hoại.

Một anh bảo vệ của một xưởng sản xuất gần đó nhận biết họ muốn gì. Anh ta vẫy họ lại và chỉ lối vào Đền Tử sĩ. Giống như một cái miếu hoang, cây cỏ mọc um tùm che kín phía trước. Họ phải leo lên các bậc cấp phía sau, nơi có một số thanh niên đang đốt rác. Những người này chỉ họ chỗ để cúng và họ nói theo, “nhớ cúng gà”.

L nói: “Đất nước khốn nạn vì những linh hồn không được siêu thoát.”

L bày ít bánh lên cái dĩa. Cắm hoa vào bình. Và thắp nhang. Hắn không biết L khấn vái như thế nào. Nhưng hắn biết cô thành kính.

Hắn ra ngoài nhìn quanh.

U uất. Hắn nghĩ, L bước vào cõi oan khiên.

Cúng xong, họ quay trở lại chỗ gởi xe và hỏi người bảo vệ khu nghĩa trang ở đâu. Anh ta chỉ đường.

Hắn chạy xe qua cổng “Nghĩa trang Bình An”. Những người bảo vệ nghĩa trang chặn lại, hỏi: “Đi  đâu?”

Hắn đáp: “Đi thăm mộ.”

Hỏi: “Mộ ai?”

Đáp: “Tất cả các mộ.”

Bảo vệ: “Vô văn phòng khai tên tuổi, địa chỉ.”

Hắn kiếm chỗ dựng xe. L vào văn phòng, cô ghi vào sổ: “Trần Thị Mít. Địa chỉ: số 1 Lê Duẩn. Tp. HCM.”

Hắn hỏi: “Chạy xe vào trong được không?”

Bảo vệ: “Được.”

L leo lên xe, hắn từ từ chạy vào khu vực trung tâm. Một bảo vệ chạy theo, bảo cấm chụp hình, quay phim. Sau đó anh ta quay lại.

Cây kiếm thiêng của Nghĩa Dũng đài đã mất ngọn. L đứng vái ba lần.

Một cậu bé đi tới tỏ ý muốn hướng dẫn họ tham quan. Họ đến bàn thờ cúng ở khu dành cho binh lính. L đốt tất cả số nhang mang theo, rồi họ cùng cắm từng cây nhang dưới chân mỗi ngôi mộ.

L hỏi cậu bé: “Ai trồng những cây tràm này?”

Cậu bé nói: “Bộ đội.”

L đi sâu xuống từng nấm mộ.

Rễ cây tràm đâm xuyên qua những xác chết và trói chặt các linh hồn. Thân xác thì đau đớn. Linh hồn thì ngục tù.

Cậu bé dẫn họ lại khu mộ mấy ông tướng và mộ của người đã làm mẫu cho bức tượng chiến sĩ vô danh. Một người bảo vệ nghĩa trang lượn xe gần chỗ họ. Cậu bé bảo nếu muốn chụp hình thì cậu trông chừng cho.

L đã bay lên ngọn cây.

Cô nhìn thấy một đám đông đi vào nghĩa trang. Họ mang theo hoa và những bịch cháo. Trong một thoáng rất nhanh, trên mỗi ngôi mộ đều có một bông hoa và một bịch cháo.

Cô nói: “Hãy an nghỉ.”

Trong lúc đó, hắn nghe được tiếng hát như lời sông núi và đám đông biến mất. Cùng lúc hắn thấy nhiều người “bảo vệ” xuất hiện.

L về chùa.

Cô lấy cái dùi gõ mõ gõ vào đầu gối Phật, nói: “Ngồi mãi không chán à?”. Phật im lặng. Ông “Thày dùi”, L gọi thế vì ông lúc nào cũng cầm cái dùi, đang đứng gần đó nghe thấy, nói: “Thày thì rất chán, nên lúc nào cũng phải tập cái đầu gối”. L bảo: “Đừng xưng Thày với tôi. Tôi là con Phật, nhưng không phải đệ tử ông.” Ông “Thày dùi” nói: “Cũng chẳng sao. Cái áo không làm nên thày tu.” L đáp: “Đúng vậy. Ông mặc cà sa nhưng không phải thày tu.” Ông “Thày dùi” bảo: “Lại càng đúng. Tu tại tâm mà.” L nói: “Ông trơ tráo không khác gì đồng bọn.” Ông “Thày dùi” cười đểu: “Cô nói đồng bọn nào?” L bảo: “Đồng bọn nào thì ông tự biết.”

Sư phụ của L đã già. Không biết có phải là chân tu hay không, nhưng cụ phó mặc mọi sự cho ông “Thày dùi” khi ông thày giả hiệu này được điều từ ở đâu đó về trụ trì và đòi quyền điều hành.

Sư phụ dạy L về khí công. Cô không mưu cầu sự giải thoát mà chỉ muốn thân xác được khỏe mạnh và tĩnh tại tinh thần. Tuy nhiên, sư phụ thường bắt L phải tụng kinh trong tư thế kiết già mỗi sáng một tiếng đồng hồ. Cụ muốn đưa L lên một cảnh giới cao hơn.

Ông “Thày dùi” cũng tụng kinh sáng chiều, nhưng ông thích uống rượu. Và ông thường uống rượu trong phòng riêng với một số thiện nam, tín nữ.

Bạn hắn bảo: “Những người tu hành thường có nội lực rất mạnh. Đàn bà mê lắm. Cái sức mạnh được coi là “siêu nhiên” và “tinh tuyền” đó dễ dàng đưa tâm tình hiến dâng của các bà tới cõi cực lạc”.

Hắn nghĩ, sự hàm dưỡng nào cũng tốt.

Bạn hắn nói: “Hồi trước 1975, tôi đã từng ở trong chùa 3 năm, khi có nguy cơ bị lộ tông tích.”

Hắn nói: “Có nghĩa là ông cũng từng là một nhà tu giả hiệu?”

Bạn hắn bảo: “Không. Tôi ở trong chùa, nhưng rất ghét sư sãi. Vì thế, tôi không phải là một nhà tu giả hiệu.”

Hắn hỏi: “Ông ăn cơm chay, có tinh tiến không?”

Bạn hắn nói: “Tôi chay mà không tịnh, nên có cái tinh tiến, có cái giật lùi. Tuy nhiên, tôi có một kinh nghiệm là cái gì được tập trung cao cũng tạo nên một sức mạnh đáng kể”.

Hắn hỏi: “Theo ông, cái gì bây giờ cần được tập trung nhất?”

Bạn hắn nói: “Về phương diện cá nhân, tôi muốn tập trung vào cái chết.”

Hắn lại hỏi: “Thế còn không phải cá nhân?”

Bạn hắn nói: “Cũng thế thôi. Khi bạn muốn thay đổi, cần phải có cái gì đó chết đi.”

Hắn hỏi lại: “Cái gì phải chết đi?”

Bạn hắn nói: “Một trở lực nào đó.”

Hắn bảo: “Chán nhất là cứ phải nói vòng vo.”

Bạn hắn cười: “Ông không biết là bọn cựu trào chúng tôi lúc này đang được chăm sóc kỹ à?”

Hắn nói: “Tôi không rõ lắm. Nhưng tôi nghĩ chính các ông phải là những người đầu tiên phản tỉnh. Các ông không thể nhắm mắt mãi. Không thể ngậm miệng ăn tiền mãi.”

Bạn hắn cười: “Dường như sự chai lì của cuộc sống đã làm cho người ta không còn bận tâm đến việc mình còn có lương tri hay không. Xét cho cùng cũng là vì hèn. Cũng đành phải nói theo kiểu AQ Nguyễn Tuân, nhờ hèn mới sống được. Trong khi tất cả chúng ta đều tỉnh, từ thằng dân đen đến thằng cai trị. Chỉ vì tham thành ra ác. Cũng vì tham mà bọn cai trị sẽ không bao giờ thay đổi thể chế. Độc tài là thành trì vững chắc của đặc quyền và đặc lợi. Vì thế, quyền lãnh đạo tuyệt đối và toàn diện của Đảng sẽ vẫn cứ muôn năm. Trừ ra, khi những áp lực xã hội đủ mạnh để nó tự diễn biến.”

Hắn nói: “Tôi nghĩ đã đến lúc Tiếng hát những người đi tới[i] (*) phải biến thành tiếng khóc của sự sám hối. Nếu cả đến sự sám hối cũng không thể được bày tỏ, vì bất cứ lý do gì, thì đấy là sự mạt vận.”

Bạn hắn hỏi: “Ông có biết vụ anh em cựu trào vừa rồi có dự định tổ chức một cuộc họp mặt không?”

Hắn nói: “Tôi có nghe loáng thoáng mấy ông định tổ chức ở Sài Gòn, nhưng không được, rồi phải mang ra Đà Nẵng, cũng không biết có thành không?”

Bạn hắn bảo: “Đảng sợ tất cả mọi cuộc tụ tập biểu hiện những khuynh hướng tự do. Cái vòng kim cô đang xiết lại. Một loạt các hoạt động tư tưởng văn hóa độc lập vừa rồi đã bị cấm…”

Hắn nói: “Đến mấy thằng ‘No U’ tụ tập đi đá bóng cũng bị làm khó dễ, thì những người tự cho rằng mình là ‘những người đi tới’ nên tự đâm đầu xuống lỗ.”

Bạn hắn cười: “Thì tôi đã tự chôn mình rồi đó thôi.”

L đang ngồi dưới chân tượng Phật. Cô sợ sự vọng động của mình. Nhưng cô không sợ những bóng ma lảng vảng.

Ông “Thày dùi” ngồi xuống cạnh cô. Ông cầm dùi gõ vào chiếc mõ và nói: “Cô ngồi mãi mà không mỏi chân à?”. Cô nói: “Tôi chỉ mỏi đít thôi.” Ông “Thày dùi” bảo: “Vào phòng tôi, đít cô sẽ bay bổng.”

L nghĩ, cô cần đi tìm hắn.

Hắn nghĩ, đít bay bổng hay đầu bay bổng cũng không khác nhau mấy.

11.5.2012

© 2012 pro&contra


[i] Tiếng hát những người đi tới,  tuyển tập “giới thiệu các hoạt động đấu tranh của phong trào sinh viên học sinh thời chống Mỹ của Thành phố Hồ Chí Minh cùng một số tỉnh thành ở miềnNam”. NXB Trẻ, 1990.

Tác phẩm Đào Hiếu

 

*

TÁC PHẨM ĐÀO HIẾU

Mời bạn nhắp chuột vào đường link dưới đây để đọc các tác phẩm của Đào Hiếu

<a href = “http://daohieuvn.wordpress.com/“> click here! </a>

Bài tập tiếng Anh của Napoleon giá 8 tỷ đồng

Bức thư Napoleon viết bằng tiếng Anh vừa được bán với giá 405.000 USD (trên 8 tỉ đồng) trong một cuộc đấu giá vừa diễn ra hôm 10/6.

Bức thư được viết năm 1816 này là bài tập về nhà mà Napoleon gửi cho giáo viên người Anh của mình. Đây là một trong 3 bức thư duy nhất được Napoleon viết bằng tiếng Anh còn tồn tại trên thế giới, theo nhà tổ chức cuộc đấu giá. Chính vì vậy, Bảo tàng bản thảo và thư tín ở Paris, Pháp đã trả giá sát sao để mua bằng được nó.

Bức thư này đã được trả giá cao hơn gấp 5 lần dự đoán chính bởi giá trị lịch sử của nó. Thêm nữa, đây là một bức thư ghi lại bút tích bằng tiếng Anh rất hiếm của Napoleon, người đã cố gắng học để nói được tiếng Anh vào những năm cuối đời. Bức thư được ông viết tại một hòn đảo xa xôi ở Saint Helena sau khi thua trận Waterloo.

Jean-Pierre Osenat, Chủ tịch nhà đấu giá Osenat nói: “Napoleon luôn dành sự ngưỡng mộ đặc biệt cho nước Anh, ở cả khía cạnh lịch sử và thể chế. Người Anh đã sai, Napoleon không căm thù họ… “. Tuy nhiên, lý do Napoleon học tiếng Anh không chỉ có vậy. “Tất nhiên ông ấy luôn lo lắng cho hình ảnh của mình. Ông ấy muốn đọc những bài viết về mình trên báo chí Anh”,  Jean-Pierre Osenat nói tiếp.

Napoleon đã học tiếng Anh nhiều tháng trời, và hầu hết vào lúc nửa đêm. Đoạn mở đầu của bức thư vừa đấu giá viết: “Lúc này đã là 2 giờ sáng” và kết thúc với câu “giờ đã là 4h sáng”. Nó được viết cho Count Las Cases, giáo viên của ông. Trong thư Napoleon Bonaparte đề nghị giáo viên chỉ ra những chỗ sai và sửa giúp ông.

Alain Nicolas, chuyên gia phân tích bản thảo thế kỷ 19 Alain Nicolas nói đây là một trong những bức thư viết bằng tiếng Anh cuối cùng trước khi Napoleon Bonaparte qua đời vào ngày 5/5/1821 ở tuổi 52.

Linh Anh – Theo AP

9 lời tiên đoán cho nhân loại trong 100 năm tới.

Sẽ xuất hiện những con người vô cùng thông minh và bất tử, não người sẽ có khả năng thần giao cách cảm, hay Nam Cực sẽ trở thành nơi kinh doanh… là những lời tiên đoán cho nhân loại 100 năm tới.

Sau khi 10 tiên đoán của kỹ sư Watkins người Mỹ biến thành sự thật,BBC đã có một cuộc tham khảo ý kiến độc giả để đưa ra những dự đoán về số phận con người trong 100 năm tới. Trải qua nhiều lần tổng kết, phân loại cùng với sự giúp đỡ của nhà nghiên cứu tương lai Pearson, BBC đã lọc ra được những dự đoán có xác suất cao nhất.

1. Đại dương sẽ trở thành một nông trại lớn không chỉ để nuôi cá

Đúng như vậy, tương lai cả thế giới sẽ có 10 tỉ người phải nuôi dưỡng và thiên nhiên trên mặt đất không theo kịp điều đó. Vì vậy đại dương sẽ là nơi canh tác mới với nhiều loại thực phẩm chứ không đơn giản là cá như hiện nay.

Một trong số đó là tảo và các loại rong biển, đây có thể là nguồn cung cấp thực phẩm quý giá và cũng có khả năng phục hồi các vùng nguyên liệu hóa thạch dưới đáy biển.

Khả năng xảy ra: 10/10

2. Máy tính giúp con người tăng gấp đôi khả năng hoạt động của não

Đối với nhiều người có thể điều này sẽ đến sớm hơn – vào khoảng năm 2050, còn lại phần đa chúng ta sẽ đạt được vào năm 2075. Trong thế giới hiện đại, máy tính sẽ trở thành một phần và giúp bộ não của con người có những khả năng hoạt động gấp 2 lần bình thường.2. Máy tính giúp con người tăng gấp đôi khả năng hoạt động của não

Khi điều này xảy ra vào cuối thể kỷ này đồng nghĩa với việc sẽ có rất nhiều người làm việc với khả năng vượt trội. Điều này sẽ làm cho chúng ta có một cuộc sống cạnh tranh hơn.

Khả năng xảy ra: 10/10

3. Khả năng thần giao cách cảm

Đây được xem như một khía cạnh của sự phát triển bộ não loài người. Những suy nghĩ của chúng ta sẽ được định vị tại một số phần của bộ não, sau đó chuyển trực tiếp đến những bộ não khác. Khi đó việc truyền thông tin qua ý nghĩ sẽ đơn giản như cách chúng ta chia sẻ thông tin thông qua mạng internet hiện nay.

Khả năng xảy ra: 10/10

4. Thành công trong kiểm soát năng lượng từ phản ứng hạt nhân

Điều này có thể thực hiện được vào năm 2045-2050, nhưng chắc chắn sẽ được thực hiện vào năm 2100. Các nhà khoa học cho rằng khả năng xảy ra của giả thuyết này là rất cao và đây cũng là một con đường mới giúp con người ít phụ thuộc vào các loại năng lượng hiện có hơn.

Thời điểm đó có lẽ những loại năng lượng chính sẽ bao gồm khí hóa thạch, mặt trời, gió và năng lượng hạt nhân.

Khả năng xảy ra: 10/10

5. Những con người vô cùng thông minh và bất tử

Từ những công nghệ về ADN và robot, các nhà khoa học sẽ tiến đến việc sản xuất ra những con người vô cùng thông minh và bất tử.

Nhiều khả năng họ sẽ liên kết bộ não với các linh kiện điện tử để có được cuộc sống bất tử cũng như thông minh hơn rất nhiều. Tuy nhiên để đạt được điều đó, con người sẽ phải có một quá trình lâu dài để sống đợi đến khi công nghệ này ra đời.Ra đời những con người thông minh và bất tử do sự kết hợp giữa cơ thể và các linh kiện điện tử.

Khả năng xảy ra: 9/10

6. Một đồng tiền chung cho toàn thế giới

Điều này là rất chính đáng, hiện tại đã có những đồng tiền điện tử được sử dụng tại nhiều nơi trên khắp thế giới.

Vào giữa thế kỷ này, có thể sẽ là một số đồng tiền mang tính khu vực còn tồn tại song song với tiền điện tử, nhưng dự đoán cuối thế kỉ tất cả sẽ bị loại bỏ, chỉ còn lại một loại tiền duy nhất.

Khả năng xảy ra: 8/10

7. Nam Cực sẽ trở thành nơi kinh doanh

Thời điểm hiện tại có thể Nam Cực vẫn chỉ là những mảnh đất đầy băng và hoang vắng mặc cho những người có mặt ở đấy khai hoang. Tuy nhiên trong 100 năm tới, nơi đây có lẽ sẽ được khai thác một cách triệt để và chia ra những phần nhỏ hơn để phục vụ kinh doanh.

Tuy nhiên để có được quyền kinh doanh và khai thác tại đây, các nhà đầu tư sẽ phải chấp nhận việc sử dụng các loại công nghệ không gây ảnh hưởng đến tự nhiên.

Khả năng xảy ra: 8/10

8. Hôn nhân đồng tính sẽ trở nên phổ biến hơn

80% các quốc gia trên thế giới sẽ chấp nhận hôn nhân đồng tính

Điều này là hiển nhiên khi mà hiện tại một số nước phương Tây đã chấp nhận điều này. Khi đó mỗi người đồng tính có thể lựa chọn người kết hôn với mình thoải mái, thậm chí là những người bình thường. Tuy nhiên tại một số khu vực, có thể điều này vẫn sẽ bị cấm do các quan niệm tôn giáo.

Khả năng xảy ra: 8/10

9. Khả năng điều khiển thời tiết

Hiện nay đã có một số công nghệ điều khiển thời tiết như việc can thiệp vào các cơn lốc xoáy và mưa. Trong 100 năm tới hứa hẹn con người sẽ tạo ra được những loại công nghệ mới để có thể kiểm soát thời tiết khi chúng ta cần.

Tất nhiên chúng không đủ rẻ để sử dụng một cách thường xuyên, tuy nhiên những nơi có nguy cơ cao và trong các trường hợp nguy hiểm thì công nghệ này sẽ phát huy tác dụng.

SƯU TẦM

Aung San Suu Kyi – Tự do khỏi nỗi khiếp sợ

*

Lâm Yến dịch

Không phải quyền lực làm cho tha hóa, mà chính là sự khiếp sợ. Sự khiếp sợ đánh mất quyền lực làm tha hóa những kẻ đang nắm trong tay quyền lực và sự khiếp sợ bị quyền lực trừng phạt làm tha hóa những người đang nằm dưới tay quyền lực. Đại đa số người Miến quen thuộc với bốn gati, bốn hình thức của tha hóa. Changda-gati (Tham), sự tha hóa bắt nguồn từ lòng ham muốn, là sự từ bỏ chính đạo để tìm kiếm tặng vật bất chính hay những thứ mình thèm khát. Dosa-gati (Sân) là việc đi vào lạc đạo nhằm trừng phạt những người mà mình ghét bỏ, Moga-gati (Si) là sự sai lầm do si đần. Nhưng có lẽ cái tồi tệ nhất trong bốn hình thức tha hóa là Bhaya-gati (Úy), không phải chỉ vì bhaya (sự khiếp sợ) làm tê cứng và dần phá hủy tất cả các cảm giác về đúng-sai, mà nó thường là nguồn cơn của ba hình thức tha hóa còn lại. Giống như Tham, khi không bắt nguồn từ tính hám lợi thuần túy thì có thể là sản phẩm của sự khiếp sợ cảnh nghèo túng hoặc sợ làm phật lòng những người mình yêu quí, sự khiếp sợ bị vượt qua, bị lăng nhục hoặc thương tổn theo cách nào đó có thể xô đẩy con người đến những ác ý. Cũng khó có thể xua tan u mê trừ phi có tự do theo đuổi chân lý và không bị trói buộc bởi sự khiếp sợ. Với quan hệ gần gũi đến thế giữa sự khiếp sợ và tha hóa, không có gì phải ngạc nhiên là ở bất kỳ xã hội nào, khi sự khiếp sợ lan tràn, tha hóa dưới mọi hình thức sẽ bám rễ sâu trong lòng xã hội.

Việc công chúng không hài lòng với những khó khăn kinh tế vẫn được nhìn nhận là nguyên nhân chính dẫn tới phong trào đòi dân chủ ở Miến, được châm ngòi bởi những cuộc biểu tình của sinh viên năm 1988. Đúng là nhiều năm với những chính sách thiếu ăn nhập, các giải pháp sai lạc của chính quyền, lạm phát leo thang và thu nhập thực tế tụt giảm đã đưa đất nước đến tình trạng khủng hoảng kinh tế. Nhưng không phải những khó khăn trong việc nâng cao hơn mức sống – ở mức gần như không thể chấp nhận được – là lý do duy nhất xói mòn lòng kiên trì của người dân vốn đôn hậu và hiền lành, mà còn do sự lăng nhục bởi một lối sống bị biến dạng bởi tha hóa và khiếp sợ.

Các sinh viên đã đấu tranh không phải thuần túy vì cái chết của các đồng chí, mà còn chống lại sự phủ nhận quyền được sống của họ bởi chính thể toàn trị – một chính thể đã tước đi sự hiện diện của lẽ phải và không đem đến bất kỳ một hi vọng nào cho tương lai. Và vì các cuộc tranh đấu của sinh viên đã truyền tải rõ ràng sự thất vọng của công chúng, những cuộc biểu tình này lan nhanh thành một phong trào toàn quốc. Một trong những người ủng hộ nhiệt thành nhất cho phong trào là các doanh gia, những người đã hình thành những kỹ năng và quan hệ cần thiết để không chỉ tồn tại mà còn giàu có trong hệ thống. Nhưng sự giàu có không đem đến cho họ cảm nhận thực sự về an ninh và thành đạt, và họ không thể không nhận thấy rằng nếu họ và đồng bào họ, bất kể địa vị kinh tế, muốn có được một sự sinh tồn khả dĩ thì một bộ máy nhà nước khả tín ít ra phải là điều kiện cần, nếu không phải là điều kiện đủ. Người dân Miến đã lo ngại về tình trạng bấp bênh của kẻ nằm dưới sự trị vì của người khác, khi mà thân phận họ “như nước trong bụm tay” của những kẻ nắm quyền lực tối cao.

Chúng ta đẹp xanh như ngọc 
Trên bụm tay người 
Nhưng ôi, chúng ta cũng có khi là 
Những vụn gương vỡ nát 
Trên bụm tay người

Các vụn gương, những mảnh nhỏ nhất, óng ánh và sắc nhọn, có thể tự bảo vệ mình khỏi những bàn tay muốn nghiền nát chúng là một biểu trưng sống động của tinh thần can đảm, một phẩm chất cần thiết của những người muốn giải phóng mình khỏi sự kìm kẹp của bạo quyền. Bogyoke Aung San coi mình là một nhà giải phóng và không ngừng tìm kiếm câu trả lời cho những trở ngại mà Miến Điện gặp phải trong thời khắc thử thách của dân tộc. Ông hô hào đồng bào mình hãy can đảm hơn: “Hãy đừng lệ thuộc vào lòng can đảm và tinh thần dũng cảm của người khác, mỗi người trong các bạn hãy biết hi sinh để trở thành một anh hùng và tạo dựng sự dũng cảm và can đảm của chính mình. Chỉ đến khi đó chúng ta mới có thể cùng chung hưởng tự do thực sự”.

Nỗ lực cần thiết để tránh không bị tha hóa – trong một môi trường mà sự khiếp sợ là một phần máu thịt của sự tồn tại hàng ngày – không tức khắc rõ ràng với những người có may mắn sống trong những nhà nước có sự hiện diện của pháp quyền (rule of law). Luật pháp công minh không chỉ ngăn chặn sự tha hóa thông qua việc trừng phạt không thiên vị những kẻ phạm pháp. Luật pháp còn giúp tạo dựng một xã hội mà trong đó mọi người có thể thỏa mãn những yêu cầu căn bản-vốn thiết yếu cho việc bảo tồn nhân phẩm con người mà không cần phải cầu viện đến những hành vi tha hóa. Khi thiếu vắng luật pháp như thế, gánh nặng gìn giữ các nguyên tắc của công lý và sự đoan chính chuyển sang vai những con người bình thường. Chính hiệu ứng tích lũy những nỗ lực bền bỉ và sự nhẫn nại sẽ thay đổi một dân tộc – nơi lý trí và lương tri bị bóp méo bởi sự khiếp sợ – sang một xã hội mới- nơi luật pháp tồn tại là để đáp ứng khát vọng của con người về sự hòa hợp và công lý, trong khi giúp ngăn chặn những tính ác trong bản chất thiên bẩm của con người.

Trong một thời đại mà sự phát triển lớn lao của kỹ nghệ đã tạo ra những vũ khí chết người-những thứ có thể được, và đang được, những kẻ nắm quyền vô đạo dùng để thống trị kẻ yếu và không có khả năng tự vệ, có một đòi hỏi cấp thiết về mối quan hệ gần gũi hơn giữa chính trị và đạo đức, trên cả cấp độ dân tộc và quốc tế. Tuyên ngôn Nhân quyền Toàn cầu của Liên hợp Quốc khẳng định rằng tất cả mọi người và mọi hợp phần của xã hội phải đấu tranh nhằm thúc đẩy tự do và các quyền cơ bản mà theo đó mọi người, bất kể chủng tộc, quốc gia và tôn giáo đều được hưởng. Tuy nhiên, chừng nào còn tồn tại các chính quyền được thiết lập dựa trên sự áp bức thay vì sự chấp thuận của công chúng, chừng nào còn tồn tại các nhóm lợi ích chỉ biết đặt lợi ích trước mắt lên trên hòa bình và thịnh vượng lâu dài, thì hành động phối hợp quốc tế bảo vệ và phát huy quyền con người bất quá chỉ là một nửa cuộc đấu tranh. Vẫn sẽ có những đấu trường nơi các nạn nhân của bạo quyền phải tự dựa vào những nội lực của chính họ để bảo vệ các quyền bất khả nhượng với tư cách là những thành viên của gia đình nhân loại.

Cuộc cách mạng rốt ráo là cuộc cách mạng trong tinh thần, được khai sinh từ niềm tin trí tuệ về nhu cầu cần phải thay đổi các thái độ và các giá trị – những thứ định hình tiến trình phát triển của một dân tộc. Một cuộc cách mạng chỉ tập trung vào thay đổi các chính sách của nhà nước và các thể chế, với mục tiêu cải thiện các điều kiện vật chất, sẽ chỉ có rất ít cơ hội thành công thực sự.

Thiếu vắng cuộc cách mạng trong tinh thần, nguồn gốc tạo ra cái vô đạo của trật tự cũ vẫn sẽ tiếp tục vận hành, gây ra một đe dọa thường trực cho quá trình cải cách và phục hồi. Sẽ không đủ nếu chỉ cổ súy cho tự do, dân chủ và các quyền con người. Cần có quyết tâm thống nhất nhằm duy trì cuộc đấu tranh, chấp nhận hi sinh vì chân lý vững bền, chống lại các ảnh hưởng tha hóa của lòng ham muốn, của ác ý, của si đần và sự khiếp sợ.

Người ta từng nói rằng các vị Thánh là những tội nhân luôn cố gắng [rửa sạch lỗi lầm của mình]. Vì thế, người tự do là những người bị áp bức luôn cố gắng và trong quá trình đó, chuyển hóa mình để thích hợp với việc gánh vác các trách nhiệm và gìn giữ các nguyên tắc cho một xã hội tự do. Trong số những sự tự do cơ bản mà con người mong ước nhằm tạo dựng một cuộc sống tràn đầy và không bị trói buộc, tự do khỏi khiếp sợ nổi lên là một phương tiện, đồng thời là mục đích. Một dân tộc muốn xây dựng một đất nước mà trong đó các thể chế dân chủ mạnh được xây dựng bền vững như là một bảo đảm chống lại sự lạm quyền của nhà nước thì trước hết phải học cách giải phóng tâm mình khỏi sự vô cảm và sự khiếp sợ.

Luôn là một người thực hành những gì mình kêu gọi, bản thân Aung San luôn chứng tỏ sự can đảm – không chỉ là những biểu hiện bên ngoài, mà còn là sự can đảm cho phép ông nói lên sự thật, giữ lời, chấp nhận phê bình, thừa nhận những lỗi lầm mình có và sửa chữa, tôn trọng đối lập, hòa đàm với kẻ thù và để dân chúng vào vị trí quan tòa phán xét sự xứng đáng của ông trong vai trò lãnh đạo. Chính vì sự dũng cảm đạo đức như thế mà ông luôn được kính yêu ở Miến – không chỉ với tư cách là một chiến binh anh hùng mà còn với tư cách là nguồn cảm hứng và lương tri cho cả dân tộc. Những từ ngữ do Jawaharlal Nehru sử dụng khi nói về Thánh Gandhi có thể áp dụng tốt trong trường hợp của Aung San:

“Tinh hoa trong các bài giảng của ngài là sự không khiếp sợ và sự thật, cùng với các hành động thống nhất với hai yếu tố này [trong khi vẫn] luôn quan tâm đến phúc lợi của đám đông”.

Gandhi, nhà truyền giáo vĩ đại của tư tưởng bất bạo động, và Aung San, người sáng lập quân đội quốc gia, là hai người có tính cách rất khác nhau, nhưng cũng giống như có sự tương đồng hiển nhiên trong những thách thức của chế độ toàn trị ở bất kỳ đâu, bất kỳ lúc nào, thì cũng có những tương đồng trong các phẩm chất vốn có ở những người đứng lên đối mặt với những thách thức ấy. Nehru, người nhìn nhận việc lan truyền lòng can đảm trong dân chúng Ấn là một trong những thành tựu vĩ đại nhất của Gandhi, là một nhà chính trị canh tân, nhưng khi ông tiếp cận với các đòi hỏi của phong trào đòi độc lập trong thế kỉ hai mươi, ông đã nhận thấy là mình quay trở về với triết học cổ điển Ấn: “Món quà lớn nhất cho một cá nhân hay một dân tộc… là Abhaya, không khiếp sợ, không thuần túy là sự can đảm bề ngoài, mà còn là sự vắng bóng sự khiếp sợ trong tâm”.

Sự can đảm có thể là một món quà, nhưng có lẽ còn quý giá hơn nếu can đảm được khơi lên từ sự nỗ lực, thứ can đảm đến từ việc gieo trồng thói quen không để sự khiếp sợ kiểm soát hành vi của mình, thứ can đảm có thể được miêu tả bằng “tự tại trước áp lực” – sự tự tại được làm mới liên tục ngay khi đối mặt với những áp lực căng thẳng và dai dẳng.

Trong một hệ thống chính trị luôn chối bỏ sự tồn tại của các quyền con người cơ bản, sự khiếp sợ có vẻ như là thuộc tính nổi bật. Sợ tù đày, sợ tra tấn, sợ cái chết, sợ bị mất đi những bạn bè, gia đình, tài sản hay phương tiện sống, sợ đói nghèo, cô lập, trước thất bại. Hình thức quỷ quyệt nhất của sự khiếp sợ là hình thức ngụy trang dưới mặt nạ common sense (lẽ thường) hoặc thậm chí là sự thông thái, kết án những hành vi can đảm bé nhỏ thường nhật – những hành vi giúp bảo toàn niềm tự trọng và phẩm giá ẩn chứa trong mỗi con người – là [những hành vi] ngu ngốc, khinh suất, không đáng giá hoặc vô ích. Không dễ dàng để quần chúng đang khiếp sợ dưới sự cai trị hà khắc hiểu rằng họ có thể tự giải thoát mình khỏi bầu khí độc của sự khiếp sợ hãi đang làm họ kiệt sức. Ấy thế mà ngay cả khi dưới sự đàn áp của những bộ máy cai trị hà khắc nhất, tinh thần can đảm vẫn trỗi dậy hết lần này qua lần khác, vì sự khiếp sợ không phải là trạng thái tinh thần tự nhiên của một người văn minh.

Suối nguồn của lòng can đảm và sự vững vàng trước bạo quyền vô hạn độ thường là lòng tin son sắt vào các giá trị đạo đức thiêng liêng kết hợp với sự hiểu biết lịch sử rằng dù cho mọi khó khăn, lịch sử loài người được đặt trên một lộ trình duy nhất là sự tiến bộ cả về tinh thần lẫn vật chất. Chính khả năng tự cải biến và sửa sai là yếu tố quan trọng nhất phân biệt con người với con vật. Cội rễ của trách nhiệm người là khái niệm hoàn mỹ, sự khao khát đạt được nó, sự thông tuệ để tìm đường đến với nó, và sự sẵn lòng đi theo con đường đó cho tới đích cuối cùng, hoặc ít ra cũng đi được khoảng cách cần thiết để vượt lên trên các giới hạn cá nhân và các trở ngại của môi trường. Chính viễn kiến của con người về thế giới tương thích với nhân tính duy lý và văn minh đã dẫn chúng ta đến chỗ dám chịu đựng mất mát để xây dựng các xã hội tự do khỏi đói nghèo và khiếp sợ. Các khái niệm như sự thực, công lý và lòng trắc ẩn không thể bị loại trừ vì lặp đi lặp lại quá nhiều trong khi chúng thường là những bức tường thành duy nhất hiên ngang chống lại bạo quyền.

__________________

Tiểu Luận “Tự do khỏi nỗi khiếp sợ” của Aung San Suu Kyi lần đầu được phổ biến để xuất bản với mục đích kỷ niệm Giải thưởng Sakharov vì Tự do Tư tưởng mà Nghị viện Châu Âu trao tặng. Lễ trao giải diễn ra tại Strasbourg vào ngày 10 tháng Sáu 1991 mà không có sự hiện diện của bà.

Nguyên bản tiếng Anh: Freedom From Fear
Nhóm Duy Tân Trẻ giữ bản quyền của bản dịch tiếng Việt

Bài đã đăng trên talawas ngày 23.4.2005

Bán thân và còn gì bán nữa?

LTS: Tôi rất thích bài báo này vì nó quá hay. Nó sâu sắc và nhân ái. Tôi còn thích nó vì nó chính là tư tưởng trong tác phẩm BÙ KHÚ TIÊN SINH của tôi, mặc dù tác giả Thùy Linh và tôi chưa hề biết nhau và rất có thể chị Thùy Linh cũng chưa hề đọc tác phẩm Bù Khú Tiên Sinh của tôi. Xin phép tác giả cho tôi được đăng lại bài này với lòng biết ơn và cảm phục. Đào Hiếu.

Thùy Linh

(Viết từ Hà Nội. Cập nhật: 09:51 GMT – thứ năm, 7 tháng 6, 2012)

Mấy hôm rồi lình sình chuyện hoa hậu, người mẫu bán dâm giữa lúc nền kinh thế suy thoái, lạm phát cao, doanh nghiệp nhà nước chết ngắc ngoải, đời sống khốn khó, nhất là với người nghèo.

Cùng lúc cũng đầy chuyện quan chức ăn cướp tiền thuế của dân, bị lộ thì đi trốn, dự án dùng tiền tài trợ của nước ngoài thâm hụt mà theo giải thích của lãnh đạo Việt Nam là “do hiểu lầm về cách chi tiêu” khác nhau.

Giữa lúc an ninh đất nước bị coi thường luôn đặt dưới tiêu chí kiếm tiền bằng mọi cách: bán mặt biển Cam Ranh, Vũng Rô cho người Trung Quốc vào khai thác. Ngoài biển ngư dân bị Trung Quốc cướp tàu, cướp hải sản và thả về trắng tay mà các báo chỉ lên tiếng yếu ớt.

Giữa lúc cả bộ máy tuyên truyền lao vào tấn công một blogger và một cụ bà 82 tuổi vì lý do mơ hồ trên giấy tờ, trắng trợn trong ý định khi họ không chịu đi về phía “định hướng”.

Rất mệt mỏi. Toàn dân mệt mỏi. Cả đất nước bị đặt trong tình trạng stress cao độ.

Thèm tiền

Mình bỗng thương Mỹ Xuân, Hồng Hà, Thiên Kim và các cô gái bị chà đạp thêm nhiều lần sau các chuyên án điều tra, bóc dỡ đường dây mại dâm này. Chính xã hội là nguyên nhân gây nên cơn “thèm tiền” đến điên loạn.

Nếu xếp thang bậc cho cơn thèm khát tiền thì quan chức đứng số Một. Họ bất chấp tất cả để lao vào kiếm tiền, các nhiệm kỳ chưa đủ còn bố trí cả vợ, con cùng tham gia. Hầu như không có quan chức nghèo, chỉ chưa là tất cả các quan chức đều có thể gọi là tỷ phú đôla mà thôi.

Việt Nam đang có cuộc chạy đua dùng hàng sang nhập ngoại

Hiếm có vợ con quan chức nào nghèo và không được học hành đây đó ở các nước phát triển. Thói xa hoa đã trở thành thương hiệu, đẳng cấp cho những người có tiền.

Càng xa hoa càng trở thành tấm gương để tạo nên một lối sống cho lớp trẻ “noi theo”.

Đắm chìm trong cuộc sống tất cả điên đảo vì tiền mà bảo tuổi trẻ nên có thái độ điềm tĩnh với tiền, vật chất thì khác gì rao giảng đạo đức suông? Rất ít người thoát khỏi tấm lưới bủa vây của tiền bạc.

Và để có được cuộc sống cho bằng người ta, tất nhiên cần tiền. Không thể kiếm tiền bằng các dự án, chính sách như quan chức, đại gia thì đương nhiên phải bán những gì mình có.

Một bên bán nhân cách, bên bán thân thể, đương nhiên mình tôn trọng người bán thân thể hơn nhiều.

Bán thân thể (có khi bán cho chính quan chức, đại gia, cán bộ bề ngoài đang lên án họ) vẫn là mức độ vi phạm nhân cách thấp hơn nhiều thói ăn cắp, dối trá, lạm dụng để vụ lợi…

“Hãy biết thương xót những cô gái trẻ bị vứt vào cuộc sống vô minh, không lối thoát, không cơ hội, bị khi rẻ nếu không có tiền, và luôn bị biến thành con thú trong cuộc săn của những kẻ có tiền.”

Ai hơn ai?

Có hoa hậu, người nổi tiếng trong giới showbiz nào chịu lấy anh chồng nghèo hay toàn thấy cặp kè với đại gia? Mối tình ấy chả có gì để nói nếu đó là tình yêu, hay không là tình yêu đi chăng nữa thì cũng là tính toán, đổi chác hai bên đều có lợi.

Cũng chả sao. Nhưng lâu nay các mối tình đó luôn được phủ bên ngoài, trên các phương tiện truyền thông như là mối tình lãng mạn, chân thành, trong sáng.

Vậy các cô gái kia bán dâm theo theo thời vụ, đương nhiên không vì tình yêu mà vì tiền thì có sao nhỉ? Mình thấy họ chân thành, trung thực hơn những người bán dâm theo hợp đồng hôn nhân.

Mà ví dụ gần đây nhất mà ai cũng biết là đơn thư tố cáo của bà Nông Bích Liên về đại biểu Đỗ Thị Huyền Tâm.

Chưa quan chức nào nhận trách nhiệm cá nhân về việc bổ nhiệm ông Dương Chí Dũng

Vậy thì Mỹ Xuân, Hồng Hà và những người khác vẫn thực sự làm mình kính trọng.

Mình thương Mỹ Xuân dang dở chuyện chồng con và dự định sẽ mở công ty người mẫu, có cuộc sống an bình như tâm sự của đồng nghiệp của em trong bài phỏng vấn. Lề thói người đời xoi mói và đánh dập đầu khó cho em cơ hội sống lại cuộc đời mới chăng?

Em không thể như đám quan chức bị lộ là có thể ra nước ngoài sống cuộc sống vẫn giàu sang như ai.

Em cũng không thể sánh với những kẻ tham ô, tham nhũng nhiều tỷ, tỷ đồng vẫn ung dung tự tại nói những chuyện đạo đức, và chả may ngã ngựa thì ra tù sau vài năm, nhà cửa vẫn chất ngất tiền tài, no đủ và hàng ngày lại rượu bia, tràn trề vui thú.

Giá mà có thể mình sẽ bắt các báo hãy nín lặng, hoặc hãy biết đau từng lời khi viết về cuộc mưu sinh của những người đang phải sống bằng “vốn tự có”. Và hãy phá bung sự bưng bít của những kẻ sống bằng “vốn ăn cắp” mà có được.

Hãy biết thương xót những cô gái trẻ bị vứt vào cuộc sống vô minh, không lối thoát, không cơ hội, bị khi rẻ nếu không có tiền, và luôn bị biến thành con thú trong cuộc săn của những kẻ có tiền.

Bộ trưởng Đinh La Thăng chỉ cần “rút kinh nghiệm” về việc bổ nhiệm Dương Chí Dũng và các sai lầm của ông, thì Mỹ Xuân, Hồng Hà, Thiên Kim cũng chỉ cần nhẹ nhàng nói với thiên hạ rằng, hãy để các em được yên và cho các em rút kinh nghiệm.

Tựa bài do ban biên tập đặt. Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả, một nhà văn có Bấmtrang blog riêng và đang sống ở Hà Nội.

BBC

CÁC ĐỒNG CHÍ ƠI, HÃY MẠNH TAY HƠN NỮA!

*

Theo dõi những vụ dân nổi dậy chống chính quyền vừa qua, đặc biệt là những vụ tranh chấp đất đai, nhắm mắt và bịt mũi cũng thấy bóng dáng và hơi hướng của những thế lực thù địch đứng đằng sau giật dây xúi bẩy.

Từ mấy chục năm nay, dân ta chỉ biết một lòng một dạ đi theo Đảng. Đảng bảo vô hợp tác là vô hợp tác, Đảng đem cho cái chi thì hưởng cái đó, Đảng bảo ra trận là ra trận, Đảng bảo Mỹ xấu thì dân nói theo Mỹ xấu, Đảng bảo phải để Đảng dắt đi là đưa tay cho Đảng dắt đi, và tuyệt đối tin tưởng rằng Đảng sẽ dắt tới thiên đường (chứ chả lẽ dân đen lại nhìn xa trông rộng hơn Đảng sao?)… Thậm chí ăn Tết cũng theo chỉ dẫn của Đảng: mừng Đảng trước rồi mới mừng Xuân thì ăn Tết mới ngon.

Rứa mà giờ đây dân đen nổi dậy quậy khắp nơi. Ép chính quyền phải đền bù đất đai với cái giá cao ngất trời, chính quyền đưa ra cái giá hàng chục ngàn, thậm chí hàng trăm ngàn đồng một thước vuông cũng không chịu. Lại còn hành hung, chống người thi hành công vụ, đánh trả cả các chiến sĩ cơ động chuyên trấn áp kẻ thù để bảo vệ cuộc sống của người dân. Coi mấy cái băng quay cảnh dân xô xát với lực lượng công an mà thấy căm phẫn!

Mà xem ra những vụ nổi dậy này ngày một dày, mức độ ngày càng nghiêm trọng. Một số nơi đã bắt đầu có những kẻ xúi bẩy, nói dân phải có quyền sở hữu đất đai. Rõ thật là ngu! Đất đai là sở hữu toàn dân, trao vào tay những người tài vẹn đức toàn để người ta giữ cho không muốn, lại muốn tự giữ như ở các nước tư bản thối tha, để rồi cuối cùng bọn tư sản địa chủ cướp hết mới sướng à? Rõ ràng, dù vô tình hay cố ý, có rất nhiều người dân đã và đang ăn phải bả của các thế lực thù địch. Nói trắng ra là có những kẻ đem tiền của bọn Mỹ bọn Pháp vô nước ta, lôi kéo mua chuộc người dân đứng lên chống lại Đảng. Nếu không phải rứa thì răng mà lại có kẻ dám bắn súng hoa cà hoa cải vào các chiến sĩ bộ đội công an? Răng mà lại có những người đàn bà dám tự lột truồng trước mặt các chiến sĩ giải tỏa đất đai? Răng mà lại có một mụ già cậy có công dám đánh người của sở thông tin truyền thông Hà Nội?

Một điều đáng buồn là các lực lượng cưỡng chế vẫn chưa mạnh tay, nên đám dân đen càng được nước lấn tới. Báo chí nhà nước cũng chưa mạnh mẽ lên án bọn này. (Ngay hai cái anh cán bộ phóng viên của Đài Tiếng nói ViệtNamấy, đã cất công đến tận Văn Giang để phản ánh sự kiện nông dân chống đối, lúc lỡ ra bị vài dùi cui của công an lại cũng để lập trường bị lay chuyển, không tích cực phản ánh sự thật nữa.) Cho nên có thể đoán trước rằng ngày chúng nổi dậy đồng loạt khắp nơi không còn bao xa nữa!

Vì vậy tui muốn đề xuất một điều với lãnh đạo: Nếu các đồng chí không muốn cái thứ diễn biến hòa bình nó làm chế độ ta tan rã thì cần mạnh tay hơn nữa để trấn áp bọn dân đen đang ăn bả độc của ngoại bang. Hãy đừng do dự, đừng chùn tay với bọn này! Đừng để xảy ra những việc như ở Bắc Phi. Đây là vấn đề đấu tranh giai cấp. Các đồng chí là đại diện của giai cấp cần lao, còn bọn người kia dù có là khố rách áo ôm thì cũng là tay sai tư bản ở các nước đa nguyên đa đảng thối tha.

Các đồng chí ta ở Trung Quốc đàn anh đã làm gương về sự quyết đoán: nghiền nát thân thể và đập tan ý chí phản kháng của hàng ngàn phần tử phản động tại quảng trường Thiên An Môn lịch sử, vì thế mà 23 năm nay vẫn chưa có bọn nào cả gan tổ chức lại một cuộc phản kháng như vậy. Các đồng chí Liên Xô trước đây cũng đã dìm các phong trào “bài xô” ở Hungary và Czechoslovakia trong biển máu, nên đã giữ được yên ổn hàng chục năm. Còn những người anh em Mubarak và Gaddafi của chúng ta đáng tiếc là đã không thật mạnh tay nên đành chịu số phận thê thảm.

Vì vậy, để giữ vững chế độ, không còn cách nào khác ngoài việc thực hiện triệt để chuyên chính vô sản. Hãy kiên quyết trấn áp! Hãy đập tan ý đồ phản kháng của những kẻ chống chế độ. Và ngay cả trong cơ quan lãnh đạo cao nhất, những đồng chí kiên trì chủ nghĩa hãy mạnh tay loại bỏ những kẻ chao đảo lập trường. Giống như Mao Chủ tịch đã loại bỏ bốn phó chủ tịch đảng hay đồng chí Đặng Tiểu Bình đã dẹp bỏ các tổng bí thư Hồ Diệu Bang và Triệu Tử Dương. Giống như cha con ông cháu các đồng chí họ Kim ở nước bạn thân thiết Triều Tiên đã triệt mọi mầm mống của chống đối.

Có thể một đôi lúc, mặc dù luôn nhìn xa trông rộng, nhưng tình đồng loại và nghĩa đồng bào làm các đồng chí hơi do dự. Nhưng đó sẽ là sai lầm chết người. Chỉ có trấn áp triệt để mới là đúng đắn.

Đó là con đường duy nhất để giữ chế độ! Chỉnh đốn Đảng cũng không giúp ích được.

NGƯỜI-DÂN-THEO-ĐẢNG

Đề thi văn về thói dối trá – làm bài như thế nào là tốt?

Khi “thói dối trá” được đưa vào đề thi môn Văn cho học sinh cả nước, có vẻ như xã hội, hay ít ra là một nhóm người nào đó có trách nhiệm với xã hội, đã nhìn ra thực trạng hiện nay? Và như vậy, có thể hy vọng rằng, một khi đã nhận diện được “kẻ thù giấu mặt”, xã hội sẽ từng bước loại trừ được nó?

Nhưng than ôi, sự Dối Trá ngày nay đã tinh vi đến mức nó có thể chỉ vào mặt kẻ thực thà mà nói: “Chính ngươi là đồ dối trá!”

Nó biến ảo khôn lường, đến mức khó mà nhận diện. Nó phình to, thu nhỏ, thoắt ẩn thoắt hiện. Nó có thể thôi miên người ta đến mức khi có hai con người đứng đó, một kẻ gian trá đến tột cùng, và kẻ kia chân thật đến ngây ngô, nhưng mọi người sẽ nhìn kẻ thứ hai với vẻ kinh tởm, coi hắn ta như loài rắn độc, và tỏ lòng biết ơn kẻ thứ nhất đã vạch mặt kẻ dối trá.

Dối Trá nói, rất to và dõng dạc: “Hãy coi chừng sự dối trá! Nó đang làm băng hoại đạo đức xã hội! Nó đang làm tha hóa một bộ phận không nhỏ những đầy tớ nhân dân.”

Và đến một ngày, nó khiến hàng triệu người nói và viết về nó. Đúng là nói và viết về nó nhưng mà phải giống như về kẻ nào đó không phải nó. “Hãy vạch mặt chỉ tên thói dối trá và những kẻ dối trá. Nó đang làm xã hội suy đồi, làm mọi người lầm đường lạc lối, làm nhân dân khốn khổ.”

Nó thừa biết cái trò đó chẳng thay đổi được gì. Nó vẫn độc quyền chân lý. Nó vẫn nghiễm nhiên được coi là người chống lại thói dối trá.

*

Ở Tiên Lãng, ai là người thực sự có tội, và có tội đến mức nào? Dối Trá làm cho không minh định được, mọi việc cứ rối tinh, cứ mung lung như giữa chốn mây mù. Ở Văn Giang, Vụ Bản, những kẻ ác vẫn không bị phơi mặt ra trước công lý. Băng video quay cảnh đánh người như đánh két, ba bốn kẻ, không hiểu là những người đang “thi hành công vụ” hay những gã côn đồ, bẻ quặt tay một phụ nữ bé nhỏ gầy gò để cho một kẻ khác tung chân đá thẳng vào bụng cô, trong khi hàng chục tên khác nhâu nhâu chung quanh cũng sẵn sàng làm như vậy. Trong khi đó, người ta vẫn nói về công lý, rằng phải xử cho nghiêm, rằng phải quan tâm đến quyền lợi của dân. Nói, và để đó. Ai mất đất cứ mất đất. Ai bị đánh đập hành hạ cứ thế mà chịu đau một cách âm thầm. Thậm chí, người ta còn lớn tiếng đòi cung cấp “băng gốc” mới cho rằng đó là sự thực, nếu không thì chỉ là băng do các thế lực thù địch dàn dựng. Cảnh quay mà ta xem bị cho là dối trá!

Ở Cần Thơ, một người đàn ông bị mất đất phải uống thuốc sâu tự tử, còn vợ con trong cơn cùng quẫn phải lột hết áo quần để tỏ thái độ phẫn uất, vẫn bị những người “thi hành công vụ” đè lên người rồi lôi đi xềnh xệch.

Tại một cái sở gì đó ngay giữa thủ đô ngàn năm văn hiến, một cụ bà 80 đã từng có công trong những ngày chuẩn bị cho cái nhà nước này được dựng nên, đã từng dũng cảm đứng lên chống tham nhũng vì sự trường tồn của nó, tại đó, cụ đã bị trật khớp và chảy máu chân, mà còn bị người ta quy cho cái tội gây rối và hành hung.

Và người bị khép tội oan vừa hé răng định cãi đã bị kẻ ác dùng dùi cui đập gãy cổ. Chết vẫn mang tiếng “chống người thi hành công vụ”.

Và người lên tiếng vì chủ quyền đối với biển đảo quê hương bị đạp vào mặt, bị nhốt cùng đủ loại tội phạm…

Dối Trá đang chụp cái mũ mang tên nó lên đầu những con người lương thiện yếu đuối, những người đã lỡ một lần trao quyền lực vào tay nó. Và ngày nay, nó độc quyền về chân lý. Chỉ những điều nó nói mới được phép xem là sự thật.

Dối Trá bao trùm ngay cả những nơi lẽ ra nó không thể tới: những trường phổ thông, cao đẳng, đại học và cả những viện nghiên cứu. Dối Trá ngự trị trong bệnh viện. Thậm chí cả ở chốn cửa Thiền…

*

Vậy thì bài văn kia, phải viết thế nào mới là đúng, là hay? Phải làm thế nào mới được điểm cao và không bị quy kết, chụp mũ?

Liệu người ra đề có dám làm cái đáp án động đến những vấn đề gọi là “nhạy cảm” kia? Và liệu người chấm có dám cho điểm tốt đối với những bài thi nói đúng nhưng không giống như đáp án?

Và những cô chiêu, cậu ấm biết viết chi đây? Họ đã đủ từng trải để nhận diện Dối Trá chưa? Với ba tiếng đồng hồ trong phòng thi, ở tuổi 18, liệu có thể viết gì về nó?

*

Còn tôi, khi nghe nói đến cái đề thi Văn này, tôi nghĩ thầm: Dối trá!

NGUYỄN TRẦN SÂM