Văn Giang: ‘Cưỡng chế trái luật’

Báo Người Cao tuổi chất vấn tính pháp lý của việc cưỡng chế đất cho dự án vì mục đích sinh lời.

Một tờ báo trong nước đã trở thành cơ quan ngôn luận duy nhất thách thức vụ cưỡng chế với sự tham gia của hàng ngàn công an ở Văn Giang, Hưng Yên hôm 24/4.

Tờ Người Cao tuổi hôm 25/4 nói quyết định cưỡng chế của UBND huyện Văn Giang là “trái pháp luật hiện hành” vì “chỉ có những dự án phục vụ quốc phòng an ninh,.. nhà nước mới thu hồi đất.”

“Những dự án không thuộc nhóm này, như dự án Ecopark thì Nhà nước không thu hồi đất, mà chỉ đứng ra làm trọng tài để nhà đầu tư thỏa thuận với dân.”

Bài báo nói nếu thỏa thuận đền bù dân giá cao thì nhà đầu tư lãi ít, thỏa thuận đền bù giá thấp thì nhà đầu tư lãi nhiều.

Bấm Đường dẫn tới bài viết nay đã không còn truy cập được.

Đề cập đến vai trò của nhà nước trong giải tỏa đất dự án, luật sư Trương Chí Công, luật sư chuyên về Luật đất đai ở văn phòng luật sư C & M ở Hà Nội, nói với BBC rằng chỉ đối với một số dự án như giao thông công cộng, an ninh, quốc phòng, hoặc các công trình kinh tế thuộc nhóm A do chính phủ quyết định thì nhà nước được phép trực tiếp thu hồi đất.

“Trong trường hợp những dự án được liệt kê vào nhóm A, do chính phủ phê duyệt, mà không thuộc các hạng mục nêu trên thì chính phủ sẽ xem xét để ra quyết định, hoặc trực tiếp thực hiện việc thu hồi đất hay không,” luật sư Công nói.

“Theo quy định của luật, thì ủy ban tỉnh có thể được ra quyết định thu hồi, và trực tiếp tiến hành thực hiện thu hồi thông qua các ban quản lý.”

Khi hỏi về dự án Ecopark, ông Công nói “đây không phải là dự án thuộc diện nhà nước trực tiếp thu hồi.”

“Theo quan điểm của tôi, đây là do chủ đầu tư sẽ trực tiếp thoả thuận với dân về các vấn đề tiền bồi thường.”

Luật sư nói thêm, vai trò của nhà nước ở đây là “xem xét về các vấn đề phê duyệt quy hoạch, về tính khả thi của dự án có diễn ra hay không.”

“Sau thời gian khiếu nại, chính quyền đã nâng mức giá lên đến 36 triệu đồng/sào nhưng khi bán ra, họ lại tính theo mét vuông, lời đến tận trăm chục lần.”

Người dân Văn Giang

BBC đã liên hệ với giới chức Văn Giang nhưng không nhận được câu trả lời nào trong khi một quan chức sở kế hoạch đầu tư tỉnh Hưng Yên nói họ chỉ nghe về công ty cổ phần phát triển và đầu tư Việt Hưng, chủ dự án Ecopark.

‘Chính quyền doạ nạt’

Trong khi đó, nhiều nhân chứng ở huyện Văn Giang nói với BBC hôm 26/4 rằng họ bị chính quyền quấy nhiễu, dọa nạt.

“Chúng em chỉ muốn có đất cày ruộng thôi chứ chúng em không hề có ý định lật đổ chính quyền,” một người dân Văn Giang giấu tên nói.

Nhiều nhân chứng kể lại, quyết định cưỡng chế được “xã đọc trên loa oang oang nhiều tiếng đồng hồ”, rằng việc cưỡng chế được thực hiện theo quyết định của phó Chủ tịch UBND huyện Chu Quốc Hiệu và Chủ tịch UBND huyện Đặng Thị Bích Thủy.

Tờ VnExpress trích lời phát ngôn viên tỉnh Hưng Yên rằng, người dân đã được chính quyền địa phương vận động, tuyên truyền, giải thích cho tới các chế độ chính sách đền bù.

“Đến năm 2008, các hộ dân chấp hành đúng tiến độ được nhận 135.000 đồng mỗi m2- mức cao nhất trên địa bàn thời điểm đó.”

Một số người dân nói chính quyền ép họ bán đất với giá rẻ để dự án Ecopark sinh lợi nhiều hơn

Tuy nhiên, trả lời phỏng vấn BBC về vấn đề này, một người dân xã Phụng Công giấu tên cho biết, họ được chính quyền đề nghị ban đầu với giá 19 triệu ̣đồng/ sào, tức 360m2.

“Sau thời gian khiếu nại, chính quyền đã nâng mức giá lên đến 36 triệu đồng/sào”, người dân này nói, “nhưng khi bán ra, họ lại tính theo mét vuông, lời đến tận trăm chục lần.”

Một người dân khác thuộc những hộ không đồng thuận xã Xuân Quan cho biết, nếu không đồng ý nhận bồi thường thì chính quyền tự sẽ gửi tiền vào tài khoản ngân hàng.

“Đến giờ chúng tôi cũng không biết ngân hàng đó là ngân hàng nào mà cũng không nhận được giấy thông báo chuyển tiền nào cả.”

Bản thân ông cho biết, ông chưa hề có một tài khoản ngân hàng nào từ trước đến giờ.

Một người dân Văn Giang khác cho biết, những người đồng thuận là họ bị ép bán vì “họ có con em, nếu muốn xin việc ở tỉnh thì phải bán.”

BBC

Thông báo về tình trạng của Nhạc sĩ Tô Hải

Thể trạng của nhạc sĩ Blogger Tô Hải đã khá hơn chút ít nên ông quyết định về nhà tịnh dưỡng và được sự đồng ý cũng như hỗ trợ của Bác sĩ điều trị đến chăm sóc định kỳ tại nhà.
 
Vào lúc 6:00 PM chiều nay, Thursday, April 26, 2012 nhạc sĩ đã xuất viện.
 
Nhờ sự quan tâm, chia xẻ và khích lệ của đông đảo bạn đọc trong thời gian nằm BV đã khiến ông phấn chấn tinh thần và định tuần này sẽ vẫn có New Entry (Nhật Ký Mở). 
 
Kính cáo bạn đọc Tô Hải Library biết và chân thành cám ơn tất cả các bạn! 
 
Thursday, April 26, 2012 – 10:00 PM
Admin of To Hai Library

Hãy cho tôi mượn cái máy tính!

(Trích từ bài: “Tin Văn Giang: báo đưa thưa thớt” của BBC)

“Một người dân vừa bị cưỡng chế đất, ông Đặng Văn Dư ở xã Xuân Quan, nói:

“Cả gia đình được giao 2,5 sào đất nông nghiệp. Số diện tích này được dành trồng ươm các loại cây cảnh trị giá khoảng 120-130 triệu đồng, nhưng giờ bị san ủi cả.

“Với mức giá bồi thường 48 triệu đồng/sào, chúng tôi không nhất trí.”

Đại diện chính quyền, ông Bùi Huy Thanh trong khi đó nói mức giá bồi thường gần 49 triệu đồng cho một sào đất trong dự án đô thị sinh thái là “mức cao nhất được áp dụng trên địa bàn tỉnh tại thời điểm hiện tại”.  (nguồn BBC)

COMMENT:

MUA 49 TRIỆU ĐỒNG MỘT SÀO ĐẤT Ở VĂN GIANG (360 MÉT VUÔNG) TỨC 136.111 VNĐ MỘT MÉT VUÔNG. SAU ĐÓ QUÝ ÔNG QUÝ BÀ LÀM ĐƯỜNG SÁ, CÔNG VIÊN… XONG  ĐEM BÁN BAO NHIÊU MỘT MÉT VUÔNG? CÓ THỂ BÁN ĐƯỢC 60 TRIỆU ĐỒNG LẮM CHỨ (GIÁ 60 TRIỆU LÀ GIÁ ĐẤT Ở PHÚ MỸ HƯNG CÁCH ĐÂY VÀI NĂM). NHƯ VẬY TRỪ TIỀN ĐỀN BÙ CHO DÂN VÀ CHI PHÍ XÂY DỰNG CƠ BẢN RA, QUÝ ÔNG QUÝ BÀ CÓ THỂ LỜI ĐƯỢC 50 TRIỆU ĐỒNG MỘT MÉT VUÔNG KHÔNG? VÀ CÔNG TRÌNH ẤY CÓ BAO NHIÊU TRIỆU MÉT VUÔNG?

HÃY CHO TÔI MƯỢN CÁI MÁY TÍNH.

Bỏ thêm dấu vào văn bản tiếng Việt không dấu.

Cùng các bạn

Xin chuyển từ website bạn

Dưới đây là link mới của website bỏ dấu tiếng VIệt tự-động của EASYVN :

Link mới này của EASYVN chẵng những chạy lẹ hơn cái cũ mà lại không bị giới-hạn số chữ (200 words).
Mình có thể “cut and paste” nguyên một bài viết thật dài vào một lúc rồi bấm nút  “thêm dấu”  thì tự-động những dấu tiếng Việt sẽ hiện lên.

Sau đó, mình vẫn phải dò lại từng chữ xem những dấu “tự-động” đó có đúng hay không trước khi gởi ra. Thường thì cần phải sửa lại khoảng 20-30% những dấu tự-động, nhưng quen rồi thì cũng lẹ thôi.

vụ Văn Giang:

NẾU BỒI THƯỜNG THỎA ĐÁNG CHO DÂN THÌ MỌI VIỆC SẼ ĐƠN GIẢN HƠN NHIỀU.

ĐỪNG QUÁ TÀN ÁC VÀ THAM LAM.

MỜI BẠN ĐỌC XEM VÀ NGHE VỤ “VĂN GIANG” QUA ĐƯỜNG LINK DƯỚI ĐÂY:

http://www.bbc.co.uk/vietnamese/vietnam/2012/04/120424_van_giang_showdown.shtml

Chiến tranh MẠNG

*
Dịp lễ Giáng Sinh vừa qua, tôi đi Sydney mấy ngày. Một lần, ngồi uống bia và tán gẫu, tôi nghe một số bạn bè trong ngành tin học bàn về hiện tượng tin tặc và phản tin tặc. Theo họ, ở phần lớn các website quan trọng, các chuyên viên về an ninh mạng không phải chỉ lo tự bảo vệ mà còn nghĩ đến cả việc phản công: Máy tính của họ được cài một số phần mềm đặc biệt để khi bị tin tặc tấn công, chúng sẽ dội ngược về máy chủ của bọn tin tặc. Các phần mềm ấy được thiết kế một cách tinh tế đến độ, trong một số trường hợp, chính bọn tin tặc cũng không biết là mình đang bị theo dõi. Với những phần mềm phản công ấy, người ta có thể thâm nhập vào máy chủ của tin tặc, khám phá những bí mật của bọn chúng, các hoạt động và cách thức chúng nối kết với nhau; và cuối cùng, người ta chọn lựa một trong hai biện pháp: một, phá hủy toàn bộ tài liệu chứa đựng trong máy chủ ấy; và hai, báo cáo với các công ty an ninh mạng có thẩm quyền trên thế giới để theo dõi hoặc trừng phạt (cách trừng phạt phổ biến nhất là đóng cửa các tên miền mà bọn tin tặc đang thuê bao và sử dụng.)

Tôi không biết gì về tin học, nhưng nghe, thấy hấp dẫn như đọc truyện trinh thám. Tôi nghĩ giá có ai sành về lãnh vực này mà lại có khiếu kể chuyện, có thể viết được một cuốn tiểu thuyết cực kỳ ly kỳ. Cũng rình rập. Cũng gài bẫy. Cũng theo dõi. Cũng có đồng minh và có kẻ thù. Cũng chia thành phe ta và phe địch. Cũng đánh qua đánh lại. Cũng có lúc thắng có lúc thua.

Tôi cũng nghiệm ra một điều: Thế giới không thực sự yên bình như mình tưởng. Mà lúc nào cũng ở trong tình trạng chiến tranh. Ở thời đại ngày nay, chiến tranh xuất hiện dưới hai hình thức chính. Một, hình thức truyền thống, với bom đạn súng ống và máu me; với tiếng nổ và tiếng la khóc, với hình ảnh những tòa nhà sụp đổ, những mảnh đất bị cày nát và những xác người ngã gục. Hình thức chiến tranh ấy hiện nay vẫn còn. Nhưng chỉ giới hạn ở một số nơi, đặc biệt ở Afghanistan. Nó ít ỏi, và với đa số người dân trên thế giới, nó cũng rất xa xôi. Hai, hình thức chiến tranh mới, thường được gọi là chiến tranh mạng hoặc chiến tranh ảo (cyberwar). Mới, nhưng nó càng ngày càng phát triển, xảy ra dồn dập mỗi ngày. Ở mọi nơi. Chỉ có điều chúng âm thầm, nằm khuất đằng sau các máy computer mà chúng ta sử dụng hằng ngày.

Khái niệm chiến tranh mạng chỉ mới ra đời từ năm 1998 và cho đến nay vẫn chưa có một nội dung thống nhất. Một số người, bám vào ý nghĩa cổ điển của chữ chiến tranh, cho cái gọi là chiến tranh mạng như nó đã và đang xảy ra đâu đó không phải thực sự là chiến tranh. Lý do: chúng không gây ra chết chóc hoặc tổn hại về phương diện vật lý và vật thể. Họ đề nghị nên dùng chữ tấn công mạng (cyber-attack) hơn là chiến tranh mạng (cyber war). Nhưng nhiều người khác, đông hơn, cho rằng khi các cuộc tấn công tập trung vào một chính phủ, một cách dồn dập, và gây tổn thất về một phương diện nào đó, ngay cả ở phương diện quản trị và điều hành, cũng có thể gọi là chiến tranh: Một loại chiến tranh mới. Và là chiến tranh của tương lai.

Richard Clark, cựu cố vấn về chống khủng bố trong Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ, tác giả cuốn Cyber War xuất bản năm 2010, trong một cuộc phỏng vấn, hình dung diễn tiến của cuộc chiến tranh trong tương lai như sau: Khi một nước nào đó tấn công một nước khác, họ sẽ không khai chiến, không cho máy bay cất cánh, không chuyển quân và không nổ súng. Tất cả đều án binh bất động. Tất cả đều im lặng. Chỉ có các chuyên viên ngồi trước máy tính làm việc. Và bỗng dưng, ở nước thù địch bị tấn công, mọi ống dẫn xăng dầu nổ tung và bùng cháy dữ dội; mọi đường dây điện, và cùng với chúng, mọi bóng đèn, từ đèn đường đến đèn nhà, đều tắt ngúm; hệ thống không lưu ở phi trường ngừng hoạt động; máy bay không thể lên hay xuống được; hệ thống điều hành xe lửa cũng bị hư, xe lửa hoặc đứng yên hoặc tông vào nhau rầm rầm; nước trong các hồ chứa ở các thành phố hoặc ngừng chảy hoặc chảy tràn, thành lụt, ở khắp nơi; và mọi hồ sơ chuyển tiền, vay tiền trong ngân hàng đều bị xóa sạch; các máy rút tiền đều bị chết cứng, không ai còn có thể rút tiền được nữa.

Tất cả, theo Clark, đều diễn ra trong khoảng 15 phút.

Suốt cả 15 phút ấy, kẻ thù vẫn khuất mặt. Xa xôi. Không ai biết cả.

Dĩ nhiên, sự tưởng tượng của Clark ít nhiều có tính chất cường điệu. Sự thật không đơn giản và dễ dàng như vậy. Một phần, các nước đều ít nhiều biết cách tự phòng vệ; phần khác, với xu hướng toàn cầu hóa hiện nay, mọi sinh hoạt đều có tính chất liên lập, khi gây thiệt hại cho nước này, người ta không thể tránh gây thiệt hại cho nước khác, kể cả chính nước của mình. Cuối cùng, một cuộc chiến tranh với quy mô như vậy có thể gây ra những phản ứng ngược, dẫn đến những hậu quả ngoài ý muốn mà không ai có thể lường trước được. Điều đó khiến người ta thấy phân vân.

Một ví dụ dễ hiểu: Ngày 17 tháng giêng năm 1991, trước khi máy bay của lực lượng đồng minh, gồm 34 nước, do Mỹ lãnh đạo, tấn công Iraq, tất cả hệ thống radar của Iraq bỗng chớp chớp vài cái rồi tắt ngúm. Máy bay đồng minh bay vào không phận Iraq như bay vào cõi không người. Không có phát súng phòng không nào bắn lên cả. Quân đội của Saddam Hussein hoàn toàn mất kiểm soát bầu trời của họ. Sau này, người ta được biết, toàn bộ hệ thống máy tính của Iraq lúc ấy, vốn do Pháp trang bị, đều bị Mỹ cài virus.

Thế nhưng 12 năm sau, trong cuộc chiến Iraq lần thứ hai vào năm 2003, Mỹ và đồng minh không thể tái lập chiến thuật ấy được nữa. Bộ quốc phòng của Iraq đã biết cảnh giác hơn. Một số chiến lược gia đề nghị Mỹ phá hoại toàn bộ hệ thống tài chính của Iraq, nhưng đề nghị ấy cũng bị bác bỏ. Lý do: mạng lưới truyền thông trong lãnh vực ngân hàng của Iraq được đặt tại Pháp. Đánh sập các ngân hàng ở Iraq, hệ thống ngân hàng ở Pháp và châu Âu cũng bị ảnh hưởng theo.

Cũng vậy, cách đây hai năm, loại virus mang tên Stuxnet đã tấn công hàng trăm ngàn máy tính ở Iran, trong đó có những máy tính hoạt động trong lãnh vực hạt nhân khiến chương trình hạt nhân của Iran bị thiệt hại nặng nề, nghe nói phải mất ít nhất hai năm mới phục hồi lại được. Không ai lên tiếng nhận trách nhiệm về con virus ấy cả. Nhưng mọi ánh mắt đều đổ dồn vào Israel. Hơn nữa, người ta cũng biết, để tạo được một con virus tinh vi như vậy, thứ nhất, người ta cần một lực lượng chuyên viên kỹ thuật cực kỳ giỏi; thứ hai, nó vô cùng tốn kém, có thể lên đến hàng chục triệu đô-la. Và người ta cũng biết thêm một điều này nữa: sau khi con virus ấy bị phát hiện, nhiều nước sẽ xúm vào phân tích, cuối cùng, một lúc nào đó, nó sẽ biến thành thứ vũ khí nguy hiểm mà Israel không còn độc quyền. Đó là chưa kể đến trường hợp không chừng chính Israel sẽ trở thành nạn nhân của nó.

Triển vọng một cuộc chiến tranh mạng lớn, do đó, không dễ xảy ra. Tuy nhiên, có mấy điều cần chú ý:

Thứ nhất, không dám hoặc không thể tiến hành chiến tranh mạng với quy mô lớn, người ta vẫn có thể tiến hành, và trên thực tế, tiến hành một cách thường xuyên các cuộc tấn công mạng ở quy mô nhỏ; chỉ riêng ở Mỹ, cả hàng chục ngàn vụ mỗi năm, gây không biết bao nhiêu là thiệt hại. Các cuộc tấn công này nhắm đến hai mục tiêu chính: một là phá hoại (đánh sập các trang mạng) và hai là ăn cắp thông tin, từ thông tin quốc phòng đến thông tin thương mại và kỹ thuật. Thủ phạm của phần lớn các cuộc tấn công này đã bị nêu đích danh: Trung Quốc.

Thứ hai, người ta chỉ ngại mở các cuộc chiến tranh mạng đối với các nước lớn vừa có quan hệ nhiều với các nước lại vừa có khả năng chống trả. Nhưng với các nước nhỏ, vừa yếu thế vừa cô thế, chả có ai ngại cả. Trước đây, cả Estonia lẫn Georgia đều bị tấn công: toàn bộ hệ thống máy tính trong hai nước đều bị tê liệt một thời gian. Lúc ấy, ai cũng biết thủ phạm: Nga. Vậy mà chẳng có ai làm gì Nga được.

Nhớ đến Estonia và Georgia, không thể không nghĩ đến Việt Nam.

So với Trung Quốc, Việt Nam cũng thật yếu thế và cô thế.

Không lo sao được?

Nguồn: Nguyễn Hưng Quốc Blog (VOA)

Nhạc sĩ Tô Hải nhập viện

Quản Thủ Thư Viện Tô Hải trân trọng thông báo
Vào mấy ngày cuối tuần trước (trước khi có New Entry Nhật ký mở: về cuộc phản công cấp tập của “Thực Tiễn” trước “Nghị quyết 4”), Nhạc sĩ Tô Hải bỗng cảm thấy khó thở, trong ngày xuất hiện nhiều lần khó chịu với cảm giác như bị “ép tim”, nhất là mỗi khi đi lại (dù rất chậm trong nhà)…
 
Cảm giác thiếu dưỡng khí do hô hấp suy kém đã khiến Nhạc sĩ yếu đi dù tinh thần vẫn rất minh mẫn như trước. Trong tình thế sức khỏe bất lợi đó, ông vẫn cố hoàn thành Entry nói trên vào chiều thứ Bảy 21 tháng tư – 2012, và dự định sẽ đi Bệnh viện vào thư Hai này, 23 tháng tư – 2012 (hôm nay).
 
Sáng nay ông đã được hiền nội (cô Ái) đưa đi Bệnh Viện Hoàn Mỹ – khu cấp cứu (đường Phan Xích Long, khu Miếu Nổi, Saigon) để điều trị và tiện việc chăm sóc. 
 
Lâu nay, Nhạc sĩ sống đơn chiếc, chỉ có người vợ hiền hết mực hỗ trợ cho chồng luôn có mặt bên ông, thỉnh thoảng vài bạn hữu, người hâm mộ đến thăm viếng an ủi khích lệ tinh thần…
 
Nhạc sĩ Tô Hải là một Lão Tiền Bối 85 tuổi, còn ở lại với chúng ta bao lâu là một ức đoán mong manh, nhưng Tinh Thần nhân bản, bền chí, cầu tiến của ông thật kiên cố đáng khâm phục. 
 
Trong tinh thần của một người quản thủ Thư Viện, tôi phát đi lời thông báo này với tư cách cá nhân, là một “friend”, một người hâm mộ nhân cách Tô Hải, vừa là một trách nhiệm thông tin đến cho tất cả các friend của Nhạc sĩ trong và ngoài nước biết hiện trạng bất lợi của một Blogger Việt Nam cao niên nhất và kiên cường nhất đang gặp phải, với mong muốn Nhạc sĩ sẽ nhận được sự hỗ trợ của các bạn để vượt qua nguy khó, nhận được sự đồng lòng cầu nguyện, an ủi khích lệ của bạn đọc Việt Nam trên khắp thế giới. 
 
Monday, April 23, 2012 – 3:00 PM
 
Admin of To Hai Library

Khi Người Lao Công Quét Dọn Thuyết Trình

Tác giả Nguyễn Duy An thuở thiếu thời ở Bình Giã (Ngãi Giao), một khu đồn điền cao su của người Pháp, nằm trên đường Ngã Ba Tân Phong đi Bà Rịa – Vũng Tàu qua các vùng Cẩm Mỷ, Xà Bang, Suối Nghệ…toàn là cao su. Sau khi vượt biên được vào Mỹ, đương sự đã chịu khó vừa học vừa làm trong 10 năm đã thành đạt như hôm nay.   

Ngày ấy… năm 1994, TRW (Thompson Ramo Wooldridge, Inc.) với  8 hãng lớn khác trúng thầu của Bộ Năng Lượng (Department of Energy) về việc nghiên cứu ờê  thiết lập một “kho phế thải chứa đựng chất phóng xạ” (Radio Active Waste Management) trong lòng núi Yucca Mountain cách thành phố Las Vegas, tiểu bang Nevada, khoảng 100 dặm về hướng Tây Bắc. Lúc bấy giờ tôi là  trưởng toán kỹ thuật của TRW chịu trách nhiệm nối kết các hệ thống máy móc từ hiện trường (Yucca Mountain) về văn phòng Bộ Năng Lượng ở Hoa Thịnh Đốn về  trụ sở của 9 hãng xưởng rải rác trên khắp nước Mỹ nên “bị” chỉ định thuyết trình phần “Systems Integration” trong cuộc họp “kick off”. Hiện diện trong cuộc họp này, ngoài ban quản trị và  một số nhân viên kỳ cựu của các hãng trúng thầu, còn có đại diện chính chức của Bộ Năng Lượng, cùng những người rất quan tâm tới vấn đề bảo vệ môi sinh vì lo sợ ảnh hưởng của chất phóng xạ trên vùng đất của họ như: Thống Đốc, Nghị sĩ và Dân Biểu của tiểu bang Nevada.

Sau khi nhận được tin, tôi đã lên gặp ông giám đốc lo về kỹ thuật của TRW để năn nỉ xin ông đổi người khác, hoặc chính ông ta thuyết trình vì tôi run lắm. Ông ta chẳng những không chấp thuận mà  còn nhắc tôi rằng đây là  “vinh dự” của hãng TRW nên phải cố gắng hết sức mình làm cho tốt trước mặt “bá quan văn võ” của chính phủ cũng như ban quản trị của các hãng khác. Tôi tìm gặp một ài người Việt Nam đã làm cho TRW lâu năm xin ý kiến, ai ai cũng sợ cho tôi, vì tiên đoán tôi sẽ bị những chuyên viên của nhiều hãng khác bắt bẻ về kỹ thuật, và  nhất là  bị kỳ thị vì giọng nói tiếng Anh không chuẩn. Tôi làm liều gọi cho “xếp lớn” của TRW xin ông can thiệp để thay đổi nhưng chính ông ta lại bảo tôi rằng đây là  “ván bài định mệnh” và hãy dẹp hết những công việc khác, lo chuẩn bị kỹ lưỡng vì ban giám đốc đã họp bàn nhiều lần trước khi quyết định đưa tôi ra làm người thuyết trình về kỹ thuật…

Tôi đã “ăn không ngon, ngủ không yên” suốt hai tuần lễ chuẩn bị tài liệu thuyết trình, và cuối cùng lại còn run sợ hơn nữa vì cuộc họp được dời về trụ sở của hãng Booz, Allen & Hamilton (BAH) để tiện đường “Metro” (xe điện ngầm) cho những người tham dự, đặc biệt là nhân viên chính phủ đến từ Hoa Thịnh Đốn. Tôi chẳng xa lạ gì với hội trường của hãng BAH, vì lúc mới qua Mỹ tôi vẫn tới nơi này mỗi tối để lau chùi quét dọn trong thời gian còn là sinh viên ở Virginia. Tôi lo sợ không biết những nhân viên và ban quản trị tại đây sẽ nghĩ gì về mình khi nhận ra anh chàng “thuyết trình viên” hôm đó xuất thân là người “lao công quét dọn” văn phòng cho họ hơn 8 năm về trước. Tôi tâm sự với một số bạn bè người Việt trong sở về điều này và  người nào cũng ưu tư lo lắng cho tôi. Đã tới đường cùng nên tôi chỉ biết liều mình “nhắm mắt đưa chân” phó mặc cho số phận. Ngay từ đầu, cơ hội thành công của tôi chỉ như “sợi tóc treo mành” vì tất cả những hãng đấu thầu đều muốn gạt TRW ra khỏi vị trí đứng đầu về kỹ thuật trong đề án mới; riêng cá nhân tôi chỉ là một người “thiểu số” nói tiếng Anh chưa rành… và bây giờ lại còn thêm mặc cảm là  người “lao công quét dọn” ngay chính nơi mình sẽ lên bục đứng thuyết trình.

Buổi sáng hôm đó tôi tới “hiện trường” thật sớm nhưng đã có lác đác một số người đang xếp hàng trước phòng tiếp tân để nâậg tên và tài liệu. Theo chương trình, tôi và  4 người thuyết trình khác sẽ lên họp bàn với phát ngôn viên của Bộ Năng Lượng khoảng 30 phút trước khi bắt đầu, để làm quen và  thống nhất chương trình làm việc. Vừa bước vào văn phòng phía sau hội trường, tôi đã đụng đầu ngay ông Sam, phó chủ tịch của hãng BAH, đang đứng tán gẫu với người điều khiển chương trình hôm đó, bà Jeanette, phát ngôn viên của Bộ Năng Lượng. Sau khi bắt tay giới thiệu, ông ta quay sang hỏi tôi:

– Tôi thấy anh quen lắm, không biết chúng mình đã bao giờ gặp nhau chưa?

Tôi đã nhận ra ông Sam chính là vị giám đốc đã từng nói chuyện và khích lệ tôi ngày trước, mỗi khi tôi đến hút bụi văn phòng cho ông vì hầu như tối nào ông ấy cũng ở lại rất trễ, nên nhỏ nhẹ trả lời:

– Gần 10 năm trước, tôi vẫn tới dọn dẹp văn phòng cho ông mỗi tối.

– À ha. Anh chính là “người sinh viên trẻ” vừa đi học vừa làm lao công ban tối. Đúng rồi. Tôi đã nhớ ra rồi. Anh chỉ già dặn hơn một tý. Khâm phục… Khâm phục!

Tôi chỉ biết mỉm cười nói “cám ơn”, còn bà Jeanette thì niềm nở:

– Hay quá! Nếu anh John không ngại, tôi sẽ dùng chi tiết này để giới thiệu về anh trước khi thuyết trình.  Sam nghĩ sao?

– Tôi cũng nghĩ vậy. Để xem… Từ hơn 8 năm nay, tôi không gặp lại John, và tôi cũng chưa bao giờ gặp một người lao công ham học như thế. Tôi còn nhớ John đã từng xin tôi những xấp giấy chi chít những “source code” nhân viên của tôi vất thùng rác để về nghiên cứu học hỏi thêm. Đáng lẽ ngày đó tôi nên nói chuyện với anh nhiều hơn và thuê anh vào làm trong hãng của tôi… Sau khi anh nghỉ làm ban đêm, tôi hỏi thăm mới biết anh đã ra trường và có việc làm tốt, nhưng tôi không ngờ “thuyết trình viên kỹ thuật” hôm nay lại chính là anh. Anh xứng đáng làm thầy của chúng tôi!

Sau đó, bà Jeanette nhờ ông Sam ghi lại những chi tiết về cá nhân tôi trong khi bà tiếp tục gặp gỡ và nói chuyện với những thuyết trình viên khác vì đã có vài người tới phòng họp. Sau mấy phút giới thiệu và họp bàn về buổi thuyết trình, ai ai cũng vui vẻ khích lệ tôi… Theo chương trình, bà Jeanette và ông Sam sẽ điều hợp chương trình và năm chúng tôi sẽ ngồi trên “sân khấu”, quay mặt xuống hội trường với khoảng gần 400 người tham dự. Tôi sẽ là người thuyết trình cuối cùng vì trước đó, đại diện Bộ Năng Lượng sẽ nói sơ qua kế hoạch chung của quốc gia về vật liệu phế thải chất phóng xạ, một người sẽ nói về dự án “Yucca Moutain”, rồi các công ty trúng thầu, hãng nào lo phần nào cũng như kế hoạch nghiên cứu, quản lý tài chánh và cuối cùng là hệ thống thông tin, nối kết tất cả vào một mối do chính tôi trình bầy.

Tôi mừng thầm trong bụng vì bước đầu coi như thuận lợi. Trong nhóm thuyết trình viên, ngoại trừ anh chàng giám đốc của hãng Duke Engineering có vẻ hơi “kỳ thị” vì thường nhăn mặt hay nheo mắt mỗi khi nhìn tôi, còn những người khác đều rất vui vẻ hòa đồng… 

*

Tôi run run đứng dậy chuẩn bị lên bục thuyết trình khi bà Jeanette giới thiệu:

– Để tiếp tục chương trình, tôi xin nhường lời lại cho ông Sam, phó chủ tịch của BAH sẽ giới thiệu một thuyết trình viên rất đặc biệt, đến từ hãng TRW sẽ trình bầy với chúng ta về “systems integration” của dự án “YuccaMountain”. 

Ông Sam chờ tôi bước lên bục thuyết trình và khi “ánh đèn sân khấu” đã rọi vào tôi, mới bắt đầu lên tiếng:

– Kính thưa quý vị, tôi rất hãnh diện được bà phát ngôn viên của Bộ Năng Lượng uỷ thác cho việc giới thiệu anh John Nguyễn, một thuyền nhân Việt Nam đến Mỹ mới được 10 năm nay, và tôi đã có cơ may “quen biết” anh ta trong thời gian đó. Suốt hơn 2 năm trời, mỗi tối anh John vẫn tới lau chùi quét dọn văn phòng cho chúng tôi trong lúc theo học đại học; kính thưa quý vị, chính cái hội trường này cũng đã từng được anh ta hút bụi, lau bàn ghế… Và hôm nay, 8 năm sau, anh John đã trở về, không phải để làm “custodian” buổi tối, nhưng là

đứng trên “podium” sáng nay để làm “thầy” dẫn giải cho chúng ta về phương án nối kết tất cả hệ thống máy móc trong dự án này. Kính thưa quý vị, giọng nói của anh John có thể còn mang nặng âm hưởng Á Châu, nhưng đồ án anh ta đưa ra, tôi thiết nghĩ quý vị cũng sẽ đồng ý với chúng tôi là “không chê vào đâu được” vì chính tôi và nhiều người đã xem qua và tất cả đều đồng ý như thế. Bây giờ, tôi xin được trân trọng giới thiệu anh John, một người đã rời bỏ “quê cha đất tổ” và gia đình để bước xuống một chiếc thuyền tre nhỏ bé, cùng bạn bè vượt biển tìm tự do, một thân một mình tới Mỹ, vừa tự mưu sinh vừa tiếp tục học để có được ngày hôm nay. Và đây, anh John Nguyễn, một thuyền nhân ViệtNam, một người lao công đã từng quét dọn nơi này, nhưng sáng hôm nay là thuyết trình viên kỹ thuật của chúng ta.

Tôi bàng hoàng xúc động vì những lời giới thiệu của ông Sam… Trong khi cả hội trường rền van tiếng vỗ tay cổ võ, tim tôi đập mạnh, tâm trí tôi vượt thời gian tìm về dĩ vãng của những ngày gian khổ ở quê nhà, những ngày lênh đênh trên biển, những ngày đợi chờ trong lo âu ở trại tỵ nạn Galang, và những ngày đầu bơ vơ lạc lõng nơi xứ lạ quê người. Khi tiếng vỗ tay vừa dứt, tôi nghẹn ngào run rẩy bắt đầu:

– Kính thưa quý vị, tôi xin chân thành cám ơn những lời giới thiệu chân tình của bà Jeanette và ông Sam. Tôi xin cám ơn những tràng pháo tay khích lệ của quý vị dành cho tôi, một người ViệtNamnói tiếng Mỹ chưa rành. Tôi xin cám ơn ban giám đốc TRW và toàn thể ban quản trị dự án “YuccaMountain” đã tín nhiệm tôi… Từ chốn tận cùng của trái tim tôi, một niềm cảm xúc nghẹn ngào đang ào ạt dâng lên như sóng đại dương nên giọng nói của tôi lại càng khó nghe hơn lúc bình thường; tuy nhiên, tôi tin tưởng rằng tất cả quý vị sẽ thông cảm bỏ qua những sai lỗi của tôi trong cách phát âm tiếng Mỹ không chuẩn. Thêm vào đó, tôi cũng hy vọng rằng những sơ đồ minh họa trên màn ảnh sẽ thay tôi giải thích tất cả, vì ai trong chúng ta cũng hiểu rằng một biểu đồ (diagram) còn có giá trị hơn cả ngàn lời giải thích loanh quanh…

Tôi thật sự choáng ngợp và bối rối vì một tràng pháo tay lớn và rất dài vang lên từ khắp hội trường; tuy nhiên, tràng pháo tay đó cũng đã giúp tôi thêm lòng tự tin và hoàn tất buổi thuyết trình một cách tốt đẹp. Cũng có một vài câu hỏi có tính cách bắt bẻ, một vài ý kiến đề nghị thay đổi chỗ này chỗ kia, nhưng phần lớn đều đồng ý và tán thành đề án kỹ thuật của TRW do tôi trình bầy.

Ngay khi chương trình vừa chấm dứt, ông xếp của tôi chạy vội ra phía sau hội trường nắm chặt tay tôi khích lệ:

– John. Chúng tôi rất hãnh diện vì anh. Anh cứ ở đây gặp gỡ làm quen những người khác, hôm nay không cần về lại văn phòng. Ngày mai chúng ta sẽ nói chuyện nhiều hơn. Cố gắng lên. Anh là m tốt lắm. Anh nói bằng con tim và trí óc chứ không phải bằng miệng lưỡi… Đừng mang nặng mặc cảm về giọng nói của mình nữa.

Tôi hớn hở bước ra hành lang phía trước hội trường, bắt tay trò chuyện với nhiều người thuộc nhiều hãng xưởng khác nhau. Người hỏi về chuyện vượt biên, “thuở hàn vi” ngaey đi học tối làm lao công, kẻ hỏi về phương án làm việc và trao đổi “business card”… Tôi choáng ngợp vì ân tình của bao nhiêu người xa lạ, có những người đã từng là “đối thủ” của tôi trong thời gian đấu thầu dự án Yucca Mountain… Giữa tiếng ồn ào náo nhiệt của bao nhiêu người vây quanh, tôi nghe vọng tới một giọng phụ nữ nói tiếng Việt:

– Anh Khanh nì… Mình chờ một tý gặp anh John làm quen và mời anh ấy vềEdenăn trưa luôn cho vui.

– Đi thôi. Thằng chả chỉ gặp may chứ có hay ho gì hơn ai!

– Mình cũng được hãnh diện vì là người Việt chứ anh.

– Nếu Thy mê nó thì cứ ở lại chờ.

– Anh kỳ quá hà. Hơi một tý là ghen bậy ghen bạ. Đi thì đi…

Tôi ngoái cổ nhìn chung quanh nhưng vì chiều cao quá khiêm tốn của mình nên không tìm được những người bạn “đồng hương yêu dấu” ấy… Tự nhiên tôi cảm thấy cô đơn lạc lõng giữa rừng người không cùng màu da, tiếng nói. Tôi được người ngoại quốc niềm nở tiếp đón và có vẻ thán phục, nhưng hình như, tôi không được một số “đồng bào” của tôi tiếp nhận! Tại sao?

Mãi gần nửa giờ sau tôi mới một mình lững thững lê bước ra bãi đậu xe, lòng buồn man mác nhớ lại câu ca dao tôi đã thuộc nằm lòng từ thuở còn mài đũng quần trên ghế trường tiểu học ở Làng Ba, Bình Giả:

Khôn ngoan đối đáp người ngoài,

Gà cùng một mẹ chớ hoài đá nhau.

Mẹ Việt Nam ơi, từng bước từng bước chúng con đang hội nhãp vào nền văn hóa mới, nhưng cũng từng bước từng bước chúng con đang quên dần tình nghĩa “đồng bào” theo truyền thuyết “con rồng cháu tiên” của hơn bốn ngàn năm văn hiến. Liệu rồi thế hệ con cháu người Việt đang lưu lạc khắp bốn phương trời có còn nhận nhau là anh chị em “máu đỏ da vàng” nữa không?

Nguyễn Duy-An

HIẾN KẾ VỚI LÃNH ĐẠO: CẤM VẬN MỸ

Từ hồi còn trẻ, tui đã nghe những thông tin về việc bọn đế quốc, nhất là đế quốc Mỹ, hay giở cái bài chơi đểu là cấm vận những nước mà chúng không ưa. Thời kỳ đầu, tui càng nghe càng thấy tức cười và càng khinh chúng nó. Thật hão huyền! Cà cuống chết đến đít còn cay. Vài cái thằng già đang hấp hối giở trò loe ngoe dọa những chàng thanh niên cường tráng, cứ làm như người ta sợ cái trò cấm vận của chúng lắm không bằng.

Đến năm 1975, đã thua cuộc trắng phớ, Mỹ lại còn giở bài bây cấm vận chính ViệtNamta nữa chứ. Chắc làm rứa cho đỡ ngượng. Đánh nhau thì cái anh bị đấm đau hơn bao giờ chả to mồm!

Rồi mấy năm sau, tui mơ hồ cảm thấy hình như cái trò hề ấy có gây tác hại cho nước ta và các nước anh em của chúng ta thì phải. Chứ không thì sao báo chí lại cứ ra rả lên án Mỹ cấm vận ViệtNam,Cuba, Triều Tiên? Sao các vị lãnh đạo nhà nước ta lại phải ra sức vận động các nước khác lên tiếng kêu gọi Mỹ bỏ cấm vận? Sao người ta lại đưa ra những con số thống kê thiệt hại lên tới hàng chục tỉ đô của các nước do sự cấm vận của Mỹ và đồng bọn gây ra? Và đây nữa, vì sao mà đến nông nỗi các đồng chíCuba, những người theo đảng làm cách mạng đến cùng, không có nổi cái xe đạp tử tế mà đi? Vì sao mà các đồng chí Triều Tiên, những người trung thành tuyệt đối với gia đình lãnh tụ vĩ đại họ Kim, phải đào rễ cây, bứt cỏ nhai tạm qua ngày, chỉ được ăn cá trong những ngày khóc thương lãnh tụ?

Thì ra bọn chúng, cái bọn đế quốc trời đánh ấy, chúng không phải chỉ diễn trò hề. Chúng thâm độc thật!

Đến bây giờ, cái đầu già của tui vẫn không hình dung ra cấm vận là cái gì? Nó vận hành ra sao? Cái lũ đế quốc nó làm kiểu chi mà cái thứ đó gây tác hại ghê gớm rứa?

Rồi tui thắc mắc: sao các đồng chí lãnh đạo ta không cấm vận chúng nó cho chết cha chúng nó đi? Rủ thêm anh em đồng chí Phi Đen, cha con ông cháu đồng chí Kim chi chi, chơi một quả “phản cấm vận” cho cái bọn Mỹ bọn Mẽo với mấy thằng EU chết sặc máu, chết không kịp ngáp. Sao nhỉ? Sao các đồng chí í không làm nhỉ?

Có lần tui đem cái thắc mắc ấy nói với hai thằng bạn già của tui, rứa là làm chúng nó cãi nhau. Thằng này bảo sức chó đâu mà cấm vận chúng nó, có cấm vận thì chúng nó cũng chẳng bị ảnh hưởng chi. Thằng kia nói mấy ông lãnh đạo từ bỏ lập trường cách mạng rồi, không còn quyết tâm làm cách mạng thế giới để tiêu diệt đế quốc tư bản nữa. Tui không tin, nhưng càng thêm bối rối trong lòng.

Tui đành tự giải thích rằng đó là do phe ta đang gặp những khó khăn tạm thời. Chúng có thể kéo dài 50 năm, 100 năm, 200 năm hoặc lâu hơn nữa. Nhưng rồi sẽ đến lúc ta cấm vận được chúng nó, cho chúng nó chết sặc máu tươi!

Nghĩ vậy, tui thấy tạm yên lòng. Mười mấy năm qua, tui không quá băn khoăn về chuyện phản cấm vận bọn đế quốc nữa.

*

Hôm rồi, theo dõi trên ti-vi cảnh đồng chí Tổng Bí Thư nói chuyện ở trường đảng cao cấp củaCuba(hình như mang tên một ni cô tên là Lô Phét?) mà thấy ruột nở ra từng khúc, đến mức bụng chướng cả lên.

Tổng Bí thư nêu rõ xã hội xã hội chủ nghĩa mà nhân dân Việt Nam đang phấn đấu xây dựng là một xã hội dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh; do nhân dân làm chủ; có nền kinh tế phát triển cao, dựa trên lực lượng sản xuất hiện đại và quan hệ sản xuất tiến bộ phù hợp; có nền văn hoá tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc; con người có cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc, có điều kiện phát triển toàn diện; các dân tộc trong cộng đồng Việt Nam bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng và giúp đỡ nhau cùng phát triển; có Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân do Đảng Cộng sản lãnh đạo; có quan hệ hữu nghị và hợp tác với các nước trên thế giới.
Tổng Bí thư khẳng định: “Những thành tựu đổi mới tại Việt Nam đã chứng minh rằng phát triển theo định hướng xã hội chủ nghĩa không những có hiệu quả tích cực về kinh tế mà còn giải quyết được các vấn đề xã hội tốt hơn nhiều so với các nước tư bản chủ nghĩa có cùng mức phát triển kinh tế. Đó là sự ưu việt, là sức sống thực tiễn của chủ nghĩa xã hội !”
Đây rồi! Bây giờ thì ta sắp qua khỏi những khó khăn tạm thời rồi nhé, không phải như cái bọn đểu chúng nó mỉa mai: “Trong chủ nghĩa xã hội, “những khó khăn tạm thời” là vĩnh viễn”. Chỉ một vài năm nữa thôi, rõ ràng với những ưu thế như đồng chí Tổng Bí Thơ nói, ta sẽ thừa sức cấm vận Mỹ cho nó chết nhăn răng!

Nhưng không biết các đồng chí í có nghĩ đến cấm vận Mỹ không nhể? Chắc là có chứ! Cái đầu vừa già vừa ngu như mình còn nghĩ ra nữa là!

Nhưng để cẩn thận, mình vẫn ngồi vào bàn, lấy giấy bút ra, viết một bức huyết thư. Gửi các đồng chí trung ương. Nội dung là hiến kế cấm vận Mỹ.

Chắc các đồng chí chẳng bực mình đâu. Dù mình có dạy đĩ vén váy thì cũng được chiếu cố vì cái lòng nhiệt tình cách mạng.

MICHAEL LANG

TIÊN LÃNG: DIỄN BIẾN ĐÚNG QUY LUẬT

Trong bài “Tiên Lãng đang rơi vào quên lãng” tôi đã nói lên nỗi buồn khi thấy cuối cùng thì cánh quan chức tỉnh huyện cũng chỉ bị kỷ luật sơ sơ, chỉ gia đình anh Vươn là lãnh đủ. Nhưng nghĩ cho cùng thì làm sao có thể khác được? Mà như thế có khi lại hay hơn.

Người xưa từng nói: “Mấy đời bánh đúc có xương?…” Thời nào cũng thế thôi, lấy đâu ra quan chức thương dân nghèo? Nói cho đúng thì thương có thể cũng có phần, nhưng sao nhiều bằng tình thương đối với cái túi của họ được?

Cho nên, họ phải hành động vì cái túi!

Vì cái túi, họ phải nhận những thứ được đưa từ dưới lên để nhét vào đó cho đầy. Ngày xưa túi chỉ có nửa gang, một gang hay cùng lắm là chín gang, dù khó đầy nhưng cũng còn dễ hơn thời bây giờ. Ngày nay, những cái túi là vô hình, chúng thực sự vô đáy, vô kích thước, bỏ bao nhiêu vào đó cũng không đầy.

Ferdinand Marcos của Phillipines bỏ túi dăm ba tỉ đô, tưởng đã là kỷ lục. Nhưng không, những Mubarak, những Gaddafi, mỗi ngài còn bỏ túi dăm bảy chục tỉ kia. Mà cũng chưa bằng một hoàng đế nguyên là đầy tớ của dân: Vladimir Putin, kẻ nghe đâu bỏ túi trên dưới trăm tỉ, vượt xa tài sản của những Bill Gates, Warren Buffet, Carlos Slim,… Mà chắc gì Putin đã là người giàu nhất?

Đã nhận từ bên dưới rồi thì khi dưới sai, trên xử sao đây? Mà xử hết chúng thì “lấy ai mà “làm việc””? Cho nên trên dưới phải thương nhau, bảo vệ nhau. Phải trừng trị bọn dân đen để bảo vệ “cách mạng”.

Vì cái túi, người ta cần bảo vệ chế độ. Không còn chế độ thì đâu còn chỗ bên trên để mà hút tiền từ bên dưới?

Để bảo vệ chế độ, người ta phải ngăn chặn bớt việc moi tiền bỏ túi. Mỗi người đều cố lấy thật nhiều, nhưng phải ngăn bớt bọn khác lại để khỏi phải hút kiệt máu dân, vì nhỡ ra bọn dân đen ấy, chúng căm thù quá, lại để bị các thế lực thù địch xúi bẩy, lại vùng lên như ở nơi này nơi nọ… Vì vậy mà phải sinh ra “học tập”, “chỉnh đốn”, “phê và tự phê”,…

Nhưng quy luật là quy luật.

Đó là quy luật của cái túi. Cái túi nó đau khi nó thấy một món tiền lớn không chảy vào nó. Nó truyền cái đau sang ông chủ, làm ông chủ tin rằng riêng khoản tiền đó nếu chảy vào túi ngài thì cũng không ảnh hưởng gì đến sự tồn vong của chế độ. Bọn khác lấy quá nhiều thì mới dính đến chuyện tồn vong, mình mình lấy thì có sao. Mà mình không “bạo vì tiền” thì sao lời huấn thị về việc chỉnh đốn của mình có sức nặng được?

Mubarak đủ khôn để biết rằng tham lam vô độ sẽ dẫn đến sụp đổ. Gaddafi thừa khôn để biết rằng làm gì cũng phải có điểm dừng. Nhưng cái túi không cho phép họ dừng. Lần nào, khi chưa thấy một món tiền, họ cũng tự khuyên dừng lại. Nhưng khi có một món lớn, cái túi lại nói: “Lần này vẫn an toàn. Thêm một lần thì có là chi?”

Và cứ thế, cái túi vô tình thúc họ đẩy chế độ đến chỗ diệt vong.

Chẳng cái gì, chẳng ai khác có thể làm chế độ diệt vong, ngoài chính các ngài, theo sự sai khiến của những cái túi của các ngài. Khi cái túi nói “Vẫn an toàn” thì không ai có thể làm cho các ngài tin rằng ngày tận số đã cận kề.

Cái túi có thể xui khiến các ngài đàn áp đẫm máu để giữ lấy cái quyền vơ tiền bỏ túi. Dù biết rằng càng đàn áp càng đẩy nhanh tới sụp đổ, nhưng quy luật là quy luật. Ai mà cưỡng được quy luật?

Cho nên, các ngài đang hành động đúng theo quy luật, thậm chí còn thúc đẩy cho tiến trình diễn ra theo quy luật nhanh hơn. ỞTunisia, ở Ai Cập, ởLibya, các ngài ấy đều hành động tuân theo quy luật.

Ở ViệtNamta trước 1945, vua quan nhà Nguyễn cũng từng làm đúng theo quy luật.

Ngày nay, ở xã Vinh Quang, ở huyện Tiên Lãng, ở thành phố Hải Phòng,… các ngài ấy cũng đang làm đúng theo quy luật.

Liệu có vì bài viết của kẻ hèn mọn này, mà các ngài chùn tay lại chút nào chăng? Không bao giờ. Có đến hàng triệu bài viết của những người có danh đi nữa thì cũng chẳng thể nào làm các ngài bận lòng. Các ngài luôn làm theo quy luật.

Xin cảm ơn các ngài.

NGUYỄN TRẦN SÂM