Người tình cũ 16 (hết)

16.

Trần đi họp ở ban tuyên huấn thành ủy ngay từ đầu giờ buổi sáng, khi anh về cơ quan thì thấy có một cái văn thư của đồn công an nằm sẵn trên bàn làm việc của mình. Thấy thư đã bị mở, Trần lôi ra đọc. Ðọc xong anh sững sờ cầm cái phong bì đứng lên đi ra văn phòng.

-Ai khui cái thư này đây? Trần hỏi.

Cô nhân viên đánh máy đáp:

-Dạ hồi sáng có một người đem thư đến, anh Tỵ nhận.

Trần vô thẳng phòng phó tổng biên tập:

-Anh khui cái thư này, hả?

-Tôi tưởng đó là một cái thư bình thường.

-Nhưng bây giờ thì anh biết rằng nó không bình thường chớ gì?

-Tôi biết rằng đó là một vấn đề tế nhị, nhưng tôi nghĩ dẫu sao cũng phải cử người đến làm việc với họ xem mức độ phạm pháp của đồng chí ấy tới đâu để có biện pháp giáo dục chứ.

Trần nói:

-Không nên làm cho sự việc trở nên rắc rối. Tôi sẽ đích thân đến lãnh hắn về. Chỉ có tôi và anh biết nội dung bức thư này thôi, anh hiểu ý tôi chứ?

-Tôi hiểu, nhưng nếu như anh ta phạm thêm lỗi gì nghiêm trọng thì sao?

-Nếu nghiêm trọng thì người ta đã không yêu cầu mình đến lãnh về.

Cho đến khi lãnh Nguyễn về rồi Trần vẫn tin rằng mọi việc sẽ được dàn xếp êm thấm gọn gàng, anh không ngờ rằng ngay từ khi anh bước lên chiếc Toyota màu trắng để đến đồn công an thì ở cơ quan mọi người đã bàn tán xôn xao rồi.

Mọi cố gắng của Trần để cứu vớt danh dự của bạn đều vô ích. Vụ tai tiếng không chỉ dừng lại ở phạm vi cơ quan mà lan cả ra ngoài.

Trần đóng cửa suốt mấy ngày hôm sau. Chỉ có anh và Nguyễn, không cho ai ra vô.

-Tiên sư anh, Trần nói, anh chuyên gây rắc rối.

-Biết rồi. Nhưng tôi có cần anh cứu giúp đâu. Anh cứ để cho thằng Tỵ nó đưa tôi ra kiểm điểm trước cơ quan đi. Chẳng sao cả. Còn dịp nào tốt hơn để nó trả thù tôi đâu. Ðừng hòng ngăn cản nó. Nhưng tôi cóc cần.

-Cần hay không cần thì cũng đã hết thuốc chữa rồi, ngài ạ. Ngài liệu mà đối phó với chúng nó đi chứ con thì nản quá rồi. Chuẩn bị đưa cổ ra cho chúng chọc tiết, không phải chỉ có mình thằng Tỵ đâu mà cả những con mẹ sồn sồn ế chồng trong công đoàn, những cô đoàn viên thanh niên nữa. Tha hồ mà sướng nhé. Còn tôi xin báo trước với ngài là tôi không dự bữa tiệc ấy đâu.

-Mặc xác tôi. Tôi ngấy luôn cả anh, anh tổng biên tập thân mến ạ.

Nguyễn coi đồng hồ rồi đứng dậy mở cửa bước ra ngoài. Anh thấy đói lả và cần ăn một tô phở thật nóng. Chiếc xe đạp của anh bị xẹp lốp, anh vứt nó ở góc tường rồi ra cổng đón một chiếc xích lô đạp. Nhưng anh xuống xe nửa chừng, dang nắng như một thằng điên, đứng đái vô hàng rào và khạc nhổ lên những gốc cây cao su hai bên đường. Cuối cùng anh gặp một công viên vắng người, mua ổ bánh mì và ngồi ăn trên ghế đá. Mày cứ đưa vụ này ra kiểm điểm trước cơ quan đi, Tỵ ạ, tao không sợ mày đâu. Hãy trả thù đi, không có dịp nào tốt hơn dịp này đâu. Nguyễn đớp một miếng to, nhai ngấu nghiến và cảm thấy ngon miệng. Lần trước, mày cũng đưa tao ra kiểm điểm trước cơ quan, nhưng mày đã thất bại, lần này thì chắc chắn một trăm phần trăm là mày sẽ thắng rồi, vì tình thế bây giờ hoàn toàn không phải như lần trước. Hồi đó anh em phóng viên trong cơ quan không ai ủng hộ mày và cái buổi kiểm điểm tao thành buổi kiểm điểm mày. Mày còn nhớ Thúy không? Thúy bảo rằng tao đánh mày là phải vì nếu tao không đánh mày thì ra ngoài người khác cũng đánh mày. Thúy nói xong mọi người đều cười lên thích thú. Mày hiểu vì sao anh em phóng viên lại cười lên như thế chứ?

Chuyện đó xảy ra mới cách đây hai tháng, Tỵ bảo rằng có một trường hợp điển hình ở một đơn vị bộ đội trong thành phố. Bảy chiến sĩ trẻ tình nguyện xin ở lại quân ngũ mặc dù đã mãn hạn nghĩa vụ quân sự và có lệnh cho phục viên. Tỵ phân công cho Nguyễn đi viết bài ca ngợi bảy chàng trai ấy. Nguyễn đến nơi tìm gặp những điển hình của mình, anh nói chuyện với họ. Hóa ra họ không phải là bộ đội tác chiến mà chỉ là những y tá phục vụ trong một đơn vị bộ đội sản xuất ở địa phương. Ðó là những chàng trai thành thực, dễ mến. Họ thú thực với Nguyễn rằng bây giờ phục viên về nhà xin việc làm đâu phải dễ, thôi cứ ở quách trong quân đội, đời sống ổn định hơn.

Nguyễn trở về gặp Tỵ:

-Chẳng có gì để mà viết cả.

-Sao vậy? Ðó là điển hình của quân khu, sắp đi báo cáo ở đại hội đấy.

-Kệ họ. Tôi thấy chẳng thấy có điển hình gì cả.

-Anh có làm việc kỹ với họ không đấy?

-Rất kỹ. Chẳng qua là họ sợ phục viên về nhà sẽ thất nghiệp thôi. Không có gì phải làm ầm ĩ về chuyện này. Anh em chiến sĩ ngoài mặt trận họ cười đấy. Họ sẽ nói mình là những thằng khùng.

Tỵ lặng thinh. Hôm sau anh ta gặp riêng tổng biên tập và báo rằng Nguyễn không chịu viết điển hình ấy và quan niệm rằng chỉ có những thằng khùng mới từ chối lệnh phục viên.

Nguyễn bị tổng biên tập gọi đến lên lớp chính trị. Lúc ấy anh không giận Tỵ, anh chỉ bảo rằng Tỵ đã phản ánh không đúng sự thật, xuyên tạc câu nói của anh. Thế rồi thôi, anh cũng thấy nhẹ nhõm như không. Sáng hôm sau, anh đến cơ quan sớm và ngồi ở thềm nhà chơi đàn. Anh chơi rất có cảm hứng có lẽ vì hôm đó trời mát và lòng anh thanh thản. Tỵ đến, đi ngang qua chỗ anh ngồi đàn. Cũng không có việc gì xảy ra cả. Nhưng khi anh cất đàn bước vào phòng làm việc thì Tỵ ngửng lên nói:

-Anh đi viết cho tôi cái điển hình ấy nhé.

Thế là bỗng nhiên cơn giận ở đâu ập tới.

-Tôi không viết.

-Nhưng anh cũng phải dành cho tôi cái quyền được điều động phóng viên của mình chứ.

Nguyễn quay phắt lại. Trước mặt anh không phải là Phó tổng biên tập nữa mà là một con đười ươi. Nguyễn tát liên tiếp hai cái vào mặt nó. Anh thấy toàn thân rung chuyển, cảm giác rất lạ, gần giống như là một nguồn cảm hứng nghệ thuật đang chảy tràn qua anh. Tỵ bối rối đứng lên, nhưng không dám phản ứng gì cả. Anh ta khựng lại một lúc lâu vừa sợ hãi vừa sững sờ. Rồi anh ta la lên như la làng:

-Bớ anh em! Nó đánh lãnh đạo! Nó đánh lãnh đạo!

Nhưng từ nãy giờ anh em phóng viên đã đứng chật ngoài cửa phòng để xem trận đấu và không ai thèm can thiệp. Nguyễn bỏ ra khỏi phòng, không nhìn ai vì thật sự lúc ấy anh cũng thấy ngượng.

*

Lần này thì anh chẳng đánh đấm gì ai và cũng không nói lời nào nhưng anh hiểu rằng bi kịch đã đến hồi kết thúc.

Chỗ Nguyễn đang ngồi có một hồ nước nhỏ đầy rong rêu, giấy vụn và bao ny-lông. Quanh hồ không có ai ngoài mấy đứa nhỏ lom khom vớt cá lòng tong. Ðàn cá nhỏ chạy lăng quăng, biến mất dưới những cái lá khô, những tấm vé số. Nguyễn rứt một chút ruột bánh mì ném xuống nước và đợi. Một lát đàn cá nhỏ bu đến đen kịt quanh mẩu bánh rỉa mồi làm cho mẩu bánh cứ nhấp nhô bồng bềnh từ từ trôi đi. Nguyễn nằm sấp xuống bờ cỏ quan sát chúng.

Có tiếng lũ nhỏ vỗ tay reo, nhưng Nguyễn không quay lại vì anh bận quan sát đàn cá, đến khi anh ngồi dậy thì chứng kiến một cảnh tượng quái đản. Cảnh ấy thoạt đầu giống như một trò xiếc, một màn hề giữa đường phố, giữa thanh thiên bạch nhật. Cái trò hề ấy làm anh lóa mắt, thu hút sự chú ý của anh, nhưng chỉ một phút sau – hoặc chỉ mấy giây sau thôi – sự thích thú vì hiếu kỳ tan biến đi còn lại sự ngạc nhiên kinh sợ.

Hai tay đua kỳ quái chỉ còn cách anh có mấy bước. Ðó là hai thằng đàn ông cụt chân. Cụt cả hai chân. Họ ăn mặc gần giống nhau: quần shorts, lai quần rách te tua bẩn thỉu vì kéo lê dưới đất cát ẩm ướt. Áo lính rằn ri không có tay, sát nách. Hai cánh tay trần vạm vỡ gồng lên. Từ cùi chỏ đến cổ tay buộc một miếng ruột xe hơi, phía trong lót vải bố, quấn dây chằng chịt. Cả hai đều để tóc dài chấm vai. Hai tay đua nằm sát đất thi nhau trườn tới thật mau, cố qua mặt nhau, trong khi hai cái đùi cụt ngủn bị kéo lê lết dưới đất. Cả cái thân hình cũng thế: gần như bất động để mặc cho hai cánh tay lôi đi. Lũ trẻ con vây quanh hai tay đua la lối cổ võ cười cợt ném vỏ trái cây trên mình hai kẻ tàn tật. Nhưng hai tay đua không hề để ý tới bọn con nít, họ vừa lướt tới vừa ngó chừng nhau thách thức nhau, ngó mặt nhau cười sằng sặc. Mỗi lần người này vượt lên người kia một nửa thân mình thì anh ta có vẻ đắc ý la lên:

-Thua! Thua!

-Con c… Coi tao rút nè!

Hắn gằm mặt xuống, gồng hai cánh tay buộc dây chằng chịt ấy cố lướt tới. Hai miếng cao su chà xát dưới đất sàn sạt, hai cái đùi cụt bị lôi đi như hai khúc thịt xám ngoét lấp ló sau ống quần rách bươm rung rinh, vẽ trên đất hai cái vệt dài.

Người kia thấy đối thủ của mình sắp đuổi kịp cũng cắn răng vung mạnh hai cánh tay sàn sạt.

Bấy giờ khán giả không chỉ là đám con nít mà đủ mọi loại người không biết ở đâu bu đến. Ðàn bà, thiếu nữ choai choai son phấn lòe loẹt, những người bán hàng rong, thanh niên, mấy người lớn tuổi, những người bộ hành tình cờ ghé lại, những người đi xe gắn máy, xe đạp cũng dừng xe lại coi. Hai tay đua có vẻ rất hào hứng khi được người ta coi đông như thế, chúng đã trườn hết một vòng công viên, bây giờ thì mặt mày người nào cũng lấm đất, thế mà cứ cười hăng hắc, thách đố nhau, làm trò với khán giả. Bọn con nít mặc sức la ó, người lớn thì cười cợt, thúc giục, bình phẩm.

Nguyễn thấy buồn nôn, anh muốn có một cái vòi nước, anh sẽ xịt vào những cái mặt cười cợt hào hứng của từng tên khán giả dù nó là ông già hay thiếu nữ, là người đứng tuổi hay bọn con nít. Chúng đang tham dự vào cái trò quỷ quái gì vậy? Chúng đang cười cợt thưởng thức cái trò hề quái đản gì vậy? Cả hai tay đua này nữa, chúng là ai vậy? Cút cha chúng mày đi! Chúng mày đem cả sự tàn tật ra làm trò hề cho thiên hạ à? Chúng mày đem cái thân phận bi đát của mình ra mua vui cho cái đám đông tàn bạo và bất nhẫn ấy à?

Nguyễn không chịu đựng nổi cái cảnh tượng dã man ấy, anh bỏ đi, hấp tấp, vội vã và khập khiễng giữa đám đông. Những người đứng xem quay nhìn anh. Anh cảm thấy như tất cả những đôi mắt xoi mói kia đang xỉa xói vào cái chân giả vàng bủng của anh, xỉa xói vào cái dáng lệch lạc xiêu đổ của anh. Anh bước xuống đường mạnh đến nỗi đoạn chân giả thốn vào cổ chân đau điếng. Nhưng Nguyễn cứ rảo bước, băng qua đường. Ðám đông lại reo hò khi một trong hai tay đua thắng cuộc, nhưng lúc ấy Nguyễn có cảm tưởng như bọn họ đang cười chế diễu anh. Rất may anh vừa đến một ngã tư và rẽ sang đường khác. Anh gặp những người phu quét đường mặc áo xanh đang gom lá khô vào giỏ. Cảnh ấy làm anh dịu xuống, anh đi chậm lại nhìn bóng những tàn cây loang trên mặt đất. Anh đi vào giữa những bóng mát ấy và bắt đầu thơ thẩn, vô định.

*

Những buổi trưa sau đó, anh thường trốn vào vườn Tao Ðàn nằm ngửa dưới gốc cây bã đậu. Con tò vò xanh đã xây xong chiếc tổ bằng đất sét, đã giấu vào trong đó một con sâu, đã đẻ trên mình con sâu những quả trứng, đã hàn kín miệng tổ lại và bay đi rồi. Anh trò chuyện với con kỳ nhông bờm xanh, con thằn lằn bông và đàn kiến vàng cao cẳng. Một lát sau anh ngủ quên đi trên vạt cỏ, rồi thức dậy trong nỗi buồn mênh mông, không ân hận không hổ thẹn nhưng buồn. Người con gái một thời mình mơ ước đắm say, đã ân cần trao cho mình cả cuộc đời. Nhưng Phượng không thể thuộc về mình được. Mãi mãi như thế. Mình sẽ không bao giờ gặp lại Phượng nữa. Vĩnh biệt em, đứa con sáng giá nhất của Ðức Chúa Trời, nữ thánh Madeleine yêu dấu. Không phải công chúng chỉ ném đá vào em mà ném vào cả anh nữa. Chúng ta đi song song nhau và họ vừa ném đá vừa nguyền rủa. Họ bảo anh là một thằng biến chất sa đọa, còn em là một cô gái điếm. Công chúng đứng đông nghẹt hai bên đường và giơ những nắm đấm lên, họ la hét: “Hãy ném đá cho đến chết hai kẻ tội lỗi ấy”. Lần ấy Đức Chúa Trời đã cứu em. Nhưng còn anh? Trong kinh thánh không có tên anh, Chúa đã không nói một lời nào về anh vì trước sau anh vẫn là một kẻ vô thần. Vĩnh biệt em.

Nguyễn nằm im, nhìn ngắm buổi trưa trôi đi như dòng sông êm đềm chảy qua lá cỏ, không gợn chút sóng, không kêu lên một tiếng thầm thì.

*

Buổi kiểm điểm đã diễn ra như một giấc chiêm bao. Nguyễn ngồi mở mắt, nhưng thần trí anh đã ngất ngưởng đến tận cõi phiêu bồng nào. Loáng thoáng bên tai có giọng đàn bà con gái, giọng của Tỵ, của Thuận. Một vài người nói có nội dung na ná như những bài giảng ở đồn công an, không biết có ai đấy đã nhắc đến tên Oanh một đôi lần, nhưng vì anh không theo dõi từ đầu nên anh không rõ vì sao người ấy lại nhắc đến Oanh. Cuối cùng người ta đề nghị anh phát biểu tiếp thu ý kiến phê bình đóng góp, anh hơi bất ngờ vì anh đã định không nói một lời nào cả, nhưng câu nói ở đâu bật ra khỏi miệng anh:

-Ðây là chuyện riêng tư của tôi không dính dáng gì đến cơ quan cả.

-Dính dáng chứ. Tỵ cố giữ giọng trầm tĩnh, chúng ta đang sống trong một xã hội mà cá nhân và tập thể, chuyện riêng và chuyện chung có quan hệ hữu cơ với nhau. Anh Nguyễn không thể tách rời con người ngoài đời và con người cơ quan ra được.

Một chị sồn sồn không dằn nổi sự bực tức:

-Tôi không thể tưởng tượng được một cán bộ văn hóa lại đi làm cái việc nhục nhã ấy. Mại dâm là một tệ nạn xã hội do chế độ cũ để lại, chế độ ta phải gánh chịu và nỗ lực giải quyết, đem lại nếp sống văn minh lành mạnh cho xã hội, vậy mà có kẻ trong hàng ngũ chúng ta đi tiếp tay cho cái trò hề đê tiện ấy. Kẻ ấy nhứt định không còn xứng đáng với nghề nghiệp mình nữa, tốt hơn hết anh ta nên chọn một công việc khác. Xin các đồng chí có ý kiến thêm về điểm này.

Một vài người đưa tay lên xin phát biểu. Tỵ nhìn quanh và mời một người, nhưng anh ta chưa kịp nói gì thì Trần bước vào, đi thẳng tới một cái ghế trống:

-Thôi, đủ rồi! Trần nói to, mặt đỏ gay, giận dữ, cũng vì thế mà giọng anh hơi lắp bắp – Các người đang làm cái trò gì thế này? Các người định đuổi cổ một đồng chí của mình ra khỏi đây chắc? Hay quá nhỉ. Thế mà tôi cứ tưởng rằng ngay với kẻ thù, ta cũng phải tìm cách lôi kéo họ về với chúng ta kia đấy. Lúc nãy ai định phát biểu đấy? Bây giờ xin mời nói đi, hãy đem dao búa, lưỡi lê ra… Xin mời.

Trần rút khăn lông ra khỏi quần một cách khó khăn và lau mồ hôi, những nốt đỏ trên da nổi rõ hơn, anh cảm thấy mặt mình rát buốt và hai cánh tay rung chuyển, hai chân cũng muốn rụng rời vì cơn giận dữ thái quá. Trần bỏ đi, vừa đi vừa cố nhét cái khăn lông vô túi quần bằng những ngón tay méo mó cứng đờ của mình.

Phòng họp im thin thít. Trần lê từng bước nặng như đá ra khỏi phòng, anh ngoặt qua phải, đi theo cái hành lang hẹp. Cho đến khi leo lên cầu thang để về phòng mình, Trần mới bắt đầu nghe những tiếng ồn ào dấy lên từ căn phòng anh vừa bỏ đi. Những tiếng ấy như đuổi theo anh làm anh sợ hãi, anh bước hụt chân, suýt ngã chúi xuống, trán đập mạnh vào thành vịn cầu thang. Anh bấu lấy nó, thở dốc, nhưng anh gượng dậy được, cắn lấy môi cố bước lên.

*

Vụ tai tiếng đã lan ra ngoài. Và vì trong buổi kiểm điểm có người nào đó đã nhắc đến tên Oanh nên nó lập tức bay đến chỗ Oanh ngồi.

Ðem cái tin ấy đến không phải là ba con chim bồ câu mà là ba con quạ đen. Ðen từ đầu đến chân, mỏ cũng đen, đen cả những móng vuốt. Ba con quạ ngồi chụm lại ba góc, góc thứ tư là Oanh.

-Ngay đêm Giáng sinh chị ạ, một con quạ nói trước, rượu chè be bét tới khuya, thế là chớp lấy một cô đứng đường, đè xuống “làm” ngay vỉa hè.

Con quạ thứ hai:

-Khi bị bắt, chị biết không, cả cha Nguyễn lẫn con điếm xắc-xi chăm phần chăm. Dẫn nguyên xi như vậy về đồn công an.

Con thứ ba:

-Vậy mà hắn còn xưng với công an hắn là nhà báo đảng viên, cán bộ kháng chiến, mười năm ở rừng, thế có ngu không.

-Ðúng là một thằng ngu. Phải khôn như người ta, khai là dân chợ trời đứng bến có phải đỡ nhục không.

Oanh tái mặt, run lẩy bẩy:

-Thôi, im đi, tôi chỉ muốn biết tại sao con mẹ ấy lại lôi tôi vào vụ này. Tôi có dính dáng gì đâu.

-Chính tụi em cũng giận ứa gan. Bả nói cha Nguyễn này là thằng Sở Khanh, đi chơi hết cô này tới cô kia, bất kể già trẻ lớn bé, bất kể độc thân hay đã có chồng. Rồi bả lấy chị ra làm thí dụ, bả nói có lần bả gặp cha Nguyễn chở chị đi rong ngoài phố. Có không?

-Làm gì có chuyện đó. Oanh cũng kêu lên, ai mà đi chơi với cái thứ ấy. Bộ khùng à? Tôi phải gặp mẹ đó mới được. Ðể hỏi cho ra lẽ.

Con quạ khác rầm rì:

-Chớ sao em nghe người ta nói trước đây cha đó bồ với chị mà.

-Bậy bạ. Làm gì có chuỵện đó. Nó theo nó dê tôi thì có. Vậy mà bây giờ đương khi không mang tiếng xấu vô người.

Hai con quạ tranh nhau kêu:

-Còn chuyện này nữa mới ghê.

-Chuyện gì nữa?

-Người ta nói chị đã tặng cho hắn một cái áo lót. Tình chưa?

-Im đi! Oanh ôm mặt khóc ngay trong quán nước.

Ba con quạ tranh nhau vỗ về. Oanh hỏi:

-Chúng nó nói như thế ngay trong buổi họp à?

-Không, họp xong, bữa sau bả mới tiết lộ. Bả nói có người nào đó trong cơ quan chị biết chuyện này và nói lại cho bả hay.

-Ðồ đê tiện! Hèn mạt! – Oanh rú lên – Người như tôi mà đi tặng áo cho một thằng cha như thế?

-Nhưng chính mắt em đã từng thấy hắn lôi từ trong xách tay của hắn ra một cái áo thun xanh giống hệt cái áo chị thường mặc.

-Nó ăn cắp, Oanh kêu lên và ngạc nhiên thấy giọng của mình bắt đầu hao hao giống giọng của loài quạ đen, có lần nó đến đây, thừa lúc tôi sơ ý là nó chôm liền. Mấy ngày sau tôi mới biết.

-Sao chị không mắng vô mặt nó cho nó biết nhục. Em mà thằng nào theo dê em như thế, em vụt dép vô mặt cho biết thân.

-Chứ không à! Rồi cũng có ngày tôi sẽ…

Oanh dừng lại nửa chừng, hoảng hốt khi nhận ra giọng mình giống hệt giọng con quạ đen. Chị nhìn xuống chân mình và suýt rú lên vì khiếp sợ: rõ ràng lúc nãy mình mặc quần jeans trắng đi dép da, thế mà bây giờ đôi chân đã teo lại như chân chim, nổi lên những cái vảy, cựa và những ngón chân thì dài ngoằn ra tua tủa những vuốt nhọn đen sì.

*

Lúc ấy Nguyễn đang trò chuyện với con thằn lằn bông. Anh nằm trên bãi cỏ, dưới gốc cây bã đậu. Vòm cây thấp, um tùm lá, nắng xanh và trong suốt soi rõ từng đường gân lá ửng sáng. Vòm cây có nhiều tầng xòe ra trên đầu như cái váy rộng. Chàng nằm bên dưới cái váy ấy và ngủ quên đi một lúc. Khi tỉnh dậy vẫn thấy con thằn lằn bông đang rình đàn kiến vàng. Những con kiến cao cẳng mảnh mai thập thò nơi những khe nứt trên vỏ cây. Lúc chàng chưa ngủ, con thằn lằn cũng đứng đó, những con kiến vàng cũng đi lại như thế. Ngủ một giấc thức dậy chàng vẫn thấy con thằn lằn và đàn kiến. Dường như thời gian ngừng chảy, mọi vật chung quanh ngừng biến đổi để chờ chàng thức dậy. Lúc ấy, trong cơn mơ màng, chàng nghe có tiếng những chiếc lá dầu vàng khô rơi lác đác chung quanh, chàng mở mắt và thấy chúng đang rơi xuống, nghiêng nghiêng như mưa, ở tận đàng xa, chỗ có tiếng chim kêu chiêm chiếp, chỗ cây mọc thẳng như rừng và cũng là nơi có lối đi quanh co chìm mất trong lá cỏ. Suốt đời chàng thích những con đường loanh quanh vì nó hay lẫn mất trong cỏ cây như thế, nó cứ thấp thoáng trong kỷ niệm của chàng, nó từng dẫn chàng đi vào những thế giới chim chóc, cá rô hột bí, những vườn cau, những cành xoài sà sát mương nước và những trái cà cưởng rải đầy ngõ vắng. Những con đường loanh quanh thường mang trên mình nó lá khô, những dấu chân, những nhớ tiếc. Chàng nằm duỗi dài trên bãi cỏ mượt, mặt áp vào nó, nghe được cả những tiếng rầm rì bí mật bên dưới những lá cỏ to bản, chỗ những cái rễ nhỏ trắng muốt bám vô đất ẩm. Chàng nghe thấy mùi cỏ gấu thơm như thuốc bắc. Chàng móc một củ lên, vặt những cái rễ con, chùi sạch nó trên ngực áo rồi bẻ đôi nó ra. Hồi nhỏ chàng thường đi tìm cỏ gấu như thế, lấy thật nhiều những củ nhỏ như con sâu đen rửa sạch đất cát và cất vào túi áo. Cất cho thơm vậy thôi, chẳng làm gì, nhưng một thời những củ cỏ gấu bé bỏng kia đã là những người bạn thân thiết của chàng, chúng tỏa hương thơm trong những giấc mơ thần tiên, trong lúc ngồi học bài.

Chàng thấy những năm tháng đã trôi qua cuốn theo dòng chảy của nó biết bao bạn bè của mình, những người bạn trung thành, chân thật và câm lặng: những củ cỏ gấu, những bụi sim thấp lè tè trên đồi, con chó đốm, con sáo đen nói được tiếng người. Thế rồi bỗng nhiên có một thời chàng từ giã chúng, chúng biến đi mất tăm đến nỗi chàng không hề nhớ rằng đã có chúng trong cuộc đời mình. Còn chiếc xe đạp trành hồi học lớp đệ tứ nữa, bây giờ nó ở đâu nhỉ, mình bán cho ai hay là mình làm mất ở đâu. Bỗng nhiên nó biến đi mà không để lại ấn tượng gì, đến khi nhớ lại thì ngạc nhiên như chàng trai rời quê hương nhiều năm một hôm trở về nhà cũ chợt nhìn thấy món đồ chơi của mình ngày xưa giắt trên gác bếp. Một thứ tình cảm vô danh. Không phải sự bất hạnh mà nó như là một sự lắng đọng tĩnh mịch và thầm kín. Chàng bẻ đôi củ cỏ gấu quen thuộc kia, cái lõi bên trong thì trắng ngà và tỏa quanh chàng hơi hướng của quá khứ. Mùi cỏ gấu nhắc chàng nhớ đến thời gian, nhớ tới cái khoảng cách hai ba mươi năm của một đời người. Nó làm sống lại trong chàng cả một làng quê, trong đó có người mẹ, người cha, những anh chị, bè bạn. Tất cả, cũng giống như củ cỏ gấu, có một thời chàng đã lãng quên. Bây giờ chàng nằm đây, miệng ngậm cọng cỏ gấu và nhớ.

Bốn mươi tuổi, tự dưng lại nhớ nhà, nhớ nhà khi mái nhà xưa đã không còn, nhớ cha mẹ khi cha mẹ đã nằm sâu dưới lòng đất hơn mười năm, nhớ bè bạn khi bè bạn đã phân tán đi bốn phương trời. Nỗi nhớ của chàng sao mà muộn màng, sao mà hiu hắt? Thế mà chàng vẫn nhớ mãnh liệt như những người thân thiết kia còn đâu quanh đây, còn chàng thì đang đi trên cái đồi thấp, thấy lố nhố phía dưới xa những mái nhà tranh vàng nắng chiều, những mái ngói đỏ thấp thoáng trong vườn cau, những lò gạch cũ, những lò mía tỏa khói nghi ngút, lúc ấy lòng chàng đã nôn nao như con chim muốn xòe đôi cánh bay về tức thì ngôi nhà của mình. Lúc mà chàng thấy ngôi làng ẩn hiện sau cỏ cây là lúc chàng nhớ nó tha thiết nhứt, ngôi làng như người mẹ đang ngồi đầu ngõ mở hai tay chờ cậu bé trở về, chàng muốn bay thật nhanh về sà xuống giữa lòng người mẹ và chàng chạy bay xuống dốc. Ngôi làng có lần bị bom napal của giặc Pháp đốt cháy rụi, chàng ôm con chó đốm đứng nhìn những cột nhà của chàng cháy rừng rực, mẹ ngồi khóc bên gốc cây khế nơi giếng nước. Thế mà đã có một thời gian dài chàng đã không hề nghĩ đến những thứ ấy. Tại sao?

Nguyễn ngồi dậy, nhìn lá dầu khô rụng lác đác như mưa lay bay phía xa. Nắng lại ửng xanh trên những vòm lá bả đậu, đổ trên bãi cỏ. Những con đường loanh quanh vắng vẻ kia mời mọc chàng đi nhưng chàng không dẫm trên mình chúng chàng đi từ gốc cây này đến gốc cây kia và dừng lại xem những dây leo, những dây trầu bà cổ kính leo chằng chịt trên thân cây me tây. Lá trầu bà sẫm màu và mượt. Lần đầu tiên chàng nhìn thấy một nụ hoa trầu bà, nó giống như một trái chuối xanh bé nở để ló ra một chút màu nâu nhàn nhạt của cánh hoa.

Chàng đi lại chỗ có tiếng chim kêu chiêm chiếp và chàng nhận ra con kỳ nhông bờm xanh của mình đã chạy theo chàng, leo lên những bụi duối dại. Chàng đuổi theo nó cho đến khi nó biến mất trong những lá duối nhỏ li ti và rậm rạp. Lúc ấy chàng mới tìm thấy những trái duối chín nhỏ xíu như hạt đậu xanh ửng lên màu mật ong. Chàng hái một nắm và ngồi ăn nơi ghế đá.

Nơi bãi cỏ trước mặt chàng, một người đàn bà mặc áo xanh công nhân đã bạc mầu đang cặm cụi quấn những ống dẫn nước bằng cao su lại thành vòng tròn và bê đến mắc lên ghi đông xe đạp. Nguyễn nghĩ rằng mình cũng có thể làm những công việc đại loại như thế. Anh sẽ nộp đơn xin vào làm công nhân hợp đồng của công ty Công viên Cây xanh và đến làm việc ở đây. Ngày ngày anh sẽ vác những vòng ống dẫn nước đi tưới cây cỏ, hoa lá trong công viên, sáng sớm anh dậy tập thể dục và đi bón phân cho những bồn hoa, buổi trưa anh thích nằm ngủ dưới những gốc cây bã đậu tàn rộng, trên thảm cỏ xanh mượt mà và buổi tối anh sẽ ở lại đây để bầu bạn với cây cỏ và giun dế, biết đâu anh lại chẳng tìm thấy nguồn vui trong một phần ba đời còn lại của mình.

*

Ý định đó có thể sẽ thành nếu như ngày hôm sau Nguyễn không đến thăm Dã Nhân. Cách đây ít lâu, Dã Nhân chở một chị bán rau xuống dốc cầu, bỗng một con chó nhỏ chạy ngang qua trước đầu xe. Chiếc xích lô đổ nhào, những giỏ rau cải ngả nghiêng. Người đàn bà lồm cồm ngồi dậy nhưng Dã Nhân không dậy nổi. Chân anh bị chiếc xe đè ngang tóe máu. Không biết cái gì đã đâm vào bắp chân một nhát sâu hoắm như nhát dao găm. Dã Nhân phải nằm điều trị mất nửa tháng.

Nguyễn đến thăm và gặp một ông già đeo kính lão ngồi đọc kinh Phật trước mái hiên bằng tôn lụp xụp. Nhận ra lão già đó là bạn mình, Nguyễn cười ngất, anh gỡ kính lão ra khỏi mắt Dã Nhân, đeo lên mắt mình và giật lấy cuốn kinh Phật từ tay bạn. Những con chữ to hơn, rõ hơn thường ngày.

-Bỏ mẹ, Nguyễn nói, tao cũng phải cần nó rồi.

-Dĩ nhiên. Ðó là dấu hiệu đầu tiên của tuổi bốn mươi.

-Vậy mà tao tưởng bị suy dinh dưỡng.

Nguyễn ngồi xuống cái ghế gỗ thấp. Con chó nhỏ ngửi ngửi ống quần Nguyễn rồi vẫy đuôi một cách uể oải. Dã Nhân đưa vết thương ở chân đã bắt đầu khô cho nó liếm.

Lát sau con chó lại day qua ngửi cái chân gỗ của Nguyễn rồi ngửng nhìn anh, trong mắt có chút ngạc nhiên. Nguyễn vuốt đầu nó, nhưng con vật không hưởng ứng cử chỉ âu yếm đó, lặng lẽ bỏ đi.

Ðứa con trai Dã Nhân từ nhà dưới đi lên. Dã Nhân móc mấy chục bạc lẻ và bảo nó đi mua thuốc lá.

-Thằng nhỏ coi đã chững chạc. Nguyễn nói.

-Nó được lắm. Mày biết không, không bao giờ nó chịu ngồi xích lô cho tao chở đi học. Tao bảo lên xe ba đưa đi cho đỡ mỏi chân. Nó nói: Thôi ba ơi, con thích đi bộ vui hơn. Cả con em nó nữa. Mới năm tuổi, cũng thế. Chúng nó hiểu hết. Má nó là giáo viên cấp ba, sao ba nó lại là một người phu xe? Nghĩ thương tụi nhỏ lắm. Mình dạy cho chúng trưởng thành nhưng chúng cũng dạy lại cho mình trưởng thành.

Nguyễn châm điếu thuốc thằng nhỏ mới đem về. Sau làn khói của anh, Dã Nhân ngồi thu mình, những nét già nua lộ rõ quá nên trông anh khác hẳn đi và điều ấy bỗng làm Nguyễn sợ. Nguyễn thấy bất nhẫn và tim anh nhói lên. Ðó không còn là khuôn mặt của bạn mình nữa mà là khuôn mặt của thời gian, cứ mỗi năm tháng, nó vạch những nếp nhăn, bóp méo những đường nét, xóa nhòa những tươi mát trong nét môi, trong cái nhìn. Còn con người thì vẫn cam chịu, vẫn nhịn nhục ngoan ngoãn ngồi yên cho nó tạc, nó vẽ, nó đẽo gọt mặt mũi tóc tai mình theo ý của nó.

Nguyễn nói:

-Chắc ông phải nghỉ một thời gian nữa.

Dã Nhân cười, lắc đầu:

-Tao bỏ nghề. Sức không kham nổi nữa. Ông già hồi trước là dân chài. Tao cũng thế. Tao sẽ trở lại nghề cũ. Mọi việc đã chuẩn bị xong. Hai hôm nữa là đi Long Hải.

-Có ai quen ở đó?

-Ông chú ruột. Phải vậy thôi Nguyễn ạ. Tao quá sợ cái kiếp còng lưng đạp xe như con ngựa già.

Ðối với Nguyễn, tin đó là một phát hiện vô cùng thú vị. Tự nhiên anh thấy mở ra trước đời mình cả một thiên nhiên bao la khoáng đạt. Anh mừng đến nỗi muốn reo lên.

*

Thế là ngẫu nhiên anh trở thành một người dân chài.

Hai người bạn ra khơi từ giữa khuya ngày hôm trước trong ánh sáng lập lòe của những ngọn đuốc thắp bằng dầu rái và đem cá về lúc xế chiều. Họ nhóm bếp lửa nhỏ trong túp lều của mình, nướng cá, vắt chanh vào dĩa muối tiêu rồi ngồi uống mấy chén rượu cho ấm bụng và đi ngủ trên chiếc chõng tre kê gần sát mặt đất.

Sáng sớm, Nguyễn thức dậy trong túp lều tranh trống trải bên cồn cát. Gió biển thốc vô chiếc mùng vải trắng đã ngả màu và làm bay phất phơ mái lá trên đầu, qua đó Nguyễn nhìn thấy một chút phớt hồng của dải mây mỏng ở chân trời. Rồi anh cứ nằm im như thế lắng nghe biển rầm rì, anh biết lúc này mặt biển phẳng lặng vì biển cũng giống như một người đàn bà thức dậy sáng sớm, ấm áp, mềm mại, tĩnh lặng và vô cùng nồng nàn. Nguyễn ngồi dậy và ngạc nhiên khi nhìn thấy hai bàn tay mình rướm máu.

Hơn ba tháng đã trôi qua, những vết chai trong lòng bàn tay đã thành hình nhưng cứ mỗi lần kéo một mẻ lưới nặng thì tay anh lại rướm máu, những vết máu ấy sẽ khô đi, dày lên thành những nốt chai mới. Cứ như thế hai bàn tay anh mỗi ngày một to lớn thêm, cứng cáp và sần sùi. Nguyễn lật ngửa chúng, đưa ra trước mặt mình săm soi, một cảm giác ê ẩm cứ chạy rần rần đến đầu các ngón tay y hệt như lúc anh mới học đàn, các đầu ngón tay lõm xuống tê điếng, sau đó chúng dày lên tạo thành những nốt chai, có lúc nó tróc ra như cái vảy ốc.

Nguyễn nhóm bếp lửa, bắc ấm nước lên, rồi với tay ngắt một lá thuốc phơi ở chái nhà. Anh cẩn thận tách gân lá ra, vấn thành một điếu to như điếu xì gà. Nguyễn ngồi bên bếp lửa, anh hơ hai bàn tay lên đó và thấy như chúng đang co lại, những ngón tay khô cứng cong cong như được tạc bằng rễ cây. Ngồi ở đây biển không nhìn thấy anh, rừng dương cũng không nhìn thấy anh, không ai nhìn thấy anh, không ai nghe nổi những tiếng động nhỏ do anh gây ra, nhưng Nguyễn có thể nhìn thấy biển, nghe tiếng sóng rầm rì trên bờ cát mịn, tiếng xao xác của gió nơi hàng dương và tiếng con chim yến trắng lẻ loi kêu đâu đó. Anh nghe thấy cả tiếng nói của ngọn lửa trước mặt mình, của cả những thanh củi nhỏ trở mình nổ lách tách.

Nguyễn cứ ngồi yên lặng hút thuốc lá và nghe ngóng thiên nhiên. Biển đã thức dậy, bầu trời đã thức dậy nhưng đang còn chờ một cái gì đó nên vẫn lặng thinh, cả những hạt cát dưới chân anh cũng thế. Chung quanh anh là cả một sự tĩnh mịch, dịu dàng. Nguyễn chế bình trà và bắc lên bếp nồi khoai. Dã Nhân ở trong mùng chui ra xăm xăm đi ra phía chái nhà súc miệng rồi trở vào với cái mặt và hai bàn tay ướt nước, anh ngồi sát ngọn lửa cho khô đi.

Trong bộ đồ dân chài vá víu dày cộm, Nguyễn thấy mình không khác Dã Nhân. Da anh cũng đen tím lại, môi thâm, râu tóc tua tủa và tay chân cứ dài ra như tay vượn. Khi mặt trời lên, họ vá lại mấy chỗ rách trên chiếc lưới và chuẩn bị những thứ cần thiết cho chuyến ra khơi lúc ba giờ sáng khi con nước bắt đầu đổ về hướng đông nam.

Giữa trưa Dã Nhân đi phố mua mì ăn liền, đồ nấu canh chua và dầu hôi. Nguyễn đưa cho bạn cái chai và đi theo tới hàng dương. Anh nhìn bạn đi ngang qua cồn cát, tự nhiên lòng bùi ngùi. Dã Nhân như một cái bóng hư ảo, ngả nghiêng bên những khóm bồn bồn nở hoa tím xen kẽ giữa những cây bàn chải, xương rồng và nho dại.

Nguyến đứng trên bờ cát cao nhìn theo bạn đi đến tận con đường trải nhựa cho tới khi khuất mất sau lớp lá dày. Anh đi vòng quanh những bụi xương rồng, những bụi bồn bồn. Mấy con ong bầu có hai đóm vàng trên lưng cứ bay vù vù quanh những cánh hoa tím rồi đậu xuống, biến mất vào trong ruột hoa. Nguyễn bẻ một cái, mủ trắng dây trên ngón tay, anh chùi lên quần mình và vạch cánh hoa ra tìm con ong. Con vật sợ hãi bay vụt lên mất dạng trong khoảng không. Nguyễn rứt mấy cánh hoa mong manh và tìm thấy bên trong một cái nhụy lớn sáu cánh có hình những con chó ngồi châu mõm vào nhau. Anh bóc nó ra và đặt giữa lòng bàn tay rồi trở về túp lều của mình.

Một người đàn bà đang đứng đợi anh trước cửa nhưng không nhìn vào trong nhà mà nhìn ra biển. Áo khoác mầu xám tro, quần jeans bạc thếch, tóc bay lất phất.

Nguyễn nhìn sững người đàn bà. Phượng ngó anh, dò hỏi, chờ đợi. Nguyễn lẳng lặng tiến lại chỗ chiếc ghe nhỏ đang phơi mình trên cát nóng. Phượng theo anh, đi vòng quanh và ngồi xuống chỗ bóng mát chiếc ghe. Nguyễn quỳ gối bên cái chân vịt, gỡ những cọng rong bám trên đó. Phượng hỏi:

-Anh trốn đời, hả?

-Tôi vào đời bằng lối riêng của mình.

-Vậy thì anh trốn tôi.

-Có khi phải như thế.

Phượng tựa cằm lên đầu gối, vòng hai tay ôm lấy chân.

-Tôi đến đây là để báo cho anh biết rằng ngày mai tôi ra đi. Phải chi có anh đi với tôi.

Rồi chị ngửng lên nhìn, đôi mắt đỏ hoe.

-Anh đi với tôi nhé?

Nguyễn tựa lưng vào chiếc ghe, nhìn ra khơi. Im lặng.

Biển trong xanh và đầy gió. Những con yến trắng bay ríu rít trên những ngọn sóng nhỏ mọc lên như luống hoa lài. Mặt biển có chỗ lấp lánh nắng sáng rực. Biển khỏe mạnh như cô gái mười bảy tuổi đứng cười hồn nhiên giữa trưa.

Một chiếc xe gắn máy chạy sát mé nước từ đàng kia tiến lại chỗ hai người đang ngồi. Khi còn cách một khoảng độ hai mươi mét, người lái xe thồ cho xe dừng lại, tắt máy. Phượng ngồi thẳng dậy.

-Vĩnh biệt anh.

-Tôi không mong điều ấy. Chị hãy nghĩ lại đi. Sao chị có thể bỏ Phụng mà đi?

Anh tiễn Phượng ra chỗ người xe thồ đang đợi. Phượng leo lên ngồi sau lưng người đàn ông, không ngoảnh lại chào vì chị muốn giấu giọt nước mắt.

Nhưng Nguyễn thấy nó long lanh trong tâm hồn mình.

Anh đi theo mé nước, khập khiễng, xiêu lệch. Ðến chỗ cồn cát, anh vòng qua những bụi xương rồng, đi xuống rừng dương. Anh thơ thẩn trong đó và lại bước lên cồn cát ngồi cạnh những bụi cỏ gai mọc dưới gốc hoa bồn bồn nhìn xuống con đường xe chạy. Anh ngồi đợi Dã Nhân trở về.

Ngày 29 tháng 12 năm 1985

ÐÀO HIẾU

By daohieu Posted in Chưa phân loại