Người tình cũ 15

15.

Ngay từ chiều, khi có những đám mưa bụi lất phất, Nguyễn đã đứng ở đó. Anh ước tính rằng nếu mình nhảy từ độ cao đó xuống chắc sẽ mất khoảng bảy giây để chạm tới đất. Sẽ không ai hay chuyện đó vì con đường chạy ngang qua đây rất vắng vẻ, anh sẽ nằm ở đó tới sáng hôm sau, dưới chân cái cao ốc sừng sững này, dưới những ô cửa vuông có đèn sáng. Mọi chuyện sẽ không có gì thay đổi cả, người Tàu già vẫn đẩy xe mì, đánh hai thanh tre vào nhau kêu cụp cắc, cụp cắc. Có thể người ta sẽ bàn tán với nhau chừng mười lăm hai mươi phút gì đó, rồi ai lo công việc nấy. Sự kết thúc lặng lẽ, đơn giản vô tình.

Anh vẫn thường nghĩ về sự kết thúc của một đời người như thế ngay cả những lúc anh không có gì buồn, cả những lúc vui nữa, đang cười nói, đang hát, đang trò chuyện thì bỗng dưng ở đâu nó hiện đến, chen vào giữa cơn vui. Thế mà anh vẫn không thể đẩy nó ra ngoài được, bởi nó không xa lạ với mình và nó cũng không có vẻ gì hiểm độc, nó lại hiền từ như một người bạn đến để nhắc anh. Thường thì anh dừng lại một chút giữa cơn vui, giữa câu chuyện, để nói với người bạn vô hình ấy rằng mình vẫn nhớ, vẫn nhớ đấy chứ, có quên đâu.

Cho nên buổi chiều này đang khi anh thấy thành phố rất đẹp, anh vẫn nghĩ đến cái chết, như chiếc lá chao nghiêng giữa khoảng không, lặng lẽ rơi xuống và nằm im trong một khoảng tối nào đó, lẩn mất giữa cát bụi.

Trời đã tối mịt, thành phố rộng bát ngát. Ðứng ở trên cao anh nhìn thấy nó phẳng lặng như mặt biển, như thảo nguyên mênh mông chi chít những đốm lửa du mục. Nó không ồn ào như khi anh đứng dưới đường, nó giấu những tiếng động dưới mưa bụi và che khuất những người bộ hành dưới cái váy rộng màu xám tro của nó, dưới những tàng cây đen và mái hiên phủ đầy lá mục. Giờ này, loài người đã trở về trong những cái tổ chim của mình và thắp đèn sáng. Một trăm triệu ô cửa vuông màu vàng đục soi vào những sợi mưa mong manh làm chúng ánh lên như sợi tơ. Khi có cơn gió tạt qua, những sợi tơ ấy bị thổi giạt đi, tan biến thành một thứ sương mù, một dãi mây bay là là trên những nóc nhà lờ mờ đen, những ngọn cây nhấp nhô nhấp nhô.

Những ô cửa ấy như những đôi mắt, chỉ có chúng nhìn thấy Nguyễn đang đứng đây. Những cái nhìn hồn nhiên ngơ ngác và thân thiện. Những đôi mắt của đàn cừu nhìn anh từ dưới thung lũng và anh thì đứng trên ngọn đồi thấp cầm cái que nhỏ và cây sáo trúc.

Thành phố ngoan ngoãn và lặng lẽ.

Anh vẫn thường tình tự một mình với thành phố như thế. Ðó là câu chuyện riêng của hai người, không ai biết. Ví dụ như có một buổi sáng sớm anh thức dậy ra đứng nơi ban-công lầu bảy này, nhìn xuống con đường chạy ngang qua trước cao ốc như một đường kẻ thẳng băng. Chưa có ai đi qua đó, chưa có xe cộ, chỉ có những tàng cây. Những tàn cây nhìn từ trên cao rất khác với những tàn cây nhìn từ dưới đường. Chúng giống như đầu tóc cùa trẻ con, mượt mà, tròn trịa và cứ bay lất phất trong cơn gió sớm.

Những cơn gió thì lạ lùng hơn. Ở trên cao anh nhìn thấy nó lướt qua những tàn cây như dòng nước chảy qua đám rong rêu dưới lòng suối và khi chúng thổi ngang qua mặt anh thì chúng biến mất rất nhanh, anh nhìn theo thì lại thấy chúng chảy băng băng trên những đám lá. Thế rồi chúng ngừng lại, lẩn khuất đâu đấy. Anh đốt que diêm và nhìn ngọn lửa nhỏ cháy giữa ngón tay. Anh hút thuốc và đi đi lại lại. Hành lang như chiếc cầu vồng.

Anh nhận ra một cành anh đào màu hồng nở rực rỡ giữa đám lá dày trên một tàng cây rậm rạp phía ngã ba đàng kia. Anh ngạc nhiên không hiểu sao lại có hoa đào nở giữa thành phố này, giữa mùa này. Sau đó mấy giờ, anh đi làm ngang qua dưới tàng cây ấy, nhìn lên chỉ thấy lá xanh dày đặc, không có bóng dáng một cái hoa anh đào nào cả. Buổi trưa trở về, ra ban-công nhìn, lại thấy những cành anh đào rực rỡ ban sáng. Thế là chỉ có mình anh biết được bí mật đó của thành phố, cũng giống như ngày kia vô tình anh nhìn thấy bộ ngực thon thả của một cô gái đứng thay áo trong phòng riêng của mình mà quên đóng cửa sổ. Thế là chỉ có mình anh biết được bí mật đó của cô gái. Những người đang đi dưới đường kia, dù đang hấp tấp, đang thư thả hay đang ngồi trầm lặng uống cà phê cũng không ai biết trên đầu họ đang có khóm hoa anh đào nở rất đẹp. Nguyễn không đem câu chuyện đó kể với ai nhưng anh có hỏi một người bạn như thế này:

-Ở thành phố mình có hoa đào không?

-Làm gì có, người bạn nói. Hoa đào chỉ có Ðà Lạt và ngoài Bắc thôi.

Thế thì cành hoa ấy là hoa gì? Chẳng biết. Cũng chẳng cần biết làm gì. Anh cứ gọi nó là hoa anh đào có sao đâu. Anh nhớ hoài cành hoa rực rỡ ấy. Ngay cả trong cuộc vui, những câu chuyện giữa bạn bè, những buổi họp cơ quan, tự nhiên anh lại nhớ đến cành anh đào của mình và bộ ngực trẻ trung của cô gái mà anh không quen, chúng cứ xen kẽ vào những suy nghĩ thường ngay của anh y hệt như cái chết.

Người bạn của Nguyễn đang nằm trong phòng. Anh ta đang nghe nhạc và hút thuốc lá liên tục. Những lúc buồn, Nguyễn thường đến căn phòng ở lầu bảy này chơi với hắn, nhậu nhẹt chút ít, nghe nhạc và ngủ với hắn. Có khi anh ở đây mấy ngày liền không về nhà. Anh cảm thấy mình đã thật sự quên Oanh và quên cả Phượng nữa. Anh bắt đầu mê giọng ca của Laura. Anh nằm lăn dưới nền gạch bông mà nghe Laura hát. Anh bò quanh phòng như con chó con để tìm một cái tàn thuốc lá. Laura tỏ tình với anh. Và anh tưởng tượng ra khuôn mặt, dáng dấp của người ca sĩ ấy. Ðó là cô gái có bộ ngực trẻ trung đứng thay áo trong phòng riêng mà quên đóng cửa sổ. Rồi có một lúc bất chợt nào đó anh lại nhớ cái lần nghe Phượng hát cách đây đã mười mấy năm hồi còn học lớp đệ nhất ở Qui Nhơn.

Hôm đó là một buổi sáng đi cắm trại ở Ghềnh Ráng. Biển hiền lành và phẳng lặng. Năm sáu người ngồi trên một tảng đá lớn. Phượng hát bài “Thu vàng”. Hôm đó có cả Phụng, Dã Nhân và cô Lan dạy triết. Phượng hát hay đến nỗi sau đó anh phải bỏ đi, trốn bạn bè, trốn cô giáo, tìm một cái hóc đá chui vào đó mà khóc một mình. Anh không dám mơ tưởng tới người con gái ấy, anh ghen với giọng hát ấy vì nó làm cho Phượng càng xa cách anh hơn. Mọi người đều yêu Phượng, kể cả những ông thầy, làm sao Nguyễn có thể giữ Phượng cho riêng mình. Anh có thể giữ được ngọn núi kia, kè đá này và cả biển trầm lặng mênh mông này nữa cho riêng mình, nhưng không thể giữ được Phượng con quan chánh án. Anh nằm trong hang đá và nghe cô giáo hỏi: Nguyễn đâu rồi? Nguyễn đâu rồi? Nhưng anh không lên tiếng, anh len qua những kẹt đá, ra tới mé nước, lặng lẽ cởi quần áo và bơi ra thật xa. Biển ôm anh vào lòng, anh cứ thả mình bồng bềnh, bồng bềnh như thế. Cố giáo và những người bạn rất thân của anh vẫn ngồi trên tảng đá lớn và dường như Phượng vẫn đang hát. Nhưng anh không nghe thấy tiếng hát ấy, quanh anh chỉ có tiếng bọt nước vỡ rào rào.

Gần chín giờ, trời quang đãng trở lại. Cơn mưa vừa dứt được một lúc thì ngoài đường đã đông nghẹt người. Tiếng nhạc trong phòng chợt tắt. Nguyễn quay lại, người bạn đã ăn mặc chỉnh tề, đưa anh chìa khóa phòng và nói:

-Lát nữa lại đó chơi nhé.

Nguyễn nhận cái chìa khóa và hứa với bạn là sẽ đến nếu cuối cùng anh thấy thích.

Anh trở ra ban-công để nhìn thành phố nhưng bây giờ nó đã khác hẳn, không còn là cô gái thanh xuân mặc chiếc áo khoác màu xám đi dưới mưa bụi, nó đã ăn diện rất mốt, đã đánh phấn thoa son, kẻ lông mày và cười nói tíu tít.

Xe gắn máy rú lên vì đường nghẹt cứng không chạy được, khói xe tỏa mù mịt, tiếng lũ con gái choai choai la oai oái vì bị bóp vú và tốc váy, đám con trai thích chí cười hô hố. Honda sáu bảy lồng lên dựng đứng như những con ngựa chứng, confetti lấp lánh bay trong khói, đổ xuống trên những mái tóc trẻ trung, trên quần áo và váy ngắn sặc sỡ, trên những vương miện bằng giấy gắn lông gà lông chim xanh đỏ vàng tím.

Thành phố biến dạng, thay đổi tính nết, thành phố trẻ trung, mãnh liệt và hồn nhiên, những đường phố biến thành những dòng sông trong hội hoa đăng, nhạc xập xình vang lên từ các ô cửa sổ đèn sáng choang. Ðàn cừu ngoan trong thung lũng xanh của Nguyễn biến mất, những ô cửa biến thành một trăm triệu đôi mắt tình gắn lông mi giả nhấp nháy đá lông nheo. Ở trên cao, Nguyễn có thể nhìn thấy những bộ ngực đồ sộ trắng nõn rõ ràng và trọn vẹn hơn là bọn con trai đang nhao nhao dưới đường, nhưng anh vẫn thích cái vai trần hơn vì nó gợi cảm quá chừng, nhất là nhìn từ phía sau lưng. Nguyễn thấy lòng cũng sôi lên sự thèm muốn được nhảy từ trên lầu bảy xuống, quay cuồng với dòng người, nhưng anh không có gì phải vội vàng, anh muốn được nán lại ở ban-công nhìn ngắm đàn con cháu của Chúa Kitô xinh đẹp rực rỡ và ngổ ngáo. Lạy Cha chúng con ở trên trời, chúng con nguyện danh Cha cả sáng, nước Cha trị đến, ý Cha thể hiện dưới đất cũng như trên trời… Tất cả những đạo đức giả dối, những mồm mép chính trị, những triết lý cao siêu cũng không bằng đôi vai trần của một người thiếu nữ.

Nguyễn bước nhanh xuống cầu thang, cầu thang khu tập thể cũng đầy những tiếng chân người. Có đêm nào mà kỳ lạ như đêm Giánh Sinh này không? Cái gì đang dẫn anh đi như thằng điên thế này?

Nhưng khi hòa nhập với dòng người anh mới thấy rằng mình đã già và đang lạc lõng giữa đường phố huyên náo. Thế rồi anh bị cuốn trôi đi, dạt đến một góc nào đó cho tới khi anh tìm được một khoảng trống và anh bắt đầu chạy bằng cái chân khập khiễng của mình. Anh thoát được chỗ nước xoáy và lập tức thấy quanh mình những chùm xoáy khác. Nguyễn chui vào đường hẻm tìm ngõ tắt về nhà mình.

Ðúng mười giờ anh đẩy cánh cổng sắt và vào trong sân nhà. Anh lại ngồi nơi ghế đá dưới gốc cây sung già quen thuộc của mình và cảm thấy đau gây gây chỗ đầu cổ chân bị cưa, anh tháo giày ra và nằm dài trên ghế đá. Dường như anh ngủ quên đi được một lúc, lẫn lộn giữa mộng và thật, có lúc anh tưởng như mình đang nằm bên bờ biển, nghe tiếng sung rụng lẫn trong tiếng xe cộ. Ðầu óc cứ lơ mơ lơ mơ cảm thấy như có ai đến tìm mình rồi lại nghe sóng rì rào và gió lạnh buốt. Lúc nghe tiếng chuông nhà thờ đổ dồn thì anh ngồi bật dậy. Nhưng không phải là tiếng chuông nhà thờ mà là tiếng chuông cửa. Có ai đứng thấp thoáng trong bóng tối. Nguyễn mang giày và ra cổng.

-Ði với em.

Phượng ăn mặc rất bụi đời.

Gần mười hai giờ đêm nhưng đường phố vẫn không vắng hơn được chút nào. Hai người đi bộ đến chỗ hẹn, cũng may nó không xa lắm, nó ở khuất trong một ngõ hẻm rộng đầy bóng tối và đầy mùi rêu ẩm. Con hẻm cụt lát đá có cỏ mọc giữa những khe nứt. Ngôi nhà thì nhỏ xinh xắn nhưng vườn thì khá rộng và có trồng cây. Trong vườn đã có chừng hai mươi người ăn mặc đẹp đẽ. Dưới gốc cây vú sữa kê một chiếc dương cầm màu cánh dán bóng lộn. Một thanh niên để ria mép đang chơi violon bài Jingle Bell.

Bữa tiệc không có gì sang trọng lắm nhưng không khí thì rất văn nghệ. Họ ngồi xen kẽ nhau quanh các gốc cây, trên ghế đá hay trên bồn cá, trên cỏ. Thức ăn nhẹ dọn trên những tờ giấy báo. Buche de Noel, rượu nho, bia hộp, nước ngọt, trà, cà phê, rượu mạnh. Chủ nhà là một người đàn ông đô con và rất niềm nở, ông mời Nguyễn và Phượng ngồi chung ghế đá với hai người bạn trai khác. Phượng giới thiệu Nguyễn và xin lỗi đã đến trễ, nhưng chủ nhà không có vẻ để ý đến chuyện đó. Ông gọi mang rượu vang đỏ đến cho Phượng và hỏi Nguyễn dùng gì, Nguyễn xin một bình trà nóng và mời ông điếu thuốc. Hai người bắt tay nhau một cách thân tình. Phượng nói:

-Anh Nguyễn là một Guitariste.

Nguyễn bỏ tay người đàn ông ra và nói:

-Phượng đùa đấy.

-Tôi biết chị Phượng ít khi nói đùa.

Rồi ông rời đi. Một anh bạn rất trẻ để tóc dài, ăn mặc sang trọng, đến ngồi trước đàn dương cầm. Một cô gái mặc áo dài nhung đen đến đứng cạnh cây đàn. Mọi người nhận ra đó là ca sĩ Thúy Vân. Thúy Vân hát ba bài về Giáng Sinh, giọng ấm, truyền cảm, người đệm đàn có kỹ thuật rất điêu luyện làm cho người nữ ca sĩ hát rất hứng thú. Tiếng đàn Violon cứ bao quanh lời hát như con chim nhỏ từ đỉnh núi bay giữa tiếng piano thánh thót. Hai tiếng đàn sánh đôi, lấp lánh sáng trên những ngọn cỏ, lan ra như sóng vỗ quanh chỗ ngồi. Những người kế tiếp lên hát đều là những ca sĩ nhà nghề. Những bản tình ca xen kẽ với nhạc Giáng Sinh cứ nối nhau không dứt.

Gần hai giờ sáng, những tách cà phê đã cạn và rượu chỉ còn sánh một chút dưới đáy ly, hai người nhạc sĩ không đàn nữa, nhưng trong không gian vẫn còn vang lên tiếng đàn piano của chàng trai. Nguyễn muốn đi đến cuối khu vườn, ở đó như đang có cái gì mời gọi anh. Anh nắm tay Phượng đi lại phía đó. Không có gì cả ngoài chùm lá nhỏ li ti sáng lên như thủy tinh và cỏ bên dưới thì xanh rờn trong bóng tối. Phượng ơi, Phượng! Có ai gọi em đó. Mặc kệ họ, mình đã đi trốn họ mà. Chủ nhà lại hiện ra. Anh có ngạc nhiên tại sao cỏ lại xanh trong bóng tối không? Mặc kệ nó, thắc mắc chi tới chuyện đó, lại đàng này một chút đi. Anh ta nắm tay Phượng kéo đi, Phượng thì nắm tay Nguyễn, giống hệt ba con mối nối đuôi nhau. Ba con mối đi đâu trong đêm Thánh vô cùng này? Cây đàn piano đã đóng nắp lại, cây đàn violon đã được cất trong hộp, bạn bè đã ngủ gà ngủ gật rồi mà anh kéo tôi đi đâu. Trời ơi sao lại ngủ, đêm nay phải thức suốt, phải hát suốt, phải đánh thức họ dậy. Một người thiếu nữ nào đó chừng mười bảy, mười tám tuổi đang hát. Cô gái ngồi trên cỏ mà hát chẳng có ai đệm đàn và cũng ít người nghe. Phần lớn ngồi trong bóng tối, họ nói chuyện rầm rì, họ uống nốt phần rượu còn lại trong chai. Giọng cô gái cao vút. Hai chàng nhạc sĩ lúc nãy bây giờ thu mình lại nơi chiếc bàn nhỏ, trong chiếc ghế mây. Họ uống cà phê đậm và lơ đãng nhìn ngắm bầu trời.

Một người đàn ông mập mạp đứng ra giữa khoảng trống thử làm một trò vui. Tiếng vỗ tay rải rác. Hình như giờ này mọi người muốn thu mình vào thế giới riêng của mình. Chính Phượng cũng muốn như thế mà. Người chủ nhà khẩn khoản: Nhưng Phượng phải hát một bài mới được. Em hát nhé? Phượng hỏi Nguyễn. Cứ hát đi, Nguyễn nói, chỉ mình tôi nghe cũng được mà. Có cây ghi ta nào không? Chẳng có. Thôi cần gì đàn, Phượng cứ hát một mình, tôi sẽ ngồi dưới chân em.

Phượng bỏ dép ra, hai bàn chân trần dẫm lên cỏ uớt, Nguyễn ngồi cạnh đôi dép da, vừa hút thuốc lá vừa quan sát nó.

Không hiểu sao bổng nhiên chung quanh yên lặng lạ thường. Trong cái im lặng ấy Phượng hát. Giống như đóa hoa tình cờ nở giữa rong rêu, giống như con chim lạ ở đâu bay về đậu trên mái đình cổ kính và hót. Phượng hát bài “Ngậm ngùi”. Sao đêm giáng sinh mà em hát bài “Ngậm ngùi”. Tiếng hát lạnh chạy suốt qua những lồng ngực, qua những đôi mắt ngái ngủ. Hai chàng nhạc sĩ rụng rời khi tiếng hát lạnh buốt ấy dạt đến. Chúa đã sai người con gái này xuống để hát thánh ca, sao các người ngồi im đó? Hai nhạc sĩ mặc khải được giọng nói của thiên thần từ trên trời và hiểu rằng mình sẽ bị ném vào hỏa ngục nếu không chạy đến cây đàn của mình.

Và họ chạy đến như kẻ tôi tớ của Chúa. Phượng hát trong nền nhạc lộng lẫy và dân thành Bêlem bồng bế nhau tới trước hang đá. Nguyễn biến thành con lừa nhỏ nằm hiền lành bên đôi xăng đan và gặm nó giữa hai hàm răng rất to của mình. Chàng thấy mình cực kỳ thú vị khi gặm mòn đôi dép da của Phượng. Chàng ngu ngơ giương cặp mắt lừa của mình nhìn mọi người. Ngững cô ca sĩ chuyên nghiệp ngạc nhiên trước giọng hát của Phượng, sợ hãi đứng nép vào gốc cây, những cô gái xinh đẹp rực rỡ kia nhạt nhòa hết son phấn và biến thành cô thôn nữ hiền lành tay cầm lễ vật đi theo sau ngựa của ba vua, băng qua sa mạc mênh mông và đến đây. Nhưng Phượng thì vẫn giản dị, đứng hát như cô gái di-gan bên đống lửa.

Hơn ba giờ sáng nhiều người ra về và những người giúp việc trong gia đình đã bắt đầu thu dọn những chiếc dĩa mây, những tờ giấy báo, vỏ trái cây…

Ra tới cổng, Nguyễn gặp một người bạn đã ngà ngà say, anh ta đến bắt tay Phượng và nói:

-Phượng đã làm mọi người ngạc nhiên.

-Tôi vẫn hát bình thường như mọi lần.

Anh bạn coi đồng hồ và day sang nói với Nguyễn:

-Chúa ra đời mới hơn hai tiếng đồng hồ, chúng ta nỡ bỏ về sao?

Nguyễn bắt tay người bạn, hỏi Phượng:

-Ý chị thế nào?

-Ði đâu cũng được, Phượng đáp, tôi cũng chưa muốn về.

-Tìm chỗ nào uống cà phê, người bạn đề nghị.

Họ đi bộ một lúc, Nguyễn đã nhớ được tên người bạn. Huỳnh Phan, một nhà phê bình văn học nổi tiếng. Dáng cao cao, tóc biếng chải, gương mặt khắc khổ. Cái ghế gỗ trong quán quá thấp làm cho dáng ngồi của Phan hơi chồm tới phía trước, hai vai nhô lên. Khi rít thuốc lá, Phan trề môi dưới, những ngón tay vàng khè khói thuốc, dài và gầy. Anh gọi cho Phượng một ly cam vắt, rồi không cần hỏi Nguyễn, anh đứng lên tiến lại quầy lấy một chai rượu mạnh và kẹp hai cái ly nhỏ giữa các ngón tay.

-Hình như anh đã uống nhiều rồi đấy.

-Không nhiều, Phan nói giọng trầm, một ít rượu vang nhà thờ. Loại Ararat này uống được đấy.

Nguyễn đón lấy chai ruợu rót đầy vô hai cái ly nhỏ. Hai người đàn ông lặng lẽ uống trong thứ ánh sáng mờ đục dưới bóng cây.

Phượng hát nho nhỏ, bài này một đoạn lại tiếp bài khác, vừa hát vừa uống nước vừa nói chuyện.

-Bọn thanh niên chúng nó ra đường suốt đêm để nô đùa, chọc phá, tán tỉnh nhau, hẹn hò yêu đương nhau, còn bọn mình ra đường vì cái gì nhỉ, anh Phan?

-Có lẽ vì không muốn bị lãng quên. Anh nghĩ thế nào?

-Chắc như thế. Vì hình như ai cũng muốn một cái gì đó mới hơn, khác hơn so với thường ngày. Anh thấy không, có lạ lùng gì những quán cà phê như thế này, những con đường như thế này, thế mà mình vẫn thích ngồi. Vẫn thích đi tìm cái gì? Tụi mình già cả rồi. Muốn xua đuổi sự cô đơn vẫn đeo đuổi, vây bọc mình, phải không?

-Thế bọn trẻ đang đi ngoài đường kia chúng có cô đơn không? Phượng hỏi.

-Anh nghĩ thế nào, Nguyễn? Anh nói đi chứ. Phan uống cạn ly rượu của mình.

Nguyễn rót thêm cho bạn trong thứ ánh sáng lờ mờ dưới tàng cây, Phượng chững chạc và dịu dàng như một người mẹ. Chị lặng lẽ quan sát hai người đàn ông uống rượu. Họ uống rượu cũng như họ đi ra đường, không có mục đích rõ rệt, không nhằm hưởng thụ một cái gì rõ rệt.

-Bọn trẻ chưa hiểu được trọn vẹn sự cô đơn như chúng mình đâu. Có thể nói là chúng chưa có sự cô đơn nhưng chúng cảm thấy thiếu một cái gì đó. Chúng cảm thấy nhớ. Ðó là mầm mống của sự cô đơn. Cái mầm ấy nó chi phối mọi sinh hoạt của một đời người và khi lớn lên bước vào tuổi trung niên nó biến thành một nỗi ám ảnh về cái chết.

Phượng cầm lấy chai rượu đã cạn, cố gắng rót phần thừa ở đáy chai vào cái ly nhỏ trước mặt Nguyễn và đưa lên môi mình uống cạn. Chị rùng mình đặt cái ly xuống bàn và nói:

-Nỗi nhớ, sự cô đơn và ám ảnh về cái chết, đó là cội nguồn của mọi sinh hoạt một đời người, của tình yêu, khoa học, văn học nghệ thuật, âm nhạc, triết học và cả chiến tranh nữa. Ðó là triết lý của ai vậy?            

-Của tôi. Nguyễn cong ngón tay trỏ, gõ gõ vào ngực mình và cười.     

-Của tôi nữa, Huỳnh Phan nói. Tôi phải viết một chương quan trọng trong cuốn sách triết học vĩ đại của anh, anh Nguyễn ạ.

Ba người đứng dậy, Nguyễn búng tàn thuốc xuống mặt đất cát sạn và nói vung vít:

-Tôi không thèm viết sách. Cho ông viết hết đấy. Ông là nhà phê bình văn học nổi tiếng của nước này mà. Tôi chỉ là một thằng hát rong.

-Tôi cũng đếch viết, Phan nói nhè nhè, nhường chỗ chị Phượng đó.

-Ðược quá, Phượng nói. Tôi viết liền ngày mai, nhưng phải tôn tôi làm giáo chủ nhé. Chịu thì tôi viết.

Huỳnh Phan quỳ xuống trên hè phố, đưa hai tay lên trời như cầu nguyện. Anh nói lảm nhàm cái gì đó rồi cúi đầu xuống sát đất. Nhưng anh đã mửa thốc tháo ra và không dậy nổi nữa.

Nguyễn xóc nách anh ta. Dìu vào một cái thềm nhà thụt sâu trong tối.

-Chị bắt gió cho nó để tôi đi gọi xe.

Nhưng khu vực ấy vắng vẻ quá, giờ này không có chiếc xe xích lô nào đi qua, đường phố không còn một bóng người. Nguyễn đi lại chỗ ngã tư và đứng chờ một lát nhưng vẫn không thấy có xe nào, anh sợ để Phượng ngồi một mình không tiện nên trở lại chỗ cũ.

Anh bạn say bí tỉ, Nguyễn xem mạch thấy cũng bình thường, anh gọi:

-Phan ơi, Phan! Dậy về! Ði được không?

Nhưng hắn đã nằm rồi thì không dậy nổi nữa. Hắn nói lè nhè:

-Về làm quái gì. Ngủ đi.

-Về nhà rồi ngủ.

-Ừ, ừ….

Nhưng hắn vẫn không ngồi dậy, hắn ngủ như chết. Nguyễn cũng đã uống khá nhiều nên thấm mệt. Anh ngồi thu mình trong góc tối vỉa hè như đứa trẻ ăn xin. Anh hỏi:

-Bây giờ sao?

-Em cũng mệt quá. Phượng đáp. Ðã ngồi xuống rồi không muốn đứng lên nữa.

-Em lạnh không?

-Lạnh. Ngồi xịch vô đây.

Phượng kéo Nguyễn vô trong cái xó tối tăm của mình. Nguyễn nói:

-Em làm thế thì anh chết mất thôi.

-Anh sợ à?

-Anh hổ thẹn.

-Thế sao em không hổ thẹn?

-Tình yêu của em trong sạch hơn anh.

-Em cũng chẳng cần trong sạch. Anh ôm em đi.

Nguyễn ôm ghì người đàn bà lạ thường ấy. Họ hôn nhau như mưa. Phượng cắn anh đau điếng, môi anh rướm máu, cổ anh đầy những dấu răng.

Cả hai người không ai ngờ tai họa từ trên trời giáng xuống. Ðó là hai ngọn đèn pin sáng rực từ hai phía rọi thẳng vô chỗ họ đang nằm quấn quít lấy nhau.

-Các người làm gì ở đây?

Nguyễn nghe lạnh xương sống. Phượng hoảng hốt ngồi dậy, trân trối nhìn cái bóng đen vừa lù lù hiện ra trước mắt mình. Nguyễn tỉnh rượu hẳn và ngạc nhiên thấy mình vô cùng bình tĩnh.

Phượng níu chặt lấy anh. Nguyễn đỡ chị đứng lên và nói nhỏ:

-Họ bắt mình.

Phía đầu đường có ánh đèn lóe sáng, tiếng người chạy đuổi nhau và tiếng còi rúc lên. Người công an móc còng số tám ra nhưng Nguyễn đứng im. Anh nói:

-Khỏi còng. Chúng tôi không chạy đâu.

Anh nói và dùng tay che ánh đèn chói chang đang dọi thẳng vô mặt Phượng. Phượng nói:

-Các anh đã hiểu lầm. Chúng tôi không phải…

-Hãy về đồn công an mà giải thích.

Chiếc xe cây từ đàng kia chạy lại rọi đèn sáng trưng, trên xe đã có bốn năm cặp đứng lố nhố. Nguyễn rút khăn tay ra lau mặt và cùng Phượng đi theo người công an đến chỗ xe đậu. Anh níu sợi dây xích rồi lấy đà leo lên, xong đưa tay cho Phượng.

Phượng trở nên lặng lẽ, một lúc chị ghé tai Nguyễn hỏi nhỏ:

-Sao anh không cải chính?

-Họ không thèm nghe đâu.     

Một số gái điếm đang đứng lố nhố trên xe cùng với những người đàn ông con trai. Nguyễn nói:

-Anh đã đem tai họa đến cho em, anh thật có lỗi.

-Không sao cả, Phượng nói. Ở bên cạnh anh em có thể chịu được mọi thứ.

Thế rồi chiếc xe chạy đi, những người đứng trên xe ngã nghiêng, lắc lư lắc lư. Lúc ấy Nguyễn mới nhớ đến Huỳnh Phan. Hình như người ta đã bỏ quên hắn ngủ một mình trong xó tối.           

CÒN TIẾP

By daohieu Posted in Chưa phân loại