Về Tây Bắc tắm Tiên

Giới ham du lịch bụi thường mê mải vùng đất Tây Bắc, không chỉ bởi vẻ đẹp hoang sơ của núi rừng, mà còn cả sự “hoang sơ” của con người nơi đây.

Những cô gái dân tộc ngực trần, khỏa mình dưới suối, hồn nhiên như thể chỉ có trời và đất, là hình ảnh đẹp và quyến rũ nhất của rừng núi.
Nhưng đó là chuyện của chục năm trước. Giờ đây, văn minh đã từ “trên trời rơi xuống” tận những bản làng xa tít mù khơi, qua sóng phát thanh, truyền hình, rồi những con đường được mở vào tận bản làng, khiến nhiều phong tục, tập quán của đồng bào mất đi, trong đó, tục tắm suối cũng mai một rất nhanh.

Người ta vẫn kháo nhau, lên Tây Bắc mà xem con gái Thái tắm tiên. Con gái Thái da trắng như hoa ban, uyển chuyển với những đường cong tuyệt mỹ. Con gái Thái dịu dàng, hiền thục…

Mới nghe có vẻ như thô và phàm tục, nhưng với những người đã từng ở Tây Bắc, hoặc am hiểu văn hóa Thái thì cảnh con gái Thái tắm tiên là một phần không thể tách rời trong văn hóa Thái và nếu thiếu cảnh trữ tình, nên thơ ấy, suối ngàn Tây Bắc sẽ kém đi vẻ lung linh huyền ảo. Tây Bắc sẽ phần nào kém đi vẻ đẹp dung dị nhưng vô cùng lãng mạn, nên thơ.Giờ đây, tìm được một con suối, nơi mà các thiếu nữ khỏa tấm thân ngọc ngà trong làn nước trong mát hiếm lắm.Những cô gái dân tộc ngực trần, khỏa mình dưới suối, hồn nhiên như thể chỉ có trời và đất, là hình ảnh đẹp và quyến rũ nhất của rừng núi.

Đến Tây Bắc, bên con sông Nậm Nhé, ta có thể nhận ra bản Thái qua những đặc điểm như cọn nước, cối nước, những điệu múa xoè liên tu bất tận và cả những mó nước yên bình kín đáo, nơi những cô gái dân tộc Thái thả mình vào dòng nước thiên nhiên mát lạnh.

Thật khó tưởng tượng nổi khi trên các khe nước, suối nguồn của Mường Pồn, Mường Lay, Mường Tè, thị xã Lai Châu mất đi bóng dáng của con gái Thái đi “tắc nặm” (vác nước), “pây áp nậm” (đi tắm suối)? Nếu thế thì khác gì núi rừng Tây Bắc không còn hoa ban.

Người Thái rất coi trọng những nguồn nước xung quanh họ và coi đó như một sản vật linh thiêng mà thần linh ban tặng. Những nét sinh hoạt của người Thái đều gắn liền với dòng nước từ giã gạo, ăn uống, giết mổ và cả việc tắm táp.

Sau mỗi buổi lao động về, các cô gái nghỉ chân bên suối, làn nước mát lành làm sạch sẽ bụi bặm, trả lại nước da trắng ngần của mẹ, của cha và tinh hoa của núi ngàn chung đúc hàng ngàn năm mới có được. Bao nỗi mệt nhọc trôi theo dòng nước, con người như được tiếp thêm nguồn năng lượng mới.

Nếu các chàng trai thường chọn nơi vực sâu, nước xiết để vẫy vùng thỏa sức trai thì các cô gái lại tìm nơi dòng chảy nông hơn, kín đáo. Các cô quay mặt vào bờ, ý tứ cởi cúc áo, chiếc váy lúc này được kéo cao che kín khuôn ngực thanh tân, lội xuống nước tới đâu váy được nâng dần lên đến đó. Cho đến khi dòng nước đủ che kín thân mình, các cô gái khéo léo quấn chặt váy trên đầu như một bông hoa, dù bơi lội, đùa nghịch, chiếc váy vẫn không thể rơi được.

Không biết có phải từ khi các cô gái Thái khỏa mình trong dòng biếc, những dòng suối già nua trầm mặc chợt nhận ra mình có một trái tim và tâm hồn trẻ trung, để rồi cứ mộng mơ, khao khát một cuộc sống bình dị, yên vui – ước mơ cháy bỏng của bao đời? Để rồi những ai được chiêm ngưỡng vẻ đẹp của suối nguồn Tây Bắc trong một chiều các cô gái Thái tắm tiên, chợt thấy mình trong sáng hơn, thanh cao hơn, như được hòa mình cùng đất và người của Tây Bắc huyền thoại…

Đầu mỗi bản Mường ven lối mòn đều có ống bương dẫn nước từ khe suối và mỗi con suối đều có bến tắm riêng dành cho phụ nữ – không che chắn, nhưng có lẽ đã thành lệ: không có người đàn ông nào dám bước vào thế giới riêng dành cho phụ nữ. Trước đây lúc đi tắm, con gái Thái thường vác theo ống bương nước lá thơm để tráng người – bây giờ đã được thay thế bằng xà phòng thơm.

Vào chiều tà nóng nực dọc suối Nậm Lay – con suối từ Mường Tùng chảy dọc Mường Lay và thị xã Lai Châu thường hay gặp cô gái váy cuốn đội đỉnh đầu tắm tiên phơi mình trên dòng suối mát. Nếu bạn “vô tình” phải lội qua gần chỗ tắm, họ sẽ thả váy xuống dần theo mực nước – cạp váy lửng lên bờ.
Ngay từ những bước đầu tiên lội xuống dòng nước suối trong vắt, chiếc váy xoè dần được nâng lên theo nhịp chân bước. Nước dâng lên đến đâu, chiếc váy được vén dần lên đến đó cho đến khi toàn bộ cơ thể đều được dòng suối nhẹ nhàng bao bọc lấy thì váy áo sẽ nằm trên đỉnh đầu.

Dòng nước trong vắt chảy nhẹ nhàng chỉ vừa đủ để khiến mặt suối lăn tăn gợn sóng như muốn ngăn những ánh mắt tò mò của những chàng trai bản vô tình đi ngang.
Đến khi tắm xong, váy áo rất hiếm khi bị ướt mà cơ thể thì đã được tắm táp thoả thích trong dòng nước mát. Váy áo lại được thả dần xuống theo bước chân cô gái Thái lên và tới gần bờ thì trang phục đã gần như chu chỉnh hoàn toàn.
Lúc này mái tóc mới được quan tâm đến, cô gái cúi gập người bên suối mà rũ tóc, quay tóc trong làn nước trong lành tinh khiết như pha lê.
Tắm tiên ở Tây bắc có lẽ là một nghệ thuật mà người con gái dân tộc Thái được học ngay từ khi bắt đầu biết khép nép thẹn thùng. Vẻ đẹp chân chất, trong sáng đến mức thánh thiện của các cô gái Thái đã trở thành nguồn đề tài và cảm hứng vô tận cũng như làm nên sức sống cho bao tác phẩm thơ, ca, nhạc, họa…
Nhiều áng văn thơ, ca khúc như: Tiễn dặn người yêu – (trường ca dân tộc Thái), Nhớ vợ, Em tắm, đều lấy bối cảnh sông suối để ca ngợi vẻ đẹp của người con gái Thái. Bài thơ Em tắm của Bạc Văn Ùi, dân tộc Thái, được bình chọn là một trong 100 bài thơ hay nhất của thế kỷ hai mươi:

Sao anh lại rình
Trộm xem em tắm
Da của em ngần trắng
Da của mẹ, của cha
Tay của em lấm lem
Tay của than của bụi
Tay của rừng của núi
Tay của đất của nương
Em tắm xong lại sạch
Vẫn ngát thơm hoa rừng
Da của em trắng ngần
Là của anh tất cả
Không phải người xa lạ
Việc gì mà trộm xem
Em tắm suối giữa mường
Tắm trong mối yêu thương
Có anh đang đứng giữ
Chớ để Tây đến mường

Ở một nơi khác: người Thái ở Tú Lệ (Yên Bái) ngày nay vẫn giữ nét sinh hoạt truyền thống tắm hồn nhiên bên dòng suối Tú Lệ và trở thành những nàng tiên giữa trời đất.
Lữ khách tới đây cũng có thể cùng tắm, các chàng trai cũng được phép tắm chung, được hòa mình vui đùa giữa thiên nhiên, nghỉ ngơi hay thư giãn. Tuy nhiên tuyệt đối phải giữ khoảng cách và không được có những hành vi xấu, nếu không sẽ bị trai bản và chính quyền trừng phạt.
Người Thái ở Tú Lệ (Yên Bái) ngày nay vẫn giữ nét sinh hoạt truyền thống tắm hồn nhiên bên dòng suối Tú Lệ và trở thành những nàng tiên giữa trời đất (ảnh:dulichgo)

Không chỉ ở Tây Bắc mà ở nhiều vùng cao khác, cả ở Tây Nguyên: phụ nữ vẫn khỏa trần tắm suối sau buổi lao động cực nhọc trên rẫy. Ở nhiều nơi vào buổi chiều tà, hàng chục sơn nữ bỏ công cụ lao động trên những tảng đá lớn rồi hồn nhiên trút xiêm y như chốn không người.

Các sơn nữ phơi làn da trắng ngần ngồi trên tảng đá, khua chân dưới nước, nói cười rổn rảng, khiến cảnh đại ngàn âm u trở nên đẹp như một câu chuyện cổ tích, đó thực là một bức họa thiên nhiên tuyệt tác. Nhìn từ xa mọi thứ đều mờ ảo trước mắt, chỉ có làn da của các sơn nữ là nổi bật giữa cảnh hoang sơ chập choạng trong bóng chiều tà… khiến dòng suối già nua, trầm mặc cũng trở nên lung linh, huyền ảo. Nếu tình cờ xuất hiện người lạ, các sơn nữ vơ vội quần áo mặc ngay dưới nước hoặc núp sau những tảng đá. 

Văn minh ngày nay đã vào tận những bản làng xa xôi hẻo lánh cộng với những ánh mắt tò mò của người miền xuôi khiến nhiều phong tục, tập quán của đồng bào mất đi, trong đó, tục tắm suối cũng mai một rất nhanh.

HẢI BÌNH


Nhìn HOÀNG KHƯƠNG đám bồi bút nghĩ gì?

Nhìn HOÀNG KHƯƠNG, đám bồi bút nghĩ gì?

Cập nhật: 20:20 GMT – thứ hai, 2 tháng 1, 2012

Nhà báo Hoàng Khương của báo Tuổi Trẻ, được biết đến qua nhiều bài báo điều tra khiến một số cảnh sát giao thông (CSGT) bị đình chỉ công tác, đã bị bắt tạm giam. Phòng CSĐT tội phạm về trật tự quản lý kinh tế tiến hành khám xét nhà và tống đạt quyết định khởi tố bị can, thi hành lệnh bắt khẩn cấp tại chỗ vào lúc 12h00 ngày 02/01/2012. Đến 14h00, ông Hoàng Khương bị đưa đi, có sự chứng kiến của đại diện báo Tuổi Trẻ và luật sư Phan Trung Hoài.Trước đó, Công an TP.HCM đã có văn bản gửi đến Cục Báo chí – Bộ Thông tin – truyền thông và tổng biên tập báo Tuổi Trẻ đề nghị “kiểm điểm và thu hồi thẻ nhà báo của Nguyễn Văn Khương” (tức PV Hoàng Khương). Ngày 28.11, Báo Tuổi Trẻ đã tạm đình chỉ công tác Hoàng Khương vì “sai sót nghiệp vụ” khi viết loạt bài “Đồng tiền xóa sạch hồ sơ” và “CSGT giải cứu xe đua trái phép”.

Nguồn tin trong nước cho biết liên tiếp, trong hai ngày 30 và 31/12/2011, công an đã đến nhà riêng của Hoàng Khương tại quận Phú Nhuận tìm phóng viên này. Sau đó một người đã đến tòa soạn báo Tuổi Trẻ đưa giấy mời Hoàng Khương lên cơ quan điều tra làm việc, theo lịch hẹn này tức là vào 7h30 sáng thứ ba ngày 03/01/2012.

Tuy vậy, lệnh bắt đã được thực hiện trong ngày 02/01. Được biết đây là vụ án điểm có sự chỉ đạo từ Bộ Công an tại Hà Nội.


Quá trình tác nghiệp

Vào khoảng tháng 5-2011, phóng viên Hoàng Khương được tòa soạn Tuổi Trẻ phổ biến kế hoạch triển khai tuyến bài ngăn chặn hiểm họa tai nạn giao thông (TNGT). Trong quá trình thực hiện, Hoàng Khương tiếp cận các đối tượng đua xe thì biết một người tên Hòa đang bị CSGT Bình Thạnh tạm giữ xe máy. Cùng thời điểm, phóng viên này có quen ông Tôn Thất Hòa, chủ DN vận tải và là cò xử lý vi phạm, quen biết rất nhiều CSGT và Khương đã giới thiệu cho ông Hòa để nhờ lấy xe ra.

Trong một lần đi cùng ông Tôn Thất Hòa và Tuấn, một chủ đầu máy kéo bị giữ xe, Hoàng Khương đã tiếp cận và chụp hình được CSGT Huỳnh Minh Đức đang ra giá tiền. Cũng ở lần gặp này ông Tôn Thất Hòa có kêu Khương nói Hòa mang tiền tới “chạy xe” luôn. Lúc người nhà Hòa mang tiền tới, Hoàng Khương đã cầm tiền đưa ông Tôn Thất Hòa để đưa cho CSGT Đức. Hình ảnh và quá trình làm việc này đã được đăng tải trên Tuổi Trẻ.

Ngày 18/11, công an TP. HCM quyết định khởi tố vụ án đưa và nhận hối lộ, đồng thời khởi tố bị can đối với các ông Huỳnh Minh Đức (nguyên cán bộ Đội CSGT trật tự – phản ứng nhanh), Tôn Thất Hòa và Trần Anh Tuấn. Vụ án này xuất phát từ hai bài viết của Hoàng Khương, “Đồng tiền xóa sạch hồ sơ” và “Giải cứu xe đua trái phép” được thực hiện vào đầu tháng 6-2011.

Sau đó, phóng viên này cũng bị cơ quan điều tra mời lên làm việc để hỏi về những vấn đề liên quan đến vụ án. Được biết, Hoàng Khương, trong tường trình gửi Ban Biên tập Tuổi Trẻ, tự nhận rằng trong quy trình tác nghiệp do nóng lòng và những tình huống, hoàn cảnh nảy sinh đột xuất cần phản ứng và xử lí kịp thời, nên có một số hành vi có thể bị ngộ nhận là can dự quá sâu vào sự việc, chứ không “gài bẫy công an” như một số kết luận trước đó.

Phóng viên này cho rằng, trong quá trình làm việc, một số vấn đề phía công an “có những nhận xét chưa phù hợp với bản chất hành vi” của anh. Cũng trong tường trình, Hoàng Khương có nhấn mạnh: “Trong quá trình tác nghiệp, mặc dù có thể nguy hiểm đến tính mạng, uy tín cá nhân và sự an nguy của gia đình, vợ con nhưng xuất phát từ nhận thức nghề nghiệp là phải phản ánh sự việc trên mặt báo đúng sự thật nên có lúc đã nôn nóng. Nếu động cơ của Khương là để trục lợi cá nhân hoặc có những mục đích không chân chính thì chắc chắn Khương đã không nộp bài để đăng báo công khai. Cũng chính từ loạt bài của báo Tuổi Trẻ thì cơ quan điều tra mới có căn cứ khởi tố vụ án đưa và nhận hối lộ.”
Bản tin chính thức của Tuổi Trẻ ngày hôm nay, khi đưa tin vụ bắt ông Hoàng Khương, nhận định phóng viên này “đã thiếu sót về nghiệp vụ khi can dự vào quá trình chung chi cho Huỳnh Minh Đức”. Tờ báo xác nhận: “Ban biên tập báo Tuổi Trẻ đã kỷ luật khiển trách, tạm đình chỉ công tác đối với Hoàng Khương.”

‘Nhập vai’ đến đâu?
Từ chuyện của Hoàng Khương, nhiều nhà báo trong nước đang đặt ra vấn đề: Phóng viên “nhập vai” đến đâu thì không phạm luật?

“Nhà báo có quyền sử dụng nghiệp vụ để điều tra thu thập thông tin, nhưng nếu anh lợi dụng nhiệm vụ được giao, cố tình vi phạm pháp luật và bị phát hiện thì tùy theo mức độ vi phạm cũng phải bị xử lý như bao người khác.”

Mã Diệu Cương, Chủ tịch Hội Nhà báo TP. HCM

Trên báo Pháp Luật & Xã hội, luật sư Vũ Lợi cho rằng: “Phóng viên Hoàng Khương không có động cơ phạm tội.” 
Theo ông, “Hoàng Khương đã thâm nhập vụ việc với mục đích chống tiêu cực.”
“Tôi xin lấy ví dụ, một PV khi đi điều tra để viết bài về một tụ điểm đánh bạc chẳng hạn. Để bài viết có hồn, để nhận diện được các mánh khóe của chủ sới, để ghi hình các con bạc để làm bằng chứng, PV phải nhập vai một con bạc.”
“Nếu việc đó đã được báo cáo Ban biên tập thì không thể nói rằng PV đó vào sới để đánh bạc. Nếu Hoàng Khương không báo cáo Ban biên tập thì cũng chỉ là sai sót về qui trình…”.
Tờ báo này cũng dẫn lời một người khác, luật sư Trịnh Anh Dũng từ Hà Nội, nói: “Việc làm này của PV Hoàng Khương không có dấu hiệu phạm tội Đưa hối hộ, mà còn cần phải biểu dương như là tấm gương tiêu biểu trên mặt trận phòng, chống tham nhũng.”
Nhưng cũng có một số ‎ ‎bình luận – thể hiện qua các bài trên các báo của ngành Công An – chỉ trích cách thức tác nghiệp của ông Hoàng Khương, đồng thời đề nghị xử lý theo pháp luật hành vi “gài bẫy CSGT” của nhà báo này.
Báo Công an Nhân Dân dẫn lời ông Mã Diệu Cương, Chủ tịch Hội Nhà báo TP. HCM, phê bình phóng viên Hoàng Khương là “tỏ ra rất ‘thông cảm’ cho kẻ đua xe và khai thác triệt để những biểu hiện tiêu cực của người CSGT”.

Theo ông, “nhà báo có quyền sử dụng nghiệp vụ để điều tra thu thập thông tin, nhưng nếu anh lợi dụng nhiệm vụ được giao, cố tình vi phạm pháp luật và bị phát hiện thì tùy theo mức độ vi phạm cũng phải bị xử lý như bao người khác”.
Trên các blog và mạng xã hội như Facebook, giới nhà báo người Việt trong ngoài nước cũng đang có những thảo luận khác nhau quanh vụ án này.

BBC