Tại sao Đoàn Văn Vươn?

Trần Ngọc Thành (Danlambao) – Người ta cứ làm như luật đất đai mới sai từ năm ngoái, trước khi có vụ cưỡng chế ở Tiên Lãng; Người ta cứ làm như làm như những kẻ cầm quyền ở hàng ngàn xã khác, hàng trăm huyện khác, hàng chục tỉnh khác ở Việt Nam là những người “liêm chính”; Người ta cứ làm như anh em nhà Đoàn Văn Vươn là “Dân oan” đầu tiên của nước CHXHCNVN. Ông Lê Đức Anh phát biểu tỉnh bơ, cứ như luật đất đai thời ông làm chủ tịch nước là hoàn toàn đúng…

*
Gần hai tháng nay, cái tên Đoàn văn Vươn đã trở nên nổi tiếng. Khắp nơi mọi người bàn luận về gia đình anh Đoàn Văn Vươn và huyện Tiên Lãng, Hải Phòng. Hàng trăm bài báo mạng, báo giấy viết về “hiện tương” Đoàn Văn Vươn, kèm theo hàng chục ngàn bình luận của bạn đọc. Trừ những bài báo xuất phát từ sở công an Hải Phòng, từ sự chỉ đạo của Thành ủy Hải Phòng, của huyện Tiên Lãng, ý kiến của đám quan chức dính líu và bọn người hôi của, theo đóm ăn tàn, bênh vực hành động kẻ cướp, hầu hết người dân trong và ngoài nước đều lên án bọn người có quyền lực, thông cảm với hoàn cảnh của gian đình anh Vươn khi bị dồn đến bước đường cùng.

Bloger Cu Vinh, Nguyễn Quang Vinh đã đi tiên phong trong việc tìm sự thật và phản ánh sự thật với những chứng cứ khó cho “thằng nào, con nào” dám chối cãi. Cu Vinh và Nguyễn Xuân Diện đã ra lời kêu gọi và mở trương mục giúp đỡ gia đình anh Vươn, không kể quà cáp bằng hiện vật, số tiền lên đến hàng tăm triệu đồng.

Hàng chục nhà báo của các loại báo đã đến Hải Phòng tác nghiệp, sử dụng “nghiệp vụ” để lấy tin, moi tin.

Sự kiện lan tỏa đến mức buộc một số quan chức “nguyên” lớn đầu phải lên tiếng: Nguyên chủ tịch nước Lê Đức Anh, một số tướng lĩnh “nguyên” có danh tiếng…, “nguyên” thứ trưởng gắn kết với đất đai Đặng Hùng Võ, một số “nguyên” nhà lập pháp của Quốc hội, nhiều luật sư,v,v.và v.v.

Các ý kiến đều phê phán cách làm của quan chức huyện Tiên lãng, về sai lầm của luật đất đai.

Người ta cứ làm như luật đất đai mới sai từ năm ngoái, trước khi có vụ cưỡng chế ở Tiên Lãng;

Người ta cứ làm như làm như những kẻ cầm quyền ở hàng ngàn xã khác, hàng trăm huyện khác, hàng chục tỉnh khác ở Việt Nam là những người “liêm chính”;

Người ta cứ làm như anh em nhà Đoàn Văn Vươn là “Dân oan” đầu tiên của nước CHXHCNVN.

Ông Lê Đức Anh phát biểu tỉnh bơ, cứ như luật đất đai thời ông làm chủ tịch nước là hoàn toàn đúng;

Ông Đặng Hùng Võ phê phán rất hùng hồn luật đất đai và cách làm ăn của đám quan chức Hải Phòng, cứ như thời ông làm thứ trưởng bộ tài nguyên, môi trường chỉ liên quan đến không khí, chẳng dính dáng gì đến đất đai.

 

Các quan chức, tướng lĩnh “nguyên” khác cũng “hòa lời ca” làm cho gia đình anh Vươn và dân chúng cảm động, cứ như thời họ trị vì chỉ có dân sướng, không có dân oan và cái luật đất đai thời đó chắng dính dáng gì đến luật đất đai thời của anh Vươn.

Các “quý ông “TBT Nguyễn Phú Trọng, ông CT Trương Tấn Sang ngậm miệng không nói được gì trước sự chửi rủa của dân chúng đổ lên đầu đám đàn em Hải Phòng; ngậm đắng chửi thầm các bậc đàn anh “nguyên”: cái luật đất đai khốn nạn này do các anh ỉa ra thời còn đương chức, nay lớp đàn em, dù có ăn nhiều cũng phải dọn cứt cho lớp đàn anh đang rung đùi vui thú điền viên, thỉnh thoảng lại nhỏ vài giọt nước mắt cá sấu để lừa dân chúng.

Nếu đánh hai chữ “Dân Oan” vào Google, trong 0,21 giây đã cho 8840 000 kết quả mà phần lớn là do “thành tích” của luật đất đai của chế độ “ưu việt gấp triệu lần Tư bản” của bà PCT Nguyễn Thị Doan đẻ ra, để các loại sâu tạp chủng từ trung ương đến địa phương gặm nhấm, làm điều đứng hàng triệu con người. Luật này đã được quốc hội các kỳ thông qua 100%, chắc chắn có phiếu của các vị “nguyên” và không “nguyên” đã hùng hồn phát biểu

Nếu nhìn vào những hình ảnh dân oan do Vietlist.US tập hợp, dù là chưa đầy đủ, chắc chắn không thể nói rằng các quan “nguyên” không biết.

Vụ đàn áp dã man 600 dân oan trước văn phòng Quốc hội 2 tai đường Hoàn Văn Thụ Sài gòn ngày 18 tháng 7 năm 2007 không thể nói rằng các quan “nguyên” không biết.

Hàng trăm cuộc đàn áp khác với lực lượng hùng hậu gồm các loại công an nổi chìm, “dân phòng”, chó nghiệp vụ diễn ra giữa thanh thiên bạch nhật, từ Bắc chí Nam không thể nói rằng các quan “nguyên” không biết

Anh Kĩ sư trẻ Phạm Thành Sơn qua uất ức vì bị cướp đất, khiếu kiện nhiều lần không kết quả, qúa uất ức đã tẩm xăng, đốt xe máy tự thiêu trước UBND Thành phố Đà nẵng ngày 17 tháng 2 năm 2011, không thể nói rằng các quan “nguyên” không biết

Họ biết, biết rất rõ nhưng họ ngoảnh mặt làm ngơ.

Vì, máu của người dân, mồ hôi, nước mắt của người dân, tài sản của người dân không liên quan đến họ

Vi, hàng vạn, hàng triệu dân oan trong những năm qua đẫ quá đỗi hiền từ, chấp hành nghiêm chỉnh “pháp luật”, dù là luật đểu, luật rừng, luật làm lợi cho các loài sâu.

Chỉ đến khi Dân oan Đoàn Văn Vươn sau nhiều năm tuân thủ pháp luật, bị dồn đến bước đường cùng, nổi khùng, sẵn sàng đổi mạng. Sáu “thiên lôi”, 6 con “tốt thí” của họ bị thương, họ mới “bừng mở mắt” và thi nhau “bày tỏ”…

Nếu Dân oan Đoàn Văn Vươn cam chịu cúi đầu như những Dân oan khác, hoặc tự chết như Phạm Thành Sơn Đà Nẵng; Đám sâu Hải Phòng, Tiên Lãng nuốt trôi hàng chục Ha đất của anh Vươn như đã từng nuốt trôi hàng trăm Ha đất của nhiều nông dân khác vùng này, thì rất nhiều người vẫn không biết Tiên Lãng, Cống Rộc là đâu. Và các các quan “nguyên” vẫn vui thú điền viên trên những sân golf được sản sinh do cướp đất của những “anh Vươn” khác.

Rất thán phục Cu Vinh, rất thán phục Nguyễn Xuân Diện, rất thán phục “Đại Lão Bà” Lê Hiền Đức. Rất thán phục nhiều tấm lòng NGƯỜI cao quý khác.

Các anh, các bác đã đánh động được lương tâm, đã mở mắt được hàng triệu người. Các anh, các bác đã mở miệng được các quan “nguyên” để họ “bày tỏ”.

Nhưng hàng triệu Dân oan còn đó, đâu chỉ một gia đình anh Vươn.

Hàng vạn con sâu vẫn đang nhởn nhơ. Sâu lớn, sâu bé, sâu cái, sâu đực vẫn đang tung hoành khắp mọi miền đất nước.

Muốn diệt sâu, những người Dân oan không thể tranh đấu đơn lẻ.

Muốn diệt sâu, Dân oan cả nước phải đoàn kết lại, chi viện nhau, hỗ trợ nhau kịp thời như đã hỗ trợ anh Vươn.

Muốn diệt sâu phải thành lập chi hội, huyện hội, tỉnh hội Dân Oan và Liên Hiệp Hội Dân Oan trong cả nước.

Điều 53 và điều 69 Hiến Pháp Nước Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam (CHXHCNVN) nêu rõ:

-“Công dân có quyền tham gia quản lý nhà nước và xã hội, tham gia thảo luận các vấn đề chung của cả nước và địa phương, kiến nghị với cơ quan nhà nước, biểu quyết khi nhà nước trưng cầu ý dân.”

– “ Công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, có quyền được thông tin, có quyền hội họp, lập hội, biểu tình theo quy định của pháp luật”.

Để không tiếp tục xuất hiện các Đoàn Văn Vươn khác, xin được đề nghị bác Lê Hiền Đức, Cu Vinh, Ts Nguyễn Xuân Diện và những ai ủng hộ Dân Oan vận động thành lập HIỆP HỘI DAN OAN trong cả nước.

Đây là nguyện vọng chính đáng và luật pháp cho phép, mong các quan “nguyên” đã bày tỏ trong vụ Đoàn Văn Vươn hay lên tiếng ủng hộ

Có như vậy mới giúp đỡ được hàng triệu Đoàn Văn Vươn khác.

Có như vậy mới ngăn được “Hoa cải” mới.

Và những anh công an sẽ không phải tiếp tuc vào nhà thương.

Trần Ngọc Thành

danlambaovn.blogspot.com

MA DANH

MICHAEL LANG
Giáo sư Ngọc ngả người trên chiếc ghế quay cạnh bàn máy tính. Cảm giác khoan khái và mãn nguyện tràn ngập cơ thể. Thế là ông đã đạt tới đỉnh cao danh vọng ở tuổi 40, cái tuổi sung mãn nhất. Một giải vô địch cờ vua thế giới mà ông là người đầu tiên ở đất nước này giành được. Một hàm giáo sư toán học, không phải tặng cho ông vì mấy công trình nghiên cứu toán mà ông đã công bố thời còn trẻ trước khi ông quyết định bỏ toán học để toàn tâm toàn ý với cờ vua, mà vì sự nhìn nhận mới của giới toán học đối với môn cờ vua: với đầu óc tư duy logic như ông thì nhiều nhà toán học hàng đầu thế giới cũng phải kính nể; vì vậy mà Hội Toán Học thế giới thứ ba đã phong tặng ông chức danh cao quý đó. Rồi một sự đón chào ông về tổ quốc để vinh quy bái tổ, một buổi lễ tôn vinh ông trước quốc dân đồng bào do một vị lãnh đạo hàng cao nhất đất nước chủ trì với những tràng vỗ tay như sấm, kèm theo những tặng vật trị giá hàng triệu USD và sắc phong cho ông làm chủ tịch Viện nghiên cứu cao cấp về Cờ với kinh phí mỗi năm hàng chục triệu USD (ông không thích tính tiền bằng đơn vị VND). Thật bõ những ngày còn trẻ ông vùi đầu học tập.

Trong ngôi biệt thự được nhà nước ban tặng, với những bức tường và cánh cửa cách âm tuyệt đối, giáo sư Ngọc gào lên đầy hưng phấn:

“Đây là TA, Giả Bảo Ngọc! Thiên tài cờ vua và toán học! Ta đã mang lại vinh quang cho dân tộc! Và dân tộc này phải đền ơn ta xứng đáng!”

Ông cảm thấy niềm vinh quang của ông còn trọn vẹn hơn cả vinh quang của những Euler, Galois hay Lasker, Alëkhin,… Bởi vào thời của họ, việc truyền bá thông tin quá khó khăn, làm sao mà cả thế giới có thể biết ngay về họ để mà suy tôn. Hơn nữa, các dân tộc khác còn có hàng chục, hàng trăm thiên tài, chứ ở đất nước này thì ngoài ông ra đã có ai đạt đến tầm hàng đầu thế giới về tư duy đâu. Cho nên, cả nước hướng về ông, ngưỡng mộ và biết ơn ông.

Và đúng vào lúc đó, con Ma Danh đã lọt hẳn vào đầu ông. Nó đã chờ thời điểm này hàng chục năm. Bây giờ là lúc cơn hưng phấn làm ông mất hết kiểm soát, và nhân lúc đó nó đã lọt vào. Nó vốn là kẻ cũng từng muốn đạt tới đỉnh cao danh vọng trong kiếp sống trên trần, nhưng thất bại. Bây giờ nó cần giúp ai đó làm được việc đó để phần nào thỏa mãn tính háo danh ghê gớm của mình. Từ trước đến giờ, nó đã giúp giáo sư đạt được hết thành tích này đến thành tích khác, nhưng chưa hoàn toàn điều khiển được ông. Từ nay, nó vẫn sẽ giúp ông thành công hơn nữa trên con đường danh vọng, nhưng ông sẽ phải nói và làm theo ý nó. Nếu thỉnh thoảng ông có làm điều gì theo ý riêng thì ông sẽ phải chịu tai họa khủng khiếp. Nó sẽ làm ông phát điên hoặc chết trong đau đớn.

Nhưng giáo sư không hề biết gì về việc nó đã lọt vào đầu mình.

Trong lúc Ma Danh đang bận thu xếp chỗ cho mình trong đầu Giả giáo sư, ông có được vài giây phút thả hồn về với những năm tháng khi mà ông chưa có mấy tiếng tăm. Ông bỗng nhớ đến cô gái tóc vàng mắt xanh đẹp như thiên thần, Nathalie, làm công việc phục vụ văn phòng hồi ông được mời thỉnh giảng về cờ vua ở một nước Tây Âu. Cũng là con người, trái tim ông cũng đã từng nhiều lần phập phồng khi cô gái đi lại gần. Nhưng cô không bao giờ nhìn ông, chỉ cung kính cúi chào mỗi khi gặp ông. Nhiều lần, khi ôm vợ, ông nhắm mắt cố tưởng tượng mình đang ôm cô gái đó. Và sau một lần tưởng tượng rất thành công, con gái thứ tư của ông đã ra đời khi ông mới ngoài ba mươi. Nhìn nó, ông thoáng thấy những nét của Nathalie, điều đó phần nào làm ông thấy yên lòng…

Dòng suy nghĩ riêng tư của giáo sư bỗng bị cắt đứt khi Ma Danh xen vào. Ông bỗng cảm thấy như có ai đó vô hình đang nói với ông và trả lời cho nỗi băn khoăn của ông lâu nay vì sao Nathalie không thèm để mắt đến ông, một người đàn ông với tài năng kiệt xuất. “Chính là do cái diện mạo của nhà ngươi đó. Nhìn thì tươi, nhưng tù bần, mặt ngắn, miệng khum khum, tóc dựng ngược.” Cặp mắt giáo sư dường như tối lại.

*
Tuy rất mãn nguyện vì niềm vinh quang tột đỉnh, giáo sư Ngọc vẫn cảm thấy trong lòng một sự vướng víu làm ông không thoải mái. Khá nhiều năm sống ở Tây Âu, được hít thở không khí tự do, giáo sư cũng muốn tỏ ra mình là người hiểu thời thế và về tư tưởng không lệ thuộc chính quyền trong nước. Vì vậy mà cách đây vài năm, ông đã từng lên tiếng phản đối việc đưa người từ một quốc gia láng giềng thâm hiểm vào khai thác tài nguyên ở nước mình. Với động thái đó của ông, những người đang muốn cho xã hội trở nên thông thoáng hơn đã thấy ở ông một con người vô cùng đáng kính, vừa xuất sắc trong tư duy, vừa tâm huyết với giống nòi và đất nước. Nhưng bây giờ, khi ông đã được lãnh đạo nhà nước tôn vinh và tỏ ra ưu ái chưa từng có, ông bỗng thấy khó ăn khó nói khi phát ngôn về các vấn đề xã hội.

Nhưng vụ án xử vội vàng và vô luật lệ đối với một nhà phản kháng nổi tiếng làm ông không thể im lặng. Ma Danh càng không thể để cho ông im lặng. Nhưng nói thế nào đây? Khẳng định nhân cách tuyệt vời và tài năng hiếm có của nhà phản kháng này, như hàng ngàn người nhận định chăng? Chẳng lẽ ta không cao hơn hẳn tất cả mọi người ở đất nước này một cái đầu hay sao mà lại quá khen tài năng của người khác? Hơn nữa, khen người đó quá thì có khác nào vả vào mặt cái người đã chủ trì buổi lễ tôn vinh ta và ban tặng ta bao nhiêu ân huệ? Và chửi bới nhà cầm quyền về vụ xử này ư? Càng không thể được. Suy nghĩ hai ba ngày đêm liền và cảm thấy vấn đề này còn khó hơn giải những thế cờ hay những bài toán hóc hiểm, cuối cùng giáo sư cũng chọn được cách nói khá hợp lý, được lòng bên này mà cũng không quá mất lòng bên kia. Nó có phần chạm đến nhà cầm quyền, nhưng có thể giải thích rằng đây chính là cách để “đánh bóng chế độ”: để yên cho một người nổi tiếng phê phán nghĩa là nhà nước này thực sự có dân chủ và biết lắng nghe.

“Tôi vốn không quá ngưỡng mộ những tư tưởng của người tự phong là nhà phản kháng này. Về tầm tư duy, anh ta có hơn nhiều người, nhưng so với những bộ óc lỗi lạc tầm cỡ thế giới thì cũng chưa là gì. Tuy nhiên, anh ta được cái dám liều thân, giống như một số nhân vật trong lịch sử đã từng dám mưu toan ám sát vua, mặc dù biết như thế là liều mạng và vô vọng. (Câu này cũng giúp nhà cầm quyền đe nẹt những kẻ liều lĩnh chống lại nhà nước. Giáo sư thầm nghĩ.)

Còn những người trực tiếp xử vụ án này thì quá kém cỏi, đến mức có thể làm ảnh hưởng đến uy tín vốn có lâu nay của lãnh đạo nước nhà. Có lẽ lãnh đạo nên chuyển họ sang nghề khác, ví như đi cày ruộng chẳng hạn.” (Như thế cũng có ý nói rằng ta đã từng tiếp xúc nhiều với chế độ pháp quyền nên mới nhận ra những kẻ gọi là quan tòa kia quá ngu dốt. Giáo sư nghĩ tiếp.)

Tạm yên tâm với những ý tứ đã được cân nhắc cả đêm, giáo sư “post” cái ý kiến chỉ đạo của mình lên blog riêng, một blog mà ông biết là cả nước đang theo dõi từng giây từng phút. Ông nghe dường như đâu đó có âm thanh văng vẳng: “Được!” và thấy lạnh người.

Chỉ năm phút sau, trên phần “comments” sau bài của ông đã xuất hiện hàng chục lời ca ngợi. Nhưng một giờ sau, những lời phê phán, chê trách và cả những lời chửi rủa ông tràn ngập trên blog. Ông mở sang các blog quen thuộc khác: tình trạng càng tồi tệ. Nhiều người viết bài gọi ông là kẻ háo danh, hám lợi và cơ hội, nói bài viết của ông có mùi nước đái heo,… Giáo sư Ngọc choáng váng.

“Đồ ngu! Đồ ngu! Đồ ngu-u-u-u…!!!” Ma Danh gào lên, rồi phát ra những tiếng hú kinh người. Nhưng chỉ có giáo sư nghe thấy tiếng gào của nó.

“Nhưng chính ông, hay bà, đã xui tôi…” Giáo sư lắp bắp.

“Đồ ngu-u-u-u…!!!” Tiếng hú lại kéo dài, làm giáo sư thấy kinh hoàng, vã mồ hôi lạnh.

Như bị loạn trí, giáo sư lập tức đóng blog của mình. Rồi ông nằm vật ra giường, nhắm mắt lại, cố quên đi blog, quên đi mọi thứ. “Ô, giá mà mình chưa từng phản biện, chưa từng phản đối việc cho người ngoại bang khai thác tài nguyên thì bây giờ cứ yên tâm mà chơi cờ và chơi với cái VNCCC về C. Mặc mẹ thiên hạ, sướng khổ kệ cha chúng nó…”

*
Bẵng đi một thời gian, con Ma Danh hầu như không hành hạ giáo sư về chuyện phản biện xã hội nữa. Có lẽ nó cũng thấy khá bế tắc. Nó tập trung giúp Giả giáo sư giải quyết những vấn đề về cờ vua khi giáo sư chu du khắp các nước phương Tây để thỉnh giảng và thi đấu. Sự đón chào trọng thị của đồng sàng ở các nước giúp giáo sư và Ma Danh tạm yên lòng.

Nhưng đến hẹn lại về, giáo sư phải giải quyết những vấn đề của chính cái VNCCC về C ở quê nhà. Hơn nữa, ở nước ngoài, dù điều kiện sống và làm việc đối với giáo sư là tuyệt hảo, cái danh của giáo sư nó vẫn không trọn vẹn. Ở bên đó, ngoài đồng nghiệp ra thì ra đường chẳng ai biết đến giáo sư, trong khi ở quê nhà thì chẳng ai không biết. Và dù đôi khi giáo sư cũng thấy khó chịu về cái bọn nhà báo cứ bu lấy những người nổi tiếng như ruồi, Ma Danh vẫn làm cho giáo sư thấy cần phải gặp gỡ bọn họ để đưa ra những phát biểu sắc sảo có tác dụng chỉ đạo dư luận và tô điểm thêm cho cái vầng hào quang của giáo sư.

Lần này là một câu hỏi về “trí thức versus phản biện”.

“Mẹ cái bọn hâm, lại muốn mớm cho ông nói những câu có tính chất khuyến khích phát biểu chống đối đây mà. Lạ gì. Thôi thì cũng phải nói ra vẻ cần phản biện. Chẳng sợ mất lòng “ngài ấy” đâu. Chính ngài ấy gần đây cũng hay nói ra vẻ thích nghe phản biện cơ mà.” Ma Danh nói thầm. “Nhưng phải mỉa mai thật sâu cay cái bọn không đạt được vinh quang như ông mà cứ muốn dùng phản biện thay cho tài năng để hòng lấn át ông.”

Sau một phút suy nghĩ và cân nhắc, Giả giáo sư bỗng nói rất trôi chảy:

“Hình như đang có một phong trào thi đua phản biện xã hội để giành danh hiệu trí thức. Sắp tới ở nước ta, phong trào phản biện sẽ lan rộng đến mọi nhà máy, xí nghiệp, thôn ấp, làng bản. Điều này tạo điều kiện cho những ai không thích làm cái việc tư duy khổ sở như tôi trở thành trí thức có cỡ nhờ hăng hái phản biện. Rồi sẽ có hàng vạn các cậu các mợ công nhân, các chú các thím nông dân được phong hàm trí thức.”

Giáo sư hơi nhếch mép cười rồi nói tiếp:

“Loại như tôi sẽ trơ mắt đứng nhìn các vị đó diễn thuyết hùng hồn trên diễn đàn về những vấn đề trọng đại của đất nước. Khi đó thì liên minh công nông thực sự sẽ trở thành lực lượng lãnh đạo giới trí thức! Và mấy anh nhà văn, mấy chị giáo viên sẽ thành giáo sư hết. Xin chúc mừng quý vị! Còn tôi, tôi sẽ xin về vườn. Phản biện muôn năm!”

Đó là những lời mà Ma Danh đã sắp sẵn để giáo sư tuôn ra.

Vài tiếng sau, nó khiến giáo sư lục tìm phản hồi trên các blog quen thuộc. Đây rồi! Hàng chục blog đã lên tiếng. Cũng có những người tiếp tục bênh vực và ca ngợi giáo sư, nhưng hầu hết ném vào ông những lời chỉ trích nặng nề, thậm chí chửi rủa. Nhiều kẻ cho ông là loại chỉ thạo giải toán hay chơi cờ, còn những việc khác thì xử sự như một thằng ngu. Những kẻ khác thì cho rằng ông khinh tất cả mọi người và không những chỉ háo danh mà còn hám lợi. Bả danh lợi đã làm ông mờ mắt.

Ông cùng Ma Danh cố kiềm chế để tung ra những đòn phản công đầy tính toán, những câu nói ra vẻ khiêm nhường nhưng “mát nước thối đá”, theo kiểu kê kích mỉa mai bóng gió mà sâu cay. Nhưng trong thâm tâm, ông đang muốn điên lên. Và mỗi lần ông trả lời một comment thì lại có hàng chục comment khác xuất hiện. Cứ thế, cuộc chiến giữa một bên là ông và Ma Danh, bên kia là những người viết comment vô hình diễn ra suốt mấy tuần. Cuối cùng, quá mệt mỏi, Ma Danh lấy hết sức gào lên: “Quân chó chết! Loài vô học!”

Giáo sư gào lên theo: “Quân chó chết! Loài vô học!” và nằm vật ra giường.

Một phút sau, ông cố vùng dậy, “vào” một blog khác. Ở đó có một bài viết tuy không nhắc đến tên ông, nhưng cả ông và Ma Danh đều bàng hoàng khi đọc thấy những câu sau:

“Loại “trí thức” này không bao giờ phản biện đối với những vấn đề trọng yếu liên quan đến bản chất của chế độ chính trị. Thỉnh thoảng, để biểu diễn cho quần chúng xem vai trò “trí thức” của mình, loại “trí thức” ích kỷ này chỉ phát biểu vài lời phê phán – trong mức độ an toàn – về một số hiện tượng tiêu cực trong xã hội và văn hoá. Thực chất của kiểu phê phán này là để giúp củng cố và duy trì sự tồn tại của chế độ chính trị, tức là một cách phát ngôn để lập công với hệ thống quyền lực chứ không phải để chống lại nó. Vì thế, các chế độ độc tài rất thích nuôi nấng loại “trí thức” này.”

Giáo sư Ngọc cảm thấy đoạn văn đó như một lưỡi dao rạch toang ổ bụng của ông cho cả thiên hạ nhìn tận mắt buồng gan và quả tim ông đang dần thâm đen lại. Ông gào lên một tiếng khủng khiếp. Ma Danh cũng gào lên điên loạn.

Càng cảm thấy cái danh của giáo sư bị suy suyển, Ma Danh và ông càng điên loạn. Nếu như với người bình thường, trạng thái kinh hoàng và tuyệt vọng ghê gớm như vậy có thể làm người ta suy sụp, thì với Giả giáo sư, sự suy sụp không xảy ra. Thậm chí sức khỏe của ông không hề hấn gì, bởi Ma Danh luôn truyền cho ông sinh lực. Sau những cơn điên loạn, cả hai cùng lấy lại bình tĩnh để tung ra những câu mỉa mai mới và tiếp tục tự tôn bằng những lời bóng gió.

Cuối cùng, để tránh việc thỉnh thoảng xảy ra tình trạng trống đánh xuôi, kèn thổi ngược, và cũng để được toàn quyền nghĩ rằng mỗi thành tích của giáo sư đều thực sự là của mình, Ma Danh quyết định trở thành chính giáo sư. Không phải chỉ là nhập vào giáo sư như nó đã làm, mà là trở thành chính ông. Khi nó vừa quyết định xong thì giáo sư bỗng thấy một luồng sinh lực mạnh mẽ chạy rần rật khắp người. Bây giờ thì Ma Danh đã trở thành ông, cũng có nghĩa là ông đã thực sư là Ma Danh.

CHÚ THÍCH
(1) Euler: nhà toán học Thụy Sĩ thế kỷ 18; Galois: nhà toán học Pháp thế kỷ 19; Lasker: vô địch cờ vua thế giới và nhà toán học người Đức cuối thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20; Alëkhin: hai lần vô địch cờ vua thế giới người Nga đầu thế kỷ 20 (người đã từng chơi “cờ mù” cùng lúc với 35 đối thủ là các kiện tướng và đại kiện tướng cờ, thắng 21 người, trong khi mọi đối thủ đều được nhìn bàn cờ).
(2) Đoạn văn in nghiêng được trích từ bài viết “Trí thức và trái tim” của Hoàng Ngọc Tuấn, đăng trên tienve.org.


Bà Lê Hiền Đức là ai?

Lê Hiền Đức

(Bách khoa toàn thư mở Wikipedia)
Lê Hiền Đức (sinh 12 tháng 12 năm 1932), một nhà giáo hưu trí người Việt Nam, tích cực đấu tranh chống tham nhũng, là một trong hai người đoạt Giải thưởng Liêm chính năm 2007 của Tổ chức Minh bạch Quốc tế

Bà tên thật là Phạm Thị Dung Mỹ, con út của tri phủ huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh. Gia đình bà có 12 anh chị em, bà tham gia hoạt động cách mạng từ rất sớm như các anh chị của mình. Năm 13 tuổi, bà đã làm liên lạc cho Mặt trận Việt Minh, cầm thư của Mặt trận đến cho cha, để phối hợp phá kho thóc của Nhật chia cho dân nghèo.

Từ năm 1946, bà làm giao liên, làm mật mã viên cho ngành công an, rồi hoạt động tình báo cho Sở Liêm phóng Hà Nội. Năm 1949, mới 17 tuổi bà đã được điều lên chiến khu Việt Bắclàm việc tại Nha Công an Trung ương. Nhiệm vụ của bà là dịch các tài liệu bằng mật mã từ các nơi gửi về và làm liên lạc, đưa công văn, giấy tờ sang Văn phòng Chủ tịch ở ATK. Bí danh của bà thời đó là Lê Đức. Chủ tịch Hồ Chí Minh bảo nghe giống tên con trai quá, con gái phải hiền thục, trung hậu, nên đã đặt cho bà tên là Lê Hiền Đức.

Sau thời cách mạng sôi nổi, bà Đức được cử đi học ở Trung Quốc. Sau ngày tiếp quản Thủ đô, Phạm Thị Dung Mỹ được điều về dạy học tại trường cấp 1 Chu Văn An (Hà Nội). Bà vừa rành tiếng Pháp, biết tiếng Trung, ngoài ra sau này bà còn tự học thêm tiếng Anh và đi phiên dịch cho người nước ngoài.

Chống tham nhũng

Từ năm 1984 khi vừa về hưu, bà bắt đầu tham gia chống tham nhũng. Với lương hưu 1.700.000 đồng/tháng, bà đã chi hầu hết số tiền này vào điện thoạiinternetbáo chí và tem thư. Nhưng bà đã được các báo hỗ trợ.

Mới đây, Công ty FPT có hỗ trợ bà tiền Internet, EVN biếu một máy điện thoại, miễn cước thuê bao. Thế là bà dùng tiền dư để đầu tư vào máy ảnh kỹ thuật số, các thiết bị điện tử để thu bằng chứng và bà dùng các phương tiện này để liên hệ với người dân cần bà giúp đỡ.

Bà giúp họ về pháp lý, tư vấn cách thức chống tham nhũng. Nhà bà ở quận Đống Đa, Hà Nội được rất nhiều người biết và tìm đến nhờ bà giúp đỡ. Bà công khai địa chỉ email là lehienduc2005 AT yahoo DOT com để họ liên lạc với bà và lập mộtblog mang tên “Bà già khó chịu”.

Theo báo Tiền Phong vào sáng ngày 18 tháng 9 năm 2007, chịu không nổi với những trận chống tham nhũng quyết liệt của bà, một số người đã thuê người đặt vòng hoa tang trước cửa nhà bà để đe dọa[3]. Theo bà Đức kể, ngoài chiếc vòng hoa “quái gở” này, bà còn nhận được rất nhiều cuộc điện thoại nặc danh, với những lời lẽ chửi bới, đe dọa như: “Nếu không ngừng việc chống tiêu cực, ra đường sẽ bị xe tông…”

Nhiều người ghét bà họ gọi bà là “Ác Đức”, “Thất Đức”, “Bà già khó chịu”, “Bà già lắm chuyện”. Nhưng cũng có rất nhiều người quý bà; họ gọi bà là “Bà già Liêm chính” và muốn trao cho bà giải thưởng[4].

Giải thưởng Liêm chính

Lê Hiền Đức rất kiên trì trong công việc chống tham nhũng dù phải đối mặt với rất nhiều nguy hiểm, khó khăn, đây là lý do đặc biệt đưa bà vào vòng chung kết Giải thưởng Liêm chính năm 2007 (2007 Integrity Awards).

Lê Hiền Đức sắp được tổ chức Minh bạch Quốc tế (Transparency International) trao Giải Liêm chính, tin này được đại sứThụy Điển ở Việt Nam, ông Rolf Bergman tiết lộ cho báo chí Việt Nam biết ngày 3 tháng 12, bên lề diễn đàn chống tham nhũng 2007 tổ chức tại Hà Nội. Ông còn nói thêm là bà sẽ lên đường sang Đức vào đầu năm tới để nhận giải. Giải thưởng được trao không phải bằng tiền mặt, mà là tấm bằng ghi nhận công lao và một tặng vật bằng pha lê. Giải thưởng Liêm chính lần thứ sáu này nhằm ghi nhận những nỗ lực của các cá nhân hay các tổ chức để tạo ra thế giới không có tham nhũng, vì công lý, nhân quyền, tính minh bạch và liêm chính.

Ngoài bà Đức, những cá nhân và tổ chức vào vòng chung kết năm nay được chọn từ 20 đề cử khắp thế giới. Trong đó có trưởng công tố của Haiti Claudy Gassant, nhật báo Prothom Alo tại Bangladesh (liên tục đưa ra ánh sáng những vụ tham nhũng của các quan chức chính phủ ở cấp cao nhất trong vòng mười năm qua với sự chỉ đạo của tổng biên tập dũng cảm Motiur Rahman), nhóm luật sư Abdelatif Kanjae, Lhibib Lhaji và Khalid Bouhail của Maroc (đã chống lại nạn tham nhũng trong hệ thống luật pháp của nước này, giúp người dân nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của một hệ thống pháp lý công bằng và độc lập) và giáo sư Mark Pieth từ Đại học Basel (ông chuyên về tội phạm học và luật hình sự, là thành viên của Ủy ban Điều tra độc lập về chương trình đổi dầu lấy lương thực của Liên Hiệp Quốc)…

Đại sứ Thụy Điển tại Việt Nam, ông Rolf Bergman nhấn mạnh rằng

Việt Nam cần tự hào vì có những công dân như bà Lê Hiền Đức, là người không những chỉ muốn Đảng và Nhà nước chấm dứt nạn tham nhũng, mà còn thể hiện quyết tâm mạnh mẽ, đóng góp cụ thể vào cuộc chiến chống tham nhũng… hy vọng là bà Lê Hiền Đức sẽ là tấm gương điển hình cho nhiều người Việt Nam khác“.

Kết quả đề cử: Theo thông báo của Tổ chức Minh bạch thế giới vào ngày 12 tháng 12 năm 2007 thì bà Lê Hiền Đức đã chính thức đoạt giải thưởng Liêm chính cho năm 2007[6].

Hoạt động tiếp tục

Bà Lê Hiền Đức tiếp tục hoạt động xã hội, trong đó là việc giúp đỡ những người bị nhà nước tịch thu đất, đang khiếu kiện đòi lại. 

CLICK VÀO ĐƯỜNG LINK DƯỚI ĐÂY ĐỂ NGHE BÀ LÊ HIỀN ĐỨC NÓI VỀ NẠN CƯỚP ĐẤT Ở VIỆT NAM HIỆN NAY:

http://www.bbc.co.uk/vietnamese/multimedia/2012/01/120129_le_hien_duc_iv.shtml

Tặng anh Đoàn Văn Vươn và gia đình

Hai anh em DOAN VAN VUON va DOAN VAN QUY

LTS: Hiện tượng Đoàn Văn Vươn ở Tiên Lãng đã gây chấn động dư luận. Báo chí nói nhiều, dư luận phẫn uất cũng nhiều. Các tướng lãnh trong quân đội VN và MTTQVN cũng đã lên tiếng phản kháng nhưng anh Vươn và những người thân trong gia đình anh vẫn còn bị giam trong tù. Bản thân tôi cũng đã tận mắt chứng kiến cảnh “giải tỏa” thô bạo như thế cách đây chừng 7 năm và tôi đã dùng các chi tiết sống động trong vụ “giải tỏa” đó để viết hai chương trong tiểu thuyết Mạt Lộ. Sau đây xin trích đăng để tặng gia đình anh Vươn.

Đào Hiếu

Trích đoạn 1

Đợi Akinari lên xe, Minh ra thẳng chỗ căn chòi vì nghe có tiếng cãi cọ và dường như có cả xô xát nữa.

Ông già đang nằm trên giường. Công an và các nhân viên của công ty Đại Hưng đứng quanh giường. Minh xông thẳng vô, quát nạt:

-Sao chưa có xe cứu thương? Nãy giờ tụi bay làm gì?

-Thưa anh, ở đây sình lầy quá xe không vô được.

Minh đá đít anh chàng vừa nói:

-Mày không biết vác cái cáng vô đây hả? Đi lẹ lên!

Hai nhân viên bước ra khỏi nhà. Minh đến cạnh ông lão, sờ lên trán thấy nóng rực.

-Bác này, Minh nói, bác nên chấp hành lệnh của nhà nước. Đây là việc công ích. Nhà nước sẽ biến vùng đồng ruộng sình lầy này thành một khu đô thị văn minh hiện đại. Đó là việc tốt quá đi chứ. Sao bác lại chống đối?

-Tôi không chống. Nhưng giá đền bù thấp quá tôi không thể kiếm nổi một chỗ ở.

-Đền bù như thế là hợp lý. Tụi cháu đã tính toán rất kỹ. Có tình có lý. Bác có hai ngàn mét vuông ruộng ngập nước, vùng trũng. Nhà nước đền cho bác một trăm ngàn một mét vuông là phải rồi. Tính ra bác cũng được 200 triệu. Bác ra ngoại ô cất được cái nhà. Ngon ăn. Còn muốn gì nữa.

-Nhưng tôi lấy đất đâu để làm ruộng? Rồi con cháu tôi đang đi làm. Đang đi học ở thành phố, bây giờ bắt chúng về vùng quê bơ vơ lạc lõng. Làm sao?

-Vậy thì bác nhận một cái nền nhà 100 mét vuông. Được chưa?

Ông già cười méo miệng:

-Đất của tui rộng hai ngàn mét vuông, bây giờ cậu đổi cho tôi một cái nền 100 mét vuông. Sao cậu khôn quá vậy?

Giám đốc Minh nhổ nước bọt:

-Đù má. Không nói chuyện với thằng cha già này nữa. Đem cáng về chưa?

-Dạ có ngay, sếp!

Thế là:

Người nách thước, kẻ tay đao.

Đầu trâu mặt ngựa ào ào như sôi.

Hai thằng nhân viên lực lưỡng xông tới, một thằng nắm hai vai, một thằng nắm hai cổ chân, nhấc bổng ông già lên, ném qua cáng. Ông già la to:

-Bớ làng xóm! Ăn cướp!

Rồi ông tụt cái quần xà loõng của mình xuống, nhưng không phải để khoe “của quý” (vì nó đen thui và thun lại như con sâu róm) mà để lấy ám khí giấu trong háng.

Lão xuất chiêu quá bất ngờ nên Minh tránh không kịp. Anh ta bị cấy “sinh tử phù” ngay giữa mặt. Nó không trong trẻo như loại vaccin của chưởng môn Hư Trúc mà có màu vàng sậm, vừa tanh vừa chua. Bọn tả hữu đứng bên cạnh giám đốc Minh đều bị vướng loại nước đái mèo hảo hạng ấy, hả miệng ói thốc tháo. Tất cả đều tháo chạy.

Lão già đắc chí vỗ tay cười ha hả. Tiện tay cởi phăng cái quần, ở truồng tồng ngồng chạy ra khỏi nhà. Lão la:

-Nhà báo đâu? Chụp hình đi! Quay phim đi. Tụi nó cướp đất. Cướp luôn cả cái quần xả loõng rồi!

Nhưng mọi người đã bỏ đi hết.


Trích đoạn 2

Năm Trung điều quân như một tướng lãnh:

-Người của công ty Đại Hưng đi đầu, có nhiệm vụ dỡ hàng rào kẽm gai. Chín Thuận dẫn một tiểu đội cảnh sát cơ động có nhiệm vụ bắt giữ lão già, còng tay dẫn ra xe. Giám đốc Minh có nhiệm vụ điều động hai xe xúc, tấn công từ hai bên hông nhà, ném nó xuống hồ. Bác sĩ Hiệp có nhiệm vụ áp sát xe cứu thương vào hiện trường, sẵn sàng tiếp ứng.

Lệnh vừa ban thì trinh sát từ trong cái chòi tranh của lão già chạy ra báo cáo:

-Thưa chú Năm lão ta đang ngồi nhậu.

-Nhậu với ai?

-Nhậu một mình. Lão còn kêu cháu vô nhậu với lão.

-Thằng này muốn giỡn mặt chính quyền.

Năm Trung lại hỏi:

-Mày có chắc là trong nhà không còn ai?

-Còn một con chó.

-Bắn chết ngay tức khắc. Còn gì nữa?

-Thưa chú Năm. Còn một chi tiết quan trọng. Đó là lão đã tự xích chân vào cột nhà.

Năm Trung nhìn quanh, hỏi:

-Có đem cưa máy đó không?

-Có

-Cưa đứt cột nhà. Rút chân lão ra.

Năm Trung rút khẩu K54 trong túi quần, bắn một phát chỉ thiên.

Bọn thuộc hạ nhào vô.

Bên trong lão già vẫn ung dung ngồi nhấm nháp con khô sặc và rượu đế đựng trong cái chén sành. Ông tu một hơi cạn chén rồi cầm cái vò rượu còn đầy nhóc, rót thêm.

Khi những lọn dây kẽm gai chặn lối vào bị đám thuộc hạ của Minh dỡ bỏ thì cảnh sát cơ động  đã thấy lấp ló ngoài cửa. Hai chiếc xe xúc cũng băng sình gầm gừ tiếp cận mục tiêu. Xe cứu thương của bác sĩ Hiệp tuy không vào được vì sình lầy nhưng hắn không chịu lép vế. Hắn ra lệnh hụ còi inh ỏi, đèn hiệu trên nóc ambulance chớp tắt liên tục làm tăng thêm khí thế tiến công cách mạng.

Giám đốc Minh rỉ tai một thuộc hạ:

-Phải cưa cây cột nhà mới bắt nó đi được.

Thuộc hạ giật sợi dây, khởi động chiếc máy cưa cầm tay. Nhưng từ trong lều lão già đã gọi lớn:

-Giám đốc Minh ơi! Ngoài đó có chuyện gì mà vui quá vậy? Chú vô đây nhậu chơi. Hôm nay là sinh nhật của tôi.

Minh gào lên:

-Chúc mừng sinh nhật!

Rồi khoát tay cho đám thuộc hạ tràn vô bên trong. Tiếng máy cưa gầm lên khi nghiến vào cột nhà.

Lão già cười như điên dại. Lão hớp một ngụm rượu đầy, phun vào mặt thằng đang cưa, rồi ôm vò rượu, tưới lên vách lá.

Lão bật quẹt ga. Vách lá bốc cháy. Ngọn lửa lan ra chiếc chõng tre lão đang ngồi, táp lên quần áo lão, biến lão thành một ngọn đuốc. Vách lá ngấm rượu bắt lửa rất nhanh. Lửa trùm lên căn lều. Cảnh sát cơ động tháo chạy trối chết. Trong nhà chỉ còn lửa và khói. Con chó nhỏ hoảng hốt chạy ra sân, sủa, nhưng lông nó cháy sém, dường như nó cũng sắp ngã quỵ, tiếng sủa của nó nghe giống như tiếng ho húng hắng trong cổ họng.

ĐÀO HIẾU

(trích tiểu thuyết Mạt Lộ)

Trí thức và trái tim

Trong mấy tuần lễ gần đây, trên báo chí nổi lên một cuộc tranh luận về lời phát biểu của một nhân vật “trí thức” về vấn đề “trí thức”, rằng “giá trị của trí thức là giá trị của sản phẩm mà anh ta làm ra, không liên quan gì đến vai trò phản biện xã hội”!

Tôi vẫn theo dõi cuộc tranh luận ấy, tuy nhiên tôi chưa thấy cần phải góp một ý kiến gì, vì mười hai năm trước đây, tôi đã có viết một bài khá dài, bàn bạc khá kỹ về nhiều khía cạnh của vấn đề “trí thức là gì?”.

Hôm nay, bất ngờ xem được trên Youtube một đoạn video ghi lại những lời nói rất thú vị của Eduardo Galeano về “trí thức”, nên tôi thấy có hứng viết bài này để thuật lại những gì Eduardo Galeano đã nói. Tuy nhiên, trước khi thuật lại lời nói của Eduardo Galeano về “trí thức”, tôi muốn viết đôi điều về hai người trí thức đương đại mà tôi ngưỡng mộ nhất: một là Václav Havel, và hai là Eduardo Galeano.

Václav Havel trong chuyến viếng thăm nước Úc năm 1995

Václav Havel (1936-2011) là ai và đã làm những gì cho đất nước của ông và cho thế giới, thì có lẽ cả nhân loại đều đã biết rõ. Ông được xem là một anh hùng trí thức (intellectual hero). Cuộc sống của ông là một tấm gương trí thức sáng chói bất tận. Tôi chỉ xin trích lại để gửi đến bạn đọc một câu của Václav Havel về vai trò của người trí thức. Năm 1968, dưới chế độ độc tài của đảng Cộng sản Tiệp-khắc, ông đã viết:

Người trí thức cần phải trăn trở không ngừng, cần phải đứng ra làm chứng cho sự khốn khổ của nhân loại, cần phải đứng ở vị trí độc lập của mình mà gây hấn với các nhà cầm quyền, cần phải nổi dậy chống lại tất cả những sự trấn áp và những trò lừa đảo ngấm ngầm hay công khai, cần phải là người chủ xướng sự hoài nghi đối với các hệ thống, đối với quyền lực và những phù phép của nó, cần phải là một chứng nhân đối với sự dối trá của họ.
[Xem cuốn: Václav Havel, Disturbing the Peace: A Conversation with Karel Hvizdala
(New York: Vintage Books, 1991) 167.]

 *

Còn Eduardo Galeano (1940~) thì có lẽ chưa được nhiều người Việt Nam biết đến. Ông là một nhà văn Uruguay từng đoạt giải văn chương Casa de las Américas (1975 và 1978) và American Book Award (1989), là tác giả của gần 50 cuốn sách thuộc nhiều thể loại, là một trong vài cây bút Mỹ La-tinh nổi tiếng nhất trong thế giới văn chương đương đại. Ông cũng là một trong những nhà trí thức Mỹ La-tinh nổi tiếng nhất hiện nay. Là một người không ngừng chống lại mọi sự bất công và áp bức, ông đã từng bị bắt giam, và bị lưu đày khỏi đất nước Uruguay. Sống lưu vong ở Argentina, ông tiếp tục đấu tranh, chống lại chế độ chính trị thối nát ở Argentina, và sau khi đám quân phiệt của Jorge Rafael Videla lên nằm chính quyền, thì Galeano bị kết án tử hình. Ông phải trốn ra khỏi Argentina, bay sang Tây-ban-nha. Sau 12 năm sống lưu vong, ông trở về Uruguay và tiếp tục lên tiếng như một người đấu tranh cho tự do, dân chủ và nhân quyền ở đất nước của ông và ở những đất nước khác… Năm 1999, ông được trao tặng giải thưởng Cultural Freedom Award (1999, Lannan Foundation).

Giới trí thức Mỹ La-tinh xem Eduardo Galeano là nhà một nhà trí thức kiệt xuất (un distinguido intelectual), nhưng ông lại cảm thấy dị ứng đối với chữ “trí thức”, vì ông thấy trong giới trí thức nói chung, có nhiều kẻ chỉ dùng cái óc não thông minh của mình để tìm mọi cơ hội mưu cầu lợi lộc cho bản thân. Đó là loại “trí thức” ích kỷ, sống bằng cái đầu, nhưng trái tim vô cảm trước những cảnh đàn áp, bất công, đau đớn mà nhân dân quanh mình phải chịu đựng; dửng dưng trước sự tàn tạ của đất nước, và sẵn sàng hợp tác với những chế độ độc tài bạo ngược, miễn là bản thân có lợi lộc. Loại “trí thức” này không bao giờ phản biện đối với những vấn đề trọng yếu liên quan đến bản chất của chế độ chính trị. Thỉnh thoảng, để biểu diễn cho quần chúng xem vai trò “trí thức” của mình, loại “trí thức” ích kỷ này chỉ phát biểu vài lời phê phán — trong mức độ an toàn — về một số hiện tượng tiêu cực trong xã hội và văn hoá. Thực chất của kiểu phê phán này là để giúp củng cố và duy trì sự tồn tại của chế độ chính trị, tức là một cách phát ngôn để lập công với hệ thống quyền lực chứ không phải để chống lại nó. Vì thế, các chế độ độc tài rất thích nuôi nấng loại “trí thức” này.

Suốt mấy mươi năm qua, Eduardo Galeano đã có nhiều lần viết và nói về điều này. Nhưng hôm nay, khi tôi bất ngờ tìm thấy đoạn video quay cảnh ông nói với một phóng viên trên đường phố Tây-ban-nha, thì tôi hết sức thích thú, say mê lắng nghe và nhìn ngắm ông. Vào buổi tối ngày 24 tháng Năm, 2011, một phóng viên của trang web AcampadaBCN tình cờ gặp Eduardo Galeano đang đi dạo tại Plaza Catalunya, Barcelona. Thế là một cuộc phỏng vấn chớp nhoáng diễn ra. Trong đó có một đoạn Galeano nói về “trí thức” như sau:

Những kẻ “trí thức” làm bể dái của tôi. Tôi không muốn được gọi là “trí thức”. Khi họ gọi tôi là một người “trí thức kiệt xuất”, tôi nói: Không! Tôi không phải là “trí thức”. Những kẻ “trí thức” là những kẻ tách rời cái đầu khỏi thân thể. Tôi không muốn làm một cái đầu lăn lóc trên nền đất. Tôi là một con người! Tôi là một con người có một cái đầu, một thân thể, một bộ phận sinh dục, một cái bụng, tất cả. Chứ không phải là một kẻ “trí thức”. “Trí thức” có những tính cách rất ghê gớm! Tôi đã nói rồi, hãy cẩn thận với những kẻ chỉ dùng óc não. Hãy cẩn thận! Bạn phải dùng óc não đồng thời với cảm xúc. Và khi óc não bị tách rời ra khỏi con tim, thì hãy coi chừng một điều gì đáng sợ sắp xảy ra, bởi vì những kẻ đó có thể đưa chúng ta đến sự tận diệt của nhân loại trên hành tinh này. Không, tôi không tin vào óc não đơn thuần. Tôi tin vào sự kết hợp tương phản nhưng cần thiết giữa những gì ta cảm nhận và những gì ta suy nghĩ. Khi thấy một kẻ nào đó có vẻ như chỉ biểu lộ cảm xúc, tôi nghĩ “Anh chàng này mềm yếu”, và khi tôi thấy một kẻ nào đó chỉ suy nghĩ mà không có cảm xúc, tôi nghĩ “Khủng khiếp thật!” Đây là một kẻ “trí thức”, một thứ đáng sợ! Một cái đầu lăn lóc! Tôi không muốn làm một cái đầu lăn lóc. […] Cái mà tôi thích là sự kết hợp giữa cái đầu và gân bắp. Kết hợp tất cả con người của mình. Mọi thứ, không thiếu thứ nào cả — không thiếu cái bụng, không thiếu bộ phận sinh dục, không thiếu cái đầu biết suy nghĩ nhưng suy nghĩ với sự cẩn trọng. Cái đầu mà chỉ biết suy nghĩ cho riêng nó thì quá nguy hiểm.

[Bấm vào hình này để xem trọn vẹn cuộc phỏng vấn Eduardo Galeano:]

 *

Eduardo Galeano nói thật chí lý: “Cái đầu mà chỉ biết suy nghĩ cho riêng nó thì quá nguy hiểm.”

Khi những kẻ “trí thức” chỉ biết dùng cái đầu của mình để suy nghĩ cho riêng cái sự nghiệp của mình, cái danh lợi của mình, thì quả là nguy hiểm chết người, vì anh ta có thể sẵn sàng thoả hiệp, ủng hộ cho một chế độ độc tài bạo ngược, nếu chế độ ấy làm cho anh ta thoả mãn những nhu cầu bản thân về sự nghiệp và danh lợi.

Cách đây hai năm, tôi có đọc một bài viết rất hay của Thomas Sowell,“Intellectuals and Society” [Trí thức và Xã hội]. (Tôi đã dịch được nửa bài ấy, rồi bận bịu quá nên tạm ngưng, rồi quên bẵng đi, hôm nay mới chợt nhớ lại và vừa tìm lại được. Chắc là tôi sẽ ráng tiếp tục dịch cho xong.) Trong bài viết của Thomas Sowell có đoạn:

Hiếm khi một tên độc tài chuyên giết người hàng loạt của thế kỷ 20 mà không có những kẻ ủng hộ cho hắn, những kẻ ngưỡng mộ hắn, hay những kẻ bào chữa cho hắn trong đám trí thức hàng đầu.(Scarcely a mass-murdering dictator of the 20th century was without his supporters, admirers, or apologists among the leading intellectuals.)

 Sydney, 31.01.2012

 HOÀNG NGỌC TUẤN (nguồn: Tiền Vệ)