Hồi Ký Đi Làm 01

Ảnh minh hoạ: nguồn Google

Ảnh minh hoạ: nguồn Google

MỘT

Tháng 4/1996, khi còn bốn tháng nữa mới tốt nghiệp lớp tiếng Nhật, thì các công ty Nhật Bản đã rục rịch đến trường xin phỏng vấn và giữ chỗ. Hãnh diện là một trong ba người đầu tiên được công ty một tập đoàn lớn chọn, và khi tốt nghiệp ra trường chỉ cần đến làm mà không lo tìm việc nữa.

Thời gian học việc rụt rè, nhìn các anh chị lớn mà bắt chước, ngưỡng mộ một chị trong đó rất giỏi, và nói tiếng Nhật như người bản xứ. Thầm nghĩ, một ngày mình cũng sẽ được như chị! Làm được một năm thì chị được đề bạt lên làm manager, mấy chị cùng trang lứa nổi điên, kiện tụng tại sao cho một người không có bằng đại học làm sếp? rồi thấy không suy chuyển được gì, mới đưa đơn xin nghỉ việc! Lúc đó giống con chim non vừa bay khỏi tổ đã gặp ngay bầy diều hâu đang xâu xé một chú chim khác, run rẩy đứng nhìn, thấy con người ghê gớm thật, hơn thua, ganh ghét nhau như vậy, không biết rồi mình có sẽ gặp những con người như vậy hay không?

Khi mới vào làm, sếp cho viết một bài tự thuật bằng tiếng Nhật, xong sếp khen viết hay, và sếp viết một bài khác, giới thiệu về nhân viên mới, gởi sang công ty mẹ, có câu “con nhà nòi, nên viết văn câu cú mạch lạc, súc tích, có triển vọng về thông-phiên dịch“, nên thời gian đầu được sếp giao cho công việc này.

Ngày đó, có một khách VIP lớn tuổi, người Ibaragi – một tỉnh thuộc vùng Kanto trên đảo Honshu, vừa nói giọng địa phương khó nghe, vừa dùng những từ cổ của người già, thậm chí đến người Nhật nghe cũng không hiểu nổi. Chị manager lúc đó luôn được đặc cách cử đi làm thông dịch cho khách này. Sếp cho đi theo để học hỏi. Xong buổi đầu tiên, toát mồ hôi hột, dù chỉ là ngồi nghe, không phải truyền đạt gì cho ai. Hóa ra thực tế khác xa với những điều đã được học. Nói nhỏ với chị: “em hoàn toàn không hiểu gì về buổi nói chuyện, chị ạ!“, chị cười hiền hòa: “không sao đâu, từ từ em sẽ quen thôi!“.

Sau đó vài lần, sếp bảo giao khách VIP đó cho phụ trách. Hoang mang, không biết làm sao để hoàn thành nhiệm vụ? Ngày khách sang, người cứ run cầm cập, nghĩ, vào buổi họp mà cứ ngồi như trời trồng thì chắc công ty bị cắt hợp đồng mất!

Trước khi vào họp, lí nhí nhờ khách nói chậm rãi một chút vì sợ không theo kịp, rồi khi “lâm trận“, gặp câu không hiểu, hỏi lại khách, vẫn chưa hiểu thì quay sang cầu cứu sếp, nghe sếp giảng giải bằng tiếng Nhật, giống như tra từ điển Nhật-Nhật vậy, rồi dựa vào nội dung công việc cần bàn, những liên quan đến các lần họp trước, dựa vào diễn tiến câu chuyện…, mà đoán ra nghĩa của từ chưa biết, hay nghe không ra mà cứ “phang“ đại, thấy hai bên cũng gật gù, chắc hiểu! Cứ miệng vừa nói, tay vừa ghi vội mấy từ “tự chế“ đó vào sổ, về văn phòng tra tự điển lại xem mình đã hiểu đúng chưa? và học thuộc cho những lần sau.

Trên xe di chuyển từ nơi này đến nơi khác thì nghe lóm cuộc nói chuyện giữa sếp và khách, có khi là bàn công việc, có khi chỉ là những chuyện phiếm… nghe và học cách người Nhật dùng từ, dùng câu, cách nối từ ý này sang ý khác, thậm chí những từ về tra mới biết là từ lóng, những từ chỉ nam giới mới dùng… Lắng nghe mọi lúc, mọi nơi, từ trong văn phòng đến nhà xưởng, từ trong lúc ăn đến lúc di chuyển… thích thú “à..“ trong đầu, khi nghe họ nói hay quá! Trước đây, khi muốn diễn đạt điều này, mình đã nói như vậy, giờ nghe họ nói như vầy hay quá, nên ghi nhớ.

Dắt khách đi mua sắm, đi tham quan ngoài giờ làm, cũng nghe họ nói chuyện với nhau, cách họ bàn tán, bình luận… nghe đến nỗi thấm vào từ lúc nào… Có một lúc đi làm với khách hàng, khi trò chuyện với nhau trên xe, họ đã thốt lên: “trời ơi, sao dùng từ đó hay quá vậy! tôi tưởng mình đang nói với người Nhật!“. Đó là lần đầu tiên trong đời cảm thấy “sướng“ thật sự vì một lời khen. Khoảng một năm sau, cô giáo người Nhật gọi điện sang công ty tìm, để hỏi thăm xem học trò của mình đi làm thế nào, đã thốt lên: “tiếng Nhật của em đã gần như giống người Nhật rồi!“.

Khách VIP đã chấp nhận nhân viên học việc ngày nào. Sếp đi đâu cũng khoe “cô ấy có thể hiểu được thứ tiếng Nhật mà thậm chí người Nhật là tôi cũng không thể hoàn toàn lý giải được!“. Mỗi lần sang làm việc, khách đều mang một món quà là chai rượu Nhật “tặng cho người đã sinh ra cô con gái rượu đang giúp tôi trong công việc rất nhiều“. Sau mỗi buổi tiệc chiêu đãi, khách luôn giành phần thanh toán, thay vì để công ty đối tác bên này phải trả, rồi không quên gọi thêm mấy phần mang về cho gia đình “nhân viên cưng“.

Khách VIP đặc biệt thích ăn ớt Việt Nam, loại ớt sừng to giòn, dùng làm khai vị, trong bữa ăn chính, và cả tráng miệng, nên lần nào trước khi khách về nước cũng mua cho mấy ký, rửa sạch, để ráo, xếp thành hàng thẳng tắp vào bao nylon bóng kiếng đem tặng, khách vui lắm! Khách tên Karakawa, mà sếp dịch vui ra thành “KARA kutemo KAWA ranai“, nghĩa là “dẫu có cay đi nữa, cũng không thay đổi gì“.

Có một lần khách VIP đãi tiệc, đặt hàng món sashimi cá nóc, do chuyên gia Nhật Bản có bằng chế biến thịt cá nóc tại nhà hàng Nishimura trong khách sạn Omni đảm nhận. Sếp có việc với một khách hàng khác, nên xin phép đến trễ sau khi mọi người đã thưởng thức xong món đầu tiên là sashimi, nên bị nói đùa là, có vẻ như sếp đang cố tình trễ để mọi người dùng xong món cá nóc trước, xem có vị nào bị trúng độc không, rồi mới đến phiên mình! Hôm đó cũng có món cơm trắng trộn với khoai lang cắt hột lựu, một anh làm chung ghé tai bảo “ngày xưa nghèo khổ, ăn độn cơm với bo bo, khoai mì, khoai lang, giờ đi làm công ty nước ngoài rồi, vẫn còn bị ăn độn!“

Đến tháng lãnh lương đầu tiên, cảm giác hồi hộp, sung sướng không gì diễn tả được. Cầm trên tay mấy tờ “trăm đô“ mới tinh, cứ sờ sờ, vuốt vuốt, để biết chắc nó là của mình…

Ngày trước, cứ đều đặn mỗi năm gần cận Tết là cô ở Mỹ gởi về cho gia đình một tờ trăm đô. Ngày có người đến bấm chuông, kêu cho xem chứng minh nhân dân, là ngày cả nhà vui nhất trong năm, nhận tờ trăm đô như “hàng viện trợ nước ngoài“ mà sướng rơn! mấy chị em trong nhà cứ giành nhau, nói Má cho mượn xem, rồi xuýt xoa… sắp có áo mới mặc Tết rồi! sắp được ăn cơm với “thịt đùi“ rồi! Giờ, không phải mỗi năm một lần nữa, mà hàng tháng, con gái đưa cho Má tờ trăm đô mới cáu để phụ Má tiền chợ, cảm giác thật tuyệt vời…

(còn tiếp)

PHƯƠNG ĐÀO
March 12, 2014

12 comments on “Hồi Ký Đi Làm 01

  1. Pingback: Tin thứ Năm, 13-03-2014 « BA SÀM

  2. Pingback: Anhbasam Điểm Tin thứ Năm, 13-03-2014 | doithoaionline

  3. Tình ý chân thành, lời giản dị. Không ngờ cô nhẫn nại không cùng trong rèn luyện học tập. Khoản nầy không chừng ăn đứt ông bố. Ông bỏ học dở chừng theo lý tưởng, tàn cuộc mới biết lý tưởng đó chỉ là tưởng có lý (lời Lâm Hữu Tài). Cô xứng đáng hưởng cơm no áo ấm, biết để dành thì giàu. Các bạn trẻ nên đọc và học theo.

  4. Pingback: Thứ Năm, 13-03-2014 – Tranh chấp Biển Đông và vai trò của Việt Nam – KỊCH BẢN UKRAINA CHO VIỆT NAM | Dahanhkhach's Blog

  5. Pingback: NHẬT BÁO BA SÀM : TIN THỨ NĂM 13-3-2014 | Ngoclinhvugia's Blog

  6. Những dòng hồi ký giản dị này giống như lời tự sự, nhưng tôi thấy ở đó một điểm sáng. Một cô gái (hay thiếu phụ) có tấm lòng chân thật, với những suy nghĩ rất đỗi bình thường, nhưng chứng tỏ một tính cách đáng quý: chăm chỉ, ham học hỏi. Người như vậy làm việc với người nước ngoài sẽ đem lại ấn tượng tốt cho họ về người Việt chúng ta, bớt đi những cái nhìn kỳ thị. Niềm vui khi nhận những đồng tiền lương (nhất là bằng “đô”) cũng rất thật.
    Dù không “đao to búa lớn”, nhưng đọc cái hồi ký này thấy cảm giác ấm áp.

    • Xin cảm ơn cảm nhận của anh Nguyễn Tiến Sơn và chị Nguyễn Thị Dung, sẽ tiếp tục chia sẻ những phần sau của hồi ký ạ…

  7. Đọc hồi ký thấy rất dung dị và gần gũi…thich nhất đoạn cuối “…Ngày trước, cứ đều đặn mỗi năm gần cận Tết là cô ở Mỹ gởi về cho gia đình một tờ trăm đô. Ngày có người đến bấm chuông, kêu cho xem chứng minh nhân dân, là ngày cả nhà vui nhất trong năm, nhận tờ trăm đô như “hàng viện trợ nước ngoài“ mà sướng rơn! mấy chị em trong nhà cứ giành nhau, nói Má cho mượn xem, rồi xuýt xoa… sắp có áo mới mặc Tết rồi! sắp được ăn cơm với “thịt đùi“ rồi! Giờ, không phải mỗi năm một lần nữa, mà hàng tháng, con gái đưa cho Má tờ trăm đô mới cáu để phụ Má tiền chợ, cảm giác thật tuyệt vời…”. Sao giống cảnh nhà mình quá !

Bình luận về bài viết này