Gửi Ngô Bảo Châu

nhà văn Nguyễn Quang Lập

Trong bài:  Giáo sư Ngô Bảo Châu:Bạn trẻ vẫn đầy niềm tin tương lai” , trả lời câu hỏi: “Giáo sư suy nghĩ thế nào về trách nhiệm phản biện xã hội của giới trí thức cũng như vai trò của giới trí thức trong xã hội?”, Ngô Bảo Châu nói: “Tôi không đồng ý với việc coi phản biện xã hội như chỉ tiêu để được phong hàm “trí thức”. Đến bao giờ chúng ta mới thôi thi đua để được phong hàm “trí thức”? Đối với tôi, trí thức là người lao động trí óc. Cũng như những người lao động khác, anh ta cần được đánh giá trước hết trên kết quả lao động của mình. Theo quan niệm của tôi, giá trị của trí thức là giá trị của sản phẩm mà anh ta làm ra, không liên quan gì đến vai trò phản biện xã hội.” Mặc dầu anh có nói thêm:”Mặt khác, cần trân trọng những người trí thức, hoặc không trí thức, tham gia công tác phản biện xã hội. Không có phản biện, xã hội đã chết lâm sàng.”, mạng FB vẫn sôi sùng sục.

Sáng 30 tết đáng lẽ nghỉ ngơi thư  giản chút ít mà mình cứ bứt rứt không yên. Không thể nghĩ đơn giản: “trí thức là người lao động trí óc“, cũng như không thể nghĩ giản đơn con người là động vật biết tư duy. Muốn biết ai đó là con người hay không, CON NGƯỜI viết hoa ấy, phải xét xem anh ta đã sống như thế nào, tức là tư cách của anh ta.  Sản phẩm làm ra của Châu- các công trình toán học của Châu, hoàn toàn xứng đáng giá trị của một nhà toán học, một nhà khoa học,  nhưng không vì thế mà người ta coi Châu là trí thức đâu, TRÍ THỨC viết hoa ấy, Châu ạ. Các nhà khoa học được coi là TRÍ THỨC hay không phải xét xem họ đã dấn thân trong cộng đồng và xã hội như thế nào, xưa nay đều thế cả.

  Định viết bài nói lại với Châu nhưng nghĩ lại mình không viết nữa, dù sao tết cũng đến rồi. Mình đưa bài của Trần Minh Khôi, theo mình đây là bài viết hay, chí lý. Cũng như Châu, Khôi là người bạn mới quen của mình. Cũng như mình, Khôi rất quí mến Châu.  Nhưng cũng như mình, Khôi muốn nhắn gửi tới Châu: Phát biểu của Châu, dù vô tình đi chăng nữa, sẽ làm cho đám trí thức trùm chăn được thể vênh vang, tiếp tục trùm chăn kĩ hơn nữa, trong khi vẫn có cớ để dè bĩu và chỉ điểm những trí thức chân chính.

TRÁCH NHIỆM TRÍ THỨC

TRẦN MINH KHÔI

Đó là tựa đề của hai bài viết, cách nhau 45 năm, của Noam Chomsky bàn về trách nhiệm trí thức.

 Trong cuộc bầu chọn 100 trí thức đương đại có ảnh hưởng nhất trong không gian tư duy Anh Ngữ của hai tạp chí Prospect và Foreign Policy năm 2005, cái tên Noam Chomsky đứng đầu danh sách. Điều này tự nó xác tín thẩm quyền của ông về đề tài mà ông bàn đến.

 Trong bài đầu tiên, được viết năm 1967, khi cuộc chiến tranh ở Việt Nam đang ở đỉnh điểm của sự tàn phá, Noam Chomsky lên tiếng cảnh báo giới hàn lâm và khoa học về thái độ khúm núm của họ trước quyền lực chính trị và những quyết định của chính quyền (Mỹ) liên quan đến cuộc chiến. Trách nhiệm của trí thức là nói lên sự thật và vạch trần dối trá của chính quyền, ông tuyên bố. Gần nửa thế sau, sự chính trực và thái độ không thỏa hiệp đó của Chomsky vẫn nguyên vẹn. Ông nhấn mạnh đến trách nhiệm đạo đức của trí thức trong việc dùng những đặc quyền và địa vị của mình để đấu tranh cho tình thương, cho hòa bình, công bằng, và tự do. Bài viết thứ hai này có thêm cái phụ đề “đặc quyền để thách thức nhà nước”.

 Thách thức quyền lực, và thách thức quyền lực chính trị, thuộc về truyền thống trí thức phương Tây; Socrates và Jesus, Tolstoy và Marx, Montesquieu và Roger Williams, Martin Luther và J.J. Rousseau, và đương nhiên Noam Chomsky và Richard Dawkins, Václav Havel, Christopher Hitchens, Jared Diamond, Salman Rushdie,…Nói đến trí thức là nói đến lòng dũng cảm và sự chính trực đối diện với quyền lực, dù đó là quyền lực nhà nước, quyền lực tôn giáo, hay quyền lực văn hóa và lịch sử. Trí thức do đó bao giờ cũng là sự đe dọa đối với các định chế quyền lực, ngay cả quyền lực hàn lâm. Điều này đưa một hệ luận trực tiếp là khi một người tự nguyện phục vụ quyền lực, hay chỉ mon men quyền lực, thì người đó cũng đã tự nguyện từ chối vị thế trí thức của mình. Trí thức không a dua với kẻ cầm quyền.

 Trí thức là một quy chuẩn giá trị, không phải là một quy chuẩn nghề nghiệp. Một người lao động trí óc chỉ là một một chuyên viên, một công chức, một học giả, một nhà khoa học. Dù thành quả lao động của anh ta lớn đến đâu, đẳng cấp chuyên môn của anh ta cao đến đâu, nhưng anh ta vẫn không phải là trí thức cho đến khi thực hiện trách nhiệm xã hội của mình. Trong xã hội công dân, trí thức trước hết thực hiện trách nhiệm công dân, nghĩa là trách nhiệm bảo bệ các quyền căn bản, và sau đó là trách nhiệm đạo đức đối với xã hội của một người được hưởng đặc quyền và địa vị. Trong những xã hội mà ở đó nền pháp quyền chưa đủ mạnh để chế tài quyền lực nhà nước, trí thức thực hiện trách nhiệm bảo vệ công lý và bảo vệ các quyền tự do trước sự bạo ngược của nhà nước.“Trí thức”, cũng như với những khái niệm khác như “tự do”, “quyền”, “dân chủ”,… khi đi vào không gian tư duy tiếng Việt, đã được gọt giũa lại cho phù hợp với cái tâm thức thần dân của nổi sợ hãi truyền thống trước quyền lực các loại. Đã có rất nhiều người bàn về khái niệm “trí thức”, về việc có hay không có một tầng lớp trí thức ở Việt Nam, về vai trò của trí thức đối với người cầm quyền và đối với quốc gia,… nhưng gần như không ai bàn đến quan hệ đối kháng giữa trí thức và quyền lực. Từ đó, “trí thức” bị đánh đồng với chuyên viên, học giả, công chức. “Trí thức” trong tiếng Việt không còn chứa đựng nội hàm của thái độ thách thức quyền lực như trong ý nghĩa nguyên thủy của nó. Điều này tự nhiên trong tiến trình chuyển tiếp từ một xã hội thần dân sang một xã hội công dân. Khi quyền lực nhà nước vẫn còn quá bạo ngược, sợ hãi để tồn tại, “tôi sợ”, tự nó cũng là quy chuẩn đạo đức đáng khâm phục. Nhưng tư biện loanh quanh để lẩn tránh sự sợ hãi, trong nhiều trường hợp là vô hình, như trường hợp với những người mà cuộc sống của họ ở ngoài sự kiểm soát của quyền lực, lại là thái độ hèn nhát, không xứng đáng với trách nhiệm trí thức. Và cũng như với tất cả sự hèn nhát khác, nó vô dụng.

 Tiến trình hình thành tầng lớp trí thức ở Việt Nam, nghĩa là tiến trình trả lại đầy đủ ý nghĩa của khái niệm “trí thức”, song hành với tiến trình xây dựng một xã hội công dân, giới hạn quyền lực nhà nước và bảo vệ các quyền tự do. Nó đòi hỏi lòng dũng cảm và chính trực.

 Trí thức, theo Chomsky, là một đặc quyền. Đặc quyền đưa đến cơ hội. Cơ hội đòi hỏi trách nhiệm. Và mỗi cá nhân có chọn lựa của mình, trong đó có chọn lựa trở thành trí thức.

Theo blog FB của TMK

6 comments on “Gửi Ngô Bảo Châu

  1. Có thể ví việc thành lập Viện nghiên cứu cao cấp về toán của VN giống như việc Phạm Tuân đi “ké” tàu bay của Liên Xô vào vũ trụ thử bèo hoa dâu những năm 1980 vậy. Tại sao phải đầu tư những 650 tỉ đồng tiền vào cái mà chắc chắn, nếu có kết quả, chỉ đánh bóng hay vinh danh ai đó mà thôi, chứ đất nước và dân tộc VN này không cần?

    Cái mà VN cần là có nhiều viện nghiên cứu ứng dụng “thật sự” các tiến bộ khoa học kỹ thuật trong nông nghiệp như ứng dụng con giống, cây trồng, vật nuôi, phân bón, thuốc trừ sâu, máy móc thiết bị nông nghiệp tiên tiến,… để nâng cao năng suất sản xuất nông nghiệp, chăn nuôi vì nông nghiệp là thế mạnh của VN. Dân VN ăn lúa gạo chứ không thể sống bằng cái sản phẩm của Viện toán này đâu.

    Buồn gì có quá nhiều người “có học” ở VN mượn việc chung mà lo làm việc riêng.

    Nhân thể nhắn gửi Châu giáo sư: khái niệm trí trức là khái niệm chủ quan, nên tùy nhận thức và nền tảng giá trị mà chủ thể có, cách hiểu của mỗi người khác nhau về trí thức là khác nhau.

    Không nên bắt người khác phải hiểu khái niệm trí thức của mình giống như cách hiểu của chính mình.

    • Thôi ! Hãy tha thứ cho vị GS trẻ này 1 chút , đáng tiếc là GS đã không suy nghỉ kỷ càng trước khi trả lời báo chí , vậy thôi

  2. Bài phỏng vấn được trả lời trực tiếp nên gs.NBC.không thể không
    bị ‘hớ’ trong vài nhận định sai với quan niệm thông thường về trí
    thức mà đa số thừa nhận.
    Có điều đáng trách là câu ông phát biểu thay cho giới trẻ “vẫn tin tưởng vào tương lai”.Đó là một kiểu cách “ru ngủ” mà lẽ ra ông nên tránh.Điều nữa là ông lại ngây thơ coi những lãnh đạo CS.như các bậc minh quân biết nghe lời phản biện của trí thức,dù trong thực tế
    họ từng bị hành hạ và bạc đãi,nhất là bị khinh bỉ từ bọn chóp bu mà
    khởi đầu từ họ Mao rồi đám đàn em bắt chước !
    Thật ra,người trong cuộc mới biết rõ tại sao NBC.sau 2 lần làm trí
    thức (lần đầu phản đối Bauxite,lần sau có ý kiến về vụ án CHHV.)
    nay co vòi lại làm anh công chức khoa bảng qua cách phát biểu có
    gì đó mâu thuẫn về vai trò phản biện của trí thức.
    Dựa vào những biểu hiện bên ngoài,tôi tạm suy diễn là ông đang bị
    nhà nước “chiếu tướng” sau khi thấy ông bày tỏ thiện cảm với tiến
    sĩ luật CHHV.và phát biểu về lề phải-trái mà họ thấy cần phải uốn
    nắn lại đề đem vào khuôn khổ và họ muốn lấy ông làm điển hình
    mới nhằm tạo thanh thế cho csVN.vốn ngày càng bị sứt mẻ.Ngoài
    việc ăn mày dĩ vãng (thắng trận nhờ nhân dân),nay họ còn ‘ăn mày’ uy tín của ông nữa !
    Vừa ‘cải tạo’ vừa mua chuộc ông qua cách ưu đãi bằng tiện nghi vật chất như thế thì làm sao ông dám làm trí thức nữa cơ chứ ?
    Trong chuyện này,phải chăng cha mẹ ông cũng đã tiếp tay đắc lực
    với nhà nước VN.để “đúc” lại NBC.thành con người mới xhcn.?

  3. Pingback: Trí thức « Happy Lunar new year 2012

  4. Ngô Bảo Châu tốt nhất là đừng nói gì về các vấn đề xã hội, hoặc nếu nói thì từ trong tâm phải có sự đồng cảm với tình cảnh của nhân dân, như thế người ta mới thấy phục. Thế nhưng ông ta lại chỉ nói để tỏ ra hiểu biết thâm sâu mọi lĩnh vực, để dạy đời. Vì vậy mà bị nhiều người ghét.
    Ông ta hay nói làm toán không phải vì danh mà vì đam mê. Nhưng cái cách ông ta nói năng và cư xử thì cho thấy điều ngược lại.

  5. Ngô Bảo Châu nói không thích bàn về những gì chưa hiểu rõ, nhưng thực ra vẫn hay ‘ngứa mồm’ về những chuyện mới hiểu chàng màng, mà lại còn nói với giọng dạy đời nữa. Ông ta cứ tưởng có giải thưởng Fields rồi thì mọi người đều ngu hơn ông ta về mọi mặt.

Bình luận về bài viết này