Có lần nói chuyện với một thằng bạn phi công VNCH, nó tiết lộ: “Mỗi lần cất cánh đi ném bom nhưng vì một lý do nào đó không đến được mục tiêu, không thể ném bom được, đành phải bay ra biển, trút bom xuống đó rồi về”.
Tôi hỏi:
-Sao không đem bom về?
-Vì nhiều lý do: 1/Hạ cánh xuống phi đạo trong khi đang mang bom rất nguy hiểm, vì bom sẽ nổ. 2/Đã đem bom đi thì không được đem về, cũng giống như hiệp sỹ Samurai của Nhật, đã rút kiếm ra khỏi vỏ thì phải vấy máu mới được tra kiếm vào. 3/ Bằng mọi giá phải ném cho hết bom thì mới được về. không cần biết ném vào đâu.
-Tại sao lại có cái “nguyên tắc thứ 3” đó?
-Vì bom là hàng hóa, chiến tranh là thị trường tiêu thụ, phi công tụi tao là người tiêu dùng và những ông chủ “các tập đoàn chế tạo vũ khí” là nhà sản xuất. Mày có muốn nghe câu chuyện thứ hai không?
-Muốn.
-Vậy tao hỏi: Mày có biết các nhà sản xuất vũ khí Mỹ tính toán: để giết một việt cộng cần phải dùng bao nhiêu viên đạn không?
-5 viên.
-Trật lất. Cho nói lại.
-20 viên?
-Cũng trật.
-100 viên?
Thằng bạn cười hô hố, đưa một đáp án kinh hoàng:
-600.000 viên.
Tôi vãi đái ra quần. Sáu trăm ngàn viên đạn để giết một việt cộng!
-Sao giống công tử Bạc Liêu đốt tiền để đun nước pha trà vậy?
-Gấp ngàn lần vậy!
-Nhưng phí phạm như thế để làm gì chứ? Vì tiền mua vũ khí cũng là tiền thuế, cũng là mồ hôi nước mắt của dân Mỹ mà ra.
Nghe vậy, nó còn chửi tôi:
-Sao mày ngu thế? Đó là chỉ tiêu của nhà sản xuất. Sản phẩm phải được tiêu thụ hết! Hiểu chưa?
Tôi im lặng. Rúng động!
*
Câu chuyện sau đây thuộc lãnh vực y tế, còn rúng động hơn.
Tôi có thằng em rể, nó là việt kiều Mỹ, bị ung thư, nhưng nó không chữa bên Mỹ. Nó về Việt Nam chữa.
-Mày là công dân Mỹ, mày có bảo hiểm y tế, sao không chữa bên Mỹ?
Nó cười, bí hiểm.
-Anh có muốn nghe một câu chuyện hoang đường không?
-Thế nào?
-Thế này: Nếu em đến bệnh viện Mỹ khai ung thư là nó đè em ra mổ liền, không cần biết tình trạng có đáng mổ chưa.
-Tại sao?
-Vì một ca mổ như vậy bác sỹ được 48.000 đô-la, tức khoảng một tỷ đồng Việt Nam. Ngon ăn quá, nó đâu chịu để vuột mất. Em sợ mổ lắm nên về Việt Nam, tuy phải tốn tiền nhưng may ra khỏi mổ, vì bệnh chưa đến nỗi nào. Nghe nói ở Việt Nam bác sỹ rất giỏi.
Bệnh viện Chợ Rẫy đã chữa cho nó, không phải mổ. Chỉ tốn 21 triệu tiền đốt điện. Đến nay nó vẫn ngon lành.
Nó mất 21 triệu đồng VN (1.000 USD) nhưng tiết kiệm được 48.000 USD (mắc gấp 48 lần).
*
Năm 2014 tôi sang Mỹ lần thứ 6. Tuyến tiền liệt bị sưng, đi tiểu khó. Nhưng tôi là dân Giao Chỉ không có bảo hiểm y tế. Làm sao bây giờ?
Một thằng bạn nói:
-Mày đi với tao
Tôi nghe nói người Mỹ rất ghét gian dối nên tôi cũng ngại họ phát hiện, họ khinh dân tộc mình.
Ai ngờ khi gặp bác sỹ, thằng bạn nói huỵch tẹc:
-Bạn tui qua đây chơi, bị sưng…
Bác sỹ không đợi nói hết câu, nói ngay:
-Phì đại nhiếp hộ tuyến phải không? Tôi ghi tên anh nhé (tức là núp dưới tên bạn tôi). Tôi cho một tháng thuốc. OK?
Tất nhiên là chúng tôi OK liền. Khi đem toa đến tiệm thuốc tây lãnh thuốc, thằng bạn nói:
-Mày muốn xin 3 tháng nó cũng cho. Mỗi lần về Việt Nam chơi, tao vẫn xin 3 tháng.
Tôi ngạc nhiên hỏi:
-Sao nó dễ quá vậy?
-Nguyên tắt chung của nhà sản xuất: Tiêu thụ sản phẩm càng nhiều càng có lợi. Nhà sản xuất có lợi, nhà thuốc Tây có lợi vì bán được hàng, bác sỹ có lợi vì được chi huê hồng, bệnh nhân có lợi vì đầy đủ thuốc. Chỉ có dân là phải đóng bảo hiểm y tế rất cao cho người ta phung phí.
Đó là câu chuyện hoang đường về nước Mỹ với 600.000 viên đạn để giết một việt cộng, với 48.000 đô-la cho một ca mổ chưa chắc đã cần thiết, với việc cấp phát thuốc vô tội vạ mà không cần biết bệnh nhân là ai.
Đó là “câu chuyện tầm phào, vô nghĩa, được kể bởi một thằng ngu tên là Đào Hiếu, đầy âm thanh và cuồng nộ” (It’s a tale, told by an idiot named Dao Hieu, full of sound and fury, signifying nothing – Shakespeares, Macbeth).
Nói cà khịa cho vui thôi, chứ tui đâu có ngu.
Ngày 10/4/2020
ĐÀO HIẾU