Tại sao triển lãm Cải Cách Ruộng Đất?

CAI CACH RUONG DATVề cuộc  triển lãm ảnh Cải Cách Ruộng Đất (CCRĐ) từ ngày 8 đến ngày 11 tháng 9 vừa qua, có nhiều ý kiến cho rằng những người chủ trương mở triển lãm có ý đồ biện hộ cho CCRĐ, khi các nhân chứng của cái cuộc “long trời lở đất” này đã chết gần hết, khó có ai còn có thể đứng ra phanh phui những cái sai trái được nữa.

Tôi thì không nghĩ vậy. Để hiểu ý đồ thực của người chủ trương mở triển lãm, ta hãy cùng thử trả lời mấy câu hỏi dưới đây.

Câu hỏi 1: Có thể bới đống rác đã để lâu ngày theo cách nào đó, sao cho mọi người thấy thơm hay không?

Trả lời: Không. Không có cách nào hết. Muốn cho đống rác thối không làm nhức mũi mọi người, chỉ có cách là quên nó đi, đừng động đến nó, và nếu có thể thì lặng lẽ đổ bê-tông dày trùm lên nó. Còn khi đã bới ra và còn gọi: “Ới các ông các bà, lại xem này! Đống rác này thơm đấy chứ!” thì mọi người đều phải bịt mũi, và có những người sẽ nổi đóa lên vì không chịu nổi mùi thối và cú lừa thô thiển.

CCRĐ dù thế nào cũng đã phải “sửa sai”, và dù “sửa sai” thì cũng đã có hàng ngàn người chết oan một cách thảm khốc, dưới bàn tay “chỉ đạo” của các “cố vấn” con cháu Mao. Chỉ cần nhắc đến cũng đã khơi dậy lòng uất hận và ghê sợ. Và chỉ cần nhìn một tấm hình với chân dung “lãnh tụ” bên trên và cảnh đấu tố nhục hình bên dưới, người xem, kể cả người chưa có khái niệm nào về CCRĐ, cũng đủ hình dung ra sự khốn kiếp của nó.

Câu hỏi 2: Những vị ở “trên cao” có hiểu được rằng không có cách nào bới đống rác để thấy thơm không?

Trả lời: Tất nhiên là họ hiểu. Tôi luôn tin rằng điều mà bất cứ người dân nào có tư duy bình thường cũng hiểu thì người ở “trên cao” càng phải thừa hiểu. Vì tôi tin rằng họ là những người thông minh. Mặt khác, việc cho phép mở một triển lãm như vậy không thể thuộc quyền cấp “cao vừa”, mà phải thuộc quyền của cấp “cao nhất”. Cấp đó càng phải hiểu.

Câu hỏi 3: Vậy tại sao họ lại cho mở triển lãm?

Trả lời: Vì chính họ cũng trăn trở với câu hỏi: Tiếp tục giấu giếm hay công khai cho mọi người biết và bàn bạc, để lịch sử đánh giá đúng sự kiện này, đặc biệt khi trong CCRĐ các vị lãnh đạo ta đã ở thế bị động, buộc phải chấp nhận sự can thiệp của “cố vấn” Tàu?  Cuối cùng họ đã đi đến một quyết định dũng cảm. Điều này cũng có phần do Bắc Kinh tiếp tục gây sức ép với lãnh đạo ta, và không loại trừ khả năng sẽ phải trải qua một cuộc “cải cách” thảm khốc mới. Vì vậy, họ phải làm ra vẻ triển lãm để biện hộ cho CCRĐ nhưng thực chất là đề phòng những thế lực bảo thủ tấn công họ.

Câu hỏi 4: Thôi được. Tiếp tục cho là như vậy. Nhưng nếu thế thì tại sao lại phải đóng cửa triển lãm sau vài ba ngày?

Trả lời: Rất đơn giản. Vì mục đích (ngầm) đặt ra đã đạt được một cách chóng vánh. Chỉ sau 2 ngày, một làn sóng phẫn uất của dân chúng đã bùng lên. Hàng trăm bài viết phê phán CCRĐ đã xuất hiện. Những nhân chứng còn sống sót từ CCRĐ đã lên tiếng mạnh mẽ. Có thể nói chưa bao giờ có một chiến dịch lên tiếng rầm rộ như vậy về cái cuộc “long trời lở đất” đó.

Nếu tiếp tục mở cửa, vị thế của những người chủ trương mở triển lãm có thể bị ảnh hưởng trước sự tấn công của cánh bảo thủ. Việc nêu cái lý do nực cười là “thiếu ánh sáng” có lẽ cũng là lời nhắn nhủ ngầm rất ý nhị của những người chủ trương mở triển lãm.

Câu hỏi 5: Những câu trả lời trên nghe rất có lý. Nhưng vẫn không loại trừ 100% trường hợp một vài vị cấp “rất cao” không nghĩ tới hậu quả khi đồng ý cho mở triển lãm. Nếu đúng như thế thì sao.

Trả lời: Nếu thật sự như vậy thị cái vị cho phép đã thật sự lú lẫn rồi. Nhưng tôi không nghĩ vậy.  

MICHAEL LANG

 

9 comments on “Tại sao triển lãm Cải Cách Ruộng Đất?

  1. Các nhân chứng của cuộc CCRĐ đã chết hết thế nào được.Thử hỏi những người sinh ra từ năm 1945 ở miền bắc VN đến nay mới chỉ 69- 70 tuổi, còn nhiều hay ít. Còn rất nhiều, trong đó có tôi đây. Nhưng tôi nghĩ lịch sử phải trung thực, không thể đổ bê tông để chôn vùi quá khứ được. Các sử gia, các nhà văn, nhà báo có trách nhiệm trình bày lịch sử như những gì đã diễn ra trong quá khứ, không cần bình luận, hoặc hướng dẫn dư luận. Thế hệ sau sẽ tự phán xét. Hiện nay người ta đang bóp méo lịch sử để phục vu ý đồ của kẻ cầm quyền. Nhân chứng muốn nói ra sự thật, nhưng nói với ai, hơn nữa lại it chữ, không biết sử dụng internet, thành ra lịch sử CCRĐ bị bưng bít , lại càng khó lộ ra chân tướng tàn ác dã man của nó. Các nhà văn nhà báo bây giờ phần nhiều là anh chị em trẻ tuổi, nghiên cứu CCRĐ qua sách báo, tài liệu, chắc chắn chưa đầy đủ được, cứ về các vùng thôn quê hỏi chuyện các cụ từ 69-70 tuổi, chắc chắn lịch sử giai đoạn này sẽ được phản ánh một cách chân thực nhất.

  2. Pingback: Tin thứ Bảy, 27-09-2014 « BA SÀM

  3. Em tin đây là quyết định của các bác rất to trọng bộ “tránh chị”. Nhưng mà bác nào đó đã “tham miu tham mọt” cách làm và mục đích…quá ngốc. Và nó lòi ra một số “bệnh kinh niên” của đảng ta là:Bưng bít, dối trá, lùa gạt, mị dân. Nhưng mà có gạt thì gạt thế hệ các chú các bác thế hệ từ U40 trở lên nha! Thế hệ 8X trở lên khó gạt lắm.

  4. Pingback: ***TIN NGÀY 27/9/2014 -Thứ Bảy. « PHẠM TÂY SƠN

  5. Pingback: Anhbasam Điểm Tin thứ Bảy, 27-09-2014 | doithoaionline

  6. Pingback: Điểm tin CCRĐ miền Bắc sau triển lãm (tt) | Nhận thức là một quá trình...

  7. Pingback: Điểm tin CCRĐ miền Bắc sau triển lãm (tt) |

  8. Nó có “lú” thì có chú nó khôn, theo tôi cuộc triển lãm như vậy cơ bản đã thành công tốt đẹp. Dù sao cái bánh cũng được “bóc” ra rồi, thơm hay thối tự mọi người phán xét?! có thế thì các thế hệ trẻ bây giờ mới có dịp để được đọc các bài viết của các bậc cha chú có “tư liệu thật” chứ!

  9. Đúng vậy, triển lãm CCRĐ dù kiểu gì thì cũng khơi lại ký ức về một sự kiện khốn nạn. Vậy nên người chủ trương, hoặc là cố tình khơi lại ký ức đó, hoặc là định biện hộ nhưng ngu.

Bình luận về bài viết này