Tôi đọc được thơ của Kiều Maily có lẽ nhờ thói quen, không phải nhờ ngôn ngữ hay cú pháp. Thơ của cô không có ngôn ngữ. Chỉ có những hình bóng kéo về từ quá khứ, từ chân trời, từ cồn cát và biển.
Những vần thơ không ngôn ngữ, có lẽ vì nó bị xoá nhoà, bị chói chang trong ánh lửa của nắng xế.
Làm thơ mà chỉ dùng chữ nghĩa như điểm tựa hư ảo để máng vào những hình ảnh và hoài niệm của quá khứ, chẳng phải tác giả đã thoát ra được cái khuôn khổ tục luỵ của chữ nghĩa sao?
Nếu như âm nhạc có thể rũ bỏ ca từ để hoá thân thành những sonate, những rhaphsody, những symphony … thì khi thơ rũ bỏ được cái xác ve khô rốc của “chữ viết” để chỉ còn giữ lại tiếng kêu ran, thì sẽ làm bừng sáng một mùa Hạ.
Nhưng âm điệu thơ Maily không kêu ran tiếng ve, mà chỉ là lời vọng trầm của cơn gió bị thất lạc từ quá khứ.
Và hình ảnh hiện ra trong đó, lùa vào tâm hồn tôi trực diện, mạnh mẽ, đầy ám ảnh và rung động.
Đọc thơ của cô, tôi không cần biết chữ.
Đó chẳng phải là điều đáng ngạc nhiên sao?
*
Một bạn trẻ ở thành phố này đã reo lên: “Ô! Đây là lần đầu tiên em thấy một con cừu” vì suốt đời người ấy chỉ thấy xe cộ, nhà cao tầng và những siêu thị.
Nhưng những con cừu vẫn gặm cỏ trên mặt đất, trên thảo nguyên. Chỉ có những con cừu của Maily là đi tìm một giọt nước. Hình ảnh ấy có gì mà làm tôi mủi lòng? Có phải vì thương dân tộc cô, một thuở huy hoàng? Có phải vì thương những con cừu đang đi tìm giọt nước?
Những bầy cừu đi vào bãi nắng
Phan Rang những bầy cừu khờ khạo
cố đi về phía bên kia bãi nắng
với hi vọng bên ấy có cỏ.
Chúng nghĩ rằng bên ấy có nước
những bầy cừu khờ khạo tội nghiệp
đi vào bãi nắng Phan Rang chín tháng
mười lăm ngày không có hạt mưa
Tôi từng ở Phan Rang. Nắng bốc khói. Nhưng tôi chưa từng gặp những con cừu. Lúc ấy tôi còn trẻ và những con cừu của Maily còn ẩn mình trong cổ tích.
Những năm sau này, tôi trở về thành Đồ Bàn, quê tôi (và cũng là của Maily), nhưng nó đã hoang tàn. Không còn gì ngoài sự im lặng. Giá mà tôi có thể nhìn thấy những con cừu của 185 năm trước, khi nhà Nguyễn xoá sổ vương quốc Chămpa, chắc hẳn chúng cũng sẽ miệt mài mỗi hoàng hôn, đi vào bãi nắng với hy vọng nơi ấy có cỏ. Và nước.
Gần hai trăm năm qua, những sinh vật hiền lành ấy đã hoá thân thành những con cừu của Maily, nhưng có lẽ chỉ là những cái bóng. Những cái bóng đi hoài, đi xuyên qua hoàng hôn, xuyên qua khu rừng trắng, xuyên qua những dòng sông khô cạn, chỉ để tìm một giọt nước.
Những bầy cừu đói cỏ
khát nước. Chúng chạy đi để rồi
chạy lại. Những bầy cừu khờ khạo
tội nghiệp, băng qua cánh đồng không
mảnh rừng trắng, băng qua con sông
cạn nước. Những bầy cừu khờ khạo
tội nghiệp.
(NHỮNB BẦY CỪU)
Trong thế giới của Maily có những khu rừng trắng, đó là thực hay hoài vọng, hay chỉ là rừng đã chết?
Và bãi nắng. Bãi nắng màu gì vậy? Có lẽ nắng cũng như ngôn ngữ thơ cô: không màu, vô ảnh, tan chảy trong hiện tại thành một dòng suối thời gian, trôi thầm lặng về cái quá khứ đau buồn của dân tộc cô. Vương quốc Chămpa vĩ đại.
Sao Maily không thấy nhà cửa, phố xá, xe cộ? Sao cô chỉ nhìn thấy đàn cừu đi vào bãi nắng? Và nhìn thấy cá chết.
Tôi nhìn
và tôi quay đi. Bơi
ra xa bờ. Xa mùi
tử thi đồng loại tôi
chết phơi mình trắng bờ.
Biển đã lặng. Sóng đã
yên. Nhiều ngôi nhà đồng
loại tôi bỏ hoang. Tôi
hiểu từ nay lũ cá
đã phải sống sót như
chúng tôi, khó sống hơn,
có lẽ.
(SỐNG SÓT)
Những dòng thơ đau xót, tưởng như thô mộc mà rất hiện đại, bởi lối tạo hình, bởi giai điệu trắc trở như những syncopes trong âm nhạc.
Tiết tấu thơ Maily mang âm hưởng nhạc Rap-không-giai-điệu của những ghetto da màu.
Nhưng lúc cần trữ tình thì cũng trữ tình. Kiểu trữ tình riêng đẫm hương vị Chăm-pa Maily của những thế kỷ tiếp nối.
Lúc ấy tôi đã chết, Maily cũng chết, và có thể cả nhân loại cũng thành tro than trong chiến tranh nguyên tử cuồng dại. Nhưng bài thơ vong quốc này thì vẫn còn khắc trên những đám mây phóng xạ đen, che lấp bầu trời và mặt đất.
*
Tôi phải nói gì với Maily?
Tôi sẽ nói: Một ngày rất gần, nước Việt Nam cũng sẽ bị xoá sổ như vương quốc Champa. Những địa danh, những tên người sẽ bị Hán hoá. Tiếng Việt sẽ chỉ được nói trong một cộng đồng nhỏ mà người ta thường gọi là “làng Việt”. Chữ “quốc ngữ” sẽ chỉ được tìm thấy trong “tàng kinh các”. Rồi một trăm năm sau đó, may ra mới có được một nhà thơ, làm những bài thơ buồn viết bằng chữ Hán. Nhưng sẽ không viết về “những bầy cừu đi qua bãi nắng”, mà viết về những con chim quốc bay lẻ loi trong hoàng hôn, về đậu trên mái đình làng, cất tiếng kêu “Quốc! Quốc!”.
Không ai hiểu đó là tiếng gì.
Ngày 1/9/2017
ĐÀO HIẾU
CỪU hiền lành KHỜ CÂM…!KHÁT-Khô NƯỚC đi TÌM…MƯA Không có phải KIẾM…”GIỌT NƯỚC MÁT đỡ THÈM…!…RỒI như Vương quốc CHĂM!SẼ CHÌM Trong ”TÀNG KINH”!Sẽ như CHIM đổ quyên…Kêu ”quốc quốc”mỏi miệng…BUỒN TÊNH???{Thơ KIỀU Maily…SẦU NỮ}?