ĐÀO HIẾU – Mùa Vu Lan buồn thảm

tam-theRằm tháng Bảy, ngày báo hiếu, sao tôi lại mất đi những đứa trẻ mà tôi đã nuôi nấng, cưu mang từ bé?

Tôi là đàn ông, nhưng tôi đã nuôi  lũ trẻ như một người mẹ. Một nách bảy đứa con mọn, từ vài tuần tuổi đến vài năm tuổi.

Vài năm tuổi, đối với đời một con mèo là đã trưởng thành.

Rằm tháng Bảy, ngày báo hiếu. Tôi không cần chúng báo hiếu. Tôi cần chúng sống bên cạnh tôi, no ấm, chơi đùa. Tôi cần chúng sống trọn tuổi thơ của chúng, tươi tốt, hồn nhiên và hạnh phúc.

Tôi không cần chúng báo hiếu, nhưng tôi cần bảo vệ, che chở, thương yêu chúng như thương yêu con ruột của mình. Đó là ước muốn của tôi. Đó là quyền của tôi. Sao tôi lại bị người ta tước đoạt cái quyền thiêng liêng ấy?

Tôi đang sống trong một xã hội, một môi trường đầy dẫy những hiểm hoạ, bủa vây, rình rập mọi lúc, mọi nơi, đầy bất trắc và vô phương cứu chữa.

Rằm tháng Bảy. Chưa bao giờ tôi thấy bất lực và tuyệt vọng đến thế.

*

Sáng sớm, tôi xuống nhà, vào bếp lo bữa ăn cho mấy con mèo rồi đem cho chúng.

Và tôi đã nhìn thấy một vật gì nằm bẹp dí ngay giữa lòng đường. Đó là con Tam Thể, một trong ba con mèo con mà hôm trước tôi đã cứu nó từ nanh vuốt của hai con rắn hổ đất.

Vị trí nó nằm chết ở ngay trước mặt nhà người đàn bà từng cầm cây chổi chà mắng nhiếc tôi là kẻ làm dơ vỉa hè.

Tôi nhặt con mèo lên, đặt trong lòng bàn tay, thấy cơ thể nó hãy còn mềm mại, chứng tỏ nó chỉ vừa bị giết chết. Trận mưa tối qua làm mặt đường ẩm ướt vì thế lông mèo dính đầy đất cát.

Tôi hỏi một cậu thanh niên đang đứng bên kia đường.

-Cháu có nhìn thấy ai giết con mèo của chú không?

-Cháu mới thức dậy.

Tôi ngồi bệt xuống vỉa hè, sững sờ nhìn con vật nhỏ bé nằm co trong lòng bàn tay. Nó mở mắt – hình như tất cả những con mèo khi chết đều mở mắt – nó lặng thinh, bé bỏng và thơ dại. Tôi cũng lặng thinh, tôi đông cứng trong giây phút hoá thạch vĩnh cửu và tàn nhẫn ấy. Con ơi, tại sao con lại xuất hiện trong đời của ngoại? Tại sao khi cho con ăn xong con lại chạy theo ngoại về nhà?

Chiều hôm qua, sau bữa ăn, nó cũng chạy theo tôi về nhà những tôi đã xua đuổi nó. Chỉ vì tôi sợ con Xíu đang chờ ở cổng và sẵn sàng đuổi đánh. Nó phải dừng lại, do dự giây lát rồi quay về đống gỗ.

Ngờ đâu đó là lần cuối cùng tôi nhìn thấy nó.

Con ơi! Đứa trẻ mong manh và thơ ngây của ngoại. Ông trời ơi! Sao cứ đẩy tôi vào những tình huống đau lòng?

Bây giờ con chỉ còn là một cái xác lạnh ngắt. Ông ngoại đã cứu con khỏi nanh vuốt của những con rắn nhưng lại đặt con vào một tử địa khác. Thà hôm trước ông ngoại cứ trao con cho người đàn bà sẽ nuôi con trong chiếc lồng sắt, còn hơn là đem con về đây để con được tự do.

Và chết vất vưởng giữa đường.

Tôi bất lực và tuyệt vọng. Không còn cách gì cứu đứa trẻ này. Nó chỉ chừng một tháng tuổi. Đứa trẻ từng chạy lăng quăng, nô giỡn trong lòng tôi, từng chui vào ống quần tôi chơi trò cút bắt, từng rúc vào ngực tôi tìm cái núm vú và núc.

Bây giờ chỉ là một cái xác lạnh ngắt.

“Un monde…. Où tout est fugitif, périssable, incertain, Où le jour du bonheur n’a pas de lendemain. Một thế giới mà mọi thứ đều phù du, tàn lụi, vô định. Và hạnh phúc thì không có ngày mai.”  (LAMARTINE)

Tôi lại đặt nó vào cái hộp nhựa trong suốt. Cái hộp ấy thường ngày tôi vẫn dùng để đựng thức ăn cho nó. 

Tôi chôn nó ngay dưới gốc cây bàng, cạnh Bún Hồng và con mèo nhỏ hôm trước tôi nhặt được ngoài đường đang hấp hối vì bị giòi bọ đục khoét.

Vĩnh biệt các con. Ba đứa không cùng cha mẹ, không biết từ đâu trôi giạt về đây, nhưng cùng sống trong vòng tay của ngoại, từng được ngoại cưu mang, che chở và nuôi nấng, và giờ đây, cả ba đếu phải nằm dưới lòng đất, bên cạnh nhau. Hãy là anh em ruột thịt với nhau ở cái thế giới xa lạ mà các con vừa đến. Hãy thương yêu nhau và cùng nhau nô giỡn trên cõi thiên đường.

Chôn cất bé Tam Thể xong tôi mới nhớ đến bữa ăn của bé Vừng và Mè.

Tôi cũng đã nhặt hai đứa trẻ này từ đống rác và nuôi chúng được hơn sáu tháng. Chúng đã lớn. Và từ ngày có ba đứa trẻ sơ sinh thì Mè và Vừng nhường đống gỗ cho chúng để rút vào ở trong cái nhà kho bỏ hoang. Nơi đó vừa là chỗ ở, vừa là pháo đài bảo vệ chúng khỏi chó, bọn trộm mèo  và… những kẻ độc ác mang hình dạng con người.

Tôi bưng tô thức ăn đến trước nhà kho, gọi Mè và Vừng ra nhưng chẳng thấy đứa nào xuất hiện.

Chừng vài phút sau mới thấy một cái mặt màu vàng ló ra, đó là con Vừng, mắt ngó dáo dác, nghi hoặc và phòng thủ. Tôi đặt tô thức ăn trước cánh cửa.

Vừng rụt rè bước ra. Tôi vuốt ve nó, đẩy đĩa thức ăn đến trước miệng nó. Nó chỉ liếm láp chút ít rồi lại ngửng lên, nhìn chung quanh, quan sát động tĩnh.

-Mè đâu? Tôi hỏi. Em gái con đâu rồi?

meTôi gọi “meo meo”. Gọi hoài vẫn không thấy Mè xuất hiện. Tôi nhìn lên đầu tường, nơi ấy mọi khi Mè vẫn thường ngồi chơi, hoặc đợi tôi đi ngang qua thì nhảy xuống mừng.

Meo meo… chờ đợi một khuôn mặt, một đôi mắt ngái ngủ. Chờ hoài, chờ hoài…

Con Vừng đã ăn hết phần cá của nó. Em con đâu? Chuyện gì đã xảy ra vậy? Không có ngôn ngữ. Không một chút biểu hiện. Mè đã biến mất, không để lại dấu vết. Chỉ trong một buổi sáng. Buổi sáng Vu Lan. Hai đứa trẻ đã ra đi, đã biến mất khỏi đời tôi, đột ngột và phũ phàng.

Cả hai đứa trẻ, tôi đã đem về từ cát bụi, từ lầm than, từ biên giới của sự chết. Cả hai đứa trẻ đều là hài nhi, là con đỏ, là giọt máu rơi trong cõi hồng trần mù mịt. Cả hai đứa đều là con tôi, là cháu tôi, đều lớn lên trong vòng tay tôi từng giờ, từng ngày. Sao bỗng dưng biến mất, tan vỡ như bọt xà phòng?

Tôi như kẻ tâm thần, lang thang khắp hang cùng ngõ hẻm, khắp bờ sông, bãi cỏ, lùm cây. Meo meo. Tiếng gọi vô vọng như tiếng khóc dài giữa sáng sớm, giữa hoàng hôn, giữa đêm khuya khoắt… Meo meo. Mè ơi! Con ở đâu? Sao con không trở về với ngoại? Sao không trở về nằm trong lòng ngoại, đùa giỡn với nhau. Chẳng phải chúng ta đã từng ngồi hàng giờ trên vĩa hè trước đống gỗ để nô giỡn cùng nhau giữa bầy sói lượn lờ chung quanh?

Hai ông cháu đều khóc.

Cháu nội viết status trên facebook:

“Mẹ các con sinh một bầy con, nhưng rồi mỗi đứa một đường. Sáng nay đứa bé nhất đã ra đi trong hàm răng chó, nằm chết ngoài đường, giờ má chỉ có thể cầu cho con đầu thai sớm. Xuân sau lại về với má, con à. Còn một đứa lớn hơn được đặt tên là Mè, con đi đâu? Nếu còn sống thì hãy về sớm đi. Má và em con đang chờ ở nhà.”

Đó vừa là lời than vừa là lời cầu nguyện.

Chúng tôi đứng lặng im bên nấm mồ của ba đứa trẻ, chết vào ba thời điểm khác nhau. Chúng vô tội, vô nhiễm và thánh thiện.

*

Còn lại đứa trẻ sơ sinh cuối cùng, tôi đem cho một cô gái trong xóm lao động bên kia bờ kênh.

Xin lỗi con, ngoại đã không đủ sức bảo vệ con trước muôn vàn hiểm nguy rình rập. Cầu cho con về với chủ mới sống và lớn lên trong bình an, hạnh phúc.

Mè đã mất tích, chỉ còn lại con Vừng đơn độc, bơ vơ, không ai bầu bạn. Tôi quyết định đem Vừng lên phòng riêng ở chung với tôi để nó có thể được nuông chiều, được nằm ngủ chung với tôi trên giường nệm, được leo lên bàn vi tính nằm cạnh bàn phím khi tôi làm việc. Để nó có thể sống tiện nghi như bé Xíu đang sống bên cạnh cháu nội.

Nhưng khi tôi thả nó vô phòng thì nó đã phản ứng dữ dội. Nó sợ. Nó chưa từng ở trong một căn phòng đóng kín cửa. Nó không biết chuyện gì đang xảy ra với nó. Nó cảm thấy bị đe doạ, bị hãm hại. Nó chạy lung tung tìm lối thoát giữa bốn bức tường kín mít. Cuối cùng nó chui vào gầm giường, nép người trong xó tối.

Tôi nằm sát xuống sản nhà, gọi nó, nhưng nó không ra, mặc dù trước nay nó rất quyến luyến tôi, thường sà vào lòng tôi nô giỡn, thường rúc vào nách tôi mỗi khi tôi bế nó ủ vào ngực.

Nó nằm phủ phục, nhìn tôi bằng đôi mắt nghi hoặc, phòng thủ và có chút gì thù hận.

Tôi lấy thức ăn khô mua ngoài tiệm thú y bỏ trong một cái chén, đẩy tới gần chỗ nằm của nó, nhưng nó không ngó ngàng tới.

-Ra đây con, ra đây ông ngoại cưng. Ra đây ông ngoại bế con.

Nhưng nó không nhúc nhích. Nó giữ thái độ xa cách ấy suốt đến chiều tối. Lúc ấy đã quá giờ ăn chiều, tôi biết nó rất đói nhưng nó vẫn không chịu bước ra. Tôi đưa thêm một con cá nục hấp.

Nó  vẫn không để ý.

vungSo với cái nhà kho tối tăm bẩn thỉu thì căn phòng của tôi là một thiên đường, nhưng với nó là vô nghĩa, là tù ngục, là cạm bẫy. Tôi bật ti-vi để dụ nó nhưng vô ích.

Bỗng nhiên nó xù lông lên, hoảng hốt. Tôi không biết chuyện gì. Lát sau nghe tiếng con Xíu khua động phía ngoài cánh cửa phòng. Tôi hé cửa nhìn, xua con Xíu đi. Lúc ấy Vừng mới bình tĩnh trở lại.

Tôi không biết cách gì để dụ nó ra khỏi gầm giường, không biết làm sao để nó hiểu rằng nếu nó ra chơi với tôi, nó sẽ được “đổi đời”, sẽ được vuốt ve, được nằm khoanh tròn, lim dim, lười biếng trên bàn làm việc của tôi…

Tôi xem ti-vi một lát thì đi ngủ.

Nửa đêm, tôi nghe một tiếng động lớn và thức dậy. Mấy chai nước và ly tách tôi để trên đầu tủ lạnh đã rơi xuống đất bể tan tành. Chiếc ti-vi bị xô lệch qua một bên, còn con mèo thì đang uống nước trong toa-lét.

Tôi gọi nó ra. Tôi gọi tên nó, dịu dàng, trìu mến, nhưng nó lại nép mình trong xó. Rồi đột nhiên nó vọt ra, chui tọt trở lại dưới gầm giường.

Hai giờ sáng tôi lặng lẽ thu dọn các mảnh thuỷ tinh vỡ, quét nhà và sửa lại cái ti-vi cho ngay ngắn.

Tôi pha một bình trà và thức luôn cho đến sáng.

Tôi không dám mở cửa phòng vì sợ Xíu chạy vào, hoặc Vừng sẽ chạy ra và hai đứa đụng độ nhau náo loạn. Tôi nghĩ cứ để nó ở dưới gầm giường như vậy vài bữa nó sẽ quen và sẽ mò ra chơi với tôi.

Tôi cúi xuống gầm giường, gọi nó.  Tôi nghĩ rằng nó đã ăn hết con cá vì ở đói suốt ngày hôm qua, nhưng con cá vẫn còn nguyên, cả phần thức ăn khô mua ở thú y, nó cũng không đụng tới.

Tôi nằm xuống nền nhà, gọi nó hồi lâu nhưng nó vẫn không nhúc nhích. Lát sau nó đứng lên, bước tới mấy bước rồi dừng lại. Tôi lại gọi. Nó bước thêm mấy bước nữa, ngửi bàn tay tôi. Tôi vuốt đầu nó.

-Ra đây con! Ra đây ngoại cưng.

Nó bước ra khỏi gầm giường. Tôi đẩy dĩa cá sát miệng nó, nhưng nó quay mặt đi.

-Ăn đi con! Đừng giận. Ông ngoại không làm hại con đâu, chỉ muốn bảo vệ con, chỉ muốn cứu con khỏi bị người ta giết chết. Con có hiểu không?

Nhưng nó vẫn nghi hoặc. Nó nhìn quanh căn phòng. Có vẻ do dự. Rồi lùi mấy bước. Cuối cùng nó quay trở lại trong xó tối, dưới gầm giường.

Tôi nghĩ là nó muốn tuyệt thực để phản đối tôi đã giam cầm nó.

Lát sau, khi tôi ngồi vào bàn vi tính, lên mạng xem tin tức thì có tiếng gõ cửa. Cháu nội mở cửa phóng bước vào, tức thì Vừng vọt ra như một tia chớp. Nhưng nó không biết phải chạy đi đâu. Nó không hề có ý niệm gì về cái cầu thang, nó phóng bừa lên khung cửa sổ phòng bên cạnh định thoát ra ngoài nhưng đó là cái cửa sổ ở lầu hai, cách mặt đất gần mười mét. Nó hoảng hốt ôm cứng lấy những thanh sắt, run sợ và hung tợn.

Tôi bước thật chậm đến.

-Vừng ơi! Đừng sợ. Ông ngoại đây, Ông ngoại bế con xuống nha?

Rồi đưa tay định vuốt ve nó, nhưng nó gào lên, nhe răng, giương móng vuốt. Tôi bối rối, không biết phải làm gì.

-Vừng ơi! Đừng sợ. Đừng sợ.

Tôi lấy một cái khăn tắm dày, bọc bàn tay và chộp lấy nó. Nó gào lên vùng mạnh.

Nó cắn bàn tay tôi lủng một lỗ, phụt máu đầm đìa. Cổ tay tôi cũng bị cào mấy vệt, ứa máu.

Nhưng tôi cũng đem được nó xuống nhà và thả nó về chỗ nhà kho cũ.

Nhưng nó không chui vô nhà kho. Nó chạy thẳng ra bờ sông và biến mất trong những lùm cây thấp mọc giữa bùn lầy và rác rưởi.

Suốt ngày hôm đó tôi đến bờ sông, gọi nó đến khan cổ họng mà cũng không thấy bóng dáng nó. Tôi lấy một cái gáo dừa đặt vào đó một con cá, để ngay chỗ mà khi sáng nó chui vào, với hy vọng đến tối nó sẽ mò ra ăn, nhưng sáng hôm sau, khi tôi ra bờ sông tìm nó, thì thấy con cá vẫn còn nguyên.

Tôi nghĩ là tôi đã mất nó.

*

Ba tháng trước, tôi và cháu nội đã cứu hai anh em nó từ đống rác đầu cầu. Khi chúng lớn thì một đứa đã bị bọn săn mèo bắt đi. Nó còn lại một thân một mình giữa cuộc đời tàn nhẫn này. Tôi muốn cho nó một cuộc sống tốt đẹp hơn, nhưng bây giờ lại đẩy nó vào một tình huống quá khốn nạn.

Tối qua tôi không ngủ được vì cứ nằm tưởng tượng nó đang co ro trong bụi cây trên vùng đất bùn lầy ẩm ướt và bẩn thỉu. Tôi muốn nó được nằm cạnh tôi, tựa đầu trên ngực tôi mà ngủ. Vậy mà không được.

Tại sao?

Vì giữa hai bên không có ngôn ngữ cảm thông? Hay tại vì tôi quá vụng về?

Tôi ân hận và thương nó xót xa.

Còn bây giờ thì nó đã biến mất.

Tôi lại đi tìm.

Đời tôi đã đi tìm những con vật nuôi như thế biết bao nhiêu lần rồi.

Đi tìm. Đi tìm. Cứ đi tìm mãi.

Vừng ơi! Vừng ơi!

Lại những bờ sống. Lại những lùm cây. Lại những đám cỏ cao, những góc phố, vỉa hè, đầu chợ.

Lòng tôi tràn đầy ân hận. Sự vụng về của tôi đã đẩy một đứa trẻ mà tôi đã nuôi từ tấm bé, một đứa trẻ vùa trải qua cuộc rượt bắt kinh hoàng của bọn săn mèo, một đứa trẻ vùa mất đứa em cùng cha cùng mẹ… vào một hoàn cảnh đơn độc, lạnh lẽo và đói khát, không chốn nương thân…

Tôi cảm thấy mình có lỗi, nhưng không biết cách nào để chuộc lại lỗi lầm ấy.

Xế chiều thôi trở về trong tuyệt vọng.

Khi đi ngang qua một bãi đất trống, nơi người ta dùng làm công trường đúc những ống cống thoát nước bằng bê tông, tôi chợt nghĩ:  sao không thử vào tìm nơi này?

Và tôi leo rào bước vô. Lúc ấy đã ngoài giờ làm việc, những người thợ đã về hết. Tôi vừa đi vừa gọi: meo meo, Vừng ơi! Vừng!..

Tôi nhìn vào trong từng cái ống cống dựng đứng. Tôi chui vào những ống cống lớn nằm ngổn ngang khắp nơi.

-Vừng ơi! Vừng!

Như một phép lạ: một con mèo vàng có vằn nâu từ một góc khuất nào đó chạy lại.

Tôi ngồi bệt xuống đất và đưa hai tay ra. Nó sà vào lòng tôi, cọ má vào cánh tay tôi. Meo meo. Như một lời thủ thỉ. Tôi không dám cử động mạnh, tôi vuốt ve nó mà nước mắt trào ra đầm đìa trên mặt. Rồi như một cơn sóng trào dâng, tôi oà khóc.

ĐÀO HIẾU

(còn tiếp)

Bình luận về bài viết này