(Nhân ngày mất của nhạc sỹ Trịnh Công Sơn 01/4/2001)
Là một Hai Lúa về âm nhạc, cả về kỹ thuật lẫn thưởng thức và thật sự thì tôi cũng không có một thần tượng nào trong lãnh vực này. Những tên tuổi như Dzoãn Mẫn, Đoàn Chuẩn – Từ Linh, Văn Cao, Nguyễn Văn Khánh, Tô Vũ hay Phạm Duy, Dương Thiệu Tước, Lê Thương…nói cho đúng ra thì tôi biết đến chỉ vì các ông quá lẫy lừng. Thế vậy mà, ca khúc Trịnh Công Sơn lại là một biệt lệ của tôi. Có lẽ do ông với tôi sống cùng thời, một thời rực rỡ văn học và nhiều biến động bi kịch của lịch sử miền Nam. Phần khác quan trọng hơn, chính là dù không hiểu âm nhạc tôi vẫn có thể nhận được phần riêng đôi khi khá hậu hĩnh cho mình qua những CA TỪ của ông mà với tôi đó chính là những vần THƠ DIỄM LỆ, LÃNG MẠN VÀ LÃNG ĐÃNG có sức công phá mạnh tâm hồn tôi (và thế hệ tôi?). Và thật may, mảnh đất miền Nam trước 1975 là nơi quá thuận lợi cho mọi tài năng tìm cho mình một mảnh vườn mà không cần sổ đỏ sổ hồng!
Lời trong một ca khúc quen thuộc “Em đến thăm anh một chiều mưa, mưa dầm dề đường trơn ướt tiêu điều” thì quá logic về ngữ nghĩa, nhưng “dài tay em mấy thuở mắt xanh xao” thì nếu tách rời từng chữ thấy cũng là những chữ đời thường (dài, tay, em, mấy thuở..) nhưng cái khác thường ở đây là Trịnh Công Sơn ghép chúng lại thành một cấu trúc câu mà… chẳng ai hiểu được một cách duy lý cả! Bởi vì cũng với những từ, những tiếng của nhân gian người nhạc sĩ này đẩy chúng đi xa hơn, mang tính “siêu thực, ẩn dụ. tượng trưng” khi cho chúng đứng chung thành một tổ hợp câu.
Ca từ Trịnh Công Sơn như tiếng nói của thân phận phi lý của con người trong bối cảnh chủ nghĩa hiện sinh, nghệ thuật hiện sinh chủ nghĩa có một chỗ đứng rộng rãi tại miền Nam trước 1975; của thân phận đất nước chiến tranh, từ đó có thân phận tình yêu. Cho nên quê hương, tình yêu trong ca khúc Trịnh Công Sơn không phải cái ngọt ngào như các nhạc sĩ khác thường mang lại cho người nghe. “Trẻ thơ ơi tin buồn từ ngày mẹ cho mang nặng kiếp người”.
Chính nhờ tính “siêu thực, ẩn dụ, tượng trưng” mà mình mang vào ca khúc, Trịnh Công Sơn mới có khả năng chia sẻ những ưu tư với giới trí thức trẻ. Người ta nghe ca khúc của ông mà chẳng “hiểu” gì nhưng rất chếnh choáng bởi những câu coi như còn “bí ẩn” đó. “Này em đã khóc chiều mưa đỉnh cao…” hay “người ngồi xuống xin mưa đầy. Trên hai tay cơn đau dài, người nằm xuống nghe tiếng ru. Cuộc đời đó có bao lâu mà hững hờ”. Tiếp tục đọc