NGUYỄN TRẦN SÂM – Bi kịch của hài kịch Việt

01Hài kịch vốn là thứ để gây cười. Nhưng gây cười ở cấp độ nghệ thuật, không phải cái cười tầm phào thô thiển.

Đã là nghệ thuật thì nó phải có cái khó mà người không trong nghề, chưa từng đổ mồ hôi sôi nước mắt trong nhiều năm tháng thì không làm được. Có thể có những người có tài năng đặc biệt, họ không qua trường lớp nhưng vẫn có thể làm được bằng hoặc hơn những người đã qua đào tạo. Nhưng ngay cả những người này cũng phải trăn trở trong một thời gian dài và tự tập luyện nhiều mới thành công.

Các kiểu gây cười có thể chia làm hai loại chính: gây cười bằng những thứ ngộ nghĩnh đáng yêu và gây cười như hình thức đả kích, châm biếm những trò lố lăng, kệch cỡm, rởm đời, những thói hư tật xấu, những biểu hiện trái tự nhiên. Trong loại thứ hai, một mảng đề tài rất quan trọng là nhắm vào những trò nhiễu nhương, đôi khi là phản dân hại nước, của giới cầm quyền nói chung hoặc một vài nhân vật trong giới đó.

Đối tượng phản ảnh của các kiểu gây cười hầu như không bao giờ là chính kịch sỹ. Với loại thứ hai thì lại càng như vậy. Những trò lố lăng được đem ra giễu cợt đương nhiên không bao giờ là của tác giả kịch bản, cũng không phải là của diễn viên. Ngược lại, người làm nghệ thuật hài chính là người ghét, thậm chí ghê tởm những trò nhí nhố, những nét què quặt trong tâm hồn vốn đang đem lại những tác hại cho xã hội, làm xấu cuộc sống con người.

02Charlie Chaplin khi nhập vào vai diễn do chính mình sáng tạo ra thì không còn là Chaplin nữa. Đa phần các nhân vật mà ông thủ vai có bộ mặt vô hồn, hoàn toàn không phải là bộ mặt của Chaplin, một người vốn có gương mặt, đặc biệt là đôi mắt, đầy biểu cảm. Dáng đi và những cử động nói chung của các nhân vật này cũng vậy. Mỗi nhân vật có một điệu bộ riêng, thể hiện bằng những động tác quái dị, rất khó làm, thậm chí người khác không thể làm. Những động tác này thường vừa giống như của những cỗ máy, vừa giống như của những kẻ tàn tật (nhưng không phải đơn thuần là khiếm khuyết về cơ thể mà kèm theo sự què quặt về tâm hồn hoặc sự đáng thương). Và tất cả đều không giống với con người Charlie Chaplin.

Trong Thời Hiện Đại (Modern Times), nhân vật chính là một kẻ trở thành một mắt xích trong một dây chuyền sản xuất. Con người đó không còn thời gian và điều kiện để sống khác với một cỗ máy, thậm chí anh ta cũng không còn là cỗ máy độc lập, mà chỉ là một bộ phận của dây chuyền. Bộ mặt của anh ta là một bộ mặt chết. Hoạt động của anh ta hoàn toàn máy móc. Nhưng chính những điều đó, chúng vừa gây cười vừa làm cho người xem hiểu thấu được sự bất hạnh của con người trong một xã hội công nghiệp hóa theo lối cực đoan. Với cách thức và nội dung đó, hài kịch cũng là bi kịch.

03Trong Nhà Độc Tài Vĩ Đại (The Great Dictator), Chaplin vào vai Adolf Hitler. Nhân vật trong vở kịch được dựng thành phim này rất giống Hitler thật, nhưng được thể hiện dưới góc nhìn của hài kịch, và do đó Hitler được người xem nhận ra như một tên hề. Và hài kịch này cũng đầy tính bi kịch, một bi kịch toàn cầu, bởi cả thế giới đã từng khốn đốn vì tên hề đó. Không phải bởi một mình cá nhân y, mà chủ yếu bởi có hàng triệu người không nhận ra đó chỉ là một thằng hề, thằng hề độc ác, vô nhân tính. Và nhân vật này cũng không thể nào là chính người diễn, tức Charlie Chaplin.

Hãy nhìn tấm hình Charlie Chaplin cùng Albert Einstein và tấm hình ông đang cầm hình nộm một vai diễn để thấy cái “một trời một vực” giữa ông và vai diễn của ông.

Không thể đòi hỏi những người làm hài kịch phải đạt đến tầm của Charlie Chaplin. Vua Hề chỉ có một. Nhưng đã làm hài kịch thì phải tuân theo những yêu cầu nghệ thuật của hài kịch. Biến nó thành trò nhí nhố đơn thuần thì quả thật đáng thất vọng.

Hài kịch ở nước ta hiện nay cũng mang tính bi kịch, nhưng đó không phải khía cạnh bi kịch mà những người mang danh nghệ sỹ hài muốn ngầm phản ảnh. Cái bi kịch của hài kịch Việt nó nằm ở chỗ khác. Đó là: hài kịch Việt bộc lộ những cái đáng cười nhạo của… chính “nghệ sỹ”! Nghĩa là – tất nhiên là ngoài ý muốn của họ – họ vô tình biến chính bản thân mình thành đối tương của sự cười nhạo!

04Nếu “nghệ sỹ” có cái miệng hơi dề, anh ta sẽ cố dề thêm ra để gây cười. Nếu bình thường “nghệ sỹ” đã phát âm không tròn tiếng, chị ta sẽ cố làm cho giọng nói méo mó thêm. Dù những khiếm khuyết đó có được phóng đại lên thì nó cũng không phải cái khiếm khuyết của người khác mà chính là sự khiếm khuyết của “nghệ sỹ”. Ban đầu, nó cũng có thể gây cười ít nhiều, và có thể làm cho người xem tưởng là nghệ sỹ đang nhắm vào để cười nhạo một ai đó hay một tầng lớp nào đó. Nhưng cái chiêu trò phóng đại khiếm khuyết đó cứ lặp đi lặp lại mãi. Cái điệu bộ diễn xuất và những “thủ pháp nghệ thuật” của một “nghệ sỹ” không hề thay đổi khi chuyển từ vai này sang vai khác, từ vở diễn này sang vở diễn khác. Nếu vẫn là anh đó thì đến vở diễn sau vẫn vậy. Dù có đóng một vai khác thì điệu bộ và thủ pháp cũng chỉ có thế mà thôi. Không bao giờ có gì mới đáng kể. Không những thế, ngay cả trong cuộc sống hàng ngày hay trong những hoạt cảnh để quảng cáo các thứ hàng hóa đang được rao bán trên thị trường, các “nghệ sỹ” ta cũng vẫn luôn diễn với giọng nói như vậy, điệu bộ như vậy. Nghĩa là tất cả những cái trong các vở diễn của họ thì họ đều thể hiện chính con người họ.

Một câu hỏi đặt ra là: Nếu hài kịch chỉ có vậy thì có ai không diễn được hài kịch đây? Chỉ cần tập vài ngày, thậm chí vài giờ thì đa số đều có thể làm được như vậy, cần gì học mấy năm qua trường lớp, cần gì phải được phong danh hiệu này nọ.

Về cái cười ngộ nghĩnh đáng yêu mà thông minh sắc sảo thì xin không bàn luận, chỉ xin mời quý vị coi cái clip trong bài với đường link dưới đây, cái mà sau khi xem xong, tôi nghĩ hổng biết có “nghệ sỹ nhân dân” nào bén gót được em bé này không?

http://tinhhoa.net/bac-sy-san-khoa-chao-thua-co-nhoc-khi-tranh-luan-em-be-sinh-ra-tu-dau.html

NGUYỄN TRẦN SÂM  

2 comments on “NGUYỄN TRẦN SÂM – Bi kịch của hài kịch Việt

  1. Hài kịch VN tôi không dám gộp tất cả làm một, nhưng phần lớn là vớ vẩn. Có lẽ các nghệ sĩ hài VN quan niệm cứ làm mấy cái điệu bộ nom đểu đểu thì đó gọi là hài.

Gửi phản hồi cho Lê Hoa Hủy trả lời