Có vẻ như người Việt là một dân tộc hết lòng lo cho thế hệ tương lai.
Nhìn ra chung quanh, trong phố phường, làng xã, đâu đâu cũng thấy những gia đình mà ở đó các bậc cha mẹ suốt đời lo cho con cái. Đa số là hy sinh mọi nhu cầu của bản thân vì tương lai của những đứa con. Trong nhiều năm ta từng nghe thành ngữ “hy sinh đời bố, củng cố đời con” như một phương châm và triết lý sống. Nhất là ở miền Bắc xã hội chủ nghĩa, khi người dân thấy không có hy vọng gì để bản thân mình có được một cuộc sống “ra hồn” thì việc tạo lập cuộc sống cho con cái trở thành lý tưởng, thành lẽ sống của nhiều người. Đa số là nhịn ăn, nhịn mặc, dồn tất cả cho con cái để chúng được đổi đời, không phải sống cái kiếp khổ sở như cha mẹ chúng.
So với người phương Tây, những người có điều kiện hưởng thụ cuộc sống và đề cao sự tự lập của con cái, thì người Việt ta đúng là hết lòng vì con. Những người giàu có cũng lo để lại cho con một tài sản lớn. Người quyền thế thì mở đường sẵn để con tiến thân qua việc sắp xếp để con cái có vai vế, chức tước.
Nhưng hãy thử nhìn vào thế hệ trẻ ngày nay để xem sự phấn đấu hy sinh của cha mẹ chúng đã mang lại cho chúng được những gì.
Trên đất nước ta, tỉ lệ những thanh niên có bằng tốt nghiệp đại học là khá cao, nếu có thua thì chỉ thua một vài nước hoặc vài chục nước trong số hàng trăm quốc gia trên thế giới. Thế nhưng có hàng chục ngàn cử nhân, thậm chí thạc sỹ, thất nghiệp. Nhiều thanh niên tuy không được gọi là thất nghiệp nhưng phải làm những việc tay chân hoặc làm tạp vụ, không sử dụng kiến thức đại học, thậm chí kiến thức trung học. Nhiều gia đình lao động bị khánh kiệt vì nuôi con ăn học mà không tìm được việc làm, dẫn đến tình trạng gần như không còn gì để trang trải những nhu cầu thấp nhất là ăn và mặc. Hàng ngàn gia đình lâm vào cảnh bần cùng, chỉ còn tồn tại lay lắt, sống vạ vật qua ngày.
Nhưng tình trạng trên chỉ là một mặt của sự thất bại của thế hệ cha mẹ các cử nhân này, một sự thất bại vừa do những yếu tố chủ quan, vừa do điều kiện khách quan. Một mặt khác của sự thất bại là nhận thức và tư cách của thế hệ trẻ. Do không được dạy bảo cẩn thận ngay từ trong gia đình, đến khi ra ngoài xã hội lại gặp cái “cơ chế” làm cho những thói xấu “cộng hưởng” với nhau, nhận thức và tư cách của chúng có rất nhiều vấn đề bất cập. Nhiều thanh thiếu niên sa vào những tệ nạn và phạm tội. Số khác, đông hơn, tuy không đến mức phạm tội, nhưng trong sinh hoạt hàng ngày và trong công việc tỏ ra kém cỏi về tay nghề, thấp kém về nhận thức, sẵn sàng làm những việc mà một người có tư cách không bao giờ làm (và như vậy có nghĩa là trong xã hội rất khó tìm người thực sự có tư cách). Thói làm giả ăn thật trở nên phổ biến, việc cầu lụy, chạy chọt được coi là bình thường.
Trong gia đình, con cái xử sự với cha mẹ cũng theo cách đáng thất vọng. Chúng đòi hỏi cha mẹ hy sinh cho mình cả khi cha mẹ gần như không còn gì để sống. Ở đâu cũng có thể dễ thấy nhiều thanh niên khi đi học, nhất là học đại học, lột tiền của cha mẹ đến mức nhẫn tâm, mà nhiều khi không phải để chi cho ăn học, mà để đổi mốt ăn mặc hay tham gia hội hè, chè chén. Nếu nói đến con rể và đặc biệt là con dâu thì càng hãi hùng. Nhiều gia đình coi như mất con trai bắt đầu từ khi nó có người yêu hoặc khi nó cưới vợ. Không ít những đứa con dâu chửi cha mẹ chồng thậm tệ, đến mức không ở được với nhau hoặc gần như không bao giờ gặp nhau nữa.
Một vấn nạn khác trong cuộc sống của thanh thiếu niên thời nay là vấn đề sức khỏe. Mặc dù có nhiều thịt, sữa để xài hơn thế hệ cha mẹ, và về tầm vóc thì cao lớn hơn hẳn thế hệ trước, nhưng rõ ràng thanh niên thời nay dễ mắc nhiều chứng bệnh nan y hơn. Đến bệnh viện, thấy người đi khám và chữa bệnh đông như trẩy hội, trong đó thanh thiếu niên chiếm một tỉ lệ đáng báo động.
Vậy do đâu và do ai mà có nhiều tầng lớp trong thế hệ trẻ ngày nay vừa đáng thương vừa đáng trách như vậy?
Đây là một câu hỏi lớn, thực ra bao gồm rất nhiều câu hỏi nhỏ, và để trả lời có lẽ cần rất nhiều công trình nghiên cứu. Ở đây chỉ xin nêu ra MỘT trong những nguyên nhân, đó là nhận thức của chính thế hệ chúng ta, các bậc cha mẹ, về cuộc sống và cách chúng ta lo cho tương lai của con cái.
Nhìn ra chung quanh, quan sát mọi người, có thể thấy người Việt thời nay quan tâm chủ yếu đến những vấn đề sau: thứ nhất là lo ăn mặc, thứ nhì là lo làm nhà (càng hoành tráng càng tốt), thứ ba là lo tậu xe (càng sang càng tốt), thứ tư – với những người có cơ – là lo chức tước. Khi đã có điều kiện thì lo ăn chơi – tận hưởng và khoe sang, biểu diễn cho thiên hạ lác mắt. Tất nhiên, những cái lo này dằng díu với nhau. Họ lo để có những cái đó, và lo sao cho con họ cũng có những cái đó. Với những người mà đời mình không lo nổi những cái đó thì họ mơ ước, và nếu có thể thì tìm cách thực hiện ước mơ, để cho con cái có. Và gần như không còn gì hơn! Không phải tất cả, nhưng rất nhiều tầng lớp (có thể là quá nửa?) chỉ quan tâm đến những điều như vậy.
Có những điều thiết yếu mà nhiều người Việt ta hầu như không lo đến. Một trong những điều quan trọng là việc LÀM NGƯỜI. Phải sống như thế nào cho ra con người? Và muốn con cái sau này sống cho ra con người thì ngay từ khi nó còn nhỏ, cha mẹ phải bảo ban ra sao? Rất nhiều người không quan tâm đến việc này. Ngay cả những người được coi là thuộc tầng lớp trí thức, thậm chí chính các thầy cô giáo, cũng không quan tâm. Họ chỉ lo làm sao có nhiều thứ cho con ăn. Những nhà khá giả thậm chí cho ăn “ngập mồm”, đến mức sinh ra béo phì. Con cái khi biết nói thì nói toàn những điều hỗn láo, nhưng chẳng những không bị ngăn chặn mà nhiều khi còn được khuyến khích. Lúc bé thì vậy, còn khi chúng đi học đến khoảng giữa cấp 2 thì cha mẹ bắt đầu cho tiền để chúng tiêu xài. Những nhà nhìn xa hơn chút thì cha mẹ thúc ép cho con cái học trường chuyên, lớp chọn, thi lấy giải để cha mẹ có cái khoe, hoặc kỳ vọng con cái sau này sẽ học để làm giàu, để có địa vị xã hội.
Với tâm lý phổ biến như vậy, những người được làm quan cũng chỉ có những ước mơ như đã nói trên, và điều đó quyết định những chủ trương, đường lối của họ. Người ta có thể xây những công trình rất hoành tráng trị giá hàng ngàn tỉ mà hầu hết là bỏ không, hoặc mở những sân golf cho các đại gia đến chơi và thư giãn, nhưng không thèm đầu tư lấy một vài tỉ hay vài trăm triệu làm chỗ chơi cho con nít. Trẻ em phải tụ tập chơi những trò vơ vẩn ở gần những bãi rác, đá bóng ở lề hoặc thậm chí giữa mặt đường giao thông, hoặc túm năm tụm ba ở góc phố tối tăm, học và dạy nhau nói những lời khả ố hoặc làm những việc tồi tệ. Những quyết sách của tầng lớp quan lại chưa hề được học làm người theo đúng nghĩa thuần khiết của từ này đương nhiên lại càng làm cho xã hội lún sâu thêm vào những tệ nạn, càng làm cho thanh thiếu niên ngày một thiếu tư cách.
Trong mấy chục năm trước, đúng là nhà trường và các cấp “lãnh đạo” nói với thế hệ trẻ và dân chúng rất nhiều về một thứ lý tưởng và một mẫu hình về con người. Đó là “lý tưởng CS” và mẫu hình “con người mới XHCN”. Nhưng, mặc dù những mỹ từ đó vẫn còn được rêu rao cho đến tận bây giờ, trên thực tế chúng là hoàn toàn sáo rỗng và giả dối. Ngay cả những kẻ ngu nhất cũng nhận ra ngay không thể sống theo cái “lý tưởng” và “mẫu hình” đó. Con người đa số mất phương hướng, sống vô lý tưởng hoặc với những lý tưởng hết ức tầm thường. Chỉ có một thiểu số vẫn tiếp tục rêu rao để tiến thân và trục lợi.
Một điều dễ thấy là những điểm xấu trong tư cách của thế hệ trẻ thực ra là được thừa kế chính từ thế hệ đi trước, từ cha mẹ, thầy cô và những bậc “phụ mẫu” của dân. Nhưng vì thói xấu của một thế hệ khi truyền lại cho thế hệ tiếp theo bao giờ cũng được nhân lên nên nhiều bậc cha mẹ cảm thấy thế hệ con cái xấu xa hơn thế hệ của họ. Họ không nhận ra rằng nguyên nhân chính là do họ tạo ra.
Cái cách mà vài thế hệ cha mẹ trong mấy chục năm qua lo cho con cái đang dẫn đến những thảm họa khôn lường cho các thế hệ tương lai. Và thảm họa lớn nhất là do sống thiếu ý thức về việc làm người, các thế hệ đó sẽ tự hủy hoại cuộc sống của mình và của toàn xã hội.
NGUYỄN TRẦN SÂM
Một sự khẳng định về cơ bản là chính xác. Một trong những nguyên nhân chính là do chế độ CS đánh thẳng vào những giá trị chân chính của cuộc sống, làm con người mất hướng, nhận thức méo mó.
Để bớt được thảm họa lớn nhất là do sống thiếu ý thức về việc làm người, các thế hệ đó sẽ tự hủy hoại cuộc sống của mình và của toàn xã hội.
Mong các bạn đọc chia sẻ cho các bậc phụ huynh, thanh niên được biết để tỉnh ngộ dần ra. Cảm ơn NTS.
Pingback: NGUYỄN TRẦN SÂM – Người Việt ta lo tương lai cho con cái kiểu gì? | CHÂU XUÂN NGUYỄN
Pingback: NGUYỄN TRẦN SÂM – Người Việt ta lo tương lai cho con cái kiểu gì? | Vượt Tường Lửa