ĐÀO HIẾU – Tháng 9 ở Nga

MOSCOWCó thể một ngày nào đó tôi không còn trí nhớ. Tôi sẽ quên đường về nhà, quên cả người thân, bạn bè. Tôi sẽ không còn nhớ mình là ai. Nhưng chắc chắn tôi không bao giờ quên những giai điệu lạ lùng của nhà soạn nhạc thiên tài Nga: Shostakovich.

Thực ra tôi biết rất ít về ông, về âm nhạc của ông, thậm chí những tác phẩm của ông – mà tôi ôm ấp trong lòng nhiều thập kỷ qua – tôi cũng không biết tên, nhưng đó là những tác phẩm thần thoại, nó lay động tôi, nó lan tỏa và lập tức chiếm lĩnh tâm thức tôi, hòa tan vào trí nhớ, vây phủ xúc cảm và chìm đắm bản ngã tôi vào những cơn sóng cuộn chảy, mờ mịt, réo gọi, ngân nga, gào thét…

Tiếc thay, tôi chỉ được nghe những giai điệu ấy có vài lần khi xem bộ phim CUỘC CHIẾN TRANH VỆ QUỐC VĨ ĐẠI.

Đó là bộ phim tài liệu vĩ đại nhất trong tất cả các phim tài liệu mà loài người có được. Và âm nhạc của Shostakovich đã đóng vai trò quyết định. Đạo diễn Karmen cũng là một tài năng lớn nhưng ông chỉ có công dựng lên hình hài, tầm vóc của bộ phim, còn linh hồn và nhan sắc của tác phẩm điện ảnh kỳ ảo đó phải là âm nhạc của Shostakovich.

Tôi đã sục sạo hàng giờ trong các trang Web âm nhạc để cố tìm lại giai điệu của 30 năm về trước nhưng rốt cuộc chỉ được mấy dòng này:

“Shostakovich (1906-1975), nhà soạn nhạc người Nga được xem như một nhà viết nhạc giao hưởng vĩ đại nhất giữa thế kỷ 20. Ngoài thể loại giao hưởng ông còn viết concerto, nhạc kịch opera, ballet và nhạc phim.”

Còn đạo diễn Karmen thì tôi cũng tìm được mấy dòng tiểu sử ngắn ngủi: ”Roman Karmen Lazarovich sinh ngày 29 tháng 11 năm 1906 tại Odessa. Ông được trao giải Oscar năm 1943 với bộ phim tài liệu Thất Bại Của Quân Đức Ở Ngoại Ô Matxcơva. Sau đó ông làm bộ phim sử thi dài 12 tập mang tên Cuộc Chiến Tranh Vệ Quốc Vĩ Đại. Bộ phim này đã đưa tên tuổi của Karmen lên hàng những nhà làm phim tài liệu vĩ đại nhất thế kỷ 20.”

Tháng Chín năm 2001 tôi đến nước Nga để tìm một chút âm vang của Shostakovich. Nhưng nước Nga lại có quá nhiều thứ bất ngờ. Tiếp tục đọc

Advertisement