Có một thứ tâm lý khá phổ biến trong xã hội, đó là: lên án những người “thiếu lập trường”, “lá mặt lá trái”. Họ thường so sánh những kẻ như vậy là “con tắc kè”, khi đứng trên nhánh cây thì nó có màu lá, khi đứng trên đất đá thì nó có màu xám tro. Nói chung là những người suy nghĩ, nói năng không nhất quán thường bị lên án nặng nề, bị khinh miệt.
Họ nói: tuần trước tôi gặp thằng A, nó nói tổng thống Putin là anh hùng của nước Nga, tuần này gặp lại, nó chửi Putin là độc tài, là thực dân đế quốc.
Lại nói: Thằng B chơi không được. Trước đây nó hoạt động cho Việt cộng, bây giờ vì không được trọng dụng nên nó chửi Việt cộng không ra gì.
Những kẻ hay lên án như vậy thực ra họ cũng có cái lý của họ. Nhưng đồng thời họ là những người có suy nghĩ quá đơn giản về quá trình hình thành nhận thức của một con người.
Thường thì nhận thức được hình thành do kinh nghiệm. Ví dụ khi gần lửa thấy nóng, sinh ra nhận thức: lửa thì nóng. Khi gặp cô A thấy cư xử dịu dàng, sinh ra nhận thức: cô A rất dễ thương.
Nhưng cũng có trường hợp nhận thức do “giáo dục” mà có. Ví dụ nhà trường dạy: “Thực dân Pháp xâm lược bắt dân ta làm nô lệ”, sinh ra nhận thức: Thực dân Pháp là kẻ xấu.
Nhà trường lại dạy: “Đảng cộng sản lãnh đạo toàn dân kháng chiến chống Pháp, đem lại độc lập tự do, hạnh phúc cho toàn dân”, sinh ra nhận thức: Đảng cộng sản là tốt.
Những loại nhận thức ấy được hình thành một cách trực tiếp, dễ dàng và bền vững. Chúng được lưu truyền từ thế hệ này sang thế hệ kia một cách mặc nhiên, không cần bàn cãi. Nó tạo ra một thứ chân lý phổ biến đến nỗi nếu có ai nói ngược lại hoặc chỉ cần nói khác đi là đã thấy khó nghe rồi.
Trên đây là những cách hình thành nhận thức đơn giản.
Nhưng bất cứ ai có suy nghĩ độc lập, muốn tự mình khám phá ra sự thật, thường không dễ chấp nhận những nhận thức theo kiểu mì ăn liền như vậy. Trong quá trình đi tìm sự thật nhiều khi người ấy phải trả giá bằng những kinh nghiệm xương máu, những mất mát, nhục nhã và có khi cả mạng sống của mình. Bởi vì sự thật nhiều khi không dễ tìm.
Sự thật thường bị bao phủ bởi nhiều lớp nguỵ trang bên ngoài. Những lớp nguỵ trang ấy khi thì do con người tạo nên, khi thì do mưa nắng, gió bụi, đất đá của cõi trần gian hỗn độn, phức tạp che lấp, vùi dập khiến cho sự thật bị chôn chặt theo thời gian. Có người ví sự thật giống như cái lõi của một củ hành: muốn tìm thấy nó phải bóc nhiều lớp vỏ, và động tác ấy sẽ làm bạn ràn rụa nước mắt. Tiếp tục đọc