Thời phong kiến, toàn bộ quyền thống trị nằm trong tay một cá nhân: vua. Trong những quyền hành vô hạn mà ông ta (đôi khi là bà ta) mặc nhiên có, có quyền chọn kẻ kế vị. Để quyền lực không rơi vào tay “người ngoài”, tức là những kẻ “khác máu”, hầu như bao giờ vua cũng truyền ngôi cho một trong những đứa con trai của mình. Trong trường hợp ông ta không có con trai thì có thể truyền ngôi cho anh hoặc em trai hoặc cho một đứa con trai của anh hoặc em trai.
Việc truyền ngôi cho con trai hay nói chung là người ruột thịt là xuất phát từ tình cảm ruột thịt, đồng thời để hạn chế đến mức thấp nhất khả năng bị phản bội. Nếu người ngoài nắm quyền thì trong xã hội phong kiến rất dễ xảy ra việc cựu hoàng tộc bị vua mới và quần thần của y tàn sát, kể cả khi vua mới là kẻ chịu ơn vua cũ. Ngay anh em ruột, nhất là các hoàng tử với nhau, còn có thể giết nhau để tranh ngôi, thì đám quần thần vây quanh vua mới càng dễ bày mưu hãm hại hoàng tộc cũ để tâng công và tiến thân. Những chuyện hãm hại nhau như vậy gần như là bản chất của triều đình trong xã hội phong kiến.
Trong thời cộng sản, ban đầu việc chuyển giao quyền lực diễn ra có vẻ vô tư và công khai. Do mấy vị thủy tổ của CNCS sinh ra sau cách mạng dân chủ tư sản mấy chục năm, nên để tỏ ra rằng cách mạng vô sản còn tiến bộ hơn cả cách mạng dân chủ tư sản, họ buộc phải nêu cao một số khẩu hiệu mà cách mạng tư sản đã nêu, trong đó có “tự do, bình đẳng, bác ái”. Đã bình đẳng thì không còn chế độ truyền ngôi. Việc chuyển giao quyền lực cho lớp người kế nhiệm phải được bàn bạc tập thể. Ngoài ra sự chuyển giao quyền lực diễn ra từ từ, theo kiểu thay thế dần: trong lớp lãnh đạo của nhiệm kỳ mới bao giờ cũng có (thường là quá nửa) những người đã có mặt trong ban lãnh đạo của nhiệm kỳ cũ. Tiếp tục đọc