Sùng bái – mảnh đất tốt cho chế độ nô lệ

Bác XÍT và bác MAO

Bác XÍT và bác MAO

Trong thời Cổ Đại, chế độ nô lệ được thiết lập bằng bạo lực. Kẻ mạnh tạo ra quanh mình một nhóm những kẻ trung thành với nó, dùng bạo lực bắt những thành viên khác trong quần thể phải làm nô lệ cho chúng. Kẻ nào chống lại sẽ phải chết.

Từ thời Trung Đại đến nay, trên danh nghĩa không còn chế độ chiếm hữu nô lệ. Tuy nhiên, ở nơi này nơi khác, bằng cách này hay cách khác, các nhà nước phong kiến và nửa phong kiến thực chất vẫn tạo ra trong lòng nó những kiểu chế độ nô lệ “không toàn phần”. Đặc biệt, về tư tưởng, đại đa số quần chúng thực chất vẫn phải sống trong chế độ nô lệ. Lợi dụng sự dốt nát của quần chúng – do chưa có điều kiện học tập, nghiên cứu và cũng do chính sách ngu dân – giới cầm quyền nhồi sọ con người đến mức họ có thể coi những điều vô lý và ngu xuẩn nhất như chân lý tuyệt đối. Trong số những “chân lý” khốn nạn đó có những tín điều như: vua là con trời (hay lãnh tụ là thánh) và mọi thứ ta được hưởng đều là của vua ban (hay lãnh tụ đem đến cho).

Sở dĩ kiểu nô dịch như vậy tồn tại được hàng ngàn năm là vì bên cạnh sự áp đặt ách cai trị và tư tưởng, nó còn được duy trì bởi chính tâm lý quần chúng, một thứ tâm lý của kẻ thiếu bản lĩnh và thiếu ý thức về giá trị cá nhân: tâm lý thích dựa bóng thần tượng, và do đó rất thích (cùng nhau) xây dựng thần tượng.

Vì sao con người thích thần tượng?

Có vài lý do để người ta thích thần tượng. Thứ nhất, do cảm thấy thần tượng là người che chở và đem lại quyền lợi cho mình. Điều này có khi đúng, có khi là ảo tưởng. Lãnh tụ của một cuộc khởi nghĩa chống lại một chế độ hà khắc và thối nát là nhân vật chủ chốt tạo ra sự thay đổi (ít ra ban đầu là theo chiều hướng tốt lên) cho cuộc sống của hàng vạn, hàng triệu người. Người đứng đầu một quốc gia, trước sự xâm lăng của một thế lực ngoại bang độc ác, nếu có bản lĩnh, có thể là ngọn cờ để tập hợp mọi lực lượng chống xâm lăng. Một nhà cải cách thông minh có thể định hướng cho xã hội phát triển nhanh… (Tuy nhiên, đừng bao giờ quên rằng đó mới là sự định hướng; kết quả của sự thay đổi chỉ có thể đạt được bằng mồ hôi xương máu của hàng triệu người!) Nhưng trong rất nhiều trường hợp, đông đảo quần chúng ngộ nhận kẻ bóc lột mình là ân nhân. Thứ hai, người ta bám vào những lời giáo huấn của thần tượng như những chân lý để khỏi phải động não (mặc dù chẳng mấy khi làm theo). Và thứ ba, khi có thần tượng, người ta cảm thấy chính mình dường như cao giá hơn.

Với sự châm biếm nhẹ nhàng, câu ca dao cổ nói:

“Một ngày tựa mạn thuyền rồng

Còn hơn mãn kiếp nằm trong thuyền chài.”

Thuyền rồng là quyền lực, cũng là sự sang trọng. Người “ở trong thuyền rồng” là thần tượng. Càng gần người đó, người ta càng cảm thấy mình danh giá, có quyền ngẩng cao đầu trước những kẻ đứng xa thuyền rồng hơn.

Hơn thế, chưa cần chạm được vào thần tượng hay được thần tượng vấn an, chỉ cần được nói về thần tượng thôi, người ta cũng cảm thấy rưng rưng xúc động vì hạnh phúc rồi. Đó, chi tiết này trong cuộc sống của thần tượng của tôi, liệu đã mấy ai biết. Thế mà tôi biết đấy nhé. Và tôi hiểu được giá trị của chi tiết đó. Tôi biết nói về nó. Tôi có thể làm cho mọi người hiểu thêm được vĩ nhân của chúng ta (và so với người chung quanh thì tôi được quyền “sở hữu” vĩ nhân nhiều hơn chút ít). Hiểu biết về vĩ nhân cũng là một kiểu tri thức, và ở chỗ này, tôi hơn các anh đấy nhé!

Thần tượng được xây dựng như thế nào?

Khi xảy ra một sự kiện gắn với tên tuổi một người nổi tiếng, ví dụ kỷ niệm một trận chiến mà người đó là chỉ huy bên thắng cuộc, người ta, đặc biệt là giới truyền thông, bắt đầu thi nhau nói thật nhiều, bằng những cách mà người ta cố gắng làm cho hay hơn, độc đáo hơn của những kẻ nói khác, về người nổi tiếng đó. Chỉ cần một ngày mà toàn bộ giới truyền thông đều thi nhau ca ngợi thần tượng, cuối ngày hôm đó cảm nhận của người nghe/xem về sự vĩ đại của thần tượng sẽ rõ nét hơn hẳn ngày hôm trước.

Cứ thế, nếu năm nào người ta cũng nói về người đó hàng tháng ròng trên phương tiện truyền thông, và kháo nhau tại gia đình, trên bàn nhậu ở quán xá, một đồn thổi thành mười, mười đồn thổi thành trăm, tiếng tăm của nhân vật đó tăng theo cấp số nhân… , thì sau ba-bốn mươi năm, người ta có thể biến một chính khách ban đầu có ít nhiều nổi trội thành một vĩ nhân hạng một của nhân loại. Người này thấy người khác ca ngợi mà mình chưa góp lời được thì cũng cố ca ngợi vài câu, nếu biết được một vài chi tiết cụ thể về con người đó thì càng hãnh diện. Ít có người nào tuy biết chút ít nhưng vì thấy mọi người ca ngợi quá nhiều rồi nên thấy mình nói thêm cũng thừa và nhiêu khê.

Đặc biệt, khi có một vài phóng viên hay chính khách nước ngoài ca ngợi thì tốc độ vĩ nhân hóa đối với nhân vật đó có thể vượt lên trên mọi sự tưởng tượng.

“Mày nói thế nào ấy chứ… Cụ được bao nhiêu người ở các nước văn minh ca ngợi cơ mà. Chính khách A ở nước X nói thế này. Phóng viên B ở nước Y nói thế kia…”

Một yếu tố rất thuận lợi cho việc thần tượng hóa một nhân vật chính là tâm lý thích thần tượng của người đời, thậm chí đơn giản là tâm lý ngưỡng mộ kẻ có quyền thế, đặc biệt khi người ta chưa va chạm với kẻ cường quyền. Bạn được một người lạ ôm chầm lấy trong lần gặp mặt đầu tiên, bạn sẽ thấy bình thường. Nhưng nếu người ôm bạn là một yếu nhân của một quốc gia, thì dù người đó không có gì thật sự kiệt xuất, bạn cũng sẽ thấy xúc động và nhớ mãi cái ôm đó. Sự việc như vậy có thể định hướng nhận thức về cường quyền của bạn cho toàn bộ cuộc đời. Cho nên, về mặt nhận thức, thật may mắn cho những ai thời trẻ không một lần được một vị lãnh tụ nào ôm vai bá cổ. Tôi đã chứng kiến một số nhà khoa học tài ba hết lời ca ngợi một vài hành vi rất bình thường của một chính khách có hạng, coi đó như những quyết sách cực kỳ thông minh, thể hiện một trí tuệ siêu đẳng.

Với tâm lý của đa số quần chúng như thế, việc xây dựng thần tượng càng dễ dàng, nếu giới cầm quyền thi hành một chính sách nhằm thần thánh hóa lãnh tụ. Hãy nhớ: một dân tộc văn minh bậc nhất như dân tộc Đức cũng đã từng phát cuồng phát dại vì Adolf Hitler. Nếu giả dụ tài năng của y cũng chỉ như y sẵn có, nhưng y bớt ngông cuồng chút ít, đừng tấn công Liên Xô, dừng tàn sát dân Do Thái, và thỉnh thoảng y ôm chầm lấy một vài phóng viên hay chính khách nước ngoài, thì y sẽ được xem là một trong những lãnh tụ vĩ đại của nhân loại. Bạn có thể nói: thì chính vì y không có được cái đó nên y mới không vĩ đại như một vài lãnh tụ của các dân tộc khác? Đúng vậy, nhưng đòi hỏi đó cũng có gì cao siêu lắm đâu, và làm được điều đó đâu cần phải là một thiên tài?

Và hãy nhớ lại: hàng triệu người Bắc Hàn đã và đang tin rằng cha con ông cháu họ Kim là những lãnh tụ vĩ đại. Hãy nhớ: “Gangnam Style” đang làm hàng trăm triệu người phát rồ. Và nếu có “chiến lược” quảng cáo hợp lý, khiêm tốn hơn chút ít, đồng thời đừng dùng một người “tâng” thô thiển như vị giáo sư nọ, thì Huyền Chíp cũng đã có thể trở thành thần tượng của hàng triệu thanh thiếu niên Việt Nam…

Tâm lý đám đông có thể làm nên những điều ghê gớm. Đặc biệt, khi nó được một tầng lớp có thế lực khéo léo lợi dụng thì nó có thể tạo ra những biến chuyển long trời lở đất. Đám người sùng bái một thần tượng có thể nghiền nát bất cứ nhóm người nào dám nói những điều không hay về thần tượng của họ.

Sùng bái – mảnh đất tốt cho chế độ nô lệ

Một khi người ta tôn thờ một thần tượng, hầu hết là suốt đời người ta sẽ trung thành với thần tượng đó, và không bao giờ đặt ra câu hỏi: Liệu ở góc độ này hay góc độ kia, vị thần tượng của mình có đúng hay không. Dưới chế độ phong kiến, chỉ cần hé răng hỏi liệu vua có sai không đã bị xử trảm rồi. Ở các nước cựu cộng sản, tình trạng cũng không khá hơn là mấy. Tại Liên Xô, ngay cả khi Stalin đã chết thì Khruschëv và một vài ủy viên bộ chính trị khác phải vất vả lắm mới tiến hành được khá thành công cuộc chiến chống lại được tệ sùng bái cá nhân Stalin, và nhiều lúc ông ta đã ở trong tình trạng nguy hiểm cả đến tính mạng. Ở hầu hết các quốc gia độc tài hay độc đảng khác, việc huyền thoại hóa lãnh tụ cũng là cản trở đáng sợ, làm cho tiến trình dân chủ hóa phải chịu biết bao hy sinh mất mát đau đớn. Nhà cầm quyền nắm được cái “thóp” đó, nên họ thường xuyên tiến hành và “mồi” cho quần chúng tham gia xây dựng và “bồi đắp” cho thần tượng.  

Việc trung thành với thần tượng gần như đồng nghĩa với việc trung thành với chế độ mà thần tượng đó đã tham gia dựng nên. Vì vậy, những ai có ý thức vươn tới tự do, hãy đừng mắc mưu những kẻ muốn xây dựng thần tượng để duy trì chế độ.

Một người có công với dân tộc hay nhân loại cần phải được ghi nhận và tôn vinh. Nhưng chỉ nên làm việc đó ở mức độ vừa phải và xứng đáng. Việc ngày nào cũng ra rả ca ngợi, thường xuyên tổ chức hội thảo, tưởng niệm,… cuối cùng chỉ góp phần làm cho xã hội đi thụt lùi, kéo dài sự nô dịch.

*

Đức Phật Gautama (Thích Ca Mâu Ni) – người mà ngày càng được nhiều nhà tư tưởng, nhiều nhà bác học thừa nhận là có tư tưởng cao siêu nhất và cũng đúng đắn nhất – đã từng dạy:

“Con người phải là chỗ dựa của chính mình. Chớ tìm nơi trú ẩn ở chỗ khác.”

NGUYỄN TRẦN SÂM

53 comments on “Sùng bái – mảnh đất tốt cho chế độ nô lệ

  1. Pingback: Thứ Hai, 07-10-2013 – cập nhâ nhật | Dahanhkhach's Blog

  2. Đúng, mỗi người đều có chính kiến của riêng mình, không nên “hùa” theo đám đông ca tụng “ăn theo”, tâng bốc thần tượng một cách mù quáng. Còn nói về danh tướng chánh nghĩa lừng lẫy thế giới của dân tộc Việt Nam thì phải là Đức Thánh Trần Hưng Đạo, 3 lần thống lãnh quân Nam đánh lui ngoại xâm mà không phải cầu viện, bắt tay với giặc Tàu.

  3. Ở Liên Xô trước đây có nguyên soái Zhukov, một vị thống soái tài năng kiệt xuất, luôn đẩy quân Đức vào những tình huống hoàn toàn bất ngờ. Vài ví dụ: trong chiến dịch Leningrad, ông đã cho xe tăng đi vào từ biển (vì ở nhiệt độ dưới 30 độ âm, nước đóng băng rất dày và cứng). Trong chiến dịch Belorus, ông cho xe tăng đi qua đầm lầy, thọc sườn đối phương. Chiến dịch Berlin được ông cho mở đầu vào ban đêm: khi cả thành phố Berlin đang ngủ say, dân chúng và quân tướng bỗng bị đánh thức bởi tiếng gào rú kinh hồn của hàng ngàn xe tăng có gắn thêm máy tăng âm. Quân Đức đã hoàn toàn mất tinh thần, khi lao ra ngoài bỗng chói mắt không nhìn được gì, đâm vào tường, vào cột nhà, rơi xuống hầm hố vì không nhìn thấy đường: mỗi xe tăng của quân Nga đều gắn một chiếc đèn pha cực mạnh, ánh sáng của nó làm đối phương hoàn toàn mù tịt. Quân Đức mất 100% khả năng chống cự.
    Khi nói đến Zhukov, người ta nhớ đến những chiến tích rất cụ thể như vậy. Nhưng ở Nga, người ta cũng không nói đến ông quá nhiều như chúng ta hiện đang nói về Võ đại tướng. Nhưng đáng tiếc là khi nói đến Võ ĐT, ta lại không được nghe những gì cụ thể như thế. Chỉ những lời ca ngợi, ca ngợi và ca ngợi.

  4. Pingback: NHẬT BÁO BA SÀM : TIN THỨ HAI 7-10-2013 | Ngoclinhvugia's Blog

  5. Cám ơn tác giả, người dân Thái lan rất tôn kính vị vua hiên nay của họ nhưng họ tôn kính vua vì thực tế họ được hưởng những điều tốt đẹp mà nhà vua đưa đến cho họ còn tôi chỉ thấy dân Việt ta ngày nay chỉ được hưởng (nghe) điều tốt đẹp qua truyền thông thôi.

  6. Pingback: SÙNG BÁI – MẢNH ĐẤT TỐT CHO CHẾ ĐỘ NÔ LỆ (Nguyễn Trần Sâm) | Ngoclinhvugia's Blog

  7. “Trung thành với thần tượng gần như đồng nghĩa với trung thành với chế độ mà thần tương đó tham gia xây dựng nên”. Chính xác! Nhất là khi ta nhìn vào đám tang của ông Gíap đang diễn ra. Chưa đạp đổ được thần tương HCM, nay lại có thêm thần tượng VNG. Thật khổ cho dân Viẹt Nam, bao giờ mới có tự do, dân chủ bởi vi chưa đạp đổ được những thần tượng này thì sẽ không bao giờ tiêu diệt được bọn cộng sản.

  8. Bài viết rất hay, rất đúng….nhưng tôi cũng thêm vài ý: Người ta năm nào cũng có vài danh nhân xuất hiện ở nhiều lĩnh vực đời sống, người sau vĩ đại hơn người trước, dân người ta cũng đủ trưởng thành để giảm tính bày đàn hơn và đủ trí, đủ lý để nhanh chóng quay về tâm lý thường nhật, sau những giây phút thăng hoa, hưng phân của đám đông về sự xuất hiện hoặc ra đi của danh nhân…Việt Nam quá ít danh nhân, có danh nhân cũng chỉ ở mức vay mượn luận thuyết của nước ngoài. Chưa có ai tầm cỡ thế giới về luận thuyết, hoặc phát minh….nhưng tâm lý đám đông thì như ngày xửa ngày xưa…người ta xếp hàng, tôi cũng xếp hàng….người ta sợ tôi cũng sợ…người ta ca ngợi tôi cũng ca ngợi… “Suy ra là tại Vua Hùng/ đẻ ra một lũ vừa khùng vừa điên/….”

  9. Quá thất vọng về bài này của ông! Nếu như những dòng người lũ lượt đến chia buôn cùng gia đình Đại tướng được tuyên truyền, được o bế, có sự tổ chức của chính quyền thì ông có thể viết như vậy. Nếu như ông có mặt tại Hà nội những ngày này, chứng kiến cảnh người dân thể hiện tình cảm chân thành với Đại tướng thì chắc chắn ông sẽ phải tự hổ thẹn với những dòng viết trên, Hơn nữa, ông phải hiểu rằng đây cũng là một dịp để người dân thể hiện một cách tự phát tình cảm với tinh thần giữ nước của họ thông qua lòng thương tiếc với vị Tướng đã giành lại đất nước từ Pháp và kiên quyết giữ nước trước giặc Tàu.

    • tang lễ đại tướng được thực hiện theo nghi lễ quốc tang —> vậy có phải nó được tổ chức k?, trưởng ban tổ chức lễ tang là ai– là thành viên chính phủ. Hàng trăm đài báo… ở VN tha hồ thi nhau ca tụng VNG, vậy có phải tuyên truyền k?hàng dài người dự lễ tang, các đường phố bị cấm đi lại, các nhóm TN, SV phục vụ nước uống, giữ hàng lối… Vậy nó là cái gì?

    • Thế bạn le thai có biết “vị Tướng đã giành lại đất nước từ Pháp và kiên quyết giữ nước trước giặc Tàu” đã thua nhục nhả ngay trong cuộc đấu đá nội bộ và bị đẩy xuống làm “Chủ tịch ủy ban kế hoạch hóa gia đình không” Không tin tôi thì đi hỏi mấy vị cao niên hay báo chí củ trong thư viện đi nhá!
      Nhân dân chỉ là con rối thiêu thân trong tay những tay chơi chính trị mà thôi!

  10. Bài viết tuy le loi nhưng đáng chú ý. Rõ ràng là chúng ta đang mắc một hội chứng giông giống Bác Hàn. Tất nhiên là không hoàn toàn giống, nhưng có những điểm kiểu như vậy. Công lao cần đánh giá đúng, không nên thổi phồng quá mức. Thổi phồng quá mức lại gây phản cảm. Những người điềm tĩnh, những người trí thức cần bình tĩnh nhìn nhận rằng đằng sau tấm huy chương đều có mặt trái. Việc ca ngợi yêu quý ai hâm mộ thần tượng ai là quyền của mỗi người, nhưng ca ngợi thái quá, chưa chuẩn, dựng lên những điều chưa chắc đã đến đã được được như vậy là chẳng nên chút nào. Bài viết tuy đơn độc nhưng tôi ủng hộ, chuẩn.

  11. Thưa nhà văn, tôi phải khâm phục về nhân cách của ông, ông dám nói thẳng những suy nghĩ của mình. Không cần biết sai hay đúng, nhưng những tiếng nói thật mới thay đổi được xã hội này. Tôi có đồng ý 1 phần về bài viết của ông, chỉ thấy rằng việc ông nói ra lúc này chỉ đúng với lũ nhà báo, nhà văn ăn hôi để lấy nhuận bút, còn với đa số nhân dân, nhất là cựu binh, điều ông nói là hoàn toàn sai, một sự xúc phạm đến họ. Nếu đã phê phán, theo tôi, ông hãy điểm mặt chỉ danh những kẻ đó, đừng coi sự sùng bái, tôn trọng của nhân dân, quân sĩ đối với Đại Tướng là ngang hàng với suy nghĩ của lũ kia. Chúc sức khỏe và thành đạt tới nhà văn!

  12. Pingback: Nguyễn Trần Sâm – Sùng bái – mảnh đất tốt cho chế độ nô lệ | nguoisantin

  13. Pingback: Nguyễn Trần Sâm – Sùng bái – mảnh đất tốt cho chế độ nô lệ | Anle20's Blog

  14. Pingback: Sùng bái – mảnh đất tốt cho chế độ nô lệ | CHÂU XUÂN NGUYỄN

  15. nhìn thấy hàng ngàn người lũ lượt viếng thần tượng rồi thấy bao nhiêu bài báo ca ngợi thần tượng chợt hiểu ra tại sao nước mình mãi làm nô lệ. sáng nay mới đọc được một bài nói lên sự thật đau lòng. mong rằng mọi người tỉnh táo ra.

  16. Đời không cầu toàn khen, cũng không cầu toàn chê. Tốt khen xấu chê mới là con người, thánh thì không có sống chung với người được.

  17. Tôi xin thêm 1 lý do khiến người ta thích thần tượng. Người ta tin rằng dường như mỗi thần tượng của dân tộc làm cho chúng ta có quyền ngẩng cao đầu trước các dân tộc khác. Nhiều người cảm thấy VN có HCM, VNG, Ngô Bảo Châu,… thì bản thân mình được quyền hãnh diện trước người nước ngoài, kể cả khi người nước ngoài đó là người giỏi, còn bản thân mình thì chẳng làm được trò trống gì. ÔI, hão huyền thay việc lấy thần tượng đẻ bù vào chỗ kém cỏi của chính bản thân mình!
    Các vị có để ý không: mấy anh chị phóng viên VN cứ hễ có khách nước ngoài lại hỏi nghĩ gì về VN, HCM, VNG,… Mớm lời để được nghe ca ngợi. Hu hu!

  18. Tôi hoàn toàn đồng ý với những luận lý của tác giả. Đừng tự biến mình thành Bắc Hàn! Dù là vĩ nhân thì cũng là con người và cũng không thể thoát khỏi những giới hạn lịch sử. Và nhìn nhận mỗi nhân vật lịch sử đều cần có độ lùi thời gian. Bây giờ vẫn còn là quá sớm cho cả tôn vinh và phê phán.

  19. Thử lý giải tại sao người Việt ta cần có “thần tượng” ở thời điểm này ?
    Thật ra,dân mình lâu nay cũng đã sống với thần tượng rồi vì nước ta vẫn chưa
    thoát ra khỏi tình trạng lạc hậu,kém phát triển và cái truyền thống Nho giáo vốn
    gò bó con người trong tôn ty trật tự từ gia đình ra ngoài xã hội.
    Thế nhưng,hiện giờ “thần tượng” lại càng trở thành một nhu cầu khi đất nước
    rơi vào đường cùng,thậm chí tuyệt vọng trên hầu hết mọi lãnh vực.Nếu HCM.
    đến nay vẫn được thần thánh hóa để làm chổ tựa tinh thần cho chế độ chính trị
    (vốn thiếu tính chính danh cầm quyền do cách cai trị độc đảng với “dân chủ là
    bánh vẽ”) thì tướng Giáp lại được đa số người VN.ngưỡng mộ xem như là một
    đốm sáng hiếm hoi còn sót lại trước thực tại bế tắc này (mà chưa ai tìm thấy lối
    ra) nên họ thấy cần phải kính phục nhiệt liệt ông tướng như một thần tượng mới
    và gần gũi hơn,nhân dịp ông tướng qua đời !
    Điều nữa là dân chúng cũng muốn nhắc nhở giới chóp bu là hãy sống làm sao
    cho xứng đáng để được đồng bào mình thương tiếc,như tướng Giáp !
    Có lẽ nên nhận thức hợp lý và cô đọng như nhà văn PTH.: vĩnh biệt một thời đại !

  20. Câu kết tôi không đồng ý. Phần còn lại viết chuẩn. Nếu ai quí mến ông Giáp nhưng với kiểu truyền thông ra rả suốt ngày thế này thì cũng phát nản và đặt vấn đề về động cơ của nó.

  21. Thật đáng buồn là có hàng trăm người đang đấu tranh vì chế độ đa đảng lại hết lời ca ngợi 1 công thần hạng 1 của chế độ độc đảng. Chẳng lẽ quý vị không hiểu rằng vài việc tốt nhỏ nhoi của con người đó không thấm tháp gì so với tội đã gây ra hay sao?
    Quý vị đã bao giờ tự hỏi: Nếu có 1 cuộc nổi dậy để chống độc tài thì ông ta có đàn áp hay không? Mơ hồ quá!
    Có thể tính cách cá nhân ông ta có những điểm đáng khen, nhưng thế thì có ý nghĩa gì lắm đâu?

    • có lẽ là ko chỉ riêng bạn mà cả người viết bài nay cũng như đa số dân Việt Nam ko ai biết rõ ddc mặt đen tối của chính trị nếu như bạn biết đc dù chỉ là một chút bí mật QG bạn sẽ ko viết ra đc những lời như này đâu, kể cả tác giả bài viết nhé. Bạn đừng suy nghĩ đơn giản là từ trc đến nay những người đi trc thế hệ HCM chỉ hướng tới chế độ độc Đảng. Bạn ko biết gì hết 🙂 và sau khi chủ tịch HCM qua đời Đại Tướng VNG đã phải đối mặt với những chuyện gì….tất cả vẫn đc giấu kín nhưng sự thật thì rất đáng sợ. Dù có thế nào những con người của thế hệ trước đền đáng tôn trọng, tôi chưa nói đến chuyện sùng bái. Nhưng nếu ko có họ thì bây giờ cũng chưa chắc có Việt Nam để mà cho các bạn bày đặt bàn luận về chính trị hay chế độ đâu

      • Nếu không có những HCM, VNG,… thì VN sẽ như Hàn quốc, Singapore,… mà như thế càng tốt.

      • Đừng áp đặt suy nghĩ, quan điểm của bạn lên người khác. Không có nhiều người nghĩ như bạn đâu. Bạn hãy nhìn ra thế giới đi, so sánh mình với người ta đi. Giờ này còn lẹt đẹt sau đuôi người ta. Xã hội thì băng hoại, quan thì tham lam, vơ vét. Tôi không xúc phạm gì những người đã chết, họ đã là lịch sử và để lịch sử phán xét, và tôi cũng không có lý do gì để sùng bái, tôn trọng họ. Tôi chẳng khinh chẳng trọng
        .

  22. Tác giả nói đúng: Nhưng nếu người ôm bạn là một yếu nhân của một quốc gia, thì dù người đó không có gì thật sự kiệt xuất, bạn cũng sẽ thấy xúc động và nhớ mãi cái ôm đó. Đến như Cù Huy Hà Vũ, người đấu tranh cuồng nhiệt vì dân chủ đa đảng, mà do gia đình được gần HCM và VNG, cũng hết lời ca ngợi 2 nhân vật cọng sản này.

  23. Sao không ai tự hỏi rằng, nhửng điều buộc tội của đảng csvn đối với VNG có thể là đúng người đúng tội, Vì vậy ông ta đành im lặng , lại được nhửng người ca tụng ông ta gọi là “nhẩn”, thật sự điều đó nên được gọi là ngậm miệng ăn tiền. Đội bóng đá của Vn chiến thắng trở về củng được tiếp đón linh đình cuồng nhiệt nên có thấy giòng người đén thăm viếng ông đông đảo củng cần phải suy nghỉ cho thấu đáo Bấc Hàn củng là một thí dụ

  24. Tất cả những người ca ngợi Võ Nguyên Giáp đều không ai đưa ra được bằng chứng nào thật sự thuyết phục về những quyết định cụ thể mang lại chiến thắng trong chiến tranh chống Mỹ và VNCH. Và trên thực tế, cánh Lê Duẩn – Lê Đức Thọ – Văn Tiến Dũng đã vô hiệu hóa ông ta. Mấy ông đại tá chỉ ca ngợi bản nhật lệnh của ông ấy với câu “Thần tốc, thần tốc hơn nữa – Táo bạo, táo bạo hơn nữa…”. Nhưng đó chỉ là hô hào, có phải quyết định chiến lược hay phương án tác chiến đâu. (Mà nghe nói đó cũng là những câu mà ông Lê Duẩn bắt VNG thêm vào, chứ có phải chính ông Giáp viết ra từ đầu đâu.) Ca ngợi một vị tướng mà như thế thì vô nghĩa. Không phải ngẫu nhiên mà ông Giáp phải chấp nhận rời vị trí BT quốc phòng.
    Lại nữa, khi ông Giáp phụ trách khoa học, ông làm giới KH thực sự bất bình. Vào khoảng năm 1977, ông tuyên bố: “Ta đã thắng Mỹ thì ta làm gì cũng được” và “Trong vòng 10-15 năm, ta phải đuổi kịp và vượt Nhật Bản”. Ông cũng o ép các GS Trần Đại Nghĩa và Tạ Quang Bửu đến mức 2 ông này phải xin từ chức.
    Cũng không ngẫu nhiên mà trong dân gian khi đó có câu “…Ngày nay ĐT cầm quần chị em.” Đó là kết quả của việc dân tình ông ưa ông.
    Tuy nhiên, đến khi đời sống nhân dân xuống dốc thê thảm vào những năm 1980, dân tình oán giận cánh đương chức, bèn bắt đầu thêu dệt những huyền thoại, nói dường như vì ông Giáp quá tuyệt vời nên bị cánh Lê Duẩn kèn cựa. Cộng với đội ngũ sĩ quan bất mãn với cánh Văn Tiến Dũng, cũng bắt đầu tâng ông GIáp lên để hạ nhục cánh kia (bằng tin đồn trong dân gian). Cuối cùng thì những huyền thoại về ông Giáp đã biến ông thành vị thánh. Nhưng toàn ca ngợi chung chung cả, chẳng có bằng chứng thuyết phục nào.
    Cho nên tôi cũng rất đồng ý với tác giả Nguyễn Trần Sâm, mặc dù ông không đả động gì đến VNG trong bài viết.

  25. Xin kể chuyện này, quý vị nghe cho vui.
    Một lần Beethoven và Goethe đang đi dạo thì gặp xa giá nhà vua. Lính nhà vua thét: “Hai kẻ kia, dẹp ra một bên cho Vua đi.”
    Goethe đứng ra vệ đường, kính cần cúi mình nhường đường. Còn Beethoven cứ giữa đường, ngẩng cao đầu bước tới. Tên lính cầm loa quát: “Ông kia, ông là ai mà không tránh đường cho Vua đi hả?”
    Beethoven dõng dạc: “Ta là Beethoven. Tốt nhất bảo nhà vua tránh cho ta đi. Vua thì nhiều, còn Beethoven chỉ có một.”
    Nhà vua nghe vậy, bảo lính cho xe dẹp ra một bên, nhường cho Beethoven đi.

  26. Hành trình của thi hài Võ đại tướng: Viện 108 ==> Nhà riêng ==> Nhà tang lễ quốc gia ==> Sân bay Nội Bài ==> Sân bay Đồng Hới ==> Bờ biển Vũng Chùa ==> Đảo Yến. Đến đây chắc đã yên chưa? Sao khổ thế! Mà cả gia đình con cháu cũng khổ. Sau này mỗi lần viếng mộ lại khổ tiếp.
    Giá mà đốt cái vèo, đem tro về hoặc rải xuống sông xuống biển, đơn giản biết bao! Nhưng chắc có âm mưu yểm đảo chi đây. Ở đất nước này mọi thứ đều có thể…

  27. Bài viết hay nên đọc…;) Nhất là những người đang ca tụng và thần thánh hoá các lãnh tụ VN.Cảm ơn tác giả.

  28. Chế độ của các nước Bắc Âu là văn minh nhất, mức sống của dân thường ở đó cũng rất cao. Muốn xây dựng được một quốc gia như vậy phải có những con người rất giỏi giang. Nhưng tại sao ở đó không thấy nhắc đến thần tượng nào? Vì người văn minh ghét thần tượng.
    Ở Na Uy, Thụy Điển, thủ tướng cũng phải tự phục vụ và chẳng có ai bảo vệ. Đối với họ, làm quan chỉ là 1 nghề như bao nghề khác thôi.
    Còn nhớ, hồi 1977 gì đó, ngài thủ tướng Phạm Văn Đồng sang Thụy Điển để cảm hơn họ. Chỉ có người đồng nhiệm ra đón. Không có hàng vạn quần chúng xếp hàng vẫy cờ. Ông Đồng quen thói được săn đón, rất bực mình. Ông trách phía Thụy Điển coi thường ông. Thủ tướng Thụy Điển giải thích vì ở nước họ không có điều luật nào cho phép bắt quần chúng ra đường làm cái việc như vậy.
    Thật mỉa mai cho sự kém hiểu biết!

    • các “đỉnh cao trí tuệ của ta” suốt ngày tụng kinh Mac LeNin, có ai được học hành đàng hoàng và mở trí nảo ra ngoài như thời đại bây giờ đâu mà biết!

  29. Câu “Con người phải là chỗ dựa của chính mình. Chớ tìm nơi trú ẩn ở chỗ khác.” nghe lạ quá, trích trong kinh Phật nào, xin chỉ giáo.

    • Thưa bạn đọc “nguyen thuy”,
      Tôi viết bài này như một lời tâm sự với bạn bè, không phải với tính cách một công trình nghiên cứu, nên không cẩn thận đến mức phải chỉ ra nguồn trích dẫn. Và cũng hơi đáng tiếc là bây giờ tôi không nhớ chính xác được đã đọc câu đó ở tài liệu nào. Mong bạn thông cảm.

  30. Tâm sự thì cũng cần cẩn thận và chính xác chứ, nếu không thì rơi vào trường hợp trích dẫn ở trích dẫn, rồi đưa vào đề thi như chuyện năm nào ở Việt Nam.

    • Hoạnh họe gì mà có vẻ cay cú thế hả “nguyen thuy”? Nếu không tin thì hãy coi những dòng này:
      “Vậy nên này Ananda, hãy tự mình là ngọn đèn cho chính mình (atta-dipà viharatha), hãy tự mình y tựa chính mình (attàsaranà) chớ y tựa một cái gì khác. Dùng chánh pháp làm ngọn đèn, dùng chánh pháp làm chỗ nương tựa, chớ nương tựa một cái gì khác …”
      (Xem link http://phatgiao.org.vn/loi-phat-day/201401/Hay-tu-minh-thap-duoc-len-ma-di-13331/)
      Lời lẽ ở đây có hơi khác câu trích dẫn của Nguyễn Trần Sâm, nhưng đó chỉ là do cách dịch.

    • sao bạn không để tâm lo lủ chó sói và cáo đang ở ngay trước nhà mình, nước mình, mà lại đi bắt chí rận nhà khác làm chi vậy!?

  31. Xin chào ông Nguyễn Trần Sâm.Tôi rất tán đồng với quan điểm của ông trong bài viết này. Tôi mong ông hãy dũng cảm, có đủ nghị lực và sức khỏe để dùng ngòi bút của mình giúp cho người dân Việt Nam ngày càng hiểu rõ hơn về dân chủ, nhân quyền, tự do thực sự mà mỗi người khi sinh ra đều có quyền được hưởng,

  32. “Người này thấy người khác ca ngợi mà mình chưa góp lời được thì cũng cố ca ngợi vài câu, nếu biết được một vài chi tiết cụ thể về con người đó thì càng hãnh diện. Ít có người nào tuy biết chút ít nhưng vì thấy mọi người ca ngợi quá nhiều rồi nên thấy mình nói thêm cũng thừa và nhiêu khê.”
    Quá đúng!

  33. Nhìn cảnh hàng chục hàng trăm người lễ mễ khiêng cặp bánh chưng gần 1 tấn để “dâng” lên ai đó, thấy ngu xuẩn, cảm giác tởm.

  34. Pingback: Ông Nguyễn Phú Trọng muốn trở thành người hay thành quỷ? | Thơ Quê Hương

  35. Pingback: Sùng bái – mảnh đất tốt cho chế độ nô lệ | Sầu Đông

Gửi phản hồi cho Binh Hủy trả lời