Thiên An Môn: bài học về tội ác man rợ còn đó

J.B Nguyễn Hữu Vinh

THIEN AN MON 02Kỷ niệm 20 năm cuộc đàn áp đẫm máu tại Quảng trường Thiên An Môn – của nhà cầm quyền Bắc Kinh với những người dân Trung Quốc biểu tình đòi tự do, dân chủ, hãy suy nghĩ về tội ác không thể quên đối với loài người.

Quân đội nhân dân Trung Quốc với những đoàn xe tăng được mua bằng tiền của nhân dân đã được huy động đến để cán nát những thanh niên, sinh viên và quần chúng yêu nước, yêu tự do dân chủ vào đêm 4.6.1989 tại Quảng trường Thiên An Môn.

Con số người chết chưa được công bố rõ ràng. “Những ước tính về con số thiệt mạng dân sự khác nhau: 400-800 (CIA), 2.600 (Chữ thập đỏ Trung Quốc) và một nguồn chưa được xác định khác là 5.000. Số người bị thương từ 7.000 đến 10.000” (Theo Wikipedia)

Những tội ác dù được thực hiện ban đêm theo sách lược của những người Cộng sản Trung Quốc, họ tưởng chừng có thể mượn màn đêm che đi tội ác của mình trước lương tri nhân loại. Nhưng, nhân loại không quên, nhân dân Trung Quốc đã không quên.

Đây là một tội ác man rợ của nhà cầm quyền Trung cộng với chính đồng bào mình, nhân dân mình.

Đã hai mươi năm qua, cuộc tàn sát đẫm máu đó vẫn đang là một nỗi đau và uất hận trong lòng mỗi người dân Trung Quốc yêu chuộng hòa bình, tự do, dân chủ. Đó vẫn là một vết nhơ ngàn đời không thể rửa và là một minh chứng hùng hồn, bài học đau thương về tội ác của Trung cộng đã gây ra ở đất nước này.

Sự kiện đó nói lên điều gì?

Không thể giải thích gì hơn là vì để bảo vệ sự độc tài của mình, Đảng Cộng sản Trung Quốc đã không ngần ngại quay lại để cán nát quần chúng nhân dân Trung Quốc khi họ chống tham nhũng và đòi tự do dân chủ.

Cũng không thể giải thích gì hơn, chính những người Cộng sản Trung Quốc luôn tự vinh danh là nô bộc của nhân dân đã lộ nguyên hình là những kẻ khát máu và bất chấp tính người khi vị trí độc quyền, độc đảng của mình bị đe dọa bởi những cuộc biểu tình ôn hòa, bất bạo động. Họ đã trở mặt với nhân dân khi quyền lực đã được kiểm soát bởi tay họ.

Đó cũng là cách hành xử của một “chính quyền được sinh ra từ họng súng” như Mao Trạch Đông đã nói.

Tội ác diệt chủng

Nhớ đến tội ác diệt chủng, người ta không thể quên đất nước Campuchia láng giềng đã từng chịu nạn diệt chủng một thời gian dài dưới bàn tay của bọn Khơme Đỏ  Polpot – IengXary. Những người cũng thường tự mệnh danh là “Cộng sản chân chính và trong sạch”. Những đàn em, học trò của Chủ nghĩa Mao và Cộng sản Quốc tế.

Bè lũ Polpot – IengXary một thời đã là “những người cộng sản anh em” của Việt Nam, đã gây bao nhiêu tội ác diệt chủng không chỉ với nhân dân Việt Nam bằng những cuộc tàn sát đẫm máu ở Ba Chúc – An Giang với 3.157 người bị sát hại từ buổi sáng 18-4-1978. Hơn 20.000 người Việt Nam tại dọc biên giới đã bị bọn chúng sát hại.

Hơn thế nữa, ngay cả với đồng bào, nhân dân mình, bè lũ Polpot còn thực hiện chính sách diệt chủng và cải tạo xã hội bằng cuốc, thuổng để xây dựng một “mô hình Cộng sản trong sạch”: Không chợ búa, không gia đình, không tiền tệ, không trí thức…

Hậu quả của việc “xây dựng Chủ nghĩa Cộng sản trong sạch” này là 2,5 triệu người Campuchia đã bị sát hại dã man.

Với những tội ác diệt chủng này, người ta thấy bóng dáng của Chủ nghĩa phát xít hiện nguyên hình. Chỉ có điều khác hơn là Chủ nghĩa Phát xít dù man rợ, cũng thường chỉ giết hàng loạt người dị chủng trừ dân tộc mình. Còn ở đây, bọn Khơme Đỏ đã không ngần ngại gây tội ác diệt chủng ngay với nhân dân mình, đồng bào và dân tộc mình.

Trên bình diện quốc tế, những cuộc chiến giữa những đất nước “cộng sản anh em” lại là những cuộc chiến đẫm máu và khốc liệt. Điển hình là cuộc xâm lược Việt Nam của nhà cầm quyền Bắc Kinh từ 17.2-05.3.1979. Những tội ác này còn in đậm trong lòng người Việt Nam dù vốn giàu lòng vị tha.

Những bài học cho hôm nay

Những nạn nhân của cuộc đàn áp này đã hai mươi năm chưa được siêu thoát. Người thân của các nạn nhân đang đau nỗi đau riêng của gia đình và nỗi đau chung của cả dân tộc Trung Quốc vẫn dưới sự cai trị của nhóm độc tài đảng trị.

Những hình ảnh, những video quay lại sự rùng rợn, ghê tởm của tội ác Thiên An Môn hai mươi năm trước nhắc nhủ người dân Việt điều gì?

Với chính nhân dân mình, đồng loại của mình, dân tộc mình mà nhà cầm quyền Bắc Kinh còn không ngần ngại dùng xe tăng cán nát hàng loạt, là một tội ác chống nhân loại.

Vậy thì đâu có gì lạ khi những ngư dân Hậu Lộc – Thanh Hóa hiền lành đánh cá trên biển Việt Nam bị tàu Trung Quốc bắn chết một cách ngang nhiên.

Đâu có lạ gì khi để thỏa mãn mưu đồ bành trướng của giấc mơ Đại Hán, nhà cầm quyền Bắc Kinh đã tấn công chiếm giữ Hoàng Sa của Việt Nam năm 1974. Năm 1988, Trường Sa của Việt Nam cũng đã bị đánh chiếm trắng trợn, 64 chiến sỹ đã bỏ mạng khi canh giữ từng hòn đảo chìm của đất nước.

Đâu có gì là lạ khi những ngư dân Việt Nam hiện nay đang bó gối ngồi nhà vì những lệnh ngang ngược cấm đánh bắt cá trên biển Việt Nam từ nhà cầm quyền Trung Quốc sau khi hàng loạt tàu bè của ngư dân bị tàu của “nước ngoài” tấn công.

Chỉ có những điều lạ là những cuộc biểu tình, biểu thị lòng yêu nước của thanh niên và nhân dân Việt Nam đã bị nhà cầm quyền Việt Nam trấn áp. Chỉ có điều lạ là những “công nhân nước ngoài” vào Việt Nam lao động với con số đã tính được là hàng ngàn người và rất nhiều người không hề có giấy phép mà không có cơ quan nào đứng ra nhận trách nhiệm.

Và có một điều lạ lùng nhất, là dự án Bauxite Tây Nguyên đã được triển khai, rước quân Trung Quốc vào mái nhà Tây Nguyên, dù mọi tầng lớp nhân dân, trí thức đã hết sức bất bình.

Để giải thích điều lạ lùng này, cũng cần biết rằng chính những cơ quan đã và đang “làm hết sức mình” cho dự án này được triển khai lại là cơ quan đã có trang web tuyên truyền rằng phần lãnh thổ Việt Nam bị Trung Quốc cướp đoạt là “của Trung Quốc”?

Với những người cộng sản Trung Quốc, khi chính nhân dân mình, đồng bào mình còn bị tàn sát không gớm tay, thì với nhân dân Việt Nam hay dân tộc khác, có nên trông đợi vào sự hữu hảo, hữu nghị hay lòng tốt của họ?

Dù cho đó là 16 chữ vàng hay 1600 chữ gì đi nữa, cũng cần suy xét và cân nhắc cẩn thận những lời hoa mỹ của những người Cộng sản Trung Quốc với đất nước này, dân tộc này.

Là người dân Việt Nam, chúng ta hãy tỉnh thức, nếu chúng ta không muốn đất nước này quay lại thời kỳ 1000 năm Bắc thuộc.

Hà Nội, Ngày 4 tháng 6 năm 2009

J.B Nguyễn Hữu Vinh

Advertisement

– BIẾN CỐ THIÊN AN MÔN: một người dân thường nhớ lại

Chuyện Thiên An Môn vẫn đầy nhạy cảm ở Trung Quốc

MOT NGUOI BINH THUONG NHO LAIKhông chỉ có sinh viên tham gia cuộc biểu tình ở Bắc Kinh năm 1989, người bình thường sống ở chung quanh cũng gia nhập phong trào.

Một cư dân Bắc Kinh có mặt ở thành phố trong suốt thời gian biểu tình nói rằng có rất nhiều người bình thường ủng hộ các đòi hỏi của sinh viên.

“Chủ yếu là họ đòi dân chủ, tự do và phát triển kinh tế, và chống lại tham nhũng”, một người 57 tuổi muốn giấu tên cho biết.

Nhưng lúc ban đầu thì ông rất thận trọng trước khi tham gia biểu tình.

“Nói thật với quí vị là tôi khá sợ, cho nên không muốn liên can tới chuyện này, mà chỉ đứng ngoài nhìn.”

Nhưng đến đêm 3 tháng Sáu thì ông biết sẽ có chuyện gì đó xảy ra vì tất cả các chương trình truyền hình bất ngờ bị hủy.

“Chỉ có một thông báo của chính quyền nói chúng tôi đừng ra khỏi nhà, cho nên tôi ra ngoài và chứng kiến những gì đã xảy ra”.

Ông muốn tới lo cho mẹ, nhưng đến một khu giao lộ ở Hạ Hưng Môn, phía tây Quảng trường Thiên An Môn, thì trông thấy quân lính.

“Có rất nhiều binh sĩ và họ nổ súng. Phản ứng đầu tiên của tôi là nằm xuống đất,” ông kể.

Ông chạy vào bệnh viện nhi đồng ở gần đó, và thấy có hơn 20 người đang được chữa trị.

Người ta đem những người bị thương đến trên xe hơi và xe hai bánh, và một số người thì đi bộ. Và ở một bệnh viện gần đó ông nhìn thấy có thêm người bị thương.

Trong vòng vài ngày sau đó đa số dân chúng ở nhà; các văn phòng đóng cửa và hầu như không có phương tiện giao thông công cộng.

Ông nói giới trẻ ngày hôm nay không biết gì về những chuyện đã xảy ra hồi 20 năm trước.

“Không hề có thông tin gì trên sách giáo khoa cả cho học sinh tiểu học lẫn trung học. Nhưng điều này không thể quên được,” ông nói.

Việc nhân chứng này không muốn nêu tên chứng tỏ vấn đề vẫn còn đầy nhạy cảm ở Trung Quốc.

“Chính phủ cần khôi phục danh dự cho những người tham gia, vì những gì họ làm là vì đất nước – vì dân chủ và chống tham nhũng.”

Nhưng ông nói chuyện đó sẽ không xảy ra với thế hệ lãnh đạo hiện nay, hay thậm chí kế tiếp – nhưng một ngày nào đó, sự đánh giá lại sẽ phải xảy ra.

Người dân địa phương này nói chuyện với phóng viên BBC Michael Bristow ở Bắc Kinh.
 
BBCVietnamese.com

– Cô giáo BÍCH HẠNH bị đuổi việc vì “xuyên tạc đường lối”

© BBC June.4.2009 

CO GIAO BICH HANHCô giáo Bích Hạnh về dạy ở Quảng Nam theo diện “thu hút nhân tài”

Một nữ thạc sỹ, giảng viên môn văn vừa bị Sở Giáo dục tỉnh Quảng Nam quyết định cho thôi việc vì vi phạm kỷ luật.

Báo Dân Trí trích quyết định của Sở Giáo dục nói rõ cô giáo Nguyễn Thị Bích Hạnh, 28 tuổi, bị buộc thôi việc vì “đã vi phạm nghiêm trọng trong việc xuyên tạc đạo đức nhà giáo; sử dụng bục giảng làm nơi tuyên truyền những nội dung trái với quan điểm của chính sách Nhà nước; xuyên tạc đường lối của Đảng, chủ trương pháp luật của Nhà nước, vi phạm quan điểm nội dung giáo dục trong việc cập nhập khai thác, truyền bá trang web phản động, phản giáo dục”.

Cô giáo Hạnh trước khi bị cho thôi việc đã được nhận vào giảng dạy tại trường Trung học Phổ thông chuyên Nguyễn Bỉnh Khiêm theo diện “thu hút nhân tài” của tỉnh Quảng Nam.

Nói chuyện với BBC từ Quảng Nam, nơi cô đang hoàn tất thủ tục chế độ, cô Bích Hạnh cho biết trong một số tiết dạy hồi năm ngoái, cô đã đề cập với các em học sinh một số bài viết trên các trang mạng hải ngoại như talawas và tienve.org với mục tiêu “hướng dẫn các em biết cách tự học, tự đọc, tự tìm tòi phân tích thông tin”.

Tuy nhiên sau đó, theo phản ánh của học sinh, cô Hạnh đã bị điều tra làm rõ về việc “tuyên truyền tư tưởng phản động”.

“Lúc chuyện xảy ra, tôi đang làm chủ nhiệm lớp 10 toán, và bị quyết định thôi không chủ nhiệm nữa. Thế nhưng, tôi vẫn được giảng dạy bình thường, cho tới gần đây khi Sở có quyết định cho thôi việc.”

“Chưa có dự định”

Chính thức từ 01.06, thạc sỹ Nguyễn Thị Bích Hạnh đã phải ngừng việc giảng dạy.

Cô Hạnh cho biết sau khi hoàn thành thủ tục chế độ, cô sẽ về quê ở Nghệ An nhưng “chưa có dự định gì rõ ràng”.

Cho dù các trang web đó chưa được chính thức ở Việt Nam nhưng học trò bây giờ, dù chính thức hay không, các em vẫn đọc và đọc rất nhiều.

Cô giáo Nguyễn Thị Bích Hạnh

Cô nhận định: “Việc dạy học của tôi trong tương lai có lẽ sẽ khó khăn với hồ sơ như thế”.

Được biết, cô Bích Hạnh là người Công giáo, đã tham gia giảng giáo lý tại Nhà thờ Tam Kỳ hai năm nay và từng hiệp thông với Nhà thờ Thái Hà ở Hà Nội trong các vụ việc gây tranh cãi hồi năm ngoái.

“Người ta cho rằng tôi là người Công giáo, lý lịch lại không tốt vì bố tôi đã phải đi cải tạo 20 năm cho nên tôi có “tư tưởng khác””.

Tuy nhiên theo cô Hạnh, điều này không được ghi trong các văn bản hồ sơ chính thức của ngành giáo dục.

Khi được hỏi liệu việc giới thiệu các website hải ngoại không được lưu hành trong nước tới học sinh có phải là vi phạm quy định hay không, cô Bích Hạnh trả lời: “Tôi không nghĩ như thế, vì nhiều giáo sư nổi tiếng của Việt Nam đều đã viết bài đăng trên các website đó”.

“Cho dù các trang web đó chưa được chính thức ở Việt Nam nhưng học trò bây giờ, dù chính thức hay không, các em vẫn đọc và đọc rất nhiều.”

“Đó là mong muốn và nguyện vọng chính đáng của các em.”

© BBC June.4.2009